tản mạn
Nhờ có nhạc sỹ Phạm Duy và tu sỹ Thanh Tuệ tôi mới đọc được một số thơ của Lan sau khi đã phải khó nhọc tìm kiếm gần cả năm trời (thư cho Phạm Duy 5 cái và Thanh Tuệ gần 20 cái ngoại trừ mấy cái quảng cáo mời gọi vô hiệu quả đăng trên 3 tạp chí phát hành rộng rãi nhất hiện nay là Thời Nay, Văn và Bách Khoa). Tôi phải đọc ngay vài câu thơ đầu tiên của tác giả mà tôi đã xem được cách đây gần mười năm cho hả giận:
tôi đang mơ giấc mộng dài
đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh
tôi đang nhìn thấy mầu xanh
ở trên cây cỏ rất lành rất thơm
Bình dị quá, tự nhiên quá, trong sáng quá (dù dĩ nhiên không phải đó là tất cả những tính chất làm tiêu chuẩn tuyệt đối cho thơ) và, sau cùng, con gái quá! Tôi vốn yêu vô cùng cái nữ tính tự nhiên và nồng đậm trong thơ đàn bà (dù tôi cũng yêu vô cùng những đứa con gái có đàn ông tính trong người chút đỉnh). Tôi nghĩ đó là yếu tố quyết định sinh mệnh của thơ họ. Nghĩa là dù họ có đả động đến cái gì, thơ đàn bà là phải làm toát ra cái hơi thở đàn bà từ ngôn ngữ, hình ảnh và âm điệu. Huống hồ là từ bản chất trời sinh, làm sao họ có thể làm cái gì lớn hơn ngoài cái việc bồng đứa con trong lòng. Tôi không thiển cận và lạc hậu đâu. Bởi làm sao đào đâu ra một nữ thi hào đúng nghĩa trong văn học sử cổ kim trên mặt địa cầu này (có thể có biệt lệ biết đâu đối với những hành tinh có người khác). Đàn bà sinh ra là vậy. Họ có thể trở thành một nhà đại bác học nhưng không thể trở thành một thi sỹ lớn đúng nghĩa một cách tuyệt đối. Bởi vì dù có thể được bẩm sinh một cảm tính thật tế nhị và vi diệu, họ làm gì trải qua những nỗi đau đớn tuyệt đỉnh, hân hoan tuyệt đỉnh, cô đơn tuyệt đỉnh và nhất là có một tâm hồn thật rộng lớn một cách trường kỳ đi kèm theo cái cảm xúc sôi sục như điên thấy rõ ràng những tên đàn ông đặc biệt. Xem thơ đàn bà đối với tôi là thưởng thức cái hơi hám, cái tính chất gì khác biệt, cái âm tính mà giống đực như tôi chỉ có thể cảm chứ không bao giờ thấy chảy luân lưu trong máu được. Vậy thôi. Nhưng ở L.L.Lan, sau cái nữ tính tràn ngập trong những bài thơ có vần (ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát) như trong đoạn thơ phân tích những màu sắc biến thiên phong phú vừa đáng kiêu hãnh vừa đáng âu lo của mình:
tôi đang nhìn thấy màu hồn
của tôi thay đổi luôn luôn theo trời
hoàng hôn mầu đỏ mây tươi
bình minh nắng trắng ấm trôi vào lòng
những vì sao tím rất trong
mảnh trăng vàng rỡ chờ mong tôi nhìn
Sau cái thao thức muôn đời của tình yêu (mà tất cả đàn bà dù siêu quần bạt chúng đến đâu cũng muốn dừng lại khi cập bến hôn nhân), có lúc Lan đã đi sâu vào cõi hoang tịch muôn đời của kiếp sống. Có lẽ bà đã đi quá sâu trong thế giới vỗ về của tình yêu bằng tâm hồn hơn là bằng thân xác nên đã nhìn thấy một cánh cửa mở vào cái cõi âm u ghê rợn này;
ta đi về chốn nào đâu
miên man trong cõi u sầu mênh mông
tái tê làm bước chân ngừng
ta đi lạc ở trong lòng đau thương
Vâng, bà chỉ có thể đi lạc đường vào trong cõi đau thương mà thôi. Bà không thể nấn ná ở lâu hơn như đàn ông (dù là một người đàn ông đã có vợ và vô số nhân tình). Nhưng làm sao chúng ta đòi hỏi một người đàn bà phải kéo dài cái “thú đau thương” (chữ dùng của một thi sỹ tiền chiến) được, dù người đó xem ra rất tận tình, chung thủy và sẵn một tấm lòng hoài cảm mênh mông:
tay của người yêu run rẩy sang
từng trang vời vợi ôi từng trang
thời xưa còn lại bao nhiêu đó
bụi cũ bay mờ hoen không gian
Hãy nghe tác giả thở than kín đáo:
Mùa thu này đến êm như khói
mưa cũng mong manh nắng cũng buồn
nên mỗi ngày qua như muốn nói
người yêu ơi sợ quá thời gian
Đêm qua trong mộng rưng rưng khóc
thấy giữa mùa thu ngập lá vàng
một đóa linh hồn rơi lạc lõng
trong chiều tan tác ánh chiều tan
Đọc đến đây tôi có cảm tưởng tất cả sắp chấm dứt. Và người thơ xa vắng trong tác giả cũng tan biến như sương khói nhường chỗ cho sự hiện diện cụ thể và chán chường của người vợ, người mẹ. Cho nên tôi không ngạc nhiên lắm khi thấy tất cả 6 bài thơ của Lan (do Phạm Duy cẩn thận đánh máy và sửa chữa từng chút cho tôi) đều ghi ngày tháng của một khoảng thời gian một năm (1959), một năm mà thôi, một năm thật thi vị của đời người con gái _tôi đoán. Nhưng Phạm Duy còn hứa khi khỏe sẽ bỏ công đánh máy thêm cho tôi một số nữa trong số 300 bài thơ còn lại của bà. Con số 300 bài mới thật làm tôi ngạc nhiên. Một người đàn bà đã viết được một số thơ nhiều như thế có thể đã vượt qua tình trạng một nhà thơ tài tử rồi. Nhưng ném một cái nhìn về mười lăm năm nay, rồi 30 năm trước, rồi cả nghìn năm xưa ở đây, tôi đâm ra dè dặt: cái mảnh đất cong cong hình chữ S nầy _nơi tích tụ bao nhiêu nền văn minh thế giới và là nơi duy nhất chắc chắn đang làm một tổng hợp-đề xương máu và kỳ diệu cho toàn thể thế giới _ có sản xuất ra được một đấng quần hồng nào là thơ chuyên nghiệp và sống quằn quại với thơ cho đến ngày xuống lỗ đâu. Không phải hỗn hào và vong ơn tiền nhân khi tôi phải nói thật: Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan..v.v...dù có thông minh đến đâu đã có để lại cái gì đáng kể cho chúng ta lắm đâu. Dầu sao tôi cũng muốn tin rằng mấy trăm bài còn lại của tác giả (mà tôi chưa hề đọc tới) một ngày nào đó, nếu có in ra, sẽ không làm tôi quá thất vọng như bao nhiêu trường hợp khác. Tôi cũng hy vọng sẽ gặp được một hai bài thật đạt và gần như toàn bích như hai bài tôi đã đọc cách đây gần mười năm, một bài lục bát nhẹ nhàng, mới mẻ, đầy hình ảnh, gợi cảm, sáng sủa, với lời thơ dễ thương vô cùng nói lên được cái tâm hồn xao xuyến, lo sợ, và tế nhị hiếm có của một đứa con gái ngập ngừng trước ngưỡng cửa của tình yêu và cuộc đời; một bài ngũ ngôn mang cái hồn vừa thản nhiên vừa lạnh lùng như trong thời đại phi thuyền không gian này:
Chơi vơi trong niềm nhớ
Mối sầu lên gần mây
Trăng đã đi theo gió
Tôi còn chờ ai đây?
Xin nhắc lại bài thơ này làm năm 1959, hai năm sau cuộc phóng chiếc vệ tinh nhân tạo 80 ký của Nga-sô (vệ tinh thám hiểm không gian đầu tiên của nhân loại) mà thật ra từ sau hiệp định Genève 1954 nhiều người đã đoán trước và bàn bạc liên miên. Không hiểu một đứa con gái như tác giả lúc đó có lưu ý được gì đến bước nhảy thật dài đó của khoa học hay không. Không hiểu cô ta có giựt mình khi ý thức rõ ràng cái mênh mông chờm ngợp của vũ trụ không. Chỉ biết cô ta biết tiết chế cái nữ tính vào cái tâm trạng bàng hoàng chung của thời đại:
Có mối sầu bên cạnh
Vẫn lạnh lùng hồn ơi
Hương tình yêu mỏng mảnh
Bay đi đâu xa rồi
Để cho tình ý vừa đậm, vừa sâu, vừa xa vắng hơn. Càng đọc càng thấy nó dàn rộng ra mông lung. Vậy mà nó đã chịu nén trong mấy câu thơ năm chữ ngắn ngủi đó. Nó đã đạt có lẽ một phần nhờ cái tài tự nhiên làm cô đọng cảm nghĩ của mình mà đồng thời không làm đặc ngôn ngữ, cái cạm bẫy của thơ ngũ ngôn luôn luôn giăng ra cho những anh chàng thi sĩ dáo dác và ham hố sa vào. Hãy đọc thêm một lần nữa hai câu:
Có mối sầu bên cạnh
Vẫn lạnh lùng người ơi
để thấy rõ ràng cái tâm hồn con gái không thường tình của bà. Tác giả đang yêu như mọi người, đó là cái chắc. Nhưng lọt vào cái thế giới đó rồi, đứa con gái là tác giả lúc ấy không nhắm mắt nằm yên để tận hưởng nỗi sầu mộng và nhớ nhung êm ái của mình. Bà đã không chịu dừng lại. Hay nói một cách chính xác hơn, cảm xúc đã dẫn bà chạy đi thật sâu đụng vào một cánh cửa mở ra một thế giới khác, thế giới thân yêu mà những tâm hồn lớn vẫn thường xuyên lui tới vừa như một biệt ân vừa như một hình phạt hay nghiệp dĩ: cảnh trời đất không cùng và nỗi đau khổ bao la nghìn đời của kiếp sống. Cho nên bà đã lạnh lùng, không phải lạnh lùng như một chứng bịnh tâm-sinh-lý bất hạnh nhất của riêng đàn bà, mà bởi cái cảm tính tinh vi cùng tâm hồn khá rộng lớn của tác giả. Không lạ gì khi thấy đứa con gái đang yêu đó đã nhìn thấy trong tâm tưởng:
hương tình yêu mỏng mảnh
bay đi đâu xa rồi
và trở về thực tại nặng nề có phần trơ trẽn, bứt rứt và chán chường:
trăng đã đi theo gió
thì còn chờ đợi ai
Đó cũng là một trong những bài thơ tình hay nhất, ít ra trong vòng mười lăm năm nay. Nó kết hợp một cách tài tình tâm sự bé mọn riêng tư của một đứa con gái với cái tâm trạng chung bao quát của thời đại. Nó đánh bạo chở theo luôn cái không khí của thời đại và lấy đó làm không khí luôn cho bài thơ ngắn của mình. Thật khó tưởng tượng một đứa con gái làm thơ coi như tài tử là L.L.Lan lại thành công trong công việc đó. Vậy mà người ta không thể nào mổ xẻ xem những chữ nào, câu nào đã dung chứa được cái không khí âm u và cái tâm trạng mang mang đó. Bởi chữ và lời thì bình thường. Còn kỹ thuật thì có gì cao và lạ đâu. Người ta chỉ thấy đứa con gái đó khôn ngoan chịu nhốt những ý tưởng của mình trong từng đoạn bốn câu thơ ăn cả vần trắc lẫn vần bằng xen kẽ nhau một cách chặt chẽ từ đầu đến cuối, như:
Trời dài như tấm lụa
Buông kín đầu ngàn cây
Ngàn cây mê ngủ quá
Gió lay hoài không hay
Mà tứ thơ lại vô cùng tự nhiên, nhẹ nhàng, chơi vơi.
Có phải thật sự một số luật lệ cố hữu nào đó trong thơ như vần điệu muôn năm vẫn là nơi thử lửa rực rỡ nhất của chân tài hay không. Có phải đôi khi luật thơ càng chặt chẽ, thi tài càng phát hiện ngùn ngụt như bốc khói hay không. Có phải những phong trào thi ca như Đa Đa, Dã Thú v.v...ở Âu Châu tuy có khác nhau nhưng đã cùng đua nhau phá sản và đổ ào ào bởi vì muốn tiêu hủy hết những luật lệ mang tính chất gần như tiên thiên của thơ như vần điệu và sự liên hệ mật thiết giữa cách diễn tả và tư tưởng hay không. Người ta đã hô hào đi tìm lại cái có thể gọi là sự thật đích đáng hay chân lý chơi vơi ngoài những giao ước mặc nhiên và tự nhiên của ngôn ngữ. Những kẻ đứng đầu gió (chứ không phải những kẻ theo đuôi một cách vô ý thức) những phong trào này thật ra đã cảm thấy chới với cái bất lực của ngôn ngữ và cái lý sự đã cùng đường của mọi lý luận và mọi cảm nghĩ. Họ đã quằn quại đến cái độ tưởng như sắp điên thật rồi. Đó là cả một nhược điểm. Bởi vì họ đã không thâm trầm như những thi sĩ Đông Phương biết mình biết người, biết âm biết dương, biết trời biết đất, để điều tiết những cựa quậy và vùng vẫy của ý thức mình. Mà trên hết cũng tại vì họ kém tài. Cho nên họ đã đưa thơ họ vào con đường cụt của sự tự sát ngu xuẩn nhất.
Nói như thế không phải lạc hậu, bảo thủ để đi đến chỗ không chấp nhận ngay những phá phách rực rỡ của thơ tự do. Tuy nhiên chúng ta chỉ công nhận những phá phách có thật và mạnh mẽ phát xuất tim máu óc não do cảm xúc bắn vọt ra hay đẩy tới từ từ mà kinh nghiệm cá nhân của tác giả viết bài này đã trải qua khi viết bài “Độc Thoại” cách cả mười năm:
Đàn ông thì có lông
Đàn ông thì có một cái đầu
Đàn ông thì tự sát
Đàn ông thì còn sống
Ô đàn ông đàn ông
Tôi đã dày công bỏ cả tháng trời với ý định thử rút cái ý tưởng cùng khí lực ngắt ngoẻo của bài thơ trên nhét vào một bài thơ thường (bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ... có vần điệu đường hoàng) để thử xem nó có còn là thơ và nhất là có gọn ghẽ, dễ nhớ hơn không. Tôi đã thất bại hoàn toàn. Trước hết chúng không có cách chi hoàn hảo như những đoạn ngũ ngôn, tứ tuyệt có vần điệu thẳng rẵng ví dụ cũng của tôi như:
Một đêm trăng mờ ảo
Anh tìm về thăm em
Phố buồn như hoang đảo
Gió ngừng ru bên thềm
của một người bạn trẻ là Đặng Tấn Tới:
mai kia ai ngờ
lòng cũ như mơ
lên con tàu mới
chạy về ban sơ
níu song cửa sổ
khóc ròng cảnh xưa
của một thi sĩ người Nam có tài là Trần Tuấn Kiệt:
em hát trong rừng sao
tôi ngủ dưới cội đào
chợt mùa đông tuyết phủ
biết tìm em phương nào
và ngay cả của nhà thơ tài tử L.L.Lan:
chung quanh đêm tan mãi
từng làn ánh sáng phai
tôi nghe hồn run rẩy
chiếc bóng gẫy làm hai
Tôi đã sẵn trớn đi hơi xa giới hạn một bài viết về một thi sỹ, một nữ thi sỹ, một nữ thi sỹ tài tử, một nữ thi sỹ tài tử ẩn danh hầu như chưa có độc giả nào biết là L.L.Lan. Tôi thật buồn khi biết rằng tác giả đã bỏ làm thơ. Tôi thật chán nản khi biết rằng nếu tác giả có tiếp tục cũng chỉ rước lấy thất bại có thể tác giả chưa hề nếm mà thôi.
Ôi định mệnh đối với những thi sỹ Việt Nam_nhất là đối với những nữ thi sỹ_sao khắt khe quá vậy. Họ sống quá ngắn cái tuổi của thơ so với cái tuổi đời của họ. Riêng đối với L.L.Lan, người đã làm một số thơ kỷ lục bất ngờ về phía các nữ sỹ (trên 300 bài theo lời nhạc sỹ có biệt tài soạn lời ca rất thơ là Phạm Duy), chúng ta có lý do gì đặt một chút hy vọng nào không? Tôi cảm thấy một nỗi đau thương nhẹ nhàng khi đã sinh cùng thời với tác giả mà không được gặp. Nhưng mà tại sao chúng ta lại tham lam như thế, không sợ cái hồn nữ sỹ của thời con gái với những tháng ngày mộng mị và thao thức trở về van xin hay sao:
đừng lay tôi nhé cuộc đời
tôi còn trẻ quá cho tôi mơ màng.
Nguyễn Đức Sơn
(trích tạp chí Bách Khoa, xuất bản tại Sài Gòn, số 307, 15-10-1969)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét