Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Nhà nguyện tình yêu

Đã nhiều khi, nữ sinh Huế xưa đã đến Gác Trịnh và hát nhạc Trịnh ngay trong căn nhà này, hát những bài hát về tình ca và thân phận. Và vì thế, đây cũng đang là "nhà nguyện tình yêu"


Buổi sáng, tôi đến sớm, bật những ngọn đèn vàng trong căn nhà Gác Trịnh, thắp trước khung ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ôm đàn guitar trên nền dòng kẻ bản nhạc mơ hồ Đêm thấy ta là thác đổ một cây nến, bật đĩa nhạc nghe giọng hát Khánh Ly rồi ra ban công ngồi nhìn sang vòm long não đang xanh biếc ngoài kia. Chỉ một chốc nữa thôi, Gác Trịnh sẽ đầy ắp tiếng người. Những con người đến đây, từ muôn phương, chỉ đơn giản vì họ nhận ra đây cũng là chốn về của trái tim yêu thương dành cho nhạc Trịnh vẫn âm ỉ trong mỗi người.

Học giả Bửu Ý thắp nến hồi sinh căn nhà Gác Trịnh. Ảnh: H.Đ.T.N
Học giả Bửu Ý thắp nến hồi sinh căn nhà Gác Trịnh. Ảnh: H.Đ.T.N
Học giả Bửu Ý, người bạn thân thiết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, kể lại trong một lần đến đây: Những năm cuối thế kỷ XX, trở về Huế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lần mở lòng mình về một ngôi nhà lưu niệm và gọi đó là “nhà nguyện tình yêu”. Đó không là nhà của riêng ai, của Trịnh Công Sơn cũng không nốt, đó là nhà của mọi người, của tuổi trẻ, của tình yêu. Vị nhân sĩ đáng kính này cũng đã mơ ước: “Ngôi nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn sẽ là nơi lui tới thường xuyên, hằng ngày, suốt năm, không riêng của thanh niên, bởi không chỉ thanh niên mới yêu thích nhạc Trịnh, mà là mọi người, từ già xuống trẻ, từ trong đến ngoài nước, không những đến nơi này chỉ vì nhạc, còn vì những tư liệu khác, để đọc, để ngắm, để nhớ và nhất là để nuôi dưỡng tâm hồn…”.
Việc sửa sang và bày biện Gác Trịnh trong căn nhà số 203/19 (trước đây là 11/3)  đường Nguyễn Trường Tộ ở TP Huế, căn nhà mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng đi về những năm 1960 cho đến 1978, không phải là chuyện tình cờ. Một nhóm anh em văn nghệ sĩ Huế đã tự xoay xở, bài trí lại với hy vọng căn nhà xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế sẽ là nơi lưu dấu để cho những ai yêu mến Trịnh có thể đến thăm. Mà cũng không chỉ riêng mình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ai đọc bút ký Căn nhà của những gã lang thang của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sẽ nhận ra đây còn là nơi lưu dấu của những người bạn tài hoa qua tháng năm đã làm nên một vóc dáng văn học nghệ thuật của xứ sở: Ngô Kha, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Bửu Chỉ… Kỷ vật ban đầu nhóm thu thập được là chiếc ghế gỗ rất nặng, nơi ngày xưa Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ từng vẽ những bức chân dung của bạn bè. Qua giới thiệu của họa sĩ Đinh Cường, TS Phạm Văn Đỉnh, CLB Trịnh Công Sơn ở Paris, đã gửi về một số hình ảnh quý, được nhóm lồng khung treo khắp căn nhà.
Gác Trịnh được khai trương vào đúng kỷ niệm 12 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1-4-2013). Danh cầm guitar Trần Văn Phú xúc động đàn lại nhiều ca khúc của Trịnh, đệm cho giọng hát Camille Huyền. Nhiều người đã chứng kiến một cánh bướm bay về rất vui trong ngày đó và thốt lên: “Anh Sơn về! Anh Sơn về!”. Một trong những người xúc động nhất hôm đó là Bửu Ý, ông đã tâm nguyện bao nhiêu năm về không gian lưu niệm Trịnh Công Sơn tại Huế và chính ông là người được mời thắp lại ngọn nến hồi sinh cho căn nhà. Ông viết trong sổ lưu niệm: “Đến Gác Trịnh, đối với tôi, như trở về nhà. Tôi nhận ra tất cả các góc, nhận ra luôn cả cầu thang tầng trệt lên đến đây, rồi bước qua cửa, nhận ra phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, các bức tường, các cánh cửa… Dù có dăm đổi thay, thêm thắt, căn nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ vẫn như xưa”.
Hàng ngàn người đã lần lượt đến đây nhưng có một điều rất đặc biệt, vị khách đầu tiên đến thăm Gác Trịnh, là hai bông hồng vàng ai đó đã dấu yêu gắn lên cánh cửa ngay tinh mơ sáng hôm sau. Điều đó khiến tôi nhớ lại ngày xưa, Bích Diễm đã từng gắn cành dạ lan hương bên ngoài cánh cửa này cho Trịnh Công Sơn. Thì ra huyền thoại vẫn còn đó và đang tiếp diễn trong mênh mông cuộc đời này.
Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường, trưng bày tại Gác Trịnh
Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường, trưng bày tại Gác Trịnh
Những ngày sau đó, nhiều người đã đưa kỷ vật của mình liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cho Gác Trịnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gửi đến nhiều kỷ vật và hình ảnh, trong đó có bức tranh sơn dầu Đinh Cường vẽ Trịnh Công Sơn. Anh Nguyễn Đình Vụ, sui gia của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã đưa đến chiếc bàn thấp mà ngày xưa Trịnh Công Sơn đã từng viết ở đó các ca khúc Diễm xưa, Hạ trắng…
Tiết trọng đông tháng 11 vừa qua, một bóng dáng cũ của ngôi nhà, một người bạn của Trịnh Công Sơn, một tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam - họa sĩ Đinh Cường - từ Mỹ đã cùng họa sĩ Phan Ngọc Minh về bày tranh nơi Gác Trịnh. Khi nghe tin anh em Huế mở cửa lại căn nhà xưa, người họa sĩ của màu rêu xám quý phái đã xúc động làm bài thơ Thầm mơ Gác Trịnh có kể lại kỷ niệm về chiếc ghế: “Bửu Chỉ vẽ xong rồi tôi vẽ/ và Sơn dành vẽ đẹp vô cùng…”. Ông cũng đã vẽ bức tranh“Chiếc ghế và ba bông hồng vàng” đem về bày trong triển lãm. Ông cũng kể về những ngày xưa cùng ngổn ngang chai lọ bên bức tường cũ phía trong, những tư tưởng nghệ thuật đã thoát thai từ những nghệ sĩ đích thực. Một số bức tranh của ông chỉ bày không bán, có chân dung từ ký ức năm 1964 của Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Bùi Giáng và Dao Ánh. Người đẹp mà Trịnh Công Sơn ngày xưa đã vọng tưởng để sau đó viết cho Dao Ánh: “Anh nhớ lắm hàng cây long não mùa này ướt sũng và đêm gió lao xao trên đó. Hàng cây đã chứng kiến những mùa thu, hạ, xuân, đông (Ánh đã) đi qua…”. Những lá thư huyền thoại mà Dao Ánh cất giữ đã nửa thế kỷ, khi thì Trịnh Công Sơn viết từ Blao gửi về căn nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ này, sau đó các em gái nhạc sĩ mới chuyển sang cho Dao Ánh. Và khi Dao Ánh đi khỏi Huế, những lá thư gửi cho Dao Ánh, có nhiều lá thư được viết từ trong căn nhà này, với bao nỗi hoài mong. Chính vì vậy, chuyến trở về mái nhà xưa lần này của Đinh Cường, Dao Ánh đã nhờ họa sĩ mang về cho Gác Trịnh lá thư của Trịnh Công Sơn gửi cho mình từ Blao, ngày 23-9-1965. Trong thư có câu: “Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng, Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa Đông này”? Cái tình của Dao Ánh khi tin yêu gửi kỷ vật của mình về đã thắp lại ngọn lửa trong Gác Trịnh. Dao Ánh viết khi nhờ Đinh Cường mang lá thư về Gác Trịnh: “Anh Cường thân mến, như đã hứa với anh, xin gửi anh đem về chút quà nhỏ, đóng góp của Ánh cho căn nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Huế. Những dấu tích anh Sơn còn để lại đó cùng khắp, trong căn nhà đó, bên dòng sông đó, và trên con đường có lá lao xao suốt mùa thuở đó. Căn nhà này đúng là nơi đáng được gìn giữ dài lâu là căn nhà xưa của Trịnh Công Sơn” .
Một kỷ vật khác nữa. Mười lăm năm trước, trong một lần về Huế uống rượu tại nhà Bửu Ý, thấy nhà thơ Đinh Thu ngồi co ro vì lạnh, Trịnh Công Sơn đã cởi chiếc áo khoác đưa cho Đinh Thu và nói: “Em mặc đi!”. Đinh Thu đã giữ mười lăm năm và nay trao lại cho Gác Trịnh…
Và bên trong căn nhà này, từng ngày vang lên giọng hát Khánh Ly, thì cũng hiện diện tấm ảnh chụp Trịnh Công Sơn - Khánh Ly có lời ký tặng Gác Trịnh của chính ca sĩ. Không chỉ riêng Khánh Ly cảm nhận, những ca khúc Trịnh Công Sơn cứ đi thẳng vào tim rồi ở lại đó. Và cũng không riêng ca sĩ Khánh Ly cảm nhận, Trịnh Công Sơn đã để lại cho người đời bài học yêu thương, gần lại với nhau để học lại từ đầu bài học yêu thương.
Đến Gác Trịnh cũng là cách để học lại bài học đó. Đã nhiều khi, nữ sinh Huế xưa đã đến và hát nhạc Trịnh ngay trong căn nhà này, những bài hát về tình ca và thân phận. Và vì thế, đây cũng đang là “nhà nguyện tình yêu”…
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
 
http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/nha-nguyen-tinh-yeu-20140124161146778.htm

Không có nhận xét nào: