Thứ Tư, 17 tháng 12, 2008

Tiếng Huế: Văn hoá mà ý nhị

Ngôn ngữ của người Huế rất phong phú, ngoài những từ đặc biệt của địa phương như mô, tê,răng, rứa...thì trong lời ăn tiếng nói của người Huế còn dùng nhiều ca dao, tục ngữ để thể hiện ý nghĩ thêm phần hoa mỹ và trơn tru. Chính điều này đã làm cho ngôn từ Huế sống động cũng như thăng hoa tâm hồn con người xứ Thần Kinh này.

Thiếu nữ Huế dịu dàng

Do chịu nhiều ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến nên trong các gia đình Huế những khuôn phép, lễ nghĩa cả trong lời ăn tiếng nói rất được coi trọng. Người phụ nữ phải quan tâm đến việc tề gia nội trợ, quán xuyến nhà cửa, tính toán cho chi tiêu trong gia đình. Họ thường bảo nhau "Con ơi! Một tháng có ba mươi ngày, liệu mà tiêu pha, ào ào không bằng hao lộ mội".

Người Huế sống rất khiêm tốn, tuy thích nói văn hóa bay bổng nhưng tuyệt đối ghét sự ba hoa, khoe khoang nên thường khuyên răn con cháu mình "Bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành" để khỏi xấu hổ với mọi người nếu một mai vấp váp, thất bại.

Bên cạnh đó, dù nói năng nhẹ nhàng nhưng người đất cố đô cũng thích nói xéo một cách văn hoa, để người đối thoại hiểu được cái hậu ý mà tự suy ngẫm. Chẳng hạn với người hay nói dối, người Huế mỉa mai dông dài: "Láo thiên láo địa, láo từ ngoài Sịa láo vô".

Còn trong tình cảm đôi lứa thì có thể nói người Huế dùng vô vàn những từ ngữ hoa mỹ nhất. Trong đó, một từ mà để nói lên sự kín đáo trong tình cảm của người Huế rất thi vị là "thẩm ý thẩm tình", ý nghĩa là hồi tưởng về những kỉ niệm đẹp thời thanh xuân mà bẽn lẽn cười một mình. Về chữ duyên ở đời, người Huế duyên dáng mà bảo nhau "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ...". Thiếu nữ Huế khi bị trêu "Nhớ ai hả?" sẽ trả lời một cách điệu đàng rằng "Ai, ông cai bến đò" thay vì bật mí người ấy là ai.

Bên cạnh đó là ngôn từ trong ẩm thực Huế, từ phong cách ăn uống cho đến phương tiện phục vụ đều được diễn đạt một cách bóng bẩy "ăn lấy hương lấy hoa". Khi thức ăn ngon quá thì học nói "ăn ngậm mà nghe", khoái khẩu ăn nhiều sẽ bị mắng yêu là "ăn như thúng lủng khu"...

Kiểu nói văn hoa trong sinh hoạt đời thường của người Huế đã chứng tỏ được lối suy nghĩ, cách sống phong lưu và một tâm hồn thư thái của con người đất cố đô này.

Thanh Nguyên (Tổng hợp)

http://www.hue.vnn.vn/vedephue/phongtuctapquan/2008/10/300229/

Không có nhận xét nào: