Trần Trọng Thức
Vào
trung tuần tháng 7 tới đây, hàng trăm đồng môn của một ngôi trường
xưa ở Huế sẽ hội tụ về chốn cũ, tìm lại nơi đầy ắp kỷ niệm của thời
đi học mà nay chỉ còn trong tâm tưởng.
Ngôi trường mang tên một vị vua yêu nước - vua
Hàm Nghi - mà lịch sử của nó là những năm tháng ray rứt trong nhiều
thế hệ học trò. Được thành lập năm 1955, tồn tại hai mươi năm, đến
1975 thì bị bức tử, học sinh tan đàn xẻ nghé, cơ sở biến thành Nhà
bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nay được đổi tên là Bảo tàng Lịch
sử và Cách mạng.
Rồi đến ba mươi năm sau, năm 2005, do sự vận
động không hề suôn sẻ của một số cựu học sinh, tên vua Hàm Nghi được
gắn vào bảng hiệu của một trường tiểu học gần trung tâm thành phố
Huế, đó cũng là địa chỉ khu trú tình cảm của những người muốn tìm
lại chút hương xưa.
Ngôi trường tiểu học ấy nay đã trở thành trung
học cơ sở, nhiều năm được sự quan tâm giúp đỡ của cựu học sinh Hàm
Nghi bởi đây chính là điểm tựa hoài niệm về một ngôi trường đã chết.
Mấy tháng qua, thầy trò khắp nơi đang chuẩn bị cho ngày về thăm
trường xưa, gặp nhau trong lễ hội kỷ niệm 60 năm ngày thành lập một
ngôi trường mà tuổi đời chỉ 20 năm.
Điều đáng quý là suốt mấy chục năm qua, có đến
11 Ban liên lạc Cựu học sinh Hàm Nghi được hình thành, làm cầu nối
giữa đồng môn trong và ngoài nước thuộc nhiều thế hệ. Năm nào cũng
vậy, trong ngày họp mặt nhân dịp Tết nguyên đán tại Sài Gòn, hằng
trăm mái đầu đã hai thứ tóc, thành danh trên nhiều lĩnh vực, xa nhau
mấy chục năm trời nay gặp nhau tay bắt mặt mừng, rôm rả chuyện đời
bằng thứ ngôn ngữ “mi - tau” thân tình. Những cuộc gặp gỡ như vậy
cũng thường diễn ra tại Huế và một vài nơi khác. Chưa hết, 12 cuốn
đặc san “Hàm Nghi yêu dấu” xuất bản định kỳ là sân trường thu hẹp để
anh em níu kéo kỷ niệm về một thời đi học, thắp lên chút lửa truyền
thống.
Nhưng liệu ước vọng đó có đạt được hay không khi
niềm tự hào về ngôi trường đã bị bao lớp bụi thời gian làm mờ? Không
gian lẫn thời gian không có đủ điều kiện cho sự kết nối quá khứ và
hiện tại thì làm sao có truyền thống! Làm gì có thế hệ học sinh này
kế tục thế hệ khác trong 40 năm qua? Và làm sao một em học sinh
Trường Phổ thông cơ sở Hàm Nghi hôm nay chia sẻ được những thăng
trầm của thời cuộc, các cuộc xuống đường bãi khóa, những cảm xúc của
các ông, các bác vốn là học sinh ngôi trường mang tên Hàm Nghi 60
năm về trước?
Phải chăng vì sự thiếu vắng ấy mà anh em cựu học
sinh Hàm Nghi đi tìm gắn kết tình đồng môn từ tinh thần yêu nước của
vị vua mà ngôi trường được vinh dự mang tên. Những buổi lễ tưởng
niệm và dâng hương vua Hàm Nghi trong các cuộc gặp mặt đầu năm của
cựu học sinh là nghi thức trang trọng đáng quý, nhưng sao vẫn có
điều gì khiên cưỡng. Trường Hàm Nghi không do vị vua này thành lập
và cũng không phải là nơi ghi dấu ấn lịch sử của Ngài. Nếu như ngôi
trường không mang tên Hàm Nghi mà là một tên gọi nào đó – như Thành
Nội là tên cũ của trường trong hai năm đầu chẳng hạn – thì sao?
Không biết sáng kiến này có từ bao giờ, nhưng tôi là học sinh lớp
đầu tiên của trường vào năm 1955, suốt bốn năm học chưa một lần biết
đến lễ dâng hương và tưởng niệm như thế. Có lẽ đó là việc của hậu
duệ các vua nhà Nguyễn.
Đã 40 năm qua, nhiều người vẫn không hiểu rõ tại
sao một ngôi trường trung học quy mô và uy tín thuộc hàng thứ ba tại
Huế – sau hai trường Quốc Học và Đồng Khánh (nay là trường Hai Bà
Trưng) – lại bị khai tử vào năm 1975.
Phải chăng vì trường mang tên một vị vua Nguyễn
mà suy nghĩ hẹp hòi vào thời điểm ấy cho là triều đại phong kiến
phản động? Mà nếu vậy tại sao không “đổi tên một ngôi trường để giữ
lại một ngôi trường” có chỗ đứng trong đời sống tri thức của người
dân Huế. Tự thân ngôi trường đâu có tội tình gì?
Hay trường là sản phẩm của chế độ cũ nên dẹp bỏ
chăng? Lẽ nào như vậy, bởi đó không phải là chủ trương của chế độ
mới. Lại thêm thắc mắc là tại Huế vốn có ít trường công lập quy mô
lớn đủ các cấp lớp, tại sao lại khai tử trường Hàm Nghi? Có lẽ đó là
sự tùy tiện trong việc chia phần quản lý tài sản thời kỳ đầu đổi
chủ?
Thôi thì cứ nghĩ như vậy để yên tâm rằng quyết
định khai tử trường Hàm Nghi chẳng qua là suy nghĩ thiếu cân nhắc
trong việc chuyển đổi “công năng” nhiều cơ sở văn hoá tại Huế vào
lúc bấy giờ, như Trường Quốc gia Âm nhạc trong Đại nội trở thành…
xưởng in, Cung An Định dùng làm Câu lạc bộ Công đoàn, Văn Thánh vốn
là nơi thờ các bậc tiến sĩ trở thành Trường Văn hoá. Thế mới thấy
đối với giá trị văn hóa vật thể thì bảo tồn mới khó, chứ sử dụng thì
quá dễ.
Trở lại câu chuyện của ngày hôm nay, tại sao
không ai nghĩ đến việc làm sống lại một cơ sở giáo dục tầm cỡ như
trường Hàm Nghi? Ngôi trường này rất xứng đáng được đối xử như thế,
không chỉ vì là nơi gieo chữ trồng người mà còn mang đậm dấu ấn của
văn hoá.
Khởi đầu trường được đặt tại địa điểm xưa kia là
Bộ Học. Hai năm sau trường dời về khuôn viên của trường Quốc Tử
Giám, nơi đào tạo nhân tài triều Nguyễn mà nay vẫn còn nguyên vẹn Di
Luân Đường, di tích trường đại học duy nhất thời phong kiến tồn tại
ở nước ta. Tất nhiên việc phục hồi ngôi trường tại địa điểm cũ là
không dễ dàng vì trong khuôn viên này đang có quá nhiều hộ gia đình
cán bộ cư trú hàng chục năm nay. Thế nhưng một quyết định phục hồi
bằng văn bản, cũng như một địa điểm tương xứng tầm vóc cho trường
Hàm Nghi nếu muốn cũng không quá khó khi chính quyền có chủ trương.
Bày tỏ mong ước về sự hồi sinh của ngôi trường
mẹ, Nguyễn Quốc Vọng, tiến sĩ nông học tại Nhật, hiện là giáo sư
Trường Khoa học Ứng dụng, Đại học RMIT - Úc, là một học sinh Hàm
Nghi từ 1957 đến 1961 nói rằng Huế là đất học, các trường trung học
ở đây đã có vai trò then chốt trong việc xây dựng tri thức cơ bản
mang tính quốc tế, nhờ vậy những học sinh này đã tiến rất xa trong
học thuật ngay cả trên trường quốc tế. Do vậy việc dẹp bỏ một cơ sở
giáo dục có uy tín như trường Hàm Nghi là điều đáng tiếc. Ông Vọng
nhiều năm về nước dạy học tại Hà Nội, Huế và Cần Thơ, cũng là người
đưa Quy trình An toàn rau sạch (VietGAP) vào Việt Nam để làm tăng
giá trị xuất khẩu. Là người quan tâm đặc biệt đến giáo dục bậc trung
học, ông tỏ ra nuối tiếc lứa tài năng trẻ từng đoạt nhiều giải
thưởng quốc tế về toán sau năm 1975 xuất thân từ Huế như Lê Tự Quốc
Thắng, Lê Bá Khánh Trình nay không còn nữa. Theo ông nên phục hồi
tinh thần hiếu học truyền thống của con em Huế bằng trường lớp có
chất lượng như Hàm Nghi tại vùng đất này.
Cùng suy nghĩ với đồng môn Hàm Nghi trước mình
một năm, Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không Nguyễn Thiện Tống, giảng
viên Trường Đại học Bách khoa nay đã nghỉ hưu, cho rằng chúng ta cần
nhìn lại việc giải thể vội vàng trường Hàm Nghi 40 năm về trước và
nghĩ đến phục hồi như sự thừa nhận tầm vóc của một ngôi trường có
phần đóng góp đáng kể vào việc trồng người.
Chắc hẳn đó không chỉ là ước mong của thầy trò
gắn bó với ngôi trường cũ mà còn của nhiều người dân Huế.
Viet-studies nhận được ngày 2-7-15
Trích lại từ: http://www.viet-studies.info/culture.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét