Trường
THPT Lê Quý Đôn được xây dựng cách nay gần 140 năm sẽ được chỉnh trang,
mở rộng nhưng vẫn đảm bảo theo nguyên mẫu, kiến trúc, mỹ thuật… nhằm
bảo tồn di tích.
UBND TP HCM vừa có ý kiến về đề xuất cải tạo trường Lê Quý Đôn (gồm 2
cấp học) của quận 3. Theo đó, UBND TP nhận định, ngôi trường này được
tiếp quản sử dụng từ sau năm 1975 và là công trình kiến trúc cần bảo
tồn. Do vậy, việc cải tạo, sửa chữa mở rộng THCS Lê Quý Đôn và THPT Lê
Quý Đôn phải xem xét tổng thể mặt bằng đã xây dựng theo đồ án thiết kế
từ những năm 1877. Hàng rào chung của trường cũng cần được phục dựng.
Trường THPT Lê Quý Đôn là trường học lâu đời nhất của Sài Gòn. Ảnh: Panoramio.
|
Với 4 khu hiện nay, UBND TP chấp thuận phương án cải tạo, sửa chữa khu B
theo nguyên mẫu, bảo đảm kiến trúc, mỹ thuật… nhằm bảo tồn di tích
(không bổ sung hạng mục tầng hầm để xe). Tuy nhiên, thành phố
không chấp thuận xây chen khu E và yêu cầu giữ nguyên hiện trang khu A,
phục chế lại Nhà truyền thống, Khu Hiệu bộ. Khi cải tạo nâng cấp công viên cây xanh, bố trí sân chơi, nơi tập thể dục, cần tính toán kỹ khu vực để xe cho giáo viên và học sinh.
UBND quận 3 được giao chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công
trình quận này nhanh chóng hoàn chỉnh lại thiết kế, dự toán, báo cáo
lại UBND TP để xem xét quyết định.
Trường Lê Quý Đôn hiện nay.
|
THPT Lê Quý Đôn là trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, được thành
lập năm 1874 với tên gọi Collège Chasseloup-Laubat. Ban đầu, trường chỉ
dạy các học sinh người Pháp, đến đầu thế kỷ 20 thì mở rộng nhận thêm học
sinh người Việt, tuy nhiên phải có quốc tịch Pháp.
Năm 1954, trường được đổi tên là Jean Jacques Rousseau, dạy chủ yếu học
sinh người Việt, nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Đến 1967, nơi này trở
thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Sau năm 1975, trường được tách
thành hai cấp học.
Trải qua hơn một thế kỷ, kiến trúc mang đậm chất Tây Âu của ngôi trường
vẫn gần như nguyên vẹn, gồm 4 dãy nhà hai tầng ghép lại có hình chữ
"khẩu".
Trung Sơn
theo VNEXPRESS.NET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét