Nhà văn Nguyễn Tuân - Ảnh: Thế Hùng |
HỎI: Thưa Anh, trong tác phẩm của anh người đọc bắt gặp thấp thoáng nhiều ngôn ngữ, thậm chí cốt cách Huế, xin anh nói cho đôi điều về hiện tượng đó.
ĐÁP: Tôi cứ vấn vương với Huế vì đã có nhiều thời kỳ sống ở Huế. Hồi nhỏ tôi đã ở Huế, thầy tôi làm ký lục ở Tam tòa, nhà bên Gia Hội. Thầy tôi hay đi đây đi đó đi đò trên Sông, lên Tuần, về chợ Dinh... lúc nào cũng dắt tôi đi theo ; thế là những hình ảnh điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế bốn lầu ba chuông nhập vào mình lúc nào không biết.
Xin lộ một điều này nữa: Ông nội tôi có mấy bà, trong đó có một bà người Huế. Thầy tôi, Cụ Tú Hải Văn, chính là con bà Huế đó. Như vậy, Huế là quê ngoại của thầy tôi. Chắc là tôi có được thừa hưởng ít nhiều máu Huế đó.
(Bỗng Nguyễn Tuân gật gù hóm hỉnh) Bây giờ, sau trận chảy máu dạ đày suýt chết vừa rồi, được bệnh viện Việt-Xô chuyền cho ba lít máu, không hiểu tôi được thừa hưởng thêm dòng máu và tính nết tốt đẹp của những ai đây?
Thầy tôi lại còn đèo bòng thêm một bà Huế. Vì vậy, sau này về hưu, thỉnh thoảng thầy tôi vẫn trở lại Huế và thường dẫn tôi theo. Tôi còn bé nhưng dường như cũng có thông đồng với ông cụ về chuyện này. Tôi hiểu được đôi nét ứng xử tinh vi, tế nhị của người Huế một phần là thông qua những nhận xét của thầy tôi.
Có lần ăn cơm nhà bà Huế, bố con tôi được bà thết một “bữa cơm muối”, tôi nhớ đúng là có mười hai đĩa muối: muối tiêu, muối ớt, muối mè, muối đậu phụng, muối sả, muối riềng, muối khuyết khô... Khi ra về, ông cụ bảo: Bà ấy nhắc khéo là bà ta hết tiền rồi đấy. (Tôi nhớ là chi tiết này Nguyễn Tuân đã viết trong bài “Nhớ Huế”, năm Mậu Thân. Đúng là Huế đã để lại trong Nguyễn Tuân những dư vị khó quên như vậy. Nguyễn Tuân lại nói sang những nhận xét của anh về Huế). Người Huế có cái kiểu complexe lạ lắm. Chị cũng là người hoàng phái, tôi kể cho chị nghe câu chuyện của các “mệ” (Nguyễn Tuân dừng lại một lúc khá lâu, như để hồi tưởng lại kỷ niệm cũ, sau khi nhấp một ngụm rượu anh kể, không, phải nói là anh diễn lại) Mệ đến hiệu thợ may, lân la một hồi rồi lấy cắp cái quần. Anh thợ may trông thấy nhưng sợ uy mệ không dám nói ngay, khi mệ ra về, tiếc của, anh thợ may chạy theo ra gãi đầu gãi tai và rụt rè thưa: (Đến đây, Nguyễn Tuân chuyển sang giọng Huế, nhiều lần anh nhắc cho tôi nhớ anh đã từng là diễn viên thì ở đây cái tài nghệ diễn viên của anh đã được bộc lộ một cách sắc sảo. Anh diễn lại đoạn đối thoại này bằng cả động tác và ngôn ngữ của người trong cuộc, đặc biệt là điệu bộ và giọng nói của mệ, tiếc là tôi không đủ khả năng để thể hiện lại đúng được hết hoạt cảnh này).
- Dạ, thưa mệ...
Mệ trợn mắt, quát to, dồn dập:
- Chi? Mi xin cái chi? răng không nói ngay, mi xin cái chi? hứ?
Anh thợ may nhỏ nhẹ, rụt rè:
- Dạ, khi hồi... mệ có khuấy chơi cái quần... dạ, mệ cho con xin.
Mệ tỉnh khô và phản công tiếp:
- Có rứa thôi mà mi mở miệng không ra, cứ dạ với thưa hoài làm tau bắt mệt!... Bây ngu lắm! Răng tau lấy trước mắt bây mà bây không biết hứ!... Đây, mệ cho! lần sau mà cứ như rứa là mệ chém ba cái đầu nghe!
(Và anh Nguyễn Tuân đưa ra lời bình) Ghê chưa! Từ một complexe d'inferiorité(1), mệ chuyển ngay thành một complexe de superiorité (2) một cách thông minh, láu lỉnh. Giá bây giờ khoa học có cách chi tiêm thuốc mà giữ cho sống mãi được thì phải tiêm mà giữ lại vài mệ như rứa để đưa vào bảo tàng thằng người cũ!
HỎI: Sau này, khi viết văn, làm báo, anh vẫn thường vô ra Huế?
ĐÁP: Hồi xưa tàu hỏa tốc hành Hà Nội - Sài Gòn chỉ mất 48 tiếng, tức hai ngày hai đêm tròn. Về sau, nó rút xuống còn 40 tiếng. Hễ buồn tình là tôi lại xách cái cặp da, trong chỉ có mỗi bộ pyjama, chống cái ba-toong là lên tàu đi thôi. Hồi đó chưa đau chân, cầm ba-toong là một lối chưng diện kiểu công tử ăn chơi. Đi Sài gòn tôi hay ghé Huế vì Huế ở trung độ. Tổ chức tàu bè hồi đó cũng thuận tiện. Anh cứ mua vé Hà Nội-Sài Gòn, qua Huế anh muốn xuống cứ việc xuống, anh vào ga đóng cái dấu, thế là khi cần đi tiếp thì cứ thế lên tàu mà đi. Có khi tưởng ghé lại chơi một hai ngày, tôi ở lại hàng tháng. Đôi khi cũng chả cần mua vé, đi lại nhiều như mình, cứ tiền mua vé cũng đủ chết. Tôi làm quen với nhiều bạn xe lửa. Khi thích đi thì tìm hỏi xem ngày nào bạn mình đến phiên trực tàu, cứ thế theo bạn lên tàu mà đi cùng cả nước!
HỎI: Xin anh kể lại một vài kỷ niệm về Huế hồi đó.
ĐÁP: Một lần tôi làm phóng viên cho Trung Bắc Tân Văn vào dự lễ Nam Giao. Cũng mặc áo đen, đội khăn đóng, đi dày hạ lên đàn xem tế. Chắc Chị cũng biết ngày hội Nam Giao đối với Huế là như thế nào. Mấy anh nhà hàng được một dịp xoay dân tứ xứ về xem hội tế. Ngày đó, tôi ở khách sạn Hương Giang gần chợ Đông Ba. Nước Sông Hương trong vắt, thiếu chi, rứa mà sáng ra, lấy cốc nước đánh răng, chủ khách sạn là Tôn Thất Đề tính tôi hai giác. Tôi hỏi: Tính toán kiểu chi mà kỳ cục rứa? Hắn tỉnh khô: - Dạ bẩm quan, là ngày tế Nam Giao! (Những đoạn đối thoại với người Huế này anh Nguyễn nói giọng Huế rất trúng kiểu Huế).
Kỷ niệm trên sông Hương thì nhiều lắm. Có khi trong túi không có tiền nhưng cứ chiều chiều là vào khách sạn Morin ngồi uống rượu. Cứ ngồi đó, gọi bồi thật dõng dạc, vừa uống, vừa chờ, thế nào cũng có vài thằng bạn kéo đến, anh nào có tiền, hôm ấy phải bao. Tối, tất cả rủ nhau xuống đò, xuôi về rạp hát Bà Tuần. Tôi đi thẳng vào sau cánh gà tìm cô Ba Vĩnh, cô đào nhất của rạp hát Bà Tuần. Cô Ba đưa ra ít tiền lẻ, tôi dắt túi, rồi đàng hoàng ra ngồi ở hàng ghế hạng nhất, trước cái trống chầu, sắp đến giờ hát, người hầu bưng ra cái khay trên để dùi trống, quan chơi sang là phải cho tiền rồi mới cần chầu. Tan buổi hát ở rạp Bà Tuần, lại rủ cô Ba Vĩnh xuống đò, lại giong ra giữa dòng Hương giang đàn hát suốt đêm. Đêm trên sông Hương có nhiều thuyền bán quà bánh. Một chiếc thuyền con, trước mũi treo ngọn đèn đỏ, cô lái đò hai tay thoăn thoắt bơi chèo, miệng rao lảnh lót: nem nướng, chè thịt quay, chè cá thu, dấm nuốt… Có khi các quan không có đồng nào vẫn gọi thuyền quà đến, chén xong, đuổi: - Thôi đi đi, mai trả!
Đó cũng là một kiểu, sống “bụi đời” bô-hê-miêng, chứ chi nữa?
Đò trên sông Hương cũng là một thứ khách sạn nổi. Có lần tôi sống hàng tháng trời dưới những khách sạn nổi ấy. Ngồi dưới đò viết feuilletons gửi từng kỳ ra tuần báo ngoài Hà Nội, rồi lại ra bưu điện săn đón mandat nhuận bút. Một phần của Thiếu quê hương được viết dưới đò Huế. Một số truyện trong Vang bóng một thời lấy cảnh sinh hoạt ở Huế có khi tên nhân vật cũng là tên một số người quen nổi tiếng ở Huế. Có lần mình sống dưới đò lâu quá, cụ lái muốn vòi thêm tiền lại thưa: Bẩm quan, đến hạn phải hui đò(3). Thế là lại phải đưa thêm tiền cho cụ lái không thì cụ buộc phải lên bờ thật.
Sống ở Huế, ra vô nhiều lần với Huế rồi thì lời ăn tiếng nói, cách xưng hô, ứng xử của Huế cứ vào mình lúc nào không biết. Lối xưng hô của Huế cũng có cái khác lạ làm tôi chú ý. Trước hết là cách xưng hô của các “mệ”, đàn ông cũng xưng mệ. Mình làm báo, người ta gọi là “quan tham nhật trình”, lại có quan tham lục lộ, quan thương, quan thị... Lại từ “cụ” mới rầy rà chứ: Cụ thượng, cụ tuần, cụ lái, cụ xe...
Thầy tôi, cụ Tú Hải Văn, có làm mấy câu thơ vui về cụ lái, cụ xe ấy:
Ối cụ xe ơi cụ lái ơi.
Xa nhau nhắn nhủ một đôi lời.
Con đường lục bộ sông Hương Thủy
Mấy kẻ đi về, kẻ ngược xuôi.
***
Dã viên cây cỏ chiều êm gió
lăng tạ lâu đài lúc tạnh mưa
Con sông có nhớ ta chăng?
Ta về ta nhớ cái thằng đò đưa
HỎI: Nghe chuyện Anh, và đọc tác phẩm của anh, mặc dù anh luôn tự hào tự phê phán, thậm chí có lúc tự phủi nhận cái quá khứ của mình, nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng vẫn là một. Hay nói cách khác việc anh tham gia cách mạng như là một điều tự nhiên hay tất yếu. Theo anh cảm nghĩ đó có đúng được phần nào không?
ĐÁP: Trước 1945, tôi không hề biết gì về cách mạng. Ngày ta đánh chiếm Phủ Khâm Sai tôi còn khăn đóng, áo đen “đi xem”! Hồi học năm thứ tư ở Collège Carreau Nam Định, bị bọn giáo viên tây đầm sà-lù, mẹc, xúc phạm đến tinh thần dân tộc của mình, tôi hô hào bãi khóa - bị tù. Phải nói rằng việc làm đó là một sự bột phát, nó cũng là do cái máu nổi loạn trong người mình chứ chưa phải do giác ngộ cách mạng gì cả.
Năm 1941 diễn ra cuộc tranh cãi sôi nổi giữa phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, tôi vẫn còn theo phái vị nghệ thuật. (Nguyễn Tuân lại nhắp một ngụm rượu và gật gù hóm hĩnh) Mình phải nhận cái tội của mình như thế.
Đến Kháng chiến Nam Bộ, Hội văn hóa cứu quốc tổ chức một đoàn văn nghệ sĩ vào mặt trận khu 5, đoàn gồm có Nguyên Hồng, Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đình Lạp và tôi. Anh Trần Huy Liệu đưa cho mỗi người một nghìn đồng tiền Cụ Hồ. Khi cầm tiền tôi hỏi anh Liệu: - Như thế này là tôi phải viết mấy bài? Ấy cái tính của tôi nó cứ hay sục sặc như vậy! Thế là mình cà khịa với cách mạng chứ gì nữa? May sao anh Liệu lại tỏ ra rất thoải mái. Anh cười và bảo: Anh cứ cầm lấy mà tiêu còn có viết hay không là tùy, thích thì viết không thích thì thôi.
Trước lúc lên đường, ông Tố Hữu lại đưa thêm một nghìn nữa. Tôi từ chối và nói: Anh Liệu đưa cho rồi. Anh Lành trả lời: Số tiền này anh đưa về cho chị và các cháu. Sự thật tôi đã không đưa đồng nào về cho vợ con mà mang theo cả vào mặt trận Khánh Hòa - Phú Yên.
Tôi kể một vài chi tiết nho nhỏ ấy để nói rằng chính những thái độ ưu ái, cởi mở ấy của ông Tố Hữu và ông Trần Huy Liệu là những yếu tố thêm vào cho mình dứt khoát đi với cách mạng và chuyển hẳn sang quan điểm vị nhân sinh.
Từ mặt trận Khánh Hòa trở về, tôi ghé Huế để nói chuyện chiến đấu ở mặt trận với đồng bào. Huế dưới mắt tôi lúc này đã có nhiều đổi mới. Những cô gái Huế trước đây mặc áo tím, đội nón bài thơ thì bây giờ là những cô nữ tự vệ thành phố, mặc áo ka ki, cắt tóc ngắn, đội mũ ca-lô. Trên các đường phố học sinh, các bà bán chợ Đông Ba, các cụ xe, cụ lái... rầm rập đi biểu tình ủng hộ Nam Bộ kháng chiến và đây đó các cô nữ du kích áo quần bà ba đen, tập côn tập kiếm, múa rất dẻo.
Đoàn tôi về đến Thanh Hóa thì ta phá đường tàu, tiêu thổ kháng chiến. Lúc này, ông Đặng Thai Mai tập hợp anh em văn nghệ sĩ để hoạt động kháng chiến, ông Tố Hữu cũng về đó. Tôi theo đoàn kịch “Tiền Tuyến” đi biểu diễn khắp khu IV.
Hồi vỡ mặt trận Huế, người Huế tản cư ra khu IV đông lắm. Đi biểu diễn, tôi thường gặp gỡ các gia đình Huế này để trò chuyện. Tôi lại xin kể về một nhân vật Huế: tôi kể về chuyện quan thương làm cách mạng (quan thương tá hiệp thương giữa nam triều và bảo hộ tên là Hoàng Phùng). Quan Thương tản cư ra khu IV, ngồi tán gẫu với bọn tôi, quan nói trạng. (Nguyễn Tuân lại bắt chước giọng Huế của Quan Thương và thái độ sừng sộ, làm phách của một ông công chức cũ để diễn lại chuyện này. Nhiều lần Nguyễn Tuân đã viết về chuyện mình từng là diễn viên điện ảnh. Giá lúc này có băng vi-đê-ô cát-xét mà ghi lại thì mới hiện lên hết cái hay của giọng Huế mình qua “diễn xuất” của Nguyễn Tuân).
- Chừ các anh làm cách mạng sướng như tiên, chứ cứ nghĩ lại cái thời của tụi tui, ui chao, hắn cực cách chi là cực! Tui làm ở tòa công sứ Thanh Hóa. Cứ nguyên cái chuyện phải đến sở đúng giờ phăm phắp là đã làm mình bắt mệt rồi rứa mà có hôm cái thằng công sứ, hắn bực cái chuyện chi mô ở nhà, đến sở hắn cứ xà lù mẹc nhắng cả lên. Tui mới bỏ ra khỏi phòng, đóng cửa đánh cái rầm! Nghĩ đi nghĩ lại tui vẫn chưa hết tức, quay vào nhìn thẳng vào mặt nó tui uấy me-xừ lơ Rê-di-đăng! (le Résident) lại đóng cửa đánh cái rầm to rồi bỏ đi thẳng. Rứa mà ngày hôm sau, sở mật thám hắn đã biết rồi đó! Có mệt không?
HỎI: Người ta nói anh có ăn tết ở Huế? Có cái Tết nào đáng ghi nhớ xin anh kể lại với bạn đọc Sông Hương.
ĐÁP: Hồi tôi theo Cha tôi vào Huế cứ sắp đến Tết là bà cụ lại vào đón cậu con trai đầu lòng trở về Hà Nội. Không bao giờ cụ bà chịu để tôi ăn Tết ở Huế cùng với ông cụ. Cụ làm điều đó để chứng tỏ quyền lực của cụ đối với gia đình, nhưng có lúc làm mình đến khổ. Có năm, ngày 30 Tết vẫn còn lềnh đềnh dọc đường, tôi có viết ở đâu đó về một cái Tết ở ngoài nhà mình thì coi như không có Tết. (Ngẫm nghĩ một lúc, anh Nguyễn nói tiếp): Tôi kể cho chị nghe về một cái Tết Tây. Bây giờ nghĩ lại cũng hay, nhưng lúc đó thì không phải như thế! (Anh Nguyễn lại cười hóm hỉnh).
Cách đây đúng 44 năm. Có thể nói tính từng năm, từng tháng, từng ngày và nếu không ngoa thì có thể từng giờ. Vì cũng đúng cái chiều hôm nay (chiều hôm ấy lúc tôi ngồi hỏi chuyện tại nhà anh Nguyễn là chiều 31-12-1985) một người lính tập giải tôi từ Sở mật thám Nam Định lên Hà Nội, đến đây là vừa đúng hết năm tây 1941. Mình đi bộ theo người lính tập, thấy xung quanh mọi người đạp xe mang hoa đến sở Tây để biếu các sếp. Tối nó ký tôi vào Hỏa lò. Sáng hôm sau, đúng Tết Tây, người lính tập lại áp giải tôi đi tù, đi bộ qua thị xã Hòa Bình, qua Vụ Bản rồi lên Nho Quan. Cũng chuyến đi căng ấy, có rất đông nhóm “Ngày nay”, họ đi bằng ô tô.
Thế là được ăn một cái Tết tây trên đường đi căng cùng với một anh lính tập! Bây giờ thì có thể uống rượu mà nhớ lại cái kỷ niệm ấy và coi như một chuyện vui chứ gì nữa! (Lúc này, anh Tô Hoài, vừa đi họp với đại biểu nhân dân Thủ đô để báo cáo về cuộc họp Quốc Hội, ghé vào. Chị Tuân mang ra một đĩa lòng gà mới luộc đang bốc khói. Anh Nguyễn mời anh Tô Hoài cạn chén rượu, còn tôi thì được uống bia.
Tôi vẫn còn muốn khai thác tiếp nên trong lúc những người uống rượu uống tiếp thì tôi vẫn tiếp tục hỏi)
HỎI: Một nhà văn chuyên nghiệp thường có ba việc chính là đi, đọc, viết. Vậy xin Anh cho biết cụ thể ở anh công việc đó được tiến hành như thế nào? Ở Anh hình như việc viết văn làm báo cũng không tách rời nhau bao nhiêu?
ĐÁP: Đúng là cái nghề viết văn cũng chỉ quanh quẩn ở ba việc: Đọc, đọc sách của nước mình và phải đọc nhiều của nước ngoài, phải đọc cả Đông, Tây, Kim, Cổ. Còn đi thì đối với tôi, người ta đã coi như một cái bệnh - bệnh xê dịch. Trong nước tôi đã đi khắp, lên đến chóp Lũng Cú. Cao nhất là đỉnh Phăng-xi păng cũng đã leo đến nơi rồi, nhưng còn mũi Cà Mau thì chưa ra tới. Hồi chưa giải phóng có về đến thị xã Minh Hải nhưng đò giang khó khăn, tôi chưa ra được đến đất mũi. Chính ra, nhà văn cần phải đi rộng nữa ra cả thế giới, đi theo kiểu đi du lịch cơ. Tôi cũng vào loại được đi ra nước ngoài nhiều nhưng chỉ đi họp hành, tham quan, nghỉ mát đó chưa phải lối đi hay nhất của nhà văn. Còn việc viết là tất nhiên rồi. Có khi cả ba việc cùng làm được, có khi chỉ làm hai việc và có lúc chỉ làm một việc. Tôi nhớ, tôi có viết một câu như thế này: “Đi để mà viết, viết để lấy cái mà đi, có đồng nào cho đi hết!” (Anh Nguyễn lại chậm rãi châm thuốc lào và rít một hơi rõ kêu. Tôi cứ tưởng anh chỉ nói thế, định hỏi thêm thì anh như sực nhớ lại, từ tốn kể tiếp)
Hồi ở tù về, bà cụ muốn giữ chân mình ở nhà, mới lấy cho bát họ để mở hiệu sách. Tôi làm đại lý cho các báo: Trung Bắc Tân Văn, Thanh Nghệ Tĩnh, Tiểu thuyết thứ bẩy... và cũng làm luôn chân thông tin viên cho các báo. Cứ mỗi tin của tôi đăng ở trang nhất thì Trung Bắc Tân Văn trả cho hai xu một dòng, đăng ở các trang sau thì cứ hai dòng một xu (hồi đó một bát phở giá hai xu).
Tôi nhận viết cho nhiều báo; dần dần viết truyện feuilleton rồi nhận một chuyên mục cho tạp chí Tao Đàn, số nào cũng phải có một bài. Chính viết những bài cho chuyên mục Vang và bóng một thời ở Tao Đàn sau này tập hợp lại thành sách, bỏ chữ và đi thành Vang bóng một thời. Truyện ngắn đầu tiên của tôi đăng ở báo Đông Tây của Hoàng Tích Chu lấy tên là “Bể hoạn bao giờ bằng lấp” nhằm chửi bọn quan lại. Cái tên nghe rất biền ngẫu vậy mà Hoàng Tích Chu đã trả tôi ba mươi đồng nhuận bút về cái truyện ngắn đó. Chả là hồi này Hoàng Tích Chu mới ở Pháp về, muốn khuyến khích thể văn xuôi mới để chống lại lối văn phú lục (hồi đó ăn cơm tháng thật sang chỉ mất 3đ5 một tháng: một bộ complet bình thường giá 25đ).
Đối với tôi việc làm báo và viết văn luôn luôn có mối quan hệ chặt chẽ, có khi nó là một. Tất nhiên báo chí đòi hỏi tính kịp thời, chất thông tấn, nhưng bài báo hay, có tính nghệ thuật mới đi vào lòng người được. Người làm báo cũng đòi hỏi phải hiểu biết rộng. Anh mà có nhiều tích lũy, có vốn hiểu biết về văn hóa và đời sống sâu sắc phong phú thì anh càng ứng phó nhậy bén đối với tình hình và viết bài sắc sảo. Lao động nghệ thuật là sự đánh nhau với chữ nghĩa nhưng anh phải tích lũy, phải lao động như thế nào để khi viết ra người đọc cảm thấy nhẹ nhàng. Phải tỏ rõ được sự hàm dưỡng trong bài văn của mình. Đừng lộ cho người đọc thấy mình phải thở hồng hộc, bở hơi tai ra. Đúng là mình phải bở hơi tai làm việc cật lực, nhưng để đem đến cho người đọc một bài văn nhẹ nhàng, thanh thoát. Đọc xong bài văn, câu hết chữ rồi, nhưng ý vẫn còn dư.
HỎI: Xin anh cho một vài lời khuyên đối với người viết trẻ?
ĐÁP: - Phải đọc nhiều. Đi thực tế là cần thiết nhưng chưa phải là đủ. Phải đọc nhiều đọc rộng thì mới có kiến thức để lý giải những điều mình thấy. Theo tôi vốn đọc sách cũng là một nguồn thực tế. Đó là một cách tích lũy thực tế qua kinh nghiệm của người khác.
- Về viết thì tôi muốn nhắc lại lời của hai nhà văn (tôi quên tên) nhưng tôi luôn cố gắng làm theo lời của hai nhà văn đó:
Một người nói rằng: Anh phải viết như thế nào để khi người ta đọc đi đọc lại thật kỹ vẫn thấy không thể thêm vào được một chữ nào.
Nhà văn nói câu sau này tôi cho là đáng sợ hơn: Anh phải viết như thế nào để khi người ta đọc đi đọc lại thật kỹ vẫn thấy không thể bớt đi được chữ nào.
- Về sống: Nhà văn trước hết phải trung thực.
HỎI: Được biết anh thường theo dõi và đọc Tạp chí Sông Hương khá đều đặn. Anh có nhận xét gì về Tạp chí này?
ĐÁP: Ngoài Hà Nội và một số báo ở thành phố Hồ Chí Minh, Sông Hương là tờ tạp chí hay - có nội dung mới, súc tích chịu chấp nhận nhiều phong cách và trình bầy đẹp. Việc in phụ bản đầu kỳ là một cố gắng lớn của anh em làm tạp chí. Tôi biết đó là việc làm tốn kém và mất nhiều công phu, nhưng nó làm cho tờ Tạp chí sang trọng lên nhiều lắm. Tôi rất thích những tranh phụ bản của Phạm Đăng Trí, của Bửu Chỉ, Đinh Cường... Bìa của Bửu Chỉ đã tạo được dáng nét riêng cho Sông Hương. Nên cố duy trì việc in phụ bản. Có khi người ta mua tờ tạp chí là để giữ được một phụ bản quí.
Tòa soạn Sông Hương có những người biết làm báo. Việc ra tờ phụ trương về cơn bão số 8 là việc làm đáng khích lệ. Đáng lẽ các báo khác, kể cả báo Văn Nghệ của chị, phải nhân đó mà tuyên truyền rộng ra nữa để động viên sức người, sức của đóng góp cho Huế và Bình Trị Thiên khắc phục thiên tai. Tôi đọc số báo này một mạch và hết sức xúc động. Con số hơn ba ngàn cây cổ thụ bị đổ trong cơn bão đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi. Tôi nghĩ ngay là phải có một hành động gì đó hưởng ứng với anh em ở Huế. Vì còn đau chân không ra bưu điện được tôi đã bảo cái Giang đi đánh ngay bức điện vào Huế như chị biết đó! Những bức ảnh (tuy còn phải in giấy đen) và những số liệu thông báo kịp thời về sự thiệt hại là rất cần thiết. Đó có thể gọi là sự nhạy bén trong nghề làm báo.
Nhân dịp đầu xuân, nhờ chị chuyển đến tòa soạn Tạp chí Sông Hương và bạn đọc Sông Hương lời chúc khai bút của độc giả Nguyễn Tuân.
Ngọc Trai: Xin cảm ơn Anh đã dành thì giờ cho buổi trò chuyện lý thú này.
NGỌC TRAI thực hiện
(18/4-86)
-----------------
1. Mặc cảm tự ti
2. Mặc cảm tự tôn
3. Hui đò: đưa thuyền lên bờ, dùng rơm đốt dưới đáy thuyền để diệt con hà ăn mòn đáy thuyền.
nguồn:http://tapchisonghuong.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét