Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Những nhà báo tiên phong cho báo chí tiếng Việt

Để có nền báo chí Cách mạng Việt Nam phát triển như ngày nay, thiết nghĩ chúng ta cần nhớ đến công lao của những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho báo chí tiếng Việt. Họ đều là những nhà trí thức lớn, có bản lĩnh, tài năng, nhân cách và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng ở vào buổi giao thời của hai nền văn minh Đông- Tây cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, trước hết và quan trọng hơn, họ đều là những người yêu nước, thương dân, tìm đến báo chí như là một công cụ hữu hiệu để bày tỏ tấm lòng thành với cố hương Việt Nam.
Nhà báo- học giả Trương Vĩnh Ký (1)
Học giả Trương Vĩnh Ký nguyên tên là Trương Chánh Ký sinh 6/12/1837, tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) và mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn, hưởng thọ 62 tuổi. Tự của cụ là Sĩ Tải, tên Thánh đầy đủ là Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký, thường gọi tắt là Pétrus Ký. Cụ thông thạo 27 ngôn ngữ, trong đó có 15 thứ tiếng phương Tây và 12 thứ tiếng phương Đông. Đây có thể là một người Việt Nam duy nhất cho đến nay biết nhiều thứ tiếng nước ngoài nhất. Vào thế kỷ XIX, cụ là người Việt Nam duy nhất có tên mục Pétrus Ký trong Bách khoa Đại Tự điển Larousse của Pháp và là một trong 18 danh nhân văn hóa thế giới của thế kỷ XIX với hơn 100 công trình về Văn học, Lich sử, Địa lý, Tự điển, Dịch thuật...

 
Điều quí trọng nhất là cụ Pétrus Ký được giới khoa học Pháp và nhiều nước trên thế giới đương thời cũng như nhiều học giả Việt Nam sau này thừa nhận là người rất thiết tha với nền văn học Quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho nền báo chí Việt ngữ. Đối với cụ Trương Vĩnh Ký chỉ có báo chí mới là phương tiện truyền tải thông tin hữu hiệu nhất đến mọi người. Và trong thời buổi tranh tối tranh sang giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, Cụ muốn thông qua báo chí để bày tỏ quan điểm tư tưởng của một người Việt Nam yêu nước.
Vì thế, năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi đấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời Pétrus Ký ra làm quan, nhưng cụ đã từ chối mà yêu cầu xin lập một tờ báo tiếng Việt mang tên là Gia Định báo. Đề nghị của cụ đã được người Pháp chấp thuận bằng Nghị định ký ngày 1 tháng 4 năm 1865 cho phép xuất bản tờ Gia Định báo. Tuy nhiên lúc đầu tờ báo không được giao ngay cho cụ Petrus Ký, mà giao cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ phụ trách. Đến ngày 16 tháng 5 năm 1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.
Đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta. Đồng thời Cụ còn làm chủ bút một tờ báo tiếng Việt khác nữa là An Nam Chính trị và Xã hội. Song song với việc làm chủ bút hai tờ báo lớn lúc bấy giờ, cụ Pétrus Ký còn là cây bút chủ lực cho nhiều tờ báo khác.
Tờ Gia Định báo lúc ban đầu, gồm 2 phần: Công vụ và Tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ... của chính quyền thực dân, phong kiến thời bấy giờ. Phần tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa, khoa học, xã hội...
Chỉ xét trên 2 phần nội dung thì phần thứ nhất được xem là phần chỉ dành để thông tin cho chính quyền đương thời. Nếu không có phần này chắc chắn tờ báo sẽ bị nhà chức trách đóng cửa ngay lập tức. Nhưng phần thứ 2 mới là phần mở mang dân trí cho người Việt về các lĩnh vực kinh tế, tôn giáo, văn hóa, khoa học và xã hội. Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Thời gian đầu tờ báo có khổ 25x32cm và bán với giá 0,97 đồng (tiền Đông Dương)/tờ. Những số đầu của Gia Định báo thường có 4 trang và được phát hành từ 1 đến 4 kỳ/tháng.
Kể từ khi cụ Trương Vĩnh Ký làm giám đốc, Gia Định báo được mở thêm các chuyên mục như: khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Cụ đề ra ba tôn chỉ, mục đích cho tờ báo là: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, Gia Định báo không chỉ là một tờ công báo đơn thuần.
Cụ Petrus Ký chủ trương văn phong báo chí phải dùng câu từ đơn giản, dễ hiểu như tiếng nói thường ngày của nhân dân, không chải chuốt, không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng vẫn phải giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt. Cụ kiên quyết bác bỏ lối viết sử dụng những từ ngữ dung tục, thực dụng, mà theo Cụ đấy là thứ ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh. Phải nói rằng đây là những tư tưởng dân tộc rất tiến bộ của cụ Trương Vĩnh Ký trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, mà không phải ai cũng có được.
Điều đáng nói là những tư tưởng ấy về khía cạnh ngôn ngữ và văn phong sử dụng trên Gia Định báo khá đặc biệt và có ảnh hưởng rất lớn đến báo chí ngày nay, đặc biệt là báo điện tử thời hiện đại đã chịu nhiều ảnh hưởng từ cách sử dụng từ ngữ và văn phong trên tờ báo Việt ngữ đầu tiên này.
Thông qua tờ báo, cụ Pétrus Ký muốn bày tỏ lập trường, quan điểm dân tộc của mình, đồng thời đem đến cho bạn đọc những hiểu biết khoa học về các lĩnh vực nói trên để rồi mỗi người tự tìm ra cho mình một hướng đi hợp lý, hợp tình trong hoàn cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm đô hộ.
Gia Định báo, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt là phương tiện truyền thông đầu tiên và rất mới mẻ tại Việt Nam. Nó đã giúp cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến rộng rãi hơn trong quần chúng nhân dân. Mặt khác, qua Gia Định báo, người Việt Nam có thêm một công cụ hữu hiệu trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam, cũng như bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mỗi người.
Thế nhưng, sau khoảng 35 năm tồn tại, chính quyền thực dân đã ý thức được rằng Gia Định báo chính là một thứ vũ khí gậy ông đập lưng ông nên chúng đã không để cho tờ báo tồn tại nữa và đã ra lệnh đóng cửa. Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn xác định Gia Định báo tồn tại đến ngày 31/12/1909 và chính thức đình bản ngày 01/01/1910.
Có không ít các nhà khoa học, nhà văn đương thời và hậu thế đánh giá về những công lao, đóng góp to lớn của cụ mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế không chỉ về lĩnh vực khoa học, mà cơ bản là tinh thần dân tộc. Cuối thế kỷ XIX, học giả người Pháp Jean Bouchot gọi Trương Vĩnh Ký là một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho đến ở nước Trung Hoa hiện đại nữa... Ta phải xem đời của cụ Trương Vĩnh Ký là một bài học và một gương tốt cho ta. Một bài học, vì ta thấy người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong đủ ngành khoa học...
Nhà văn Sơn Nam nhận xét: Ngoài những tác phẩm biên khảo mang tính cách bác học, ông Trương Vĩnh Ký còn chú ý đến độc giả bình dân, lời văn theo lời ăn tiếng nói thông dụng lúc bây giờ... Còn theo Giáo sư Thanh Lãng: Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn… Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là cách nói tiếng An Nam ròng và viết trơn tuột như lời nói. Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn.... Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh ví: Nếu cụ Võ Trường Toản là “Hậu tổ” của Nho học ở đất Gia Định thì cụ Trương Vĩnh Ký là bậc tiền hiền của chữ quốc ngữ trong toàn cõi đất Việt.
Còn Giáo sư Cao Xuân Hạo trong một bài viết có tiêu đề Học giả- Nhà báo Trương Vĩnh Ký: Một công lao bị lãng quên đã chỉ ra những đóng góp của cụ Trương Vĩnh Ký về lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt là vô cùng to lớn. Những kết quả nghiên cứu về tiếng Việt trong thời điểm văn hóa phương Tây theo chân bọn thực dân xâm lược Pháp đang ồ ạt khuynh loát văn hóa phương Đông, đặc biệt là văn hóa Việt về phương diện ngôn ngữ đã được nhà báo- học giả Trương Vĩnh Ký chỉ ra trong các công trình nghiên cứu của mình trên một số tờ báo lúc bấy giờ là rất đáng kính trọng.
Như vậy chúng ta có thể thấy cụ Trương Vĩnh Ký là một bậc trí thức lớn có tư tưởng dân tộc tiến bộ với những thành tựu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là ngôn ngữ dân tộc. Cụ không chỉ là người đặt nền móng cho báo chí tiếng Việt hiện đại, mà còn là một cây bút đại thụ trong làng báo Việt Nam từ buổi sơ khai. Nhiều chuyên gia đánh giá, Trương Vĩnh Ký đã đặt nền móng và dốc sức phát triển báo chí Việt Nam theo hướng toàn diện, rộng lớn về quy mô, chặt chẽ về kết cấu, đa dạng về phong cách và thuận tiện, gần gũi, hoà đồng về phương thức tiếp cận bạn đọc bình dân.
Với tư cách là nhà ngôn ngữ học đầu tiên của Việt Nam, cụ Trương Vĩnh Ký rất coi trọng, tin tưởng và phấn đấu cho tiếng Việt, đưa nó thành một ngôn ngữ phổ biến, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Tên ông từng được đặt tên cho trường Trung học Pétrus Ký nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh.

Nữ Chủ bút đầu tiên của làng báo Việt Nam- Sương Nguyệt Anh (2)
Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê sinh ngày 01/02/1864, mất ngày 20/01/1921, là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài bút danh Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút danh khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh... Bà là nhà thơ kiêm chủ bút nữ đầu tiên của làng báo chí Việt. Tờ báo Nữ giới chung do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ được xuất bản tại Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX.
Từ nhỏ, bà cùng người chị tên là Nguyễn Thị Xuyến, đã được cha là cụ Đồ Chiểu truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán và chữ Nôm. Khi cả hai khôn lớn, nổi tiếng tài sắc, được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.
Đầu năm 1918, nhân lời mời của viên Tổng lý báo chí Nam Kỳ là Trần Văn Chim, Sương Nguyệt Ánh lên Sài Gòn làm Chủ bút tờ Nữ giới chung nghĩa là tiếng chuông của nữ giới. Tờ báo ra số đầu tiên ngày 01/02/1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội...
Tờ báo tập hợp được những cây bút có tư tưởng tiến bộ, lên tiếng đòi nam nữ bình quyền, thúc giục, vận động giới phụ nữ hãy học hành, đấu tranh đòi được ngang hàng với nam giới...; lấy những gương sáng của phụ nữ các nước tiên tiến ở châu Âu, châu Mỹ để khuyến khích chị em.
Trong một bài bàn về nữ quyền, Sương Nguyệt Anh viết: Thời thế bể dâu, cục diện đã khác... Ngày nay ngọn sóng Âu tràn qua Nam Hải, các khoa học mênh mông, công nghệ thế ấy, học thuật thế kia. Trông người mà ngẫm đến ta, tình cảm buồn mà không buồn, lại buồn cảnh bông tàn trăng khuyết, lý tưởng làm sao mà lạ vậy?
Kìa ta mở cặp mắt ngó ra Hoàng Hải, người Âu Mỹ làm thầy giáo cũng đàn bà, mà thầy kiện (luật sư) cũng đàn bà, trong tay sẵn có một nghề, không phải nương nhờ người nam tử. Ấy cái học người ta như thế, há như người mình không bệnh mà rên!
Chị em ơi!... Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam giới thì (chẳng những) việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng, tình thế trong ngoài cũng nên ghé mắt, tuy chưa được như người Âu Mỹ song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng” (4)
Cũng trên tờ Nữ giới chung này, còn có những bài thơ đề cao tinh thần quật khởi của các nữ anh hùng dân tộc như bà Trưng, bà Triệu, hoặc đăng những bài thơ đề cao nữ quyền, trong đó có những câu nói rõ tiêu chí của tờ báo như: Vang lừng nữ giới những hồi chuông/ Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng... (Số 8 ra ngày 22-3-1918). Cũng trên báo này còn đăng những bài thơ khuyên thanh niên Việt Nam không nên đi lính cho Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918, trong đó có bài Chinh Phụ thi của Sương Nguyệt Anh. Bài thơ nhuần nhị kín đáo mà lời vận động phản chiến khá rõ, khá tình cảm...
Dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh có mềm dẻo và khéo léo đến đâu, tầm ảnh hưởng của tờ báo này đã khiến bọn mật thám Pháp phải e ngại. Do đó tháng 7/1918, Nữ giới chung bị đóng cửa. Như vậy tờ báo chỉ tồn tại trong vòng khoảng 5 tháng.
Đến ngày nay, mỗi khi nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta vẫn thấy ở bà một tấm gương hoạt động cho giới nữ không ngừng nghỉ. Bà là một cây bút rắn rỏi đã từng nêu trên tờ Nữ giới chung nhiều vấn đề về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội. Trong buổi giao thời, phụ nữ nước nhà vừa ra khỏi khuê môn để tiếp xúc với văn hóa phương Tây, bà Sương Nguyệt Anh rất xứng đáng là nữ sĩ tiền phong trên đất Việt.
Tên tuổi của bà được nhắc nhiều trên văn đàn công khai ở Nam Bộ trong những năm đầu thế kỷ XX. Và hiện nay tên bà được đặt cho một con đường ở quận I và một ngôi trường ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà báo tài năng Phan Khôi (3)
Phan Khôi là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn và là một tài năng báo chí rất đáng kính trọng. Ông là một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Theo đánh giá của nhiều người, Phan Khôi là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều luồng tư tương mới, theo hướng đa văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của cả phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản và phương Tây như Anh, Pháp...
Phan Khôi sinh ngày 6/10/1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu. Năm 20 tuổi, ông ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng cổ tùng báo. Khi tờ tạp chí bị cấm, ông về Nam Định rồi về Hải Phòng lánh nạn ẩn náu. Năm 1914, ông lại về Hà Nội viết cho tờ báo Nam Phong. Vì bất bình với Phạm Quỳnh, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn viết cho tờ Lục tỉnh Tân văn. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo Thực nghiệp dân báo và báo Hữu Thanh. Năm 1928 cả hai tờ báo bị chính quyền thực dân Pháp đóng cửa, ông lại trở vào Sài Gòn viết cho tờ Thần Chung và tờ Phụ nữ Tân văn. Năm 1931, Phan Khôi ra Hà Nội viết cho tờ “Phụ nữ thời đàm”. Năm năm sau, ông vào Huế viết cho tờ Tràng An và sau đấy xin phép xuất bản tờ Sông Hương. Ba năm sau Sông Hương bị đóng cửa, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Hán và viết tiểu thuyết. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa. Hòa bình lập lại, 1954, Phan Khôi về Hà Nội.
Xét riêng khía cạnh báo chí và văn hóa, chúng ta có thể thấy những năm đầu thế XX là thời kỳ mà nhà phê bình văn học Hoài Thanh gọi là “Cuộc biến thiên vĩ đại”: Tức là thời kỳ giao lưu và tiếp biến văn hóa Đông- Tây diễn ra mau lẹ, đều khắp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có người còn cho rằng đây chính là giai đoạn xảy ra cuộc xâm lăng văn hóa của phương Tây đối với phương Đông, trong đó có Việt Nam. Lúc này, văn hóa phương Đông đang đứng trước thách thức ghê gớm hoặc là bị phương Tây thôn tính hoặc là chấp nhận những tư tưởng tiến bộ của văn hóa phương Tây để làm mới mình theo xu hướng hòa nhập vào dòng chảy của thời đại.
Trong cơn nguy biến ấy, chàng thanh niên Phan Khôi là một trong những người đi tiên phong trong quá trình Duy tân, mà bây giờ chúng ta gọi là Đổi mới để tồn tại và phát triển đất nước nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Qua gần một chục tờ báo mà ông đã cộng tác và làm chủ bút với hàng trăm bài nghị luận, bút chiến bằng một văn phong mạnh mẽ, đầy ấn tượng vào những năm đầu của thế kỷ XX, ông đã tạo tiền đề tư tưởng cần thiết cho các cuộc cách tân hiện đại hóa của văn hóa và văn học Việt Nam ngay lúc ấy cũng như sau này. Vì thế, có thể nói Phan Khôi là một trong những người mở đường cho loại hình phê bình văn học ở nước ta theo hướng dân chủ và hội nhập Đông- Tây, một hoạt động không thể thiếu vắng trong một nền văn học mới, đầy biến động của thời kỳ hiện đại.
Ông là một trong những bậc thầy của thể loại báo chí chính luận về văn hóa, văn nghệ. Chính ông là người đã chỉ ra rằng đằng sau cuộc xâm lăng chính trị, lãnh thổ của thực dân Pháp là cuộc xâm lăng về văn hóa. Phan Khôi có bài báo về vấn đề này: Tư tưởng của Tây phương và Đông phương. Đây là vấn đề cốt lõi dẫn đến cuộc đụng độ nảy lửa giữa hai luồng tư tưởng, hai hệ hình văn hóa Đông- Tây. Bằng những lập luận khoa học và sắc bén, Phan Khôi đã chỉ ra ba điểm khác nhau cơ bản của phương Đông và phương Tây với sự phân tích rõ ràng, dễ hiểu đối với công chúng đông đảo: 1/ Tây phương chuộng khoa học, Đông phương chuộng huyền học; 2/ Tây phương trọng tự chủ, Đông phương trọng thống thuộc; 3/ Tây phương quý tấn thủ, Đông phương quý an phận.
Trong bài báo chính luận thuộc loại đặc sắc của Phan Khôi có nhan đề Thi văn với thời đại, ông đã bàn về mối tương quan giữa văn chương và cuộc sống. Theo quan điểm cá nhân, Phan Khôi nhấn mạnh đến hai yếu tố cơ bản của nghệ thuật văn chương là phải có hai cái đặc sắc: cái đặc sắc thứ nhất là vẻ đẹp (tính thẩm mỹ) của tác phẩm nhằm lôi cuốn, thu hút người đọc và cái đặc sắc thứ hai là phải có dấu ấn của xã hội đương thời với tác giả (tính hiện thực lịch sử). Liệu đấy có phải là yêu cầu không thể thiếu đối với một tác phẩm văn chương đương đại mà cả nhà văn, nhà báo và công chúng đều cần?
Theo ông: Từ xưa đến nay, những tay văn hào bất tử, thường là gồm cả hai mặt đó. Song le, về đường mỹ thuật thì hầu hết mọi người cầm bút viết văn ai ai cũng biết; đến như cái đặc sắc về đường lịch sử thì người ta thường không chú ý đến mà bỏ qua đi... Sự thuộc về lịch sử ấy tức trong bài nầy muốn nói rõ hơn một chút, gọi là thi văn quan hệ với thời đại.
Ở một bài báo khác có nhan đề Con người và lời nói, Phan Khôi cho rằng, trong xã hội ta ai nấy ít trọng về lời nói mà chỉ chú trọng về con người. Như vậy rất trở ngại cho những cuộc tranh luận học thuật. Vì thế, ông chủ trương Chỉ nên lấy lời nói (ngôn ngữ văn bản biểu đạt- Đ.N.Y) làm cái đối tượng cho sự biện luận chứ không nên lấy con người (tác giả bài viết- Đ.N.Y) làm đối tượng. Vậy trong nghị luận, bút chiến phải kiên quyết dứt bỏ tình cảm và đề cao lý trí.
Trong bài báo Văn chương và văn chương của nhà báo, Phan Khôi xác định rõ ba chuẩn mực về văn chương của nhà báo là Tín, Đạt, Mỹ (Sự tin cậy về thông tin và ngôn ngữ thể hiện- tính chân thực lịch sử; Sự thông đạt, rõ ràng, dễ hiểu- tính đại chúng và cuối cùng là phải đạt đến Cái Đẹp- tính thẩm mỹ cao- Đ.N.Y). Ông cho rằng: Về văn chương, không cứ đặt để làm sao, không cứ viết theo lề lối nào, người làm văn cốt phải giữ ba điều, là: Tín, Đạt, Mỹ. Tín nghĩa là văn phải cho tin. Trong một bài văn, kể chuyện thì phải cho thật, nói lý thì phải cho đúng; ấy là tín đó. Đạt nghĩa là văn cho thông. Cái ý mình nghĩ trong óc thế nào thì viết ra trên giấy cũng thế ấy, làm cho người xem văn mình hiểu đúng như ý mình, mà khỏi hiểu ra đường khác hay là không hiểu chi cả; ấy là thông đó. Mỹ nghĩa là văn phải cho đẹp. Tín và thông cũng đã gọi là đủ dùng trong sự viết văn, viết báo rồi; song nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái mỹ (cái đẹp). Lời cho nhã, ý cho mới, ấy là đẹp đó. Bất kỳ văn nước nào, thời nào, dầu cho ở bên Tây, bên Tàu, hay là đời xưa, đời nay, cũng phải có đủ ba điều ấy thì mới gọi là văn được, mới gọi là văn hữu dụng được. Coi đó thì cái đẹp trong văn chương không phải là cái đáng khinh. Đáng khinh là văn không tín, không thông chỉ có cái đẹp mà thôi; còn như đã tín, đã thông mà lại còn thêm đẹp nữa, thì cái văn ấy ta rất nên quý chuộng.
Nói về văn chương báo chí, Phan Khôi không quá coi trọng nội dung vấn đề lớn hay bé, mà bài báo đề cập tới. Trái lại ông có vẻ như quan tâm đến những cái được cho là tiểu tiết, chẳng hạn như cách dùng từ, đặt câu, ngắt câu, dấu chấm, dấu phẩy phải đặt sao cho đúng chỗ... là những cái mà nhà báo không thể xem nhẹ. Về sự chúng ta viết báo bằng chữ quốc ngữ hiện thời đây, chúng tôi muốn cho hẵng tínthông đi đã, chớ chưa vội nói đến cái đẹp. Điều đó ý chúng tôi cũng hơi giống với quý báo, chỉ khác một chút là chúng tôi nói chưa vội, mà quý báo nói không cần ấy thôi. Chúng tôi nói chưa vội, là vì chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay còn phân vân, chưa nhất định, chưa có sách mẹo (quy tắc ngữ pháp tiếng Việt- Đ.N.Y) cùng các sách khác thuộc về phép làm văn, thì bước thứ nhất là phải do chúng ta lập cái nền quốc văn cho vững chãi đã, rồi mới nói đến cái hay cái đẹp được; nghĩa là trước hết chúng ta phải tập viết văn cho đúng mẹo, cho thông.
Tính hài hước kết hợp với một tư duy phê phán sắc sảo, đã tạo ra một phong cách chính luận mang dấu ấn thật sự đậm nét Phan Khôi. Châm biếm giễu nhại mà không kém phần sắc sảo và thâm thúy, đấy là văn phong bút chiến của Phan Khôi. Với hàng trăm bài báo phê phán những thói hư, tật xấu của con người, những bất công trong xã hội thực dân phong kiến... đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong việc phát triển thể loại văn châm biếm, trào phúng trong nền văn học cũng như báo chí nước nhà những năm đầu thế kỷ.
Phan Khôi thường dùng những ví dụ cụ thể lấy trong đời sống thường ngày của người dân để giải thích các thuật ngữ, các quy luật, làm cho các vấn đề trừu tượng trở nên cụ thể, sinh động. Nói cách khác, ông đã diễn nôm các lý thuyết cao siêu, trừu tượng để cho công chúng khi đọc có thể hiểu được một cách dễ dàng. Cùng với đó là lối so sánh ví von kết hợp với việc sử dụng các thành ngữ, tục ngữ linh hoạt rất quen thuộc với dân gian... Vì thế, vấn đề dù lớn đến đâu cũng được ông trình thật sự sáng tỏ, dễ hiểu. Âu đấy là một bậc thông tuệ lắm ru!
Người con trai út của nhà văn Phan Khôi là Phan An Sa đã nói về cha mình, rất có lý đại ý là: Một trí thức mới ngoài 20 tuổi đã bị thực dân Pháp bắt bỏ tù 2 lần, một lần 18 tháng, một lần 3 năm, chỉ vì theo chân Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh để hoạt động yêu nước. Một nhà báo suốt thời trai trẻ của mình luôn lăn lộn trên văn đàn duy chỉ nhằm một mục đích phục vụ nhân dân. Một nhân sĩ bỏ lại tất cả ở phía sau để dấn thân cho cuộc kháng chiến 9 năm và cuối cùng, một học giả sức cùng lực kiệt vẫn gắng gượng đóng góp sức mình, mong có được một vườn hoa văn nghệ đầy hương sắc của dân tộc. Một người như vậy không bao giờ đi ngược lại quyền lợi của đồng bào mình.

Qua ba vị tiền bối Trương Vĩnh Ký, Sương Nguyệt Anh và Phan Khôi, tuy mỗi người có một cuộc đời riêng, đầy khốn khó và trắc ẩn, nhưng chúng tôi thấy họ có một số điểm chung:
Tất cả họ đều là những nhà hoạt động xã hội tích cực, là những nhà trí thức lớn, có học vấn uyên thâm, có nghị lực phi thường nguyện suốt đời mang hết sức lực và tài năng của mình phụng sự dân tộc nhằm mục tiêu phát triển và tiến bộ của nhân dân Việt Nam, ra sức giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt mới (hiện đại), một vũ khí quan trong trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta.
Họ là những người đặt nền móng cho nền báo chí tiếng Việt hiện đại và đều là những nhà báo suất sắc trong cả vai trò quản lý điều hành cũng như vai trò tác nghiệp báo chí.
Đấy là những tấm gương sáng cho thế hệ các nhà báo chúng ta hôm nay noi theo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam./.
Đỗ Ngọc Yên
----------------------------
(1), (2), (3). Từ điển bách khoa mở (Wikipedia - tiếng Việt)
(4). Xem: Ngô Hà, Lịch sử báo chí thành phố, địa chí văn hóa tập 2. NXB TP. Hồ Chí Minh 1988.

 http://vanhocquenha.vn

Không có nhận xét nào: