Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Người Việt tìm Phật trên đất Mỹ

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Mỹ, việc đi lễ chùa trở thành một sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu để gắn kết các thành viên, đồng thời cũng là mối dây gắn bó vô hình nhưng bền vững, từ tín ngưỡng cho tới những giá trị sống, giá trị triết lý của người Việt.
Hạt Lancaster tiểu bang Pennsylvania bao gồm nhiều thị trấn nhỏ ra đời từ những năm 1726 - 1730, nằm rải rác quanh bờ Đông dòng chảy con sông Susquehanna và từ đó tới nay luôn được mở rộng. Vùng đồi thấp giá lạnh và bình yên nằm ở vùng Đông Bắc nước Mỹ này có duyên trở thành nơi cư trú của hơn 2.178 đồng bào Việt Nam, và là một trong những trung tâm hành thừa Phật pháp được biết đến nhiều nhất trong cộng đồng người Việt cũng như toàn nước Mỹ.
Vào chùa thắp một tuần hương…
Khi rừng cây bao trùm thành phố trút hết lớp áo thu rực rỡ, chỉ còn những cành khô ngút ngàn một màu xám mờ trong hơi sương giá lạnh, băng đóng một lớp mỏng trong các vòi phun nước ngoài trời, thành phố với những ngôi nhà cổ kính đẹp như tranh rộn ràng chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, thì cổng những ngôi chùa ở Lancaster vẫn luôn mở rộng đón các gia đình người Việt và cả người Mỹ… mỗi sáng Chủ nhật.
Dự lễ hội lạc thành chùa Xá Lợi
Không giống như ở quê nhà, đi lễ chùa thường phổ biến vào các ngày Rằm, mùng 1 và những dịp lễ lớn như Nguyên Tiêu, Phật Đản, Vu Lan… cũng như chỉ chủ yếu dành cho các mẹ, các chị từ tuổi trung niên trở lên, lên chùa ở Lancaster nói riêng và ở nước Mỹ nói chung, giống như dịp lễ lạc hằng tuần của các gia đình phật tử, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Ở đây, người nóng lòng thi lễ thì nguyên comple, cà vạt chỉnh tề, bỏ giày ngoài thềm, rập đầu sụp lạy trước tượng Đức Thích Ca Mâu Ni…
Đi lễ chùa trở thành một sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu để gắn kết các thành viên, trong điều kiện làm việc căng thẳng, nghiêm túc, ít có cơ hội để quan tâm thăm hỏi, đồng thời cũng là mối dây gắn bó vô hình nhưng bền vững, từ tín ngưỡng cho tới những giá trị sống, giá trị triết lý của người Việt. Những dịp khánh lễ quan trọng của nhà chùa trở thành ngày hội chung.
Tôi có dịp tham dự lễ hội lạc thành chùa Xá Lợi tại tiểu bang Maryland hồi tháng 9/2013. Lễ hội kéo dài hai ngày một đêm với hàng ngàn lượt người, hàng chục ngàn Phật tử lần lượt tụ về tham dự từ khắp các vùng lân cận như thủ đô Washington D.C, các tiểu bang Virginia, Pennsylvania, New Jersey… và đại diện của các vùng xa xôi, có khi tận đầu kia nước Mỹ như California, Texas… Các ca sĩ nổi tiếng của cộng đồng người Việt như Lệ Thu, Mai Thúy Vân, Diễm Liên, Nguyên Khang… thay nhau làm nóng sân khấu lễ hội suốt hai ngày một đêm với các ca khúc trữ tình cho tới những bài ca yêu quê hương, đất nước, mà hoàn toàn không đòi hỏi bất cứ một khoản cát-sê, dù tượng trưng nào. Thật hiếm khi có một lễ hội cộng đồng nào thu hút được sự tham gia đông đảo cũng như khơi lên được ngọn lửa nhiệt tình cống hiến của thành viên đến thế.
Cũng hiếm có ngôi chùa Việt Nam nào trên đất Mỹ giữ nguyên lối kiến trúc truyền thống của chùa cổ Việt Nam, với Tam quan, Gác chuông mái đao cong vút, Giếng ngọc, Tả vu Hữu vu, Thiêu hương, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Tăng… Chùa có khi là một giáo đường cổ kính được bà con phật tử phát tâm mua lại và tu bổ, trang trí như chùa Pháp Hoa ở số 202 đường Cherry St. Columbia, ngôi chùa lớn của Lancaster. Cũng như nhiều ngôi chùa Việt khác trên đất Mỹ, do không gian hạn hẹp, kiến trúc và trang trí bên trong chùa phải tùy thuộc kiến trúc sẵn có, chùa Pháp Hoa cũng chỉ sắp đặt được những nhóm tượng chính của tín ngưỡng như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, nhóm tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và tượng Hộ Pháp. Cũng tùy theo pháp môn của vị sư trụ trì, mà chùa Việt có khi được xây dựng theo lối kiến trúc của chùa Kh’me, như chùa Xá Lợi ở Maryland.
Cộng đồng người Việt được xem là đông đảo nhất trong số các sắc dân Đông Nam Á sinh sống tại Mỹ, chính vì thế chùa Việt Nam cũng trở thành nơi lui tới của một số phật tử từ các quốc gia như Myanmar, Campuchia… Đây cũng là điểm độc đáo khiến cho các chùa Việt ngày càng mang thêm sắc màu đa văn hoá cũng như có quan niệm càng thêm rộng mở về hành thiện, tu tập.

Thỉnh dựng tượng Quán Thế Âm tại chùa Pháp Hoa (tháng 9/ 2013)
Gặp Phật trong nhà mình
Người Việt ở Lancaster, Pensynnvania không mấy ai không truyền miệng câu chuyện có thực mà như truyền thuyết, về gia đình ông Nhâm Ngọc Hựu.
Ông vốn là người gốc Bắc, vợ ông cũng xuất thân từ một làng quê miền Bắc có nghề làm giò lụa nức tiếng. Bà còn giữ hàm răng đen nhưng nhức hạt na, tần tảo nuôi đàn con 7 người, ai cũng được ăn học tới nơi tới chốn trên đất Mỹ. Ông Hựu cao trên 1,8 mét, đi giữa đám đông còn thấy ông vượt lên gần một cái đầu và ông có biệt tài chụp cá từ dưới suối bằng tay không. Những ngày đầu mới đặt chân lên đất Mỹ, còn khó khăn trăm bề, ông vẫn gác việc nhà mình sang một bên để tìm đến xốc vác, giúp đỡ những gia đình neo người, nghèo túng, khó khăn hơn. Ông là người Việt đầu tiên ở Lancaster đứng ra thành lập Hội Phật tử, quyên tiền xây ngôi chùa Việt đầu tiên, đi mời bằng được nhà sư về trụ trì để bà con có nơi tụ họp về tinh thần. Ông còn mở lớp, mời thầy dạy tiếng Việt và quốc văn cho trẻ nhỏ. Những năm 1990, ông thọ giới tại Pháp, trở về Lancaster, ăn chay trường, sống cuộc đời tu hành. Khi ông qua đời, bà con phật tử tận mắt thấy ngọc xá lợi còn lại trong tro cốt ông, truyền tai nhau về những ân đức mà một vị hành giả có thể làm khi còn đang trong đời thường.
Chuyện tu hành của anh Nhâm Ngọc Quang, con trai trưởng của ông còn có phần ly kỳ hơn. Là một kỹ sư, anh làm việc và sinh sống như mọi người bình thường, lập gia đình và có hai con. Chưa bao giờ anh nghĩ sẽ đi tu giống như cha mình. Anh Quang cũng chưa bao giờ chia sẻ về cái duyên nào đưa anh đến với việc tu hành từ cách đây khoảng 10 năm, nhưng anh cảm nhận được cuộc đời thực sự của mình chỉ có thể là cuộc đời một người thừa hành Phật pháp. Anh ngăn đôi căn nhà của hai vợ chồng, lập một am nhỏ để hành thiền tĩnh tại. Người vợ tôn trọng sở quyết của chồng, cảm nhận được “căn tính” của bản thân, chị cũng tự nguyện bước vào con đường tu tập. Căn nhà nhỏ số 2578 đường Litizt Pike, L. PA vốn là tổ ấm của hai người, được bà con truyền tai nhau, đã trở thành “chùa gia đình”, như cách gọi thân mật. Anh Quang dành dụm mua thêm mảnh đất sau nhà xây cất thêm vườn tượng, làm phòng hành thiền cho bạn hữu, đồng bào.
Cộng đồng phật tử ở đây tìm đến và theo đuổi tín ngưỡng như một nhu cầu hướng thiện và hành thiện tự nhiên. Phật pháp vì vậy cũng trở nên gắn bó hơn với những thực hành như hành thiền, ăn chay, làm thiện nguyện. Cũng vì những thực hành mang lại chất lượng mới cho đời sống tinh thần con người, mà không phải sự mê tín, sùng bái, đạo Phật đã thu hút thêm nhiều công dân Việt thế hệ thứ hai, thứ ba ở Mỹ, cũng như nhiều người Mỹ, Tây phương, không phải “dâu, rể” Việt tìm theo.
Người Việt đầu tiên mang Phật pháp vào đất Mỹ là hoà thượng Thích Thiện Ân (1924- 1980). Ông cũng được bà con người Việt tri ân là người xây dựng ngôi chùa Việt đầu tiên của toàn nước Mỹ tại Los Angeles, thành phố của những “thiên thần sa đoạ”. Là tiến sĩ thần học tu học từ Nhật Bản, có duyên với nhiều học giả, nhà nghiên cứu, phật tử từ nhiều quốc gia khác nhau, ông từng mở Thiền viện Quốc tế (The International Buddhist Meditation center) tại 928 S. New hampshire, Los Angeles từ năm 1970 đến nay còn tồn tại. Theo David Allen, Columbia News, toàn nước Mỹ có khoảng 150 tới 165 ngôi chùa Việt, hầu hết theo giáo lý và thực hành Tịnh Độ tông kết hợp với Thiền tông.
Ghi chép của Khánh Phương

Thể thao & Văn hóa

HÒA THƯỢNG THÍCH THIÊN ÂN 
(1925 – 1980)
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em.
Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng.
Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.
Năm Mậu Tý 1948, Ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Hộ Quốc Đàn, tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc, do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đường đầu truyền giới. Đồng khóa với Ngài, còn có các vị Minh Châu; Đức Tâm; Minh Tánh...
Năm Giáp Ngọ 1954, với khả năng Phật học và thế học xuất chúng, Ngài được chư tôn đức cho xuất dương du học tại Nhật Bản. Đến nước Nhật, Ngài vào học ở Đại học đường Waseda, là một trường đại học nổi tiếng. Trải qua 6 năm miệt mài đèn sách, Ngài đậu Tiến sĩ Văn Chương vào năm 1960, sau đó Ngài về nước, trong khi chờ Giáo hội bố trí công tác, Ngài nhận lời thỉnh giảng ở các trường đại học.
Năm Tân Sửu 1961, với mơ ước thành lập một viện đại học riêng của Phật giáo. Ngài được lời khuyên của các vị tôn túc lãnh đạo Giáo hội, cần phải trau giồi thêm kinh nghiệm, phương pháp quản lý một đại học Phật giáo có tầm cỡ quốc tế. Vì thế Ngài lại xuất dương để tu nghiệp. Đến Nhật Bản lần này, Ngài đã tìm học pháp môn Thiền Rinzai (Lâm Tế) chính thống của các thiền sư Nhật Bản và thành tựu được sở nguyện này.
Năm Quý Mão 1963, thời cuộc chính trị trong nước đã không thuận lợi như ý định, do sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn đến cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ trên toàn miền Nam Việt Nam. Nặng lòng vì đạo pháp, Ngài bèn trở về nước cùng chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Tăng Ni Phật tử tham gia công cuộc đấu tranh. Ngài bị chính quyền Diệm bắt giam chung với chư tôn đức lãnh đạo trong cuộc tổng tấn công các chùa vào ngày 20 tháng 8 năm 1963, đòn cuối cùng báo hiệu trước sự sụp đổ của một chính quyền bạo tàn.
Năm Giáp Thìn 1964, sau pháp nạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập. Ngài được cử làm Ủy viên Phật học vụ thuộc Tổng vụ Tăng sự. Ngày 13 tháng 3 cùng năm, Viện Cao đẳng Phật học được thành lập do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Minh Châu làm Phó Viện trưởng, Ngài làm Giáo Thọ trưởng. Thời gian đầu tiên, Viện Cao đẳng Phật học đặt tại chùa Pháp Hội ở đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn, có hai lớp học giảng dạy tại chùa Xá Lợi, quận Ba – Sài Gòn.
Năm Bính Ngọ 1966, Ngài được Cơ quan Văn hóa Á Châu của Liên hiệp quốc mời hợp tác giảng dạy trong chương trình trao đổi giáo sư. Mùa hè năm ấy, Ngài lên đường sang Mỹ quốc, giảng dạy tại Đại học đường Nam California ở thành phố Los Angeles, với tư cách là Giáo sư thỉnh giảng về ngôn ngữ và triết học. Tại đây, Ngài được sinh viên yêu cầu dạy phương pháp thực hành thiền định và sau đó lập nên nhóm nghiên cứu Phật học đầu tiên.
Năm Đinh Mùi 1967, sau khi kết thúc chương trình giảng dạy Đại học đường, Ngài dự định sẽ về Việt Nam, nhưng thiền sinh, sinh viên Mỹ thỉnh cầu Ngài ở lại để hướng dẫn tu học. Ngài được xem là vị Tăng sĩ Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại nước Mỹ. Khởi đầu, Ngài thuê một căn hộ ở phía nam đại lộ Vermont – Los Angeles để hướng dẫn sinh viên Mỹ học thiền theo truyền thống Nhật Bản. Do ngày càng đông giới thanh niên Mỹ theo học, Ngài thành lập Trung tâm Thiền học Quốc tế (International Buddhist Meditation Center) tọa lạc tại South New Hampshire – Los Angeles. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đã có nhiều sinh viên Mỹ xin xuất gia tu học; nổi bật trong số đó có Sư cô Karuna Dharma, là một Tiến sĩ Phật học, người kế tiếp sự nghiệp của Ngài sau này.
Kế tiếp ba năm sau đó, Ngài xây dựng một ngôi chùa lấy tên là chùa Phật Giáo Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Mỹ cho cộng đồng người Việt ở California có nơi quy tụ chiêm bái và tu học.
Tháng 10 năm 1973, Ngài kết hợp với các nhà giáo dục Mỹ, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng, Tích Lan để sáng lập trường Đại học Đông Phương (University of Oriental Studies), một nơi thu hút đông đảo sinh viên Mỹ ghi danh học Phật học, ngôn ngữ và triết học phương Đông.
Năm Giáp Dần 1974, Ngài tổ chức Đại giới đàn để truyền giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và Pháp sư (Nhà truyền giáo cư sĩ 25 giới) cho người Mỹ đến tu học với Ngài. Trong quá trình hoằng pháp ở Mỹ, Ngài quan tâm đến việc đào tạo thêm nhiều Pháp sư cư sĩ, người có thể đi vào mọi tầng lớp xã hội phương Tây để truyền dạy chân lý nhà Phật.
Đầu tháng 9 năm 1980, Ngài cảm thấy pháp thể khiếm an, bác sĩ cho biết Ngài mắc phải bệnh nan y do u não và ung thư gan, nhưng Ngài vẫn tiếp tục miệt mài với công tác hoằng pháp. Trong những tháng cuối cùng của cuộc đời, người ta thường nhìn thấy Ngài ngồi một cách thanh thản trên các bậc thang của tháp chuông, họ cảm phục năng lực tinh thần của Ngài kiên định vượt qua sự cam chịu của tật bệnh.
Ngày 23 tháng 11 năm Canh Thân 1980, Ngài đã viên tịch ở tuổi 75, với 52 Hạ lạp. Ngài ra đi trong sự tiếc thương đưa tiễn của hàng trăm ngàn người Việt tại Mỹ và hàng ngàn thiền sinh người Mỹ học trò của Ngài. Một Thiền sinh người Mỹ nói : “Ngài là sức mạnh, là chỗ dựa trong đời sống tu tập của chúng tôi. Ngài đã dạy chúng tôi biết thế nào là sự vô thường, biến loạn của vạn vật, nhưng chúng tôi không nghĩ là mất Ngài sớm như vậy”.
Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã để lại dấu ấn cho đời qua các tác phẩm :
- Phật Pháp (viết chung với 3 tác giả) 
- Trao đổi văn hóa Việt – Nhật 
- Buddhism and Zen in Vietnam.
Sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng Thích Thiên Ân được các đệ tử của Ngài kế thừa và phát triển mạnh mẽ trên đất Mỹ. Ngài xứng đáng là một Tăng sĩ Việt Nam tiêu biểu trong số các nhà Sư châu Á đầu tiên hoằng pháp trên đất Mỹ. 
 

http://www.tuvienquangduc.com.au/Danhnhanvn/htthichthienan.html

Ghi Chú của Blog:
Tưởng Niệm Cậu tôi : Đoàn Văn An - Hòa Thượng Thích Thiên Ân

Không có nhận xét nào: