Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

Trần Trung Sáng : Nhớ người mấy độ phong sương

Nhân ngày giỗ đầu nhà văn Sơn Nam (13/8/2008 -13/8/2009)

Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”
Sơn Nam

Giới thiệu về Sơn Nam, nhà văn Bình Nguyên Lộc có lần đã viết: “Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ…”

sonnam-phamvanchau

Chân dung nhà văn Sơn Nam (tranh Phạm văn Châu)

Thực vậy, bên cạnh những trang viết giản dị, nhân hậu, thấm đậm dấu ấn vùng văn hóa Nam Bộ qua các tác phẩm: Hương Rừng Cà Mau, Vọc Nước Giỡn Trăng, Bà Chúa Hòn, Ngôi Nhà Mặt Tiền, Một Mảnh Tình Riêng, Dạo Chơi,… hoặc những công trình nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân gian như: Văn Minh Miệt Vườn, Gia Ðịnh Xưa, Bến Nghé Xưa, Người Sài Gòn, Gia Định Xưa, Phong Trào Duy Tân Bắc-Trung-Nam,… nhà văn Sơn Nam còn có không ít những truyện ngắn và tản văn ẩn chứa nỗi niềm cô tịch, lạc lõng như ông đã thố lộ trong bài thơ duy nhất của mình (bài thơ không tên, được viết làm lời tựa cho tập truyện Hương Rừng Cà Mau xuất bản ở Sài Gòn năm 1961):


Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê

Giấc mơ thầm kín

Là một người dành nhiều năm tháng rong chơi phong sương trên đường phố, đến mức được định danh là “ông già đi bộ”, do đó, khi đọc những trang văn của Sơn Nam, chúng ta sẽ không ngạc nhiên, khi hầu như luôn gặp gỡ ông phác hoạ những con phố nghèo nàn; những phận người bươn chải trong cuộc mưu sinh trầy trụa; những đứa bé trần như nhộng, nô giỡn giữa vũng bùn lầy… Phải chăng, chính từ cái thực tế lầm than như vậy, mà rải rác những nhân vật của ông thường nhen nhúm một giấc mơ thầm kín, nuôi khát vọng đổi đời. Đó là: giấc mơ trúng số!.

Điển hình nhất, chỉ với một tập truyện Người Bạn Triệu Phú (Nxb Khai Trí, 1971), gồm 10 truyện ngắn, thì đã có hơn 5 lần ông nhắc đến chuyện trúng số.

Trong truyện “Nhớ Năm thìn”, khi nhắc đến cảnh lụt lội tang tóc ở miền Trung, nhà văn Sơn Nam mong muốn làm một điều gì đó để chia sẻ cùng người hoạn nạn. Ông viết: “Người đang uống rượu, người đang hát, người đang đắp mền, người đang thất nghiệp đều muốn giúp đồng bào. Chỉ cần tổ chức đừng câu nệ hình thức. Kẻ hoang phí đang muốn mua vé số”.

Ổ truyện “Một kiểu làm ăn”, gặp lại người quen cũ trở nên thành đạt, giàu có, ông có đoạn:

- Làm nghề gì vậy? Trúng số độc đắc?
Anh ta im lặng hồi lâu:
- Tôi đâu có mua giấy số.

Trong truyện “Người bạn triệu phú”, nhà văn Sơn Nam kể lại: khi đến thăm một người bạn ở một xóm nhỏ lao động, tình cờ một bà hàng xóm báo tin ông hay: “Ổng trúng số độc đắc!”, thế là Sơn Nam nửa ngờ nửa tin, vừa muốn ghé vào thăm, vừa thấy phân vân. Cuối cùng, ông mạnh dạn mở cửa vào gặp bạn, thấy chẳng hề có chút biểu hiện nào vui mừng đặc biệt. Cảnh sinh hoạt gia đình của bạn cũng thể hiện vẻ túng quẩn, cơ cực như mọi ngày. Nói bóng gió chuyện “trúng số”, người bạn vẫn thản nhiên…

Về sau, khi đọc tin trên báo (lúc ấy, người trúng độc đắc phải in hình và tên trên báo) biết chính xác là bạn đã trở thành triệu phú, ông mới nghiệm ra một quy luật: “Hễ trúng số 1 ngàn, mình hò hét, khoe khoang với anh em chòm xóm, niềm vui của mình được trọn vẹn, cởi mở. Còn nếu trúng một đôi triệu, mình trở nên con người khác… vừa lo lắng, vừa sợ sệt cho tương lai”.

Cảm động nhất là ở câu chuyện “Con gà què”.

Một hôm, Sơn Nam gặp một anh đồng hương làm nghề đạp xích lô, cứ nằng nặc đòi chở ông đi. Anh ta cứ chở đi lòng vòng mãi, mà không nói rõ mục đích làm gì. Hồi lâu, đến lúc dừng lại, anh ta mới ấp úng lật từ nệm xe, khoe với Sơn Nam 3 tấm vé số cặp ba, cùng tờ giấy dò, để biết rằng đó là 3 tờ vé trật. Thế nhưng, anh phu xe nói: “Người ta số 1, còn tôi số ‘dia rô’. Nói thiệt cho thầy thương, hồi tối rồi, tôi thức suốt đêm, không dám báo tin cho vợ tôi biết, sợ vợ tôi buồn rồi tức tối, gia đình tôi đã nghèo lại gặp thêm chuyện buồn thảm. Tôi uống rượu liên miên. Tôi mua cái bao thơ, để dành 3 tấm giấy số đó làm kỷ niệm cuộc đời. Nhích một chút là đời tôi đâu phải như vầy. Từ số ‘dia rô’ nhích qua số 1. Trời ơi! Có một chút xíu mà sao coi bộ khó quá”.

Sau 1975, ông vẫn tiếp tục liền mạch qua nhiều tác phẩm với phong cách độc đáo rất “Sơn Nam”. Và chừng như giấc mơ trúng số của ông vẫn không ngừng nghỉ.

Chẳng hạn, ở tập sách Tuổi Già (Nxb Văn học, 1997) – một trong những tác phẩm cuối cùng của Sơn Nam, ông có những đoạn: “Mua giấy số lai rai, nhưng mươi năm qua chưa thấy ai trúng được bạc triệu! Người giàu nhất ở ven xóm Hố này là… ông chủ trại hòm, ta gọi đó là mặt hàng mua không cần trả giá” (tr. 113), hoặc: “Gần Bích, khi thằng bé bán giấy số đến, người nọ mượn quyển xổ số tỉnh Tây Ninh từ hai ngày trước. Xem sơ qua, xé nát hơn hai chục tấm, ném xuống đất, mua cho thằng bé hai tấm, gọi là xã giao”(tr.123). Một đoạn khá thú vị, khi nhắc đến sự việc thi sĩ Bùi Giáng xuất hiện ở một xóm nhỏ: “Có người nảy ra sáng kiến ‘Giáng’cũng đồng âm với con gián, con rệp. Con gián tương ứng với con nhền nhện, bèn đánh đề lấy số 33, nhưng lại trật lất! Bà con bảo rằng mấy ông thi sĩ làm thơ quá cao siêu, nhưng chẳng ích lợi cụ thể gì cho dân nghèo cả” (tr.113).

Tấm giấy số đời người

Nhiều người cho rằng, khi còn sống, nhà văn Sơn Nam là người nghèo, nhưng khi mất đi, ông trở thành nhà giàu với phần mộ lên đến hơn cả tỉ đồng. Cứ y như trúng số!

sonnam-buttich Thực vậy, tọa lạc ở vị trí đắc địa nhất của khu Nghĩa trang công viên Bình Dương, ngôi mộ của nhà văn Sơn Nam rất bình dị mà độc đáo như tính cách của ông. Toàn bộ đá xây mộ được mua từ Bình Định. Trên phần bia, bên cạnh chữ “Sơn Nam 1926 – 2008”, những người thực hiện đã khắc khuôn mặt của Sơn Nam bằng đá. Theo ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghĩa trang công viên tỉnh Bình Dương, chân dung của nhà văn Sơn Nam được lấy từ một tờ báo có in hình nhà văn đang đi thực tế, mang túi balô nhỏ có ổ bánh mì. Bên ngoài phần mộ, có hai tảng đá to với hai câu thơ: bên trái là “Phong sương mấy độ qua đường phố”, bên phải là “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam đã đồng ý ký tặng xác mình cho Nghĩa trang công viên tỉnh Bình Dương với lý do: “Người ta quý mình thì mình nhận lời thôi”. Để có được “hợp đồng” lạ lùng này, ông Nguyễn Văn Thiền đã gặp nhà văn Sơn Nam và gia đình ông trước ngày ông mất hơn một năm. Ông Nguyễn Văn Thiền không phải là người hâm mộ văn chương của Sơn Nam, chưa từng đọc qua Hương Rừng Cà Mau. Ông chỉ đọc rất ít tác phẩm của Sơn Nam nhưng một số truyện ngắn, một số bài báo của nhà văn đã để lại trong ông một ấn tượng sâu sắc về một con người không cầu vinh lợi, sống giản dị toát ra trong từng câu chữ mộc mạc. Ông Thiền nói: “Khi sống, ông ấy vì mọi người thì khi mất đi, mọi người phải vì ông ấy. Những người như nhà văn Sơn Nam xứng đáng được yên nghỉ ở nơi đàng hoàng tử tế. Đó không chỉ là tâm huyết của tôi mà còn của tập thể mọi người ở Nghĩa trang công viên Bình Dương”.

Phải chăng, đó là tấm giấy số đời người, sinh thời nhà văn Sơn Nam thường đợi chờ, chừ đây mới có được?

Phụ Lục: Sơn nam ở xứ Quảng

sonam-nguyenvanxuan

Sơn Nam và nhà văn Nguyễn Văn Xuân ở Đà Nẵng

Một trong những lần hiếm hoi nhà văn Sơn Nam ghé đến miền Trung và quê hương đất Quảng (cách đây đã hơn 10 năm ) chủ yếu là hành hương, tìm thăm cội nguồn, nền tảng sự nghiệp các chúa Nguyễn và những công thần khai khẩn đất phương Nam.Dù vậy, ông đã dành khá nhiều thời gian riêng tư với người bạn vong niên là nhà “Quảng Nam học” Nguyễn văn Xuân. Tôi không biết, hồi trước 1975 hai nhà văn đã từng gặp gỡ nhau nhiểu lần chưa, nhưng quả nhiên, lúc hai tác giả Khi Những Lưu Dân Trở LạiHương Rừng Cà Mau ngồi bên nhau, ngẫu nhiên chúng ta như được nhìn thấy những trang sách lớn đồ sộ liền mạch, đầy sống động về công cuộc mở rộng, khai khẩn đất đai của người dân nước Việt.

May mắn được tiếp kiến ông, tôi tò mò hỏi: thỉnh thoảng có những bài báo phác họa nên một chân dung Sơn Nam có vẻ nhếch nhác, khổ sở…, điều đó có đúng lắm không? Lúc ấy, nhà văn Sơn Nam cười khà khà bảo: “Hỏi ông Xuân thử!” rồi nói tiếp: “Họ thường viết về tôi như vậy, có lẽ cũng từ lòng tốt mà thôi. Thực ra, họ không hiểu hết về tôi…”.

sonam-trantrungsang

Sơn Nam và tác giả Trần Trung Sáng

Hôm ấy, ngồi ở một quán nhỏ ở đường Lê Lai ( TP Đà Nẵng), bên cạnh nhà văn Sơn Nam, nhà văn Nguyễn văn Xuân cũng cười khà khà khà như ông. Hai ông không bàn thêm về những “ khổ đau” và “hạnh phúc” cuộc đời riêng nữa, mà tán gẫu về những chuyện nguồn gốc phong tục, tập quán, văn hoá, ẩm thực… phát triển từ thời khai mở Đàng Trong đến ngày nay. Chúng tôi mời nhà văn Sơn Nam thưởng thức món ăn bánh nậm của một chị bán hàng rong. Ông thích thú khen ngon, bảo nó rất đặc trưng Quảng Nam và hẹn lần sau trở lại sẽ ăn nữa. Nhưng đâu ai biết được, đó là lần cuối cùng ông ghé đến miền đất này.

Giờ đây, nhà văn Sơn Nam đã về cõi vĩnh hằng. Nhà văn Nguyễn văn Xuân cũng đã ra đi trước đó không xa.

TTS

nguồn damau.org

Không có nhận xét nào: