Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Họa sĩ Lê Bá Đảng và phố Con Mèo Câu Cá ở Paris


Hoàng Phủ Ngọc Phan


                    
Từ truyền thuyết…
Ở Paris còn có một con đường phố vào loại hẹp nhất và ngắn nhất…thế giới được người Pháp trân trọng giữ gìn như một di sản văn hóa , tên là phố Con Mèo Câu Cá (La Rue Du Chat Qui Pêche).
Phố Con Mèo Câu Cá có chiều rộng 1m8. chiều dài 29m, nằm trong khu Đại học Sorbonne, thuộc địa bàn Quận 5. Đầu đường giáp bờ sông Seine. Cuối đường giáp phố đi bộ La Huchette. Phố Con Mèo Câu Cá ra đời từ năm 1540, vói những cái tên ban đầu là phố Etuves, phố Renard, Bouticles. Những cái tên đó chứng tỏ ngày xưa nơi đây từng là một khu phố lao động nhộn nhịp với những lò xông hơi, hàng quán… Năm 1926 nó được chính thức nhập địa bạ thủ đô Paris với tên La Rue Du Chat Qui Pêche. Cái tên đường phố không giống ai nầy xuất xứ từ một câu tục ngữ Pháp: Aller voir pêcher les Chats …( Đi xem những con mèo câu cá – Ý nói chuyện khó tin). Một chủ tiệm bán cá trong khu phố đã mượn câu tục ngữ đó làm chiêu bài để câu khách. Thế là chết tên con đường phố. Nhưng tại sao chủ tiệm lại lấy chiêu bài nầy? Tất nhiên phải có lý do. Theo truyền thuyết của người Pháp thì từ thế kỷ XV có một tu sĩ kiêm thuật sĩ giả kim đã sống ở đây với một chú mèo đen rất tinh khôn, có tài bắt cá. Mèo thường ngồi trên bờ sông, khoắng tay xuống nước một cái là chộp được một con cá. Nhiều người tin rằng cả nhà thuật sĩ là phù thủy và con mèo là trò ma quái của ông ta..Có ba chàng sinh viên rình bắt được con mèo, giết đi rồi ném xác xuống sông Seine. Mèo chết, nhà thuật sĩ cũng bỗng nhiên mất tích. Nhưng ít lâu sau người ta lại thấy ông trở về xóm cũ và con mèo đen của ông lại tiếp tục ngồi câu cá bình thản bên bờ sông Seine. Xem ra nhà thuật sĩ va con mèo là một và là một con quỉ. Nhưng con qủi ấy chẳng làm hại gì ai ngoài chuyện bắt cá để sống.

Đến tiểu thuyết
    Năm 1930, một cô gái người Hungary di cư đã sinh sống ở khu phố nầy. Cô vừa làm thợ,vừa làm thuê để kiếm tiền theo học Đại học Văn khoa.Từ dưới đáy của xã hội mà khu phố cô đang sống là một tụ điểm cô viết tiểu thuyết lấy tên là La Rue Du Chat Qui Pêche.
Tiểu thuyết dựng lại bi kịch về sự băng hoại của giới thượng lưu quí tộc châu Âu sau Chiến Tranh Thế Giới lần I (1914-1918). Chính trong khu phố nấy,người ta đã chứng kiến những cựu hoàng nước Đức, nước Lỗ, quí tộc dòng dõi Nga Hoàng, công nương nước Ý…sa cơ thất thế,phải kiếm sống bằng đủ nghề hạ lưu như đâm thuê, chém mướn,t rộm cướp, mại dâm, đĩ đực…Điểm sáng trong tiểu thuyết là hình ảnh một cô gái con của một gia đình lao động di cư, cố níu giữ lấy nhân phẩm bằng một niềm kiêu hãnh thầm lặng để vươn lên. (Đây cũng chính là nét tự truyện của tác giả).Tiểu thuyết được xuất bản và đoạt giải Grand Prix International ở Luân Đôn năm 1936. Cho đến nay, tác phẩm nầy đã được dịch ra 12 thứ tiếng. Điều này đã khiến cho cái khu phố mang tên La Rue Du Chat Qui Pêche trở nên nổi tiêng khắp châu Âu cùng với tác giả quyển tiểu thuyết là Jolán Foldes –còn được biết dưới những tên khác như: Yoland Foldes; Johan Foldes; Yolande Clarent (1902-1963).

Và hình ảnh Con Mèo trong tranh Lê Bá Đảng
     Năm 1941, Jolán Foldes rời Paris sang định cư ở Luân Đôn và tiếp tục sống bằng nghề viết văn.Trong thời gian nầy có một thanh niênViệt Nam tên Lê Bá Đảng người làng Bích La, Phủ Triệu Phong,Tỉnh Quảng Trị, sang Pháp trong chương trình tuyển mộ lính thợ - từng tham gia kháng chiến của Pháp và bị Đức Quốc Xã bắt làm tù binh. (Thế hệ lính thợ nầy đã được chính phủ Pháp bày tỏ lòng biết ơn và vinh danh vào năm 2010, thời tổng thống Sarkozy). Cũng như Jolán Foldes, Lê Bá Đảng vừa làm thợ vừa học và tại học viện nghệ thuật Toulouse. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động của kiều bào yêu nước từ thời chống Pháp sang đến thời chống Mỹ. Sau Chiến Tranh Thế Giới lần II (1939-1945),đời sống ở châu Âu cũng có dạng khủng hoảng tương tự như sau Thế Chiến lần I. Lúc nầy Lê Bá Đảng đã lập gia đình cùng với một phụ nữ người Nhật là bà Myshu và có một con trai đầu lòng,cuộc sống vô cùng khó khăn. Một hôm trên đường tìm việc, ông tình cờ lạc bước vào phố Con Mèo Câu Cá. Tự nhiên ông nẩy ra sáng kiến vẽ tranh con Mèo để bán. Không ngờ mặt hàng nầy rất được ưa chuộng. Một bức tranh trên tấm giấy nhỏ với vài nét bút sinh động, bán được vài quan (1 quan=1 đồng fr). Có tháng bán tới 160 con mèo. Thế là tạm đủ sống Ông còn đem tranh mèo in vào đĩa, càng bán chạy hơn .Cứ thế kéo gần năm năm, lấy ngắn nuôi dài trước khi ông khẳng định được tên tuổi của mình bằng tranh Lê Bá Đảng.
       Bây giờ Lê Bá Đảng là một họa sĩ tầm cỡ quốc tế. Năm 1989 ông được Viện Quốc Tế St Louis (Hoa Kỳ) tặng giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo”. Rồi Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Cambridge đưa vào danh sách “Nhân vật nổi tiếng thế giới năm 1992-1993”. Năm 1994, được nhà nước Pháp tặng Huân chương Nghệ Thuật và Văn Học (Chevalier de l’Ordre des Arts et des Lettres). Năm 2005 ông được nhà nước Việt Nam tặng Huân Chương Chống Mỹ Cứu Nước
      Ngay cả người Pháp cũng chưa chắc mấy ai đã hiểu hết những nỗi đau xót và vinh quang đằng sau cái tên phố Con Mèo Câu Cá. Nhưng họa sĩ Lê Bá Đảng thì sẽ không bao giờ quên nơi đây là bước khởi đầu của sự nghiệp sáng chói của mình. Bởi vậy thỉnh thoảng, chúng ta vẫn còn bắt gặp trong tranh hoặc trong những chữ ký trên tác phẩm hội họa của ông hình ảnh con mèo. Phải chăng con mèo nầy chính là Con Mèo Câu Cá?
 
     Trong chuyến công du sang Pháp năm 1993,thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành thời gian gặp gỡ hai nhân vật tiêu biểu trong giới Việt kiều yêu nước ở Paris là nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn và họa sĩ Lê Bá Đảng. Nhân  dịp nầy, họa sĩ đã tặng thủ tướng một tác phẩm điêu khắc rất có giá trị của mình và bức tượng ấy được thủ tướng mang về trưng bày ở phòng khách tại nhà riêng ở đường Tú Xương, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
    Sau năm 1975, họa sĩ Lê Bá Đảng đã về thăm làng Bích La của mình và để lại nơi ấy một số công trình phúc lợi cho bà con họ hàng. Nhưng quan trọng nhất là Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng ở Huế - nơi được họa sĩ lưu ký hàng tăm tác phẩm hội họa và điêu khắc quan trọng nhất.

Họa sĩ Lê Bá Đảng đã từ trần vào 1g15 (giờ Paris) ngày 7.3 2015 ở tuổi 94 . Chiều 9.3.2015, sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế đã tổ chức lễ tưởng niệm họa sĩ Lê Bá Đảng tại trung tâm này. Sau cùng còn một việc nên nghĩ tới. Đó là cần có một con đường mang tên ông, nhất là ở những thành phố có đời sống văn hóa cao.

                                                                                    HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-3-15

Nguồn : viet-studies.info

Không có nhận xét nào: