Kỳ 74 – 13.6.2011 (Trích đăng từ 1.1.2010)
741 - Vũ Thanh Hải
ĐẤU TRANH “TRÁNH ĐÂU”
Nông dân sinh tại Vĩnh Phúc. Sống ở Vĩnh Phúc (2010).
Năm 1971 nhập ngũ vào binh chủng tăng – thiết giáp chiến đấu ở miền Nam. Được kết nạp Đảng, được tặng thưởng 3 huân huy chương vì chiến công đánh Mỹ.
Năm 1994 xuất ngũ thương binh hạng 2.
Về quê Vĩnh Phúc được bầu làm trưởng thôn thuộc xã Tiền Phong, huyện Mê Linh.
Đầu năm 1999 đứng ra đấu tranh với một số cán bộ chủ chốt cấp xã có hành vị tiêu cực sai trái lạm dụng chức quyền gây hại cho người dân. Đấu tranh từ xã lên tới cấp huyện, kết quả được cấp trên ủng hộ đưa các ông quan xã bậy bạ đó ra tòa lãnh án
Nhưng bù lại ở địa phương, bản thân bắt đầu bị nội bộ tay chân quan chức cũ còn lại tìm cách o ép, hãm hại vu cho tội gây mất đoàn kết nội bộ để… khai trừ Đảng!
Lại phải bắt đầu một cuộc chiến đấu mới đòi lại đảng tịch hết sức gian nan mệt mỏi vẫn chưa biết bao giờ có có đoạn kết.
742 - Vũ Thành
BEETHOVEN VIỆT NAM
Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ sinh 1926 tại Hà Nội – Mất 1987 ở Mỹ (62 tuổi).
Là nhạc sĩ trong thế hệ tiên phong làng nhạc VN từng nổi tiếng từ thời Tiền chiến, chuyên về hòa âm và chơi nhạc phòng trà hiếm hoi thời đó, có lúc làm nhạc trưởng ở Đài Hà Nội thời Pháp.
Năm 1954 di cư vào Nam gia nhập quân đội VNCH làm tới chức trung tá trưởng đoàn quân nhạc, trưởng ban văn nghệ đài phát thanh, 3 năm liền nhận giải thưởng âm nhạc của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Chuyên về nhạc thính phòng, đại hòa tấu, chỉ huy dàn nhạc từng tổ chức hòa âm cho 200 ca khúc xuất sắc để phổ biến công chúng miền Nam. Sáng tác không nhiều khoảng 20 bài đều theo khuynh hướng nhạc thính phòng cao cấp trong đó nhiều bài không lời. Nhạc có lời chỉ khoảng 5 bản song đều đạt chất lượng trình độ cao gồm”Giấc mơ hồi hương”, “Nhặt cánh sao rơi”, Gửi áng mây hàng”…
Biến cố 30.4.75 di tản qua Mỹ rút vào đời sống ẩn dật.
Về già mắc một số chứng bệnh ảnh hưởng từ môi trường nhạc giao hưởng, đại hòa tấu gần giống như thiên tài Đức Beethoven: Tai bị điếc, hư thanh quản nói không ra tiếng, đã vậy mắt mờ phải bịt giải băng đen chéo ngang mặt. Nhưng gặp bạn tri âm vẫn nói thều thào nghe tiếng được tiếng không vẫn xoay quanh chủ đề… âm nhạc muôn đời!
743 - Vũ Thành An
TỪ NHỮNG “BÀI KHÔNG TÊN” ĐẾN NHỮNG “BÀI NHÂN BẢN”
Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ sinh 1943 tại Nam Định. Sống ở Mỹ (2011).
Tác giả của loạt ca khúc những “Bài không tên” nổi tiếng thập niên 60-70 ở Miền Nam, một số bài chủ lực bắt đầu viết từ 1963 xuất phát từ hoài niệm các cuộc tình tan vỡ của mình.
Làm phóng viên Đài Phát thanh Sài Gòn rồi bị gọi đi lính sĩ quan trường Thủ Đức năm 1967. Ra trường về lại đài phụ trách chương trình văn nghệ cùng một số chức vụ khá quá trọng ở đài. Lập gia đình 1969.
Sau 75 do làm quan chức đài phát thanh nên phải trải qua 10 năm cải tạo. Chính trong thời gian cải tạo đã mở ra cho mình một con đường hoàn toàn mới: Tìm đến với đạo Thiên Chúa, rửa tội trong tù sau khi nhờ một linh mục chỉ cách đọc kinh để quên đời mới dứt được căn bệnh kinh niên mất ngủ. Từ đó năm 1981 bắt đầu viết thánh ca từ trong tù.
Năm 1985 trở về thì vợ đã chia tay phải một mình “gà trống nuôi con.” Năm 1987 lấy vợ mới.
Đến 1991 mới qua Mỹ.
Sau khi qua Mỹ có bị tố cáo là trong trại cải tạo đã tỏ thái độ “đầu hàng cộng sản” được cho làm tổ trưởng khiến phải lên tiếng “xin lỗi”!
Ở Mỹ có làm thêm vài tình khúc sở trường -- “Bài không tên cuối cùng tiếp nối”, “Đời đá vàng”… -- và in tập “Vũ Thành An tình khúc toàn tập” gồm 40 bài không tên, 13 tình khúc “có tên”, 40 nhạc khúc phổ thơ.
Đến năm 2000 chính thức nói lời từ giã với thể loại tình ca bằng một đêm trình diễn tình ca cuối cùng để bước vào hành trình tu tập (học cao học thần học) để làm Trợ tế đạo Thiên Chúa, một chức mục vụ dành cho tín đồ phụ việc linh mục giống như cư sĩ bên đạo Phật. Đồng thời cũng từ đó chuyển sáng tác của mình qua một hướng khác là viết nhạc đạo là những “bài nhân bản” của thế giới tâm linh đưa tinh thần Phúc âm vào đó: “Năm 1966 tôi đã hứa rằng sẽ không viết nhạc tình nữa để dành thời gian và tâm sức vào con đường tâm linh đã chọn.” Thay nhạc tình bằng những tuyên ngôn mới như:
“Từ đầu trời cuối đất ta đã là người nhà
Về đầu trời cuối đất ta vẫn một mẹ cha
Hãy xích lại đây chắp tay nguyện cầu…”
(Bài “Nhân bản 1” năm 1983).
Những tuyên ngôn mới về niềm tin tôn giáo được “nhạc hóa” có vẻ không thành công lắm bằng các tình khúc xưa, bù lại năm 2001 được phong chức Phó tế Đạo Thiên Chúa ở tổng giáo phận Portland. Song song vẫn làm đài phát thanh hải ngoại và ngoài ra còn tham gia lập Quỹ cứu trợ Teresa năm 2003 nhằm giúp đỡ cứu trợ người già neo đơn ở VN.
744 - Vũ Thị Lưu
CÒN HƠN NHIỀU “EM HIỀN NHƯ MA SOEUR”
Nông dân sinh khoảng 1945 tại miền Bắc. Sống ở Đồng Nai (2011).
Trước 75 từ Vũng Tàu cả 3 chị em đều đi tu dòng Thiên Chúa, riêng mình tu học ở Cần Thơ.
Trong một dịp về vùng quê quen một thương phế binh chế độ Sài Gòn tín đồ cùng đạo bị mù và què phải đi đánh đàn bến xe độ nhật.
Sinh lòng thương cảm mới tình nguyện lấy làm chồng dù gặp sự phản đối của cả gia đình lẫn đồng đạo, thậm chí còn cho là mình bị “bỏ bùa”! Nhưng vẫn dũng cảm chấp nhận cởi áo nữ tu đi theo tiếng gọi của niềm tin tôn giáo chân chính, xem như đây là một cách làm theo lời Chúa dạy đi tu không chỉ là sống trong tháp ngà lý thuyết mà cần hướng ra cuộc đời bên ngoài trải lòng hy sinh phục vụ con người.
Đưa chồng về quê chồng ở Long Xuyên làm thợ may và làm mắm đem bán chợ nuôi chồng (chồng chưa kịp hoàn tất hồ sơ thương binh lãnh tiền phụ cấp chế độ cũ thì giải phóng).
Sau 1975, gia đình chồng vượt biên bỏ 2 vợ chồng ở lại nên phải đưa chồng về Vũng Tàu nhờ mẹ thương tình cho một mảnh đất ở xa làm nhà tạm mà ở (không dám cho ở gần sợ bị hàng xóm dị nghị), buôn bán vặt sống lây lất qua ngày.
Một thời gian sau, gia đình chồng gửi tiền về trợ giúp mua được mảnh đất ở Long Thành (Đồng Nai) dời về sinh sống tránh xa những ai quen biết thường tiếng ra tiếng vào chê bai dân “bỏ đạo”. Nhưng vẫn tạo dựng được mái ấm gia đình hạnh phúc đầm ấm, sinh được 3 trai ngoan khôi ngô đĩnh đạc.
Mẹ chồng còn làm giấy bảo lãnh qua Mỹ song tuy đã làm xong hồ sơ, cuối cùng người chồng thương phế binh lại quyết định không đi nữa như một cách cảm tạ ơn Thiên Chúa đã cho mình được hưởng phước lành nơi đây rồi mà nếu đi nơi khác chưa chắc gì đã được như vậy!
Năm 2006 chồng qua đời. Bây giờ con cái đã trưởng thành ra đời làm ăn đàng hoàng lấy vợ sinh cháu cho mình ẵm bồng, lòng càng thanh thản với niềm tin sống đạo giữa lòng nhân gian dù gian khó nhưng mới cao quý biết dường nào.
745 - Vũ Thị Minh Nghĩa
CHỊ “NĂM KHÙNG”
Bộ đội về hưu sinh 1952 tại Thái Bình. Sống ở Bình Dương (2011).
Gia đình nông dân, học chỉ mới tới lớp 7. Năm 1930 vào bộ đội chiến đấu trên chiến trường miền đông Nam bộ từ Long An đến Sông Bé, Tây Ninh. Làm y tá nên từng nhiều lần tự tay đào hố chôn xác đồng đội.
Sau 1975 về Hải Hưng sống, lấy chồng từng là lính lái xe Trường Sơn, sinh được 2 trai 2 gái. Năm 1978 được cho đi học Đại học Y ở Thái Bình
Năm 1992 được cho nghỉ mất sức hàm thượng úy.
Sau khi về hưu, gia đình ổn định con cái đã khôn lớn bỗng nhiên nằm ngủ thường gặp ác mộng mơ thấy cảnh đồng đội hy sinh thịt nát xương tan thê thảm mà nay không tìm thấy được, không biết lưu lạc về đâu. Tiếp đó mắc chứng đau đầu kinh niên không sao chữa khỏi dẫn đến một cơn bệnh nặng tới mức chết lâm sàng 12 tiếng đồng hồ rồi đột nhiên tỉnh dậy sống lại!
Từ đó phát sinh ra khả năng ngoại cảm có thể tiếp xúc với ngườøi “thế giới bên kia” chủ yếu là liệt sĩ đồng đội cũ về báo tin hài cốt mình hiện ở đâu. Nhiều người không tin mới gọi là mụ “Nghĩa điên”!
Bất chấp tất cả, năm 1985 một mình lên đường làm một cuộc “hành quân” mới quay lại chiến trường cũ Tây Ninh (và qua cả huyện Campuchia giáp ranh) để truy tìm hài cốt đồng đội.
Với bộ quân phục bạc màu đầu đội khăn rằn kiểu bà má Nam bộ mình từng quen trong chiến khu thời chiến tranh, mang theo ba lô đựng hành lý gạo, mì sợi, mắm muối và một cột vải ny lông tự lặn lội vào những cánh rừng xưa tìm bốc mộ đồng đội. Ở lại đó hàng tháng trời ròng rã, tìm được mộ thì cuốc lên nhưng đến phần hài cốt thì bỏ cuốc “sợ làm đau xương cốt bạn” mà phải dùng tay bới lên, xong dùng vải ny lông gói lại và đem về quy tập tạm trong một hang đá để lại tiếp tục tìm mộ khác. Hết gạo, mì sợi để ăn thì đào củ mài, hái lá tàu bay, trái cây lót dạ như bộ đội thời gian khổ trước kia, “tranh ăn” với cả… khỉ trong rừng!
Khi đã gom được kha khá bộ hài cốt – có ngày đào được 15-20 bộ hài cốt, có tuần khai quật được 54 bộ hài cốt tập thể thuộc một đại đội tử trận năm 1964 -- thì bỏ vào ba lô đeo sau lưng và trước ngực (hoặc bó lại từng bó gánh đi) đưa ra thị trấn ra khỏi rừng, lội quá suối thì phải đội tất cả lên đầu để tránh làm ướt hài cốt dù bản thân người gầy gò như con mắm. Đưa tất cả về chứa trong một căn nhà ở Bình Dương do một gia đình liệt sĩ cho mượn ở nhờ. Sau đó mới tìm truy ra tông tích gửi thư cho gia đình đến nhận (cả kỷ vật tìm thấy kèm theo) hoặc xin quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Hoàn toàn làm không công, không ai tài trợ, không nhận tiền của ai kể cả tư nhân lẫn chính quyền.
Hài cốt chồng chất cả nhà, sống chung với hài cốt tự nhiên như không, có lúc hài cốt nhiều quá bày ra chật cả nhà khiến mình phải mắc võng mà ngủ! Nhiều người nhìn thấy sợ quá không dám héo lánh tới, mới đặt tên cho là bà “Năm khùng” (vì là con út thứ năm).
Đến năm 1999 một nhà hảo tâm khác thấy hài cốt bề bộn quá nhà gần hết chỗ chứa mới giúp tiền và đất cho lập một “nghĩa trang tình thương” ỏ Vũng Tàu để tạm thời chôn hài cốt nào chưa có người nhận gồm khoảng 600 mộ có dựng bia đàng hoàng (tính đến năm 2000).
Nơi đây vừa là nghĩa trang vừa là nhà ở cũng là địa chỉ để thân nhân liệt sĩ liên hệ nhận hài cốt hoặc nhờ mình tiếp tục tìm mộ người thân bộ đội mất tích. Cho nên ở nhà mỗi tháng chỉ vài ngày rồi lại lên đường vào rừng góp nhặt hài cốt còn sót lại, công việc nghĩa trang giao cho con cái trông nom.
Bây giờ thì bà “Năm khùng” trở thành chị “Năm Nghĩa”: “Nghĩa” là tên tục mà cũng là ý nghĩa việc làm của người đàn bà lạ lùng với tâm nguyện: “Mong làm sao các đồng chí được trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình, có một nấm mồ để cho người thân thắp nén hương tỏ lòng thành trong những ngày lễ tết ấm lòng người nơi chín suối. Nhiều đồng chí trên 30 năm, 40 năm, thậm chí 50 năm mới được trở về gia đình, đó là niềm vui nhất của tôi.”
746 - Vũ Trọng Nhượng
“NGƯỜI NHÁI” LÊN BỜ BÓ TAY
Nông dân sinh 1944 tại Hải Phòng. Sống ở Nha Trang (2002).
Nhập ngũ năm 1964 vào thẳng binh chủng hải quân ngay do thể hình tự nhiên có sẵn tứ chi to dài khác thường rất phù hợp nghề bơi lặn. Sau đó nhanh chóng được đào tạo làm trinh sát đặc công biển, một đơn vị mới tương tự “người nhái” của hải quân VNCH (theo huấn luyện kiểu Mỹ).
Năm 1967 được chuyển vào chiến trường Nha Trang chuyên đặt mìn phá nổ tàu Mỹ lập nhiều chiến công vang dội trong đó có trận đánh chìm tàu Mỹ chứa vũ khí và chất độc hóa học năm 1969. Năm 1973 bị thương nặng đồng đội tưởng đã hy sinh rồi.
Sau chiến tranh, năm 1976 lấy vợ là một cô giáo thôn nữ Khánh Hòa .
Năm 1979 đang làm nhiệm vụ ở Gia Lai thì lên cơn động kinh nguy hiểm do hậu quả bị nhiễm chất độc hóa học (có thể cả CĐDC) trên tàu địch năm xưa. Sau đó sức khỏe suy kiệt nên đành làm đơn về hưu non hàm đại úy.
Từ đó ở lại luôn quê vợ Diên Khánh làm ruộng, sinh đến 7 con trong đó đứa con trai út còn bị di chứng từ cha khiến mới sinh ra đã bị lệch 2 mắt mà thị lực lại kém. Cuộc sống thời hậu chiến ngày càng khó khăn nên vợ phải nghỉ dạy ở nhà lo nuôi chồng con nheo nhóc.
Bản thân mình bệnh hoạn – bệnh mất ngủ triền miên -- chẳng đỡ đần gì cho vợ được bao nhiêu, tiền hưu phải chu cấp cho bố mẹ ở xa trong khi thẻ thương binh chưa làm được do… không có tiền đi làm thủ tục nhiêu khê.
Đồng đội có biết chuyện lúc đó cũng chỉ còn biết thở dài cám cảnh “Anh hùng nhất mà cũng là người thua thiệt nhất”!
747 - Vũ Văn Tỵ
VỢ CHỒNG XE LĂN
Lao động nghèo sinh tại Bình Dương. Sống ở TPHCM (2010).
Năm 1974 trong một lần chạy nạn chiến tranh bị trúng mảnh bom cụt chân trái.
Sau khi hòa bình lập lại, lấy vợ nhưng bản thân bị tàn tật lại gặp cảnh đời sống khó khăn thời hậu chiến nên không bao lâu gia đình lục đục. Nhân lúc mình lên Sài Gòn tìm việc làm, vợ đã lén bán nhà ôm tiền đi mất!
Thế là trở thành người vô gia cư chống gậy khập khiễng đi bán vé số mưu sinh trên đường phố TPHCM.
Trên con đường lầm lũi kiếm sống đó tình cờ lại gặp được một nữ đồng nghiệp gốc Nghệ An cũng gặp cảnh đời còn không may hơn cả mình mới 7 tháng tuổi đã bị sốt bại liệt nửa người nay ngồi xe lăn giong ruỗi trên dặm đường vé số. Hai mảnh đời bất hạnh gặp nhau tình nguyện chắp nối mong tìm kiếm được chút hạnh phúc nhỏ nhoi.
Đó là hạnh phúc quá giản đơn mỗi sáng ông dìu bà xuống gác rồi 2 người 2 xe lăn lên đường đi bán vé số, tối mịt mới về ông cõng bà lên gác, căn gác chỉ rộng 8m2 trong hẻm nhỏ: “Trải qua bao nhiêu mất mát giờ đây thật sự tôi mới càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.”
Cả 2 đã tàn tật một người phải lết đi một người còn một chân đi không vững lên xuống gác cực quá sao không ở tầng trệt cho khỏe hơn? Trả lời cũng quá đơn giản là ở dưới không đủ tiền thuê nhưng “Ở thế này là tốt lắm rồi, không còn mong gì hơn nữa.”
748 - Vũ Văn Xoan
THƯƠNG BINH “NÁT NGƯỜI” VẪN VÔ ĐỊCH BÓNG BÀN
Thương binh sinh tại Hải Dương. Sống ở Hải Dương (2007).
Năm 1972 trên chiến trường Quảng Trị đã bị thương gần như “nát người” với 47 vết thương tất cả: Cụt cánh tay phải, nát hết chân phải, gãy chân trái, cụt cánh tay trái, xương lưng và cột sống bị tổn thương, lủng ngực xuyên đến bả vai, vỡ xương vai trái… Qua vô số lần giải phẫu vẫn còn sót lại trong người 6 mảnh đạn nằm chỗ hiểm không thể lấùy ra được.
Vậy nhưng từ khi còn nằm viện đã tự tập để chống nạng đi lại được, về nhà tự tập đi xe đạp. Và tìm thấy ở thể thao một cách rèn luyện phục hồi để mình có thể sinh hoạt như người bình thường. Chủ yếu tập trung vào môn bóng bàn.
Bắt đầu dự từ Đại hội Thể thao Người khuyết tật lần thứ nhất 1997 tổ chức ngay tại vùng đất máu lửa Quảng Trị năm xưa, đến Đại hội 1998 đã vượt lên giành chức vô địch đơn nam bóng bàn. Thừa thắng xông lên chiếm thêm 14 HCV khác trong đó có 1 HCV Đông Nam Á, 4 HCV quốc gia… Nhờ đó - tự khoe – 10 năm qua chưa hề tốn một đồng tiền thuốc chữa bệnh!
749 - Vương Kiều
“KẺ HÀNH HƯƠNG” BẤT ĐẮC DĨ
Nhà thơ tên thật Trần Vĩnh Tựu sinh 1950 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TPHCM (2011).
Khi còn là học sinh cấp 2 ở Huế đã tham gia hoạt động cộng sản chống chế độ Ngô Đình Diệm.
Trong trận chiến Mậu Thân 1968 trở thành du kích có mặt trong đoàn quân chiếm đóng Huế. Được sau khi Việt Cộng rút đi đã bị bắt giam nhà tù chế độ cũ.
Một thời gian sau được thả ra nhưng do không bắt được liên lạc với cơ sở cũ và sợ tiếp tục bị mật vụ chế độ Sài Gòn truy lùng nên tìm đường lánh nạn… đi tu thành sư khất thực trốn lên Đà Lạt nương nhờ cửa chùa.
Sau 75 xem như được thoát nạn đã xuất hiện trở lại tham gia chính quyền mới được phân công phụ trách một bến xe. Nhưng được thời gian ngắn thì bỗng nhiên bị bắt lần nữa bởi chính quyền cộng sản đưa về thụ án ở Huế!
Ở tù một thời gian rồi được thả ra làm nghề lao động không sống nổi mới tìm đường vào Sài Gòn làm vài nghề tiểu thủ công nghiệp với bạn bè đắp đổi qua ngày vẫn không khá.
May sao rồi sau cùng cũng thấy được ánh sáng cuối đường hầm nhờ lấy vợ cùng quê có anh em vượt biên qua Đức gửi tiền về giúp đỡ. Thế là có vốn để lập nên một dạng đại lý du lịch phục vụ khách nước ngoài vào hàng đầu tiên ở VN làm ăn khấm khá giữa những năm 90. Từ đó nhanh chóng trở thành là một “đại gia” kiểu mới, một trong số ít người đầu tiên xài máy nhắn tin đeo nịt ngang hông kêu “tít tít”! Còn bỏ tiền in 2 tập thơ hoành tráng nữa.
Nhưng bỗng nhiên tất cả cơ ngơi, sự nghiệp đổ sập xuống tan tành như lâu đài xây trên cát vì tội… đèo bòng vợ bé khiến vợ lớn nổi giận hạ lệnh “cắt” toàn bộ! Đành chấp nhận thương đau vì nỗi cần con nối dõi mà vợ lớn không sinh được.
Thế là từ đó lại trở về với con số 0 to tướng sau bao lần lên voi xuống chó. Bấy giờ phải nai thân ra chạy chọt làm đủ thứ nghề – kể cả làm chuyện không hay bất đắc dĩ – để cáng đáng chuyện vợ con (may quá sinh được con đúng là con trai!). Có lúc định mang cả gia đình về quê Huế mở tiệm in lụa làm kế sinh nhai nhưng mới thấy công an xã hỏi thăm sức khoẻ sơ sơ – chỉ vô tình thôi - đã chột dạ lập tức bỏ của chạy lấy người!
Lại quay về TPHCM bôn ba đủ thứ việc song nay không còn cơ sở vật chất để gầy dựng lại cơ đồ khiến lâm vào cảnh đời sống khó khăn đưa tới năm 2010 vợ – vợ sau – bỏ đi để lại cho mình cảnh gà trống nuôi con càng lao đao vất vả cay đắng mùi đời một người từng lên cao tột đỉnh vật chất đột nhiên bị kéo tuột xuống gần đáy xã hội.
Chỉ còn niềm an ủi tự ru mình vào những giấc mơ khát vọng ở gần biên giới hoang tưởng chắc không bao giờ thành sự thật tìm lại được:
“Như kẻ hành hương đi qua sa mạc
Tôi uống nỗi buồn cho cơn khát dịu tan
Tội nghiệp cho tôi
Kẻ hành hương đi qua sa mạc
Tìm niềm vui trong cơn khát đời mình
……..
Tôi gom hết nỗi buồn này
Nhìn về trăm năm và hỏi vọng trời xanh
Trời xanh cao con người bé nhỏ
Con người đi trong cơn khát đời mình.”
(Kẻ hành hương).
750 - Vương Tấn Thơm
LIỆT SĨ SỐNG LẠI 32
Nông dân còn tên Nguyễn Hữu Nghị sinh 1945 tại Quảng Ngãi. Sống ở Quảng Ngãi (2002).
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ sống với ông bác. Sống khổ quá nên theo cộng sản lên núi, đến năm 1964 được đưa ra Bắc đào tạo.
Đầu năm 1973 mang lon thiếu úy bộ đội quay lại chiến trường quê hương Quảng Ngãi. Không được bao lâu thì trong một trận đánh bị địch phục kích trúng đạn vào đầu ngất trên trận địa đồng đội tưởng đã mất tích hoặc chết rồi.
Không ngờ sau đó được đồng bào dân tộc Cor cứu mang về giao cho một bà mẹ dân tộc nuôi rồi gã con gái vừa đi thanh niên xung phong đường Trường Sơn về. Nhưng trí nhớ không hồi phục đầy đủ, quên cả gốc gác tên tuổi nên sau đó được đặt tên khác Nguyễn Hữu Nghị.
Vì vậy ở quê nhà cuối năm 1973 được chính thức phong liệt sĩ.
Năm 1977 dần nhớ lại được lai lịch mình bèn tìm về quê mới biết lâu nay gia dình ông bác đã lãnh tiền trợ cấp liệt sĩ của mình nên thấy không nỡ công khai sự thật rằng mình… chưa chế! Đành buồn tủi lủi thủi quay về quê vợ sống đời người dân tộc trên núi rừng vùng cao không quay về quê cũ nữa. Mà muốn về lại cũng không làm nổi bởi đẻ đến 9 đứa con, cả 2 vợ chồng làm cật lực vừa làm ruộng khô vừa đốt rẩy làm than cũng chưa đủ cái ăn.
Mãi đến năm 1998 sự thật mới tình cờ được phát hiện khi mình gặp một đoàn cán bộ huyện lên vùng núi này đi tìm hài cốt liệt sĩ mới hỏi thăm tin tức gia đình ông bác (đã mất 3 năm rồi). Khi đó người ta đi tìm liệt sĩ “thật” đâu không thấy mà lại thấy sờ sờ đó một liệt sĩ “giả”!
Nhưng từ đó đến việc làm hồ sơ thương binh là cả một chặng đường gian nan chưa biết bao giờ mới xong vì thời gian trôi qua lâu rồi mà giấy tờ, hồ sơ rơi rớt thất lạc hết rồi. Chỉ được cấp cho một nhà tình thương nhanh chóng xuống cấp tứ bề tơi tả cần 3 triệu đồng để sửa mái cho mưa khỏi dột mà chẳng biết lấy đâu ra, xin ai bây giờ…
(Còn tiếp)
http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-ki-74
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét