BUỒN QUÁ! - HÔM NAY XEM TIỂU THUYẾT!
(Nhân đọc 4 tiểu thuyết đoạt giải Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 4 năm 2010 do Hội nhà văn TP. HCM, báo Tuổi trẻ và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức.)
Nguyễn Trọng Bình
1. Mở đầu
Tôi vốn rất có thiện cảm với các kì vận động sáng tác văn học tuổi 20 do Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, báo tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Theo tôi thì so với khá nhiều cuộc thi văn chương trên cả nước, tuy đây là cuộc thi chỉ mới trải qua 4 lần phát động (lần 1 năm 1995) nhưng đã gây được tiếng vang và uy tín trong lòng người đọc vì tính nghiêm túc trong cách làm việc của ban tổ chức cũng như thành phần ban giám khảo. Có thể nói, đây là cuộc thi mà sau mỗi lần tổng kết trao giải hiếm khi nghe dư luận lên tiếng về những chuyện “lùm xùm” kiện tụng đại loại như ban giám khảo (BGK) thiếu công tâm, thiên vị; trao giải theo kiểu “phân biệt vùng, miền” để rồi “quy hoạch giải thưởng” trước… như ở rất nhiều cuộc thi văn chương khác. Chính cách làm việc công tâm và trên hết là vì mục tiêu phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn chương nước nhà của đơn vị tổ chức cũng như BGK, cho đến nay (sau mỗi lần phát động cuộc thi) đã cung cấp cho văn chương nước nhà những cây bút ít nhiều đã gây được tiếng vang trên văn đàn, tiêu biểu như: Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Phan Việt, Phong Điệp, Vũ Đình Giang, Phan Triều Hải…
Với niềm tin như thế thật lòng tôi cảm thấy háo hức khi ban tổ chức cuộc vận động sáng tác tuổi 20 lần 4 công bố giải thưởng năm nay (2/9/2010). Sau khi biết giải thưởng năm nay được trao cho nhiều cây bút trẻ ở thể loại tiểu thuyết như: Trương Anh Quốc (giải Nhất với tác phẩm Biển), Mai Anh Tuấn (giải Ba với tác phẩm Giảng đường yêu dấu, Thiên Di (giải Tư với tác phẩm Những giao diện ẩn) và Nguyễn Thiên Ngân (giải Tư với tác phẩm Những chuyển điệu) thật sự tôi rất lấy làm vui vì nghĩ rằng mình sắp được thưởng thức những “bữa tiệc văn chương” tuyệt vời và thú vị đây. Ấy vậy mà, sau một thời gian mệt nhoài “vật lộn” với hàng mấy trăm trang tiểu thuyết của các tác giả vừa kể ở trên trong hơn 10 ngày không hiểu sao khi buông trang cuối cùng của quyển “Giảng đường yêu dấu” (Mai Anh Tuấn) thì tự dưng câu thơ của nữ thi sĩ T.T.Kh trong bài Hai sắc hoa Tigôn ở đâu lại hiện về trong óc làm tôi phải thốt lên rằng:“Buồn quá, hôm nay xem tiểu thuyết!”.
Thật sự thì câu thơ của T.T.Kh vốn có ý nghĩa khác, ở đây đơn giản chỉ là một sự tình cờ, một sự trùng hợp tôi muốn lấy riêng câu thơ này ra để nhằm bày tỏ cho nỗi buồn và hụt hẫng của mình sau khi đọc những quyển tiểu thuyết ấy mà thôi. Sau đây tôi xin mạn phép được nói rõ hơn vì sao tôi lại buồn và hụt hẫng. Tôi xin được trình lần lượt theo thứ tự giảm dần (nghĩa là tác giả và tác phẩm nào làm tôi buồn và hụt hẫng nhất tôi sẽ đề cập trước).
2. Thiên Di và Những giao diện ẩn
Thoạt đầu có hai quyển làm tôi buồn và hụt hẫng nhất mà tôi rất phân vân không biết nên trình bày tác phẩm nào trước. Đó là cuốn Giảng đường yêu dấu của Mai Anh Tuấn và cuốn Những giao diện ẩn của Thiên Di. Sau một giờ “cân, đong, đo, đếm” rất khổ sở cuối cùng tôi quyết định “ưu tiên” trình bày sự thất vọng của mình về quyển Những giao diện ẩn của Thiên Di trước. Vì dù sao theo tôi cuốn Giảng đường yêu dấu của Mai Anh Tuấn có một ưu điểm rất đáng biểu dương so với tất cả cuốn còn lại là đó là tinh thần tìm tòi sáng tạo rất đáng trân trọng của tác giả. Tôi sẽ nói chuyện này sau bây giờ tôi xin trở lại với Thiên Di.
Đọc Những giao diện ẩn với Thiên Di xong tôi có tâm sự với một người bạn rằng tôi vốn rất thích, rất quý nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên; lẽ ra theo tôi, ông là một nhà phê bình văn học xuất sắc nếu đừng viết lời giới thiệu quá dài dòng về Thiên Di và Những giao diện ẩn. Thật ra, nếu ai có theo dõi trào lưu văn học trẻ (nhất là văn học mạng) của Trung Quốc hơn 10 năm trở lại đây cũng như một vài cây bút 8X của Việt Nam trên văn đàn hiện nay sẽ dễ dàng nhận ra Những giao diện ẩn là sự lặp lại không hơn không kém cách viết (cả về kết cấu, cách kể chuyện cho đến lối đặt tên nhân vật) của các cây bút Trung Quốc như: Vệ Tuệ, Dương Thụ, Trương Duyệt Nhiên, Bì Bì… Thú thật tôi vốn không có thiện cảm lắm với một số nhà văn trong dòng văn học này của cả Trung Quốc và Việt Nam. Bản thân tôi trước đây và bây giờ vẫn nghĩ rằng dòng văn học này sớm muộn cũng không trụ được lâu và những tác giả của nó sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng (hình như bây giờ đã bắt đầu có dấu hiệu ấy). Vì thế, khi đọc Những giao diện ẩn thấy Thiên Di rập khuôn theo họ làm tôi thấy lòng buồn vô hạn. Cái lối đặt tên nhân vật theo kiểu “tùy hứng lý qua cầu” của Thiên Di mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho là “khác lạ” thật ra chỉ là bản sao của không ít nhà văn Trung Quốc vừa kể ở trên. Nếu như Vệ Tuệ có các nhân vật như: Chó Điên, Cá Con (trong Tiếng kêu của bươm bướm) hay Chó Đen, Mắt Đẹp (trong Điên cuồng như Vệ Tuệ; ở Trương Duyệt Nhiên có Lụi Tàn (trong Lụi tàn)… thì trong Những giao diện ẩn của Thiên Di ta bắt gặp những Ngổ Ngáo, Cục Đất, Tử Tế, Cỏ Hoang, Bướng Bỉnh, Thiên Thần Kiến Cận, Nhóc Không Cười, Mặt Bẹt, Tham Vọng, Chị Gái FaShion, Chị Da Bánh Mật… Vẫn biết việc đặt tên nhân vật như thế nào là quyền của tác giả thế nhưng cách đặt tên như thế này tôi nghĩ Thiên Di đừng mong gì đến chuyện nhân vật của mình sống mãi tròng lòng người đọc.
Không dừng lại ở đó, đi vào tác phẩm dù phải công nhận là Thiên Di ngoài việc cố gắng tạo ra một bối cảnh, một không gian, không khí thuần Việt Nam để thuật lại câu chuyện của các nhân vật; tuy vậy toàn bộ tác phẩm vẫn là cái lối mòn nhàn nhạt về những “chuyện không đâu” phản ánh những suy nghĩ của “lớp người mới” thường thấy ở các nhà văn 7X, 8X, 9X cả Việt Nam và Trung Quốc đã và đang thể hiện. Có thể nói, đó là tiếng nói của “một lớp người trẻ” (nhất là những người trẻ đang sống ở những đô thị lớn) đang “tự đóng khung mình” để “tự khám phá bản thân” trước những biến chuyển của cuộc sống hiện đại mà không màng đến những người xung quanh nghĩ về mình như thế nào. Vẫn là cái giọng văn có vẻ bất cần đời của những “người trẻ” muốn được sống theo ý thích riêng của mình, muốn được tự do làm những điều mình nghĩ bằng mọi cách; vẫn là cái tâm lý chán trường học, ghét cuộc sống gò bó, giáo điều… Và ở đây dù nhà phà phê bình Phạm Xuân Nguyên có “thiện ý” bào chữa cho Thiên Di là “thành thực” trong cách viết đi nữa vẫn không thể nào cứu nỗi chị vì những “thể nghiệm” của chị (qua nhân vật Ngổ Ngáo) mà hậu quả của nó là một sai lầm chết người. Phạm Xuân Nguyên viết: “Cái chết của nhân vật Ngổ Ngáo bề ngoài là do chích thuốc và đua xe, nhưng đấy không phải do cô gái này đua đòi ăn chơi, mà thực ra là cô muốn hiểu rõ hơn cái cảm giác khi phê thuốc và nổi loạn của kẻ ăn chơi,“đi bụi”. Để làm gì cái hiểu ấy? Để không trở thành kẻ viết văn salon. Đó là một lựa chọn sống, một xác quyết, một thái độ văn, có thể là liều lĩnh, nhưng là thành thực(…) Nhân vật Ngổ Ngáo có thể coi là một thành công của người viết”[1].
Chỗ này cho phép tôi dừng lại trao đổi với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên một chút. Theo thiển ý của tôi, nếu ông còn “cổ vũ” cho các nhà văn trẻ bằng cách chơi ma túy và đua xe để hiểu cảm giác thật của kẻ chơi ma túy và đua xe là như thế nào (như nhân vật Ngổ Ngáo trong tác phẩm này) và nhất là để không trở thành “nhà văn salon”, tôi e là xã hội này sẽ loạn đi mất. Tới đây tôi chợt nhớ đến trường hợp tương tự của nhân vật cô gái trong truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược của tác giả Võ Diệu Thanh (người đoạt giải Nhì với tập truyện cùng tên cũng trong cuộc thi lần này) vì cũng muốn “thấu hiểu” cảm giác và thân phận của những cô gái “bán hoa” đã quyết tâm chuẩn bị một hành trình cho một cuộc “trải nghiệm” thật (rất may cô gái trong truyện này phút cuối cùng đã kịp dừng lại). Chao ôi, thật là khủng khiếp quá, chẳng lẽ giới trẻ bây giờ muốn hiểu thế nào là cảm giác “thành thật” trong cuộc đời hay không muốn bị mang tiếng là “nhà văn salon” thì phải chơi ma túy, phải đua xe và thậm chí là… làm đĩ (xin lỗi bạn đọc) hết sao? Ôi thôi, cứ cái đà này – với cái cách “lựa chọn sống” kiểu này đến một lúc nào đó các bạn trẻ “nổi hứng” lên muốn “trải nghiệm” để hiểu rõ hơn cái cảm giác thật của những kẻ khủng bố và giết người hàng loạt trên thế giới hiện nay thì liệu không biết lúc ấy xã hội sẽ như thế nào nữa! Tôi cho rằng dù đây là một lối nghĩ “thành thật” hay “một lựa chọn sống, một xác quyết, một thái độ văn…” gì đi nữa cũng là rất ấu trĩ và hoàn toàn sai lầm. Người ta có rất nhiều cách hay để trải nghiệm cuộc sống phục vụ cho việc viết văn. Các nhà văn trẻ muốn hiểu điều này theo tôi nên đọc lại thiên tài Vũ Trọng Phụng vì trước năm 1945 nhà văn của chúng ta khi ấy cũng còn rất trẻ đã viết một tiểu thuyết có tên là “Làm đĩ”. Tôi chắc rằng để viết tác phẩm này nhà văn của chúng ta không phải “bán mình” để “trải nghiệm” qua cái “cảm giác thật” mà viết đâu.
Trong Những giao diện ẩn ta còn bắt gặp cách Thiên Di đặt vào miệng các nhân vật (vốn có tuổi đời còn rất trẻ) những lời thoại mang tính “triết lý” và “khái quát” một cách rất gượng gạo như thể họ đã trải, đã hiểu, đã rành cuộc sống này, cuộc đời này như lòng bàn tay mình vậy. Đây có thể nói là điều không chỉ mình Thiên Di mà nhiều cây bút 8X, 9X… hiện nay cũng rất hay vướng phải; cứ nghĩ mình sắp lên hàng… “triết gia” hết rồi. Tôi liệt kê ra đây một vài trường hợp để mọi người cùng đọc và suy ngẫm:
- “Một lần, đọc một cuốn sách về “luân hồi”, tôi cứ ngờ ngợ mãi không biết kiếp trước tôi có tham gia vào vụ án “đốt di cảo của Nguyễn Trãi” hay không mà kiếp này lại dính vào nghiệp viết”. (trang 28)
- “Tao không biết mày nghĩ gì, chứ tao, tao chỉ nghĩ con người cứ tưởng các mối quan hệ xung quanh đang ràng buột mình nhưng thực ra là tự bản thân họ buộc mình với những mối quan hệ”. (trang 32)
- “Tao không phải đá sỏi. Hơn nữa, người ta không nhìn thấy đá sỏi khóc nên tưởng nó không biết khóc thôi”. (trang 35)
- “Thời buổi này, con trai con gái thấy nhau thì hút lấy nhau. Ngủ với nhau một đêm cũng đã không còn gì là to tát”. (trang 47)
Không biết bạn đọc nghĩ gì về những câu mang tính “khái quát” cuộc sống mang màu sắc “triết lý” ở trên chứ riêng tôi, tôi không có cảm tình lắm. Cho phép tôi được bình luận trường hợp Thiên Di “triết lý” về chuyện “luân hồi” mà cô đã “khái quát” rằng “không biết kiếp trước tôi có tham gia vào vụ án “đốt di cảo của Nguyễn Trãi” hay không mà kiếp này lại dính vào nghiệp viết”. Ơ hay, văn chương chữ nghĩa vốn là chuyện rất Thiêng Liêng và Cao Quý; người viết văn vốn cũng đang làm công việc rất Thiêng Liêng và Cao Quý; còn chuyện“đốt di cảo của Nguyễn Trãi” là một tội ác tày đình vì Nguyễn Trãi đã được minh oan sau vụ “Lệ Chi viên”; là danh nhân văn hóa của dân tộc và thế giới. Tôi nghĩ nếu thật sự có chuyện “luân hồi” và “nghiệp báo” thì những ai phạm tội “đốt di cảo của Nguyễn Trãi” có khi phải bị đày xuống 18 tầng địa ngục chứ làm gì có chuyện cho đầu thay trở lại làm người mà viết văn, viết sách! Thiên Di và các bạn nhà văn trẻ ơi xin tỉnh táo lại một chút đi. Văn chương là chuyện không thể đùa giỡn được đâu. Đừng có ảo tưởng!
Nhân đây tôi cũng xin nói thật là khi bắt đầu đọc những dòng đầu tiên của Những giao diện ẩn tôi đã phát hiện ra tất cả những điều trên nhưng tôi vẫn cố gắng đọc trọn vẹn tác phẩm để nhằm kiểm chứng lại những dự đoán ban đầu này của mình cũng như thầm hi vọng tác giả có mở ra một “giao diện” nào mới không? Và nhất là chúng ta phải đọc trọn vẹn tác phẩm để thể hiện sự tri ân người viết vì dù sao họ cũng đã cố gắng hoàn thành phận sự của một người sáng tác, tạo ra tác phẩm chia sẻ với người đọc những điều họ nghĩ, họ trăn trở. Phải chăng nhờ tôi kiên trì mà Những giao diện ẩn cuối cùng cũng đã hiện ra một vài chỗ ít nhiều để lại cho tôi một ấn tượng dù là rất… “bình dị”. Thứ nhất, Những giao diện ẩn đã không rơi vào miêu tả sex như kiểu chúng ta vẫn thường thấy ở những tác phẩm viết theo lối này của các nhà văn Trung Quốc lẫn Việt Nam. Thiên Di theo tôi đã biết tiết chế và dừng lại đúng lúc, điều này thể hiện bản lĩnh văn hóa của một cây bút trẻ. Dù cho tác phẩm ta thế nào đi nữa chứ quyết không “PR”, không lôi kéo độc giả bằng sex như không ít các cây bút trên văn đàn đã và đang làm. Thứ nữa, phải kể đến sự cố gắng của tác giả ở khả năng sáng tạo và tưởng tượng về một “thế giới bên kia” của những linh hồn chết trẻ đang vật vờ tại “giao lộ” Trung Gian để nhìn về (chính xác hơn là “nhìn lại”) cuộc sống sôi động và giả tạo của con người trong cõi nhân gian hiện hữu mà chính họ đã từng một lần rong chơi. Những giao diện ẩn của Thiên Di phải chăng là ở những điểm này? Nếu đúng như vậy thì thật là tiếc cho Thiên Di, phải chi chị đừng chọn lối viết rập khuôn theo các cây bút Trung Quốc và nhất là đừng cố tỏ ra mình “sành đời” và nắm rõ quy luật cuộc sống như lòng bàn tay như phần đông các nhà văn trẻ hiện nay thì hay biết dường nào.
Thôi thì, trước khi kết thúc phần nói về Thiên Di và Những giao diện ẩn, tôi xin phép được đính chính lại nhận xét ban đầu của tôi về nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mà tôi đã đề cập ở trên. Thật lòng tôi vẫn thấy ông là một trong những nhà phê bình xuất sắc nhất hiện nay. Trong lời giới thiệu của ông về tiểu thuyết Những giao diện ẩn của Thiên Di có câu kết rằng: “Tôi có niềm tin mong manh là tác giả này sẽ còn đi tiếp trên con đường văn chương đã mở ra từ sách này…”. Tôi thật sự thích cách nói “niềm tin mong manh…” của ông, nói như thế kể ra cũng tinh tế và khéo léo.
3. Mai Anh Tuấn và Giảng đường yêu dấu
Phần nói về Thiên Di trên kia tôi có đề cập đến sự “giằng co” của tôi về Thiên Di và Mai Anh Tuấn. Và sở dĩ tôi trình bày nỗi buồn và sự hụt hẫng của mình về Giảng đường yêu dấu sau Những giao diện ẩn là vì tôi đồng tình với tiến sĩ Nguyễn Thành Thi (trong lời giới thiệu tác phẩm này) đã nhận xét: “Đọc tác phẩm, độc giả dễ dàng nhận thấy việc lồng “phim” vào tiểu thuyết là một thể nghiệm táo bạo và khá chắc tay của tác giả tiểu thuyết này”[2].
Ở điểm này chúng ta phải nói lời khen Mai Anh Tuấn thôi. Cách thể nghiệm này tuy là làm người đọc có hơi mệt nhưng thật sự rất lôi cuốn và hấp dẫn. Đúng là một sự táo bạo và rất có bản lĩnh của người viết, xin chúc mừng Mai Anh Tuấn ở điểm này vậy.
Nhưng mà đáng tiếc là chỉ có điểm này là đáng biểu dương thôi Mai Anh Tuấn ơi. Bởi dù sao theo tôi thì viết tiểu thuyết mà chỉ đăm đăm chú ý đến “kỹ thuật”, đến cái vỏ “hình thức” đơn thuần mà không quan tâm đến việc sẽ cho người đọc thấy cái chiều sâu tư tưởng của người viết thì cũng hỏng. Cái tham vọng “truyện lồng phim” của người viết, sự tham lam muốn “vừa làm giảng viên vừa làm nhà biên kịch” của nhân vật chính ít nhiều đã làm cho tác giả Giảng đường yêu dấu bị… rối, đưa đến hệ quả là làm cho người đọc bị… mệt. Ngẫm kĩ lại Giảng đường yêu dấu không có gì nổi bật ngoài những dòng cảm xúc lan man không đầu không cuối của một anh giáo viên đang chuẩn bị cho giờ lên lớp đầu tiên ở giảng đường đại học. Tâm lý thông thường trong thời khắc này của người thầy giáo lẽ ra, nên nghĩ về những tri thức và phương pháp mà mình sắp truyền đạt lại cho học trò với tư cách là một giảng viên trẻ thì sẽ hợp lý hơn. Đằng này trước cái ngưỡng cửa chuẩn bị làm “thầy thiên hạ” anh giảng viên trẻ lại lan man suy nghĩ những chuyện… tầm phào. Logic tâm lý này thật không ổn cho lắm. Đó là chưa kể những dòng hồi ức, những dòng kỉ niệm về những người bạn của nhân vật chính tuy là có đẹp thật nhưng sao mà giống với suy nghĩ của các em học sinh trên báo… “Áo trắng” hay “Mực tím” quá. Với những dòng này xem ra tác giả Giảng đường yêu dấu còn nặng về “sách vở”. Trong khi đó những dòng hồi ức về quá trình lăn lộn dạy học của nhân vật chính khi còn ở vùng núi xa xôi nào đó trong Giảng đường yêu dấu lại cho thấy tác giả có vẻ rất “chăm đọc” Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Huy Thiệp quá hay, quá nổi tiếng rồi chăm đọc là đúng thôi. Nhưng mà đọc để học hỏi, để rút kinh nghiệm; đọc để xem người ta đã viết những chuyện gì rồi để tránh chứ không phải đọc để rồi bị cuốn vào và không thoát ra được. Cho nên nhìn kỹ lại những chỗ này giọng điệu của Giảng đường yêu dấu sao mà giống với“Những người muôn năm cũ” hay “Sống dễ lắm” của Nguyễn Huy Thiệp quá.
Mà thôi, những chuyện như thế dù sao cũng thông cảm được bởi lý do là người viết còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống như lời của tiến sĩ Nguyễn Thành Thi đã nhận xét trong bài giới thiệu. Thế nhưng, để văn chương nghệ thuật bị “vấy bẩn” bởi những ngôn từ thô tục thiếu kiểm soát như các câu văn dưới đây thì khó mà chấp nhận được. Xin dẫn ra đây vài ví dụ tiêu biểu sau:
- “Từ mà giáo sư Dân nói, khi đưa vào kịch bản của Phan sau này, Phan đã sửa chữa cho ngắn lại nhưng vẫn giữ nguyên ý: em có thể mút buồi anh được không?” (trang 29)
- “Tháng thứ hai họ viết thư tỏ tình thầy giáo Phẩm. Con gái Ô Hóa thì ngực em tuyết lê, bồng đảo thậm chí là núi đôi tên một bài thơ nổi tiếng thay vì chuẩn chung là vú. Con trai Ô hóa thì chim cò cu buồi dái thay vì quy định đúng là dương vật”. (trang 65)
Thú thật, tôi trích dẫn lại những dòng ở trên mà tay cứ run run vì tuy là lặp lại câu văn của tác giả nhưng thực tế thì tay tôi đã phải trực tiếp gõ trên bàn phím từng từ, từng chữ thô thiển ấy. Thật lòng tôi thấy ngượng lắm nhưng không biết tác giả khi viết những dòng ấy có ngượng như tôi không? Chi vậy Mai Anh Tuấn? Tôi nghĩ nếu cắt bỏ những dòng văn trên không những không ảnh hưởng gì đến ý đồ nghệ thuật của tác giả mà còn làm cho tác phẩm thêm phần trong sáng và “nghệ thuật” hơn.
Nếu tôi nhớ không lầm trong giới phê bình ta hiện nay thì nhà phê bình Nguyễn Hòa đã không ít lần lên tiếng cảnh báo các nhà văn, nhà thơ (nhất là những người trẻ) là ông vốn rất “dị ứng” với thứ “ngôn từ bẩn” như thế trong văn chương. Chỗ này thú thật là tôi cũng có cùng suy nghĩ với nhà phê bình Nguyễn Hòa, vì thế đọc Giảng đường yêu dấu và biết tác giả cũng là một giáo viên mà lại đưa những câu văn, những hình ảnh bẩn thỉu như thế (dù là để minh họa hay phản ánh thực tế trần trụi mà tác giả đã từng chứng kiến đi chăng nữa) tôi thấy quả là đáng tiếc lắm thay. Ai lại đi (và nỡ lòng nào) hành xử một cách “trần trụi” và xúc phạm văn chương nghệ thuật như thế? Đó là chưa nói nhiều chỗ khi viết tác giả còn “pha” ngôn ngữ mạng vào làm cho ngôn ngữ toàn tác phẩm đôi khi bị “sọc dưa” rất khó coi nữa.
Cho nên mới nói, với Giảng đường yêu dấu, tôi đành phải nói rằng Mai Anh Tuấn mới chỉ là anh học trò vừa hết tuổi “áo trắng” đang bước những bước đi đầy rụt rè vào cái ngưỡng chuẩn bị làm thầy những cô cậu “áo trắng” khác mà thôi. Mà xem ra giảng viên trẻ này cũng bị tâm lý dữ lắm. Vì trước giờ lên lớp mà đầu óc cứ để ở đâu đâu, không tập trung suy nghĩ cho thật rõ ràng, cụ thể, thấu đáo, cho có lớp lang, bài bản một vấn đề gì hết. Lại thêm, việc làm thầy chưa biết thế nào mà còn định kiêm thêm làm nhà biên kịch nữa; và dù là chuẩn bị làm “thầy thiên hạ” rồi mà vẫn chưa thấy “lớn” chút nào trong xưng hô và nói năng. Phải chăng vì thế mà dù Giảng đường yêu dấu có ưu điểm là “kỹ thuật viết” tiểu thuyết khá hấp dẫn nhưng lại thiếu một chiều sâu và “độ chín” trong suy nghĩ; sự khát khao, sẵn sàng dấn thân để chinh phục mục tiêu lớn lao, cụ thể nào đó của những người trẻ.
4. Nguyễn Thiên Ngân và Những chuyển điệu
Bây giờ tôi sẽ tiếp tục trình bày nỗi buồn và sự hụt hẫng của mình về 2 quyển tiểu thuyết còn lại đó là: Biển của Trương Anh Quốc và Những chuyển điệu của Nguyễn Thiên Ngân. Biển đoạt giải Nhất, Những chuyển điệu đoạt giải Tư điều này cũng có nghĩa theo BGK Biển xuất sắc hơn. Tôi đồng ý với BGK cuộc thi về đánh giá này. Vậy nên, tôi sẽ nói về Những chuyển điệu trước.
So với Những giao diện ẩn của Thiên Di, Những chuyển điệu không bị sa vào lối mòn trong cách viết, cách kể chuyện hay đặt tên nhân vật kiểu “vô tội vạ” của các cây bút 7X, 8X, 9X… hiện nay. Tuy vậy, cũng giống như Thiên Di trong Những giao diện ẩn, Những chuyển điệu của Nguyễn Thiên Ngân cũng là câu chuyện về “thế giới riêng” của những bạn trẻ đang vật vã chống chọi với cuộc sống hiện đại bằng cách cố dựng lên những “thành trì” để “tự đóng khung” mình lại với thế giới bên ngoài. Nếu như Thiên Di trong Những giao diện ẩn chọn cách giải quyết để cho nhân vật của mình “về thế giới bên kia” để nhìn lại “thế giới bên này” mà mình từng tồn tại để lý giải cho những nỗi cô đơn của lớp trẻ thì Nguyễn Thiên Ngân lại bắt các nhân vật chới với, hụt hẫng, cô đơn trong một tình yêu tuyệt vọng; hay thậm chí là sẵn sàng phiêu lưu vào cả tình yêu đồng giới. Ở khía cạnh nào đó có thể nói, các nhân vật trong Những chuyển điệu của Nguyễn Thiên Ngân ít nhiều cũng cho thấy một cá tính và bản lĩnh khi âm thầm chịu đựng những nỗi bất hạnh bất ngờ ập xuống đời họ. Tình yêu trong Những chuyển điệu cũng được Nguyễn Thiên Ngân thể hiện khá đẹp và lãng mạn. Tuy vậy, vì lãng mạn quá nên nhiều khi tình yêu trong Những chuyển điệu có nhiều chỗ giống như trong những bộ phim Hàn Quốc đang chiếu nhan nhãn trên ti vi. Ấy là chưa kể đến sự “sắp đặt” và “dàn dựng” có phần gượng gạo của tác giả khi cố tình tạo ra một gã đàn ông ngoại quốc mang “bản chất quỷ quyệt trong sự cao thượng”. Chi tiết gã đàn ông ngoại quốc - với tư cách một người chồng cố tình “tạo điều kiện thuận lợi” để vợ và người tình của vợ có những chuyến phiêu lưu tình ái sao mà… “tiểu thuyết” quá, không “đời” chút nào. Để sỉ nhục và hành hạ tinh thần vợ và người tình của vợ thì tưởng tượng ra cảnh huống này kể cũng “có đầu tư suy nghĩ” nhưng mà đáng tiếc là Thiên Ngân không thật chắc tay khi đặt vào miệng các nhân vật những lời thoại quá “hoa mĩ” và “trí thức” khi cả 3 gặp nhau ở khách sạn – nơi vợ và người tình của vợ hẹn hò. Một cú đấm như trời giáng của người chồng, một cuộc vật lộn giữa hai người đàn ông đến đổ máu trong khi cô gái vì không cản được nên đã nhảy lầu tự tử, hay bỏ chạy mất hút; hai gã đàn ông sau cuộc “quần thảo” buông nhau ra, cả hai nhìn nhau vừa chua xót, vừa bực tức, vừa nghẹn ngào, vừa hối hận vì đã để người mình yêu ra nông nỗi ấy… có lẽ sẽ hợp tình, hợp cảnh hơn chăng? Mô típ này xem ra cũng sáo mòn nhưng mà vẫn đỡ hơn là nghe gã đàn ông nói lời “hoa mĩ” trong hoàn cảnh không thể nào “dịu dàng” cho được!
Có thể thấy cách Nguyễn Thiên Ngân để cho các nhân vật của mình trong Những chuyển điệu phiêu lưu vào những cuộc tình vô vọng để rồi cuối cùng ôm lấy khổ đau cho thấy tác giả có suy nghĩ và cách nhìn khá rối rắm, luẩn quẩn, chưa thật chững chạc, chưa thật “người lớn”. Một cuốn tiểu thuyết có đến 168 trang giấy mà tác giả của nó chỉ quanh quẩn kể lại nỗi khổ đau vì không được yêu của hai người bạn trẻ rồi cuối cùng cũng không khái quát thành vấn đề gì kể ra là… quá hoang phí giấy in và chữ nghĩa. Đồng ý là bây giờ tuy có một bộ phận nào đó các bạn trẻ rơi vào trạng thái “khủng hoảng” vì nhịp điệu của cuộc sống hiện đại đầy bất trắc nhưng cũng còn rất nhiều người rất năng động, rất thông minh, rất bản lĩnh và tự tin khi đương đầu với những vấp ngã, những khó khăn trên đường đời. Để cho những bạn trẻ “tự đóng khung”, “tự gặm nhấm” nỗi buồn và cho rằng “thế giới người lớn” bây giờ hoàn toàn không hiểu gì về “thế giới người trẻ” rồi muốn làm gì thì làm kiểu như Thiên Di là một cách nghĩ sai lầm. Còn để cho các bạn trẻ suốt ngày vẩn vơ đau khổ vì mãi chạy theo những mối tình vô vọng như kiểu Nguyễn Thiên Ngân là cách nghĩ vừa phiến diện vừa mang đậm màu “cải lương”. Tóm lại, muốn thay mặt những người trẻ nói lên “tiếng nói của thế hệ”, tôi cho rằng cả Thiên Di và Nguyễn Thiên Ngân cần thiết phải mở to và phóng tầm mắt xa hơn nữa để quan sát cuộc sống này cho thật kỹ, khi ấy mới hi vọng có thể khái quát lên một vài điều gì đó có ý nghĩa. Ai cũng cũng biết đời người vốn rất ngắn ngủi vì thế, đừng nên phung phí thời gian vào những suy nghĩ và việc làm không đâu.
5. Trương Anh Quốc và Biển
Trương Anh Quốc là người đoạt giải nhất với tác phẩm Biển mọi người đã biết rồi vì giải thưởng cũng đã trao rồi. Trong tương quan giữa những tiểu thuyết trong cuộc thi này thì việc trao giải nhất cho Biển là chính xác. Thế nhưng với cá nhân tôi, khi đọc xong Biển - quyển tiểu thuyết dày nhất so với 3 quyển còn lại (273 trang) thú thật tôi có cảm giác mình bị Trương Anh Quốc “chơi” một vố khá đau. Tôi không phủ nhận so với 3 cây bút tiểu thuyết đoạt giải còn lại Trương Anh Quốc là người trải đời, kinh nghiệm và già dặn hơn cả. Bởi dù sao Trương Anh Quốc cũng là một người quen năm cũ, nghe đâu đã từng đoạt giải nhì trong cuộc thi lần 3. Trước khi lang thang trên biển cùng Trương Anh Quốc tôi có hơi e dè vì độ dày của Biển. Càng e dè hơn khi đọc lời giới thiệu như thể vừa “cảnh báo” vừa “mời mọc” của nhà văn Nguyên Ngọc – một trong những thành viên BGK. Nhà văn Nguyên Ngọc có nói đại khái là đọc những trang đầu của Biển rất dễ làm người ta chán nhưng càng đi sâu vào càng bị cuốn hút. Tin sự “cuốn hút” ấy nên sau những lần chán nãn ban đầu tôi phải “vật vã” trong 5 ngày mới hoàn thành “cuộc phiêu lưu” trên biển vừa xa xôi, vừa mông lung với Trương Anh Quốc. Ngày cuối cùng khi tàu của Trương Anh Quốc cập cảng để đưa tôi trở lại đất liền lúc ấy, tôi mới thực sự “hoàng hồn”; tôi vừa thầm cảm ơn vừa thầm trách nhà văn Nguyên Ngọc đã “xúi” tôi “đi biển” với Trương Anh Quốc. Cảm ơn là vì chuyến đi biển ấy tôi được Trương Anh Quốc cung cấp thêm nhiều cứ liệu văn hóa và tôn giáo của khá nhiều nước trên thế giới rất hay và bổ ích. Con trách là vì nhà văn Nguyên Ngọc không báo trước cho tôi biết Biển của Trương Anh Quốc có nhiều chỗ tuy lạ mà quen, tuy xa mà gần. Cái “không gian hẹp kín và khắc nghiệt” (chữ dùng của nhà văn Nguyên Ngọc) trên tàu là cái lạ, cái sáng tạo của Biển để qua đó Trương Anh Quốc bộc lộ “ý đồ” (được che đậy rất khéo léo bởi lớp áo văn hóa và tôn giáo của nhiều quốc gia mà tác giả đã rất kỳ công tìm hiểu) nghệ thuật của mình. Thế nhưng, cũng chính vì không gian quá “hẹp kín” cũng như vì quá kì công cho cuộc “khảo sát” văn hóa và tôn giáo các nước trên thế giới nên “ý đồ” của tác giả vô tình đã bị lộ. Hơn nữa cái “ý đồ” ấy ngẫm kĩ cũng không có gì là mới. Những chuyện xung đột, mâu thuẫn theo kiểu bằng mặt không bằng lòng giữa “cấp dưới” và “cấp trên”; “cấp trên” bất tài vô dụng nhưng thường ngồi vững vàng trên “ghế cao”; “cấp trên” không biết nhìn người, không biết quản lý chỉ biết ngồi chỉ tay năm ngón nhưng lại đầy quyền uy lẫn quyền lợi; còn “cấp dưới” có năng lực nhưng bộc trực, thẳng thắng quá nên bị trù dập; hay cũng có “cấp dưới” tuy cũng bất tài nhưng khéo xu nịnh, bợ đỡ để được thăng tiến v.v và v.v.. thực ra là điều quá xá là quen, quá xá là cũ. Có thể nói, “cái không gian hẹp kín” giờ đây vô tình đã hại Trương Anh Quốc. Vì “hẹp” và “kín” quá nên tác giả cũng không nhìn thấy gì nhiều. Cho nên với Biển tôi cho rằng Trương Anh Quốc đã làm người đọc mất thời gian quá. Lẽ ra anh nên chuyên tâm chọn một trong hai, hoặc là khám phá văn hóa và tôn giáo các nước trên thế giới, hoặc là khám phá những điều bí mật ngàn năm của biển xanh mênh mông khôn cùng thì chắc là thú vị hơn. Thêm nữa, suốt hàng mấy trăm trang sách nhưng tác giả không hề để lại một ấn tượng gì về tính cách riêng độc đáo của bất cứ nhân vật nào. Ngay cả cách đặt tên nhân vật sao cho thật ấn tượng cũng không thấy. Máy Hai, Máy Ba, Máy Tư… là gì? Ừ thì là tên nhân vật nhưng đọc xong rồi người đọc sẽ quên ngay thôi vì không biết Máy Hai, Máy Ba, Máy Tư… gì gì đó có số phận và tính cách cụ thể như thế nào. Không khắc họa rõ nét ai cả mà cứ kể chuyện đều đều nhưng toàn những chuyện “đấu đá” quen thuộc trên đất liền làm cho người đọc càng thêm mệt nhoài. Bảo rằng biển mình đẹp, biển mình hấp dẫn nhưng chỉ sau một lần ra thăm biển người ta không còn tha thiết, không còn hứng thú trở lại nữa, vì thế, nhất thiết phải xem lại “cái sự đẹp” của mình thôi.
Nói tóm lại, sau 5 ngày phiêu lưu trên biển cùng Trương Anh Quốc tôi phải thừa nhận Biển ít nhiều đã đem đến cho tôi những điều thú vị. Tuy nhiên, cũng như các quyển tiểu thuyết trước, tôi vẫn cho rằng Biển của Trương Anh Quốc vẫn còn thiếu một tầm nhìn khái quát về cuộc sống; càng không cho thấy một tư tưởng mới mẻ hay độc đáo gì nơi người viết. Viết văn (nhất là viết tiểu thuyết) mà không có tư tưởng chỉ tổ làm mất thời gian và mệt óc người đọc.
6. Thay lời kết
Thật tình là sau khi đọc xong các tác phẩm trên lúc đầu tôi cũng có ý buồn và trách BGK sao lại trao thưởng cho những tác phẩm “thường thường bậc trung” như thế; văn chương tầm này làm tôi phải tự hỏi liệu có thể đại diện cho văn học nước nhà những năm đầu thế kỷ XXI bước ra giao lưu với thế giới được không? Thế nhưng, khi bình tĩnh lại tôi thấy mình cũng không phải. Có khi tôi đã trách lầm BGK rồi chăng vì thực tế cuộc thi lần này chất lượng tác phẩm cao nhất cũng chỉ có thế! Đến đây thì tôi không còn buồn BGK nữa (họa chăng nếu còn thì chỉ một chút thôi ấy là vì các vị trong BGK đã viết lời “tiếp thị” ở mỗi tác phẩm đoạt giải có hơi bị quá dài và… quá lời làm cho tôi và có lẽ không ít bạn đọc khác nữa bị lừa?) mà bỗng dưng thấy buồn cho văn học nước nhà. Chao ôi, một câu hỏi rất cũ:“Văn học Việt Nam đến bao giờ mới có tác phẩm lớn?” của cha ông đặt ra khá lâu rồi mà đến năm 2010 này con cháu vẫn chưa có lời giải đáp. Và đáng buồn hơn nữa là con cháu đến giờ không những không giải đáp nổi mà ngày càng có xu hướng thụt lùi hơn so với cha ông trước đó. Sở dĩ tôi nói điều này là vì tôi cho rằng (cũng như nhiều nhà phê bình đã từng nói) nếu tính từ năm 1986 – cột mốc đánh dấu sự đổi mới của văn học nước nhà, chúng ta đã có những tác phẩm rất xuất sắc như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp… có thể xem là những tác phẩm có thể đại diện cho văn học nước nhà bước đầu có thể “đi ra thế giới”. Thế nhưng, nếu tính từ năm 2000 đến nay (2010) văn học nước nhà may lắm có thêm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (2005) là đạt tới trình độ ấy.
***
Tôi vốn rất trân trọng các cây bút trẻ bởi qua các tác phẩm họ viết ít nhiều đã cho thấy lòng nhiệt thành và niềm đam mê sáng tạo văn chương nghệ thuật rất đáng quý. Tuy nhiên, viết văn nhất là viết tiểu thuyết mà chỉ có lòng nhiệt thành và đam mê thôi vẫn là chưa đủ. Còn một trong nhiều yếu tố nữa mà theo tôi là rất quan trọng đó là tầm nhìn, vốn sống - vốn văn hóa của bản thân người viết. Nếu như chúng ta sinh ra không phải là một thiên tài văn chương thì nhất thiết phải không ngừng trau dồi vốn sống – vốn văn hóa của bản thân để từ đó kết hợp với lòng nhiệt thành, sự đam mê thì mới mong, mới hi vọng có thể viết được vài ba trang văn nào đó có ý nghĩa để lại cho đời. Thế thì vấn đề đặt ra là vốn sống – vốn văn hóa làm sao mà có được? Điều này rõ ràng phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm chỉ lao động của bản thân mỗi người trên cánh đồng nghệ thuật của mình. Tuy vậy, thiết nghĩ cũng nên biết một kinh nghiệm là “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” – nhà thơ Chế Lan Viên đã từng chỉ cách trau dồi vốn sống rất hay như thế. Cho nên, theo tôi các bạn nhà văn trẻ nên học tập điều này; phải biết trải lòng ra để sống với mọi người, phải phóng tầm mắt xa hơn nữa để quan sát cuộc đời bằng một trái tim luôn hướng về điều thiện thì khi đó may ra mới có thể theo nghiệp văn chương vốn rất Thiêng Liêng và Cao Cả này.
Kết lại bài viết này, thật lòng muốn nói rằng, không phải tôi không có niềm tin vào những người viết văn trẻ hiện nay nhưng tôi cho rằng để có thể làm được điều mà thế hệ cha anh kì vọng, các cây bút trẻ trước hết cần phải hết sức “tỉnh táo” trước bất cứ một giải thưởng nào đó để không tự huyễn hoặc mình. Kế nữa là phải có cái nhìn thật rộng, thật sâu và thật xa hơn nữa những vấn đề về hiện thực cuộc sống và con người đang hàng ngày hàng giờ đầy sôi động và biến chuyển ngoài kia (công bằng mà nói Biển của Trương Anh Quốc và Giảng đường yêu dấu của Mai Anh Tuấn hoàn toàn có thể trở thành những “tác phẩm lớn” nếu hai tác giả này chăm chút đầu tư kỹ hơn nữa để có những đột phá trong cách tư duy về cuộc sống để tránh rơi vào lối mòn; cũng như đừng quá tham lam đưa đưa tất cả những gì mình thấy vào trong tác phẩm mà phải biết chọn lọc và tập trung xoáy sâu vào một hay một vài vấn đề hiện thực tiêu biểu, điển hình nhất…). Anh cứ thoải mái viết về bất cứ đề tài nào anh thích, cứ thoải mái thể nghiệm bất cứ “kỹ thuật” viết nào anh thấy cần nhưng với điều kiện là cuối cùng phải khái quát lên cho người đọc thấy được anh muốn trình bày vấn đề gì, tư tưởng gì mới mẻ và độc đáo khi kết thúc tác phẩm của mình.
Vĩnh Long, 12/10/2010
[1] Phạm Xuân Nguyên trong bài Có một giao diện văn chương (lời giới thiệu tiểu thuyết Những giao diện ẩn).
[2] Nguyễn Thành Thi trong bài Một nghệ thuật viết táo bạo (lời giới thiệu tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu).
http://www.viet-studies.info/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét