Kỳ 81 – 15.8.2011 (Trích đăng từ 1.1.2010, xem MỤC LỤC DANH SÁCH ở Kỳ 75)
811 - Chu Quang Đức
THẦY DẠY KHÔNG THỂ CẦM PHẤN
Giáo viên sinh 1984 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2011).
Chịu ảnh hưởng di chứng CĐDC từ bố bộ đội thời chống Mỹ ở miền Nam, sinh ra người thấp bé, chân bị liệt không đi được, cánh tay bị rút ngắn khiến không cầm được vật dụng.
Dù vậy vẫn nỗ lực học hành thành đạt, thi đậu ĐH Sư phạm Hà Nội ngành tin học. Tuy nhiên ra trường do thể hình bị khuyết tật quá nặng nên không được trường nào nhận về.
Không nản chí quay về nhà mở lớp dạy tin học tại gia ở huyện Mê Linh. Ngồi xe lăn vẫn dạy tốt tuy không thể cầm phấn viết bảng giảng bài như người thường song bù lại đã có máy tính “công cụ vạn năng” giúp thay thế hoàn hảo.
Từ đó nhanh chóng nổi tiếng thầy giỏi trò kéo đến học đông đảo đạt kết quả thi đậu nhất huyện hơn cả học ở trường phổ thông chính quy.
812 - Đào Thị Kiều
CHẾT 6 CON NHIỄM CHẤT ĐỘC DA CAM
Nông dân sinh 1951 tại Đồng Nai. Sống ở Đồng Nai (2011).
Thuở nhỏ gia đình sống gần sân bay Biên Hòa nên có thể đã bị ảnh hưởng CĐDC lúc nào không biết. Đã vậy năm 20 tuổi lấy chồng đi kháng chiến chống Mỹ sau đó chống nạng trở về – với một viên đạn cùng 8 mảnh bom còn nằm trong thân thể - nên cũng không biết có dính CĐDC hay không.
Hậu quả là năm 1970 sinh con gái đầu lòng nằm liệt một chỗ chỉ ú ớ kêu khóc chứ không nói được, đến nay 41 tuổi vẫn còn sống trong tình trạng như vậy, thân thể toi tóp cân nặng hơn 10kg là cùng.
Sau đó sinh tiếp 6 con nữa đều dị dạng và lần lượt qua đời khi chỉ mới được 17 ngày hoặc 7 tháng rưỡi hoặc 19 tháng, lâu nhất có đứa sống đến 37 tuổi rồi cũng qua đời. May mà đứa cuối cùng con gái sinh năm 1989 thể trạng tương đối bình thường.
Nuôi con bệnh nặng như thế mà nhà quá nghèo – chồng làm ruộng, vợ làm công nhân đập đá - không còn biết xoay xở thế nào cho con đỡ bệnh hơn. Có khi trời mưa nhà dột khiến 2 vợ chồng phải đứng suốt đêm giăng tấm ny lông che mưa cho bầy con bệnh tật nằm thiêm thiếp.
Nỗi đau mất 6 con trong tình cảnh cùng quẫn quá bi thảm như thế đẩy người mẹ đến 3 lần… tự tử song được cứu sống kịp thời. Lần đầu uống thuốc rầy được hàng xóm đưa đi bệnh viện súc ruột. Lần thứ hai thì chồng phát hiện ngăn cản. Lần thứ ba cũng chồng nghi ngờ khuyên can tới mức phải quỳ xuống… lạy vợ “Anh lạy em, em và con đừng chết!”.
Đành vẫn sống với thêm bao nỗi đời đau thương oan nghiệt tiếp tục đổ xuống: Năm 2004 chồng qua đời chưa được bao lâu, nhà vắng người đưa đến thảm họa 2 đứa con gái bệnh hoạn nằm ở nhà bị một kẻ xấu… hãm hiếp (sau đó bị bắt bỏ tù 14 năm đã chết trong tù)!
Bây giờ chỉ còn niềm an ủi cuối cùng là con gái út lên đại học sắp tốt nghiệp: “Giờ tôi không tự tử nữa đâu vì con gái út là lẽ sống của tôi.”
813 - Ea Sola
ĐIỆU MÚA CHIẾN TRANH
Nữ biên đạo múa Viêt kiều Pháp tên cũ Nguyễn Thủy sinh tại Gia Lai. Sống ở Pháp (2011).
Cha VN, mẹ Pháp (gốc Ba Lan – Hungary), sinh ra và lớn lên ở miền Nam vào thời cao điểm chiến tranh chống Mỹ.
Năm 1974 theo gia đình qua Pháp định cư.
Học múa và kịch nghệ tại Paris từ cuối những năm 1970. Sau đó có thời gian làm nghệ sĩ biểu diễn đường phố múa hiện đại và kịch nói.
Năm 1989 quay về lại VN bỏ ra 5 năm nghiên cứu nghệ thuật cổ truyền VN trong đó chú trọng múa và âm nhạc truyền thống.
Từ nguồn cảnm hứng dân tộc đó đã sáng tác nhiều vở diễn múa hiện đại lồng trong nội dung đề tài mang âm hưởng chiến tranh – cuộc chiến tranh mà mình từng là chứng nhân – gây tiếng vang vì tính sáng tạo độc đáo, mới mẻ và sâu sắc. Gồm “Hạn hán và cơn mưa” 1995, “Ngày xửa ngày xưa” 1997, “Cánh đồng âm nhạc” 1998, “Thế đấy thế đấy” 1999, “Khúc cầu nguyện” 2000, “Ký ức – Hạn hán và cơn mưa” 2005, “Đường bay” 2008, “Hình hài trắng” 2009…
Chủ đề chiến tranh như một ẩn dụ nghệ thuật trở di trở lại nhiều ở đây bắt nguồn từ hồi ức không thể quên từ thời thơ ấu: “Tôi đã lớn lên trong một cuộc chiến tranh. Tôi từng bị sốc vì chiến tranh…”
Nhưng chiến tranh hiện hình qua đây bàng bạc bóng bẩy như những ký ức nhắc nhở mọi người đừng bao giờ “tái phạm” nữa: “Vấn đề là làm thế nào để những ký ức về chiến tranh có thể khơi dậy ý thức của con người về giá trị của hòa bình và thái độ kiên quyết nói KHÔNG với bạo lực… Những cảm hứng về sự tổn thương của một dân tộc trong chiến tranh được gắn liền với tiếng nói chống bạo lực – một vấn đề mang tính toàn cầu.”
Đặc biệt tất cả tác phẩm trên đều được trình diễn ra mắt trên quê hương VN rồi sau đó mới đưa đi công diễn Châu Au như lời cảm tạ của một đứa con: “Tôi là người con lai luôn mang trong mình những suy nghĩ băn khoăn về bản thân, mảnh đất nơi tôi sinh ra, nơi tôi đã ra đi và lại quay về…. Bởi ký ức VN vọng lại trong tôi là tiếng hát tuyệt đẹp, sâu thẳm. Tôi vừa muốn nghe lại vừa muốn hiểu tại sao nó đẹp như thế… Ngày trước khi rời VN tôi nức nở. Khi trở về tôi cũng nức nở. Còn bây giờ tôi không khóc nữa. Vì tôi biết nếu có ra đi tôi cũng sẽ lại trở về.”
814 - Hà Văn Sỹ
“LƯU DÂN” HIỆN ĐẠI
Giáo viên sinh 1953 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở Bình Phước (2011).
Cha là thượng sĩ VNCH phục vụ hậu cần nên sau 30.4.75 chỉ bị đi học tập ngắn hạn. Liền đưa cả gia đình về quê ở huyện ngoại thành TP Huế cuốc đất làm ruộng, làm hợp tác xã.
Thời hậu chiến bao cấp ở vùng quê nghèo lại con đông cơm không đủ ăn áo không đủ mặc nên rơi vào cảnh gần như sống dở chết dở.
Bản thân vừa học vừa đi chăn trâu mót lúa sống vạ vật qua ngày, thường xuyên mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm “độn”. May mà có năng khiếu môn văn học hành rất tốt (cả nhà chỉ có mình học khá như vậy) nên quyết lấy đó làm như cái pháo cứu sinh giúp mình thoát nghèo, thoát khỏi cảnh sống nông thôn thất học tối tăm mù mịt tương lai.
Trầm trầy trầm trật lắm mới thi đậu được vào ĐH Sư phạm Huế (văn) nhưng trải qua quá trình mấy năm học càng gian khổ không kém, ngày ngày đạp chiếc xe đạp nát đi về hàng chục cây số trong cảnh trời mùa đông không áo ấm, mùa thi ăn không no bụng. Thậm chí có lúc vào lớp đi… chân không, dép đứt hết không tiền mua!
Ngày ra trường lại gặp thêm cảnh o ép khác do có lý lịch “Ngụy” nên chưa phân công! Thế là có một quyết định cực kỳ sáng suốt làm đơn tình nguyện đi dạy học tận miệt cùng trời cuối đất Cà Mau mới được chấp thuận.
Trải qua 10 năm làm thầy giáo nơi vùng đất chóp mũi đất nước giúp “nâng cấp” cuộc đời đỡ hơn thấy rõ, lấy vợ tại đây cũng gốc… hoàng tộc Huế. Cậu sinh viên “mất dép” ngày xưa nào ngờ nay cũng trở thành thầy hiệu trưởng oách như ai!
Quả là miền Nam vùng đất mới giàu tài nguyên sản vật chưa khai thác đủ, dân tình và không khí xã hội chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Pháp nên có cách ứng xử thoáng hơn, cởi mở dễ thở hơn hẳn so với Thừa Thiên – Huế từng là kinh đô phong kiến triều Nguyễn gặp chế độ cộng sản càng vướng nặng hận thù giai cấp đưa đến bao thảm cảnh kỳ thị đồng bào. Cho nên thời đó Nam tiến là con đường sống còn – “tự cứu” - của dân Ngụy không có điều kiện vượt biên!
Sau này cả đại gia đình cha mẹ anh em cũng đi theo con đường đó “di dân” toàn bộ vào Bình Phước mới tách tỉnh càng thành nơi đắc địa đất lành chim đậu cho những “lưu dân” thế hệ hiện đại. Và “lưu dân” cũng tự hào có đóng góp lại cho miền đất mới một nhà giáo đàng hoàng, một nhà thơ ân tình:
“Con sông Hậu trải mình thương nhớ
Giữa đôi bờ kết chuyện trăm năm.
Anh bên này sông em bên kia sông
Con sóng đong đưa, phà anh qua bến…
…………………………………..
Anh đã kịp qua chuyến phà hạnh phúc
Cho nhịp cầu rạo rực nhân duyên…”
(Phà Cần Thơ)
815 – Heidi Neville-Bub
“NGƯỜI CON GÁI ĐÀ NẴNG”
Công dân Mỹ gốc Việt tên cũ Mai Thị Hiệp sinh 1968 tại Đà Nẵng. Sống ở Mỹ (2002).
Mẹ buôn bán ở chợ Đà Nẵng đã có chồng và 3 con nhưng chồng bỏ đi theo Việt Cộng nên mẹ ở lại phải làm sở Mỹ rồi lấy lính Mỹ để có tiền nuôi con mới sinh ra mình. Tuy nhiên sinh ra thì người cha lính Mỹ về nước bỏ rơi mấy mẹ con.
Đến trước ngày giải phóng miền Nam, mẹ sợ có con lai Mỹ bị liên lụy nên đem con cho cô nhi viện ở Đà Nẵng, sau đó đứa con được đem vào Sài Gòn theo chiến dịch Babylift đưa qua Mỹ.
Tại Mỹ được một phụ nữ Mỹ độc thân nhận làm con nuôi. Sống tại bang Tennessie nổi tiếng phân biệt chủng tộc (nơi phát sinh tổ chức K.K.K) nên mang mặc cảm về màu da. Đã vậy, bà mẹ nuôi rất khó tính có ý muốn cắt đứt mối quan hệ huyết thống gốc Việt cũ của mình, nói dối gia đình cũ của mình đã chết hết, thậm chí khi có tin về mẹ ruột ở VN đã giấu không cho con nuôi biết.
Sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm lại bị mẹ nuôi o ép quá đáng tới mức sinh ra trầm cảm có lúc tính quyên sinh. Nhờ bạn bè an ủi giúp đỡ mới quyết định bỏ nhà ra ngoài sống riêng tự kiếm việc làm nuôi thân.
Năm 1992 lấy chồng bạn học cũ đi lính hải quân, sinh 2 con gái.
Bắt đầu tìm hiểu về gốc gác, lai lịch mình, từ từ may mắn năm 1996 được bạn Việt kiều giúp đỡ tìm liên lạc được với mẹ ruột còn sống ở Đà Nẵng. Năm 1997 trở về Đà Nẵng gặp lại mẹ ruột và 3 anh chị cùng mẹ khác cha.
Cuộc đời lưu lạc cùng hành trình tìm về quê mẹ đã được nhà làm phim Mỹ quay thành bộ phim tài liệu mang tên “Người con gái Đà Nẵng” từng được đề cử tranh giải Oscar 2003 hạng mục phim tài liệu xuất sắc.
816 - Hoàng Xuân Hùng
TỪ CHỐI CHÍCH MORPHINE GIẢM ĐAU
Nhà kinh doanh nhỏ sinh 1953 tại Hà Nam. Sống ở Hà Nam (2011).
Năm 17 tuổi đi bộ đội vào Nam chiến đấu.
Sau 1975 tiếp tục được điều qua chiến trường Campuchia. Tại đây năm 1979 giẫm phải mình bị cưa cụt 2 chân lên tận trên đùi không lắp chân giả được.
Cuối năm 1980 được đưa về trại thương binh ở quê nhà Hà Nam. Phải tập đi lại bằng cách vịn hai tay vào 2 chiếc ghế con để tự lo mọi sinh hoạt cá nhân. Tình cảnh đó khiến một nữ điều dưỡng cùng quê ở trại sinh lòng khâm phục rồi yêu thương đến chỗ tự nguyện kết hôn với người thương binh tàn phế nặng bất chấp bao lời dị nghị của bà con, hàng xóm. Lương thương binh cộng nữ điều dưỡng không đủ làm đám cưới may nhờ đồng đội, bạn bè thông cảm cho vay tất cả 7.000 đồng (thời này) lo liệu đám cưới.
Bắt đầu từ đó đối đầu với thực tế cuộc sống khắc nghiệt 2 vợ chồng phải tự lực cánh sinh, sau đó còn nuôi 2 con trai ăn học nữa. Được giúp đỡ giới thiệu cho làm đại lý bia rồi tiến lên phát triển thêm đại lý cám heo, đại lý xay xát gạo… Bản thân tập đi và lái xe ba bánh đi bỏ mối hàng không nề hà cực nhọc ngày đêm.
Bên cạnh đó còn vết thương cũ (mỏm xương cụt nơi điểm cưa chân) gặp khi trái gió trở trời luôn gây đau nhức tận cùng. Được bác sĩ cho phép chích morphine giảm đau nhưng sợ quen dùng thành nghiện sẽ khiến bản thân mình tàn tạ làm khổ thêm vợ con nên kiên quyết không dùng mà tự nghiến răng gồng mình chịu đựng cho qua cơn!
Dần dà thuận vợ thuận chồng tát biển Đông, nhờ chăm lo làm ăn buôn bán mà cuộc sống ngày càng dễ thở. Nuôi được 2 con trai đều đã tốt nghiệp đại học với đầy lòng tự hào về bố mình: “Từ bé đến lớn chưa bao giờ tôi có mặc cảm về bố mình. Bố có thể làm được mọi việc như những người bố bình thường khác…”
817 - - Hoàng Xuân Giang
TRĂNG TRỐI GỬI LẠI QUÊ HƯƠNG
Nhạc sĩ Việt kiều Canada sinh 1946 tại Huế – Mất 1994 ở Canada (49 tuổi).
Cháu ruột nhà bác học Hoàng Xuân Hãn, em ruột nhà thơ Hoàng Xuân Sơn (Canada).
Trước 1975 học đại học ở Sài Gòn, cùng anh Hoàng Xuân Sơn tham gia hoạt động trong nhóm văn nghệ sinh viên Văn khoa Sài Gòn thành lập Quán Văn, điểm xuất phát âm nhạc Trịnh Công Sơn – Khánh Ly.
Sau 1975 qua định cư tại Canada mới bắt đầu viết nhạc theo dòng ca khúc lãng mạnh đầy chất nghệ sĩ Huế. Đăng nhạc, thơ văn – cả tranh nữa - trên báo hải ngoại.
Bắt đầu thời Đổi mới cuối thập niên 1980 là một trong những người quay về VN sớm nhất tính chuyện phát triển du lịch. Vì vậy khi trở lại Canada đã bị giới chống Cộng hô hào “tẩy chay” không giao du, không phổ biến tác phẩm vì tội “nối giáo Cộng sản”!
Dù vậy năm 1994 khi biết mình mắc bệnh ung thư gan nặng không qua khỏi đã quyết định quay về nước – đặc biệt quê nhà Huế thân thương - một lần nữa để thăm bạn bè, vui chơi hoài niệm một thời tuổi trẻ sôi nổi. Nhân đó in tập nhạc đầu tay cũng là cuối cùng 20 bài nhan đề “Hãy nhìn tôi như thế” (Trịnh Công Sơn viết lời tựa).
Họp mặt đầm ấm cùng bạn bè, kỷ niệm mà không cho ai biết mình bệnh… sắp chết rồi đến thời điểm “chuông nguyện hồn ai” thì an nhiên quay lại Canada chấp nhận cái chết định mệnh đã an bài.
Với lời từ biệt cuối cùng đã để lại trên quê hương: “Hãy nhìn tôi như thế vì đời lãng quên tôi, vì tôi nhỏ bé, vì tôi sẽ biến mất trước khi cuộc đời vội vã nhớ lại như một thoáng ăn năn vô vị…”
818 - Hồ Điệp
GIỌNG NGÂM MẤT TÍCH
Nữ nghệ sĩ ngâm thơ sinh 1930 tại Hà Nội – Mất tích 1987 ở Campuchia (58 tuổi).
Từng là cô đầu hát ca trù ở miền Bắc nên sau khi di cư vào Nam 1954 nhanh chóng trở thành giọng ngâm thơ nổi tiếng miền Nam trong chương trình tiếng thơ Tao Đàn (do cố thi sĩ Đinh Hùng sáng lập) trên sóng phát thanh quốc gia kéo dài gần 20 năm.
Năm 1987 cùng một nhóm 11 người vượt biên theo đường bộ qua Campuchia song từ đó mất liên lạc, tin tức luôn!
Đáng chú ý trong số con cái sau này có con trai lớn Nguyễn Quốc Quân (sinh 1953 tại Hà Nội) cũng đã vượt biên theo đường bộ qua được Thái Lan rồi vào Mỹ từ năm 1981. Học đại học tốt nghiệp tiến sĩ, năm 2002 gia nhập đảng Việt Tân chống Cộng ở Mỹ giữ chức vụ “Trung ương” và đến năm 2007 được đưa về TPHCM âm mưu tổ chức gây rối chống chế độ VN hiện hành thì bị bắt đưa ra tòa lãnh án 6 tháng tù. Mãn án năm 2008 bị trục xuất về lại Mỹ.
819 - Hồ Hữu Tường
THỜI NÀO CŨNG TÙ!
Nhà tư tưởng, hoạt động chính trị sinh 1910 tại Cần Thơ – Mất 1980 (71 tuổi).
Học Pháp trở về (bạn của triết gia Jean-Paul Sartre) tham gia hoạt động chính trị từ thời Pháp, từng theo cộng sản Đệ tứ Quốc tế chống Pháp nên bị Pháp bắt giam đày ra Côn Đảo.
Còn viết báo viết sách với nội dung chính trị, nổi tiếng với bộ truyện “Phi Lạc sang Tàu” viết theo phong cách văn hài.
Sau 1954 từ bỏ chủ nghĩa cộng sản thay vào bằng lập thuyết chủ nghĩa dân tộc, đề xuất miền Nam theo thể chế trung lập không cộng sản không tư bản. Tiếp tục hoạt động chống chế độ Ngô Đình Diệm nên năm 1957 bị bắt ra tòa tuyên án tử hình, sau được quốc tế can thiệp nên lại đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Năm 1964 chế độ NĐ Diệm bị lật đổ mới được thả về. Năm 1965 đắc cử dân biểu Hạ viện vào phe đối lập với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, chủ trương kêu gọi Liên Hợp Quốc bảo trợ cho miền Nam trung lập. Sau đó nghiêng về ủng hộ giới Phật giáo, làm viện phó ĐH Vạn Hạnh.
Ngày 30.4.75 từ chối đi di tản vì tin mình là người “yêu nước” không có gì phải lo lắng.
Nhưng thực tế không hoàn toàn như thế khi năm 1977 bị bắt do nghi ngờ có tham gia hoạt động chống chính quyền mới. Đưa ra giam ở Bình Thuận, cho trồng coi vườn thuốc nam của bệnh xá.
Tuổi già sức yếu qua bao lần gian nan tù tội lại thêm bệnh hiểm nghèo (xơ gan) nên khi thấy khó lòng qua khỏi, trại giam mới cho về. Tuy nhiên xe đưa về chỉ còn cách nhà 100m thì… trút hơi thở cuối cùng trên xe! Trong lúc đó vợ lại đang trên đường vào trại thăm nuôi, còn con trai nằm tù tội vượt biên bị bắt ở Bến Tre.
820 – Hồ Mơ
CHA NUÔI CỦA “MA RỪNG”
Nông dân sinh 1937 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).
Người dân tộc Pa Cô (nên còn tên Am Khanh) thời trẻ đi bộ đội đánh Mỹ từ năm 1956, được phong “Dũng sĩ diệt Mỹ” 4 lần. Năm 1969 bị thương nặng được đưa ra Bắc chữa trị cưa mất một chân.
Sau chiến tranh về quê ở bản Prin gần biên giới Lào làm ruộng rẩy. Vợ mất sớm để lại 2 con.
Một mình “gà trống nuôi con” đã cực nhọc rồi mà lòng lại nảy sinh tình thương đối với đám trẻ mồ côi trong bản. Một phần vì nhớ thủa nhỏ mình cũng từng mồ côi mẹ và phần khác nhờ đi bộ đội có được học tập kiến thức nên thương trẻ em người dân tộc mồ côi cha mẹ ở trong bản theo hủ tục lạc hậu thường bị xem là “ma rừng” phải chôn sống theo cha hoặc mẹ vừa qua đời. Vì thế đã tìm mọi cách để xin – hoặc thậm chí “cướp” lấy cháu ôm bỏ chạy! – về nuôi.
Cứ như thế đã nuôi được 8 em, có em còn sơ sinh phải bồng đi xin cho… bú ké sữa mẹ! Lớn lên còn lo dựng vợ gả chồng cho chúng, từ đó có thêm 20 đứa cháu nội ngoại. Tất cả đều xem là “những khúc ruột của tau cắt ra, là tài sản lớn nhất đời tau đó”.
Không chỉ thế, dù chỉ còn một chân nhưng từ năm 1999 còn tự tay lầm lũi cuốc đất vác đá san đất… làm đường, mở một con đường mới thông thương buôn làng với xã lên huyện giúp bà con đi làm ruộng rẫy, vận chuyển hàng hóa đỡ vất vả. Làm ròng rã suốt 3 năm mỗi ngày từ sáng sớm đến tối mịt, về sau bà con thấy vậy hiểu ra lợi ích nên cùng chia nhau xúm vào làm phụ. Đường hoàn thành dài 3km cho ô tô có thể chạy qua, được đặt tên “tự phát” là đường Hồ Mơ!
Chưa hết, còn làm nhà ngoài bìa rừng tự nguyện đóng vai “kiểm lâm nhân dân” giữ rừng Cù Nhoi, rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện Hướng Hóa. Song song đó còn dùng kinh nghiệm học hỏi từ bộ đội để dạy đồng bào cùng mình làm ruộng lúa nước bậc thang, trồng sắn, nuôi trâu bò…
Làm biết bao nhiêu việc vậy mà vẫn thấy chưa đủ: “Tau ước sao đừng có… ban đêm, mặt trời cứ sang hoài như ri thì làm được biết bao nhiêu là việc”!
(Còn tiếp)
http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-ki-81
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét