Tặng các bạn hội quán: Đán, Lâm, Danh
Vào đây, ghế quạnh, khuya người
Quán như địa phủ, nhạc đời nhân gian
Quầy trơ, mắt bé ngỡ ngàng
Thuyền ai đổ bến, lòng nàng bâng khuâng
Hồn ta trải gió đầy sân
Tình ta, mây cũng mấy lần thu nao
Vào đây bàn nhẵn, câu chào
Quen như thân thể, lạ nào chén ly
Đời nhau, khói thuốc quên đi
Bên tai cổ nhạc lầm lỳ canh tân
Trên kia dáng bé tần ngần
Lời yêu chậm nói, tình gần tay trao
Vào đây đèn đủ hanh hao
Bóng ai theo đến kẻ nào quay lui
Cúi đời trên chén ly, khuya
Mắt nhau một hướng, tình chia mấy trùng
Ngồi thầm, góc quán mông lung
Xa nghe lời kẻ, gần chùng dáng ai
Vào đây nhạc đĩa đầy vai
Vòng quay nhịp lặp, kim mài giọng quen
Mòn hao sợi tóc trăm năm
Khuya, mưng máu chậm. Tình, bầm tim mau
Ngậm lòng, quán vắng, ơn nhau
Ly trơ ghế nóng, bé chau mắt nhìn
Vào đây như một đức tin
Khói tan đốm thuốc, đời vin tay nào
Miệng cười kín nụ lao đao
Tình chia nghĩa sớt, câu chào riêng ai
Trách gì ý lỡ, lời sai
Cho nhau góc quán đêm dài dung thân
Thôi em trả đó tình gần
Ta xin bóng chiếc, đời cần nhau, đâu ?
Vào đây, ghế quạnh, khuya nhàu
Tình như cổ tích đời sau kể thầm.
Bài thơ là một chứng minh về sự không ngừng tìm tòi, sáng tạo của người thơ, đặc biệt nhà thơ trẻ, trong việc canh tân giòng thơ lục bát, không phải hôm nay, mà hôm qua, không phải bây giờ, mà cách đây gần 50 năm.
Sự canh tân cho thơ là một việc làm chung. Không phải cái ngôi vị được dành riêng cho một cá nhân nào.
Đây là một tác giả điển hình. Ngoài tác giả này, còn có biết bao tác giả khác. Âm thầm. Bỏ cuộc. Tử trận, Tội tù. Và quên lãng. Việc sưu tập vì vậy rất khó khăn.
Riêng cá nhân chúng tôi, qua những tháng miệt mài sưu tập, với cả ngàn bài lục bát, với hơn 600 trang đánh máy để cân nhắc từng giòng, từng chữ, và với những niềm vui vô tận trên những trang thơ ngỡ chừng đã mất, có nhận định rằng, bài thơ trên là một trong số bài lục bát mới diệu kỳ nhất, lạ nhất của một thời, và chưa chắc, mọi thời.
Thứ nhất là loại thơ tân hình thức.
Nó là một bài thơ có nhiều dấu chấm, phết, ngắt câu nhiều nhất.
Trước năm 1975, một số tác giả đã cố mang hình thức mới cho khổ thơ 6-8 bằng những dấu ngắt một cách chủ ý.
Những dấu ngắt đoạn này có tác dụng khiến người đọc thơ ngừng, hay tiếp tục đọc. Trên hành trình thưởng ngọan, người đọc như chiếc xe. Một ụ mô: Xe dừng lại. Đường thẳng băng, xe cũng nổ máy reo vui. Không cần biết nơi nào bắt đầu, hay nơi nào là điểm cuối. Tác giả đã sắp sẵn trên lộ trình rồi.
Ví dụ:
Tháng dư. Buốt nẻ đôi đằng
Nửa chì mưa đục, nửa băng đá cồn
(Ngoại ô, Cung Trầm Tưởng)
Tại sao.
Tôi nghĩ là tác giả có chủ ý. Có thể ông không cần dùng dấu chấm (.). Nhưng mà, khi đọc lên, ý thơ sẽ hoàn toàn đổi khác:
Hay qua hai câu sau của Du Tử Lê, với (….) và dấu hỏi ?
(người từ thế giới bên kia)
thấy tôi không ? đã hồn khuya tượng què
(Du Tử Lê- bài lục bát sau tám năm cho người về)
Hay dấu chấm trong một đọan thơ của Đoàn văn Khánh:
Hai tấm ngắn. Bốn tấm dài
Lầm lì tôi đóng quan tài cho tôi
(Đoàn văn Khánh – Hóa Kiếp tôi)
Với toàn bài 34 câu, có đến 27 câu có dấu chấm hoặc phết, ngắt câu. Kỹ thuật này dĩ nhiên đòi hỏi nhà thơ có một nội lực thâm hậu.
Thứ hai: Mang kỹ thuật Đường Thi vào áp dụng trong lục bát:
Mang câu 8 chẻ làm đôi, và tạo nên con đường rầy song song, chữ đối chữ… đó là một nét đặc trưng của thơ lục bát Cung Trầm Tưởng. Một số nhà phê bình đã ca ngợi ông như là nhà thơ có công trong việc canh tân thơ lục bát. Ví dụ:Ngày lăn bóng quá lưng đèo
cây hoen lá thắm, xóm nghèo quán không
cồn trơ biếc núi ngồi trông
sương giăng xóm ngủ, mù buông lũng chiều
thuyền nằm, bến cũng xiêu xiêu
con sông tới giấc mắc triều lên nhanh
hồn tôi cái đĩa thâu thanh
tròn nguyên nét nhạc, trung thành ý ca
đồ rê mi pha xon la…
(Chiều – Cung Trầm Tưởng)
Trong bài thơ của Thành Tôn, chúng ta thấy tác giả đã xữ dụng rất nhiều về kỹ thuật đối chữ này.
Ví dụ:
Quán như địa phủ, nhạc đời nhân gian ….
Quen như thân thể, lạ nào chén ly ….
Mắt nhau một hướng, tình chia mấy trùng ….
Xa nghe lời kẻ, gần chùng dáng ai …
Vòng quay nhịp lặp, kim mài giọng quen ….
Khuya, mưng máu chậm. Tình, bầm tim mau …..
Đặc biệt câu cuối, chúng ta thấy, ngoài việc đối chữ, tác giả còn đối cả dấu chấm, phết.
Không còn chia câu 8 thành hai, mà thành bốn !
Chúng tôi cố gắng tìm kỹ thuật này trong suốt 227 nhà thơ miền Nam mà chúng tôi sưu tập, nhưng không thấy.
Thư ba: Dùng chữ nghĩa rất ấn tượng
Chúng ta đã từng biết nhà thơ Viên Linh được nổi tiếng nhờ những vần lục bát rất ấn tượng của ông.
mối sầu mai phục thân tôi
đi chưa nửa cuộc bỗng rời tứ chi
nghe trong máu chảy rầm rì
xương vi vu rỗng lọt thì truy hoan
(Viên Linh: Về thăm nhà ở Chí Hòa)
Thì với thơ Thành Tôn, ngay hai câu đầu đã gây nên một ấn tượng rất đậm:
Vào đây, ghế quạnh, khuya người
Quán như địa phủ, nhạc đời nhân gian ….
Vào đây nhạc đĩa đầy vai
Dùng chữ vai để tả về một bộ phận trong máy hát thời xưa chuyên vận hành những dĩa hát , thì quả không còn sự ví von, so sánh nào bằng !
Hay dùng chữ sân để ví với lòng mình:
Hồn ta trải gió đầy sân
Tình ta, mây cũng mấy lần thu nao
Thứ tư: Biến những chữ vô sinh thành ra những từ rất sinh động.
Ví dụ hai chữ "thu nao" nếu không có Tình ta, mây cũng mấy lần thu nao, thì chắc không có một ý nghĩa gì hết. Hay nếu dùng thì có vẻ cải lương.
Trái lại “thu nao” trong câu thơ là một lối sử dụng chữ rất tài hoa. Đọc lên, êm tai. Đọc lại, đọc lại, đọc lại thấy càng thấm. Và lòng chùng xuống, mùa thu… mây.. mây mùa thu thì bàng bạc, lòng ta cũng bàng bạc vậy thôi….
Ngay cả hai chữ "Thắp Tình", nhan đề tập thơ mà ông đã bỏ công sức, cố học nghề thợ sắp chữ – để tự tay hoàn thành tác phẩm của mình vào năm 1969 thì cũng đã "lạ lùng" rồi.
Rõ ràng, thơ Thành Tôn đã vượt thời gian và không gian, đi rất xa thời của ông, và là một kiện tướng trong việc canh tân thơ lục bát.
Chúng ta xúyt xoa ngưỡng mộ nhà thơ Tô Thùy Yên vì ông dùng hai chữ rất lạ: "Thắp Tạ" cho tựa đề tập thơ mới nhất của ông ở hải ngoại. Tại sao chúng ta lại không để tấm lòng đến một người lính trẻ ở vùng hai khắc nghiệt, đêm ngày đối diện với chập chùng tai ách, đã nghĩ đến hai tiếng cũng rất lạ không kém: "Thắp Tình" cách đây hơn 40 năm?
Mồng 4 Tết, 2010
TRẦN HOÀI THƯ
trích từ Thơ Đến Từ Cõi Nhiễu Nhương, tập phê bình nhận định thi ca Miền Nam, qua những bài viết trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo (Hoa Kỳ): Đặng Tiến, Nguyễn Lệ Uyên, Khuất Đẩu, Trần văn Nam, Lê văn Trung, Luân Hoán, Nguyễn Liệu, Phong Nhã (Trần Phong Giao), Nguyễn Vy Khanh, Trần Doản Nho, Đỗ Hồng Ngọc, Phạm văn Nhàn, Nguyễn Khôi, Trần Hoài Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét