Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Võ Công Liêm : MODIGLIANI - HOẠ SĨ KHÔNG-HÓA


gởi: Những văn nghệ sĩ.

Không-hóa là gì? Là vai trò hoán triệt toàn diện để đi tới Như-nhiên. Tận triển mọi khả năng tri thức để đưa tình cảm của mình vào tác phẩm, nhờ đó mọi người cảm nhận được cái siêu lý nghệ thuật. Một thứ nghệ thuật phi nghệ thuật ; đặc biệt nghệ thuật hội họa. Modi đại diện cái gọi là không-hóa đó : ‘Neither / Aucune, ni l’un ni l’autre, non plus, neither…nor’. Nghĩa là không có ai mà chẳng có ai như Modi. Modigliani đi từ Không sang Có và đi từ Có sang Không. Cái ấy chính là con đường ‘tối-thượng-thừa’ mà xưa nay không ai có thể dẫm lên bước đi đó, dù ảnh hưởng ít nhiều cái uyển chuyển, khéo léo (gesture) như Modi đã làm và đã sống.

Modi quan niệm như Van Gogh (1853-1890) : « May mắn cho tôi, tôi chẳng mong đợi vào sự chiến thắng, vinh hoa nào, mà tôi chỉ tìm kiếm qua hội họa một phương cách thoát khỏi cuộc đời ».

Nếu vẽ là đóng băng trên một bình diện nghệ thuật ‘nhai lại’ thì đó là cái chết của nghệ thuật (The death of Art). Modi chính thức vượt thoát ra khỏi mọi khuôn thước cố hữu để có một tâm như siêu thoát, nhờ đó mới dựng lên toàn cảnh từ trí tuệ đến hiện thực. Ngắm tranh của Modi với một tâm hồn rộng mở, bao dung, một tinh thần độ lượng mới hài hòa tiết điệu đó. Bởi Modi có hai bề mặt của trạng huống con người ; vừa khách thể vừa chủ thể là hai phạm trù phiến diện tách ra khỏi dòng sống như nhiên, tức một cái gì an nhiên tự tại trong đáy linh hồn của Modi, chính cái đó là phương tiện thoát ly cuộc đời, thoát ly thế giới qui ước, tàn tích, bó rọ nầy. Tất cả là gò đống là đi tới cái chết (la mort de). Amedeo không thể chấp nạp cái thứ nghệ thuật như thế dù chấp nạp miễn cưỡng hay tạm bợ. Xin nhớ cho Modi không đuổi theo hư danh, ảo vọng của một nghệ sĩ chân chính, làm thế không để đời được. Modigliani hiểu điều đó.

Modi cần sống, sống nhanh sống vội, sống quên mình dù đương đầu với cái chết trong chén rượu truy hoan, trong độc dược (drugs) suy tàn, trong dục vọng sa đọa với đàn bà (womanizing), trong đam mê với nghệ thuật (passion of art) , Modi phải mượn tất cả những thứ đó để tìm thấy cái tuyệt mỹ cũa hội họa, cái đẹp của cuộc đời, trong đó cái đẹp của người phụ nữ là một liên hệ trung gian và đó cũng là cái nhìn khát vọng, cái khát vọng vô tình để đưa Modi đi vào hiện thực -realy life- tạo cuộc đời thêm một vũ trụ, vũ trụ của dự cuộc, vũ trụ của khát vọng là nhu cầu cần thiết cho họa nhân ; Modi nằm trong vị trí ấy.

Cái sự vẽ của Modi là không hướng tới cái hy vọng ngày mai mà hướng tới một sáng tạo nghệ thuật ; sự cớ đó chính là sự phiêu lưu của hình ảnh, với hình tượng trong một tư thế chủ động để tan chảy (fusion) vào họa phẩm (work of art)). Ấy là yếu tính vô thức mà Modi nhận ra như một tương quan giữa những hoạ sĩ cũng như những nhà điêu khắc khác.

What seemed important was the suject matter of the unconscious which he recognized as part of the indentity of the artist.

Trời sinh Modigliani có-con-mắt như thế mới trông thấy thứ nghệ thuật đó. Modi đối diện với cái ĐẸP để thưởng thức trọn vẹn cái đẹp, ông đã trút bỏ tất cả, những khái niệm khô khan, đưa thể xác dục vọng vào cái gọi là ‘mưu đồ’ mà chỉ tập trung tinh thần vào đối tượng, quên mình vào sự vật, vào hình tượng, hoàn toàn quên hết ngoại giới xung quanh để đi vào thế giới mê-hồn-trận của thế giới “vật ngã đồng tâm” là kinh nghiệm muôn thuở của Amedeo Modigliani .Có thể thời của Modi hay của Picasso người ta cho là ngông cuồng(?) It mean a mad intoxication! Chắc chắn là không; bởi tranh của Modi không nằm trong đề tài cái đẹp, cái đẹp trong tranh của Modi là đường nét, là bút pháp, là màu sắc, là yếu tố đích thực, cái đó là ‘ reality physique’ một hiện thực về tâm sinh lý, một ‘body language’ mà ở đây Modi diễn tả bằng một nội lực qua nét cọ của đường nét, của màu sắc như một tiếng nói của thân xác, một biểu hiện về hình thái sáng tạo nghệ thuật; vì thế mà đời nhìn dưới một nhãn quang không được đẹp như đời từng thấy qua nét đẹp. Modi không thể làm thỏa mãn cái ‘nhãn quang’ đó, không thể chạy theo thị hiếu mà làm mất đi những bước tiên khởi ‘avant-garde’ của hội họa. Nhưng quên rằng cái đẹp trong tranh của Modi là một cái gì thuộc về nội quan hơn là ngoại quan.

-Le laid peut etre beau, le joli jamais- (P. Gauguin). Vậy tranh của Modi là gì? Là một triết lý thuộc về phân-tâm-tính-dục ‘psychosexual’; quả là tư tưởng và hình ảnh vĩ đại cho một họa nhân như Modi.

Ngần ấy lý giải cũng đủ cho chúng ta thấy được chân tướng bản-lai-diện-mục của Modigliani, một giá trị như nhiên bất tận và trường cửu mà Modi để lại cho thế gian như một chứng tích giữa hồn và xác của con người.(1)

Amedio Modigliani sanh năm 1884. Dòng dõi ông có chất máu Do Thái (Sephardic Jews). Ra đời tại Livorno, Leghorn miền bắc Ý-Đại-Lợi (Italy). Gia cảnh trung lưu ở Tuscan. Modi định cư ở Pháp (1906) gặp gở và kết thân với Picasso, Utrilo, Soutine, Bracusi và một số văn nhân nghệ sĩ khác ở Paris.

Modigliani chỉ ở với trần gian 36 năm (1920). Sống ngắn nhưng đầy đủ; cái phận thiên tài đều chung số “phong vu bỉ sắc vu thử” thì lạ gì ‘bỉ sắc tư phong’ (ND).

Pháp là trung tâm của văn hóa nghệ thuật đã trải qua nhiều thời đại mà mỗi thời đại sản sinh ra những thiên tài xuất chúng qua từng bộ môn. Những tài nhân tụ về đây để phát huy cũng như sáng lập nhiều trường phái khác nhau. Những biểu tượng xẩy ra trong hiện trường của đời sống ông đã ảnh hưởng ít nhiều nhịp sống trong tâm hồn ông. Modigliani sa đọa từ đấy. Ám ảnh lớn lao cho Modi là phụ nữ, luôn luôn nghĩ đến xác thịt, một bức xúc gần như tâm bịnh. Ông điên loạn chính ông, vẽ đủ thể loại khác nhau, từ khối (cubist) ấn tượng (impress) dã-thú (fauves) tượng Phi châu (African sculpture) Cái thời kỳ mà các họa sĩ bắt đầu làm mới, Picasso đã đem nghệ thuật đại dương và da đen Phi châu, dập nát hội họa cũ để thành lập trường phái lâp phương (cubisme). Từ đó hội họa và điêu khắc lên đường để tìm hiểu cách diễn đạt mới, Modi đi đúng thời thượng về đường nét ‘dài’ (elongated figures), một đường nét có âm hưởng da đen Phi châu. Modigliani hồ hởi tìm hiểu, học tập về điêu khắc, tất cả đổi mới đó, gọi chung là Chủ nghĩa Hiện đại (Modernisme) rồi đến Hậu Hiện đại (Post-Modernisme). Một đánh dấu lớn lao cho Modi; ông gặp Bracusi điêu khắc gia gốc Bảo-Gia-Lợi (Bul) giữa năm 1910 và 1913, điêu khắc đã làm say mê người thưởng ngoạn. Kể từ đó Modi bắt đầu nhúng tay đục chạm gỗ và đá. Chỉ trong vòng 2 năm; Amedeo đành bỏ rơi điêu khắc vì lý do sức khoẻ để trở lại hội họa 1915. (2)

Thời gian sống ở Pháp Modi la cà khắp phố phường Paris, trao đổi hay thảo luận về hội họa với những bậc tài hoa, hay những bậc thầy mà Modi một thời ngưỡng mộ, ông thường ngồi cà phê nơi tụ hội văn nhân nghệ sĩ hay những hộp đêm, hầm rượu, say sưa tửu điếm. Modi ham vẽ như ham sống, đến đâu cũng vẽ, ông vẽ những đường nét như ‘vết chém’ qua chân dung của các nghệ sĩ như Diego Rivera, Picasso, Juan Gris, Jacques Lipchitz, Moise Kisling và Chain Soutine… với những nét bung phá đó, dần dần ông chuyển hướng qua đường nét ‘cổ-dài’ (long-necked nude) khởi từ đó Modi nghiên cứu và dồi mài đường nét ‘dài’ để tạo cho mình thế đứng riêng biệt. Qua những hình ảnh trong tranh người ta gán cho ông cái tên gọi họa-sĩ-phỉ-báng (le peintre maudit). Nhưng chính trong cái xấu xí (damnable) là cả một ngạc nhiên sau nầy khi mà người ta tìm thấy ‘chất liệu’ đó như một bản chất riêng biệt về cái bôi nhọ, chê bai mà Modi đã vẽ lên những hình tượng như thế.(3)

Đời bỏ quên Modi, những đứa con tinh thần của Modi trở nên vô thừa nhận; điều đó có khác gì Van Gogh. Modi ngậm đắng lao vào đời như kẻ khốn cùng; mặc dù những năm gần đấy tiếng tăm Modi đã trở thành ‘huyền-sử-ca’ trong giới văn nhân ở Paris cũng như ở cố quốc.(nước Ý mắc cái nợ di sản của Modigliani) nhưng không phải những thừa nhận đó mà kéo Modi ra khỏi vũng tối, có những đêm say mướt dưới cơn mưa ở Montparnasse, lạnh, đói, thiếu thốn ‘poverty-stricken’ sống nương nhờ như kẻ vô gia cư vô điạ táng, một đời phóng đãng phủ quanh ông để rồi buột miệng: “Tôi say ngất ngư cho tới chết” (I am going to drink myself to death) Tiếng nói đó như thổn thức cho thân phận mình. Modigliani chấp nhận mọi thương đau để hoàn thành những tác phẩm mà Modi nuôi dưỡng từ khi dấn thân vào con đường hội hoạ, người đã trải qua những chặng đường khốc liệt nhất, kể cả những cuộc tình đi qua trong đời Modi. Những tác phẩm của ông chính là đời

ông. Qua bao cuộc triển lãm từ xưa cho đến nay, người ta nhìn ngắm cái đặc thù của Modi là cả một suy tưởng trong những hình ảnh vẽ lên, nó không thuần chất như những họa phái khác. Modigliani đã tạo cho mình một cõi riêng từ tranh sang

tượng. Modi thành công trong hai lãnh vực đó, cũng vì đam mê tạc mà đưa tới cho Modi nhiễm bệnh hiểm nghèo lao phổi và suy thoái lần mòn cho tới ngày nhắm mắt. (4)

Cuộc đời là thế; cái thừa nhận thường đi sau cái chết. Modi là nạn nhận của sự phủ phàng : chối bỏ, khinh khi cả đời ông, cái cố gắng của Modi là cái chống lại mọi manh tâm trục lợi; Modigliani chả được lợi gì chỉ còn lại cái tiếng thơm muôn thuở mà đời truy phong khi người ta tìm thấy ánh hào quang trong tranh của Modi với một nỗi buồn thánh thiện ‘L’Ange au visage grave / The sad-faced Angle’ là cả một nội tâm chất chứa, phản ảnh cụ thể, một sự tĩnh lặng của nhân thế ‘human still lifes’. Thật thế; Modi không phô trương, không chứng tỏ cái hay của mình. Không!

Mà đời phô trương và chứng tỏ cho ông. Cao qúy vô cùng, nên suy ngẫm.

*

Dưới huyệt mộ Modigliani mỉm cười cho mình cho đời. Modi đã sống và đi trước thời đại hơn cả niên kỷ, con người ngày nay chỉ tìm thấy cái sự đã rồi, e rằng vẫn còn một số người chưa hiểu thấu cái siêu lý vô tận của Modi để lại.

Có biết, có nói chỉ là lập ngôn một cách mơ hồ về chân tướng sống thực của Amedeo Modigliani mà thôi. Khổ cho những kẻ còn chạy theo những đám bụi mờ không thấy ánh sáng của nghệ thuật hội họa để định nghĩa và minh định thế nào là chân thiện mỹ của ‘nghệ-thuật-thứ-bảy’. Hầu hết nghệ danh đều có nỗi khổ riêng cũng như kiếp nghèo riêng, có sa đọa riêng, có lẽ; họ tìm thấy nguồn cảm hứng xuất thần từ trong đó. Modi dùi mài, lùng kiếm cái sáng tạo, âm thầm và không bao giờ tự hào, mãn nguyện dù một thỏa mãn nhỏ, Modigliani ý thức được điều đó. Người nghệ sĩ tự mãn là nghệ sĩ chết. Chết hẳn. Xin đời nhớ cho!

Giờ đây và mãi mãi; Modi đón nhận hạnh phúc của mình đang ngự trị trong những viện bảo tàng nghệ thuật thế giới hơn là những cuộc đấu giá rầm rộ .

Cái đó chính là cái Không-hóa cho cả một đời dấn thân của Modi; để làm nên những gì là không-hóa trong tranh, trong đời mà Modi để lại cho hậu thế.

Một sáng tạo kỳ vĩ. Người ta đang ‘line-up’ để nhìn cái sống thực, cái hào quang của Modigliani với những gương mặt buồn trong tranh như chính nỗi buồn của mỗi chúng ta đang sống giữa cõi đời này ./.

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab. tiết sương giáng 10/2011)

*Amedeo Modigliani: sanh ờ Ý 1884. Chết bịnh lao ở nhà thương thí Paris, Pháp 1920.

1915/16 mở đầu trường phái ‘dài’ qua tranh và tượng.

1918; Triển lãm cá nhân ở Paris.

1918/19 Triển lãm ở Cannes và Nice (Pháp)

SÁCH ĐỌC :

ART of the 20th. Century. 2000 Benedikt Taschen Verlag GmbH. Bonn. Germany.

ARTnews magazine USA (jan.2004). Tranh hình trong bài lấy từ tạp chí nầy.

Không có nhận xét nào: