Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Vấn Đề Khuynh Hướng Trong Tiểu Thuyết Miền Nam 1954 Đến 1973

CAO HUY KHANH

(Đã đăng trên Thời Tập ngày 15-4-1974)

Thời tiền chiến khi viết bộ Nhà Văn Hiện Đại Vũ Ngọc Phan đã tổng cộng được số nhà văn thời đó làm 78 người (1). Con số này được chia một cách không đồng đều cho khoảng thời gian văn học sử trên 30 năm ( từ Trương Vĩnh Ký trở đi cho đến những Nguyễn Tuân, Ngọc Giao, Tô Hoài… nghĩa là từ khoảng 1913 đến 1945). Tuy nhiên cần lưu ý mợt điều quan trọng là Vũ Ngọc Phan đã dùng chữ “nhà văn” theo một nghĩa rộng bao gồm luôn các nhà biên khảo, các thi sĩ, các nhà viết kịch lẫn các nhà viết phóng sự chứ không chỉ giới hạn vào giới tiểu thuyết gia mà thôi (Nhà văn theo nghĩa tôi dùng đây là những người viết văn xuôi hay văn vần…sđd..,quyển 1, tr.13). Ngày nay chữ nhà văn thường được hiểu và chỉ định những nhà viết tiểu thuyết mà thôi ( trong khi đối với các ngành khác thì đã có những từ chỉ định riêng biệt khác ). Do đó xét kỹ lại người ta thấy trong 78 người, Vũ Ngọc Phan chọn thực sự chỉ còn lại khoảng trên 30 tiểu thuyết gia ( số nhà văn này hầu như được tác giả Nhà Văn Hiện Đại tập trung trong hai tập IV và V ).
Bây giờ so sánh con số tổng kết đó với công việc đang được theo đuổi ở đây, người ta dễ dàng ghi nhận một sự kiện trái ngược lại: chỉ trong một khoảng thời gian văn học sử ngắn hơn ( 20 năm so với 30 ) – từ 1954 tới 1973 – chúng ta có một con số kinh khủng: xấp xỉ 200 nhà văn đang hiện diện trên văn đàn ( chưa kể đến vấn đề đánh giá “nhà văn lớn” hay không mà chỉ kể một cách tổng quát tất cả những nhà viết tiểu thuyết cóp sách xuất bản) trong đó có trên dưới 60 nhà văn xứng đáng có giá trị cần phải được đề cập đến kỹ càng hơn cả, dĩ nhiên là vẫn còn theo một thứ tự giá trị nào đó ( Đó cũng là con số phỏng định mà chúng tôi dự định chọn lựa để nghiên cứu ). Sự kiện nổi bật này dĩ nhiên chứng tỏ sự phong phú của nền tiểu thuyết Miền Nam nhưng đồng thời cũng biểu lộ tính chất cực kỳ phức tạp của nó trong vòng 20 năm qua với trên dưới 200 nhà văn ( chưa kể đến số lượng khổng lồ về tác phẩm: con số hàng nghìn!) Tiểu thuyết chúng ta có quá nhiều sắc thái, nhiều tính chất, nhiều đặc điểm khác biệt. Nói rõ hơn tiểu thuyết Miền Nam trong Thời Hiện Đại có quá nhiều khuynh hướng dị biệt chứ không phải chỉ giới hạn trong 10 khuynh hướng chính như sự phân chia của Vũ Ngọc Phan (2). So với ngày nay, trong 10 khuynh hướng do Vũ Ngọc Phan mệnh danh, thì có đến 5 khuynh hướng hầu như không còn dùng được nữa đối với việc nghiên cứu ở đây: đó là những khuynh hướng tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết truyền kỳ, tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết hoạt kê, tiểu thuyết trinh thám. Đến những nhà văn học sử gần đây hơn như LM. Thanh Lãng hay GS.Phạm Thế Ngũ, cũng trong phạm vi nghiên cứu Tiểu Thuyết Tiền Chiến, các ông vẫn chỉ xử dụng một số khuynh hướng có hạn như trên mà thôi. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ dù phương pháp nghiên cứu tuy có đổi khác nhưng đề tài nghiên cứu vẫn còn bị giới hạn vào Thời Tiền Chiến vốn là lúc mà tình trạng sinh hoạt văn học vẫn còn tỏ ra nghèo nàn so với bây giờ, hay nói cho đúng hơn thì tình trạng sinh hoạt đặc biệt về bộ môn Tiểu Thuyết lúc đó không thể nào phong phú và phức tạp như đối với Thời Hiện Đại.
Thực vậy, quan niệm về khuynh hướng nhắc ở trên có thể nói là một quan niệm theo nghĩa rộng chỉ áp dụng được đối với những thời kỳ văn học có nếp sinh hoạt tương đối giản dị, còn riêng đối với những thời kỳ văn học phức tạp ( đôi khi phức tạp quá đến chỗ hỗn độn ) như Thời hiện đại thì không thể dùng được một cách có lợi. Do đó bắt buộc ta phải tìm kiếm một cách giải quyết nào thích ứng và hữu ích hơn. Để cho vấn đề được thong suốt dễ dàng hơn chúng ta đi sâu vào một vài chi tiết sau đây.


Vấn đề phân chia nhóm:
Đây là cách phân chia dễ dãi nhất, nhưng cũng là cách phân chia đứa đến chỗ sai lầm nhất bởi các lý do sau đây:
1/ Trước tiên, áp dụng vào thực tại văn học của Thời Hiện Đại, việc phân chia theo Nhóm ( nói rõ hơn là các Nhóm tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật ) chỉ miễn cưỡng áp dụng được đối với thời kỳ đầu. Trong thời kỳ này nếp sinh hoạt văn học còn đơn giản, số nhà văn còn giới hạn nên thường qui tụ nhất định chung quanh một số ít tạp chí nào đó, tạo nên một số ít Nhóm nhà văn cùng lập trường và đặc biệt là đa số cũng cùng một địa phương tính ( yếu tố địa phương tính này phát sinh bởi những điều kiện hiện tại của thời cuộc sẽ có dịp nói rõ sau ). Có thể nói đây là một tình trạng sinh hoạt khá lý tưởng về phương diện văn học nói chung và về phương diện báo chí nói riêng vì như vậy các Nhóm tạp chí dễ dàng đạt tới sự thuần nhất, một cách tương đối trong lập trường cũng như trong quan niệm sáng tác với sự cộng tác thường xuyên của một số nhà văn “cơ hữu” độc quyền. Đó là trường hợp các Nhóm Sáng Tạo, Bách Khoa, Quan Điểm, Nhân Loại, Văn Nghệ..v..v..trong buổi đầu . Nhưng qua đến thời kỳ sau vấn đề không còn giản dị như thế nữa vì bây giờ, một phần nào ảnh hưởng bởi yếu tố thời cuộc, nếp sinh hoạt văn học trong nước trở nên quá hỗn độn: dù lúc này số tạp chí có nhiều hơn nhưng vẫn không đủ để thâu nhận một số lượng nhà văn đang trên đà tăng gia nên cuối cùng sự thâu nhận đó trở nên dễ dãi để rồi từ đó mọi hình thức kết hợp thành nhóm cũng chỉ còn một giá trị tạm thời. Sự kết hợp giờ đây chỉ có tính chất gượng ép và đôi khi chỉ là sự tình cờ. Có một số nhà văn chỉ cần có báo nhận đăng bài mình, bất kể là báo nào cũng được, họ tỏ ra không quan tâm một cách thái quá đến vấn đề chủ trương và lập trường của tờ báo đó. Chẳng hạn trường hợp những nhà văn nữ như Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng tuy xuất than từ “lò” Bách Khoa nhưng thực sự giữa tác phẩm của họ và những nhà văn nồng cốt trong nhóm, về mặt khuynh hướng, có một khoảng cách khá xa.
Những nhà văn như thế rất dễ bị ghép thành một Nhóm mệnh danh là nhà văn độc lập nghĩa là cùng một lúc họ có thể hiện diện trên nhiều tạp chí có chủ trương hay lập trường dị biệt và đôi khi chống đối lại nhau nữa (3). Cho nên nhóm nhà văn gọi là độc lập chẳng những tỏ ra độc lập ngay chính mỗi cá nhân họ với nhau: Như thế khó mà chấp nhận sự gán ghép dễ dãi và vô ích của sự phân chia theo nhóm vì đây hoàn toàn không phải là một thực tại hiểu theo đúng nghĩa của Nhóm. ( có một chủ trương và lập trường nhất định đã được tuyên bố công khai, có riêng một tạp chí làm nơi quy tụ và làm diễn đàn dung để trình bày và phát huy lý tưởng ). Mặt khác do nhiều lý do còn có một số Nhóm Tạp Chí tuy có chủ trương và lập trường vững nhưng vẫn mau chóng bị tan rã hay biến thái để không còn giữ được bản sắc độc đáo như buổi đầu. Đó là trường hợp các Nhóm Ngàn Khơi, Tiếng Nói, Văn Học ( trong giai đoạn đầu đều do sự điều khiển của Dương Kiền ), Thái Độ. Ngoài ra nên ghi nhận thêm một yếu tố khác đưa đến sự tan rã hoặc làm mất sự thống nhất ban đầu của các nhóm, ấy là thái độ khá ( hay rất thực tế ?) của một số nhà văn vì sự thúc bách cùng quẫn của hoàn cảnh nên không còn hoàn toàn giữ đúng thái độ lý tưởng về cái sứ mệnh ( ôi thiêng liêng ) gọi là làm văn hóa của mình nữa. Một phần nào bởi lý do đó mà trong thời kỳ sau này, đối với đa số nhà văn vấn đề tập họp lại thành một nhóm thuần nhất, dưới một bản hiệu duy nhất, trên một tạp chí cố định để cùng nhau tranh đấu cho một lý tưởng một lập trường văn học đầy ý thức tiến bộ và cao quí như điều mà họ đã từng làm được một cách khá thành công trong thời kỳ trước, đã không còn được đặt ra một cách can đảm và có ý thức, hoặc nếu có thì cũng chỉ được đặt ra một cách yếu ớt mà ít thấy ai hưởng ứng ( ngoài các lý do trên còn một lý do khác khiến người ta không thể dễ dãi chọn lối phân chia tiểu thuyết theo Nhóm được là dù cùng ở một nhóm với nhau, các nhà văn vẫn có thể có những khuynh hướng sáng tác khác biệt nhau nhiều. Các nhà văn cùng nhóm thường được kết hợp trên một căn bản tư tưởng, quan điểm và thái độ, tổng quát nghĩa là họ chỉ đồng ý với nhau về mặt lý thuyết, còn nếu đi sâu vào chi tiết sẽ có khá nhiều điểm khác biệt được lôi ra, nhất là đối với công việc sang tác tiểu thuyết. Họ có thể dễ dàng đồng ý với nhau về những vấn đề văn hóa, xã hội hay chính trị nhưng chưa chắc đã có những ý kiến giống nhau về cách xây dựng một cốt truyện về cách hành văn hay về một thứ luân lý tiểu thuyết nào đó. Do đó mà người ta thấy ngay trong nhóm BÁCH KHOA chẳng hạn, một trong những nhóm được kết hợp tương đối thuần nhất và vững bền nhất trong thời kỳ đầu, vẫn có những khác biệt sâu xa giữa ý nghĩa và giá trị hai loại tiểu thuyết của Võ Phiến và Vũ Hạnh vốn là hai nhà văn nồng cốt của nhóm này. Trong khi đó thì một trường hợp trái ngược lại có thể xảy ra: tuy không cùng một nhóm nhưng một vài nhà văn lại có nhiều điểm tương đồng về lãnh vực sang tác tiểu thuyết hơn là đối với những người bạn cùng nhóm như trường hợp đặc biệt của Duy Lam, một nhà văn xuất thân từ nhóm VĂN HÓA NGÀY NAY nhưng sau đó xem như đã hoàn toàn ly khai ra khỏi nhóm này, ( dĩ nhiên là nói về nghệ thuật viết tiểu thuyết mà thôi ) và từ đó tỏ ra gần gũi hơn với những nhà văn khác không cùng nhóm: ví dụ Duy Lam có vẽ gần gũi với Dương Nghiễm Mậu hơn là với Nhật Tiến chẳng hạn.
Như thế đã rõ rang quan niện phân chia và xếp loại tiểu thuyết theo Nhóm tạp Chí không thể dung được ở đây.


Quan niệm phân chia theo loại văn hay khuynh hướng.
Đây là quan niệm mà Vũ Ngọc Phan cũng như hầu hết các nhà văn học sử V.N thường dùng. Quan niệm này chia tiểu thuyết ra thành một số khuynh hướng có hạn và mượn tạm một số từ ngữ triết học của thế kỷ 18 Tây phương để định danh chúng như các loại tiểu thuyết Tả chân, Hiện thực, Luân lý, Luận đề, Xã hội…tương đương với những thứ chủ nghĩa Duy thực, Duy lý, Đạo đức, Xã hội, Duy nhiên.v.v..bên triết học.
Quan điểm này đến nay vẫn đáng được xem là đúng nhưng chỉ có điều bất tiện là ngày nay xem chừng nó không còn đáp ứng đủ với những đòi hỏi của thực tế nữa, một thực tế ngày càng tỏ ra phức tạp gấp bội. Thực vậy, thực trạng phát triển cực kỳ phong phú của bộ môn tiểu thuyết ngày nay dường như đã vượt qua cái giới hạn thể loại quá ít ỏi (khoảng 10 khuynh hướng) đã được giới phê bình gia thế kỷ 18 và 19 ở Tây phương định đặt sẵn. Chắc chắn với một số khuynh hướng có hạn mà lại được xem như những khuôn mẫu cố định như vậy người ta khó lòng phân biệt được những nét đặc sắc, những điểm khác biệt, những sắc thái riêng, những cá tính độc đáo của một số lượng tác giả và tác phẩm quá nhiều. Bởi vì một khi số lượng tác giả gia tăng tất nhiên số lượng tác phẩm cũng gia tăng theo mà hễ số lượng tác phẩm càng nhiều thì những tính chất những sắc thái những đặc điểm của tác phẩm cũng biến hóa theo để cuối cùng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Đối với một thực trạng tiểu thuyết phong phú và phức tạp như vậy mà chỉ dùng vỏn vẹn có một số ít khuynh hướng kiểu mẫu cố định để mong gói trọn ý nghĩa và giá trị của chúng thì quả thực đó là một việc làm quá dễ dãi và tỏ ra cố tình giản dị hóa sự việc một cách thái quá.
Nói tóm lại những khuynh hướng hay còn gọi là loại văn đã được ấn định sẵn và được áp dụng đúng trong những thế kỷ trước là vì chúng tỏ ra thích ứng với tình trạng sinh hoạt tiểu thuyết còn phôi thai hoặc còn chậm phát triển của những thế kỷ đó; còn riêng đối với tình trạng phát triển mạnh mẽ như hiện tại thì chắc chắn chừng đó khuynh hướng vẫn chưa đủ để phân định những ranh giới cần thiết dùng để phân biệt một tác giả với một tác giả hay phân biệt được những tác phẩm này với những tác phẩm khác. Trong trường hợp hiện tại những khuynh hướng này có ý nghĩa quá rộng rãi nếu đem áp dụng để tìm cách xác định tính chất và thể loại của bất kỳ một cuốn tiểu thuyết nào. Nói cách khác có một số khuynh hướng rất gần gũi nhau khiến khó lòng dùng chúng được, chẳng hạn làm thế nào để phân định hai loại tiểu thuyết, Tả chân hay Hiện thực Xã hội, tiểu thuyết Luận đề và Luân lý tiểu thuyết Phong tục và Xã hội tiểu thuyết, Tâm lý và Tình cảm v.v…Ngoài ra còn trường hợp có những cuốn tiểu thuyết kết hợp lung tung cả những khuynh hướng đó thì làm sao giải quyết ? Hoặc có tác phẩm không nêu lên được một khuynh hướng nào trổi bật cả hay tỏ ra không chịu ép mình tuân theo những khuôn mẫu về khuynh hướng đã vạch sẵn thì sao ? Những vấn nạn này rút cục có thể thu về hai điểm chính sau đây: Một là trong tình trạng hiện tại có thể có nhiều tác phẩm không tìm thấy được cái khuynh hướng thích hợp vừa vặn với mình trong những cái khung đã có sẵn như trường hợp lọai tiểu thuyết mới của Huỳnh Phan Anh hay Nguyễn Quốc Trụ hay trường hợp loại tiểu thuyết có pha trộn đủ màu sắc triết lý khoa học lẫn chính trị của Nguyễn Mạnh Côn. Hai là nếu có tìm được cho mình một khuynh hướng nào đó thì ngay cái khuynh hướng này cũng dường như chưa nói hết được bản sắc độc đáo của tác phẩm, chưa nêu lên được cái giá trị tiêu biểu đặc sắc của mỗi tác giả, không giúp ích cho người ta phân biệt được giá trị chính của các tác phẩm và tác giả mà đôi khi còn gây nên những nhầm lẫn tai hại thí dụ giữa những loại tiểu thuyết cùng có thể gọi là thuộc về khuynh hướng tình cảm của một Võ Hồng và một Ngọc Linh, loại tâm lý của một Võ Phiến và một Túy Hồng, loại luân lý của một Vũ Hạnh và một Lê Tất Điều. Trước những khó khăn nan giải này có lẽ người ta nên xét lại cái phạm vi ý nghĩa quá bao quát của những loại khuynh hướng này.
Ngoài ra còn có một khuyết điểm rất quan trọng nữa, về mặt văn học sữ, của lối phân chia theo loại văn, lối phân chia cố định và cứng nhắc này vô tình đã làm mất đi tính chất sống động cần thiết của một dòng văn học sử quốc gia luôn luôn biến chuyển liên tục, linh động và sống thức. Thực vậy, dòng văn học sử chúng ta, cũng như mọi dòng văn học sử của những quốc gia khác, trong quá khứ đã luôn luôn có những nổ lực vận động để tiến tới hướng về tương lai với những cố gắng liên tục để mỗi ngày mỗi đổi khác mỗi ngày mỗi mới hơn. Đó là lí do giải thích sự kiện những cuộc vận động những trào lưu đổi thay, những vụ bút chíên, những cuộc thoát xác, những hình thức bíên thái, những tranh đấu cách mạng, những đòi hỏi tiến bộ đã không ngớt xãy ra trên mảnh đất văn học của dân tộc chúng ta trong vòng 20 năm gần đây: luồng gió mới Sáng Tạo; chủ trương đem chính trị vào văn chương của các nhóm Quan Điểm và Chỉ Đạo, vụ án Nhất Linh, cuộc hồi sinh của thể văn phóng sự qua ngòi bút Hoàng Hải Thủy (để rồi sau này biến thành loại văn viết "phim" đã từng một thời thịnh hành trên nhật báo) sự xâm lăng ồ ạt của trào lưu triết lý hiện sinh, những "xì căng đan văn nghệ" (!) qua những hoạt động của một Thế Phong, phong trào xã hội cấp tiến phát xuất từ các ảnh hưởng tôn giáo (cả Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo), sự tràn ngập của các loại sách dịch và truyện chưởng trên thị trường chữ nghĩa, cuộc tranh luận gay gắt về "Dấn thân và Viễn mơ"…
Với những biến chuyển lớn và nhỏ, mạnh hay yếu, đôi khi nhiều ít tùy theo hoàn cảnh và thời thế đó, riêng loại văn tiểu thuyết cũng chịu nhiều ảnh hưởng nghĩa là tiểu thuyết chúng ta trong 20 năm qua cũng đã có rất nhiều thay đổi, những hình thức biến thái hay lột xác, về mọi phương diện bút pháp, tư tưởng, kết cấu, thể tài v.v…Nói tóm tắt là ngày nay nhữngn khuynh hướng tiểu thuyết đã không còn giống như trước kia nữa. Vậy mà trên thực tế khi nghiên cứu người ta cũng chỉ có quanh quẩn lui tới chừng ấy khuynh hướng không hơn không kém khiến người ta dễ có cảm tưởng rằng thời nào lúc nào nhà văn ta cũng chỉ có chừng đó chuyện để xào đi xào lại hoài. Thời Tiền Chiến có mấy khuynh hướng thì thời Hiện Đại cũng chỉ lập lại từng đó mà thôi chứ không thấy có gì khác lạ cả.
Tóm lại quan niệm dùng những loại văn tức là những khuynh hướng theo nghĩa rộng để phân chia và sắp loại tiểu thuyết cùng lắm là chỉ có thể dùng để nghiên cứu và phê bình từng tác giả một mà thôi, tuyệt đối không thể áp dụng được trong ngành nghiên cứu Văn học sử. Bởi vì nếu làm như vậy tất nhiên người ta vô tình đã làm một việc mâu thuẫn với chính ý nghĩa đích thực của công việc nghiên cứu mà họ đang theo đuổi tức là đã bỏ quên và đánh mất tính chất sống động trường cửu của bất cứ dòng văn học sử nào. Đấy mới chính là mục đích chính yếu nhất của mọi công trình nghiên cứu loại này: Văn học sử trình bầy lại cho thấy, một cách đầy đủ và chính xác, nếp sinh hoạt vận động và sống thực về mặt văn học của một quốc gia, từ đó cũng là đồng thời khám phá và mô tả cho thấy cái tiềm năng sáng tác, cái sinh lực sáng tạo về đường tinh thần của một dân tộc. Mà chính cái nếp sinh hoạt văn học đó là cái gì phản ảnh cuộc sống xã hội củ quốc gia đó cũng như chính cái tiềm năng và sinh lực sáng tạo kia cũng là cái gì đã góp phần biểu dương lên được sức mạnh tinh thần, sức sống của dân tộc đó vậy.
______
(1) Vũ Ngọc Phan: Nhà Văn Hiện Đại, quyển 4 tập hạ, xb Vĩnh Thịnh, Hà nội 1951, trang 248.
(2)Nói về các khuynh hướng tiểu thuyết, Vũ Ngọc Phan gọi là những “ Loại tiểu thuyết” và lúc đần ông chia làm 8 loại ( quyển 1- Lời Nói Đầu ) nhưng về sau khi áp dụng thực sự vào sách thì ông lại thêm vào 2 loại khác nữa ( quyển IV và V), tổng cộng là “10 loại” tiểu thuyết tất cả. ( CHK)
(3) Ví dụ trường hợp Trần Hoài Thư, Ngụy Ngữ có truyện đăng trên Vấn Đề, Văn lẫn Bách Khoa và cả trên Trình bày, Đối Diện nữa.
(Chú thích của TQBT: Nhà văn THT không hề viết cho Đối Diện. Xin nói lại cho đúng).


(Trích lại từ www.damau.org)

Không có nhận xét nào: