Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 79 – 1.8.2011 (Trích đăng từ 1.1.2010, xem MỤC LỤC DANH SÁCH ở Kỳ 75)

791 - Đằng Giao

“TRUYỀN NHÂN” CỦA NGUYỄN GIA TRÍ

Họa sĩ sinh tại miền Bắc. Sống ở TPHCM (2011).

Di cư vào Nam tự học vẽ ban đầu chuyên vẽ minh họa trên báo, sau theo nghiệp làm báo luôn. Lấy con gái nhà báo kiêm nhà văn di cư Chu Tử nên được cử giữ chức tổng thư ký toà soạn tờ nhật báo “Sống” nổi tiếng do Chu Tử làm chủ nhiệm, tờ báo có lập trường chống Cộng (Chu Tử từng bị ám sát thoát chết năm 1966).

Sau 30.4.75 bị đi cải tạo 8 năm do liên quan đến Chu Tử, một chủ soái chống Cộng trong làng báo làng văn (riêng ông cùng vợ chồng con trai đầu lên tàu di tản đến khu vực Cần Giờ trưa 30.4 thì không may trúng đạn pháo chết trên tàu, được thủy táng trên biển Đông).

Được thả về mới quyết chí theo đuổi nghiệp hội họa một cách chính quy, bài bản nhờ nhà đại danh họa sơn mài Nguyễn Gia Trí (1908-1993) chỉ vẽ, hướng dẫn vẽ sơn mài tuy bậc thầy này cả đời không nhận ai là đệ tử của mình.

Theo hướng đó, bản thân đã tự mày mò chịu khó kiên trì tìm ra phong cách vẽ tranh sơn mài độc đáo riêng của mình, tự tạo màu khác hẳn và đưa tính dân tộc vào tác phẩm. Sáng tạo như vậy trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn thời bao cấp hậu chiến vợ phải làm dưa muối bày bán trước cửa nhà!

Trong 3 năm vẽ đến 120 bức. Nhanh chóng thành công, bán được nhiều tranh cho cả khách nước ngoài. Hai lần đưa tranh qua Mỹ triển lãm và bán năm 2003, 2007.

792 – Đặng Thị Yến

NGƯỜI “MÊ” NGÃ BA ĐỒNG LỘC

Cán bộ sinh 1957 tại Nghệ An. Sống ở Hà Tĩnh (2008).

Bố bộ đội hy sinh trên chiến trường miền Nam năm 1965 để lại vợ và 4 con gái.

Lớn lên theo học ngành bảo tàng Nghệ Tĩnh (lúc chưa chia tỉnh). Năm 1976 được cử đi thực tập tại khu di tích ngã ba Đồng Lộc ở Hà Tĩnh nơi tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong bị trúng bom Mỹ hy sinh năm 1968, tại đây bắt đầu manh nha ý tưởng đi truy tìm những kỷ vậy của 10 nữ liệt sĩ – tất cả đều chưa chồng – xem như một cách nhớ ơn những người chị đi trước.

Ấp ủ dự định cháy bỏng đó nên sau 3 tháng thực tập trở về ra trường đã tình nguyện bỏ quê về làm luôn ở di tích ngã ba Đồng Lộc bất chấp mẹ già phản đối muốn con ở lại quê lo việc nhà.

Từ đó vừa làm việc trong ban quản lý di tích vừa dành thì giờ đi khắp nơi trong tỉnh tìm lại bao kỷ vật 10 cô gái Đồng Lộc để đưa vào nhà lưu niệm trưng bày cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Năm 1978 lấy chồng giáo viên người địa phương, sinh được 3 con. Thế là thêm việc nuôi dạy con cái song vẫn không quên tiếp tục hành trình sưu tầm kỷ vật ngã ba Đồng Lộc.

Công việc bề bộn như thế khiến sinh nội bộ gia đình lục đục, chồng trách cứ chỉ làm “chuyện bao đồng” mà không lo đủ nhiệm vụ làm vợ làm mẹ nên yêu cầu bỏ bớt việc công – nhất là vụ tìm kỷ vật rất tốn thời gian – để lo cho chồng con nhiều hơn. Một lần nữa quyết định như trước kia từng rời nhà mẹ ra đi, bây giờ chấp nhận chia tay chồng năm 1993 để giữ được trọn vẹn ước nguyện của mình gắn liền với hương hồn “các o” Đồng Lộc!

Một mình mang 3 con đi ở riêng nuôi con khôn lớn vào đại học đàng hoàng đồng thời vẫn tiếp tục miệt mài với nhiệm vụ “trả nợ’ Đồng Lộc: “Tôi sẽ bỏ công suốt đời đi góp nhặt những kỷ vật thiêng liêng đó… Với tôi, hạnh phúc lớn nhất là muốn góp nhặt được chút gì đó để tri ân người đã khuất. Đó là gia tài của tôi…”

793 - - Đặng Thông Phong

ĐẠI VÕ SƯ VƯỢT BIÊN 18 LẦN

Võ sư Việt kiều Mỹ sinh 1935 tại VN. Sống ở Mỹ (2011).

Trước 1975 là một võ sĩ nội công thâm hậu nắm vững nhiều môn võ thuật nên được mời dạy võ cho sĩ quan quân đội VNCH. Là võ sư taekwondo 6 đẳng, judo 5 đẳng, thiếu lâm VN (Hàn Bái đường) 8 đẳng. Và đặc biệt chuyên tâm vào võ aikido (6 đẳng) còn gọi là hiệp khí đạo môn võ gốc Nhật Bản do anh ruột mình Đặng Thông Trị học ở Pháp du nhập vào Sài Gòn từ năm 1958.

Sau 30.4.75 đương nhiên phải đi cải tạo. Đã hai lần tìm cách trốn trại song đều bị bắt lại, đành chấp nhận ở tù 7 năm rưỡi mới được trả tự do.

Về nhà bắùt đầu mở cuộc trường chinh vượt biên có lẽ đạt kỷ lục 18 lần. Trong đó 2 lần bị bắt, một lần đi đường biển bị bắt vào tù 8 tháng, một lần đi đường bộ đến được Campuchia rồi cũng bị bắt! Đến năm 1985 vượt biên lần thứ 18 mới thoát được đến trại tỵ nạn, qua năm 1986 được Mỹ mở rộng vòng tay chào đón một nhân tài võ học hiếm có.

Tại Mỹ đã phục hồi lại hệ phái aikido VN ở Quận Cam - California, đến năm 1991 được Aikido Thế giới (trụ sở tại Nhật) tái công nhận. Năm 1997 tiếp tục phục hồi hệ phái Hàn Bái đường VN trên đất Mỹ. Thường xuyên đi các nước Aâu – Mỹ huấn luyện, biểu diễn, tổ chức hội thảo, thuyết giảng võ học.

Năm 1995 lần đầu tiên quay về quê hương theo lời mời của đệ tử trong nuớc.

Năm 1997 về lần thứ hai góp công phát triển lại aikido tập trung ở TPHCM. Đặc biệt năm 2008 kỷ niệm 50 năm aikido VN còn trở về và ra biểu diễn aikido ngay tại Thủ đô Hà Nội lúc đã 74 tuổi.

794 - Đậu Nữ Vệ

NHÀ VĂN HỌC LỚP “BA RƯỠI”

Nhà văn sinh 1956 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2011).

Ở quê mới 10 tuổi vào lớp 4 được vài tháng – sau này tự nhận là trình độ… “nửa lớp 4”! - đã phải bỏ học phụ cha chở bộ đội qua sông vào Nam đánh Mỹ.

Sau 7 năm làm giao liên cho bộ đội như vậy, năm 1972 được cho đi học y tá về làm bệnh viện ở Quảng Trị. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba.

Ở bệnh viện bị “lừa tình” khiến năm 1980 phải nhắm mắt lấy một người chồng không mong muốn nhưng rồi cũng sinh được một trai một gái.

Năm 1989 chồng mất vì bệnh ảnh hưởng CĐDC.

Một mình nuôi 2 con dại không sống nổi với đồng lương thời bao cấp nên xin nghỉ hưu non ra ngoài buôn bán lặt vặt cũng ở Quảng Trị với hy vọng đỡ hơn. Nhưng rơi vào nghề bán cá cực nhọc mà cũng chẳng khá bao nhiêu.

Thế rồi bắt đầu năm 1992 không biết ma xui quỷ khiến thế nào hay cũng có thể do có sẵn tư chất tiềm năng văn chương mà mỗi tối khi bán cá xong về nhà đã tìm an ủi bằng cách ngồi vào bàn… sáng tác! Say mê viết truyện kể lại cuộc đời mình gian khổ từ nhỏ lớn lên lại lận đận điêu đứng bao phen bấy lâu.

Viết xong tự động đem đến Hội Văn nghệ Quảng Trị nhờ… in! Không ngờ gặp may đúng lúc thời Đổi mới tiến hành xóa bao cấp cả trong lĩnh vực xuất bản in ấn nên được chấp nhận cho in (sau khi đã sửa chữa nhiều) với điều kiện tác giả phải… lo tiền in. Chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay mượn đủ kiểu cả 6 triệu bạc để góp tiền in năm 1993 tác phẩm đầu tay, tiểu thuyết mang chất tự truyện “Thuyền tình ngược bến”.

Cũng may cuốn truyện sau khi được biên tập lại kể chuyện cuộc đời có thật xem cũng được nên bán thu được ít tiền mới đưa 2 con về lại quê Quảng Bình, chọn mua một mảnh đất nhỏ dưới chân đèo Ngang làm căn nhà nhỏ ngày bán cá đêm lại thắp đèn tiếp tục sự nghiệp văn chương.

Ông thần May mắn phù trợ lần nữa giúp cho cơ hội được đi dự một vài trại sáng tác của các hội đoàn, nhờ đó học hỏi thêm kinh nghiệm nghề nghiệp từ các bạn văn mà trình độ học vấn, kiến thức cách mình một trời một vực. Từ đó quay về rèn tay nghề viết văn ngày càng khá hơn, viết đủ thứ từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến cả thơ, kịch bản phim lẫn… truyện cười! Ráng viết vì tính ra tiền nhuận bút có cũng đỡ hơn tiền cực nhọc lăn lưng… bán cá!

Năm 2003 được Quảng Bình kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật. Năm 2005 có kịch bản phim truyền hình 18 tập được VTV thực hiện đưa lên sóng.

Nhưng tiếp liền đó qua năm 2006 bị chẩn đoán mắc bệnh u nang buồng trứng phải mổ ở bệnh viện Quảng Bình song mổ xong vẫn cứ bị đau hoài đi khám hàng loạt bệnh viện mới phát hiện trong ca mổ trên bác sĩ đã… bỏ quên cái gạc trong bụng mình! Lại phải mổ lấy ra, tất cả tốn biết bao nhiêu tiền mà nhuận bút viết lách chẳng bõ bèn gì, phải vay mượn tứ tung mới tạm đủ qua phà.

Lành bệnh rồi về nhà nai lưng viết lách trả nợ. Dù sao đến nay cũng đã in được 8 cuốn tất cả gồm 2 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 2 truyện phim, 1 tập thơ…

795 – Đinh Thành Châu

“NGƯỜI DI CƯ NHỨC ĐẦU VỪA PHẢI”

Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh khoảng 1928 tại Nam Định. Sống ở Mỹ (2008).

Trước 1954 đi tu đạo Thiên Chúa ở miền Bắc.

Năm 1954 di cư vào Nam bỏ tu ra ngoài theo học ĐH Luật ở Sài Gòn. Tốt nghiệp ra làm luật sư nhưng bị bắt đi lính trường sĩ quan Thủ Đức năm 1963. Ra trường đeo lon chuẩn úy thì gặp đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm nên sau đó được biệt phái trở về hành nghề luật sư.

Bắt đầu nhảy vào chính trường qua con đường vận động của giới Công giáo, đắc cử dân biểu Hạ viện.

Từ đó con đường hoạn lộ lên như diều: Được bầu là Chủ tịch Ủy ban soạn thảo hiến pháp mới VNCH thay hiến pháp cũ thời NĐ Diệm, được cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lẫn Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ chiêu dụ hợp tác khiến có lúc bị cả giới Phật giáo đối nghịch lẫn giới Công giáo “hậu phương” phê phán, chống đối!

Từng nhận chức phụ tá tướng Nguyễn Ngọc Loan trùm công an mật vụ VNCH nên đếùn 30.4 đương nhiên phải theo tàu biển chạy qua Hong Kong rồi vào Mỹ.

Trên đất Mỹ một thân một mình (đã ly dị vợ ở VN, các con di tản trước rồi) lao động chân tay cật lực để kiếm sống từ chân quét tước dọn dẹp vệ sinh đến bán lẻ bánh mì thịt. Đồng thời học lại nghề cũ để thi luật sư.

Nhưng học mãi vẫn thi… không đậu! Chán quá bèn bỏ, quyết tâm chuyển qua làm ăn kinh doanh theo gương tiền nhân đã dạy “phi thương bất phú”.

Bắt đầu vào thương xá ở San Jose (California) mở cửa hàng buôn bán đủ loại mặt hàng, cả tuần đứng bán đến cuối tuần lái xe đi mua hàng khắp nơi mang về bán tăng giá lấy lời. Vừa khấm khá được đôi chút thì thương xá… cháy rụi! Bèn xoay qua mở nhà hàng món ăn Tàu tại San Francisco song làm sao cạnh tranh nổi với dân Tàu “China Town” chính hiệu nên cuối cùng đành sang tay cho người khác.

Không nản chí, biến thế qua làm nhà hàng… Nhật Bản lúc đó ở đây chưa phát triển mấy. Qua tận Tokyo tham quan học nghề rồi về Santa Clara lập nhà hàng Nhật Bản “giả” với mình đóng vai ông chủ Nhật đến từ TP Kobe – vì thế có biệt danh “Ông già Kobe” – và các đầu bếp bồi bàn mang mác Kobe gốc… Mexico! Nhờ vậy mà cũng tạm sống được.

Thôi, vậy là cuộc đời về già đến đây cũng tạm ổn rồi, bấy giờ mới làm… nhà văn cho in một tập văn thơ mang tựa đề “Người di cư nhức đầu vừa phải” năm 2006. Có lẽ muốn gợi ý rằng đã mang phận di tản lưu vong thì cũng đừng quá nghĩ suy, hoàn niệm nhiều về quá khứ đã qua càng thêm đau lòng chẳng ích gì thay vì phải dồn hết sức lực trí tuệ vào việc làm lại cuộc đời mới tồn tại nổi trong cõi nhân sinh phong ba gió bụi lắm cảnh lên voi xuống chó như mình.

796 - Đinh Xuân Oai

KHO THÓC CỨU ĐÓI

Nông dân sinh 1947 tại Quảng Nam. Sống ở Quảng Nam (2008).

Cả 2 vợ chồng bộ đội về hưu sống ở quê nhà xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My.

Từng chiến đấu ở vùng này nên bản thân biết người dân tộc Cà Dong ở bản Cao Sơn trên vùng núi gần đó (khoảng 300 người) thường xuyên bị nạn đói vào mùa mưa lũ do không lên nương rẫy kiếm cái ăn được mà địa thế nơi này quá hiểm trở nhiều đèo dốc trơn trợt khiến ngoài xã hay huyện không thể vào tiếp tế kịp thời. Nên có khi đồng bào đói đến cả tháng rưỡi phải ăn rau rừng bất kể nguy cơ mắc bệnh tật.

Vì vậy cuối năm 2006 tự mình đã vào rừng Cao Sơn bỏ cả tháng trời một mình đốn cây, cưa xẻ dựng nên một căn nhà gỗ gọi là làm… kho thóc cứu đói cho đồng bào bản này. Rồi trích lương hưu 2 vợ chồng 600.000 đồng mua 2 tạ lúa – mua ngay tại chỗ của dân trong bản – đổ vào kho vốn có sức chứa đến 3 tấn. Xong giao lại cho trưởng bản quản lý đến mùa mưa lũ nhà nào đói hãy lấy thóc ra cấp không cho bà con ăn cầm cự qua cơn ngặt nghèo.

Từ năm 2007 quả là “Kho thóc ông Oai” đã góp phần cứu dân bản Cao Sơn qua cơn hoạn nạn thiếu ăn gần chết đói. Không chỉ thế, cả những khi hộ nào gặp cảnh khó khăn đột xuất, kho cũng được mở cửa xuất thóc hỗ trợ đồng họ.

Từ đó bà con theo gương cũng góp tay vào giữ cho kho thóc tồn tại, sau mỗi vụ mùa tùy theo khả năng từng hộ đóng góp từ 10-20kg thóc.

Nhưng sự đóng góp đó cũng giới hạn không bao nhiêu do đời sống đồng bào dân tộc chưa khấm khá nên những lúc thấy kho sắp cạn thì ông chủ kho “tự phát” này vội vàng vơ lương hưu vợ chồng mình đem mua thêm thóc đổ thêm vào kho. Làm sao bảo đảm cho nó là “kho thóc Thạch Sanh” danh bất hư truyền thì mình mới an tâm.

797 - Đoàn Viết Hoạt

TAN VỠ ẢO TƯỞNG TRÍ THỨC THIÊN TẢ

Nhà hoạt động dân chủ Việt kiều Mỹ sinh 1943 tại Hà Đông. Sống ở Mỹ (2011)

Từng 2 lần đi du học Mỹ đậu bằng tiến sĩ về nước làm phụ tá viện trưởng ĐH Vạn Hạnh, nơi tập trung giới trí thức thiên tả từ sinh viên đến giáo sư trong đó có nhiều sinh viên gốc Quảng theo cộng sản.

Vì thế khi cộng sản tiến vào Sài Gòn 30.4.75 đã cùng giới trí thức sinh viên này tỏ rõ xu hướng ủng hộ chính quyền cộng sản.

Nhưng vốn chỉ là thành phần ủng hộ “chay” (không vào Đảng hay được móc nối hoạt động ngầm) nên dần dà bị chế độ mới bỏ rơi không tin dùng. Từ đó sinh ra bất đồng chính kiến đưa đến hành động chống đối khiến chỉ qua năm 1976 thì bị bắt giữ đưa ra tòa kết án 12 năm tù.

Năm 1988 mãn hạn tù được thả ra vẫn tiếp tục tham gia tổ chức các hoạt động chống chính quyền nên năm 1990 bị bắt lần thứ hai lãnh án đến 20 năm tù, sau giảm xuống còn 15 năm.

Trong tù tiếp tục viết bài phản bác chế độ tìm cách gửi ra nước ngoài. Từ đó gây tiếng vang quốc tế, được một số tổ chức quốc tế vận động chính quyền nên năm 1998 được đặc xá trả tự do.

Ra tù được Mỹ tiếp nhận ngay cùng với giải thưởng “Cây bút vàng của Tự do” từ Hiệp hội Báo chí Thế giới.

Trên đất Mỹ tiếp tục sự nghiệp đấu tranh tự do dân chủ cho VN song đôi khi lại có quan điểm lập trường có vẻ “trí thức” quá (như không chấp nhận dùng lại cờ VNCH…) so với xu hướng chống Cộng quá khích ở hải ngoại nên từng bị các thế lực cực đoan này quay qua tố ngược lại là… “Việt Cộng giả danh”!

798 - Đỗ Anh Thư

“VUA” XÍCH LÔ HÀ THÀNH

Doanh nhân sinh khoảng 1951 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2011).

Đi bộ đội năm 1969 vào chiến trường miền Nam từng đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Năm 1976 xuất ngũ về học ĐH Sư phạm Hà Nội khoa sử.

Năm 1981 tốt nghiệp song nộp đơn xin đi dạy chờ dài cổ đến gần 5 năm vẫn không được gọi. Gặp thời bao cấp đời sống quá khó khăn đành chấp nhận hành nghề… đạp xích lô để nuôi vợ con!

May nhờ có trình độ, biết tiếng Pháp nên tìm được khách hàng du khách nước ngoài thường xuyên giúp kiếm sống đỡ đần cũng tạm được.

Nhưng năm 2001 Hà Nội ra lệnh cấm nghề xích lô khiến bản thân và bạn bè đồng nghiệp rơi vào cảnh thất nghiệp. Lúc đó riêng mình bây giờ đã có điều kiện trở lại nghề dạy học song không đành lòng bỏ nghề “phu xích lô” một thời nhìn bạn bè đồng nghiệp đói rách cùng khổ nên vận dụng trình độ, kiến thức và ngoại ngữ có sẵn để xin lập công ty xích lô du lịch hợp pháp phục vụ khách ngoại.

Công ty đặt tên là Cty Sans Souci (tiếng Pháp nghĩa là không lo âu) là công ty xích lô đầu tiên duy nhất cả nước nhanh chóng trở thành một thương hiệu có uy tín văn minh lịch sự đất Hà thành giúp hơn 130 “tay lái” xích lô có công ăn việc làm ổn định.

799 - Đỗ Đình Phương


ĐỆ NHẤT TÂY BAN CẦM SUÝT BỎ NGHỀ

Nghệ sĩ guitar sinh 1940 tại miền Bắc. Sống ở Mỹ (2011).

Bố là nhạc sĩ kiêm nhạc trưởng ở Hà Nội thời tiền chiến nên học đàn guitar từ năm 14 tuổi.

Sau khi di cư vào Nam năm 1954, theo học Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn với thầy Dương Thiệu Tước. Tốt nghiệp thủ khoa về dạy trường Am nhạc và Mỹ thuật Huế 2 năm rồi quay lại Sài Gòn vừa dạy học vừa biểu diễn sân khấu, đài phát thanh. Danh tiếng vượt ra khỏi nước được tôn xưng là tay đàn đệ nhất tây ban cầm Đông Nam Á (chuyên giai điệu flamenco).

!975 di tản qua Mỹ bị cuốn vào việc kiếm sống nên hầu như không xuất hiện trình diễn nữa dù có lúc cũng mở lớp dạy đàn tại nhà.

Đến khi về hưu được bạn bè động viên mới quay lại rèn tay nghề để đến năm 2006 ra đĩa CD đầu tiên rồi qua 2007 – sau 32 năm mai danh ẩn tích – tái xuất giang hồ trên sân khấu được hoan nghinh nhiệt liệt. Từ đó mở các chuyến lưu diễn phục vụ cộng đồng gợi lại một thời vàng son ngón tay vàng guitar Việt.

800 - - Đỗ Đức Địu

CHẾT 12 ĐỨA CON NHIỄM CHẤT ĐỘC DA CAM

Nông dân sinh 1954 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2009).

Năm 1972 đi bộ đội vào Nam chiến đấu trên mặt trận Thừa Thiên – Huế, người yêu cùng quê cũng đi thanh niên xung phong.

Năm 1973 cả hai xin về quê làm đám cưới rồi sau đó chia tay vào chiến trường.

Sau chiến tranh xin xuất ngũ về quê làm ruộng cùng vợ. Sau năm 1975 sinh con trai đầu lòng nhưng chỉ 2 ngày thì qua đời với những triệu chứng bệnh kỳ lạ khủng khiếp là đầu phù to, da vàng và chảy nước nhầy!

Thời đó chưa ai biết về CĐDC là gì mà chỉ xem đây như một “tai nạn” nên đến năm 1981 vẫn sinh đứa con thứ hai là gái và may mắn lần này cháu có vẻ vẫn bình thường như bao trẻ khác.

Vì thế một năm sau lại sinh con với mong ước có trai nối dõi. Lần này đúng là con trai thật song chưa kịp đặt tên cháu thì nó lại có triệu chứng như đứa con đầu là biến chứng bệnh lý kỳ quặc da đổi màu vàng rồi co giật chết cứng.

Một phần do chưa có con trai và phần khác thiếu kiến thức nên 2 vợ chồng vẫn cố sinh con năm một và tất cả đều lập lại cảnh cũ vừa sinh ra đã chết co quắp kỳ dị như quái thai, sinh đếùn đứa thứ 13 vẫn thế!

Cả 2 vợ chồng rơi vào khủng hoảng có khi muốn điên lên, cứ mỗi lần vợ mang thai là chồng tự động đi kiếm gỗ cặm cụi cưa xẻ… làm hòm cho con! Chôn 12 con thành 12 ngôi mộ nhỏ trên đồi cát phía sau nhà thành một “nghĩa trang gia đình” khoảng 20m2, mộ con nhiều quá mà toàn con chưa đặt tên nên phải… đánh số ngôi mộ thay vào. Chi tiết ngày sinh ngày mất phải ghi vào một cuốn sổ riêng mới nhớ nổi mà làm giỗ, hầu như mỗi tháng đều có đám giỗ con.

Hàng xóm láng giềng có lời dị nghị đổ tội cho người vợ khiến người chồng sinh lòng chán nản mới bỏ nhà đi kiếm… vợ khác thử sinh con xem sao. Tuy nhiên vợ mới – tạm gán ghép – sinh con rồi con cũng chết y hệt!

Thế là 2 năm sau đành quay về với vợ cũ, bấy giờ mới chịu ra Hà Nội khám bệnh biết được mọi sự đều do di chứng CĐDC mình hứng chịu thời lăn lộn trên chiến trường A Lưới ở Thừa Thiên – Huế.

Tuy nhiên vẫn lại sinh tiếp lần nữa được một gái may quá xem như bình thường. Thế là… ráng thêm lần nữa cũng một gái… bình thường, có vẻ như con gái ít nhiều “né” được CĐDC?

Nói là bình thường chứ thật ra chỉ cô con gái thứ hai là tương đối khỏe mạnh nhất ra Hà Nội học trung cấp y tế được nửa chừng cũng đổ bệnh phải bỏ học về quê làm nghề may qua ngày, rồi có chồng có con sống được. Còn 2 em gái út thì một đứa mắt mờ tai điếc, một đứa ngây ngô khờ khạo thỉnh thoảng lại lên cơn co giật khiến cha mẹ cứ phải chăm suốt như trẻ nít.

Bởi vậy trong cái “nghĩa trang gia đình” nhỏ bé kia còn đào sẵn… 3 huyệt mộ nữa… để dành cho 3 đứa con còn sống song cha mẹ cứ phập phồng lo chúng sẽ ngã bệnh hiểm nghèo như 12 anh chị em chúng ra đi lúc nào không biết!

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-ki-79

Không có nhận xét nào: