Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

THƠ GIỮA CHIẾN TRANH VÀ TÙ ĐẦY (Trích phỏng vấn Thanh Tâm Tuyền của Lê Hữu Khóa) Ngô Thế Vinh






 (Thanh Tâm Tuyền một tên tuổi lớn trong văn học Việt Nam hiện đại, với hai đóng góp đặc sắc trong đời sống văn học kể từ sau 1945. Về thơ, Thanh Tâm Tuyền đã dứt bỏ với thể thơ truyền thống có vần điệu, và ông là đại diện cho phong trào thơ tự do. Hai tập thơ đầu tiên Tôi Không Còn Cô Độc và Liên, Đêm và Mặt Trời Tìm Thấy đã khai sinh ra một thế hệ “làm thơ/ fait de la poésie” và “không còn làm những câu thơ theo vần/ ne fait plus de vers”.
Về văn xuôi, tác phẩm đầu tiên cuốn Bếp Lửa đã đánh dấu một đoạn tuyệt/ point de non-retour so với kỹ thuật kể chuyện cổ điển. Ở Thanh Tâm Tuyền, sự cô đọng của ngôn từ góp phần vào sự tăng tốc nhịp điệu / accélération des rythmes và chủ động trong xúc cảm thẩm mỹ/ maitrise du sens esthétique.
Là tác giả được biết tới nhưng lại ít được giới phê bình nghiên cứu một cách sâu rộng trong khoảng thời gian chiến tranh 1954-1975, và ngay cho tới bây giờ Thanh Tâm Tuyền là tác giả đáng ngại nhất / le plus redoutable cho giới phê bình văn học Việt Nam, do phong cách sáng tạo phức tạp/ démarche créative complexe và cả lý thuyết văn học tổng hợp/ théorie littéraire synthétique của ông. Tất cả trên một cái nền sáng tạo mới của nhạc tính thi ca/ musicalité poétique.
Thanh Tâm Tuyền trong số các nhà văn hiểu rõ sự tàn phá đất nước Việt Nam do chiến tranh, ông cũng đã sống nhiều năm trong tù đầy, ở tù 7 năm ra tù 1982.)
***
KINH NGHIỆM VĂN CHƯƠNG TRONG CHIẾN TRANH 54-75
Ngoại trừ thơ, tôi [Thanh Tâm Tuyền], đã có hai thời kỳ ghi dấu bởi hai tác phẩm văn xuôi. Cuốn thứ nhất là Bếp Lửa (1954) mô tả khung cảnh Hà Nội trước 1954, với những người ra đi cũng như những người ở lại, cả hai đều bị giằng co bởi những chọn lựa miễn cưỡng, sự chia ly hay cái chết. Tức thời đã gây phản ứng chỉ trích của mấy nhà văn cách mạng. Trong bài nhận định của tạp chí Văn Nghệ (Hà Nội), một cây bút phê bình đã chất vấn tôi: “Trong lúc nhân dân miền Bắc đang tung toàn lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì nhân vật trong Bếp Lửa đang ở đâu ? ” Tôi đã trả lời: “Hắn đi về hướng huỷ hoại của lịch sử”, mỗi nhà văn là một kẻ sống sót.
Cuốn sách thứ hai, Ung Thư (1970) có thể coi như một tiếp nối của Bếp Lửa. Ung Thư là một hiện hữu mà chúng ta chấp nhận giữa định mệnh phù du và sự lạnh lùng của cái chết. Cuốn sách ấy chưa hề được xuất bản. [tiểu thuyết Ung Thư đăng từng kỳ trên báo Văn từ 1964, là một tác phẩm quan trọng thứ hai của TTT sau Bếp Lửa, ghi chú của người viết]
...
***
KINH NGHIỆM VĂN CHƯƠNG TRONG TÙ CẢI TẠO 75-82
Đối mặt với cảnh rối loạn và tình trạng hỗn mang khoảng thời gian sau 1975, tôi nghĩ rằng tôi đã sống hết cuộc đời mình, thời gian còn lại là phần thặng dư, tôi không còn bận tâm nghĩ tới nữa. Mất ảo tưởng toàn diện/ désillusion totale. Năm 1975, chế độ mới bắt tôi vào trại tù cải tạo cùng các bạn "đồng hội đồng thuyền”, chúng tôi rời đồng bằng đi về các miền núi với bình tĩnh và vô cảm, không tuyệt vọng và cũng không hy vọng.
Tôi đã nghĩ tới “biến mất/ disparaitre” không hy vọng trở về, như thứ cặn bã bị cuốn đi bởi cơn lụt của lịch sử/ l’inondation de l’histoire. Nhưng tôi đã lầm. Họ đưa chúng tôi ra Bắc, tới những cánh rừng già cô lập với thế giới bên ngoài, bỏ mặc tôi với thiên nhiên, tự do với “mục tiêu đi đốn gỗ mỗi ngày”, tôi đã tập leo và trượt núi chờ cơ hội đào thoát. Nhưng rồi mỗi ngày tôi chỉ tìm thấy con đường trở về trại.
Tại sao tôi gọi đó là trở về ? Có phải “chẳng còn hy vọng”, hay là sự vỡ mộng của con người bị ruồng bỏ, của con người tuyệt vọng? Vào lúc này, tôi thực sự sống trong hy vọng không hiện hữu/ l’inexistence, trong một vùng bất khả xâm nhập, một tình trạng không còn liên hệ/ non-relation. Điều ấy không rõ ràng với tôi. Rồi tôi được thuyết phục rằng tôi đã được hồi sinh/ ressuscité, có nghĩa là thi ca đã trở lại, tôi hạnh phúc sung sướng. Tôi cũng đã bẽn lẽn như hồi còn trẻ, với những bài thơ đầu tiên, tôi dấu các bạn trong trại, tôi không dám đưa ra.
Khi anh sống vô cảm ngày qua ngày, không nghĩ gì tới tương lai, không hoài niệm quá khứ, không ưu tư với hiện tại, anh còn lại gì ? Vẫn còn cái gì đã hiện hữu trong anh, và điều ấy vẫn hiện hữu cho dù anh muốn hay không.
Để qua đi những ngày ảm đạm, với mưa, với hè nóng cháy, với sương giá, với bão tố, với những mùa thay đổi, tôi tìm niềm vui trong những thứ ấy, trong tôi, thứ duy nhất mà tôi mang theo, luôn luôn ở trong tôi.
Trong tôi còn lại gì ? Gia đình, bạn hữu. Những bài thơ, đã đọc và nhập tâm/ intériorisés, dĩ nhiên. Một khoảnh khắc tới, ký ức chuyển vận mau chóng, đọc những bài thơ cho riêng tôi. Nơi ấy anh có thể gặp những ánh sáng kỳ lạ. Thời gian của những tàn lụi/ le temps des ruines tăng sức cho thi ca.
Đằm mình trong thời gian “phi lịch sử/ sans histoire” hay đúng hơn không lịch sử từ bên ngoài/ sans l’ histoire de l’extérieur, người ta khám phá ra rằng những ngày, những tháng trong cuộc sống không định hướng, không mục đích, trần trụi. Tuyệt đối trần trụi. Không hiện hữu của đời sống/ inexistence de la vie đem tới sự thanh thản nội tâm/ paix intérieure. Trạng thái thơ thanh bình này/ état poétique paisible ngự trị trên một vũ trụ tĩnh lặng.
Từ đó mỗi bài thơ là một thời gian đóng kín/ temps clos, tách rời khỏi vận động của cuộc sống. Thời gian của lo âu bỗng trở thành thời gian cô đọng/ temps condensé, không có sự khác biệt nào giữa [thời gian] ngưng đọng và trôi qua.
Làm thơ trong trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ la poésie de tradition populaire. Chế độ làm việc trong trại là một ngày căng thẳng tám tiếng, không có cuối tuần; mỗi tù nhân có một vũ trụ riêng: một manh chiếu, năm sáu chục tù nhân trên dưới hai tầng giường, khoảng hơn trăm người trong một lán dưới một mái che. Viết là một xa xỉ: một chỗ ngồi, thời gian viết. Với nhịp độ áp đặt trên đám tù nhân trong rét lạnh, đói... ai còn dám nghĩ tới sáng tạo? Ngay cả một thiên tài, một năng lực siêu nhiên cũng không thể vượt qua được những “ức chế” như vậy.
Tuy nhiên, trong tiếng Việt, người ta nói “làm thơ” chứ không ai nói “viết thơ”. Như vậy, người ta có thể làm thơ khắp nơi, trong bất cứ vị trí nào: khi đang đi, đứng, nằm, ngồi, khi tỉnh thức... Thi ca tới với bạn không hẹn trước, không định ngày, định giờ. Người ta không thể tìm vì không biết nó ở đâu. Chỉ còn là một công việc đơn giản: đón nhận và trao đổi với nó. Thơ đòi hỏi ở bạn một điều duy nhất: giữ cho được tiếng nói thuần khiết/ parole pure và sau đó tiếng nói ấy sẽ quyết định đời sống của chính nó.
Thơ thường kín đáo, đôi khi nó đi vào bằng cửa chính, đôi khi bằng con đường nhỏ, bạn lắng nghe và chú ý. Thơ chuộng sự ẩn mặt/ se masquer, che dấu/ se voiler, do đó nếu trí nhớ bạn không tỉnh thức, bạn sẽ không thể nhận diện nó.
Trong lúc bạn “lao động vì mục tiêu cách mạng”, thơ tới với bạn. Bất ngờ, giữa cánh đồng, giữa rừng rậm... Thơ tới, thơ bắt bạn dừng lại. Bạn bắt đầu thấy bầu trời và rồi quên đi những cử động máy móc. Thơ sớm đưa bạn tới một trạng thái nội tâm thanh tịnh. Sự tự-hiện-sinh/ autoexistence ấy đem tới niềm vui. Bởi vì khi thi ca buông anh ra, anh trở lại cuộc sống mà anh đã dám chối bỏ. Anh thấy cuộc sống này tự chuyển đổi thành tiết điệu của các câu thơ. Chỉ làm việc với đôi cánh tay, trong khi đôi tai đuổi theo những tiết điệu, nhạc tính của bài thơ. Sự hoà điệu này đem lại cân bằng cần thiết giữa giới hạn lao động trong những động tác và ký ức đang tích luỹ/ stocke.
Nhưng thực tế làm thơ trong trại cải tạo, sự khó khăn vẫn có đó. Vì không thể nào viết sửa/ rédiger những bài thơ, như trạng thái hạn chế cuối cùng của sáng tạo: niềm vui cao giọng đọc thơ và chia xẻ với bằng hữu xung quanh. Thơ phải được đọc và nghe/ la poésie doit être lue et écoutée, đó là số phần cuối cùng của thơ. Số phận của tiếng nói nhưng cũng là số phận ký ức của nhiều người.
Sau khi được trả tự do, trên đường trở về, việc đầu tiên mà tôi đã làm là tự thu mình và viết xuống những bài thơ trong trí nhớ của suốt thời gian bị giam cầm. Tôi là người sống sót, nhưng tôi không còn muốn là một nhà văn, như tôi đã từng luôn luôn ao ước bấy lâu; Tôi đã ghi trong ký ức tù cải tạo: “Tới lúc tôi phải viết như không có gì đã xảy ra/ comme si rien s’était passé, như không có gì biến đổi/ comme si rien n’était modifié.”
Và bây giờ tôi tự nhủ: “Đến lúc nào tôi sẽ có thể có được điều như vậy?” Để có thể viết trở lại/ pour re-écrire.
(Thanh Tâm Tuyền, La poésie entre la guerre et le camp
Propos receuillis et traduit par Lê Hữu Khóa)
-----------------------------------------------------------------------------------
Kính mời đọc thêm:
http://www.phamcaohoang.com/…/816-ang-tien-thanh-tam-tuyen.…

Không có nhận xét nào: