Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

HLV Phạm Huỳnh Tam Lang: Một người thầy bóng đá mà tôi biết

Chép lại từ :
http://motthegioi.vn/tieu-diem/hlv-pham-huynh-tam-lang-mot-nguoi-thay-bong-da-ma-toi-biet-75662.html

HLV Phạm Huỳnh Tam Lang khi còn dẫn dắt CLB TP.HCM, đội bóng cuối cùng mà ông huấn luyện (ảnh TT&VH)
HLV Phạm Huỳnh Tam Lang khi còn dẫn dắt CLB TP.HCM, đội bóng cuối cùng mà ông huấn luyện (ảnh TT&VH)
Từ nhỏ tôi đã nghe tên ông Phạm Huỳnh Tam Lang qua lời kể của cha và mẹ, nhưng tôi chưa hình dung là ông như thế nào. Tôi biết và gặp ông lần đầu vào năm 2005 khi ông làm HLV cho CLB TP.HCM. Ông không có trí nhớ tốt, kể chuyện không thật hấp dẫn nhưng toát lên ở Phạm Huỳnh Tam Lang luôn là một con người hòa nhã, đức độ.

Từ lời kể và ký ức của cha mẹ
Trước năm 1975, cha tôi vào Sài Gòn học ở Đại học Vạn Hạnh, còn mẹ thì buôn bán vải ở chợ Tân Định. Cha mẹ tôi lúc đó chưa gặp, chưa biết nhau nhưng họ đều biết đến cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. 
Cha tôi khá ham thích thể thao nên từ lúc tôi còn nhỏ, ông đã kể cho tôi nghe rất nhiều về thể thao miền Nam Việt Nam như Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa (bóng bàn), còn bóng đá có thủ môn Phạm Văn Rạng và Phạm Huỳnh Tam Lang.

Cha tôi hay nói, Phạm Văn Rạng bắt gôn tay có nhựa, từng khiến cả đội tuyển Do Thái khóc hận, còn Tam Lang là hậu vệ hay nhứt của tuyển miền Nam và hai người này đều vinh dự được chọn vào đội hình Ngôi sao châu Á. 
Bóng đá miền Nam trong lời kể của cha tôi dường như chỉ có Phạm Văn Rạng, Phạm Huỳnh Tam Lang và cứ mỗi lần kể về 2 cầu thủ này, cha tôi rất hãnh diện về bóng đá miền Nam.
Phạm Huỳnh Tam Lang là cái tên gắn bó với ký ức của nhiều người miền Nam trước năm 1975 
Mẹ tôi lại khác, hồi trẻ bà chưa hề xem Tam Lang đá banh và cũng chẳng biết bóng đá là gì nhưng bà biết Phạm Huỳnh Tam Lang vì ông kết hôn cùng nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết. 
“Báo chí ngày xưa viết ông Tam Lang nhiều lắm nên ai mà không biết ổng. Mà hình như sau này ổng ly dị với Bạch Tuyết”, mẹ tôi thi thoảng cũng nhắc tên ông Tam Lang khi tôi theo nghề phóng viên thể thao. 
Trong sự hiểu biết của mẹ tôi, bóng đá Việt Nam “hồi xưa” bà chẳng biết ai ngoài Phạm Huỳnh Tam Lang.
Thế hệ sau này khi nghe tên Phạm Huỳnh Tam Lang chỉ được biết đến với cụm từ “cựu danh thủ” hay “cựu HLV Cảng Sài Gòn” nhưng với thế hệ trước năm 1975, Phạm Huỳnh Tam Lang là một cái tên rất kỳ vĩ, một tượng đài sừng sững gắn với niềm tự hào bất tận về ký ức một thời hào hùng của bóng đá miền Nam Việt Nam.
Một người thầy tận tụy
Không có may mắn gặp khi ông còn làm HLV Cảng Sài Gòn, tôi biết ông Phạm Huỳnh Tam Lang lần đầu vào giữa năm 2005 khi xuống Thành Long đá bóng với đội cựu danh thủ miền Nam. 
Lúc đó ông Tam Lang vẫn còn tương đối khỏe và xỏ giày vào sân chạy khoảng hơn 20 phút. Lần đá bóng đó, ông Tam Lang đi cùng với vợ (bà Tô Thị Minh Hồng) và con gái lúc đó ở học ở Úc về nhà nghỉ phép. Trông lúc đó trông ông rất hạnh phúc, viên mãn…
Tình cờ, tòa soạn báo khi đó phân công tôi phụ trách theo dõi đội CLB TP.HCM vừa thăng hạng Nhất năm 2006 và HLV Phạm Huỳnh Tam Lang được bầu Hưng – tức ông Quách Thành Lai mời về huấn luyện. Từ đó tôi gặp và nói chuyện với ông Tam Lang rất nhiều lần.
Ở ông Tam Lang có một đặc tính dễ nhận ra là ông rất thương và quan tâm đến học trò. CLB TP.HCM ngày đó toàn các cầu thủ trẻ tứ xứ tụ về nên tính cách còn ham chơi, bốc đồng nên HLV Tam Lang rất vất vả để quản lý. 
Làm HLV trưởng thì công việc đôn đốc, nhắc nhở cầu thủ trong sinh hoạt thuộc về các trợ lý nhưng với ông Tam Lang thì cứ đến đúng bữa là ông lại rảo qua, gõ cửa từng phòng để gọi cầu thủ đi ăn cơm cho đúng giờ. 
Ông quan tâm tỉ mẩn đến cầu thủ giống như một người cha, người chú. Cầu thủ CLB TP.HCM thấy ông hiền quá nên nhiều lúc đâm ra “nhờn” nhưng trong thâm tâm họ rất thương thầy.
 HLV Phạm Huỳnh Tam Lang và chiếc cúp vô địch V.League 2002 (ảnh:Thể Thao TP.HCM)
Tính cách HLV Tam Lang rất nhỏ nhẹ, ông hiếm khi la mắng hay quát tháo cầu thủ hay ai đó và hầu như chưa thấy lúc nào ông tỏ ra tức giận thái quá. 
Bầu Hưng, chủ CLB TP.HCM, là người rất mê bóng đá nhưng cũng có tật thích xuống sân chỉ đạo, xếp đội hình thay cho HLV. Mặc dù không ai hài lòng về chuyện này nhưng HLV Tam Lang không phản ứng lại, ông chỉ dự định sau mùa giải 2006 sẽ giải nghệ.
Thời gian khi huấn luyện CLB TP.HCM, sức khỏe ông Tam Lang bắt đầu đi xuống vì ông bị bệnh gout khá nặng khiến các khớp xương hay đau nhức, mặc dù vậy ông ra sân không thiếu bữa nào, kể cả ngày nắng hay ngày mưa. 
Thực ra sau khi rời Cảng Sài Gòn năm 2003, ông đã muốn nghỉ hẳn nhưng bầu Hưng nài nỉ thiết tha quá nên ông quay lại.
Cuối mùa 2006, CLB TP.HCM thi đấu sa sút mà nguyên nhân lớn là do bầu Hưng hồi đó quyết không chịu thuê cầu thủ ngoại, trong khi lực lượng toàn cầu thủ trẻ nên đội không đấu lại các đối thủ.
Trong chuyến làm khách cuối cùng ở sân Quân khu 4 (TP Vinh-Nghệ An), CLB TP.HCM phải di chuyển bằng xe với quãng đường gần 3.000km cả đi lẫn về. Lẽ ra với HLV trưởng đã lớn tuổi, sức khỏe yếu thì HLV Tam Lang được phép đi máy bay, tuy nhiên để chia sẻ với cầu thủ ông nhất định đi cùng xe với học trò. 
Kết quả khi chiếc xe chở đội bóng về đến trung tâm Thành Long (huyện Bình Chánh) do phải ngồi quá lâu, máu dồn xuống chân, HLV Tam Lang bị bất tỉnh phải chở thẳng vô bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Đó là trận đấu cuối cùng mà HLV Phạm Huỳnh Tam Lang gắn bó với sự nghiệp bóng đá
“Biết thương mình thì cũng biết thương người ta nữa chứ”
Lần cấp cứu đó, HLV Tam Lang nằm liệt giường suốt mấy tháng và phải đăng ký phòng chăm sóc đặc biệt ở phía sau BV Chợ Rẫy. Đến thăm ông thì ông rất yếu gần như chỉ thấy da với xương. Các khớp xương do tác hại của bệnh gout sưng vù khiến HLV Tam Lang di chuyển chậm chạp, phải có người dìu. 
Hồi đó, chăm HLV Tam Lang là người em trai ruột cũng đã lớn tuổi ở dưới Gò Công (Tiền Giang) lên và trong căn phòng rộng chừng 15m2 của bệnh viện là hai ông già lọ mọ với đồ ăn, thuốc men, quần áo… trông rất cám cảnh.
Là một người nổi tiếng và lưu giữ nhiều ký ức vàng son về bóng đá Việt Nam trước và sau năm 1975 song thực tình ông Phạm Huỳnh Tam Lang lại không có khiếu kể chuyện hoặc trí nhớ không tốt. 
Những câu chuyện thời quá vãng, ông ít khi nhắc, mà có kể cũng kể lại theo kiểu chắp nhặt, không liền lạc mà cũng ít chi tiết đắt giá nên khó ghi chép. Chính vì vậy, báo chí ít khai thác được những câu chuyện hay, độc đáo từ HLV Tam Lang là vậy.
Đây có lẽ là điều đáng tiếc duy nhất ở ông Tam Lang, bởi với một nhân chứng sống, một tượng đài bóng đá mà nếu ông Tam Lang có khiếu nói, kể chuyện giống như cựu danh thủ Ngô Xuân Quýnh (Thể Công) hay HLV Lê Thụy Hải (Đường sắt Việt Nam) thì hậu thế sẽ còn biết thêm nhiều câu chuyện hấp dẫn về bóng đá miền Nam ngày trước.
Sau lần ốm thập tử nhất sinh đó, HLV Tam Lang cũng hồi phục dần, ông lên cân trở lại và cũng hay xuất hiện trên khán đài sân Thống Nhất. Gặp ông, chào và hỏi thăm sức khỏe thấy ông khá hơn nên cũng thấy mừng. Thi thoảng, bóng đá Việt Nam có những sự kiện nào đó, tôi cũng bốc máy gọi cho ông để hỏi ý kiến và lần nào ông cũng trả lời cặn kẽ.
 Phạm Huỳnh Tam Lang thời trẻ. Ông được coi là cầu thủ biểu tượng của bóng đá đẹp, hào hoa và cao thượng mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh (ảnh: tư liệu gia đình ông Tam Lang)
HLV Tam Lang nói chuyện điềm tĩnh và hầu như không nói gì về mình. Hình như ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một ngôi sao thì phải. Thế nhưng trong những câu chuyện về bóng đá, HLV Tam Lang luôn nhắc đi nhắc lại đạo đức nghề nghiệp cầu thủ.
“Làm cầu thủ là phải đá cho hay, cho đẹp để khán giả họ thương, họ vô sân họ coi cổ vũ. Còn cầu thủ với cầu thủ thì phải biết thương quý, trân trọng lẫn nhau, không đá xấu, đá bậy để làm người khác đau. Biết thương mình thì phải biết thương người ta nữa chứ”, HLV Tam Lang từng lên tiếng khi bóng đá Việt Nam xảy ra nhiều chuyện tiêu cực. 
Như thói quen, ông không chỉ trích hay nói nặng lời mà chỉ nhỏ nhẹ khuyên bảo theo cách của mình.
Nay nghe tin ông đã về Trời, lòng ngổn ngang viết vội mấy dòng. Gửi đến ông – cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, một người đã gắn liền với những ký ức của cha mẹ về Sài Gòn của những ngày xưa cũ và những gì ít ỏi mà tôi biết về ông, lòng ngưỡng mộ sâu sắc.
Đăng Khoa
Tiểu sử cựu danh thủ - HLV Phạm Huỳnh Tam Lang
Sinh ngày 14.2.1942 tại Gò Công – tỉnh Tiền Giang.
15 tuổi khi còn học ở trường Petrus Ký – Sài Gòn (bây giờ là Trường THPT Lê Hồng Phong), Tam Lang đã thi đấu cho đội Ngôi Sao Chợ Lớn. Vị trí sở trường: hậu vệ thòng (libero).
Năm 1961 thi đấu cho Việt Nam thương tín.
Năm 1962-1975 thi đấu cho đội AJS (Association de la Jeunesse sporttive) là đội bóng mạnh nhất của miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.
Năm 1975 – 1978: thi đấu cho Cảng Sài Gòn.
Sự nghiệp thi đấu quốc tế:
1960: Phạm Huỳnh Tam Lang khoác áo tuyển miền Nam.
1966: đội trưởng đội tuyển miền Nam vô địch Merdeka Cup tại Malaysia.
1967 và 1973: HCB SEA Games.
Sự nghiệp huấn luyện
Huấn luyện viên trưởng của CLB Cảng Sài Gòn từ năm 1983 – 2003. Bốn lần VĐQG vào các năm 1986, 1994, 1997, 2002; hai lần vô địch Cúp Quốc gia 1992, 2000.
HLV trưởng CLB TP.HCM ở giải hạng Nhất năm 2006.
Trợ lý cho HLV trưởng Kark Heiz Weigang tại SEA Games 18 (1995), giải đấu mà Đội tuyển Việt Nam làm nên lịch sử khi đoạt HCB.

Không có nhận xét nào: