SGTT - Đưa tang ông, với lý do không có nhiều hiểu biết về con người đáng kính, lạ thường này, tôi hầu như từ chối mọi phỏng vấn nghi thức. Nhưng từ thẳm sâu, tôi biết mình sẽ viết về ông – người đã gọi tôi là... “quỷ cái”!
Đó là năm 1988, khi phim Gánh xiếc rong của tôi không được phép phát hành. Trong một buổi cà kê ở phòng kế hoạch hãng phim Giải Phóng, Sơn Nam nhìn tôi, cười mim mím: “Đường Lý Chính Thắng giờ có thêm con quỷ cái, vị chi ba con”. Thì ra ông cộng tôi với hai “con quỷ” trước là K.H ở báo Tuổi Trẻ, T.T của báo Phụ Nữ TP.HCM – cùng có trụ sở trên đường Lý Chính Thắng. Hôm đó, không chỉ phong tôi là “quỷ” – từ mặc định của ông cho những nàng “có vấn đề” – Sơn Nam còn nghiêng ngó mấy vân tay quỷ, phán một câu rất vui: “Người này, nếu ở ngoài đời (ông làm như tôi đang đi tu hay ở trong tù) thì dù giựt hụi người ta, nhưng rủ chơi lại, người ta cũng chơi”. Tôi hỏi ý bác sao. Ông chỉ cười mim mím. Sơn Nam là vậy, luôn lấp lơ, bí ẩn…
Tôi gọi ông bằng “bác” vì ông thuộc thế hệ đàn anh của ba tôi. Và thật ra, ngoài một số tác phẩm của ông mà tôi đã đọc, một số lần gặp nhau ở phân viện Tư liệu phim (7 Phan Kế Bính, quận 1) mà ba tôi phụ trách, tôi không thân thiết với ông, cho đến khi được ông gọi là “quỷ cái”. Và rồi một cơ duyên nữa khiến chúng tôi gần nhau hơn: thời đó, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, các truyền thuyết hương xa bỗng dưng ăn khách khi chuyển thành điện ảnh. Giám đốc hãng phim bảo tôi kiếm một đề tài tương tự. Sau nhiều cân nhắc, tôi chọn tiểu thuyết Bà chúa Hòn của Sơn Nam. Vì nhan sắc tuyệt trần – theo Sơn Nam tả – của cô bé tên Huôi mà số phận sắp đặt lớn lên thành bà chúa. Vì vẻ đẹp tuyệt mỹ – cũng theo Sơn Nam tả – của đất trời Nam bộ. Vì nỗi thống khổ của dân đen trước một vương triều thâm thối… Tóm lại, Bà chúa Hòn đủ chất liệu cho bộ phim lôi cuốn.
Đọc kịch bản xong, Sơn Nam cười mim mím: Hấp dẫn a… Nhưng khác quá. Tôi mừng húm, chỉ sợ ông nói “ngộ”, bởi tôi biết ông hay dùng chữ “ngộ” để đưa đẩy xã giao những chuyện không thích. Cái sự khác đó như vầy: từ câu chuyện của Sơn Nam, tôi phóng tác thành câu chuyện khác. Tôi chọn cái lâm ly tình yêu, tội ác thay cho cái ly kỳ điển tích, tập quán… khó tái hiện với kinh phí thấp. Tôi chọn cho nhân vật cái gia phả thuần Việt thay cho lý lịch Triều Châu nguyên bản mà tôi không am hiểu. Cô gái của tôi vì vậy tên Lam chứ không phải Huôi. Quan trọng hơn, từ nỗi hứng được ông gọi là “quỷ cái”, tôi cũng biến Lam thành quỷ – những con quỷ chịu mang tiếng quỷ để làm được cái gì không – quỷ cho đời. Con quỷ Lam của tôi đã hy sinh tình riêng, thí chúa, cứu dân.
Cái khác nữa, hình như lớn nhất, là nhân vật Bá Vạn: Bá Vạn trong sách mưu mô, liên minh thí chúa với Huôi vì tư lợi. Bá Vạn trong phim nghĩa tình, đa cảm, mang tiếng bạo quan để chờ dịp giúp dân.
Kịch bản được duyệt, bản quyền được ký. Chúng tôi tổ chức đi chọn cảnh và mời ông hướng đạo. Một tuần lang thang từ thành phố tới Hà Tiên, “pho từ điển sống miền Nam” không ngó ngàng kịch bản, chỉ say sưa cổ tích, ẩm thực... của vùng đất ông tin là phước địa – niềm tin đã khiến ông suốt đời mê đắm làm người kể chuyện và nghiên cứu. Cứ vậy chúng tôi đi cùng những câu chuyện của ông, kịch bản tưởng như bị quên béng. Nhưng một ngày, bỗng dưng ông hỏi tôi có biết tại sao ông thích kịch bản này không, dù nó khác xa tiểu thuyết. Tôi nửa đùa nửa thật chắc tại bác thích viên quan già Bá Vạn (trong phim Bá Vạn… yêu bà chúa trẻ). Sơn Nam cười mim mím, nói thích nhứt đoạn Lam mới lên ngôi, sau khi truất được chúa Hòn. Đoạn đó như vầy:
Đêm hoa viên tĩnh lặng. Lam ngồi úp mặt bên hồ sen, người co dúm như hứng chịu sức nặng gì ghê gớm. Bá Vạn đứng không xa, nhẹ nhàng an ủi:
- Bà hãy khóc đi… Ít ra cũng có lúc bà được sống cho chính mình.Lam bật khóc thành tiếng. Bá Vạn nhìn Lam, mắt đỏ hoe:- Bà thật bất hạnh…Lam tức tưởi chụp tay vị quan già:- Ông Bá Vạn! Bao giờ? Bao giờ tôi mới được làm cô gái bình thường, được cởi cái danh vị nữ vương này?Bá Vạn nhìn Lam, xa vắng:- Tôi còn mong điều đó hơn bà…Lam ngạc nhiên, gay gắt:- Ông nói sao? Chính ông bắt tôi làm bà chúa kia mà!Bá Vạn tránh mắt Lam, buồn bã:- Bà hiểu vì sao tôi phải làm như vậy. Nếu chỉ sống cho mình, bà đã không làm chúa. Tôi cũng vậy. Nếu được sống cho mình, tôi đã không phải dằn nén một câu nói, mà đáng lẽ từ lâu, tôi phải nói với bà…Lam nhìn viên quan, bối rối:- Ông… muốn nói gì? Bá Vạn bất đồ nắm tay Lam, thổn thức:- Lam… Tôi yêu bà…
Cũng trong chuyến đi, thấy ông tiện tặn còn hơn đám làm phim tiện tặn, tôi trêu nghe đồn bác có “lương tháng” to bự lắm. Ông cười mim mím, nói tổng biên tập một tờ báo lớn quyết định bồi dưỡng các nhân vật anh yêu quý. Sơn Nam là một và duy nhất không quyền thế trong số đó. Ông khoe tiền khá lắm. Nói khá có lẽ do ông không biết những con số đồ sộ khác, hoặc do ông quen đạm bạc. Ông than “mắc cỡ lắm” khi tháng tháng phải ren rén vô gặp cô tài vụ, ren rén bước ra mau để không ai nhìn thấy… Biết ông túng thiếu mà tự trọng, nhiều người, trong đó có tôi, hay tặng tiền ông bằng cách khẽ đưa vào túi áo để ông khỏi chạm tay cầm. Thường thì ông ngó lơ, lí nhí nói “Cảm ơn”, hoặc “Tử tế ha” rồi lảng qua chuyện khác. Bà con Việt kiều ở Pháp rất ái mộ ông, đặc biệt gia đình bác sĩ H. Lâu lâu, họ nhờ tôi chuyển tặng ông món tiền đáng kể. Rất khó gặp Sơn Nam nên tôi phải nhờ tiếp qua anh N. Tôi ngại nói anh N. ghi mấy chữ, cũng như anh N. không thể bắt người bạn vong niên khả kính của anh ghi mấy chữ. Chúng tôi đành áy náy: Anh N. áy náy với tôi, tôi áy náy với gia đình bác sĩ H. Mãi gần đây, tình cờ đọc chuyện kể của ông Nam Sơn – một người quen của Sơn Nam – tôi mới bớt nặng lòng: “Mấy năm trước, có lần hay tin nhà văn Nguyễn Văn Sâm về nước, tôi có nhờ anh gởi ít tiền làm quà cho Sơn Nam. “Chả (Sơn Nam) nhận quà, lơ đãng nói chuyện khác, tuồng như không quan tâm”, Nguyễn Văn Sâm nói như vậy. “Ðó là cái kiểu Sơn Nam”, tôi trả lời Nguyễn Văn Sâm”.
Rất tiếc vì lý do kinh phí, kịch bản Bà chúa Hòn không được thực hiện. Nhưng nhờ nó tôi khám phá ra ở con người hắt hiu kia một tâm hồn đa cảm. Với tôi đó là một khám phá tinh khôi, dịu ngọt. Tôi cảm ơn Bà chúa Hòn, dù Lam hay Huôi, đã giúp tôi có cơ hội gần ông, ngộ ra con người làm bộ, làm như không để ý gì, không biết gì này hiểu hết mọi chuyện, rưng rưng hết mọi chuyện. Có lẽ vì vậy chăng mà cái kho kiến thức Nam bộ uyên bác, có vẻ như chỉ muốn lôi cuốn độc giả bằng chất quái lạ của ông luôn để lại những dư vang nhân bản. Tôi cảm ơn Bà chúa Hòn, dù Lam hay Huôi, đã giúp tôi hiểu Sơn Nam sôi động phù du chỉ là phần nổi của tảng băng, như hiểu đàng sau tiếng cười ha hả, xác nhận bị vợ đăng tivi tìm kiếm là nỗi cô đơn vô bờ bến. Nỗi cô đơn Sơn Nam.
Có chút duyên gì chăng khi mỗi năm tôi chỉ ở Việt Nam chừng hai tháng, nhưng trong hai tháng choi loi đó tôi đã có dịp tiễn ông lên cõi niết bàn. Mới đó mà đã hơn một năm. Mới đó mà đã 18 năm kể từ ngày hai bác cháu cùng đi chọn cảnh, mà dấu vết duy nhất còn lại là tấm ảnh này. Máy xấu, ảnh lem nhem nhưng vẫn thấy ba “nhân vật”: Hòn Phụ Tử đã rơi, Sơn Nam đã đi, chỉ còn lại con quỷ với tương tư bà Chúa...
Việt Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét