Tượng
đài
mới không còn cảnh súng ống và giáo mác chỉa ngang. Hình tượng đã thu
gọn. 40 năm sau chiến tranh, sự nghi ngại hoặc quy chụp vẫn còn lấp ló.
Cái
ác hình như đã được nâng cấp với những loại súng giết người hàng loạt, với bom
vi khuẩn… Những câu thơ liệu có còn giúp con người gần nhau không?
Sau
buổi viếng tang một nhà thơ vừa nằm xuống sau thời gian ủ bệnh, chúng tôi dừng
lại nghỉ bên lề một đô thị mới. Màu xanh cây trồng và những mặt hồ khiến mọi
người khó nghĩ nơi đây xưa kia là bãi chiến trường. Chỉ có màu hoa tím bằng
lăng và những chảo truyền hình.
Đã
vào cuối năm, người, xe trên phố đều hối hả. Tôi cảm ơn những phút thảnh thơi
trên sườn đồi sau khung biệt thự mà người bạn văn nghệ tạo dựng được. Bỗng
chuông Viber trên điện thoại reng êm. Một bạn hữu từ bên kia bờ đại dương sau
lời chúc Tết nói những lời khá thẳng: Chúc các ông sẽ viết được nhiều nữa.
Nhưng làm sao viết cho thế hệ trẻ mai sau và lới trẻ hôm nay đọc được. Chứ đừng
cứ than vãn hay hoài niệm mãi. Mong thay!
Lời
nhắc như nhát dao cứa. Tôi về đem câu nhắc nhở ấy đến cho nhiều bạn làm văn
chương. Có người đang chăm bẳm dựng cốt truyện cho những cuộc thi mới phát
động. Có người chuyên lục, xào những bài báo để biến thành bút ký để trả nợ cho
những ngày được đi giao lưu, nghỉ dưỡng từ nguồn kinh phí mang danh đi thực tế.
Người suốt ngày hí hố lên “phây”- (Face book) tự cho mình tự do nhất lập tức
ngụy biện rằng ta viết cho muôn đời, trước sau đều có thể đọc, chứ việc gì phải
đặt vấn đề cũ rích là “viết cho ai”!
Vô
thường!
Tôi
giao thiệp khá nhiều lứa cầm bút. Chuyên văn chương mà! “Xấu đẹp tùy người đối
diện”. Câu đùa giỡn ngày xưa về những chàng hoặc nàng chuyên tham gia “tìm bạn
bốn phương”, không ngờ là cách trả lời khéo nhất. Từ bao năm nay, tôi luôn nhắc
mình không để lệ thuộc vào những yêu cầu của các phe nhóm cầm chịch việc đăng
tải. Vậy thì nhân
dịp hết năm, thử điểm qua vài tác phẩm của những người quen biết vậy.
“Dì
Lucia”, tập truyện ngắn của Mang Viên Long, cùng tập thơ “Phục Hưng Tôi &
Em” của Từ Hoài Tấn phát hành trong tháng 12-2013. Hai tác phẩm được các tác
giả gửi gắm nhiều tâm trạng. Cả 2 đều là tác giả quen thuộc, nhiều triển vọng
trước năm 1975. Dì Lucia gồm 13 truyện ngắn được Mang Viên Long viết cả trước
và sau mốc lịch sử đáng nhớ (1975). Dưới mỗi truyện đều có ghi ngày hoàn thành.
Truyện “Những Mùa Trăng Có Nhau” đã đăng trên Tuổi Ngọc, tạp chí dành cho tuổi
mới lớn ở Sài Gòn năm 1972; Dì Lucia đăng trên tạp chí Bách Khoa tháng 11-1973.
Còn “Điều Bất Ngờ Đã Đến” được viết năm 1985; “Dọc Theo Một Dãy Phố” được sáng
tác vào tháng 12-2012.
Người
ta dễ nhận ra một Mang Viên Long trước sau như một trong cách hành văn, cách
chọn và diễn tả nhân vật. Mang Viên Long khác với một Võ Phiến chi ly khi diễn
tả bên ngoài mà lắt léo khi suy diễn nội tâm của con người, sự việc. Anh
cũng rất khác với Võ Hồng, vị thầy giáo đôn hậu, chi tiết nào cũng mang tình
cảm hướng về cái đẹp. Đó là 2 nhà văn Miền Trung khá gần gũi, nên hình như anh
thừa hưởng được sự tinh tế của cả 2 vị. Anh không nói thẳng về nỗi đau mình
phải chịu đựng sau ngày “mất dạy”; không oán trách cũng không than thở. Chỉ cho
nó trôi đi như dòng đời. Nhưng nếu để ý, người ta nhìn thấy sự mất mát đâu đó
làm trái tim tiếc nuối. Trong truyện ngắn “Chim Bay Về Đâu” viết năm 1985, nhân
vật cô giáo Thương bị gia đình chồng buộc phải tự nguyện ly hôn vì lý do lý
lịch, cho con đường thăng tiến của chồng được thênh thang. Đầu đuôi là 2 anh
trai của Thương “vượt biên”. Ai đã sống ở Miền Trung những năm sau ngày hòa
bình mới cảm thông được sự dòm ngó, tác động đến “sinh mệnh chính trị” của
những người thuộc gia đình có người vượt biên. Cô giáo Thương sau khi ký đơn ly
dị, đã bồng con về sống với cha mẹ ruột. Nhưng mỗi tuần cô phải bồng con đến
trình diện công an xã một lần! Cuối cùng nàng chọn cách lẳng lặng bỏ đi xứ khác
ở. Bức thư để lại cho cha mẹ viết:
Ngày 23 tháng 10 năm 1978
Kính thưa Ba Má
Con đã đắn đo, suy nghĩ kỹ rồi, con
không thể sống ở nơi đây được nữa, con phải đi đến một nơi xa, thật xa, để kiếm
một việc làm,để nuôi con, để có thể giúp đỡ ba má, để khỏi phải chết mòn vì kỷ
niệm.
Con có để lại chút ít tiền trong ngăn
tủ, ba má hãy cứ lấy ra mà chi tiêu. Con sẽ xin làm bất cứ việc gì để sống,
miễn sống xa nơi này. Con xin gửi cháu Hải ở lại với Ba Má. Rồi con sẽ trở về
đón cháu khi đã có nơi ăn ở, việc làm ổn định.
………..
Đoạn
cuối, Mang Viên Long diễn tả cảnh người thiếu phụ một mình ra khỏi nhà:
“Buổi sớm mai thật tĩnh lặng. Thương
thoáng ngước nhìn lên bầu trời, những cánh cò trắng đang chao đi, vỗ cánh lặng
lẽ, không biết sẽ dừng nghỉ nơi đâu? Thương chợt dừng lại. nàng quay nhìn quê
nhà một lần nữa. Làng xóm đang ngủ thiếp. Vạn vật im ắng, hoang sơ, như một thuở
đất trời vừa mới được tạo dựng. Thương nghĩ thầm: Trong cõi đất trời mênh mông
lạnh buốt này, ta sẽ đi về đâu ?”
Chắc
có người đọc truyện này sẽ thốt lên rằng “nỗi khổ đau quá lớn mà tác giả hiền
quá” ! Thực ra, ở đoạn trước, tác giả đã cho người cha của Thương nói với vợ:
“Bà tưởng tôi là gỗ đá hay sao? Nhưng bà phải hiểu rằng, trên cõi đời này,
không có ai lột da sống đời được cả. Đêm nào bà cũng tụng kinh mà không nhớ lời
Đức Phật dạy là: “Vạn vật đều vô thường và khổ đau” sao?"
Quả
nhiên vạn vật đều vô thường. Người vượt biên năm xưa, nay trở về sẽ trở thành
“Việt Kiều yêu nước”. Nhưng còn nhân vật Thương? Có lẽ số phận nàng cũng đã
bình yên như tác giả. Trong những năm thất nghiệp, Mang Viên Long dựng quầy
“sửa khóa, làm chìa”, đêm về anh yên bình viết văn. Từ 2003 anh liên tục xin
“liên kết” xuất bản tác phẩm mới. Dì Lucia được NXB Hội Nhà Văn cấp phép, là
tác phẩm thứ 18, là tập sách thứ 13 in sau 1975. Sách được tác giả tự phát
hành, nhưng nghe đâu cuốn nào cũng thu hồi được đủ tiền in!
Búp
vẫn còn non ?
Khác
với Mang Viên Long, các bài thơ đưa vào “Phục Hưng Tôi & Em” đều được Từ
Hoài Tấn sáng tác trước 1975. Ngoài nhiều tập thơ in chung, năm 2003 và 2012
anh đã xuất bản 2 tập thơ riêng nhưng không để nhiều dấu ấn. Ngược lại, những
bài sang tác trước 1975 lại được độc giả đón nhận. Chính nhiều bạn bè, thân hữu
ở trong nước và nước ngoài đã giúp anh thực hiện tuyển tập thơ này. Một cách
hoài niệm chăng? Hỏi cũng là trả lời.
Có
mặt trong tuyển tập “Bông & Giấy”, Từ Hoài Tấn từng được xếp vào các tác
giả “hậu hiện đại Việt Nam”.
Nhưng đọc Phục Hưng Tôi& Em, người ta lại thấy giọng thơ phá cách của anh
đã có từ xưa, như trong bài:
trên những búp non báo hiệu
Nơi ấy, nơi tất cả những khổ đau đã mọc
thành cây cổ thụ và hoàng hôn không bao giờ dời đi
Mọi người sống và chết
Dưới trời cô đơn
Nơi ấy, nơi những bàn tay rời rã đưa lên
không kịp chào
Giữa hai chuyến xe tốc hành về vực thẳm
Những người yêu nhau trong một thời đại
cuối cùng
Không bao giờ nữa
Không bao giờ nữa
Nơi ấy, nơi những chùm hoa đầy giọt độc
Là thức ăn từng ngày của mọi người
Hãy vui sướng hãy ca hát
Hãy xum xoe hãy đùa giỡn
Trong bóng tối của lưỡi hái khổng lồ
Cái chết không ngừng bủa xuống
Cùng với lời kêu gọi
Cùng với lời ca ngợi
Những chùm nho thành sủng
Nơi ấy, có những điều nghe không được
nói không được
Và phải bịt chặt hai lỗ tai phải khâu
lại mồm mép
Con mắt được chế tạo sẵn trưng bày ở
các cửa hàng
Cùng những hình nhân qua lại trong lồng
kiếng
Nơi ấy không có gì để nói
Nhưng
Trên những búp non vừa mới thấy đêm qua
Trong khu vườn của loài hoa tội ác
Như báo hiệu một điều gì
(1969)
Qua
Từ Hoài Tấn, tập thơ này cho thấy mọi phân định, gán ghép về trường phái đều
khiên cưỡng. Sau trường thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, nhiều nhà thơ biết nhìn
sự vật với cặp mắt sắp đặt sự vật. Cái bí của các nhà thơ tự nhận là đang
“đương đại” là đã không thấy hết dòng chảy thơ ca Miền Nam 1954-1975.
Phải chăng búp thơ năm nào nay vẫn còn non?
“… Phê bình đã bỏ quên thơ Miền Nam sau
1954- đây là mảng rất quan trọng. Thơ hiện nay vẫn nằm trong lãnh địa mà thơ
Miền Nam
cũ tạo ra… Thơ hôm nay đang cố vươn lên thơ Miền Nam trước đây và thơ chống Mỹ.”
Nguyễn Thụy Kha
(trích từ Tạp chí Văn học số 1-1994)
Trong
những ngày tất niên Quý Ngọ, tôi muốn trích những dòng mà nhà thơ, nhạc sĩ
Nguyễn Thụy Kha ở đất Bắc đã viết từ 20 năm trước để tạm dừng chuyện “Dọc
Đường”.
Võ Chân Cửu (Lâm Đồng)
Chép lại từ http://www.huongquenha.com/2014/01/hoai-niem-xuan-xa-bai-cua-vo-chan-cuu.html
Chép lại từ http://www.huongquenha.com/2014/01/hoai-niem-xuan-xa-bai-cua-vo-chan-cuu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét