Như Phật dạy thì bàn tay ta không thể nắm nhiều hơn
một nắm lá. Biết đủ thì đủ, đời sống một con người cũng chẳng cần nhiều.
Tham vọng và hiếu thắng chỉ đưa người ta sa vào chỗ rườm rà vướng bận
một cách không cần thiết.
Nhà văn Hồ Anh Thái
Thuộc thế hệ nhà văn hậu
chiến, khởi lên tên tuổi từ sau năm 1975, khi xuất hiện trên văn đàn như
một hiện tượng, Hồ Anh Thái đem đến một giọng văn trẻ trung, tươi mới,
như thể anh chỉ việc lẩy ra từ đời sống thanh niên, sinh viên của mình
những trò đùa, những cuộc phiêu lưu, những khát khao khám phá đời
sống...
Đầu những năm 1990, sau một thời gian
nghiên cứu tại Ấn Độ, Hồ Anh Thái xuất hiện trở lại trên văn đàn với
những chùm truyện ngắn độc đáo, hài hước mà thâm trầm: Người đứng một chân,Người Ấn, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Cuộc đổi chác...
Từ đó một nguồn đề tài mới được khai
thông với một văn phong khác lạ. Mới đây nhất, sau những tác phẩm được
tìm đọc và gây tranh luận như Cõi người rung chuông tận thế, Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Mười lẻ một đêm... Hồ Anh Thái trở lại với đề tài Ấn Độ bằng tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi.
Một nhà văn đã lựa chọn đề tài Ấn Độ
tất sẽ nung nấu ý tưởng phục dựng hình ảnh bậc vĩ nhân và thời đại của
Người. Cuốn sách đã được Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành với số
lượng lớn và gây được dư luận. Cuộc trò chuyện với nhà văn Hồ Anh Thái
cũng bắt đầu từ đề tài Ấn Độ.
Viết về Đức Phật - cái gánh tự đặt lên vai
- Trước khi anh bắt đầu viết về Ấn
Độ, nhiều người yêu mến tác phẩm của anh vẫn còn nhớ đề tài quen thuộc
của anh là lớp thanh niên, sinh viên sau chiến tranh, ngang ngổ, bướng
bỉnh, không chịu theo khuôn phép... Giọng văn thì khác hẳn các bậc đàn
anh lúc ấy vừa đi ra khỏi chiến tranh: hồn nhiên, tinh nghịch, như lẩy
ra từ đời sống hàng ngày. Đang được chú ý thế, vì sao bỗng nhiên anh đổi
sang đề tài Ấn Độ?
- Có lẽ là do nhân duyên. Tôi được đào
tạo cơ bản về ngoại giao, làm ngoại giao, rồi đi bộ đội nghĩa vụ. Rời
quân ngũ trở về với ngành ngoại giao, tôi đã chọn Ấn Độ chứ không phải
là những khu vực khác. Lúc ấy chưa biết gì mấy về Ấn Độ, nhưng mà dứt
khoát chọn. Bây giờ sau khi đã đi, đã sống qua nhiều xứ sở mới biết mình
đã lựa chọn được điều phù hợp với bản thân. Tôi muốn đem về được cho xứ
sở mình chút ít từ nền văn minh Ấn Độ vốn gần gũi nhưng đứt đoạn đã
lâu.
- Anh có nghĩ rằng do sự đứt đoạn
ấy mà người đọc hôm nay sẽ khó tiếp nhận văn hóa Ấn Độ hơn, chẳng hạn
khó hơn việc tiếp nhận văn hóa Trung Hoa?
- Nói chuyện văn hóa Trung Hoa, tôi
phục lăn những người có thể kể vanh vách những điển tích Trung Quốc. Tôi
thì có đọc hết Tam Quốc, Đông Chu Liệt Quốc, Sử ký... nhưng ít có gì
vào được mình, nếu như không nói nó bị đẩy hết ra, nhầm lẫn lung tung
các nhân vật, sự kiện... Ấy thế, nhưng Ấn Độ thì rất vào, rất ngấm.
Những gì mà người Việt ta cho là rắc rối, bí ẩn đều được nhẹ nhàng thâm
nhập và thẩm thấu. Có lẽ là do cái tạng? Hay là tiền định?
Trở lại với việc người Việt khó tiếp nhận văn hóa Ấn Độ thì tôi đồng ý với anh. Cho dù về địa lý, ta ở trên bán đảo Trung - Ấn, vừa Trung vừa Ấn, thì ảnh hưởng Ấn Độ hầu như còn rất mong manh. Kết quả là người xứ ta dường như dễ tiếp nhận văn hóa và tư tưởng Trung Hoa hơn là Ấn Độ. Bây giờ dân ta xem phim Trung Quốc, đọc sách Trung Quốc vẫn thấy gần gũi hơn, dễ vào hơn.
- Phật giáo được các nhà sư Ấn Độ đi theo các thuyền buôn truyền trực tiếp vào nước ta, có thể coi là sớm nhất ở vùng Đông Á, trước cả hai trung tâm Phật giáo Trung Hoa. Nhưng rồi sau đó là nghìn năm Bắc thuộc. Phật giáo nguyên gốc được truyền vào Việt Nam hầu như khó có thành tựu so với nguồn Phật giáo truyền gián tiếp qua Trung Hoa.
- Lần đầu tiên tôi đến Trung Quốc, có
cảm giác khá là gần gũi. Còn đến với Ấn Độ thì sao? Hăm hở lao vào mà
tìm hiểu, mà học hỏi. Đúng là như lao xuống biển mà bơi. Càng bơi càng
không thấy bờ. Mấy năm đầu lao vào hòa nhập, rồi một ngày bỗng hoảng
lên. Ấn Độ cho ta cảm tưởng, càng tìm hiểu lại càng không hiểu gì cả.
Người làm báo chỉ cần đến một đất nước dăm bảy ngày, trở về kết hợp tài
liệu có thể viết một bài dày dặn. Còn tôi, ở Ấn Độ đến năm thứ tư mới
dám viết truyện ngắn đầu tiên. Đó là truyện Người đứng một chân, rồi
Người Ấn, khi tôi muốn lý giải tính cách Ấn Độ.
- Dạo ấy anh đã viết về Đức Phật,
trong một tác phẩm ngắn, Chuyện cuộc đời Đức Phật, giống như đọc kinh
Phật rồi kể lại chuyện đời Phật theo lối kể của một nhà văn. Bây giờ đọc
lại truyện kể này, thấy dường như đó là đề cương cho mảng chuyện về
cuộc đời Đức Phật trong cuốn tiểu thuyết mới của anh vậy.
- Đất nước Ấn Độ bao la đến mức người
ta gọi đó là một tiểu lục địa. Sáu năm liền, tôi ba lô trên vai, ngang
dọc khắp các miền địa lý, các miền văn hóa. Thích thì đi. Lúc ấy chưa
nghĩ là mình sẽ chọn cái gì mà viết. Nhưng rồi ngấm dần. Và nghĩ rằng
mình may mắn, mình có được cơ duyên. Trước tôi chưa có, sau tôi thì khó
có nhà văn chuyên nghiệp nào ở ta có được cơ hội đắm mình trong cái đại
dương văn hóa Ấn Độ đến mức ấy. Vậy là tôi tự đặt cái gánh ấy lên vai
mình, phải viết, viết về Ấn Độ, viết về Đức Phật.
Tôi vừa nói đến cái duyên. Trong những
chuyến tìm kiếm, khám phá nhiều địa danh của Phật giáo, tôi đã tìm đến
Việt Nam Phật Quốc Tự ở Boddhgaya, nơi có cây bồ đề giác ngộ. Khi ấy
chùa chưa xây xong, mọi thứ còn ngổn ngang, gặp thầy Huyền Diệu còn
tưởng là người Nhật, mấy câu trao đổi đầu tiên phải nói bằng tiếng Anh.
Đến bây giờ thầy Huyền Diệu vẫn nhắc chuyện, nếu không có tôi “phát
hiện” và viết bài trên báo Giác ngộ, báo Văn Nghệ,
khiến Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước tìm đến chùa sau đó, thì Việt
Nam Phật Quốc Tự vẫn còn lặng lẽ cho đến bây giờ, đúng như tâm niệm của
thầy.
Tôi xin kể một chuyện khác: có Phật tử
Việt Kiều ở Mỹ, một đời ao ước được đến viếng thăm cây bồ đề của Phật.
Ông theo đoàn đi chiêm bái, nhưng vừa xuống sân bay Calcutta, ông đã
phải vào bệnh viện cấp cứu. Đoàn đi thăm đất Phật mười ngày, đến khi
quay lại Calcutta cũng vừa lúc ông nọ khỏi bệnh như không, lại thoăn
thoắt cùng mọi người lên máy bay trở về Mỹ. Tức là có đi mà không có
đến.
Có người đi cùng tôi trong một chuyến
viếng thăm thánh địa này. Vào chính điện, như mọi người, anh giơ máy ảnh
chụp tượng Đức Phật ở tư thế Người nhìn về hướng đông. Xong xuôi, khi
anh về, tráng phim in ảnh, những tấm ảnh đều đẹp, riêng bức ảnh chụp
tượng Phật thì hỏng, trắng lóa... Chuyện chỉ có thế, coi là ngẫu nhiên
cũng được, mà coi là vô duyên cũng được.
- Như vậy thì có thể coi là anh
gặp nhân duyên. Anh đã viếng thăm hầu hết các thánh địa Phật giáo trên
đất Ấn Độ mà không một lần bị lỡ dịp vì lý do này khác, đã chụp nhiều
ảnh lưu giữ mà không cái nào bị trắng lóa. Rồi tác phẩm của anh viết về
Ấn Độ được độc giả đón nhận, được dịch in ở Mỹ, ở Pháp (cuốn Behind the
Red Mist và Aventures en Inde). Và bây giờ tôi có nghe nói Đức Phật, nàng Savitri và tôi cũng mới được một nhà xuất bản Mỹ đặt vấn đề dịch ra tiếng Anh.
- Đúng là có chuyện ấy. Nhưng khi bàn
đến việc chọn người dịch thì hơi khó khăn. Chọn được dịch giả người Mỹ
biết tiếng Việt thì ông này không có kiến thức về văn hóa Ấn Độ, bó tay
luôn. Như ta vừa nói với nhau, đến cả người Việt còn khó tiếp xúc văn
hóa Ấn Độ nữa là. Cuối cùng, tôi đành phải đứng ra nhận, tự mà dịch lấy
cùng với một ông bạn nhà văn người Mỹ. Công việc này sẽ lấy mất của tôi
một năm trời. Đành vậy, tôi cũng muốn độc giả Âu Mỹ đọc cuốn sách này.
Giáo lý Phật giáo chạm đến mọi điều của đời sống
Giáo lý Phật giáo chạm đến mọi điều của đời sống
- Anh có nghĩ rằng nhân vật Đức Phật của anh khó trùng hợp với hình ảnh Đức Phật của những người khác?
-
Nhân vật của tôi vừa giống vừa khác. Giống vì chúng ta đều có một mẫu
số chung khi tiếp nhận kiến thức về Người. Khác vì tôi có thể tiếp xúc
với nguồn tài liệu không giống bạn, trí tưởng tượng của tôi khác, tư
tưởng khác và quan niệm thẩm mỹ... cũng khác.
Sáu năm trời trên đất Ấn Độ cho tôi
cái may mắn lục tìm tài liệu, có những tài liệu cổ và quý hiếm. Mười mấy
năm sau đó, tôi tham khảo được những tài liệu của các học giả nước Anh,
nước Đức là những xứ mà ngành Ấn Độ học có thành tựu. Dần dần, tôi hình
dung ra nhân vật Đức Phật của riêng mình và đã tái hiện trung thành với
mình trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi.
- Anh có cho rằng nhà văn phải tạo
ra cơ hội bình đẳng cho độc giả, cả người chưa sẵn sàng chuẩn bị cho
cuộc tiếp xúc với văn hóa Ấn? Nói như vậy bởi vì có kiểu độc giả cầm
cuốn sách lên là nhăm nhăm tìm một điều định sẵn, kết quả là tìm mà
không thấy, vì thế cũng đánh mất cơ hội thấy được những điều khác.
- Tôi tin rằng mỗi người khi đọc Đức Phật, nàng Savitri và tôi sẽ
có một văn bản của riêng mình, khác với văn bản của chính tác giả, khác
văn bản của những độc giả khác. Đó là một đặc điểm của việc tiếp nhận
văn chương nghệ thuật.
- Xin bàn đến một khía cạnh tương
đối "nhạy cảm". Nhìn chung giới trí thức Phật giáo tiếp nhận cuốn tiểu
thuyết này một cách bình thản và ghi nhận một thành tựu văn học ở một đề
tài khó. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng giá mà tác giả lược bớt yếu tố
sắc dục thì đây sẽ là cuốn sách của mọi nhà.
- Tôi không chối bỏ mong muốn tiểu
thuyết này trở thành cuốn sách của mọi nhà, của mọi thế hệ trong các gia
đình. Tôi tin rằng khi nào trong đời sống tâm linh Việt còn yếu tố Phật
giáo, khi ấy còn có người đọc cuốn sách này. Vua Pasenadi lần đầu tiên
diện kiến Phật cũng chấp vào bề ngoài non trẻ của Người mà không tin
rằng đó là một bậc thầy lớn.
Ta là Phật tử, ta chấp vào cái áo đơn
sơ của nhà sư thì không thấy được trí tuệ trong đầu của bậc thầy. Cầm
cuốn sách lên, mới nghe nói rằng nó có sắc dục mà chối bỏ nó thì cũng là
chấp nê, không đúng với tinh thần Phật giáo vậy.
- Quả là trong tiểu thuyết có chạm
đến sắc dục. Nhưng tôi thấy ở đây tác giả chủ ý không miêu tả cảm giác
mà suy tư về sắc dục. Khó hình dung được khi viết về Ấn Độ mà nhà văn
lại lảng tránh sắc dục, tác phẩm khi ấy sẽ chỉ là một phiên bản xơ cứng
bất thành Ấn Độ. Xứ sở của Kama Sutra (Dục lạc kinh), khắp nơi
đền chùa chạm khắc hình trai gái giao hoan, có lẽ phải là một nơi nghệ
thuật dục lạc phát triển đến đỉnh như vậy mới là điểm xuất phát triết lý
Trung Đạo của Phật, triết lý dục lạc dẫn đến khổ đau... Và cuộc đời đắm
chìm trong dục lạc của Yasa, đặc biệt là Savitri, là một minh chứng
sinh động cho chân lý của Phật.
- Tôi vẫn nghĩ tính bao trùm của giáo
lý Phật giáo rộng lớn đến độ chạm đến mọi vấn đề của đời sống. Bạn cứ
thử đưa ra một vấn đề gì đó tưởng là mới mẻ mà xem, ngẫm nghĩ kỹ thì mới
thấy là hơn 2.500 năm trước, Phật đã nói rồi.
Nhiều triết thuyết sau này cũng thừa
hưởng ít nhiều của Phật giáo. Vậy trở lại với tiểu thuyết, không chỉ là
chuyện dục lạc mà thôi, chuyện hận thù và báo thù của đạo sư Bà La Môn,
của Savitri, chuyện yêu thương với đồng loại, với mọi chúng sinh... đều
không ra ngoài vòng triết thuyết và giáo lý của Phật.
Mọi nhân vật đều có cơ hội bình đẳng
- Có một cách đọc, trong đó người
ta khó chấp nhận khi anh "dám" đưa vào cuốn sách về Phật một nhân vật nữ
như nàng Savitri. Ngang tàng, nổi loạn, đối kháng với các giáo điều,
nhưng đồng thời lại ôm đầy thù hận và khao khát báo thù, khao khát dục
lạc. Chỉ riêng việc đặt nhân vật ấy vào trong cuốn sách đã có
thể bị coi là báng bổ, là "giải thiêng" hình ảnh Phật. Người đọc trưởng
thành chắc chắn không đồng tình với cách đọc này, nhưng dù sao, vẫn muốn
biết quan điểm của anh.
- Tôi viết tiểu thuyết, và trong tác
phẩm, mọi nhân vật đều có cơ hội bình đẳng, khó mà nói là nhân vật nào
không được quyền xuất hiện bên cạnh nhân vật nào. Còn chữ "giải thiêng",
tôi hiểu đó là từ demythologize, tức là xóa bỏ màu sắc huyền thoại bao
quanh nhân vật, không phải chữ desecrate có nghĩa là xóa bỏ tính thiêng
liêng.
- Xuất phát từ sự hiểu nhầm ấy,
một số người đã thấy phản cảm vì nghĩ rằng tác giả muốn "xóa bỏ sự
thiêng liêng". Một ít người khác thì cực đoan hơn, họ cho rằng phải giải
thiêng mới có thể nổi loạn và tạo ra tác phẩm lớn.
- Những mưu toan giải thiêng kiểu ấy
trước các bậc vĩ nhân thường bị phá sản, giống như ngửa cổ mà ném cát
lên mặt trời vậy. Họ cũng quên rằng rất nhiều tác phẩm trung thành với
đề tài tôn giáo lại trường tồn hơn vô vàn những cố gắng "nổi loạn".
- Đọc sách của anh, nhiều người nghĩ rằng anh là một Phật tử từ trong cốt lõi.
- Tôi thích phần triết thuyết của Phật
giáo, tôi cũng thích phần triết học của các tôn giáo khác. Với tôi, bậc
giáo chủ của các tôn giáo đều có sức hấp dẫn lạ thường và đều là những
người thầy lớn- Phật cũng thường nói như vậy với các đồ đệ. Tôi thích
đọc về các giáo chủ, nghiền ngẫm lý thuyết, từ đó mà cố hình dung ra các
vị. Đấy là thái độ đối với lý thuyết tôn giáo, còn về thực hành thì...
Thú thật tôi thường tránh đám đông, mà chùa chiền bây giờ đông người
quá. Tôi cũng thường quên ngày rằm mùng một. Trong lòng vẫn tự an ủi:
Phật tại tâm, Phật chứng giám.
- Tôi lại nghe bạn bè anh nói rằng khi viết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Hồ Anh Thái thực hành thụ giới trong một thời gian dài...
- Chắc là họ đùa đấy, bởi vì khi viết,
tôi chỉ có một mình, và không ai biết tôi làm việc như thế nào đâu.
Nhưng cũng đúng là trong thời gian viết, tôi chủ động cách ly với mọi
công việc, tắt hết điện thoại bàn và điện thoại di động, không tiếp xúc
với bạn bè và đồng nghiệp, thực hiện một kỷ luật rèn luyện thân thể và
lao động. Vừa nghiêm khắc vừa rất tự nhiên, thành ra không phải gắng sức
và không tự làm khó cho mình.
- Chắc chắn rằng sáu năm liền bôn
ba trên đất Ấn Độ và ngót hai chục năm "bơi" trong cái đại dương văn hóa
này đã để lại ảnh hưởng rất lớn không chỉ trong tác phẩm và cuộc đời
anh. Anh có sẵn sàng chia sẻ điều này với mọi người hay không?
- Khi mới đến Ấn Độ, tôi vẫn còn nóng
tính lắm. Ỷ mình có chân lý, nhiều khi không chịu ai, đấu tranh với xung
quanh, từ sếp cho đến ông lái xe trong cơ quan. Việc không chạy thì
"trị" cả người bản xứ cho đến khi việc được làm đúng mới thôi.
Người Ấn rất tốt nhịn, cộng với ý thức
đẳng cấp mấy nghìn năm khiến họ có lối sống khoan dung, bình yên, bất
bạo động. Nên hiểu rằng tính cách Ấn hoàn toàn trái ngược với những vụ
việc của các tổ chức ly khai, khủng bố, gây mất ổn định.
Rất
tự nhiên, dần dà mình cũng thiền đi, và khi trở về Việt Nam, chất Ấn Độ
đã ngấm vào tôi từ lúc nào. Hầu như tôi không nhận lời đăng đàn diễn
thuyết, hoặc giao lưu với độc giả. Trước mọi sự bao giờ cũng tự dặn
mình, không đôi co tranh cãi, không hơn gì nhau câu nói.
Quyền lợi chia bôi, nhường mọi người
nhận trước. Người ta ghen ghét, đố kỵ, bịa đặt công kích mình hoặc làm
ác với mình, cứ lấy sự ôn hòa mà đáp lại. Ôn hòa, cũng bởi vì tin vào
điều nhà Phật nói: những người ấy trong đời tự họ đã và sẽ phải chịu
luật nhân quả rất nặng nề rồi...
- Trong đời sống riêng, anh có tiếp nhận được gì không từ triết lý phương Đông?
- Tôi hài lòng với cuộc sống riêng của
mình. Thành viên trong gia đình sống hòa hợp. Như Phật dạy thì bàn tay
ta không thể nắm nhiều hơn một nắm lá. Biết đủ thì đủ, đời sống một con
người cũng chẳng cần nhiều. Tham vọng và hiếu thắng chỉ đưa người ta sa
vào chỗ rườm rà vướng bận một cách không cần thiết.
- Xin cảm ơn anh
Theo Văn hoá Phật giáo
Trích lại từ phongdiep.net
Trích lại từ phongdiep.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét