Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyên
Ngọc, phó giáo sư Nguyễn Thị Bình cùng nói về cái hay, đặc sắc trong tùy
bút, tạp văn Tràng Thiên.
Buổi tọa đàm với chủ đề Quê hương tôi: Trao đổi về tùy bút, tạp văn của Tràng Thiên
diễn ra chiều 9/10 tại Manzi (14 Phan Huy Chú, Hà Nội). Tại buổi tọa
đàm, các diễn giả đã đưa ra những ý kiến ngợi ca tùy bút và tạp văn
Tràng Thiên thông qua hai cuốn sách Quê hương tôi và Tạp văn Tràng Thiên.
Từ trái qua: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, phó Giáo sư Nguyễn Thị Bình, nhà văn Nguyên Ngọc trong tọa đàm.
|
Tràng Thiên không phải là cái tên xa lạ trong văn chương Việt. Thậm chí
ông còn là cây bút lớn của văn học vùng tạm chiếm khoảng 20 năm trước
Giải phóng. Tên thật của ông là Đoàn Thế Nhơn (sinh năm 1925) tại Bình
Định, viết đa dạng các thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình,
dịch... trong đó quen thuộc và có sức sống lâu bền nhất là các bài tùy
bút, tạp văn. Học giả Nguyễn Hiến Lê đánh giá tùy bút Tràng Thiên "sâu
sắc như Nguyễn Tuân mà tự nhiên hơn, dí dỏm hơn, đề tài phong phú, đa
dạng hơn".
Trong tùy bút Quê hương tôi (NXB Thời Đại và Nhã Nam phát
hành) tập hợp những bài viết, tiểu luận tập trung vào các đề tài mang
tính văn hóa, dân tộc. Tập sách dựa trên một lượng lớn các bài viết
trong tập Đất nước quê hương xuất bản năm 1973 có bổ sung thêm
nhiều bài mới. Những nền nếp ăn mặc, phong tục vùng miền qua cách nhìn
Tràng Thiền dường như có một đời sống khác, ý nghĩa khác.
Còn với Tạp văn Tràng Thiên, bên cạnh sinh hoạt văn hóa ăn ở,
tác giả còn bàn đến văn hóa đọc và văn hóa viết. 20 bài viết trong cuốn
sách cho thấy sự sâu sắc, tinh tế, pha chút hài hước, lãng mạn, thậm chí
châm biếm của Tràng Thiên.
Bìa hai cuốn Quê hương tôi và Tạp văn Tràng Thiên.
|
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Bình (Trưởng bộ môn Văn học hiện đại, Đại học Sư
phạm Hà Nội) cho biết, văn học vùng tạm chiếm 20 năm trước giải phóng
là một mảng trống trong nghiên cứu văn học hiện nay. "Khi bắt đầu nghiên
cứu, chúng tôi đã nhận ra Tràng Thiên là một gương mặt quan trọng trong
văn xuôi khu vực này. Tài năng của ông thể hiện nổi trội trong thể loại
tùy bút" – bà Bình nhận định. Cũng theo bà Nguyễn Thị Bình, tùy bút
Tràng Thiên rất gần với Vũ Bằng, Nguyễn Tuần, Hoàng Phủ Ngọc Tường ở
tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt những khảo cứu của Tràng Thiên
luôn đi dọc lịch sử dân tộc qua những gì thân thương nhất như việc ông
khảo cứu giọt nước mắm, cánh võng, hay tà áo dài...
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định tùy bút Tràng Thiên rất thật. Ông nói:
"Mọi thứ Tràng Thiên viết đều là cái ông ấy thấy, ông ấy ăn, nghe và
thưởng thức thôi, không có gì cao sang cả. Nhưng khi đọc những gì ông
viết thì chúng ta lại hiểu hơn về chính con người, xã hội của chúng ta".
Nhà văn của Đất nước đứng lên so sánh tùy bút Nguyễn Tuân với
tùy bút Tràng Thiên: "Nếu Nguyễn Tuân là thưởng thức, thì Tràng Thiên là
chăm chú. Nguyễn Tuân thiên về những thứ sang cả, thì Tràng Thiên thiên
về những thứ bình dân".
Bổ sung cho ý kiến Nguyên Ngọc, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đưa ra
dẫn chứng: "Nguyễn Tuân viết về 'trà', còn Tràng Thiên viết về 'chè',
tưởng chừng là một thứ nước uống, nhưng lại là cả hai văn hóa khác nhau.
Tình yêu quê hương đất nước của Tràng Thiên cũng thật là. Những người
xa quê khi nói về quê hương thường nói về cái hay nhất, tốt đẹp nhất của
quê mình, còn Tràng Thiên nói về quê hương, ông lại nói về cái dở, dở
mà người đọc đọc vẫn cảm thấy tấm lòng thiết tha với quê hương trong
đó".
Ngoài Quê hương tôi và Tạp văn Tràng Thiên, Tràng Thiên còn có 9 tập tùy bút khác đã xuất bản trong và ngoài nước.
Hiền Đỗ
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/toa-dam-ve-tuy-but-tap-van-trang-thien-2893085.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét