Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Đời người quá ngắn mà Proust... quá dài


 
Có lẽ, mãi tới khi xuống mồ, Proust cũng sẽ không bao giờ quên được lời bình luận đầy mỉa mai của ông chủ một nhà xuất bản: "Dù có chịu tiếng là người ngu dốt đến đâu chăng nữa thì tôi cũng vẫn cứ muốn nói với ngài, rằng tôi không hiểu tại sao ngài lại có thể bỏ ra tới 30 trang giấy chỉ để miêu tả cách thức một người trằn trọc xoay đi xoay lại trên giường trước khi chìm vào giấc ngủ"...
Ngày 19/11 vừa qua, tại Trung tâm văn hóa Pháp L'Espace ở Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm về cuốn sách "Bên phía nhà Swann" (tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết đồ sộ "Đi tìm thời gian đã mất" của văn hào Pháp Marcel Proust). Tham dự cuộc tọa đàm này là các dịch giả: Đặng Thị Hạnh, Dương Tường, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào. Cuộc tọa đàm nằm trong chương trình kỷ niệm 100 năm ra đời của bộ tiểu thuyết trứ danh nói trên. Đây cũng là dịp để các độc giả cùng ôn lại những tình tiết liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhà văn được cho là có ảnh hưởng sâu rộng nhất tới nền văn học thế giới thế kỷ XX.
Cách đây 100 năm, vào ngày 14/11/1913, ở tuổi 42, nhà văn Marcel Proust (1871-1922) đã cho công bố tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết kỳ vĩ nhưng không hề "dễ đọc" của mình. Trước đó, tập sách đã nhiều lần bị từ chối khi tác giả của nó mang tới chào hàng tại một số nhà xuất bản, trong đó có những nhà xuất bản nổi tiếng là "tinh tường" như nhà xuất bản Nouvelle Revue Fran#aise (sau này đổi tên là nhà xuất bản Gallimard).
Có lẽ, mãi tới khi xuống mồ, Proust cũng sẽ không bao giờ quên được lời bình luận đầy mỉa mai của ông chủ một nhà xuất bản: "Dù có chịu tiếng là người ngu dốt đến đâu chăng nữa thì tôi cũng vẫn cứ muốn nói với ngài, rằng tôi không hiểu tại sao ngài lại có thể bỏ ra tới 30 trang giấy chỉ để miêu tả cách thức một người trằn trọc xoay đi xoay lại trên giường trước khi chìm vào giấc ngủ". Không có cách nào để xoay chuyển thái độ đối với tập sách của các ông chủ xuất bản, Proust quyết định bỏ tiền ra tự xuất bản lấy tác phẩm của mình. Nhờ vậy mà thế giới đã biết đến một cuốn tiểu thuyết mang nhiều dấu ấn cách tân.
Tiếp sau "Bên phía nhà Swann", 3 tập nữa đã được xuất bản khi Proust còn sống và 3 tập cuối cùng phải tới các năm 1923, 1925 và 1927 (khi tác giả qua đời đã được 5 năm) mới được xuất bản hết. Năm 1919, Proust đã được trao giải thưởng Goncourt danh giá cho tập hai của bộ tiểu thuyết (có tên gọi "Dưới bóng những cô gái tuổi hoa").
"Đời người quá ngắn mà Proust lại quá dài" - Đây không chỉ đơn thuần là cách chơi chữ của văn hào Anatole France, gợi nhắc hai chữ "thời gian" trong tên gọi "Đi tìm thời gian đã mất" mà Proust đặt chung cho bộ tiểu thuyết. Với cả thảy tới hơn 3.000 trang in khổ lớn, quả là bộ tiểu thuyết của Proust dài thật. Bộ tiểu thuyết có tới hơn 200 nhân vật và môi trường được phản ảnh kéo dài khoảng ba phần tư thế kỷ (quãng từ 1840 đến 1915). Trong khi, để "đi qua" từng trang chữ của Proust đâu có phải là việc dễ dàng?
Bìa cuốn "Bên phía nhà Swann" của Proust vừa được dịch in ở Việt Nam.
Để có thể hoàn thành được bộ tiểu thuyết đồ sộ như "Đi tìm thời gian đã mất", Marcel Proust đã bỏ ra một khoảng thời gian kéo dài tới mười mấy năm trời. Đã vậy, ông gần như ép mình trong một thứ "kỷ luật sắt". Từ năm 1909, ông chọn cho mình một cuộc sống khép kín, hầu hết thời gian sống ẩn dật trong phòng và tập trung vào việc viết. Một ngày, ông chỉ dành ra đúng một tiếng, từ 6 tới 7 giờ chiều để tiếp khách. Trong phòng ông lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc xông và thuốc trị suyễn.
Ở thời kỳ sức khỏe suy sụp, khi tiếp bạn bè, ông thường nằm trên giường, ăn mặc chỉnh tề, thắt cà vạt, đi găng tay. Năm 1910, có những tháng ông không một lần bước ra khỏi phòng và ngay cả ở trong phòng, ông cũng chỉ một, hai lần bước ra khỏi giường. Xung quanh ông là ngổn ngang các cuốn vở và một dãy dài lọ mực. Ông không cho phép những người phục vụ dọn dẹp cho gọn vì nó đang phải phục vụ nhà văn trong cuộc chạy dài hơi cho một tác phẩm lớn.
"Đi tìm thời gian đã mất" mang đậm dấu ấn tự truyện, với việc nhân vật chính trong vai người kể chuyện và xưng "tôi". Bộ tiểu thuyết dài nhưng nội dung khá đơn giản, kể chuyện tác giả ngày còn nhỏ, với những ước mơ, những câu chuyện tình. Bao nhiêu lọc lừa, giả trá trong cuộc sống diễn tiến nơi giới thượng lưu. Từ đó, tác giả đã tìm ra lẽ sống của mình, cao hơn hết là dâng hiến cho nghệ thuật. Tuy nhiên, đúng như Proust từng phát biểu: "Một cuốn sách là tác phẩm của một cái tôi khác cái tôi hàng ngày, thường biểu hiện trong thói quen xã hội và chứng tật", đọc bộ tiểu thuyết trứ danh của Proust, ta thấy đó là một xã hội hư ảo với những nhân vật hư ảo - nó không chỉ đơn thuần là nhân vật mà là những hình tượng nghệ thuật. Bởi vậy, bức tranh "hiện thực xã hội" mà Proust đưa ra không phải là hiện thực xã hội kiểu Balzac, kiểu Zola và cách tiếp cận của các tầng lớp độc giả cũng khác nhau. Đó là lý do dẫn tới việc, có một thời gian, để tìm được "đầu ra" cho bộ tiểu thuyết, tác giả của nó đã gặp rất nhiều khó khăn.
Như ở phần đầu bài đã nói, Proust buộc phải tự bỏ tiền in "Bên phía nhà Swann" năm 1913. Theo cách đọc thông thường, nhất là trong thời đại công nghiệp hiện nay, không phải ai cũng đủ đức kiên trì để thưởng thức cái hay, cái đẹp mà bộ tiểu thuyết của Proust đem lại. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa bộ tiểu thuyết của Proust không có những yếu tố "hút khách". Vấn đề chỉ là do cái "tạng" của từng người.
Walter Benjamin, dịch giả tiếng Đức các tác phẩm của Proust đã thổ lộ rằng: Càng đọc Proust, ông càng thấy mình như "con nghiện" của nhà văn này, và đã có lúc, ông sợ sự "nhập đồng" ấy trở thành một trở ngại cho quá trình sáng tác của mình. Nhà văn Genet thì kể rằng, trong thời gian ở tù, một lần ông được tiếp xúc với tác phẩm của Proust. Sau khi đọc trang mở đầu, Genet đã lập tức gập cuốn sách lại…để dành. Ông nhủ thầm: "Bây giờ, mình cần một nơi tĩnh lặng, từ từ nhấm nháp từng trang sách để được đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác".
Bộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" của Proust đã chứng minh cho chân lý: Một kiệt tác không nhất thiết phải liên quan đến một đề tài lớn. Nhiều sự việc diễn ra trong bộ tiểu thuyết của Proust thoạt nghe chỉ là những chuyện vặt, những sự việc tầm thường, song cách nhấn nhá của ông nhiều khi đã tạo nên được sự ám ảnh dai dẳng trong tâm trí người đọc.
Sinh thời, nhà văn Anh Graham Green (tác giả "Người Mỹ trầm lặng") từng nhận định: "Proust là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ XX, giống như là Tolstoy của thế kỷ XIX". Còn nhà văn Pháp Andre Gide - khi làm cố vấn cho một nhà xuất bản từng từ chối không in "Bên phía nhà Swann", sau này đã rất…ăn năn về "sai lầm đáng tiếc" của mình và cho rằng, đó là một trong những điều ân hận lớn nhất trong đời ông.
Cùng với Kafka và Joyce, Proust được coi là một trong ba nhà văn đã khởi xướng nên cuộc cách mạng tiểu thuyết trong thế kỷ XX. Ông được coi như một Einstein trong khoa học. Người ta nói đến tiểu thuyết trước Proust và sau Proust.
"Đi tìm thời gian đã mất" có tên trong hầu hết các cuộc bình chọn "100 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại" và luôn giữ thứ hạng cao trong danh sách các tiểu thuyết hay nhất thế kỷ XX do các tờ báo lớn như Time, Le Monde bình chọn.
Nói vậy không có nghĩa là bộ tiểu thuyết của Proust không phải không gặp cản trở đối với các độc giả đương đại, nhất là vào thời mà mọi thứ trở nên "tốc độ" như hiện nay. Hiện ở Việt Nam, mặc dù được nhắc tới rất nhiều, song trọn bộ tiểu thuyết vẫn chưa đến tay độc giả. Việc các dịch giả đầy uy tín như Đặng Thị Hạnh, Dương Tường, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào cùng tham gia dịch bộ sách đã cho thấy họ coi trọng và yêu mến bộ sách này đến chừng nào, mặc dù, như cách nói vui của dịch giả Đặng Thị Hạnh: "Mình ra bộ tiểu thuyết này quá chậm. Những độc giả có thể thưởng thức Proust không khéo chết cả rồi".
Theo tiết lộ của dịch giả Đặng Hồng Sâm, từ đây tới khi trọn bộ tiểu thuyết được chuyển ngữ sang tiếng Việt, hẳn số dịch giả tham gia  dịch bộ sách có thể tăng lên. Trong đó, nhiều khả năng có hai nhóm dịch tham gia. Nhóm "già" sẽ dịch từ tập đầu trở đi, và nhóm "trẻ" sẽ dịch từ tập cuối trở lại. Đến lúc nhóm già dừng lại thì nhóm trẻ sẽ tiếp tục. Thoạt nghe thông tin này, có thể bạn đọc sẽ ngạc nhiên, không hiểu sao việc dịch bộ sách lại "nhiêu khê" vậy.
Ở đây, xin các bạn nhớ cho, ở Mỹ, cách đây 4 năm, một tác giả tên là Patrick Alexander đã cho xuất bản một cuốn sách có cái tên thật dài "Tìm lại thời gian đã mất" của Marcel Proust: Hướng dẫn độc giả tìm lại những gì đã mất". Trong cuốn sách này, tác giả đã tóm tắt cốt truyện, điểm tên 50 nhân vật quan trọng nhất, vẽ sơ đồ hệ thống nhân vật và in tranh minh họa. Chỉ riêng những việc làm này cũng đã khiến cuốn "hướng dẫn" có độ dày lên tới… 402 trang


  Trần Trọng Nghĩa
Chép lại từ http://viet-studies.info/culture.htm 

Không có nhận xét nào: