Thứ Ba, 24 tháng 2, 2009

Những bất ngờ thú vị từ đồ sứ ký kiểu



Nhà nghiên cứu TRẦN ĐÌNH SƠN
ra mắt tác phẩm
Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn 1802-1945

Quyển sách đầu tiên “trưng bày” các vẻ đẹp và sự độc đáo của đồ sứ ký kiểu qua ảnh và chú thích vừa được nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho ra mắt. Sách mang tên Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn 1802-1945 (NXB Văn Nghệ), khổ 25x25,5 cm, in trên giấy đẹp, trình bày song ngữ Anh - Việt.

Có thể người đọc - người nghe còn thấy lạ lẫm với thuật ngữ “đồ sứ ký kiểu” - một di sản văn hóa truyền thống đáng trân trọng nhưng lâu nay chưa có tên gọi thống nhất cũng như chưa được nhiều người khám phá.

Thật ra, cụm từ “đồ sứ ký kiểu” được dùng thay cho “đồ sứ men lam Huế”. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết cụm từ “đồ sứ men lam Huế” không có nguồn gốc tên gọi từ chính người Việt, mà được cố học giả Vương Hồng Sển dịch từ tên “bleus de Hue” của học giả người Pháp say mê các đồ sứ của triều Nguyễn.

Trong khi đó, tên gọi do chính tiền nhân chúng ta đặt là “đồ kiểu”, “đồ mẫu”, “đồ ký kiểu”. Và trong Đại Nam quấc âm tự vị (1895), nhà biên khảo Huỳnh Tịnh Của cũng có giải thích về chữ “đồ ký kiểu”: đồ làm theo kiểu mình gửi. Tìm một cụm từ có thể diễn tả đầy đủ các chủng loại đồ sứ do người Việt gửi kiểu mẫu đặt làm ở nước ngoài dưới hai triều Lê - Nguyễn, tác giả đã chọn tên “đồ sứ ký kiểu” và công bố trong một bài báo cách đây 15 năm - khoảng thời gian đủ cho một thuật ngữ mới được chấp nhận và đi vào đời sống.

Đúng như tên sách,Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn giúp người đọc bước vào một "bảo tàng" di sản có hệ thống khoa học,mở rộng về những hiểu biết về lịch sử,văn hóa dân tộc qua từng hiện vật .Từ những hình ảnh trang trí trên đồ sứ ta được thưởng thức những bài thơ nôm,chữ viết của mỗi thời đại thịnh suy,gu thẩm mỹ của người xưa.

Chén thời Minh Mạng có đề tài
trang trí hoa mai và chim hạc.
Đề thơ Nôm:
Nghêu ngao vui thú yên hà/
Mai là bạn cũ,hạc là người quen.

Tuoi Tre Online - 23/2/2009


Không có nhận xét nào: