Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Trò chuyện về lý luận phê bình văn học ở vùng đô thị miền nam giai đoạn 1954-1975

ĐỐI THOẠI VĂN CHƯƠNG

Nguyễn Thị Phương Thảo

Trong quá trình triển khai chuyên mục “Truyện ngắn miền Nam trước 1975” báo Văn nghệ nhận được nhiều thông tin phục vụ cho chuyên mục cùng lúc với khá nhiều câu hỏi đặt ra từ phía các đồng nghiệp cũng như bạn đọc về một mảng hết sức quan trọng luôn song hành với những sáng tạo văn chương, ấy là lý luận phê bình (LLPB): LLPB văn học ở vùng đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 thực chất đã diễn ra như thế nào? Các giá trị đương thời và còn lại của nó?… Để giải đáp phần nào các câu hỏi này Văn nghệ đã có một cuộc trao đổi với các nhà lý luận phê bình, cũng như một nhà văn - đối tượng trực tiếp của LLPB văn học giai đoạn này. Thiển nghĩ, đều là những người làm nghề nghiêm tuc,s ý kiến của các anh chị cho dù khác nhau đều xuất phát từ đòi hỏi sâu sắc khắt khe của một nghề “không dễ gì” mà họ đang theo đuổi. Vả lại, khác chính là đời thường, là khoa học, là dân chủ.

-Thưa anh Lại Nguyên Ân. Là người làm nghề LLPB trên đất Bắc, mối quan tâm của anh đến công việc của các đồng nghiệp ở vùng đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 như thế nào? Anh đã đọc những gì của họ, họ có tham dự được vào công việc của anh không?

Lại Nguyên Ân: Đối với văn chương, báo chí ở miền Nam 1954-1975 lần tiếp xúc mang tính trực tiếp đầu tiên của tôi là năm 1978 trong chừng 3 tháng, là biên tập viên Nxb Tác phẩm mới tôi được cử vào sửa mo-rát các cuốn sách Nxb đưa in tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài giờ làm việc, tôi thường đi tới các phố sách cũ, vào các kho sách cũ, tìm mua sách mang về cho thư viện Hội Nhà văn, cũng tìm mua cho tủ sách riêng. Lần tiếp xúc đầu tiên, ngập đầy cảm giác mới mẻ lạ lẫm. Nỗi tiếc rẻ thường trực sau mỗi lần từ chợ sách trở về chỉ là mình quá ít tiền để có thể mua tất cả những gì mình cần và thích!

Đối với vốn liếng sách cũ nói trên, tôi cũng như các cây bút cùng lứa tuổi, thường tự đọc và lặng lẽ lĩnh hội theo cách riêng, đôi khi có trao đổi nhận định riêng với nhau chứ tuyệt nhiên không thể hiện ra thành những phát ngôn công khai. Dù vậy, theo tôi nhận xét, qua nguồn sách báo cũ ấy, các giới sáng tác và phê bình nghiên cứu (và cả giới nghiên cứu xã hội nhân văn nữa) của miền Bắc dần dà cũng “ngấm” những trải nghiệm và quan niệm từ cái nguồn văn chương học thuật chỉ còn nằm trong sách báo cũ.

Sau những năm cao trào đổi mới, từ 1990, trong nghề làm sách có một vài chuyển biến, và thế là tôi có cơ hội sử dụng công khai các kết quả nghiên cứu phê bình của các đồng nghiệp miền Nam thời trước 1975. Chẳng hạn, khi mấy biên tập viên ở nhà xuất bản Hội Nhà văn chúng tôi (thường bao gồm tôi, ý Nhi, Vương Trí Nhàn) biên soạn loại sách về từng tác giả văn học, như Quang Dũng, Nguyễn Bính, Lê Văn Trương, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Thâm Tâm và T.T.Kh., Hàn Mặc Tử, Bích Khê v.v… lấy tên chung “Tủ sách thế giới văn học” đặt cho các cuốn loại này, chúng tôi phải đi tìm các bài vở ở cả hai miền Nam Bắc từ trước đến sau viết về mỗi tác gia ấy, bước đầu tìm hiểu việc xuất bản tác phẩm của các tác gia ấy ở trong và ngoài nước.

Tôi thấy nền văn học miền Nam trước 1975 đã bảo vệ thậm chí phát hiện với một tình yêu nồng nhiệt đến vô tư những giá trị văn học của người Việt từng nảy sinh trước đó, dù ở thời nào, thuộc khu vực địa – chính trị nào. Quang Dũng trước 1975 chưa hề bước chân đến miền Nam, vậy mà không ở đâu nhắc tên ông, nói đến thơ ông nhiều như ở sách báo miền Nam trước 1975. Với Nguyễn Bính và nhiều tác giả khác cũng vậy. Có thể nói, chính với sử dụngư gìn giữ và trân trọng của phương Nam, chỉ mấy tháng đầu năm 1986, bắt đầu bằng sự kiện ra mắt một tuyển thơ mỏng nhẹ, Nguyễn Bính đã từ cõi im lặng trở về, từ một cái bóng khuất dạng trở lại lớn dần trong sự hình dung của các giới văn học như một trong những gương mặt lớn của thơ tiếng Việt thế kỷ XX.

Từ đầu những năm 2000, khi tôi tự đặt cho mình công việc tìm lại di sản ngòi bút của tác gia Phan Khôi (1887-1959), thì những công trình văn học sử khái quát như “Bảng lược đồ văn học Việt Nam” (1967), “Phê bình văn học thế hệ 1932” (1972) của học giả Thanh Lãng, “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1965) của học giả Phạm Thế Ngũ, v.v cũng đóng vai trò chỉ dẫn đáng kể đối với tôi. Trong gần 10 năm trở lại đây, tôi đã tìm lại được dăm bảy ngàn trang tác phẩm của Phan Khôi từng đăng trên báo chí ba miền trước 1945 mà các nhà nghiên cứu tiền bối hầu như chưa thấy; song, sự tìm kiếm của tôi sẽ gặp khó khăn lúng túng nhiều hơn nếu không có những chỉ dẫn từ trong công trình của hai học giả kể trên.

-Thưa phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Bá Đĩnh. Anh có thể chia sẻ với độc giả của VN đôi điều trong những suy nghĩ của mình về văn học nói chung và LLPB văn học nói riêng ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975?

Trịnh Bá Đĩnh: Một phần ba thế kỷ đã trôi qua kể từ khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với môi trường tư tưởng hiện nay, đã đến lúc (dù đã rất muộn) chúng ta phải có cái nhìn khách quan về bộ phận văn học này (trong đó có LLPB). Phải thấy được đâu là những đóng góp của nó cho truyền thống văn hóa dân tộc, những yếu tố nào còn có tác động đến tiến trình văn học về sau. Chẳng hạn, rõ ràng là văn học của người Việt hải ngoại hiện nay, một bộ phận của văn học dân tộc là sự tiếp nối của văn học thành thị miền Nam trước giải phóng. Hơn nữa, sự kế tục cũng không chỉ có ở văn học hải ngoại mà không ít công trình nghiên cứu và phê bình văn học ở trong nước cho đến nay cũng đã kế thừa (nhiều khi "lặng lẽ" một cách cố ý) một số kết quả khoa học và cả lối viết của bộ phận phê bình này. Các công trình trước đây viết về LLPB văn học đô thị miền Nam dù đậm nhạt khác nhau nhưng đều mang màu sắc ý thức hệ chính trị, nghiêng về sự phê phán, các yếu tố tích cực hoặc là không được nhận ra, hoặc là được khen ngợi một cách có phần chiếu cố. Phần nữa do tài liệu không đầy đủ, nên bức tranh LLPB văn học của bộ phận văn học này thiếu điều kiện để được mô tả kỹ lưỡng. Mấy năm gần đây tình trạng này đã dần được khắc phục, chẳng hạn những công trình LLPB văn học của Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng.. và một số tác giả khác nữa đã được đánh giá đúng mức. Những khác biệt, mạnh và yếu của nền học thuật hai miền khi đó cũng đã được chỉ ra. Bây giờ, theo tôi là phải nhận ra sự thống nhất giữa chúng, cần thấy chúng là hai biến thể khác nhau của cùng một lối nghĩ, lối làm nghệ thuật của người Việt.

-Thưa tiến sĩ Nguyễn Đức Mậu. Với những người làm nghề nghiên cứu văn học các anh hiện nay, LLPB văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954- 1975, nó như thế nào nhỉ?

Nguyễn Đức Mậu: Rất tiếc là, lý luận văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 vẫn còn là một khoảng trống trong nhận thức của không ít người trong giới nghiên cứu văn học. Đó là tình trạng không mấy vui, khi mà đất nước đã thực sự thống nhất được mấy chục năm. Nguyên nhân có trực tiếp, gián tiếp và nằm trong sâu xa của đặc điểm tư duy người Việt cái gì cũng thế. Tôi nghĩ, cần phải nghiên cứu người Việt trong thái độ của anh ta đối với các thành tựu của người Việt đã từng ở phía đối lập. Một khi chúng ta đã tiếp nhận cởi mở đối với các trường phái bên ngoài đất nước vốn là những trường phái chúng ta từng chống đối thì há cớ gì lại dè dặt với những gì thuộc về nửa đất nước mình trong một giai đoạn?

Để nói về LLPB giai đoạn này, cả quy mô, đặc điểm, ưu khuyết của nó đòi hỏi nhiều lời hơn nhưng cần lưu ý rằng đó là con đường chính thường của phê bình văn học.

- Thưa anh Phạm Xuân Nguyên. Khi vào nghề phê bình anh biết gì về LLPB văn học của nền văn học ở nửa bên kia của đất nước? Giá trị của nó đối với cá nhân anh?

Phạm Xuân Nguyên:Sau 1975, tôi biết đến mảng LLPB văn học của Sài Gòn giai đoạn 1954 -1975 khá sớm. Đó là vào những năm 1979 1982 khi tôi đang là lính đóng quân tại Sài Gòn. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi được xả trại, tôi hay lân la các hàng sách cũ, và loại sách được tôi quan tâm trước nhất lại không phải là sách sáng tác, mà là sách LLPB và biên khảo, dịch thuật. Khi ấy và mãi đến sau này, ở đó tôi đã được gặp các tác giả như Thanh Lãng (Bảng lược đồ văn học Việt Nam), Nguyễn Văn Trung (Nhận định, Lược khảo văn học, Ca tụng thân xác, Ngôn ngữ và thân xác, Chủ đích Nam Phong, Trường hợp Phạm Quỳnh), Bùi Giáng (Mùa thu thi ca, Luận đề về Tản Đ à), Võ Phiến (Chúng ta qua cách viết), Nguyên Sa (Quan điểm văn học và triết học, Một bông hồng cho văn nghệ), Tạ Tỵ (Mười khuôn mặt văn nghệ), Phạm Công Thiện (ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Im lặng hố thẳm, Hố thẳm của tư tưởng), Nguyễn Hữu Hiệu (Con đường sáng tạo), Đặng Tiến (Vũ trụ thơ), nhóm Sáng Tạo (Thảo luận)...

Tôi đọc họ và cảm giác ban đầu phải nói là khá bị sốc. Vì cái cách nghiên cứu phê bình của họ rất khác với những cái tôi đọc trên ghế nhà trường, từ phổ thông đến đại học. Dữ liệu, thông tin của họ phong phú hơn, nhiều chiều hơn. Phương pháp tiếp cận đa dạng hơn. Lối viết tự do hơn. Tôi khi đó đang chân ướt chân ráo từ đại học văn khoa bước chân vào lính nên vừa đọc họ vừa so sánh, đối chiếu với những cái mình đã đọc được, học được từ trước, thấy vỡ ra nhiều cái. Cái rõ nhất là sự cập nhật nhanh thông tin và sự tìm cách ứng dụng chúng vào lĩnh vực văn chương, văn học. Điều này có thể thấy đậm nhất và kết quả nhất ở Nguyễn Văn Trung chẳng hạn. (Sau này trong một bài nghiên cứu về sự đánh giá Phạm Quỳnh trên dòng lịch sử, tôi đã có những điểm tranh biện lại ông Trung quanh nhân vật này). Cho đến khi về làm việc tại Viện Văn học, vào Ban Văn học Việt Nam hiện đại, tôi có điều kiện đọc tập trung và sâu hơn toàn bộ khu vực văn học này, trong đó có mảng lý luận phê bình. Từ đó, khi tham gia vào một chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về văn học Việt Nam thế kỷ XX do giáo sư Phong Lê chủ trì, tôi đã đề xuất một đề tài nghiên cứu văn học của Sài Gòn giai đoạn1954 1975 như một bộ phận của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Ý hướng này đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng dưới cái nhìn lịch sử và khoa học, đây là một đối tượng nghiên cứu không thể bỏ qua.

- Ngày hôm nay nhìn lại, anh có thể nói gì về nó?

Đến nay, đất nước đã thống nhất gần ba lăm năm. Nhưng nền văn học Sài Gòn giai đoạn 1954 - 1975 vẫn chưa được mô tả, khảo sát, nghiên cứu như một thực thể có quá trình phát sinh, phát triển, chấm dứt, với nhiều dòng phái, nhiều xu hướng, với đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm đông đảo, phức tạp. (ở ngoài nước?, có một nhà văn trong nhiều năm đã biên soạn cả một bộ sách như bộ sử văn học nửa phía Nam thời kỳ này, đi từ tổng quan đến các bộ môn). Trong cái tổng thể chung đó, phần LLPB do đặc thù của nó, đòi hỏi phải được khảo sát kỹ hơn. Từ hôm nay nhìn lại, đặt trong diễn trình của ngành lý luận phê bình văn học VN thế kỷ XX, tôi thấy trong LLPB của Sài Gòn giai đoạn này có một số cuốn sách vẫn có giá trị và chúng vẫn còn có tác động và ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp này. Một ít những sách đó gần đây đã được in lại, như của Bùi Giáng, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Vũ Đ ình Lưu, Đặng Tiến... Đọc chúng, người làm nghề nói riêng, người đọc nói chung, vẫn còn có thể thu nhận được những thông tin mới mẻ về cách tiếp cận vấn đề, cách lý giải hiện tượng, cả những sai sót, ngộ nhận cũng là kinh nghiệm có ích. Cố nhiên về thời gian tính thì có những điều đã bị vượt qua, đã được bổ sung, điều chỉnh, nhưng thế không có nghĩa là những luận điểm, những phát kiến được các nhà LLPB Sài Gòn trước đây chứng minh có luận cứ khoa học bị mất đi ý nghĩa. Lấy một thí dụ rất nhỏ về từ ngữ. Ngay một cái từ như thức nhận (pris de conscience) thì trước Phan Ngọc khá lâu, Nguyễn Văn Trung đã từng dùng. Theo tôi, bây giờ đã đến lúc phải tiến hành nghiên cứu nghiêm túc tổng thể văn học Sài Gòn 1954-1975 như một thực thể có số phận riêng và như một bộ phận có tính lịch sử của văn học Việt Nam hiện đại, từ đó đưa ra những đánh giá khách quan, khoa học để những gì thực sự có giá trị chung của cộng đồng dân tộc trong đó sẽ được tiếp thu và sử dụng. Giá trị ở đâu cũng là giá trị. Với lý luận phê bình của bộ phận văn học này cũng vậy.

-Thưa nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Là một nhà văn rất chuyên nghiệp, bà có thể chia sẻ với các đồng nghiệp viết văn và độc giả báo Văn nghệ những suy nghĩ về nền lý luận -phê bình văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954- 1975?

Nguyễn Thị Hoàng: Do cuộc sống của mình nó rất riêng, đứng ngoài các khuynh hướng, trường phái, tôi thực sự không có cơ hội tiếp xúc với những ý kiến về các tác phẩm của mình, vào một lúc nào đó nếu ngẫu nhiên nhặt được ở đâu đó vài ba ý kiến này khác thì chúng hoàn toàn không có ảnh hưởng gì. Nguồn sáng tạo của tôi nó là tâm và cảnh, ai có thể nhìn xuyên thấu được chúng mà ý kiến? Tôi thản nhiên trước tất cả.

-Vậy là với bà, ở thời của mình không tồn tại cái gọi là phê bình văn học?

Nguyễn Thị Hoàng: Những người được gọi là nhà phê bình văn học liệu có đúng là một nhà phê bình văn học hay không? Không là như thế mà cứ trùm phủ cứ phang thì thật chán.

-Thế còn lý luận? Một nhà văn viết sắc sảo và dồi dào lại đã từng theo học cả đại học Văn khoa lẫn đại học Luật như bà trong suốt quá trình sáng tạo có lúc nào quan tâm đến lý luận văn học?

Nguyễn Thị Hoàng: Tôi nghĩ lý luận nó cần cho những tác phẩm lớn chủ đề lớn. Sau nữa, thú thật tôi không có thời gian cho chúng, từ trước tới giờ tôi luôn tất bật để nối sống. Cuộc sống bên ngoài có trôi chảy thì cuộc sống bên trong mới phát triển, có thế tôi mới viết được.


Nguồn: Văn nghệ

Phongdiep.net

Không có nhận xét nào: