Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008

Tưởng niệm La Quốc Tiến


NHỚ “LỤC VÂN TIÊN”…PHÀ RẠCH MIỄU

Võ Tấn Cường


Nhà thơ La Quốc Tiến ra đi về cõi vĩnh hằng cách đây hơn 4 năm. Căn bệnh ung thư gan quái ác đã quật ngã La Quốc Tiến khi anh đang khát khao sống và khát vọng sáng tạo vẫn còn mãnh liệt trong tâm hồn anh. Những ngày cuối đời, linh cảm về cái chết, La Quốc Tiến muốn tìm không gian tĩnh lặng để lắng dịu tâm hồn. Anh không muốn người thân và bạn bè chứng kiến nỗi đau đớn, vật vã về thể xác của anh do chứng bệnh ung thư gan hành hạ. Anh đã thanh thản ra đi về với hư vô không một lời trăn trối. Ở độ tuổi 55, nhà thơ La Quốc Tiến vĩnh viễn mang theo nỗi hoài vọng cái đẹp về thế giới vĩnh hằng….

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Đức Thọ từng gọi nhà thơ La Quốc Tiến là “Lục Vân Tiên”… phà Rạch Miễu. Nguyễn Đức Thọ gọi như vậy bởi hai lẽ: Thứ nhất, vào năm 1988, La Quốc Tiến có bài thơ “Lục Vân Tiên thọ nạn” đăng trên báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn VN gây xôn xao dư luận. Thứ hai La Quốc Tiến là nhà thơ mang đậm cốt cách con người Nam Bộ và sống bằng nghề bỏ mối bánh kẹo nên thường phải qua lại phà Rạch Miễu. Bạn bè và người yêu thơ La Quốc Tiến biết anh là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và giàu tình nghĩa nhưng cũng bộc trực, thẳng thắn đến độ cực đoan. Sống và sáng tạo đối với La Quốc Tiến là sự bộc lộ rõ ràng quan điểm và thái độ yêu, ghét. Nhà thơ La Quốc Tiến sống chân tình, hết mình với người thân và bạn bè. Anh không chấp nhận thái dộ sống bàng quan, nửa vời và toan tính, dùng nghệ thuật để trục lợi cho bản thân.

La Quốc Tiến yêu thơ đến độ mê dại. Đối với La Quốc Tiến, sáng tác thơ chính là sự tự khám phá cõi thẳm sâu của bản ngã con người và hướng đến sự tự hoàn thiện về tâm hồn, nhân cách. Mỗi lần sáng tác một bài thơ, La Quốc Tiến đều sống tận cùng với khát vọng sáng tạo và những buồn vui của đời người. Anh thường đọc cho bạn bè văn nghệ nghe và sửa đi sửa lại nhiều lần trước khi công bố với người đọc. La Quốc Tiến là nhà thơ có sự lao động nghệ thuật công phu và nghiêm túc. Để tìm một hình ảnh độc đáo, một “nhãn tự” trong bài thơ mới viết, La Quốc Tiến có thể thức trọn đêm hoặc trăn trở, suy tư cả ngày.Chính vì nhập tâm đến độ tận cùng như vậy nên hầu hết những bài thơ của mình La Quốc Tiến đều nhớ mà không cần lưu giữ bản thảo.

La Quốc Tiến chưa từng xuất bản một tập thơ nào. Thế nhưng anh có hàng trăm bài thơ sống trong trí nhớ của người yêu thơ. Những bài thơ của La Quốc Tiến thường viết về tình yêu, sự chìm nổi của đời người, thân phận của con người trong các mối quan hệ với xã hội với vũ trụ và viết về cái đẹp của đời thường. Người yêu thơ thường nhắc đến một số bài thơ của La Quốc Tiến như: “Hòn cuội và bông sứ”, “Bà mẹ đập đá núi Bửu Long”, “ Nụ tầm xuân”, “Cây gậy của anh mù”, “Dây phơi hạnh phúc”, ”Gò Công”, “Nợ bút nghiên”, “Ngày xuân đọc thơ Chế Lan Viên”…vv…. Hầu hết thơ La Quốc Tiến đều viết theo thể thơ tự do, câu thơ co duỗi linh hoạt và khỏe khoắn. La Quốc Tiến thường phát hiện những tứ thơ độc đáo với hình tượng thơ vạm vỡ, giàu tính nhân văn. Mạch cảm xúc trong thơ La Quốc Tiến tự nhiên như hơi thở, cảm hứng thẩm mỹ dồn nén và thanh thoát tạo nên sự bùng vỡ trong cảm hứng tiếp nhận của bạn đọc…

Nhà thơ La Quốc Tiến đã rời xa cõi đời hơn 4 năm. Chàng “Lục Vân Tiên” đã không còn qua…. phà Rạch Miễu. Nhớ về La Quốc Tiến người yêu thơ chợt nhận ra khoảng trống trong cuộc đời và trong nghệ thuật không gì có thể bù đắp. Tâm hồn La Quốc Tiến đang phiêu diêu cùng mây trắng về với cõi vô cùng nhưng những bài thơ của anh thì vẫn thổn thức hồn người và vẫn sống giữa cuộc đời.


theo phongdiep.net


VỀ MỸ THO viếng LA QUỐC TIẾN


Mười năm về lại Mỹ Tho

người đi. Còn mỗi bến đò xôn xao

Lục Vân Tiên ở trời nào

tiếng kêu thọ nạn rơi vào thinh không

cánh cò Vương Bột đằng vân

sắt se lớp lớp ráng hồng tiễn đưa

trước nhà gọi chẳng ai thưa

câu thơ gởi lại gió mưa làm quà

cúng thời cũng chẳng có hoa

khóc không nước mắt

hóa ra khóc mình

con phà Rạch Miễu rung rinh

lạy La Quốc Tiến thôi mình đi đây


Trần Thiên Thị

Mỹ Tho 2007


vĩ thanh thơ La Quốc Tiến

" có con cò ma lụy câu thơ Vương Bột

cứ chấp chới bay về phía ráng chiều "


theo http://giaocam.saigonline.com

Không có nhận xét nào: