Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Adonis : Cái mơ hồ


Adonis tên thật là Ali Ahmad Said Esber, sinh năm 1930. Ông được xem là một trong những thi sĩ xuất sắc nhất của thế giới Ả-rập. Từ nhiều năm nay, ông là một cái tên thường được nhắc đến như ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Nobel Văn học.
Tiểu luận “Cái mơ hồ” dưới đây không chỉ thể hiện những suy tưởng sâu sắc của Adonis về đặc trưng thơ ca. Nó còn cho thấy một ý thức sáng tạo mạnh mẽ, vượt lên những áp chế của một xã hội mà tính truyền thống là áp lực lớn, đồng thời hướng đến tinh thần dung hòa văn hóa, phá vỡ sự khép kín của ý niệm bản sắc trong sáng tạo thơ ca.


1.

“Thơ hiện đại, nhất là thơ của ông, sao thật mông lung”! Một độc giả, người có thể đại diện cho nhiều người đọc khác, trong đó có cả một số người cũng viết thơ nữa, đã kêu ca như thế. Đấy là lời than phiền thường nghe thấy, thậm chí đã trở nên mòn sáo. Nhưng như thế hẳn phải là phải có cái gì đó cho phép sự mông lung, mờ tối này được quyền tồn tại. Làm thế nào chúng ta giải thích được nó? Nó biểu thị điều gì?

2.

Đầu tiên, nhận định trên hàm ẩn một sự kết án đối với cái mơ hồ. Nghĩa là nó đề cao sự sáng rõ. Song bất cứ ai xem thơ ca như một mối quan tâm lớn của mình đều biết điều này: trong thơ ca, cái mơ hồ tự thân nó không phải là một khiếm khuyết, cũng như bản thân sự sáng rõ cũng chưa phải là một đức hạnh. Ngược lại, mơ hồ là một cái biểu đạt phong phú và sâu sắc. Nếu mơ hồ, mông lung là một khiếm khuyết thì loài người quả thực đã mất mát đáng kể những bài thơ hay nhất mà họ từng sáng tạo nên.

Thứ hai, cách nói này đã kết gắn tác phẩm cụ thể của một nhà thơ với thơ hiện đại như một sự hiển nhiên. Nhưng thuật ngữ “thơ hiện đại” bao hàm các cấp độ, các thể nghiệm, các phương thức sáng tạo rất khác nhau, thậm chí đôi khi còn tương phản, mâu thuẫn với nhau. Nói cách khác, sẽ là sai lầm nếu ta cố nhét tất cả nền thơ hiện đại vào chung một rọ.

Thứ ba, cách nói này nhắm đến một điều gì đó mà người nói hiếm khi ý thức được. Khi ta mô tả tác phẩm của một nhà thơ là hiện đại, ta đã mặc định có một sự phân cách giữa nó và những tác phẩm thơ ca ra đời trước đấy. Bất cứ sự đánh giá nào về cái hiện đại mà không đi từ việc thực hiện sự phân định này đều là nhầm lẫn. Điều lâm nguy ở đây, trước tất cả những điều khác, là hiểu được sự phân biệt này. Nó là gì?

3.

Nhà thơ cổ điển sống trong một thế giới sáng sủa, gọn ghẽ. Nó được đặt trên nền những chân lý tuyệt đối, xác định và niềm tin vào những chân lý này. Cốt tủy thi tính của thế giới đó mang tính chất của một phạm trù trí tuệ- tinh thần hơn là tâm lý – cảm xúc. Thế giới cảm xúc sâu kín, thay vào đó, lại bị dồn nén, trấn áp. Vì lý do này, nhà thơ, nói chung, xuất phát từ những tư tưởng và khái niệm đã có sẵn. Nói cách khác, ông ta làm công việc liên kết những khái niệm đã sẵn có ở đó trước mình, trau chuốt chúng, mài dũa chúng. Theo đó, độc giả sẽ nhìn thấy trong tác phẩm điều mà anh ta đã biết, điều đã trở nên quen thuộc. Nhà phê bình của nhà thơ sẽ bắt đầu bằng câu hỏi: “Cái khái niệm của nhà thơ tương ứng đến mức độ nào với những khái niệm và sự vật mà tôi biết?” Tùy theo mức độ tương ứng có mạnh, có hiệu lực hay không, bài thơ sẽ nhận được những nhận định tích cực và ngược lại.

Thế giới của thi sĩ cổ điển Ả-rập là một thế giới được thêu dệt từ trước và mang tính chắc chắn, xác định. Về cơ bản, tác phẩm của ông ta hướng đến sự trật tự và xác định, là hình ảnh của sự trật tự và xác định.

4.

Nhưng những bước phát triển kể từ đó đã làm lung lay hình ảnh về thế giới cũ trong ý thức của thi sĩ Ả-rập hiện đại. Chúng cũng làm lung lay những ý niệm và phương thức biểu hiện của anh ta. Không còn bất kỳ một sự thật tuyệt đối hay những hình thức cố định nào nữa. Theo đó, thi sĩ hiện đại không còn có thể xuất phát từ những ý tưởng đã được chấp nhận, những khái niệm đã có sẵn. Thay vào đó, anh ta phải bắt đầu tra vấn, kiếm tìm, cố gắng tạo nên một khái niệm mới cho thế giới mới của anh ta. Theo cách này, bài thơ mới không còn đem đến cho độc giả những ý tưởng và khái niệm – chất liệu của bài thơ cổ điển – mà đúng hơn, anh ta mở ra trước độc giả một tình thế hoặc một không gian của trí tưởng tượng và hình ảnh, của xúc cảm và những kết hợp của chúng. Thơ không còn khởi phát từ một quan điểm tri thức sáng rõ và được chuẩn bị sẵn nữa mà bắt đầu từ những đặc thù về cảm xúc mà chúng ta có thể gọi là trải nghiệm cá nhân hay nhãn quan.

Từ đây, những thể nghiệm thơ ca hiện đại đã tạo nên một sự đột phá khỏi dòng mạch cổ điển. Nghĩa là, nó tạo nên những khả năng, tiềm năng cho việc xây dựng một hình ảnh mới, một lý thuyết mới để hiểu con người và thế giới, cũng như những lối viết mới để biểu đạt tất cả những điều ấy. Đối với xã hội Ả-rập, cú đột phá đó bắt đầu với Abu Tammam. Thơ của ông đã gây nên một cuộc cách mạng làm biến đổi trật tự của ký hiệu và khái niệm, rồi từ điều này dẫn đến sự biến đổi của hệ thống các cách biểu đạt và lĩnh hội. Các nhà phê bình cổ điển gọi cuộc cách mạng tạo ra biến đổi mạnh mẽ này là “sự tàn phá thơ ca”. Theo những lời phê bình này, thứ mà Abu Tammam viết không phải là thơ vì nó không rõ ràng như thơ truyền thống.

Song nếu kết án ông như là kẻ đã tàn phá ngôn ngữ Ả-rập bởi những cách tân của mình thì những gì dùng để nói về ông cũng đồng thời có thể dùng để nói về thơ ca Ả-rập hiện đại của thế kỷ này: nó đã đi đến chỗ làm ngôn ngữ rối loạn. Nhưng những người giờ đây đang than phiền rằng sự mô hồ đã làm tha hóa thơ ca nên nhớ rằng Abu Tammam – kẻ hủy hoại, kẻ ngôn ngữ tối tăm ấy – là một trong số rất ít những tên tuổi làm nên tầm vóc của thơ ca Ả-rập, là người tạo nên hào quang của nền thi ca này.

Ở đây, chúng ta cần lưu ý đến thực tế rằng sự đột phá như thế này đã diễn ra, và sẽ diễn ra, ở mọi cộng đồng văn học, ở mọi thời đại hễ khi nào có một sự quá độ từ phương thức biểu đạt chủ âm này sang những phương thức biểu đạt khác. Đối mặt với sự đột phá này, bao giờ độc giả cũng kết án nhà thơ và văn bản mơ hồ mà anh ta viết.

5.

Mơ hồ - đấy là cách độc giả nói về một văn bản mà anh ta không nắm được, hay nói khác đi, anh ta không chiếm lĩnh được nó theo cách biến nó thành một phần của những gì anh ta biết. Tính hiện đại, ở đây, là không gian của sự mơ hồ. Tính hiện đại là sự đứt đoạn trong cả một chuỗi những giả định có sẵn, đòi hỏi phải bảo toàn hình thức và các bộ phận của chúng mà những kẻ thừa kế chúng luôn khăng khăng bấu víu vào. Sự đứt đoạn này làm độc giả vốn không có thứ vốn gì ngoài những gì mình đã ghi nhớ bằng cách bắt chước mù quáng và theo thói quen học vẹt trở thành kẻ thua cuộc. Định kiến về sự mơ hồ là một thất bại, là sản phẩm từ sự thua cuộc đó của người đọc.

6.

Ở đây, không phải tôi muốn truyền bá ý niệm về sự mơ hồ. Về điều này, tôi chỉ xin lưu ý: trong đời sống thơ ca của chúng ta, có những kẻ lòe bịp sử dụng sự mơ hồ như lớp vỏ bọc che đậy sự thật rằng họ không có khả năng sáng tạo nên điều gì cả. Vì lẽ ấy, tôi không phải là kẻ công kích sự sáng rõ trong văn chương. Và ở đây, sẽ là cần thiết khi ta biết cũng có những kẻ vụ lợi dùng sự sáng rõ để che đậy việc họ thật sự không có khả năng sáng tạo nên điều gì. Tôi không bận tâm đến bản thân sự mơ hồ hay sự sáng rõ. Đúng hơn, phẩm chất sáng tạo mới là điều tôi quan tâm nhất.

Đồng thời, tôi muốn nhắc lại ý này: thứ được gọi, mà không có lập luận mang tinh thần phê phán gì, là mỹ học về cái mơ hồ của thơ hiện đại, ngược lại, về mặt lịch sử, lại là một hiện tượng tự nhiên. Điều này cần ta phải truy nguyên từ sự tương phản giữa cấu trúc của xã hội Ả-rập và sự tiến bộ không ngừng của thơ ca: chính sự tương phản này đã sinh ra sự chia cắt giữa ký ức, thói quen và công chúng.

Ở đây, tôi ủng hộ quan điểm cho rằng vấn đề về sự mơ hồ hay sự sáng rõ không phải bắt nguồn chỗ đấy là một bài thơ khó, một tác phẩm nghệ thuật khó. Đúng hơn, nó bắt nguồn từ chỗ người ta tiếp cận tác phẩm đó bằng thái độ thi ca hay một lập trường tư tưởng hệ.

7.

Vấn đề này có cội rễ sâu xa trong xã hội Ả-rập, vì ở đó, sự sáng rõ là một nguyên tắc tư tưởng hệ quan trọng. Tôi sẽ tóm tắt nguyên tắc này thành mấy luận điểm sau đây:

Thứ nhất, ở thời cổ điển, không có một chân lý bản thể nào mà truyền thống tôn giáo chưa hề hé mở, phát lộ. Tương ứng với phương diện tôn giáo này, trong văn chương cũng tồn tại một nguyên lý: không có chân lý nghệ thuật nào mà truyền thống thơ ca lại chưa từng phát hiện.

Nếu như tôn giáo truyền thống tự xem có thể thấu hiểu mọi sự thì thơ ca truyền thống cũng tự xem nó đã bao hàm tất cả. Nhưng như thế làm sao để một người Ả-rập sinh sau có thể hiểu đúng được điều mà trước đó chưa được biết tới? Viết một bài thơ mơ hồ là đột phá khỏi những cách thức làm thơ đã trở thành thói thường. Khi nhà thơ thực hiện điều ấy, có nghĩa là từ quan điểm truyền thống, anh ta bị xem là một tên dị giáo. Anh ta sẽ bị chệch đường, lạc lối vì tham vọng muốn khám phá một cái gì đó chưa được biết đến. Đó sẽ là một thứ làm chấn động ý thức hệ thống trị vì nó đối chọi với truyền thống.

Thứ hai, do theo đạo Hồi, xã hội Ả-rập sống trong một thế giới hoàn toàn xác định. Và tính xác định trên bình diện tư tưởng dẫn đến tính xác định được xem như một chuẩn mực trong đời sống thực tiễn. Do đó, cần thiết phải biến mọi thứ thành công cụ. Vì lý do này, sự sáng rõ trở thành nguyên tắc đầu tiên để công cụ hóa mọi diễn ngôn tư tưởng và lời nói.

Thứ ba, việc nhấn mạnh tính công cụ biến nhà thơ trở thành một học giả, một người biên soạn các tư tưởng và một nhà hùng biện. Hùng biện là một hình thức diễn đạt đòi hỏi người nói phải nói có nhịp, trực tiếp, ngôn từ đơn giản, ý tưởng rõ ràng. Muốn người nghe chăm chú thì phải lưu ý đến những điều ấy. Để thuyết phục người nghe, thể loại hùng biện, về mặt phong cách ngôn ngữ và tư tưởng, được hình thành trên cơ sở sự sáng rõ. Hùng biện có thể mang tính tuyên truyền trong bản chất (các hình thức tán tụng, phô trương, đả kích, v.v…) hoặc mang tính lễ nghi (các hình thức khích lệ, tuyên dương, v.v…). Tuy nhiên, dù mang nội dung gì đi nữa, hùng biện phải rõ ràng. Bởi mục đích của hùng biện là tác động, lãnh đạo, thuyết phục, sự sáng rõ sẽ giúp hiện thực hóa ảo ảnh về khả năng chỉ huy hoặc làm say lòng khán giả.

8.

Sự mơ hồ, do đó, là vấn đề tư tưởng hệ chứ không phải một đặc trưng của văn bản thơ ca. Một mặt, nó đặt vấn đề về khả năng nhận thức và cảm thụ các sáng tạo, mặt khác, nó thể hiện một lập trường đối diện với truyền thống được kế thừa. Nhà thơ hiện đại chỉ hiện đại với điều kiện cơ bản: anh ta phải vượt qua lập trường mỹ học-tư tưởng hệ cổ điển và tất cả những gì hàm chứa trong đó – lý thuyết về thơ ca, lý thuyết về sáng tạo, những tiêu chí phê bình nảy sinh từ đó.

Và thêm nữa, nhà thơ chỉ là nhà thơ với một điều kiện duy nhất: khi anh ta nhìn thấy cái mà những kẻ khác không thấy, anh ta phát hiện và biểu đạt những điều đó. Về nhạc tính bên trong bài thơ và cấu trúc diễn đạt, có một sự tương phản tự nhiên giữa nhà thơ và độc giả. Song khác biệt đó không có nghĩa rằng nhà thơ và độc giả mỗi bên tự cô lập chính mình, không có quan hệ gì với nhau. Điều đó cũng không có nghĩa việc họ có thể hiểu nhau là điều bất khả. Đúng hơn, mỗi người có một vai trò khác nhau. Sự khác biệt giữa họ là một hình thức khích lệ, động viên người đọc trở thành một kẻ sáng tạo khác, một thi sĩ khác.

Từ góc độ này, không có gì có thể biện hộ cho những than phiền, trách cứ, phê phán về sự mơ hồ của thơ ca - ở đây tôi muốn nói đến thơ ca đích thực. Kẻ tấn công thơ ca bằng cách kết tội nó vì sự mơ hồ là kẻ chống lại cái bề sâu chỉ để giữ lấy cái bề mặt. Đó là kẻ công kích biển cả để yên vị trên bánh xe nước. Là kẻ công kích rừng, sấm và mưa để đứng yên giữa sa mạc.

Hãy vẽ nhân loại này, thế giới này một cách thật rõ ràng. Và vào khoảnh khắc ấy, bạn sẽ chẳng thấy gì khác hơn ngoài một sự nông cạn đáng sợ. Ở đó, bạn sẽ chẳng tìm được nơi chốn nào cho thi ca.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Adonis, “Ambiguity”, Eliott Colla dịch từ tiếng Ả-rập, http://www.asymptotejournal.com/article.php?cat=Criticism&id=20&curr_index=4

Văn nghệ Trẻ

Trích lại từ phongdiep.net
 

Không có nhận xét nào: