Kỳ 73 – 6.6.2011 (Trích đăng từ 1.1.2010)
731 - Vũ Đình Lưu
“BẢO TÀNG KỶ VẬT CHIẾN TRANH”
Cán bộ về hưu sinh 1945 tại Nam Định. Sống ở Nam Định (2010).
Năm 1969 vào bộ đội đi Nam chiến đấu làm chiến sĩ rồi đại đội trưởng trinh sát.
Năm 1974 bị thương nặng nên được cho xuất ngũ.
Sau 1975 làm cán bộ ngành xăng dầu ở Đà Nẵng. Năm 1991 xin về quê hương Nam Định làm ngành xuất nhập khẩu.
Năm 2004 về hưu mới làm một chuyến vào Nam tìm về thăm lại chiến trường xưa. Trong một lần như thế tình cờ đào được mấy kỷ vật cũ của mình và đồng đội thời chiến đấu máu lửa ngày xưa, từ đó nảy sinh ý định sưu tầm các kỷ vật chiến tranh một thời đã qua.
Để làm việc đó đã không ngại vất vả, hao tốn tiền bạc để đi khắp các chiến trường, tỉnh thành từ miền Trung vào Nam bộ rồi lên Tây nguyên, qua cả đất Lào để truy tìm đủ mọi loại hiện vật chứng tích chiến tranh thời đánh Mỹ. Từ những viên đạn, khẩu súng, lựu đạn, võng bộ đội, áo trấn thủ, nhật ký chiến trường, sổ ghi chép hành quân, thư bộ đội đếùn các loại dao găm, mã tấu, cung nõ của đồng bào dân tộc….
Năm 2007 khi đã gom được kha khá kỷ vật liền tập trung “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” trưng bày tại nhà.
Từ đó, bảo tàng tư nhân đầu tiên trong tỉnh này được nhiều đồng đội, bạn bè và cả học sinh sinh viên tìm đến tham quan. Sau đó được mọi người hưởng ứng đem tặng thêm vô số kỷ vật tương tự, đến nay con số kỷ vật tại bảo tàng đã lên đến khoảng 1.000 món. Tất cả đều được chú thích kỹ càng phía dưới về nguồn gốc xuất xứ, quá trình tồn tại kèm hồ sơ chi tiết mỗi món.
Bản thân kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên giới thiệu với khách tham quan: “Mỗi kỷ vật như vậy đều mang một ý nghĩa riêng, gắn liền với mỗi con người cụ thể, mỗi số phận trải qua trong chiến tranh mà đa số chủ nhân chúng đã không còn, rất đáng được nâng niu, trân trọng…”
732 - Vũ Đức Sao Biển
NHẠC SĨ “KIM DUNG HỌC”
Nhạc sĩ, nhà báo tên thật Võ Hợi sinh 1948 tại Quảng Nam. Sống ở TPHCM (2011).
Lớn lên vào Sài Gòn học ĐH Sư phạm tốt nghiệp ngành văn ra trường về Bạc Liêu dạy học.
Năm 1970 bị gọi đi lính trường sĩ quan Thủ Đức nhưng ra trường được cho về dạy học lại gọi là “giáo viên biệt phái”.
Từ năm 1968 đã bắt đầu viết nhạc nhưng chỉ là nghề tay trái chưa có tiếng tăm bao nhiêu.
Sau 75 bị bắt đi cải tạo thời gian ngắn ở Bạc Liêu vì dính mác “sĩ quan biệt phái” và phần khác do có tham gia dạy hát cho tổ chức xây dựng nông thôn của chế độ cũ.
Sau khi được trả tự do quay về TPHCM xin đi dạy học lại ở Nhà Bè. Rồi nhờ người quen đồng hương đưa vào làm báo Công an TPHCM. Từ đây có điều kiện thuận lợi phát huy hết mọi khả năng trở thành một nghệ sĩ đa năng.
Về báo chí là một phóng viên viết phóng sự cứng tay có nghề (sau đó qua báo Thanh Niên, Pháp luật Thành phố), ngoài ra còn tham gia viết loại tiểu phẩm cho báo Cười Tuổi Trẻ (bút danh Đồ Bì, đã in nhiều tập).
Về âm nhạc, ca khúc “Thu hát cho người” sáng tác trước 75 theo phong cách âm hưởng nhạc trữ tình lãng mạn cũ nay được dựng lại đạt thành công gây tiếng vang cùng với một số bài hát mang chất dân ca Nam bộ như “Điệu buồn phương Nam”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”…
Về thể loại sách biên khảo, tập trung nghiên cứu về tác giả tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung của Hong Kong rất thịnh hành tại miền Nam trước 75, in tất cả 6 cuốn về chủ đề này với tham vọng trở thành nhà “Kim Dung học” VN đầu tiên.
733 - Vũ Đức Tảo
“ĐẦU ĐƯỜNG ĐẠI TÁ VÁ XE”
Sĩ quan bộ đội về hưu sinh 1928. Sống ở TPHCM (2008).
“Đại tá vá xe” đầu đường đã là may bởi đây là trung tá rơi vào cảnh cả gia đình không hộ khẩu, không có đất cắm dùi phải sống lang thang rày đây mai đó lây lất tạm bợ qua ngày!
Thuộc gia đình cách mạng cốt cán có 2 anh và 1 em trai liệt sĩ, mẹ từng được đề nghị phong Bà mẹ VN anh hùng, bản thân tham gia 2 cuộc kháng chiến.
Năm 1977 ra quân hàm trung tá thương binh 2/4. Liền tình nguyện đưa gia đình lên vùng kinh tế mới của tỉnh Đồng Nai.
Nhưng năm 1981 vùng kinh tế mới này không đạt hiệu quả kinh tế nên bị giải thể khiến cả gia đình lâm vào cảnh… không biết về đâu vì nhà cửa chỗ cũ đã bán đứt rồi!
Đành tìm đến TPHCM ở nhờ nhà một đồng đội cũ. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn thì chủ nhà bán nhà đi tỉnh khác nên lại phải dắt vợ con đi sống đời vô định kiểu gần như dân bụi đời trên vỉa hè, dưới gầm cầu, nơi bến xe, bến cảng. Tình cảnh không hộ khẩu còn khiến cơ quan thẩm quyền không giải quyết cho chế độ bộ đội hưu trí.
Năm 1989 bạn bè, đồng đội góp tiền giúp cho dựng một máu lều tôn vách ván trên một mảnh đất hoang dọc bờ kênh thuộc quận Bình Thạnh làm nơi cho cả nhà ta túc và thờ cúng mẹ cùng 3 anh em liệt sĩ. Còn về cuộc sống thì cả nhà sống nhờ vào tiền đứa con trai làm nghề thợ rèn và bà vợ đi bán vé số. Bản thân mình klhông làm gì được vì tuổi già và thêm bệnh hoạn liên miên do nhiều vết thương chiến tranh để lại.
Vậy mà cũng chưa được yên thân khi năm 2001 chính quyền địa phương ra lệnh thu hồi mảnh đất hoang kia (để… bán cho người khác!) rồi chuyển cả gia đình vào sống ở một khu tạm cư nhếch nhác gọi là “chờ giải quyết”.
Đã nhiều lần làm đơn gửi đủ các cấp từ địa phương đến Trung ương để xin nhập hộ khẩu và giải quyết chế độ gia đình liệt sĩ lẫn thương binh song chờ mãi không thấy ai đoái hoài tới, cứ kiểu trên đổ dưới, dưới đổ xuống cấp dưới hơn! Dù cả Quốc hội cũng đã gửi công văn cho Uûy ban Nhân dân TPHCM rồi Ủy ban lệnh xuống Sở Lao động – Thương binh xã hội, sở lại đẩy qua cho quận cũng như không.
Chẳng những quận không quan tâm mà thậm chí còn muốn… cắt cầu dứt điểm gọn nữa khi vào giữa năm 2008 thông báo thu hồi căn hộ cho gia đình tạm trú trong khu tạm cư với lý do nó nằm… dưới đường dây điện cao thế dù trước đó chính quận đã chọn địa điểm này!
Không biết cuộc phiêu lưu của “trung tá vô hộ khẩu” này hạ hồi phân giải thế nào.
734 - Vũ Hoàng Chương
TÀN ĐỜI THUỐC PHIỆN
Nhà thơ sinh 1916 tại Hưng Yên – Mất 1976 ở TPHCM (61 tuổi).
Đã sớm nổi tiếng tiên phong trong làng văn nghệ thời Tiền chiến về thơ (“Thơ say”)và kịch thơ (vở “Trương Chi”, “Vân muội”). Từng lập ban kịch diễn vở kịch cổ vũ kháng chiến chống Pháp “Lên đường” của Hoàng Cầm.
Nhưng không theo cộng sản mà di cư vào Nam năm 1954.Tâm tư đó thể hiện phần nào trong tập thơ “Tâm sự kẻ sang Tần” in năm 1960.
Ở miền Nam không mặn mà lắm với chế độ Ngô Đình Diệm nên không tham gia cộng tác chỉ đi dạy học, đến năm 1963 tỏ rõ lập trườøng theo phong trào Phật giáo chống Diệm qua tập thơ “Lửa từ bi” ca ngợi tấm gương cố hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu chống Diệm – Nhu.
Qua đến chế độ Thiệu – Kỳ lại quay qua ủng hộ, nhận lời giữ các cương vị lãnh đạo trong tổ chức văn học nghệ thuật do chế độ nuôi dưỡng dựng lên (làm Chủ tịch Hội Văn bút VN), làm giám khảo và nhận giải thưởng văn học của chế độ… Song song đó chỉ làm thơ không viết kịch nữa, thơ vẫn với nguồn cảm hứng cũ “Ta đợi em từ 30 năm” 1970, “Đời vắng em rồi say với ai” 1971.
Sau 1975 dưới chế độ mới cộng sản dù sao cũng từng có quá trình gần gũi cách mạng chống Pháp (còn nhiều bạn bè nay làm lớn ngoài Bắc) nên chưa bị bắt bớ gì. Tuy nhiên gia cảnh sa sút tàn tệ, có khi phải dắt vợ con đi ở nhờ nhà bạn bè đồng điệu thơ ca.
Đến năm 1976 bị bắt vào nhà giam Chí Hòa ở TPHCM với lý do vì tội… nghiện ngập thuốc phiện! Đây là thói quen của lớp văn nghệ sĩ miền Bắc thời Tiền chiến cũng là nguồn cảm hứng – rượu kèm thuốc phiện! – cho nhiều sáng tác văn thơ như truyện ma của Tchya, thơ “Mê hồn ca” của Đinh Hùng (1920-1960, em vợ VH Chương cùng di cư vào Sài Gòn). Và cả bản thân nhà thơ nữa với những câu thơ bấùt hủ như “Em ơi lửa tắt bình khô rượu/ Đời vắng em rồi say với ai?”.
Bên cạnh đó lý do vào tù cũng có thể vì bị nghi ngờ đã “sáng tác miệng” một số câu “đồng dao hiện đại” mỉa mai chế độ mới như tương truyền 2 câu nói về việc đổi tên 2 con đường lớn Công Lý và Tự Do ở Sài Gòn cũ thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi: “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý/ Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”!
Vào tù trong tình cảnh tuổi già ốm yếu bệnh hoạn lại thiếu “thuốc” nên sức khỏe nhanh chóng suy sụp khiến quản giáo phải thả cho về nhà. Được 5 ngày thì mất.
735 - Vũ Hối
NHÀ THƯ PHÁP TIÊN PHONG QUỐC TẾ
Họa sĩ sinh 1932 tại Quảng Nam. Sống ở Mỹ (2011).
Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, ra trường đi dạy vẽ song song hoạt động văn nghệ thể hiện tài năng đa dạng qua nhiều lĩnh vực khác nhau, ngoài hội họa còn sáng tác thơ văn và cả âm nhạc nữa.
Đặc biệt từ thập niên 60 đã khởi xướng trường phái “thư họa” chủ trương đưa hội họa vào nghệ thuật viết chữ quốc ngữ mà ngày nay gọi là thư pháp. Không chỉ viết thư họa trên giấy, lụa mà còn cả trên đồ sứ và tranh sơn mài. Trước đó đã có cố thi sĩ Đông Hồ và nhà thơ Trụ Vũ thực hiện ý tưởng này song đến ông mới trở thành lý thuyết bài bản mở rộng ra quần chúng.
Dù cả gia đình đều theo Quốc dân đảng nhưng không thấy dính líu nhiều đến hoạt động chính trị. Dù vậy sau 75 vẫn bị bắt giam và chính từ trong tù ngục mới biểu tỏ thái độ chống đối kịch liệt. Vì vậy phải lãnh nhiều cực hình nặng nề.
Mãi tới năm 1989 nhờ được các tổ chức quốc tế can thiệp mới được trả tự do với thương tích một mắt bị hư và một chân bị liệt. Đến năm 1992 được bảo lãnh qua Mỹ.
Bấy giờ mới có điều kiện phát huy mọi khả năng sáng tạo văn nghệ từ trước mà lâu nay đã bị mai một. Liên tiếp in thơ, ra đĩa CD thơ nhạc, thực hiện công trình thư họa truyện Kiều. Đặc biệt đã tìm cách phổ biến nghệ thuật thư họa ra nhiều nước trên thế giới, là nhà thư pháp VN duy nhất được đưa vào bộ sách “Tuyển tập thư họa bậc thầy phương Đông” in ở Nhật Bản năm 2006.
Năm 2007 còn được Quốc hội Mỹ trao tặng huy chương “Chiến sĩ văn hóa, chiến sĩ nhân quyền”.
736 - Vũ Hữu Định
CHẾT…SAY!
Nhà thơ tên thật Lê Quang Trung sinh 1942 tại Huế – Mất 1981 ở Đà Nẵng (40 tuổi).
Sinh ở Huế nhưng lớn lên tại Đà Nẵng.
Trốn lính nên sống đời văn nghệ lang thang đây đó, một thời gắn bó với Tây Nguyên gợi cảm hứng làm nên bài thơ “Còn chút gì để nhớ” được Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng “Em Pleiku má đỏ môi hồng… Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”.
Sau thời gian đi giang hồ tứ xứ, vào cả Sài Gòn tham gia viết báo văn nghệ, làm thơ rồi bị truy bắt quân dịch nên cuối cùng anh hùng thấm mệt quay về Đà Nẵng định cư lấy vợ. Chấp nhận làm nhân viên xây dựng nông thôn chế độ cũ có tiền nuôi vợ con vừa xem như một cách trốn lính, thời gian rảnh còn tham gia một tổ chức chăm lo cho trẻ bụi đời đường phố.
Vì thế sau 75 phải đi cải tạo ngắn hạn, thậm chí còn bị nghi ngờ là… CIA do tổ chức trẻ bụi đời mình tham gia trước đây do Mỹ thành lập!
Cải tạo trở về làm công nhân ngành điện mê… cá độ bóng đá bên cạnh vẫn mê rượu cùng bạn bè túm tụm như xưa.
Thế rồi năm 1981 như ma xui khiến quỷ đưa đường khi tròn 40 tuổi trước khi mất bỗng dưng tự tổng kết đời mình:
“Bốn mươi tuổi rồi đây
Vợ năm con không no không đói
……………………….
Bốn mươi tuổi rồi
Hai lăm năm uống đắng
(Giỏi nghề rượu từ thủa mười lăm)
………..
Thần thánh chẳng phục ông nào
Ông nào cũng tốt
Ông nào cũng tào lao
Có lắm thánh nhân thì đời chỉ rối mù
Nhiều triết học thêm tối mù đa sựï
……………………………………
Bốn mươi năm khoảng dăm lần tù…”
Xong rồi thì xảy ra sự cố bi thảm chết sau một cuộc nhậu trở về nhà bước hụt chân trên sàn gác không có lan can bao bọc cao 4m rơi xuống gần như tắt thở tại chỗ vô phương cứu vãn. Bây giờ mới thực sự là “Ở đây buổi chiều quanh năm mù sương”… u
Năm 1996 bạn bè in cho tập thơ đầu tiên và duy nhất “Còn một chút gì để nhớ” gồm 45 bài.
737 - Vũ Khánh Thành
NỮ HOÀNG ANH TẶNG BẢO QUỐC HUÂN CHƯƠNG
Doanh nhân Việt kiều sống ở Anh (2006).
Để lại gia đình trong nuớc, một mình vượt biên lần thứ năm mới đến được Anh năm 1979.
Tại đây tập trung vào công việc giúp đỡ các thuyền nhân như mình nhập cư vào Anh trong khi bản thân thì gia đình vẫn chưa qua được. Mãi đến năm 1983 phải vào viện giải phẫu bệnh nặng mới vận động được chính phủ Anh cho bảo lãnh vợ con qua.
Ra viện tiếp tục hoạt động xã hội lập các tổ chức giúp giới thuyền nhân từ Hong Kong, đồng bào mới nhập cư Anh ổn định cuộc sống như tìm kiếm việc làm, xây nhà cho thuê giá rẻ, lập Hội Gia cư An Việt, Làng VN ở London, lập Viện Nghiên cứu Việt Nho và Đông Nam Á…
Trong những hoạt động trên vẫn không quên quê hương nên còn vận động xin tài trợ cho dự án phát triển nghề làm đồ gốm ở Hải Dương.
Từ những hoạt động đó, được bầu làm nghị viên hạt Kackney thuộc London và năm 2006 theo đề nghị của Thủ tướng Tony Blair, được Nữõ hoàng Elizabeth II tặng Bảo quốc huân chương MBE vì công lao cống hiến cho hoạt động xã hội giúp đỡ nguời Việt nhập cư trong 25 năm qua.
738 - Vũ Khắc Khoan
THÀNH CÁT TƯ HÃN MƠ THÀNH PHẬT
Nhà viết kịch sinh 1917 tại Hà Nội – Mất 1986 ở Mỹ (70 tuổi).
Di cư 1954 vào Nam trở thành tác giả kịch nói trình độ nổi tiếng nhất với một loạt vở diễn đầy chất triết lý và kịch tính cao độ pha chất hiện đại như “Thành Cát Tư Hãn”, “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa”, “Ngộ nhận”, Những người không chịu chết”, “Lộng ngôn”, “Giao thừa”… Ngoài ra còn tập truyện ngắn kiểu huyền truyện “Thần tháp rùa”.
Tất cả sáng tác đều được vận dụng tư tưởng triết học Đông Tây kết hợp nhằm tìm ra một lý thuyết, con đường tư tưởng chống lại chủ nghĩa cộng sản, ấy là hệ ý thức tiểu tư sản. Như vở “Thành Cát Tư Hãn” nêu bật hình tượng bạo chúa đối nghịch với triết lý “nhân nghĩa thắng hung tàn” trong cuộc xung đột dữ dội quyết liệt với thực tiễn.
Tham gia thành lập nhóm Quan điểm rồi tạp chí Vấn đề nhằm thực hiện ý đồ đó sẵn sàng ra tham chính nhưng nhanh chóng rút ra kết quả kinh nghiệm không đi đến đâu trước thực tế xã hội chính trị khác biệt tới mức nghịch chiều nhau từ chế độ Diệm đến chế độ Thiệu – Kỳ. Từ đó chỉ còn cách rút về dạy học (đại học, trường âm nhạc kịch nghệ Sài Gòn) và sáng tác.
Trong biến cố 30.4.75 di tản qua Mỹ, ban đầu dạy tiếng Pháp ở trường đại học. Viết “Tìm hiểu sân khấu chèo”.
Chỉ một thời gian sau bỗng nhiên từ bỏ tất cả kể cả việc dạy học lẫn viết kịch, lánh xa lánh bạn bè để chuyên tâm đi vào nghiên cứu Phật học. Lập cả một Hội PGVN tại bang Minnesota do mình là chủ tịch hội.
Năm 1984 viết đoản văn “Đọc kinh” dày 30 trang được ca ngợi là một “bài kệ hiện đại” vừa có tính chất tổng kết cuộc đời, sự nghiệp mình soi rọi dưới ánh sáng triết lý Phật học sâu sắc phóng khoáng.
“… Nghiệp chướng bời bời
Rồi từ thủa đó
Chập chờn ma trơi
Khắp nẻo cuộc đời.
Ai trụ ở đó
Ta hay là Ngươi?
Ai trụ ở đó
Ngả ba cuộc đời.
Tầm xuân vẫn biếc
Mây vẫn rong chơi
Ta vẫn rong chơi
Ngả ba cuộc đời.
………….
Tà huy lay lắt
Lay lắt hoa rơi
Bước về đơn chiếc
Những bước mồ côi.
Bước lên hốt hoảng
Những bước vào đời
Ta thường lại đó
Ngả ba cuộc đời….”
“Đọc kinh” còn kết thúc bằng những dòng tâm tư nhớ quê hương như từng giãi bày trong “Đoản văn xa nước”: “Bài kệ vần vũ biến dạng có chỗ nó là tâm nhưng tâm làm sao thấy? Có chỗ nó là quê hương nhưng quê hương đã rời bỏ, dẫu có lặp lại nghìn lần rằng quê hương không nơi nào đẹp bằng chốn ấy… Nhưng Khoan tôi làm sao về được?”
739 - Vũ Minh Châu
CUỘC TÌNH “MẤT LẬP TRƯỜNG”
Bộ đội về hưu sinh 1937 tại Thái Bình. Sống ở Thái Bình (2008).
Vào bộ đội từ năm 1960 làm lính pháo binh, khi ra đi đã có vợ ở quê. Năm 1964 vào chiến trường miền Nam mà không biết vợ đã có thai.
Vào Nam lăn lộn trên nhiều chiến trường trong đó có cuộc chiến Mậu Thân 1968 xâm nhập tận nội thành Sài Gòn. Đến năm 1972 từ Tây Ninh được bố trí xuống đóng quân ở Kiên Giang.
Tại đây làm quen rồi sống chung với một góa phụ đi du kích mới có chồng liệt sĩ hy sinh một năm trước để lại 2 con. Cuộc tình nảy sinh như vậy là vừa vi phạm đạo đức bản thân (đã có vợ) lẫn kỷ luật quân đội “mất lập trường” nhưng bởi hoàn cảnh chiến tranh quá khắc nghiệt chưa biết chết sống lúc nào khiến bản thân con người dễ mềm yếu không vượt qua được tình cảm nam nữ thông thường : “Đã vào Nam là ra đi không hẹn ngày về. Trước khi đi tôi đã bảo vợ xem có ai thì lấy người ta đi chứ tôi ra đi không biết có ngày về. Chiến đấu ác liệt không còn thời gian mà ngoái lại. Nhiều khi cũng có nghĩ về nhà (ngoài Bắc) nhưng thấy xa xôi quá không thể nào với tới được…”
Nhưng cả người vợ liệt sĩ cũng nhận lỗi về phần mình: “Tại mình thương quá mình mất lập trường chứ không trách gì người ta”!
Năm 1975 sau khi chiến tranh kết thúc đúng lúc cô vợ miền Nam có thai thì mình được lệnh điều xuống Cà Mau nhận nhiệm vụ khác. Đến cuối năm vợ sau sinh con trai báo tin, chồng gửi thư về hẹn sẽ quay lại Kiên Giang đưa cả 2 mẹ con về Bắc.
Nhưng năm 1976 người chồng có dịp về Bắc mới hay vợ cũ vẫn ở vậy chờ mình và mình đã có đứa con trai đầu lòng nay đã 13 tuổi! Quay về miền Nam lòng dạ ngổn ngang rối bời chưa biết tính sao với 2 người vợ cùng 2 đứa con Bắc – Nam thì được lệnh lên đường qua chiến trường Campuchia đánh Khmer Đỏ. Bởi vậy khi người vợ sau đợi con lớn hơn một chút mới bế con xuống Cà Mau thăm thì mới hay chồng đã đi rồi!
Và người chồng như thế đi luôn một mạch 32 năm như trước kia cũng từng rời quê miền Bắc để lại người vợ đầu mà đi biệt suốt 13 năm ròng rã. Đôi bên bặt tin nhau từ đó.
Người chồng sau thời gian chiến đấu ở Campuchia được chuyển ra Bắc rồi cho phục viên về quê sum họp với vợ con. Sinh được thêm 2 con nữa, cả nhà trần thân ra làm ruộng.
Thời đó đương nhiên cuộc sống ở nông thôn rất khó khăn khiến đôi lúc có muốn, có nghĩ có nhớ về người vợ miền Nam cũng không sao tìm cách về Nam lại được. Đừng sá xa xôi, tàu xe nhiêu khê, tiền bạc hoàn toàn không, thư từ liên hệ càng khó nữa vì phương tiện liên lạc nghèo nàn lạc hậu mà mình lại ở vùng quê xa hẻo lánh. Trong thâm tâm chỉ mong sao “cô ấy” lấy chồng khác đỡ đần mà lãng quên đi chuyện cũ một thời khói lửa đã qua.
Nhưng người vợ miền Nam không hề bước đi bước nữa mà cứ ở một mình nuôi con khôn lớn. Để đến khi con trai khôn lớn đến năm 2008 quyết tâm theo lời mẹ đi tìm cha cho được. Cuối cùng nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV 1 tìm thông tin giúp mới gặp được người cha chưa hề thấy mặt bao giờ.
Còn người cha không chỉ gặp con mà còn được ôm vào lòng đứa cháu nội nữa và người cựu chiến binh ấy bây giờ mới được con trai dẫn về thăm quê cũ “cố nhân” cùng bao kỷ niệm chiến trường xưa. Riêng người vợ đầu chân quê lại… mừng “không đẻ không nuôi mà có thêm con”!
740 - Vũ Sơn
ANH HÙNG… CHĂN VỊT
Nông dân sinh tại Bến Tre. Sống ở Bến Tre (2008).
Trải qua 12 năm trận mạc trong chiến tranh chống Mỹ, là đội trưởng đội săn tàu Mỹ trên sông ở Bến Tre, đơn vị duy nhất làm nhiệm vụ này trên chiến trường Nam bộ. Thành lập năm 1967 đã bắn cháy, bắn chìm hơn 200 tàu địch, được phong Anh hùng Lực lựợng vũ trang nhân dân năm 1970.
Năm 1981 xin ra quân trước thời hạn nên không được hưởng chế độ hưu trí chỉ có tiền hỗ trợ thương binh. Lấy vợ cũng là đồng đội cũ sinh tới 7 đứa con trong đó con gái đầu tiên sinh năm 1977 mắc di chứng CĐDC bị bại não khiến cha mẹ phải lo từng li từng tí suốt đời.
Không sống nổi với tiền trợ cấp nên năm 1981 dắt theo 3 đứa con xuống Cà Mau làm nghề chăn vịt chạy đồng – cả hơn 10.000 con – cho người ta lấy tiền nuôi con ăn học mong sau này có nghề sống được hơn đời mình thất học.
Nhưng chăn vịt cả 10 năm rốt cuộc chẳng được gì, không dành dụm được mấy sản do vịt gặp đại dịch chết tràn đìa trắng sông, cả chủ lẫn người làm công đều méo mặt vì người lỗ vốn dẫn đến kẻ mất tiền lương. Thế là cha con đành khăn gói tìm về quê cũ Bến Tre kiếm kế sinh nhai khác.
Lần này trở lại với những dòng sông cũ Giồng Trôm, Hàm Luông quen thuộc một thời lập chiến công đánh giặc trên sông nước, tuy nhiên bây giờ là nhờ sông nước nuôi mình đóng đáy, đơm cá. Ngoài ra còn làm thêm mảnh ruộng, có ai kêu việc gì làm việc nấy bất kể nặng nhọc vất vả đến đâu.
May mắn 6 đứa con còn lại vẫn bình thường, cố gắng học hành nên người, 4 em vào đại học, một vào cao đẳng, một sắp tốt nghiệp phổ thông dần dần cũng giúp đỡ đần được cha mẹ.
Nhưng bây giờ con cái lớn rồi ra đời đi làm tứ xứ nên rốt cuộc nhà chỉ còn 3 người trong đó bản thân mình cùng lúc phải chăm nom cho 2 người kia là cô con gái hơn 30 tuổi đầu trí óc không phát triển và người vợ do trước kia từng bị địch giam cầm tra tấn rồi sau này lại phải chịu đựng cuộc sống quá khốn khó kiến có dấu hiệu rơi vào trầm cảm. Thêm một lần nữa làm anh hùng nuôi người bệnh.
(Còn tiếp)
http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hshc-ki-73
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét