Thứ Tư, 4 tháng 2, 2009

Nguyễn Tiến Văn: Về tập thơ M – N & Z của Đoàn Minh Châu

Mùa Đông cuối năm 2008, có một tập thơ do tác giả tự xuất bản. Quy mô của việc in bằng Tapmáy vi tính, với số lượng khiêm tốn 50 bản chưa đủ tặng cho bạn hữu và những người yêu thơ trong phạm vi thân thiết nhất, thực là nhỏ bé. Tuy nhiên ý nghĩa của hành vi này lại hàm chứa những hạt nhân không thể coi nhẹ đối với những ai quan tâm tới sinh hoạt văn học

Đó là tập M – N & Z của Đoàn Minh Châu do Minh Châu xuất bản; kích thước 13×19cm, 57 trang ruột, in trên giấy ngà vàng; bìa màu kem, chỉ trình bày kiểu chữ viết tay nhan đề. Tập thơ gồm 49 bài và 8 trang minh họa của chính tác giả.

Sau đây là một số nhận xét về tập thơ:

1.

Điều trước tiên phải nói là về tác giả. Một nữ nhà thơ gốc Quảng Nam, sinh năm 1984 trong một gia đình cha mẹ đều là nhà giáo, đã tốt nghiệp đại học và hiện sống tại Đà Nẵng. Đoàn Minh Châu đã từng có thơ in trên mạng, trên báo chí, trong các tuyển tập từ vài ba năm nay, và có một số giải thưởng.

Tập thơ này gồm những sáng tác từ 2002 cho tới bài mới nhất làm trong tháng 11–2008. Gần như toàn bộ các bài thơ đều có ghi năm tháng và nhiều lần cả ngày sáng tác (trừ bài Cảm ơn anh ở trang 20, và bài “Muộn” ở trang 49) – cho nên ta có thể xem đây như một tập thơ-nhật ký của một người con gái Việt Nam từ năm 21 đến năm 24 tuổi. Nếu lập một bảng thống kê về tháng năm sáng tác, thì trừ bài đầu tiên làm năm 2002, trong tập này có 8 bài làm năm 2005; 18 bài làm năm 2006; 13 bài làm năm 2007; và 9 bài làm năm 2008.

Đây là một tập nhật ký-thơ về những cảm xúc, suy tư, và trải nghiệm của một người thiếu nữ sau 18 năm sống ở một thị trấn miền Trung; 4 năm sống ở thủ đô Hà Nội - những năm đi học; 2 năm sống ở thành phố Đà Nẵng đi làm việc. Tất cả những sáng tác này vừa đặc trưng cho tác phẩm đầu tay của một nhà thơ, có những e dè, cầm chừng; vừa đại diện cho hàng triệu thanh niên đương thời. Tập thơ rất có thể xuất hiện theo đường lối quan phương chính thống, tức là qua biên tập và xuất bản theo lề lối hiện hành của xã hội Việt Nam ngày nay. Nhưng tác giả đã tự chọn đường lối độc lập trong phát biểu và xuất bản. Đây là một quyết định đầu tiên và duy nhất cho tới nay đối với một nhà thơ nữ ở miền Trung, cũng như miền Nam và miền Bắc thời XHCN. Ngay cả ở một trung tâm vừa đông dân vừa quan trọng nhất về văn hóa và kinh tế hiện nay là Sài Gòn, các nữ tác giả cũng khá e dè trong công việc tự chịu trách nhiệm và tự xuất bản tác phẩm cá nhân của mình. Có một vài trường hợp hiếm hoi, vì vấp váp một vài khó khăn trong việc xin phép xuất bản chính thống thì mới chọn đường lối bên lề, in lên mạng… cho “hả giận”, cho ra vẻ mình “dũng cảm”. Cho nên, với một hành động vốn nhỏ bé và cũng khá đơn lẻ, nhẹ nhàng của Đoàn Minh Châu, tôi cho đây là một điểm son cần ghi nhận.

2.

Tập M – N & Z tập trung vào vũ trụ thân thiện của tác giả, là một thiếu nữ trưởng thành tại môi trường nông thôn và thị trấn nhỏ. Tất cả những tình cảm và tư tưởng tiêu biểu cho một thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh hàng chục năm, được hấp thụ những lối nhìn và cách sống cùng thời trên thế giới qua văn học và nhất là kỹ thuật học thông tin đương đại, trong đó quan trọng nhất là ý thức về nữ tính và nữ quyền cũng như tính hậu hiện đại và chủ nghĩa hậu thuộc địa.

Ý thức về nữ tính và nữ quyền ở đây nổi bật trong cách nhìn lạnh và sắc về quan hệ nam nữ trong luyến ái. Xa rồi cái thời hồn nhiên ngớ ngẩn của chủ nghĩa Lãng mạn thời tiền chiến với Thơ Mới (1932 – 1945). Khi đó thanh niên nam nữ tin vào tính tuyệt đối và thiêng liêng của ÁI TÌNH – coi đó như lý tưởng và chung đích của cuộc sống, có thể tự tử vì thất tình như cái lý do đương nhiên thích đáng, không cần biện minh.

Trong bài “Cảm ơn anh” (trang 20), Đoàn Minh Châu viết:

Em đã từng nghi ngại vào sự vĩnh hằng của tình yêu

mơ hồ với dấu hỏi to tướng cuộn tròn vọng tưởng tím than ủ giấc ngủ con gái

và khi quan hệ đổ vỡ, tác giả bình tĩnh viết:

Cảm ơn anh!

đập nát những nghi ngại trong em

vọng tưởng vỡ bung bốc mùi thối khẳm

để rồi kết thúc bằng:

Cảm ơn anh nhiều!

sau cuộc vui ồn ào

sau nỗi buồn ồn ào

em không khóc đâu

những giọt máu chảy từ hốc mắt

sẽ không dành cho bất kì gã đàn ông chết tiệt nào nữa!

Một trong những nguyên tắc chủ chốt của tinh thần nữ quyền là ý thức rất rõ về thân phận người nữ với chức năng sinh học tâm lý đặc thù của phái tính mình như Simone de Beauvoir (1908-1986) đã vạch rõ trong tác phẩm Phái tính thứ hai (Le Deuxième Sexe, 1949): sinh học là định mệnh. Người nữ chấp nhận cái đặc thù tâm sinh lý của mình nhưng đề kháng với các sự đàn áp của phụ quyền và nam quyền như một chuyên chế bất công trong lịch sử chứ không phải chân lý khoa học hay vĩnh hằng. Vì thế khẩu hiệu từ những phong trào tranh đấu cho phụ nữ là: “Cái thiết thân là cái chính trị; cái chính trị là cái thiết thân” (The personal is the political; the political is the personal). Người phụ nữ phải kiên trì làm chủ thân thể và vận mệnh của mình, không chấp nhận những giáo điều luân lý, tập tục xã hội đặt ra để đàn áp và coi đó là chân lý muôn đời, là thiên kinh địa nghĩa.

Trong bài Chìm (trang 24), Đoàn Minh Châu viết:

Khi em vớt thân thể mình ra khỏi chậu nước

thấy rớt lại những nụ hôn ngày xưa

xếp hàng dài như con đường trước mắt

từ đâu giọng nói trong cơn mộng du bò trên núm ngực hoang sơ màu hạt dẻ

loãng vào bầu trời đổi màu ngôi sao chết yểu

Thân thể và những trải nghiệm được nhìn một cách lạnh sắc và khách quan vì không để cho những thành kiến xã hội và giáo điều đại tự sự chi phối đến, trở thành sự tha hóa.

Đoàn Minh Châu cũng không như các nữ tác giả cùng thời thường xem mình như là một phần lệ thuộc của đàn ông nên khi viết cứ hay xưng chủ thể tôi như là một yếu tố “em” bị lệ thuộc–làm như không có anh thì em không còn được sống như chính mình.

Cho em nắng óng cất từ màu da Anh

Cho em tiếng cười từ khoé môi rộng lượng Anh

Cho em ngủ ngon trong vòng ôm định phận của Anh

(“Cất giấu”, Vi Thùy Linh)

Chủ động kêu đòi được yêu, kêu đòi được hạnh phúc… cũng là một tinh thần của nữ quyền, nhưng ở Vi Thùy Linh vẫn có cái gì đó như lệ thuộc, như van nài và luôn giữ khoảng cách. Và một điểm cũng để suy nghĩ là Vi Thùy Linh hay viết hoa chữ “anh”, còn viết thường chữ “em”.

Đoàn Minh Châu cũng đi ra từ bầu khí quyển chung đó, nhưng đã nhanh chóng phá bỏ sự lệ thuộc ấy (như trong bài“Cảm ơn anh”), để tìm kiếm một giá trị tự thân, chấp nhận vào một không gian sống rất cô đơn, nhưng cũng rất can trường:

Em mang hình dạng của con bù nhìn rơm đặt giữa ngã tư phố đông

khoác mảnh vải rách chắp nối ý muốn người khác

chân trần gậy khô

trên thành phố ngập ứ cuộc mưu sinh

lẩn quẩn với ý nghĩ rơm rạ mê mải tìm một không gian lẻ.

Khác với những nhà thơ nữ như Thảo Phương, ca ngợi “người đàn bà do đàn ông sinh ra”; như Vi Thùy Linh đặt người bạn tình là tất cả ý nghĩa đời sống; những nhà thơ trong nhóm Ngựa Trời với tập Dự báo phi thời tiết được giới thiệu, hỗ trợ bằng những “uy tín” trên văn đàn của phái nam, Đoàn Minh Châu xuất hiện không hình ảnh, không tiểu sử, không tựa, bạt hay nhận định phê bình của ai. Cô đơn và kiêu hãnh như thế hệ nhà văn - nhà thơ nữ tự chủ phải thế, một tinh thần cần tôn trọng và khích lệ trong thế kỷ 21 mới mở ra này.

3.

Tập thơ mở ra với lời đề tặng cho mùa Đông và với bài Những con đường(2002). Nhìn bàn tay bao đường ngang dọc, tác giả tự hỏi :

Nhân gian có mấy con đường

mà một tay đã ngàn lối rẽ?

Thắc mắc trong bài thơ đầu đời này có thể gợi ra nguồn mạch ngạc nhiên của thơ Đoàn Minh Châu. Đây là ngạc nhiên của hàng triệu thanh niên, nhất là giới nữ từ quê ra thành thị để học hành, lao động. Xã hội Việt Nam đang làm một cuộc đổi mới lớn lao chưa từng có trong lịch sử: sự đổ xô ra thành thị của đông đảo người dân của một nước nông nghiệp đang đi vào công nghiệp hóa. Những bài như Phố” (trang 5):

xoè tay hứng mặt người chảy dòng dòng quết dày mặt phố

ngẫu nhiên thấy mặt ai trong đó

quen quen như mặt mình.

hay bài Không ngủ (trang 10):

(- 5 cái giường tầng bé

- căn phòng 10 đứa

- 5 cái tủ vải cũ

- 3 ô cửa sổ bụi

giá có một quả gì ụp xuống thì hay nhỉ?)

7 năm trời làm thơ (trong đó 2 năm trống vắng có lẽ vì việc học và việc thích ứng sự thay đổi nếp sinh hoạt từ quê ra thủ đô), chọn lọc được 49 bài để công bố là một mùa gặt đầu tiên của Đoàn Minh Châu.

Tiếng thơ mới mẻ và rất trẻ này không phải là một kiệt tác nhưng đã xác định được một nhà thơ có bản sắc. Tác giả nắm vững kỹ thuật thơ trong việc dùng hình tượng và ngôn ngữ - nhất là sự vững vàng trong việc định vị sáng tác và xuất bản. Sự chân thật không làm dáng và cầu trợ nơi người khác – khiến người ta chào đón tập thơ M – N & Z của Đoàn Minh Châu như báo hiệu cho một tiếng thơ sáng giá. Điều này cũng báo hiệu cho một mùa gặt mới của thơ, đặc trưng của giới nữ, không bị điều kiện hóa vì những ý hệ đại tự sự và những hoang tưởng của phái nam từ mười ngàn năm nay, với chế độ phụ quyền, nam quyền nay đang bị ném vào thùng rác của lịch sử.

4.

Cuối cùng, nhan đề tập thơ là một mật mã hay một ẩn số mà mỗi người đọc đều có thể thông giải theo cảm nhận riêng của mình. Nó mang cả tính cách ngắn gọn, súc tích như đại số của thông tin trên mạng, trên blog, và trên điện thoại di động. Có thể đọc là “ em với anh và vô tận”, “ em trừ anh và ẩn số”, “ em với anh và số không (zero)”, “ Minh Châu với người và thiền (zen)”. Một thú vị của nhan đề này là nó sẽ giữ nguyên được diện mạo khi xuất hiện (nếu có) trong bất cứ bản dịch ra ngôn ngữ văn tự nào khác.

Sài Gòn 7-1-2009.

Nguyễn Tiến Văn

M – N & Z, tập thơ của Đoàn Minh Châu, do Minh Châu xuất bản tại Đà Nẵng, năm 2008. In lần thứ nhất 50 bản photocopy. Ak trình bày và vẽ bìa. Minh họa: Đoàn Minh Châu. Tác giả giữ bản quyền.

Trích từ damau.org


Không có nhận xét nào: