Làn hơi lạ bên dòng sông Hương
Viêm Tịnh
viêm tịnh
Làn hơi lạ bên dòng sông Hương
Huế, miền cố đô cổ kính, thơ
mộng và nhiều di sản văn hóa. Nhưng có những người viết không theo nét
êm đềm xưa cũ của dòng sông Hương. Một trong những làn hơi lạ đó là Viêm
Tịnh, người cùng thời, và là bạn hữu của nhiều cây bút nổi tiếng trong
giai đoạn 1965-1975.
Viêm Tịnh tên thật là Võ Công Danh
Ngọc. Thời trai trẻ anh đã trải qua nhiều năm lưu lạc xa xứ, nhưng sau
sự cố 1975 lại trở về ở hẳn với cố đô.
Qua phỏng vấn của Cao Thoại Châu năm
2011, Viêm Tịnh cho biết hồi thuở nhỏ, anh bắt đầu làm thơ từ sự rủ rê
của Trần Dzạ Lữ. Nhà anh có một sạp báo ở ngay làng Vỹ Dạ. Trần Dzạ Lữ
hồi đó đứng chủ trương tờ báo văn nghệ viết tay và in rô-nê-ô đặt tên
Mây Ngàn. Lữ hàng ngày tới sạp báo để…coi cọp, đã rủ bạn Võ Công Danh
Ngọc chơi…làm thơ. Khi đi vào sáng tác, anh đã sớm thành danh, trước
tiên với những người trong cuộc.
Viêm Tịnh in bài thơ đầu tiên trên tạp
chí Văn Học vào năm 1965. Anh còn viết cả truyện ngắn, nhưng thơ anh từ
lúc đầu đã mang một phong vị riêng. Nó không nhiều chất “Huế truyền
thống”, mà nặng ưu tư, từ cách ngắt câu, chọn nhịp. Anh nói chỉ viết ra
tự nhiên theo suy nghĩ rất thực của mình, không hề biết tới vần điệu,
niêm luật gì cả.
Viêm Tịnh
Của một thời
(Gửi H.Hải)
những bậc thang đưa ta về
có em ở bên ta
hơi ấm sưởi mùa xuân lạnh giá
chỉ còn em
bên bờ Vĩ Dạ thuở ấu thơ
trong khu vườn người bạn thời đi học
ta ngồi quạnh hiu
nghiệm ra mình đang sống
rồi cũng phải ra đi
một ngày sẽ đến
những con đường nhỏ
đất và những viên sỏi
lạo xạo dưới bàn chân trần rất thật
những người phụ nữ bên đời
chỉ riêng em cho ta hơi ấm
cho ta hương nồng
mùa đông của lẻ loi
không thể rời
ta đã về căn phòng không em
bên dòng sông biếc màu phỉ thúy
lòng buồn như trời chớm hoàng hôn
Viêm Tịnh đăng thơ rất ít nên không có
tên “vang dội” như những bạn cầm bút cùng lứa. Mãi đến năm 2007, anh
mới có tập thơ in chung cùng Nguyễn Miên Thảo, Lê Ngọc Thuận, Từ Hoài
Tấn. Đến tháng 6-2014, tủ sách Thư Ấn quán ở Hoa Kỳ đã tập hợp, xuất bản
cho anh tập đầu tay: Thơ Viêm Tịnh, như một khẳng định về một nét riêng
trong dòng chảy 20 năm Văn học miền Nam.
Theo bài phỏng vấn được in trong tập
thơ, Viêm Tịnh kể rằng năm 1977, sau thời gian đi “học tập cải tạo” về,
anh kiếm được một chân đãi sạn thuê trên dòng sông Hương. Chiếc phà nối
bằng những thùng phuy chở công nhân đi hành nghề. Một bữa, cô gái làm
chung với anh khoe một nắm tiền cổ bằng kim loại vừa mót được dưới đáy
sông. Đám thợ đang hứng khởi săm soi mớ tiền đồng, thì bất ngờ một cơn
lũ mạnh xô qua chiếc phà, cuốn cô gái xuống dòng nước trôi.
Phải trưa ngày sau, người dân mới tìm
ra được xác cô thợ ấy. Viêm Tịnh tức tốc xin nghỉ việc ngay. Từ đó anh
lặng lẽ mang theo nỗi ngậm ngùi trong lòng. Có khi nó hiện ngầm trên
nhiều dòng thơ anh làm tản mác đó đây.
Bạch thủy
Em theo gió bay về nơi có cát
Cát cuộn chân em và biển giữ em
Ta xa quá chốn đèo heo hút gió
Biết ngày nào hết đêm trắng vì em.
Thơ Viêm Tịnh như hơi thở tự nhiên của
anh, không màu mè triết lý. Nhưng người đọc vẫn thấy màu siêu thực của
những con đường nội thành, của cảnh hoàng cung vắng lặng. Cao Thoại Châu
còn cho là anh có hơi thở ‘‘tân hình thức’’. Nhưng có lẽ đa phần các
thi sĩ đều không màng sự phân định về thể loại. Họ chỉ nói bằng giọng tự
nhiên, nhi nhiên của mình, mà ra thơ.
Không dễ ai cũng có được điều đó. Về
sau tôi mới được biết thêm, rằng Viêm Tịnh còn có cả người anh trai ở
nước ngoài, và cô cháu gái ruột ở Hà Nội, cả hai cũng theo nghiệp văn
chương và đều nổi tiếng. Thì ra, cho dù đã có « gien », nhưng nếu
không có niềm đam mê, không thường xuyên « tắm » trong hơi thở thi ca
thì không dễ gì làm ra được những bài thơ hay.
ĐÊM 30 Ở ĐỒI THIÊN AN
(với Cao Huy Khanh - Trần Lượng)
Đêm bỗng nhiên lửng lơ một nỗi nhớ
những tiếng thầm thì
thổi ngọn lá thông reo
bên triền đồi mượt mà sương giá Thiên An
chập chờn những gọi mời mộng ảo
Em không để lại gì hơn bước đi rộn rã
nụ hôn tuyệt vời
đêm đang sâu
đêm ba mươi choáng ngợp qua mỗi gốc thông già
em quấn quýt mười ngón tay
hồng nhuận
Và thế thôi, khởi từ nhúm lửa nhỏ
cháy bùng lên óng ánh một làn da
soi bóng em, hằn vết nỗi đoạn đời
trần gian ơi,
điều không thể thả rơi vào quên lãng
Với chiếc que diêm
đốt vội điếu thuốc
sao mà,
lại,
phải sang xuân rồi.
TUYẾT PHAI
Ta gọi em từ bờ Bắc
xuống bờ Đông Nam xa lắc
một âm ba từ viên đá tuổi thơ qua hồ sen Vỹ Dạ
mùa thu, mùa thu trơ lạnh miền yêu
một bóng tà dương phủ mầm bạch liên hạ xế
Hạ huyền, hạ huyền nụ sơ khai
hoa chớm bình minh trắng chớp đời
yêu dấu xa qua, xa qua
Đông xế
đại đoá màu vàng phai
hộ thành gió chướng thổi tình cuồn cuộn
trái tim nhói mầm ghen tuông
Xuân về bên em,
dòng sông lững lờ
nghìn cánh hoa nở sáng màu hoàng ngự
em tươi như đào hồng, không giá rét
Chợt có nhau
tỉnh lặng
giữa đêm xuân.
Khung cảnh vẫn là khung cảnh Huế, “khí
hậu” trong bài thơ nghe đâu vẫn phảng phất tiếng chuông từ ngôi chùa
cổ, với âm vang của “dòng sông lững lờ”. Nhưng hình như người đọc đã
nghe thấy đâu đó một thành phố Huế như đang chuyển động theo những nhịp
bước của thời đại. Của thế giới văn minh với những khách lữ hành mang
dáng vẻ “Tây ba lô” ghé vào các đền đài phế tích. Dòng thơ của Viêm Tịnh
đang rất “hôm nay”.
Xin được mở ngoặc nói thêm là bước vào
thập ký thứ 2 của thế kỷ thứ XXI, cố đô Huế với Tạp chí Sông Hương đang
là nơi tập trung giới thiệu để “tiếp nhận và sáng tạo” dòng thơ “Tân
hình thức Việt”. Nhưng cả trên các tạp chí cũng như các tập tiểu luận
nghiên cứu “chính thống” đã “công bố” về dòng thơ “mới” này (cả trên bản
in giấy hoặc điện tử), không ai “thèm nhắc” đến tên tuổi một thi sĩ đã
tiếp cận với nó rất tự nhiên, từ khá lâu
(Trích bản thảo Vén Mây-tập tản văn thứ 3 của V.CH.C
về các nhà thơ Miền Nam trước 1975)
Võ Chân Cửu
(tác giả gởi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét