Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Tái dựng đầy đủ nhất lễ dựng Nêu chốn Hoàng cung

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều ngày 23/1 (23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ dựng Nêu ngày Tết (hay còn gọi là lễ Thướng Tiêu), một nghi lễ đầy ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt mà các vua nhà Nguyễn thực hiện hàng năm tại Đại Nội - Huế.
Tục dựng cây Nêu ngày Tết là một nghi thức có từ lâu đời trong đời sống tâm thức của người Việt. Cây Nêu thường được trồng ngay trước sân nhà mỗi dịp Tết Nguyên đán. Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết người ta làm lễ dựng Nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới. Mục đích là để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng Nêu ngày Tết để cầu mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
Cầu mưa thuận gió hòa
Theo sử liệu, dưới triều Nguyễn, đến ngày 25 tháng Chạp là ngày là ngày trừ nhật không tiếp nhận văn thư, ngày này làm lễ khóa ấn, nghĩa là cất ấn triện, không đóng dấu nữa, rồi dựng Nêu (Thướng Tiêu). Đó là nghi thức dùng 1 cây tre trên đó lấy tranh kết 4 dọc 5 ngang (cái lung tung), rồi treo 1 cái sọt bên trong đựng giấy tiền, cau trầu, bùa đào… để cúng Thần. Trên bùa đào ngoài việc ghi tên Thần, còn treo câu đối Tết mà thường là câu “Tân niên nạp dư khánh/ Gia tiết hiệu trường xuân” (Năm mới nhiều điềm tốt / tiết đẹp gọi xuân lành).
Dựng Nêu ở điện Long An
Đến thời Tự Đức, triều đình quy định đến ngày 30 tháng Chạp mới dựng Nêu, tức thời gian nghỉ Tết ngắn lại. Theo điển lệ, khi thấy cây nêu lấp ló trên bức tường thành của chốn Hoàng cung, các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng Nêu ăn Tết cúng Thần cùng tổ tiên và vạch vôi trừ ma quỷ. Thơ của Tú Xương cũng phản ánh sự quy định dựng Nêu ngày Tết của người dân sau Hoàng cung: “Xuân từ trong ấy mới ban ra/ Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà”.
Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài tục trồng cây nêu ngày Tết ở Thừa Thiên Huế đã dần mai một và một vài năm trở lại đây, nhiều chùa, đình làng đã phục dựng lại tục dựng Nêu ngày Tết của cha ông để lại. Năm 2013, lễ dựng Nêu trong Hoàng cung lần đầu tiên được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phục dựng, nhưng do là lần đầu nên chưa bài bản và đầy đủ.
Lễ dựng Nêu bài bản nhất
Tết năm nay, lễ dựng Nêu chốn Hoàng cung được thực hiện tại 2 điểm tại Thế Miếu và điện Long An. Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước Nêu được tổ chức trang trọng, bao gồm 6 quân lính cầm cờ cảnh, lồng đèn; 4 lính cầm cờ tứ phương; tiếp đến là 1 quan cầm lỗ bộ ghi chữ "Thướng Tiêu"; 1 lính bưng tráp cau, trầu, rượu, phướn; kế đến đội nhạc công tiểu nhạc; giữa đội rước là 10 lính đội nón, mặc áo màu vàng, vác cây Nêu; theo sau là 8 lính cầm lỗ bộ và cuối cùng là thành phần tham dự trong trang phục truyền thống tiến đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng Nêu.
Tại đây, hương án, lễ phẩm cùng đội đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn. Nghi thức thướng nêu được cử hành nghiêm trang. Sau đó tiếp tục rước 1 cây Nêu khác về dựng Nêu tại điện Long An theo đúng nghi thức.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, trên cơ sở rút kinh nghiệm lần phục dựng đầu tiên vào năm 2013, lễ dựng Nêu năm nay được nghiên cứu và chuẩn bị chu đáo hơn. Ngoài việc tổ chức nghi lễ dựng Nêu ở thế Miếu, chúng tôi còn dựng Nêu ở Điện Long An - nơi gắn liền với không gian sinh sống và thờ tự của vua Thiệu Trị trước đây. Có thể nói, lễ dựng Nêu năm nay được tổ chức đầy đủ hơn, bài bản hơn theo nghi thức truyền thống. Hy vọng qua những dịp như thế này, tục dựng nêu của người Huế không chỉ khôi phục lại trong Hoàng cung mà còn trong dân gian.
Cũng theo ông Phan Thanh Hải, do Huế là Cố đô cuối cùng của Việt Nam là nơi hội tụ sự giao lưu của nhiều luồng văn hóa và đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng, Huế là nơi các nghi thức truyền thống được bảo tồn và giữ gìn nguyện vẹn nhất, trong đó có lễ dựng Nêu ngày xưa. Việc phục dựng lại lễ dựng Nêu chốn Hoàng cung xưa nhằm chuyển tải các thông điệp về mặt văn hóa, những vẽ đẹp của nghi thức trong đó có nhạc, lễ, trang phục, khói hương… tạo ra không gian trầm lắng, có tính suy tưởng cao để người ta có thể gợi lên, suy ngẩm được nét văn hóa đậm tính nhân văn và sâu sắc của người Việt Nam.
Nghi lễ dựng Nêu chốn Hoàng cung được phục dựng ở Huế mang tính chất cung đình, trang trọng và bài bản hơn nhiều mà ở tất cả những nơi khác trên đất nước Việt Nam không thể có được bởi có sự tham dự của quan lại triều đình, hoàng thân quốc thích, sự tham gia của đại nhạc, tiểu nhạc và các đội nghị thức; các phần trình bày về nghi lễ vào hào soạn cũng trang trọng và bài bản hơn. Có lẽ chỉ riêng Huế mới có được đặc điểm này.
Trần Dương
http://thethaovanhoa.vn

Không có nhận xét nào: