Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại Của Huỳnh Hữu Ủy


blank
  Huỳnh Hữu Ủy qua ống kính Nguyễn Thị Hợp
Sinh hoạt văn hóa quận Cam trong Mùa Xuân này xem ra có chút rộn ràng, với một hai cuộc họp mặt có công phu tổ chức, những vấn đề đem ra thảo luận đòi hỏi sự tìm tòi suy luận, một vài cuốn sách mới xuất bản thể hiện sự chăm sóc kỹ càng, trong đó có cuốn tác giả đã mất ít nhất tới 6 năm để viết và thực hiện in ấn, không kể đã ấp ủ tháng ngày tuổi trẻ, mộng mơ và ký ức thanh xuân, suy tư chiêm nghiệm nghệ thuật, thao thức ý nghĩa sống và sáng tác, đó là Huỳnh Hữu Ủy và cuốn Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại.
Người viết bài này đã chờ đợi cuốn sách từ lâu, và càng mong mỏi khi tác giả cho biết, anh viết về chân dung văn nghệ của những Tuệ Sỹ, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Đỗ Long Vân, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Phan Khôi, Yên Thao, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu.
Cuốn sách dày 300 trang, vừa do Văn Mới Los Angeles phát hành, với tranh ảnh và sự trình bày mỹ thuật của những tên tuổi nội ngoại như Marc Chagall, Eugène Delacroix, Bùi Quang Ngọc, Đinh Cường, Nguyễn Đồng-Nguyễn Thị Hợp.

blankblank
 
Mấy chân dung văn nghệ hiện đại (Bìa sau) và bốn tác phẩm. (Nguồn: kệ sách Học Xá)


Huỳnh Hữu Ủy có tiểu luận, nhận định văn nghệ đăng trên tạp chí Văn ở Sài Gòn từ năm 17 tuổi, gần nửa thế kỷ qua anh vẫn chỉ viết tiểu luận nhận định văn nghệ, trên những tờ báo danh tiếng, như Vấn Đề, Tân Văn, Văn Học, Khởi Hành ở trong nước trước 1975, và ở hải ngoại anh viết cho những tạp chí có tầm vóc, được nhiều người coi là có chủ trương rõ ràng nghiêm chỉnh, hay có ảnh hưởng tới một số độc giả chọn lọc, như Văn, Khởi Hành, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21; nhất là anh đã xuất bản những cuốn sách lớn: Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại (VAALA, 2008), những ấn phẩm giá trị, có nền móng căn bản để hiện diện lâu dài trên các tủ sách, các thư viện, như Nghệ Thuật Tạo Hình Dân Gian Việt Nam (Hồng Lĩnh, 1993), Mấy Nẻo Đường của Nghệ Thuật và Chữ Nghĩa (Văn Nghệ, 1999).
Anh là tác giả nói gần như viết, viết đương nhiên trầm tĩnh hơn nói, song quả là anh nói gần như viết, không lỡ lời, mà chọn chữ, và thẳng thắn, không bao giờ có chuyện nói để chiều lòng, hay nói để hòa hài, nói đề ầm ừ; anh nói thẳng, nhất là những việc anh không đồng ý, những việc phải phản đối... (Viên Linh)
Tôi đã biết đã thấy và đã đọc Huỳnh Hữu Ủy khi anh còn rất trẻ, cho tới hiện nay. Anh là tác giả nói gần như viết, viết đương nhiên trầm tĩnh hơn nói, song quả là anh nói gần như viết, không lỡ lời, mà chọn chữ, và thẳng thắn, không bao giờ có chuyện nói để chiều lòng, hay nói để hòa hài, nói đề ầm ừ; anh nói thẳng, nhất là những việc anh không đồng ý, những việc phải phản đối, chẳng hạn khi thấy những thứ phi nghệ thuật trong nghệ thuật, phản ứng của anh, nói như nhan đề một bài viết của Tuệ Sỹ: “Trí thức phải nói.”
Tôi không lạ khi Huỳnh Hữu Ủy quí Tuệ Sỹ - nhà thơ, giáo sư đại học, tác giả Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng -, một trong những “chân dung hiện đại” của cuốn sách, đúng ra là chân dung đầu tiên của cuốn sách. Bài về Tuệ Sỹ dài tới 40 trang, trong có đoạn viết về thiền sư lúc còn trẻ:
“Vài ba người bạn, chúng tôi và Tuệ Sỹ thường gặp nhau ở mấy quán café quen biết... Một tăng sĩ trẻ ngồi trong quán café với bạn đúng là một hình ảnh không bình thường trong khung cảnh Huế cổ kính [...]Tuy nhiên đối với Tuệ Sỹ, dường như các bậc trưởng lão cũng dành nhiều phần đặc biệt, lơi lỏng, vì biết thầy phóng dật mà bản lãnh, sống lang bạt mà biết tự chế. Lúc ấy, Tuệ Sỹ còn rất trẻ, khoảng chừng trên dưới 25 tuổi, vậy mà đã để lộ ra cái dị thường và uyên bác của một tâm hồn và trí tuệ mênh mông, kiệt xuất [...]Công trình học thuật và tư tưởng của Tuệ Sỹ là một giá trị đồ sộ điều đó đã rõ ràng, nhưng sáng tác thực sự của Tuệ Sỹ thì phải là những bài thơ được viết từ bên kia chấn song sắt của nhà tù, đó mới chính là tinh huyết của nhà thơ [Tuệ Sỹ bị chế độ hiện hành lên án tử hình, nhờ quốc tế can thiệp, được thả sau 14 năm ở tù]. Thơ trong tù của Tuệ Sỹ viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ, nhưng những bài thơ viết bằng chữ Hán mới thực là toàn bích.” (HH Ủy, Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại, Đọc thơ Tuệ Sỹ).
Đoạn trích dẫn cho thấy lối viết của Huỳnh Hữu Ủy: Có quan sát, chứng nghiệm, mô tả, phân tích.
Về chân dung một trí thức trẻ yểu mệnh là Đỗ Long Vân, nhà văn, giáo sư Đại Học Văn Khoa Huế, Huỳnh Hữu Ủy vẽ lại khá sinh động:

“Tôi lớn lên giữa một thành phố hiền hòa nhưng lại gặp một thời kỳ đầy giông bão của lịch sử. Chính giữa thời kỳ ấy tôi được gặp ông Đỗ. Và đối với tôi, đó là một hình ảnh đầy biểu tượng của thời đại [...] Tôi đã có nhiều dịp gặp ông Đỗ... ngồi quán Café Dung, quán Bạn, quán Lạc Sơn, những buổi chiều mưa gió của Huế. Ông Đỗ là giáo sư ở trường Văn Khoa, nhưng không như các vị khác thường nghiêm nghị ở giảng đường, ông dễ la cà với chúng tôi chẳng có chút ranh giới nào cả [...] thỉnh thoảng ông viết bài khảo cứu và phê bình về mỹ học và văn học cho tạp chí Đại Học [...] sử dụng những phương pháp bình luận quả là khá mới vào thời kỳ đó như hiện sinh, hiện tượng luận và cấu trúc quả đã mang lại nhiều sinh khí mới cho nhu cầu tư tưởng và học thuật bấy giờ [...] Đã hơn 30 năm trôi qua, vậy mà tôi vẫn còn nhớ vài câu thơ [ông Đỗ dịch từ thơ của Bertold Brecht in trên tuần báo Nghệ Thuật] dù không được chính xác lắm:
- Ăn bát cơm trong tay, tôi thấy như giật từ tay người đói.
- Uống ly nước trong tay, tôi thấy như giật từ tay người khát.
Và có một câu mà tôi rất thích:
- Nói chuyện với cỏ cây cũng là một điều tội lỗi.

Một cõi hỗn mang pha trộn giữa thi ca, triết học, cách mạng, bạo động, bất bạo động đè nặng trên ông.” (HH Ủy, Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại, Đỗ Long Vân, một con người cô độc)

Huỳnh Hữu Ủy dành 40 trang để viết về “Tình tự Dân tộc và dòng thơ Kháng chiến,” thời mà anh gọi là “thơ đi theo nỗi đau của xứ sở bị xâm lăng, (trang 241),” qua đó anh đọc và bình thơ của Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Yên Thao, Hữu Loan và có nhắc đến Phan Khôi. Phần này sẽ kết thúc cuốn sách.
Nhìn lại từ cuối tới đầu, các tác giả được nói đến người nào cũng được nhận định, phê bình, trích dẫn và được đăng nguyên một hay vài bài viết của họ, và một số thơ của mỗi người, kèm theo một hoặc hai tấm hình chụp, cộng với một hoặc hai tấm chân dung do họa sĩ vẽ mỗi người. Tiểu sử các tác giả được nói đến in chung vào phần chú thích và thư tịch, không nhiều song có những nét chính. Tất cả có 12 chân dung, thật ra, xét tổng quát, là 12 tác giả có làm thơ, nhiều khi thơ là chính. Các tác giả được bình phẩm chỉ có 4 người đang tại thế, còn 8 đã qua đời, và xếp theo thứ tự như sau: Tuệ Sỹ, Viên Linh, Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Đỗ Long Vân, Quang Dũng, Hữu Loan, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Yên Thao, Phan Khôi, Chính Hữu.

Câu chót trong “Lời Đầu Sách” của Huỳnh Hữu Ủy có thể dùng để kết thúc bài này, vì câu đó nói ra được mong ước của tác giả: “Tan rã vào đời sống xa lạ chung quanh, nhưng vẫn còn muốn gìn giữ chút tâm ý của mình, hy vọng [cuốn] Mấy Chân Dung Văn Nghệ Hiện Đại sẽ góp được một cách nhìn hay chính là nỗi lòng của người viết trong một tình cảnh đặc biệt của chúng ta ngày nay, trên những bước chân phiêu bạt thất tán nơi đất khách quê người.”


Viên Linh
(từ: hocxa.com)

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Thị trường có phải là “thước đo” của văn học?



Việc xem nhẹ tác phẩm văn học là hàng hóa đặc biệt và đánh đồng tác phẩm văn học với hàng hóa thông thường khác để kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận,… có thể tác động tiêu cực đến đời sống văn học. Đáng tiếc, gần đây xu hướng này dường như trở nên nổi trội, khiến không khỏi liên tưởng đến quan niệm thị trường là “thước đo” của văn học?!
Sách văn học chính thức gia nhập thị trường hàng hóa khi kinh tế bao cấp nhường chỗ cho kinh tế thị trường nhiều thành phần. Trong cơ chế mới của hoạt động kinh doanh, in ấn và phát hành sách không còn là “đặc quyền, đặc lợi” của nhà xuất bản nào, mà thật sự vận hành theo phương thức “trăm người bán, vạn người mua”. Chính vì thế, bên cạnh các nhà xuất bản truyền thống, đã xuất hiện nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực in ấn và xuất bản. Có thể kể đến như Nhã Nam, Alphabook, Trí Việt, Bách Việt, Đông A, Dân Trí, Phương Đông, Liên Việt, Limbook…
Giờ đây, cơ hội xuất bản sách đã mở rộng cho người viết, ngay cả với các tác giả trẻ mới lần đầu xuất hiện. Đây là một trong những điểm khác biệt so với trước đây, khi thường chỉ tác giả đã khẳng định được tên tuổi với tác phẩm được người đọc biết tới, được giới phê bình quan tâm mới có cơ hội được xuất bản và phát hành rộng rãi trên toàn quốc với số lượng in ấn có khi lên tới hàng trăm nghìn bản. Còn hiện nay, đối tượng xuất bản được mở rộng nhưng đồng thời các đơn vị xuất bản lại phải thận trọng hơn, vì nếu mỗi đầu sách in với số lượng lớn mà không tiêu thụ được sẽ đồng nghĩa với việc làm ăn thua lỗ. Do đó, số lượng xuất bản sách văn học thường dao động ở mức 1.000 đến 2.000 bản/cuốn. Sách bán hết sẽ tiếp tục tái bản. Chỉ với những cuốn sách dự báo sẽ “gây sốt” thì số bản sách mới được mạnh dạn đẩy lên cao hơn. Các đơn vị xuất bản cũng ràng buộc tác giả bằng hợp đồng kinh tế. Hết thời hạn hợp đồng, họ có quyền gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng với tác giả dựa trên hiệu quả thực tế.
Khi sách văn học trở thành hàng hóa, việc kinh doanh phụ thuộc nhiều vào chất lượng, sự phù hợp cũng như tính hấp dẫn của tác phẩm với thị trường. Vì vậy, các đơn vị kinh doanh buộc phải xây dựng cho mình chiến lược phù hợp để cạnh tranh, chiếm thị phần. Có công ty chọn cho mình những tác phẩm văn học thuộc hàng best seller (sách bán chạy) ở nước ngoài như một dạng “đóng nhãn mác” về chất lượng sản phẩm. Có công ty lại chuyên về một dòng văn học nào đó (như kỳ ảo, giả tưởng, lịch sử…) hoặc văn học của một quốc gia nào đó (như Nhật Bản, Trung Quốc…). Có đơn vị lại có hướng đi khác là chọn các tác giả trong nước được cộng đồng mạng xã hội ưa chuộng, theo đó những tác phẩm đã được đăng tải trên internet được nhiều người thích và chia sẻ, sẽ được chọn lọc, khai thác, biên tập, xuất bản. Có người hóm hỉnh gọi đây là quy trình “xuất bản ngược”, bởi thông thường sách phải được in ấn theo phương thức truyền thống (bản cứng) sau đó mới đưa lên mạng (bản mềm), nhưng với trường hợp kể trên thì quy trình này đã đảo ngược. Điều này là hoàn toàn bình thường trong kinh tế thị trường, vì “cung” đã đáp ứng “cầu”. Và thị trường cũng phải tuân theo quy luật sàng lọc khắt khe: chỉ đơn vị nào tạo dựng được uy tín, kinh doanh có hiệu quả bền vững thì mới có thể tồn tại. Vì vậy cứ sau một thời gian ngắn, thị trường xuất bản sách lại chứng kiến hiện tượng đơn vị xuất bản nào đó ra đi “không kèn không trống”. Thậm chí một ông chủ nhà sách từng đăng đàn bày tỏ tình yêu với văn học, tinh thần cống hiến cho văn học bằng việc tự bỏ tiền túi ra làm sách, song khi hiệu quả kinh tế không đạt được, vốn không thể thu hồi thì tình yêu tha thiết kia khó có thể tiếp tục duy trì. Do đó, sau khi tổ chức in ấn vài ba đầu sách văn học, nhà sách này cũng biến mất trên thị trường.
Bỏ vốn đầu tư và thu về lợi nhuận là bài toán kinh tế mà bất kỳ người nào hoạt động kinh doanh đều phải thuộc nằm lòng. Đối với lĩnh vực xuất bản cũng vậy. Để đạt được hiệu quả cao nhất, thời gian qua nhiều chiêu thức đã được giới xuất bản áp dụng, như: mở cuộc thi để tạo dựng thương hiệu cho đơn vị, đồng thời thu hút bản thảo; tăng giá sách rồi sau đó lại giảm giá sâu, khiến người đọc có cảm giác mua được sách giá rẻ; mở các hội chợ khuyến mãi, giảm giá; tổ chức truyền thông, tiếp thị nhằm quảng bá sản phẩm; gia tăng các giá trị cho sản phẩm bằng các hình thức: giao lưu với tác giả, bán sách kèm chữ ký của tác giả, phát hành CD kèm theo tác phẩm, bán sách bộ kèm quà tặng… Trong kinh doanh truyền thống, thường thì đơn vị xuất bản bỏ vốn, tổ chức bản thảo, in ấn, phát hành, và chỉ khi nào sách được tiêu thụ vượt qua điểm hòa vốn thì đơn vị kinh doanh mới hết… run, cuốn sách kinh doanh có hiệu quả là sách đã được bán hết, hoặc tiếp tục tái bản. Gần đây thị trường xuất bản nổi lên một phương thức kinh doanh mới là gây quỹ cộng đồng. Với hình thức này, lúc đầu tác phẩm được tác giả hoặc đơn vị xuất bản đem ra rao bán (giới thiệu trích đoạn, tóm tắt nội dung…) và trên cơ sở đó, người quan tâm sẽ bỏ tiền góp vốn. Khi số tiền góp vốn đạt và vượt mức đơn vị kinh doanh đề ra thì tác phẩm mới chính thức xuất bản, ra mắt độc giả. Những sản phẩm không đạt mục tiêu về vốn như ban đầu, thương vụ sẽ bị hủy bỏ, số tiền nhận từ độc giả sẽ được hoàn trả. Bằng hình thức gây quỹ cộng đồng, hiệu quả kinh doanh có thể tính toán được ngay, gần đây một số tác phẩm đã được xuất bản theo hình thức này như: Truyện cực ngắn (Đào Quang Huy), Thành kỳ ý (tiểu thuyết), hoặc các truyện tranh: Long thần tướng, Mật ngọt chết mèo, Project Icon, Nhóm máu O…
Một hình thức xuất bản “ăn chắc mặc bền” khác, tuy hoạt động âm thầm, mang tính nhỏ lẻ, hầu như ít được công khai, nhưng vẫn đang được một số đơn vị xuất bản tận dụng, đó là tổ chức in sách văn học cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Theo cách thức này, người muốn xuất bản sách chỉ cần bỏ tiền, nộp bản thảo, đơn vị làm sách sẽ tổ chức xin giấy phép và in ấn theo yêu cầu. Một cuốn sách, vì vậy, có thể chỉ in một hai trăm cuốn, hay cả nghìn cuốn tùy theo “đơn đặt hàng”, đơn vị xuất bản chỉ việc đứng ra thu tiền và… làm dịch vụ, miễn sao bản thảo cuốn sách không vi phạm các điều cấm trong Luật Xuất bản. Có người gọi vui đây là “dòng sách câu lạc bộ”! Thị trường là vậy, có mua thì có bán, có cung thì có cầu. Cho nên sẽ không lạ khi biết trên thực tế, có nhà xuất bản lại ở trong tình trạng: sách tự tổ chức bản thảo, in ấn, phát hành chỉ chiếm khoảng 20%, số còn lại là sách bán giấy phép, hoặc liên kết xuất bản!
Nhằm thu hút công chúng quan tâm đến sản phẩm của đơn vị mình, khâu truyền thông được các công ty xuất bản sách quan tâm hơn bao giờ hết. Không thể trông chờ “hữu xạ tự nhiên hương”, giữa cả rừng sách, độc giả dễ lúng túng, họ cần các “chỉ dấu” để chọn lựa, do đó hầu hết các đơn vị xuất bản đều có bộ phận truyền thông. Hiểu một cách đơn giản, nhiệm vụ của bộ phận này là quảng bá, giới thiệu sách. Các cách thức truyền thông phổ biến hiện nay là tổ chức ra mắt sách, tọa đàm giao lưu tác giả - bạn đọc, viết bài giới thiệu sách… Vì thế hằng tháng, thậm chí hằng tuần trên thị trường luôn xuất hiện hoạt động quảng cáo sách mới, tác giả mới. Có nhà văn, nhà báo thậm chí còn ăn lương của đơn vị xuất bản để chuyên “sản xuất” bài review (giới thiệu) sách. Một số nhà phê bình, nhà văn có tên tuổi cũng thường được mời tham dự vào những sự kiện này. Ai cũng hiểu tiếng nói của họ có trọng lượng nhất định với công chúng, do đó sự xuất hiện của họ, các nhận xét, đánh giá của họ giúp khẳng định giá trị của tác phẩm và đương nhiên sẽ tác động tích cực tới việc bán sách trên thị trường. Giữa thời buổi mà mạng xã hội đang phát huy ưu thế vượt trội so với nhiều loại hình nghe nhìn khác, các đơn vị xuất bản sách cũng lập tức nắm bắt “địa bàn online” bằng cách lập các fanpage, tạo sự kiện trên facebook nhằm quảng bá hình ảnh, tương tác với độc giả và… bán sách! Thậm chí nhằm “triệt hạ” đối thủ, có đơn vị còn tổ chức diễn đàn trên mạng để nói xấu sản phẩm của đối thủ như sách thuê sinh viên dịch cho nên chất lượng kém, sách in xấu, nhiều lỗi,…?
Tuy nhiên, kinh doanh trong bất kỳ lĩnh vực nào thì lợi ích trước mắt, lợi ích lâu dài đều luôn rất cần được tính đến. Khách hàng là người bỏ tiền, do đó họ có quyền đòi hỏi về chất lượng sản phẩm mà mình mua. Gần đây, một cuốn sách được báo chí phản ánh có nhiều sai sót, đó là cuốn Xứ Đông Dương. Dù tuyên bố sẽ cho thu hồi để in lại có hiệu đính, nhưng trên thực tế đơn vị xuất bản cuốn sách vẫn đưa bản sách lỗi ra bán trên thị trường kèm theo mẩu đính chính bé xíu, khiến nhiều độc giả bất bình. Trên thực tế còn có hiện tượng một cuốn sách được nhà văn A, nhà phê bình B hết lời khen ngợi, thậm chí còn khẳng định “nếu giải thưởng của Hội Nhà văn không trao tặng cho cuốn này thì đó là một sai lầm”, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tác phẩm này gần như “mất tích” trên thị trường, chưa nói không ít độc giả vì tò mò tìm đọc đã phải bày tỏ niềm kinh hãi vì sự rối rắm, tối nghĩa, đánh đố của tác phẩm! Rõ ràng truyền thông quá mức có thể khiến cuốn sách nào đó thành hiện tượng best seller ở một thời điểm nhất định, nhưng sau đó lại khiến công chúng nghi hoặc, thậm chí mất niềm tin. Thậm chí truyền thông còn có thể biến một cuốn sách thành “thảm họa”, như với một cuốn thơ cho thiếu nhi xuất bản gần đây.
Có một thực tế là không phải sách văn học nào được coi là bán chạy cũng là cuốn sách có giá trị về tư tưởng - nghệ thuật. Điều đó giúp lý giải vì sao có những cuốn sách đoạt giải Nobel văn chương cũng chỉ được xuất bản với lượng khiêm tốn, còn đôi khi có cuốn sách chỉ viết về tình yêu lại có thể xuất bản lên tới cả chục nghìn bản. Tuy nhiên, những đơn vị làm sách biết nhìn xa trông rộng luôn có ý thức cân đối, phân biệt giữa sách kiếm lời với sách để tạo dựng thương hiệu. Gần đây giám đốc một nhà xuất bản được coi là “ăn nên làm ra” và hiện đang xếp nhóm đầu trong lĩnh vực xuất bản, đã thẳng thắn bày tỏ: “Tôi chỉ muốn làm người bán sách tử tế, xuất bản những cuốn sách tử tế để gửi tới độc giả”. Hai chữ “tử tế” mà vị giám đốc chia sẻ đã xác quyết hướng đi đúng đắn của đơn vị xuất bản này, đồng thời giúp lý giải uy tín đã được gây dựng thành công của nhà xuất bản với thị trường và độc giả.
Rõ ràng thị trường là một thước đo với nhiều loại hàng hóa, nhưng trong lĩnh vực văn học, những giá trị văn chương đích thực lại dẫn dắt thị trường, tạo nên thương hiệu cho đơn vị xuất bản, và tạo niềm tin nơi công chúng.
HÒA PHONG


http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/30167802-thi-truong-co-phai-la-%E2%80%9Cthuoc-do%E2%80%9D-cua-van-hoc.html

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Tại sao chúng ta phải sống trong một thế giới vô nghĩa


     "Thần thoại Sisyphus" xuất bản năm 1942, là một tiểu luận quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo của Albert Camus.
    Tác phẩm là một thiên suy tưởng đầy nỗi u buồn nhưng nhân hậu, đẹp đẽ về bản chất cuộc sống của con người, bắt đầu từ những triết lý về sự tự sát.
    Dựa vào hình tượng Sisyphus, một vị thần bị kết án suốt đời đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, rồi lại thấy nó lăn xuống, rồi lại phải đi xuống chân núi, đẩy tảng đá lên từ đầu, cứ như thế ngày nọ sang ngày kia. Thời gian trôi đi trong những hành động lặp đi lặp lại, kéo dài tưởng như bất tận ấy. Camus thấy rằng, sự hiện hữu của chúng ta trong đời sống này cũng vô nghĩa và phi lý như vậy. Ông đặt ra vấn đề về sự tự sát. Sự tự sát có phải là cách giải quyết. Sự tự sát có đưa đến hạnh phúc. Ông cho rằng tự sát có ý nghĩa nhưng nó là một ý nghĩa cực đoan, và tự sát là một hành động khước từ gần như nhút nhát, trốn chạy.
    Từ cơ sở đó, Camus đã đặt ra cho người đọc một chiêm nghiệm mới, mỗi con người chúng ta, có thể nhận thức rằng, cuộc sống thật vô nghĩa, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phải sống.
    Tai sao chung ta phai song trong mot the gioi vo nghia hinh anh 1
    Tập tiểu luận Thần thoại Sisyphus của Albert Camus.
    Những người lựa chọn ấy, chính là những anh hùng phi lý, giống như vị anh hùng Sisyphus.
    Sisyphus biết rõ bản chất hành động của mình, nhưng chàng tôn trọng nhiệm vụ, tận tâm với nhiệm vụ, bất chấp sự hiện hữu của tính vô lý. Chàng đối diện với tính phi lý ấy, và tiếp tục sống, bất chấp những cám dỗ đem đến sự trốn chạy.
    Và Camus nói “Dù phải chịu bao nhiêu thử thách, tuổi tác dãi dầu và sự cao quý của tâm hồn ta làm cho ta kết luận rằng mọi sự đều tốt đẹp”. Đó chính là cái cốt lõi của những lý lẽ mà Camus đã đặt ra trong cuốn tiểu luận Thần thoại Sisyphus. Ta càng thấu rõ cuộc đời, càng nhìn nhận được sự vô nghĩa của cuộc đời, ta càng phải sống, với gánh nặng của mình, chấp nhận nó như một lẽ tự nhiên, và sống và “hạnh phúc”, như cách Sisyphus đã trải qua.
    Trong bản nhận xét của giáo sư hướng dẫn ghi trên luận văn thạc sĩ của Camus có ghi “Là nhà văn hơn là triết gia”. Bản thân Camus cũng thừa nhận: “Tôi không phải triết gia, thật thế, tôi chỉ có thể nói đến những điều mà tôi đã từng trải, kinh nghiệm thực sự”. Bởi thế, dù Camus viết Thần thoại Sisyphus dưới dạng một tiểu luận, nhưng Camus đã triển khai những lý lẽ của mình bằng những dẫn dụ rất sống động, với lý lẽ giản dị, được kết nối bởi những mẩu chuyện gần gũi, và hơn hết, nó mạch lạc, rõ ràng, và đi đến cùng sâu cái hạt nhân của cuộc sống. Là nỗi buồn, là gánh nặng, nhưng cũng là hạnh phúc, là đẹp đẽ, và Camus ca tụng cuộc sống bằng lòng bao dung vô cùng.
    Tai sao chung ta phai song trong mot the gioi vo nghia hinh anh 2
    Albert Camus - Giọng văn độc đáo của thế kỷ XX. Ảnh: booksfan
    Camus là con người khắc kỷ, u buồn, nhưng ông không dạy đời, không cự tuyệt cuộc đời, không độc đoán, phán xét mà luôn trẻ trung, đa cảm, đa tình, bao dung và đầy nhân ái. Camus biết làm bừng sáng lên những nét đẹp và hơi ấm giữa đời sống đầy đọa mỏi mệt. Trong Thần thoại Sisyphus, Camus đã tìm ra được những nét lý giải đầy tinh tế, cùng cái mỉm cười bao dung với những nhân vật “con người phi lý” như Don Juan, Hamlet, hay Kirilov... Đặc biệt, ông cũng đã dùng những trang văn rất đẹp đẽ và đầy rung cảm để viết về những sáng tạo của Franz Kafka. Với sự nhạy cảm đặc biệt của mình, Camus đã nhìn ra “sự hy vọng” trong những tác phẩm phi lý đậm đặc bi kịch của Kafka.
    Những lý lẽ của cuốn tiểu luận triết học tưởng chừng như trình bày những vấn đề khó hiểu, nhưng thực chất, cái hạt nhân cuối cùng vẫn là niềm hy vọng trong cuộc đời. Niềm hy vọng được mang đến bởi sự yêu thương và lòng bao dung sâu thẳm. Ấy là điều mà Camus theo đuổi, trong tất cả những tác phẩm của ông, mọi điều phi lý ông đặt ra chỉ cốt chạm được vào cái tình yêu đẹp đẽ của loài người, chính là cái để con người neo vào, để sống, trong cuộc sống vốn đầy ắp vô nghĩa này. Đúng như lời một nhân vật trong Dịch hạch đã nói: “Nếu có một điều mà bao giờ người ta cũng mong muốn, và có khi được thỏa mãn, thì đó là tình thương yêu nhân loại.” Vậy nên cuộc sống vẫn tiếp diễn, con người vẫn sống, hạnh phúc trong đọa đày.
    Albert Camus đã được trao giải Nobel năm 1957, và lời khen thưởng: “lời văn của Camus làm tăng giá trị con người của chúng ta.”, giống như một tiếng vọng lấp lánh, còn mãi đến ngày hôm nay, dành riêng tặng ông.
    Ngày 4/1/1960, Camus mất trong một tai nạn giao thông, ở tuổi 47. Dù cuộc đời ngắn ngủi, nhưng Camus đã để lại một sự nghiệp lừng lẫy, được xem là một trong những gương mặt xuất sắc nổi bật của thế kỷ XX. Bên cạnh Thần thoại Sisyphus, còn có những tác phẩm như: Bề trái và bề mặt,Giao cảm, Người dưng, Dịch hạch, Người nổi loạn, Sa đọa...


    • Phong Linh  /  http://news.zing.vn/

    Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

    'Tại sao chỉ hư cấu mới làm nên văn chương?'

     Nguyên Ngọc cho rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển làm cuộc cách mạng khi trao Nobel Văn chương cho Svetlana Alexievich, bởi họ đánh đổ thành kiến "chỉ văn học hư cấu mới giá trị".
    Gần 20 năm trước khi Svetlana Alexievich (nhà báo, nhà văn người Belarus) dành giải Nobel Văn chương năm 2015, Nguyên Ngọc đã biết và dịch tác phẩm của bà ra tiếng Việt. 
    Không chỉ là nhịp cầu đưa Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ đến với bạn đọc Việt, Nguyên Ngọc với con mắt của một nhà văn có cái nhìn sâu hơn về ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
    - Từ đâu ông biết tới cuốn “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” và dịch nó vào những năm 1980?
    - Tôi dịch cuốn sách này lần đầu là vào năm 1987, sau khi đọc được tác phẩm in trên tạp chí Văn học Xô viết - một xuất bản phẩm của Hội Nhà văn Liên xô chuyên giới thiệu văn học Xô viết ra nước ngoài, bằng tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha… Tôi dịch qua bản tiếng Pháp. Khi đó, sách in ở nhà xuất bản Đà Nẵng.
    Đến năm 1989, tôi có gặp tác giả khi bà sang thăm Việt Nam. Bà bảo bản dịch ra tiếng Việt của tôi mới chỉ là một phần cuốn sách của bà. Vì in trên tạp chí vốn có khuôn khổ hẹp nên tác phẩm đã bị lược bớt đi. Về sau tôi còn được biết, ngoài ra, ngay trong nguyên bản tiếng Nga, sách còn bị kiểm duyệt bỏ đi nhiều đoạn. Và hồi đó chính tác giả cũng tự kiểm duyệt cuốn sách của mình.
    Lý do tôi dịch cuốn sách này vì muốn chia sẻ với mọi người một tác phẩm hay mà mình ưa thích. Và cũng muốn giới thiệu, gợi ý với các đồng nghiệp của tôi ở trong nước một cách nhìn và viết về chiến tranh mới mẻ, độc đáo. Chiến tranh đã và còn là một đề tài lớn của văn học Việt Nam. Hẳn các cây bút người Việt có thể tìm được từ Svetlana Alexievich không ít bài học bổ ích.   
    'Tai sao chi hu cau moi lam nen van chuong?' hinh anh 1
    Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: 
    - Vì sao tới 2016, ông lại quyết định dịch mới hoàn toàn tác phẩm này?
    - Sau khi Svetlana Alexiévitch được giải Nobel về văn học năm 2015, có nhà sách đề nghị tôi dịch toàn bộ Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ. Lúc đầu tôi nghĩ tôi chỉ cần làm nốt những phần chưa dịch 20 năm trước. Hóa ra không hề như vậy.
    Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ là tác phẩm đầu tay của Svetlana, Và ngay từ tác phẩm đầu tiên của mình, nhà văn mấy mươi năm sau sẽ được vinh danh bằng giải thưởng văn chương danh giá nhất thế giới, đã gặp không ít khó khăn. Cuốn sách được viết xong từ năm 1982, nhưng bị tất cả các nhà xuất bản ở Liên Xô bấy giờ từ chối. Vì nó viết quá thực về chiến tranh.
    Cho đến 1985, sách mới được in, và ngay từ đầu, số lượng phát hành đã lên đến hai triệu bản! Tác giả nổi tiếng khắp Liên bang.
    - Cuốn sách ông dịch năm 2016 khác gì so với cuốn sách ông đã dịch 20 năm trước?
    - Tác phẩm tôi dịch của Svetlana lần này là một cuốn sách gần như hoàn toàn khác cuốn sách tôi đã dịch trước đây. Tất nhiên, có một số câu chuyện cụ thể giống nhau, nhưng tác giả đã viết lại toàn bộ. Sách dài hơn, trước chưa đến 200 trang, nay là gần 500 trang. Phong phú hơn, thực hơn, dữ dội và sâu sắc hơn.
    Giữa cuốn sách trước và cuốn sách này là 17 năm đầy ắp trải nghiệm của tác giả trong một nước Nga biến động như chưa từng có, biến động lịch sử lớn nhất của thế kỷ XX. Lần này Svetlana còn cho in lại một số đoạn đã bị kiểm duyệt cắt bỏ trước đây, những đối thoại của bà, lúc bấy giờ còn rất trẻ, với nhân viên sở kiểm duyệt. Lại còn có những đoạn chính tác giả tự kiểm duyệt hồi bây giờ.
    Tóm lại, tôi đứng trước một tác phẩm hoàn toàn mới. Việc dịch do vậy cũng thích thú hơn. Và người đọc, nếu đã từng đọc cuốn sách cùng tên mấy mươi năm trước, lần này sẽ được đọc một tác phẩm mới, trong đó, tinh ý, sẽ có thể nhận ra, bên dưới những câu chuyện về chiến tranh được kể một cắch độc đáo, cả một dòng ngầm dấu ấn những biến động dữ dội của một thế kỷ mà nhà sử học nổi tiếng Hobsbaum gọi là “Thời của những cực đoan”, hay là “Lịch sử của thế kỷ XX ngắn”.  
    - Vì sao ông dịch từ bản tiếng Pháp chứ không phải nguyên gốc tiếng Nga? Liệu việc dịch qua một ngôn ngữ trung gian có làm mất đi cái hay trong ngôn ngữ gốc?
    - Đơn giản thôi, vì tôi không thạo tiếng Nga. Tôi đã cố gắng đạt mức “tín” tối đa có thể, bằng cách đối chiếu với bản dịch tiếng Anh, và với bản nguyên gốc tiếng Nga khi cần thiết, qua sự giúp đỡ của một số người bạn thông thạo tiếng Nga.
    - Tại sao bản sách năm 1987 có tên “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”, tới bản 2016 lại thành “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”? Từ “một” ở đây có ý nghĩa như thế nào?
    - Bản tiếng Pháp của tạp chí Văn học Xô viết năm 1987 có tên là La guerre n’a pas visage de femme - Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ. Bản tiếng Pháp của nhà xuất bản Acte Sud – Paris năm 2015 có tên là La Guerre n’a pas un visage de femme, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ.
    Tôi có chú ý sự khác biệt này, theo tôi là rất có ý nghĩa. Chiến tranh có thể có nhiều khuôn mặt, nhưng trong rất nhiều khuôn mặt khả dĩ đó, không có một khuôn mặt nào là của người phụ nữ cả. Chiến tranh, ngay về bản chất của nó, là đối kháng tuyệt đối với người phụ nữ. Người phụ nữ, ngay về bản chất tự nhiên của họ, tuyệt đối không thể chấp nhận chiến tranh… Vậy mà họ đã phải làm chiến tranh. Nếu chiến tranh là phi nhân, thì nó càng vô cùng phi nhân khi người phụ nữ phải tự tay mình làm chiến tranh... Cuốn sách của Alexievich, về cơ bản, là một cuốn sách phản chiến, đến tuyệt đối.
    'Tai sao chi hu cau moi lam nen van chuong?' hinh anh 2
    Sách Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ mới được phát hành tại Việt Nam. Ảnh: 
    - Trong quá trình dịch, ông ấn tượng với điều gì ở cuốn sách?
    - Về chiến tranh, về cuộc chiến tranh chống phát xít Đức của Liên Xô 1941-1945, ta đã biết rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, của Simonov, Cholokhov, Bykov, Raspoutine, Grossman… và hàng trăm tác giả khác. Đến Svetlana Alexievich, vẫn là về cuộc chiến tranh đó, nhưng ta bỗng gặp môt cuộc chiến tranh hoàn toàn khác: cuộc chiến tranh dưới cái nhìn của người phụ nữ, trong cảm nhận của người phụ nữ. Trong cảm nhận đàn bà của họ.
    Chiến tranh, dẫu muốn nói gì thì nói, là hủy diệt con người, hủy diệt sự sống. Trong khi bản chất của người phụ nữ, chức năng của họ, là sinh ra sự sống, sinh ra con người. Bằng công việc của mình, cách nhìn và khám phá của mình, tác phẩm của mình, lần đầu tiên trong văn học thế giới, Svetlana đã buộc chiến tranh đối mặt với cái đối nghịch tuyệt đối của nó, vạch trần toàn bộ tính chất phi lý, phi nhân của nó. Theo tôi đó là một khám phá, một sáng tạo, một cống hiến hết sức to lớn.
    Trong chiến tranh chống phát xít Đức, 800.000 phụ nữ Liên xô đã ra trận, và họ có mặt trong tất cả các quân bịnh chủng, từ là y tá, bác sĩ, cứu thương, chiến sĩ thông tin liên lạc …, cho đến chiến sĩ trinh sát, xạ thủ bắn tỉa, công binh, phi công, lái xe tăng … Và những binh chủng khó ai ngờ nhưng lại thiết yếu trong chiến tranh: những binh đoàn chuyên nấu ăn, làm bánh mỳ, giặt hàng núi quần ấo đẫm máu hằng ngày cho lính… Một cuộc chiến tranh trong sự thật tầm thường và sống còn của nó…
    Do từ bản chất tự nhiên của họ, người phụ nữ cảm nhận chiến tranh rất khác đàn ông. Đàn ông cảm nhận và nói về chiến tranh bằng lý trí, bằng lý lẽ, bằng cái đầu. Người phụ nữ thì bằng cảm xúc, bằng cả cơ thể nhạy cảm của họ. Bằng toàn bộ cơ thể của họ. Cho nên ký ức của họ về chiến tranh bao giờ cũng cụ thể, vô cùng sinh động. Là đời sống thực, nguyên sơ…
    - Theo ông, giá trị lớn nhất mà cuốn sách mang lại là gì?
    - Tôi có cảm giác, với Svetlana Alexievich, chúng ta từ bỏ loại văn học của những thứ to tát, lên gân giả tạo về chiến tranh (và về cuộc sống nói chung), để đến với văn học của cuộc sống thực, trần trụi. Và nhân bản.
    - Ông nghĩ gì về ý kiến cho rằng Svetlana Alexievich được ưu ái khi đoạt Nobel văn chương, bởi tác phẩm của bà thuộc thể loại phi hư cấu?
    - Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Bằng việc trao giải Nobel văn học năm 2015 cho Svetlana Alexievich, viện Hàn lâm Thụy Điển đã làm một cuộc cách mạng: họ đánh đổ một thành kiến tồn tại hàng nhiều trăm năm rằng chỉ có văn học hư cấu mới có giá trị. Tôi cũng không hiểu tại sao lại quan niệm chỉ hư cấu thì mới ra “văn chương”?
    Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ chỉ là tác phẩm đầu tay của Svetlana Alexievich. Có người gọi bà là “một Dostoïevski không hư cấu”.
    - Ông đánh giá như thế nào về cách hành văn của Svetlana Alexievich?
    - Một trong những sáng tạo của Svetlana Alexievich là phát hiện ra tầm quan trọng của lời nói (hay tiếng nói – la voix) của con người trong đời sống. Bà bảo trước nay văn học đã bỏ quên môt khu vực mênh mông vô cùng sinh động và quan trọng của đời sống con người, là tiếng/lời nói của con người.
    Dịch Svetlana Alexievich do vậy phải rất chú ý đến văn phong-lời nói đặc biệt ở bà. Phải cố tìm được tương ứng về hiệu quả trong tiếng Việt.
    - Trong sách có những đọan miêu tả cảnh giết chóc, thảm sát ghê rợn. Ông có phải giảm nhẹ mức độ ghê rợn mà Svetlana đưa ra khi chuyển ngữ sang tiếng Việt?
    - Không hề. Tôi không muốn lại làm người kiểm duyệt Svetlana Alexievich! Không được đánh lừa người đọc về sự thật của chiến tranh, và của đời sống. Đó là một bài học lớn từ Svetlana Alexievich.
    - Ở tuổi 84, việc dịch sách với ông có gặp khó khăn trở ngại gì không? Nếu có ông vượt qua trở ngại đó như thế nào?
    - Khi thích thú thì sẽ thấy công việc không đến nỗi nặng nề. Tôi thường thay đổi xen kẽ các công việc khác nhau, như một cách thư giãn tương đối.  
    - Hiện tại ông có đang sáng tác hoặc dịch cuốn sách nào khác?
    - Tôi vừa dịch xong một tác phẩm khác của Svetlana Alexievich. Rất mong sách có thể đến sớm với người đọc.
     Svetlana Alexievich: Sinh năm 1948, là người Belarus nhưng viết văn, viết báo bằng tiếng Nga, đoạt giải Nobel Văn chương năm 2015. Bà viết nhiều sách về chiến tranh dựa trên những dữ liệu có thực do mình thu thập được: Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (viết về những người phụ nữ Nga tham gia chiến tranh Thế giới thứ hai), Quan tài kẽm (mặt trái chiến tranh Afghanistan), Tiếng vọng từ Chernobyl (nỗi kinh hoàng của người dọn dẹp phóng xạ sau thảm họa hạt nhân)...
    Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ: Là tập hợp lời kể của những phụ nữ từng tham gia chiến tranh Thế giới thứ hai. Cuốn sách không chỉ phản ánh sự thật khốc liệt về người phụ nữ trong chiến tranh, mà còn cho thấy sự phi nhân tính, nghiệt ngã của chiến tranh.


    VIỆT HÀ
    ZING.VN
    Việt Hà