Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế

Dân trí Một câu chuyện về sự tình cờ, bén duyên của những thế hệ còn lại dòng dõi vua Nguyễn từng đóng đô tại Huế cho chúng tôi nhiều xúc động về nhiều việc làm có ý nghĩa với tổ tiên của cô Monie Phương (Công Tôn Nữ Y Phương) – cháu ngoại vua Thành Thái.

Chuyến về Huế định mệnh
“Tôi sinh ra tại Pháp, mẹ tôi người gốc Huế là công chúa Lương Mỹ, một trong nhiều người con của vua Thành Thái. Cha tôi là người Campuchia. Sau khi mẹ sinh ra tôi một thời gian ngắn thì không mất do bị bạo bệnh. Từ lúc nhỏ đến lớn tôi chưa lần nào về quê hương Việt Nam. Năm 2004, khi tôi làm nghề về du lịch có cơ hội đi cùng đoàn văn hóa khảo sát du lịch ở Capuchia. Chúng tôi về Việt Nam để tìm hiểu tiềm năng du lịch. Tự nhiên đến những vùng đất từ Bắc tới Nam ở đất nước hình chữ S, tôi cảm thấy bị thu hút. Và lúc đặt chân đến Huế, dù chỉ vài ngày nhưng nó hút hồn, mê hoặc tôi dữ lắm. Nhiều di tích lịch sử của vua chúa tạo nên một cảm giác bồi hồi không thể diễn tả hết” – cô Monie Phương nhớ lại lúc quay trở về cố hương lần đầu tiên, khi ấy cô đã hơn nửa cuộc đời, 50 tuổi tròn.
Sau chuyến đi đó, cô Monie nhớ Huế vô cùng. Đúng 1 tháng sau, cô một mình đi về lại Huế theo đường xe để tận mắt thấy và cảm nhận phong cảnh hai bên đường nhiều hơn. Không biết một chữ tiếng Việt, cô tìm cách học qua một số thầy tu ở chùa, hay nhờ một số bạn bè mới là Phật tử hay chở cô đi thăm lăng tẩm dạy từng từ một qua các đồ vật cụ thể gặp ở bất cứ chỗ nào đi qua. Cô đã tìm đến với ban đại diện Nguyễn Phước tộc tại Huế – nơi liên lạc của dòng họ các vua Nguyễn, và tìm hiểu dần về nguồn gốc của gia đình mình, nhưng cô hầu như “kín tiếng”, ít nói với ai nguồn tích của mình để tự thân làm những gì mà bản thân mách bảo.
Và cứ thế, mỗi năm cô dành 18 ngày nghỉ phép cộng với 24 ngày nghỉ lễ quốc gia dành rồi gói ghém đồ đạc về Huế đều đặn. Trong khoảng thời gian đi qua qua lại lại giữa 2 nước, cô chăm chỉ học tiếng Việt từ những Việt kiều tại Campuchia. Cách viết tiếng Việt cô cũng linh động học theo từ bộ từ ngữ tiếng Pháp, vì cô cho rằng tiếng Pháp có cách nói và viết giống nhau về chữ, nên tiếng Việt cũng vậy do chữ Quốc ngữ có nguồn gốc từ nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes người Pháp sáng tạo thành. Thành thử, việc tự học đem lại rất nhiều hiệu quả, không mấy chốc, tiếng mẹ đẻ của cô thuần thục nhanh chóng.
Với tình cảm trong người là mong muốn đi tìm lại dòng họ của mình, cô đã trải qua không biết bao nhiêu chặng đường dài trong những ngõ ngách ở xứ Huế. Đền đài, di tích, lăng tẩm, mộ phần, thiên nhiên ngày càng tích tụ một thứ tình cảm của “đất mẹ”, thấm dần vào trong tâm khảm cô, và tạo nên ý nghĩ cho cô phải làm một điều gì đó có ích.
Hành trình tu sửa lăng mộ cho cha ông
“Phủ đầu tiên tôi vào là Hoàng Hóa Quận Vương (con thứ 66 vua Minh Mạng, phủ ở đường Tô Hiến Thành – PV) gây một cảm xúc mạnh mẽ. Thời gian sau đó tôi cứ đi hết chỗ này đến chỗ khác, quan sát và thấy nhiều mộ xưa không được bảo quản, hư hỏng nặng thấy xót lắm. Có mộ bị hỏm những lỗ sâu vào trong, người ta nói bị ăn trộm vô đào vàng vì các mộ họ hàng vua chúa xưa thường có bỏ đồ trang sức quý để chôn cùng. Sau mỗi lần đi, về chỗ nghỉ là tôi lại vẽ sơ đồ chi tiết như đi bao nhiêu bước tới mộ nào, có vật nào làm dấu. Rồi liên hệ mấy anh em bên Nguyễn Phước tộc đi khảo sát với tôi để lên phương án sửa chữa.
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Cô Monie Phương đang lật lại cuốn gia phả dòng họ, xem những mộ phần mà mình đã tu sửa


Cứ thế, tôi làm từng mộ một. Mộ nào bị hỏm thì lấy đất đắp lại, xây lại vòng lăng. Có mộ còn lượm được cả xương vương vãi ra ngoài tôi mới lấy khuôn tĩnh nhỏ thu hết bỏ vào. Tôi cứ thấy là làm chứ không chú ý phải làm như thế nào, mộ nào trước mộ nào sau. Nhiều mộ bà phi, con bà phi vua, họ hàng đời sau của vua, rồi mộ phò mã, mộ quan được tu sửa lại chỉnh chu. Đặc biệt tôi chú trọng tới mộ của các hoàng tử, công chúa. Lúc xưa vua có nhiều vợ lắm nên con rất nhiều. Sau thời gian khi vương triều không còn nữa thì người chăm sóc mộ phần cũng ít, làm sao có thể chăm chút được nên rất nhiều mộ bị hư hại nặng.”.
Cô Monie Phương kể lại một câu chuyện mà dường như nhiều định mệnh đã gắn cô với việc tu bổ lăng mộ của thế hệ xưa. “Hôm đó tôi đang ở Campuchia và ngủ dậy muộn một chút vì khách có hẹn tới du lịch trễ. Trong lúc nằm mơ thấy có 1 ngôi mộ có 2 lỗ sụt ngang hông và đầu mộ. Tôi thấy anh Tôn Thất Phú đang làm bảo vệ lăng vua Thiệu Trị, tôi nói anh giúp một tay nhưng anh không chịu nói phải đi về nhà. Bừng tỉnh dậy, tôi điện thoại liền cho anh Phú đang ở Huế bảo anh đi tìm có mộ nào gần nhà anh không. Sau vài tiếng, anh nhắn lại có một mộ với đặc điểm bị 2 lỗ sụt như giấc mơ của tôi. Sau đó, tôi về tu sửa mới biết đó là một mộ của một hoàng hậu rất lớn”.
Khu vực mà cô Monie Phương làm mộ nhiều tập trung ở gần lăng vua Thiệu Trị. Đã có khá nhiều ngôi mộ của hoàng tử, công chúa được cô chú trọng làm lại hay làm vòng thành để gom lại khu vực mộ chung để linh hồn người xưa được ấm áp. Kể từ năm 2010, cô đã quyết định về ở Huế phần lớn thời gian trong năm nhằm thực hiện công việc thầm lặng của mình. Thời điểm đó, mọi người bắt đầu biết về cô sau khoảng hơn 6 năm cô hầu như không nói về bản thân, tự đi, tự làm và đã tu sửa được hàng chục ngôi mộ của cha ông.
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Người cháu gái vua Thành Thái (đứng, bên phải) trong một chuyến đi dời mộ tổ tiên ra khỏi nơi sụt lở
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Việc tu sửa mộ của cô được làm không ngơi nghỉ trong 10 năm qua với một tinh thần nhiệt huyết cao độ. Nhiều ngôi mộ của hoàng gia xưa đã được khang trang như ban đầu
Nhiều việc làm ý nghĩa hướng về di tích Huế
Hay đi vào trong di tích Huế, thấy các khăn trải nơi thờ tự của vua chúa đã cũ hoặc không có, cô bèn đề nghị cùng với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được tự tay trang cấp, còn phía Trung tâm lo phần gương lót trên (vì không có gương thì tàn hương rơi xuống sẽ dễ cháy khăn). Được sự đồng ý, cô tự tay đi mua lụa tốt, tìm chỗ đặt ren rồi nhờ người thêu thành những chiếc khăn trải đẹp đẽ trên các án thờ tiền nhân ở toàn bộ các lăng (duy chỉ có lăng vua Đồng Khánh là chưa trải khăn cô đang còn tu bổ), Khương Ninh Các, Thế Miếu, Triệu Miếu… tại Đại Nội.
Giữa năm 2013, cô đã hiến tặng 5 sắc phong thần thời Nguyễn, 228 hiện vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX lưu giữ từ lâu cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Bộ sưu tập này đã được triển lãm 1 tháng sau đó, nhiều người đã rất cảm kích trước tình cảm của cô. Ngồi với cô tại nhà, hỏi ra tại sao cô lại có ý định hiến tặng nhiều cổ vật như vậy? Cô chỉ cười và nói “Sau khi mình đi rồi, cổ vật có đi được với mình đâu. Mình làm vậy để nhiều thế hệ sau còn được thấy những dấu xưa của ông cha một thời”.
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Sắc phong niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), tóm lược: “Gia tặng mỹ tự ‘Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Thượng Đẳng Thần cho Thiên Y A Na tại thôn Cam Hải, huyện Hòa Đa, tỉnh Ninh Thuận” – một trong số nhiều hiện vật cô hiến tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Mới đây vào gần cuối năm 2014, lăng vua ông ngoại Thành Thái cũng được cô đứng ra chủ yếu tu sửa đẹp khang trang. Cô cũng bỏ kinh phí tôn tạo vườn Ngự Viên trong Tử Cấm Thành ở Đại Nội. Và góp tiền cùng Trung tâm Bảo tồn và một số nhà hảo tâm khác đấu giá thành công chiếc xe kéo của Hoàng Thái Hậu Từ Minh từ Pháp. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công một kỷ vật quý thời vua Nguyễn bị thất lạc ra nước ngoài. Chiếc xe kéo sẽ được hồi hương về Huế để trưng bày trước dịp Tết Âm lịch sắp tới. Ngày 30/12/2014, cô Monie Phương cùng với 2 cá nhân tiêu biểu khác (là 2 doanh nghiệp) đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tri ân vì đã có đóng góp cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế năm 2014.
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Cô Monie Phương (thứ 2 từ trái qua) được TS. Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (thứ 2 từ phải qua) tặng bằng khen tri ân vì đã đóng góp cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế cuối năm 2014
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế “đóng góp của chị Monie Phương thời gian qua rất ý nghĩa đối với di tích Huế. Chị là một tấm gương sáng xứng đáng được tôn vinh, tri ân”. Còn thầy giáo Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam cho hay, cô Monie Phương là một hiện tượng nổi bật. “Cô ở xa về, đã có sự quan tâm đến dòng họ, làm một cách tự nguyện. Ban đầu chúng tôi cũng có nghi ngại nhưng sau mới hiểu hết là cô làm thật tâm. Chúng tôi rất ghi nhận công lao của cô về việc làm mồ mả, lăng mộ, kỵ lễ cho tổ tiên thể hiện sự hiếu đạo đáng quý của một người cháu ngoại của vua Thành Thái” – thầy Bào tâm sự.
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Lăng mộ vua ông ngoại Thành Thái được cô chủ yếu đứng ra cùng Nguyễn Phước tộc tu sửa khang trang trong năm 2014
Ngày đầu xuân Ất Mùi 2015, đi dạo thảnh thơi trên tầng 2 ngôi nhà vườn kiểu xưa của cô Monie Phương, cạnh giữa hàng trăm giò phong lan rừng xanh tươi làm cho tinh thần sảng khoái đến lạ, cô nói ước mơ thời gian tới, ngoài việc chăm sóc, tu sửa tiếp tục mộ phần tổ tiên cô muốn cùng Phân viện văn hóa nghệ thuật tại Huế in một cuốn sách về mộ các hoàng tử, công chúa vì điều này chưa có. Tiếp theo là được mở 1 khu điều trị cho người bị ung thư theo phương pháp y học cổ truyền, và mở chợ quê mang hơi thở Huế xưa cho khách du lịch được khám phá, cảm nhận vì giờ đã không còn hình bóng các o các chị mặc áo dài Huế bán hàng, tuy đơn sơ nhưng thân thương vì đó là nét Huế.
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Người cháu ngoại vua Thành Thái trở về bình yên với vườn lan rừng ngát hương tại khu nhà vườn Kim Long, Huế
Một điều đáng tiếc, cô cho biết năm sau sẽ về Úc nơi có con ruột đang sinh sống vì tuổi cũng đã lớn rồi cần có người chăm sóc. “Huế là nơi đi xa mới nhớ mới thương chứ không phải để ở. Đây cũng là quê hương tôi, mình cứ vận động, sống hết mình, điều gì đến sẽ đến, vũ trụ đất trời luôn xoay chuyển, vận động và con người mình cũng hữu hạn lắm” những lời của người cháu ngoại của vị vua một thời làm tôi suy nghĩ mãi, thấm thía, mong sao cho cô khỏe để làm nhiều việc hơn nữa cho cha ông .
“Vua Thành Thái, tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, sinh ngày 4/3/1879, mất ngày 20/3/1954. Trị vì 19 năm (từ 1989) trong hoàn cảnh Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, Ngài đã có tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi lại nền độc lập cho dân tộc. Tuy lên ngôi còn tuổi thiếu niên (10 tuổi), nhưng Ngài đã có tính khí cương nghị và đầy lòng yêu nước. Vì vậy, dù ở ngôi Vua không bao giờ Ngài lấy làm vui sướng, mà luôn luôn suy tư với vận nước. Ngài đã tự giả dạng mất trí, che mắt thực dân Pháp và các hạng mãi quốc cầu vinh, để được tiếp cận dân chúng và các sĩ phu yêu nước mưu đồ đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho xứ sở.
Lo sợ về tư tưởng và hành động của Nhà vua, thực dân Pháp buộc ngài thoái vị ngày 3/9/1907. Sau 9 năm bị quản thúc tại Vũng Tàu, Ngài bị Pháp đưa ra lưu đày xa xứ ở đảo La Réuion (Madagascar, thuộc địa của Pháp) từ năm 1916 đến năm 1947. Sau đó, Ngài được nghinh đón trở về nước và sinh sống bình dị tại ngôi biệt thự ở đượng Thành Thái, quận 5 đô thành Sài Gòn. Năm 1954 Ngài mất và được rước về yên nghỉ tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Đức Dục Đức) tỉnh Thừa Thiên Huế. Vua Thành Thái có 16 Hoàng Tử và nhiều Công Chúa” – trích Nguyễn Phúc tộc giản yếu.
Gặp cháu ngoại vua Thành Thái thầm lặng cống hiến cho cố đô Huế
Chân dung nhà vua yêu nước Thành Thái (1879-1954)

























Không có nhận xét nào: