921 – Não Thị Thùy Yến
NHIỄM CĐDC ĐI CHĂN BÒ VẪN THI ĐẠI HỌC
Học sinh khuyết tật nghèo sinh 1991 tại Ninh Thuận. Sống ở Ninh Thuận (2011).
Người dân tộc Chăm chịu di chứng CĐDC từ người cha nên lên 2 tuổi tứ chi bắt đầu teo lại, các ngón tay cong rút lại, thân hình phì ra bề ngang; đến 20 tuổi chỉ cao 1,1m và cân nặng 27kg. Trong nhà còn 2 em trai cũng mắc bệnh tương tự.
Dù vậy vẫn rất ham học nhất quyết nài nỉ cha mẹ cho đi học và học giỏi tốt nghiệp phổ thông dù nhà nghèo sáng đi học thì chiều về phải phụ gia đình đi chăn bò.
Giữa năm 2011 một mình lần mò vào TPHCM, tự tìm người giúp đỡ ở nhà trọ miễn phí để dự thi đại học ngành giáo dục.
Vừa là nạn nhân CĐDC lại người dân tộc chắc chắn em xứng đáng được hưởng chế độ vào đại học.
922 – Nay Đ’Roeng
“SÂU ĐO” ĐI HỌC
Học sinh khuyết tật sinh 1994 tại Gia Lai. Sống ở Gia Lai (2011).
Người dân tộc J’rai, cha mẹ là du kích thời chống Mỹ.
Sau 1975 chồng làm cán bộ xã, đến 1990 bệnh tật nhiều (dính CĐDC mà không biết) nên xin nghỉ về buông làng cùng vợ làm rẫy.
Giữa năm 1990 sinh con đầu lòng là một… quái thai (chỉ có một cục thịt đỏ hỏn) theo tục lệ buôn làng phải chôn đi.
Năm 1992 sinh đứa con thứ hai tuy có hình dạng con người đỡ hơn song mắt lồi, chân tay có màng như vịt khiến buôn làng ra lệnh chôn sống. Nhưng quá thương con nên xin chịu phạt để giữ lại nuôi nấng.
Năm 1994 sinh đứa thứ ba chính là Nay Đ’Roeng thì không có 2 chân, một tay cụt đến khuỷu, một tay cong queo không có bàn tay. Theo tục lệ lại bị đem đi chôn sống nhưng vừa lấp đất thì con ré lên khóc nên cha đau lòng quá mới moi đất bồng lên xin chịu buôn làng phạt lần nữa để được đem con về nuôi.
Đứa bé lớn lên cùng núi rừng vẫn sống được, di chuyển bằng cách bò tới, trườn mình trên đất như con sâu đo. Vậy mà bắt chước trẻ con chung quanh lại đòi… đi học!
Thế là cha phải cõng con đến trường rồi thả con xuống cho con… trườn mình vào lớp. Rồi cũng tập đọc tập viết như ai, viết bằng cách kẹp cây bút vào giữa 2 cùi tay. Hòa nhập với bạn bè, được phát hiện là giỏi toán, giỏi vẽ.
Hè 2011 được trường nội trú huyện Krông Pa nhận vào lớp 7.
923 – Navia Nguyen
SIÊU MẪU THẾ GIỚI ĐẦU TIÊN CỦA VN
Cựu người mẫu quốc tế Việt kiều Mỹ sinh 1973 tại Phú Quốc. Sống ở Mỹ (2011).
Cùng cha mẹ (làm nghề nấu nước mắm) di tản qua Mỹ lúc mới gần 3 tuổi vào thời điểm trước 30.4.1975.
Tại đây từ năm 12 tuổi đã được phát hiện tiềm năng người mẫu nên được đưa vào huấn luyện làm người mẫu ở New York một trung tâm thời trang thế giới.
Từ đó lớn lên trở thành siêu mẫu thế giới nổi tiếng trong thập niên 1970, được bầu vào Top 50 người đẹp nhất thế giới với mức thù lao đi trình diễn 10.000 USD/ngày. Tuy vóc dáng chỉ cao 1,73m (số đo 3 vòng 86-61-86) nhưng nổi bật bởi vẻ đẹp mặn mà trầm lắng “huyền bí Đông phương”.
Song song đó tham gia đóng phim Hollywood qua những bộ phim nổi tiếng như “Tình dục và thành phố” 1998, “Hồi ức của một cô gái quán rượu Nhật” 2005.
Hết thời làm người mẫu chuyển qua làm quản lý nhà hàng thức ăn chay tại khu Manhattan tầm cỡ ở New York. Lấy chồng Mỹ có một con.
Năm 2001 quay về VN lần đầu tiên. Sau đó trở lại lần nữa sống 3 năm từ 2002-2005 để “tìm lại ngồn cội” như tâm sự: “Tôi luôn cảm thấy hãnh diện vì mình là người VN. Mặc dù chưa làm gì được cho quê hương mình nhưng ít ra tôi đã chứng minh được cho thế giới biết rằng phụ nữ VN duyên dáng biết bao không hề thua kém ai…”
Trong thời gian này còn tham gia làm trợ lý đạo diễn cho đạo diễn Uùc Philipp Noyce quay bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” (phỏng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anh Graham Green) tại VN.
924 – Nghiêm Xuân Hồng
TỪ HỌC THUYẾT GIAI CẤP TIỂU TƯ SẢN ĐẾN ĐẠO PHẬT
Nhà tư tưởng Việt kiều Mỹ sinh 1920 tại Hà Đông – Mất năm 2.000 ở Mỹ (81 tuổi).
Di cư 1954 vào Nam hành nghề luật sư.
Song song đó có tham vọng hoạt động chính trị, lậïp thuyết chống Cộng dựa vào giai cấp trí thức tiểu tư sản làm nền tảng để chống lại lý thuyết cộng sản lấy giai cấp vô sản làm chủ đạo.
Vừa lập nhóm Quan Điểm quy tụ một số trí thức văn nghệ sĩ miền Bắc di cư (Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ…) vừa viết sách luận thuyết, dịch thuật và cả viết kịch nói để truyền bá tư tưởng đó. Có lúc được mời ra tham chính làm bộ trưởng song chỉ được một thời gian ngắn không đi đến đâu.
Sau 1975 di tản qua Mỹ.
Bây giờ không còn tiếp tục làm lý thuyết gia chính trị nữa mà quay ngoắt 180 độ qua nghiên cứu… Phật học. Bỏ nhiều năm “nằm dài đọc kinh Phật”: “Tôi gần 50 tuổi mới đọc kinh Đại thừa, tôi bàng hoàng nhận thấy rằng trong các kinh chư Phật nhiều như các sông Hằng, khác miệng nhưng đồng lời đều khẳng định rằng các cõi thế gian chỉ là biến hóa, các chúng sinh chỉ là biến hóa. Biến hóa của cái tự tâm ấy, một trường nhân duyên trùng trùng khởi khởi lên … …”
Từ đó còn vào chùa tham gia tu tập, dạy Phật học ở chùa…
Có điều trùng hợp lạ lùng là lại có người anh ruột ở lại miền Bắc làm… trụ trì chùa Một Cột ngay Thủ đô Hà Nội!
925 – Ngọc Nuôi
VỢ CHỒNG THÀ RẰNG KHÔNG GẶP LẠI CÒN HƠN!
Nữ diễn viên cải lương tên thật Nguyễn Ngọc Nuôi sinh 1939 tại miền Nam – Mất năm 2002 ở Mỹ (64 tuổi).
Trướùc 1975 hợp cùng chồng là Việt Hùng thành một đôi nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn nổi tiếng trên sân khấu đoàn Thanh Minh.
Lấy nhau từ năm 1948, chính người vợ đã đưa chồng (trước đó là ca sĩ đài phát thanh) vào nghề cải lương, vợ đóng đào lẳng còn chồng chuyên vai kép độc tiếng tăm. Sinh được 3 trai 3 gái.
Ngày 30.4.1975 chồng cùng ban nhạc trẻ của các con (2 trai 2 gái) đang trình diễn trong CLB văn nghệ ở sân bay Tân Sơn Nhất thì được tin Sài Gòn giải phóng nên 5 cha con được đưa lên máy bay di tản gấp qua Mỹ luôn. Vợ và 2 con nhỏ (con gái áp út cùng con trai út) bị kẹt lại ở đoàn Thanh Minh.
Từ đó vợ tiếp tục trụ lại trên sân khấu đoàn Thanh Minh (thêm tên thành đoàn Thanh Minh – Thanh Nga) diễn cải lương nuôi 2 con. Con gái Ngọc Bích trưởng thành trở thành một giọng ca nhạc trẻ rất được hâm mộ.
Trong lúc đó chồng ở Mỹ chạy sô trình diễn cải lương đồng thời mở lớp dạy ca cải lương. Nhưng năm 1987 lại “ôm cầm sang thuyền khác” nên chẳng lo chuyện bảo lãnh qua Mỹ cho vợ con còn lại trong nước.
Đến năm 1993 các con đi trước mới bảo lãnh cho mẹ và 2 em đi Mỹ. Nhưng tới nơi rồi mới phải đối diện với nghịch cảnh đau lòng chồng cũ đã tự động “tan hàng” từ lúc nào không còn lo gì được cho vợ cũ cũng là đồng nghiệp bạn đồng diễn vang bóng một thời.
Người vợ già bị tình phụ chỉ còn nương dựa vào các con để đi hát đóng vai đào lão một mình tự nuôi thân với nỗi lòng cay đắng xót xa chiêm nghiệm thấy tình đời đen bạc còn gấp mấy lần vở diễn.
Dù sao cũng đợi người chồng bội bạc ấy qua đời trước một năm rồi mình mới cất bước theo sau. Hạ màn một vở tuồng cuộc đời lâm ly ai oán bởi sự tàn nhẫn của thời cuộc.
926 - Ngô Đức Nhựt
MỘT MÌNH TỰ GỠ 10.000 QUẢ MÌN
Nông dân sinh 1942 tại Bình Thuận – Mất năm 2005 ở Bình Thuận (64 tuổi).
Trốn lính chế độ Sài Gòn nên chấp nhận vào làm trong lực lượng Xây dựng nông thôn, một tổ chức bán quân sự chống Cộng của chính quyền theo mô hình Mỹ lập ra.
Vì vậy sau 1975 chỉ bị đi cải tạo ngắn hạn 20 ngày.
Trở về quê làm rẩy, tự mình xắn tay vào khai khẩn 5 hecta đất hoang cùng vợ bán gà vịt nuôi 3 con nhỏ. Nhưng khu đất này là một căn cứ cũ của quân đội Sài Gòn nên còn chứa rất nhiều mìn bẫy nằm sâu dưới lòng đất từng gây sát thương cho nhiều người dân trong vùng.
Dù tự nhận mình tính “rất nhát, cầu an” song bây giờ không còn cách nào khác là phải tìm cách xăm tìm bom mìn rồi tự tay gỡ nó nhờ cũng có được một số kiến thức về bom mìn thời làm ở Xây dựng nông thôn. Từ đó với những dụng cụ thô sơ (kìm, búa, đục, xẻng) đã lần mò đi gỡ mình “tự phát”!
Ban đầu chỉ gỡ được 2 quả mìn/ngày rồi dần dà tăng “năng suất” có ngày lấy lên đến 30 quả mìn. Vài ngày một lần gom mìn lại (đã vô hiệu hóa) bỏ vào thúng gánh đến “nộp” UBND xã giống như… gánh khoai! Trước đó khi xã chưa biết cớ sự, nghi có hoạt động mờ ám dính líu “an ninh quốc gia” nên đã cho… bắt về giam 50 ngày.
Cuối năm 1990 do sơ ý bị mìn nổ làm mất một mắt trái, phải bán 2 con bò để lo tiền nằm viện cả tháng trời.
Có thời gian một đại đội công binh nhận nhiệm vụ đến rà phá bom mìn ở đây chưa gì đã bị mìn nổ làm bị thương nặng 2 chiến sĩ, sau phải nhờ nhà “gỡ mìn tư nhân” này làm cố vấn cùng tham gia công tác đó.
Đến năm 1995 cơ bản đã dọn sạch 5 héc ta đất để bắt tay vào trồng điều làm kinh tế. Tính ra trong 20 năm đã lần lượt gỡ được khoảng 10.000 quả mìn đủ loại (mìn râu, mình phốt pho, mìn cóc, đạn M79…) đưa lên từ lòng đất.
Nhưng đến đây thì tuổi già sức yếu, bệnh tật đè nặng lên đôi vai, vợ lại vừa qua đời nên đành giao lại cho con cái tự lực cánh sinh trên vùng đất hoang hóa đó.
Sau này xã cho thu hồi một phần đất lớn để xây trường học, có đền bù gọi là tượng trưng, hoàn toàn không ghi nhận biểu dương gì tấm gương “tay không bắt… mìn” có một không hai.
Năm 2002 một đoàn làm phim về quay bộ phim tài liệu “Vùng đất chết” với mình đóng vai chính nhưng sau đó phim đưa đi đâu chẳng biết, nghe nói đoạt giải quốc tế mà bản thân nhân vật chính không hề được báo tin hay khen thưởng, trả công gì cả!
Vẫn sống phẫn đời còn lại chui rúc trong chòi lá tiêu điều, mắc bệnh lao phải cắt một lá phổi, con mắt còn lại (sau tai nạn nổ mìn) cũng mù nốt!
927 – Ngô Kim Oanh
BÀ VỢ KHÍ CÔNG
Cán bộ về hưu sinh 1926 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2007).
Chồng là đại tá cựu chiến binh trên chiến trường miền Nam về hưu năm 1985, sống cùng vợ 3 con.
Nhưng sau khi về hưu, chồng phát bệnh huyết áp, tiểu đường phải cắt bỏ một phần túi mật. Bất trị nhất là bệnh “ngứa” kỳ dị một trong 13 loại bệnh di chứng CĐDC khiến người bệnh ngứa ngáy cả người suốt ngày dù nằm liệt một chỗ, nằm kiểu gì cũng ngứa đến gãi rách da chảy máu luôn. Không thể giải phẫu chữa bệnh được vì đã nằm liệt giường.
May sao bà vợ được người chỉ cho đi học khóa khí công dưỡng sinh dùng năng lượng trong người (nhiệt năng) tập trung truyền ra 2 bàn tay áp vào người bệnh nhân có thể làm giảm được “sức” ngứa, bắt nó “ngủ yên” (như kiểu truyện “chưởng” Kim Dung, tất nhiên có “công lực” thấp hơn nhiều!). Nhờ sự vận công này giúp điều hòa khí huyết lưu thông cho người bệnh, “đả thông kinh mạch” cho chạy đúng hướng tránh gây xáo trộn đường thông máu, nguyên nhân gây tác động ngứa lan ra ngoài thân.
Kết quả trên cả mong đợi, giúp chồng đỡ ngứa ăn được ngủ được tốt hơn nhiều. Chồng đã có thể trở người dậy ngồi xe lăn cho vợ đẩy đi đây đó.
Từ đó người vợ chuyên tâm tập khí công ngày càng đạt công phu thượng thừa, tất cả nhằm mục đích giúp chồng trị bệnh. Theo lịch đều đặn hàng ngày tự tập “gom” năng lượïng trong mình từ 4h30 đến 6 giờ sáng, sau đó từ 7h đến 8 giờ truyền năng lượng qua cho chồng nhắm vào những chỗ ngứa nhiều. Kiên trì làm như vậy đã hơn16 năm qua.
928 - Ngô Thị Bi Bi
VIỆT CỘNG NẰM VÙNG GỐC… PAKISTAN!
Cán bộ về hưu người gốc Pakistan tên cũ Mahamas Bi Bi sinh 1931 tại Hà Nội. Sống ở TPHCM (2010).
Mẹ dân Hà Nội lấy chồng thương gia Pakistan qua buôn vải ở VN trước Cách mạng Tháng 8.1945.
Khi xảy ra chiến tranh chống Pháp, mẹ mất nên đượïc cha đưa qua Campuchia sinh sốùng, thuê một cô giáùo VN chăm sóc.
Nhưng cô giáo này lại là cán bộ cộng sản bị mật thám Pháp qua tận Campuchia truy tầm nên cô phải bỏ trốn về vùng chiến khu Nam bộ đem theo cả cô con gái nuôi mới 13 tuổi mang 2 dòng máu VN – Pakistan (do lúc đó ông bố đi làm ăn xa, sợ để em lại sẽ bị quân Pháp bắt).
Từ đó cô bé theo mẹ nuôi thành ra… con em cộng sản theo mẹ đi hoạt động chống Pháp, cải tên theo họ mẹ.
Được một thời gian thì mẹ nuôi mất, tiếp tục được các bà má Nam bộ khác nuôi nấng. Rồi lớn lên làm giao liên cộng sản ra vào hoạt động ở Sài Gòn – Gia Định. Nhân dịp này có tìm gặp lại người cha Pakistan vẫn làm nghề kinh doanh vải tại Sài Gòn.
Năm 1949 bị thương nặng trên đường về căn cứ do máy bay địch phát hiện thả bom nên phải ở luôn trong bưng biền chữa trị.
Sau 1954 được đưa về Sài Gòn nằm vùng làm địa điểm liên lạc, hội họp, che giấu cán binh cộng sản cho đến ngày giải phóng miền Nam. Vẫn sống độc thân nên nhận nuôi nhiều con em gia đình liệt sĩ.
Sau 1975 vẫn sống lặng lẽ cô đơn trong cảnh khó khăn thời hậu chiến mà vẫn chưa được hưởng chế độ, khen thưởng huân – huy chương gì do thủ tục nhiêu khê ít có tiền lệ giải quyết cho một trường hợp hiếm hoi người nước ngoài đi theo Cách mạng VN lưu lạc vào Nam tận thời xửa thời xưa nào như vậy!
Mãi đến năm 2006 mới nhận được quyết định… nhập quốc tịch VN và công nhận thương binh cách mạng.
929 – Ngô Thị Thúy Hằng
WWW.NHANTIMDONGDOI.ORG
Nhà hoạt động xã hội sinh 1978 tại TPHCM. Sống ở TPHCM (2011).
Tốt nghiệp đại học ngành báo chí ra làm phóng viên và biên tập cho một số tờ báo ở TPHCM.
Theo tâm nguyện của mẹ đã bỏ nhiều thì giờ, công sức đi tìm mộ người bác ruột quê Thái Bình liệt sĩ thời chống Pháp. Cuối cùng cũng tìm ra được, an táng ở nghĩa trang thuộc tỉnh Hà Nam nhưng nằm trong 50 ngôi mộ vô danh không phân biệt được.
Từ kinh nghiệm đi tìm mộ mới cảm thông với nỗi đau của bao gia đình liệt sĩ đến nay vẫn chưa biết mộ chí người thân nơi đâu. Do đó tham gia vào nhóm sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội lập trang web “nhantimdongdoi.org”.
Tuy nhiên đến năm 2004 trang web này có nguy cơ bị xóa sổ do các thành viên cũ bận lo việc kiếm sống không còn thì giờ lẫn nhiệt tình làm cái việc “vác tù và” nữa. Nhưng bản thân không chấp nhận từ bỏ công việc “đền ơn đáp nghĩa” nên tự nguyện xin thôi việc các báo để tập trung toàn tâm toàn ý làm nhiệm vụ “nhắn tìm đồng đội” cho người khác.
Làm bài bản, công phu, khoa học bằng cách đi lập quan hệ nghiên cứu tư liệu ở các đơn vị quân đội liên quan, các Sở Lao động – Thương binh, đến tận nhiều chiến trường xưa ở đường Trườøng Sơn, Quảng Trị, Tây Nguyên, qua cả Lào và Campuchia… để thu thập thông tin…
Đặc biệt từ trang web trên tiến tới thành lập Trung tâm Quản lý dữ liệu về Liệt sĩ và người có công (MARIN) đếùn nay đã đăng tải hơn 37.000 thông tin tìm kiếm mộ liệt sĩ, hơn 210.000 thông tin về mộ liệt sĩ đã quy tập…
Từ đó giải mã các phiên hiệu đơn vị quân đội, các mặt trận qua các thời kỳ chiến tranh (ghi trên giấy báo tử viết tắt ký hiệu khó hiểu nhằm bảo vệ bí mật quân sự) cho mọi ngườøi biết, tổ chức các buổi tư vấn hướng dẫn cho trên 2.000 thân nhân liệt sĩ đi tìm mộ, năm 2010 xây dựng cả một Đài Tưởng niệm Liệt sĩ trên mạng như kiểu một “nghĩa trang ảo” lớn nhất nước (địa chỉ www.lietsivietnam.org)…
Một công việc quy mô, trách nhiệm nặng nề cho một cô gái còn trẻ chấp nhận hy sinh cuộc đời riêng cả công danh sự nghiệp khỏe hơn nhiều với tâm nguyện tự đặt ra cho chính mình “Thấm mệt cái đường xa, mong sao đừng đứt gánh”!
930 - Ngô Thời Bình
NGƯỜI MANG ÁN “TỬ HÌNH TREO”
Thương binh sinh tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2010).
Trở về từ chiến trường miền Nam là thương binh nặng bị một mảnh đạn pháo chui vào nằm gọn giữa tâm não bác sĩ không dám mổ lấy ra, mà không mổ lấy ra thì bất cứ lúc nào vết thương tiềm ẩn đó cũng có thể làm chết bất đắc kỳ tử. Vì thế mới được đặt cho biệt danh người mang án “tử hình treo”!
Từ đó còn sinh ra di chứng nửa người bị liệt, hay lên cơn động kinh, miệng méo, mắt lác, tóc và râu bạc trắng như cụ già.
Nhưng vốn bản tính lạc quan vui vẻ từ thủa nào không chấp nhận cam phận sống đời vô dụng nhạt nhẽo nên nỗ lực tập luyện để hồi phục từng bước rồi xin rời viện về với gia đình.
Dần dà hòa nhập lại với cuộc sống bình thường với vợ con (2 con gái), những khi trái gió trở trời phải cắn răng chịu đựïng một mình cơ thể đau nhức, đau đầu để khỏi làm gia đình buồn lo.
Chẳng những thế, còn lao vào công việc giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội cũ như đi vận động làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh, cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân CĐDC, đồng bào dân tộc nghèo trên chiến trường xưa; vận động xây nhà tình nghĩa cho bạn bè, theo đoàn đi tìm hài cốt liệt sĩ… Cùng đồng đội cũ tham gia thành lập Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo Trường Sơn để làm những việc đó dù bản thân gia đình sống nhờ vào quán nước chè nhỏ của vợ.
Tất cả chỉ vì lời thề trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam: Nếu trời vẫn cho mình sống qua chiến tranh thì phải sống cho xứng đáng với những người đã nằm xuống.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét