Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2008

Nguyễn Hòa: Về thơ, và không chỉ về thơ (trích)

7. Nhà thơ ơi, đừng “diễn” nữa!

Trở lại với thơ, theo những gì một số nhà thơ lớn kể lại và tôi đã đọc, thì ý tưởng giữ vai trò là điểm xuất phát cho bài thơ và có khả năng đọng lại trong người đọc thường nảy sinh một cách tự nhiên, thậm chí bất chợt. Điều tưởng chừng ngẫu nhiên ấy là sự tích tụ, thăng hoa của rất nhiều yếu tố mà ngay bản thân người làm thơ cũng khó lường hết. Diễn biến phức tạp trong sự ra đời của những bài thơ như vậy là hoàn toàn đối lập với sự sáng tác của một số người làm thơ hôm nay, thiếu ý tưởng, họ chạy gằn theo người khác. Thiên hạ làm thơ tân hình thức thì cũng đua nhau làm thơ tân hình thức. Thiên hạ viết hậu hiện đại thì cũng đua nhau viết hậu hiện đại. Thiên hạ ném rác rưởi vào thơ thì cũng đua nhau ném theo. Thiên hạ trình diễn thơ thì cũng đua nhau trình diễn,… nghĩa là cái riêng của họ rất mờ nhạt. Cho nên, dù là người dành nhiều ưu ái đối với thơ trẻ, gần đây Inrasara vẫn phải viết bài để lưu ý một số cây bút thơ đang lặp lại của nhau. Và tôi lại buồn cười khi thấy anh nhà văn kiêm nhà thơ đã nhắc tới ở trên nói như đinh đóng cột nhưng không mảy may chứng minh việc: “Tinh thần hậu hiện đại, khi vào với cộng đồng người viết tiếng Việt, đã và đang được Việt hoá” như thế nào. Đọc tới chỗ anh tự quảng bá về sáng tác của mình, tôi nhận ra anh cũng chẳng hậu hiện đại gì: “Với tiểu thuyết, tôi quan tâm đến giọng điệu. Thường thì trong đầu tôi có một số thứ, như nhân vật, câu chuyện, một không khí nào đó, thậm chí là vấn đề nọ kia… nhưng tôi chỉ có thể viết khi giọng điệu đó cất lên chắc chắn”. Tôi nghĩ anh nói cho oai thế thôi chứ mấy chữ hậu hiện đại trong quan niệm của anh xem ra cũng lỏng lẻo, đơn cử: “tôi đặc biệt muốn nhắc tới Bút Tre. Hình như sinh thời ông không tự nhận mình sáng tác theo phong cách gì, và nếu giờ vẫn sống tôi tin ông cũng chẳng nhận mình là “hậu hiện đại”, nhưng tinh thần giải thiêng và thủ pháp giễu nhại của ông thật tuyệt vời. Đó chính là một nhà thơ hậu hiện đại rất tiêu biểu, hơn nữa lại đi tiên phong, ít ra là ở phía Bắc”. Nếu chỉ bằng vào tinh thần giải thiêng và sử dụng thủ pháp giễu nhại trong sáng tác để đánh giá một tác giả là hậu hiện đại hay không thì xem ra hậu hiện đại đã có mặt ở nước Nam ta từ lâu rồi đấy nhỉ. Như thế thì khác gì ngày trước, có người mau mắn phát hiện sân khấu tự sự biện chứng từng có mặt ở Việt Nam từ thời xa xưa, bằng chứng là câu “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ” trong sân khấu chèo! (Viết ra điều này, tôi đồ rằng anh nhà văn kiêm nhà thơ nọ sẽ dễ lại phản ứng bằng cách đưa tôi lên blog của anh. Không sao cả, là người đàng hoàng, tôi chấp nhận, và không bận lòng với kiểu phản ứng ấu trĩ như thế!).

Thêm nữa, cũng nên nhắc tới sự khác nhau giữa chín chắn với hiếu thắng, tự thị trong khi đón nhận sự đánh giá của dư luận đối với tác phẩm được gọi là cách tân. Tác giả chín chắn sẽ giữ thái độ im lặng, tiếp tục sáng tạo để chứng minh họ đã lựa chọn đúng. Người hiếu thắng, tự thị sẽ phản ứng theo những kiểu lối đại loại như: coi bạn đọc dốt nên không biết đọc thơ mình, bảo nhà phê bình kém cỏi nên không hiểu, hoặc lấy nước ngoài ra làm tiêu chuẩn để đo lường năng lực cảm thụ thơ ca của… nước ta. Cổ nhân bảo “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, song người ta lại cố đi tìm các lý do ngoài mình chứ không xem xét lại chính bản thân mình. Như thế thì làm sao mà “lớn” lên được. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, bàn tới tình huống hậu hiện đại có mặt trong thơ Việt Nam muộnchậm, nhà thơ Inrasara viết: “Với người viết, mang cảm thức hậu hiện đại thôi không đủ, nhà văn hậu hiện đại là kẻ biết vận dụng thuần thục thủ pháp hậu hiện đại vào sáng tác. Một, một vài hay tất cả mọi thủ pháp thích hợp”. Tôi lại nghĩ khác với Inrasara, nếu người làm thơ thật sự có cảm thức hậu hiện đại, cảm thức ấy sẽ chi phối việc anh ta tìm ra hình thức biểu đạt, sáng tạo thủ pháp nghệ thuật cho riêng mình, không nhất thiết phải biết vận dụng thuần thục thủ pháp hậu hiện đại. Và nhà thơ có tài năng hay không cũng từ đó mà ra.

Lâu nay, chúng ta đã nói quá nhiều về vai trò của tri thức, song trong thực tế, nhiều người trong chúng ta lại hành xử theo thói quen coi thường tri thức. Nghĩ mà buồn cười, một thời ở Hà Nội, đến nhà một số vị, tôi thấy có giá sách rất to bày ở phòng khách, như là muốn đưa ra thông điệp rằng chủ nhân là người hay chữ. Nhìn những cái gáy sách phẳng lỳ, chưa có nếp nhăn, tôi biết tỏng là chủ nhân chưa đọc. Để kiểm tra, có lần tôi giả vờ hỏi về một cuốn sách trên giá, và chủ nhân nói về nó rất say sưa, nhưng đó lại là nội dung cuốn sách khác chứ không phải cuốn tôi muốn hỏi. Có lần tôi vừa mua được một cuốn sách, một ông nì nèo mượn bằng được để đọc trước, hai ngày sẽ trả ngay. Nể quá tôi đưa ông. Sau hai ngày, chưa thấy tin tức gì, tôi gọi điện hỏi. Ông bảo cuốn ấy phải đọc kỹ, và đề nghị mượn thêm vài ngày. Đến khi ông trả thì tôi phát hiện ông chưa đọc vì cuốn sách còn mới tinh và có vài trang vẫn dính liền, chưa rọc! Còn bây giờ, với một số người, tri thức lại là tập hợp một mớ hổ lốn các bài báo đọc trên internet. Người ta khoe tri thức bằng cách thi thoảng trịnh trọng thông báo nghe nói trên mạng thế này, nghe nói trên mạng thế kia. Internet đang trở thành “mốt” trí tuệ của một số vị khoa bảng nước nhà. Tôi đã từng gặp mấy vị, mùa đông cho chí mùa hè, lúc nào cũng thấy đeo USB lủng liểng cạnh ca-ra-vat. Tôi nghĩ là người ta diễn, vì ngồi họp cạnh mấy vị đeo USB, nhưng cả ngày chẳng thấy dùng máy tính, vậy đeo USB để làm gì nhỉ? Bên cạnh việc tỏ ra là người tiên tiến, theo kịp công nghệ thông tin, lâu nay lại thấy một số vị có xu hướng trở về với minh triết phương Đông, bằng cách trang bị khả năng vẽ vài ba chữ Hán, thuộc dăm ba lời Khổng Tử, Mạnh Tử… để đôi lúc diễn tiểu phẩm thâm thúy, trầm ngâm. Chỉ ngồi bàn trà với nhau, nhưng tôi vinh dự được một vị là tiến sĩ - nhà phê bình văn học kiêm nhà thơ “dạy” cho không dưới 10 lần cái mệnh đề “phương Tây là phân tích, phương Đông là tổng hợp”. Còn một ông là Phó giáo sư Tiến sĩ thì bảo: “chữ trong tiếng Hán có nghĩa là sửa chữa, tu bổ. Các anh chị đi trên đường, thấy tấm biển đề lý trình thì đoạn đường ấy đang sửa chữa”. Nghe thầy nói, tôi hỏi luôn: “Thưa thầy, theo thầy thì thiên lý có nghĩa là sửa trời phải không ạ?” và ông thầy… mần thinh! Lười đọc nhưng thích diễn, đó là một trong nhiều nguyên nhân đẩy tới sự trì trệ tri thức, trong đó có sự trì trệ của tri thức văn học.

Tình trạng mạnh ai nấy nói và đã nói là tự coi mình thủ đắc chân lý đã làm cho văn đàn đôi khi trở thành “sân chơi” của não trạng hoang tưởng, nông hẹp tri thức, trở thành “sàn diễn” của thói tự đắc. Đưa ra ý kiến về một (nhiều) vấn đề văn học là quyền của mọi người, nhưng điều đó liệu có đồng nghĩa với việc muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết, kể cả nói và viết những điều hợm hĩnh, lố lăng? Tôi ngại nhất là chuyện quảng bá tác phẩm, hình như người ta không lăn tăn trước khi đưa ra các thông tin đại loại như tác phẩm đang được săn lùng, tác phẩm được hồ hởi đón nhận… bất chấp sự thật là cuốn sách chẳng mấy người đọc, cũng chẳng mấy người mua. Tôi coi đó là đánh lừa, là thiếu tôn trọng công chúng. Buổi sáng ngày báo X có bài kể về sự tấp nập, rộn ràng của bạn đọc kéo nhau tới phố Đinh Lễ để mua cuốn Trần Dần - Thơ, tôi liền mò đến xem sao. Hơn hai tiếng đồng hồ, mắt không rời các giá sách có bày Trần Dần - Thơ ở vỉa hè, tuyệt nhiên không thấy ai cầm sách lên xem chứ chưa nói là mua. Cuối cùng, tôi là người duy nhất sáng hôm ấy đã mua 2 cuốn, một cho mình, một cho bạn. Tới hôm nay, tôi vẫn băn khoăn: Hay là hôm đó đúng phải ngày bạn đọc đã cạn sạch tiền, hay là người ta quảng bá ba xạo, hay là ở Hà Nội còn một phố Đinh Lễ nào khác mà tôi chưa biết? Kể với một anh bạn, hóa ra cũng thế. Anh đến ngõ Tràng Tiền, gặp chị “đầu nậu” là người quen, chị bảo mua ngay kẻo sắp cấm rồi, bạn tôi dùng dằng. Ra phố Đinh Lễ thì thấy sách bán la liệt, mua quá dễ. Người ta cố biến tập thơ thành một vụ sự chính trị - xã hội, rút cục cố gắng ấy đã biến thành trò cười với sự “khép lại” bẽ bàng của một bức Thư ngỏ. “Khép lại” rồi song người ta còn cố vớt vát theo tinh thần AQ: “bảo vệ được tập sách Trần Dần - Thơ, ít nhất khỏi bị thu hồi hay tiêu hủy”! Tôi lấy làm tiếc là trong những người ký tên vào bức thư, lại thấy có tác giả mà tôi vẫn ngỡ là chín chắn hơn nhiều.

Định viết chơi chơi vài dòng, đâu ngờ tôi lại hăng hái đến mức đã biến một bài báo nhỏ thành một tiểu luận (mà gọi là tiểu luận có khi lại không đúng, vì xem chừng bài viết gần với một ghi chép tản mạn!). Nhìn đời sống tinh thần như một hệ thống, thơ sẽ không phải là một lĩnh vực loại biệt. Tương tự như cuộc khủng hoảng của văn xuôi Việt Nam đương đại, muốn đi tìm nguyên nhân khủng hoảng của thơ, cần coi nó là một bộ phận trong tổng thể các yếu tố mà đôi khi một số nhà nghiên cứu - phê bình hình như chưa quan tâm (hay không muốn quan tâm?). Với nhà thơ cũng vậy, đừng tự coi mình thuộc về “lớp người đặc tuyển”, đừng tự nghĩ bản thân đứng cao hơn, hay đứng ngoài các quan hệ xã hội. Là chủ thể sáng tạo, họ có phần trách nhiệm khi thơ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nếu nhiệt tâm muốn giúp thơ vượt qua tình trạng trì trệ, xin đừng “diễn”, a dua hay đánh lừa người đọc. Hãy khảo chứng chính mình để cùng tìm ra phương cách đổi mới thơ ca. Không có điều gì khác, “sức khỏe của thơ” phụ thuộc vào “sức khỏe tinh thần” của nhà thơ, chứ không phụ thuộc vào bạn đọc, không phụ thuộc vào giới nghiên cứu - phê bình. Vì thế, hãy trang bị một nội lực tinh thần thật sung mãn, dồi dào và hãy sáng suốt để đi trên lộ trình của thơ, cho dù lộ trình ấy có thể còn nhiều gian nan, trắc trở!

NH – viết xong 7.2008, bổ sung và hoàn chỉnh 9.2008.

Đọc tòan văn trên: http://viet-studies.info/NguyenHoa/NguyenHoa_VeTho.htm

Không có nhận xét nào: