Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Trần Ngọc Bảo - TÂY DU KÝ SỰ 8


Bản đồ quảng trường Connaught

Ngày 11-7
New Delhi

Trên đường viễn du chúng tôi luôn mang lè kè cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch của nhà xuất bản Lonely Planet, mặc dù nó hơi nặng. Khổ sách cỡ pocket book nhưng dày tới 1244 trang. Nó cung cấp các thông tin về lịch sử, văn hóa, thắng cảnh, bản đồ, khách sạn, văn phòng du lịch. v.v. cùng nhiều lời khuyên hữu ích. Ấn bản năm 2009. Có điều, bản đồ quá nhỏ. Đến mỗi thành phố chúng tôi đều tìm đến các văn phòng hướng dẫn du lịch để xin bản đồ và thông tin cập nhật. Ngoài ra, Claude cũng lên mạng tìm thông tin bổ sung, in ra, và chia cho nhau đọc. Hầu như tối nào cũng đọc để chuẩn bị cho chuyến đi ngày hôm sau.
Sau khi chế mì gói và trà linh chi cho bữa ăn sáng, chúng tôi thảo luận về lộ trình. Chúng tôi thống nhất quan điểm là sẽ không du hành như khách tham quan mà là người hành hương về dất Phật. Tôi thích thăm đền Taj Mahal nổi tiếng, nhưng Claude nói nó không liên quan gì đến Phật và phải mất trọn một ngày đi đến Agra, cách New Delhi khoảng 28km, rồi trở lại. Hơn nữa, vé vào cửa tốn 1.100 rupee (1US $=44 Rs). Thôi thì bỏ qua. Chúng tôi mở sách ra tìm những địa điểm liên quan đến Phật giáo ở thủ đô . Cuối cùng, chọn thăm Vườn Tưởng Niệm Đức Phật và Trung Tâm Phật Giáo của Tiến sĩ Ambedkar.
Các thánh tích Phật giáo đều nằm ở miền đông bắc Ấn Độ . Có bốn địa điểm thường được viếng thăm nhiều nhất, được gọi là “tứ động tâm” mà chính Đức Phật trong bài kinh cuối cùng là Đại Bát Niết Bàn đã dạy Phật tử sau này nên đi chiêm bái: đó là vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) nơi Phật đản sinh, Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Vườn Nai, nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên, và Kushinaga, nơi Phật nhập diệt. Vì thế chúng tôi sẽ đi xe lửa sang miền đông. Trạm đến sẽ là thành phố Lucknow. Vậy thì hãy ra ga mua vé trước.
Vào ga chúng tôi tìm phòng Hướng Dẫn Thông Tin của chính phủ ở trên lầu 1. Ở đây có bán vé tàu luôn. Chúng tôi điền vào phiếu đặt chỗ, xếp hàng (ngồi trên ghế) và cuối cùng mua được vé đi Lucknow vào ngày 13 -7. Chúng tôi đi ra quảng trường Connaught Place để nhìn ngắm thành phố.
Thành phố này là một kiệt tác của kiến trúc sư Lutyens, người Anh. Người Anh chiếm Ấn Độ và đô hộ nước này từ giữa thế kỷ thứ XVIII thông qua một công ty gọi là Công ty Đông Ấn Độ. Sau đó vào năm 1857 có một cuộc nổi dậy của người Ấn rất mạnh mẽ. Chính phủ Anh chuyển sang trực tiếp điều hành qua một phó vương. Thủ đó lúc ấy là Calcuta, bây giờ gọi là Kolkata, ở gần bờ biển phía đông. Đầu thế kỷ thứ XX lại nổ ra nhiều cuộc nổi dậy cho nên chính quyền thuê Lutyens thiết kế và xây dựng (1912- 1930) một đô thị mới gần Delhi và chuyển thủ đô sang đó (1931), gọi là New Delhi. Thành phố được xây dựng với những đại lộ rộng rãi, uy nghi, có những hàng cây cổ thụ hai bên. Xen kẽ là những vòng xoay, tiểu đảo, trồng cây xanh đẹp mắt, mát mẻ. Các dinh thự của chính phủ đều nguy nga, đồ sộ, làm cho người dân cảm thấy “nể sợ” trước quyền lực của nhà cầm quyền thực dân.
Quảng trường Connaught là một vòng xoay hay bùng binh với những tòa nhà chạy theo hình vòng cung xung quanh. Có tới 3 dãy nhà xây theo hình vòng cung đồng tâm như vậy. Đây là một trung tâm tài chính, thương mại với rất nhiều ngân hàng, cửa hàng bách hóa , nhà hát, nhà hàng ăn uống, văn phòng giao dịch các công ty, v.v. Đường phố có vỉa hè rất rộng, được lát đá sang trọng, với nhiều khách bộ hành và rất nhiều chim bay lượn: nào là bồ câu, nào là sáo, nào là quạ. Claude chỉ lên cây, xem kìa. Mấy chục chú khỉ đang ngồi chơi thoải mái. Cái làm giảm vẻ đẹp của đường phố là rác rến và bụi bặm, nhưng dần dần, khi đi sang những thành phố khác chúng tôi mới thấy New Delhi là nơi được qui hoạch tốt nhất nước và là nơi “sạch “ nhất.

Chúng tôi tình cờ thấy một quán chay nên bước vào thử. Trước thực đơn ghi bằng tiếng Hindi và cả tiếng Anh, nhưng toàn là món Ấn Độ với tên gọi lạ hoắc. Đây là một thách thức trong suốt chuyến đi vì các nhà hàng bên này không có những món ăn kiểu phương tây như bánh mì, cũng không có món xào hay kho hay rau xà lách, hay phở, bún, soup, hay cơm trắng. May sao, trong thực đơn có món lemon rice, là món cơm chiên thập cẩm có vắt chanh và tôi gọi món đó. Anh Claude kêu đại một món trong thực đơn. Người ta đem ra một khay tròn, trên đó có 5 cái bánh màu trắng và 5 loại nước chấm, mà nhìn quanh thấy người ta bốc và chấm nên anh cũng bắt chước. Sau này mới biết người Ấn ăn bốc bất cứ món gì và chỉ bốc bằng tay phải. Khi ăn xong họ đem lại bàn hai chén bằng inox – khách nào cũng được mời - một chén đựng một loại hạt giống như cốm rang màu xanh lục, chén kia đựng những mẫu nhỏ như mứt dừa cắt vụn, có mùi thơm giống như thuốc trị đau bụng paregorique, vị ngọt. Có một muỗng nhỏ để khách múc ra bỏ vào lòng bàn tay và đổ vào miệng. Hóa ra đây là một cách làm cho thơm miệng sau bữa ăn.

Tôi đề nghị Claude mua một tour đi tham quan thành phố vì đi xe mới đi thăm được vài nơi mà New Delhi thì có rất nhiều đền đài, nhà bảo tàng, công thự, v.v. Claude đồng ý. Chúng tôi đi tìm văn phòng du lịch và mua vé hôm sau đi tham quan. Sau đó cuốc bộ đi tìm vườn tưởng niệm Đức Phật, người Ấn gọi là Buddha Jayanti Park, thành lập vào lễ nhập diệt năm thứ 2500 Phật lịch (Phật lịch năm 0 hay năm 1 là năm Đức Phật nhập diệt, được tính là năm 543 (lịch Thái Lan) hay 544 trước công nguyên) (cũng có học giả tính rằng đó là năm 691TCN). Xem bản đồ thì tưởng là gần, nhưng đi rồi mới biết là nó rất xa. Đôi lần tôi phải gọi Claude ngồi nghỉ 5-10 phút. Anh chàng này là dân đi bộ nhà nghề, còn tôi chỉ giỏi đi xe máy. Cặp giò tôi phản đối ầm ỉ. Chúng tôi cuốc gần hai tiếng đồng hồ cũng chẳng thấy vườn đâu. Đường thì vắng mà hỏi thì ít ai biết. Người này chỉ phương này, người chỉ hướng khác. Cuối cùng phải đón một xe lam để đi và cũng tới.
Vườn là một rừng cây rộng mênh mông, bước vào thấy rất nhiều hoa giấy mọc thành bụi lớn. Cảnh mà chúng tôi thấy trước hết lại là cảnh trần tục: các đôi thanh niên nam nữ lợi dụng các bụi cây, chui vào để tâm tình. Và tôi khám phá ra cái tính chất “lợi hại” của khăn quàng phụ nữ: họ giăng ra, mắc vào các nhánh cây để che mắt người khác. Có cặp ngồi giữa bãi trống (chắc các bụi đã “full” hết rồi) lấy khăn quàng choàng qua đầu hai người ngồi chụm lại với nhau.
Bước tiếp chúng tôi thấy một cây bồ đề khá to và đẹp. Đây là cây chiết nhánh từ Sri Lanka và là hậu duệ của cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo. Giữa vườn có một cái đình nhỏ, trong đó có tượng Phật bằng đồng. Có một con suối chạy vòng quanh và trên bờ có nhiều vịt, ngỗng. Lác đác có các tảng đá trên đó tạc những lời Phật dạy hay lời giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nghe nói ở đây có các lớp dạy giáo lý, các buổi thuyết pháp. Nhưng hôm nay thì không. Chỉ vườn cây tĩnh lặng.

Chúng tôi lại cuốc bộ đi về, ngang qua Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo của Tiến sĩ Ambedkar. Ờ đây có một tượng đài Ambedkar, thư viện và một quán sách nhỏ. Chúng tôi bước vào xem và hỏi chuyện. Khi biết chúng tôi là Phật tử, ông ta đóng cửa quán sách và ra hiệu cho chúng tôi đi theo. Ông mở cửa một ngôi chánh điện nhỏ cho chúng tôi vào lễ Phật.
Tiến sĩ Ambedkar sinh năm 1891 trong một gia đình của dòng họ Mahar và thuộc giai cấp ở dưới đáy xã hội. Hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ đã hiện hữu trước thời Đức Phật. Nó được ghi trong kinh Vệ Đà của đạo Bà La Môn hay Ấn Độ Giáo (Hinduism). Đức Phật đã từng dạy “không có đẳng cấp vì trong mọi người dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”. Một số vua chúa thời bấy giờ là đệ tử của Đức Phật và họ đều cung kính dối với những mọi tỳ kheo, là đệ tử xuất gia của Đức Phật, bất kể thành phần xuất thân. Nhưng kể từ thời ấy tới ngày nay đẳng cấp tăng lữ Bà- la- môn và quí tộc Sát Đế Lợi vẫn không chịu từ bỏ các đặc quyền, đặc lợi mà họ có được.
Ambedkar ngay từ thời còn nhỏ đã bị phân biệt đối xử và gánh chịu bao nỗi tủi nhục. Nhưng câu bé quyết tâm học tập. Ambedkar trở thành một trong những thanh niên đầu tiên thuộc giới tiện dân vào được đại học Bombay. Ông theo học kinh tế và khoa hoc chính trị. Sau đó lại được học bổng đi học đại học Columbia ở Mỹ và sau này đi học đại học Luân Đôn. Ông được cấp nhiều bằng tiến sĩ về kinh tế, chính trị, luật, v.v. Về nước ông tích cực đấu tranh đòi quyền cho giai cấp Thủ -đà- la (Shudra) và tiện dân (outcasts, untouchables). Ông kêu gọi cải cách Ấn giáo, phê bình đạo Hồi về chế độ đa thê, phong tục tảo hôn và sự đối xử bất công với phụ nữ.
Ông được cử làm Bộ Trưởng Tư Pháp trong chính phủ và Chủ Tịch Ủy Ban Dự thảo Hiến Pháp sau khi giành được độc lập, nhưng không thể nào thuyết phục quốc hội phê chuẩn dự luật về quyền bình đẳng nam nữ và xóa bỏ đẳng cấp. Ông từ chức năm 1951 và chuyên tâm nghên cứu đạo Phật. Ông đi Sri Lanka và Miến Điện để dự các cuộc hội nghị, hội thảo và thành lập Hội Phật giáo Ấn Độ vào năm 1955. Ông chính thức làm lễ qui y Tam Bảo và tiếp nhận năm giới tại Nagpur vào tháng 10 năm 1956 cùng với hàng ngàn người cùng chí hướng. Ông tiếp tục vận động khoảng 400. 000 người cải đạo sang Phật giáo. Ông mất vào cuối năm 1956.

Trên đường về đi qua những con phố dài, mệt và đói, chúng tôi vẫn không thể nào tìm thấy quán ăn chay. Thật ra có thể gọi một xe taxi nhờ chở tới một nhà hàng chay nhưng đó là giải pháp xa xỉ nên tôi không dám gợi ý (mạng internet cho biết có 3 hay 4 nhà hàng chay quanh khu Connaught). 7 giờ tối mới về tới nơi nhà trọ. Claude rủ đi ra quán ăn gần ga xe lửa sau khi tắm rửa. Nhưng tôi nói tôi sẽ ở nhà để nghỉ ngơi và bằng lòng với cháo gạo lức ăn liền. Claude đi ra ngoài khoảng nửa giờ tìm đồ ăn nhưng cũng chỉ mua về mấy trái chuối

Không có nhận xét nào: