TTCT - Tự do báo chí là một đề tài nhạy cảm, nhưng đó là bởi chúng ta nhìn nó theo nghĩa hẹp.
Cứ thử nhìn rộng ra ngoài lĩnh vực chính trị, sẽ thấy rất nhiều yếu tố bất ngờ đang tác động lên tự do báo chí.
Đầu tiên là lười và tay nghề yếu làm nhiều phóng viên
đánh mất sự tự do của mình. Nói cụ thể, muốn viết một bài điểm sách có
chất lượng thì điều kiện tiên quyết là phải đọc cuốn sách đó, muốn phê
bình một bộ phim mới ra rạp, chắc chắn phải xem trọn vẹn bộ phim. Thế
nhưng với nhiều phóng viên, bỏ vài ba ngày để đọc cuốn sách rồi viết một
mẩu lọt thỏm là chuyện khó lòng xảy ra.
Thế là họ đành bỏ sự tự do phóng bút để buộc mình vào
trang thông cáo báo chí mà nhà xuất bản đã gửi sẵn cho họ, kể cả những
đoạn chê một chút, lên án “sự trần trụi” một chút cho thu hút người đọc.
Một khi họ tự nguyện cắt và dán từ các bài báo chuẩn bị sẵn cho họ thì
làm gì còn tự do báo chí đúng nghĩa nữa.
Chuyện này khá phổ biến và không chỉ diễn ra trong lĩnh
vực điểm sách, điểm phim mà còn nhiều thứ khác, từ giới thiệu thời
trang, bình sản phẩm mới đến đánh giá tour du lịch, quán ăn ngon.
Được giao viết tin về một cuộc triển lãm tranh, một nền
báo chí tự do thật sự sẽ đòi hỏi người phóng viên có chút ít kiến thức
về hội họa, trước khi đến xem triển lãm phải làm nghiên cứu tường tận về
họa sĩ có tranh triển lãm, khi đến dự phải dùng kiến thức hội họa của
mình để thưởng lãm tranh và bình theo hiểu biết của mình hay ít ra cũng
gặp vài ba người có thẩm quyền để phỏng vấn họ. Khó lòng trông chờ
chuyện đó ở Việt Nam.
Trong bối cảnh đó thì người nào hội đủ những yếu tố nói
trên sẽ trở thành những cây bút có uy tín và họ sẽ hưởng được sự tự do,
ít nhất là trong lĩnh vực của họ.
Sự thiếu vắng tự do báo chí ở chúng ta một phần cũng do
sự cả nể. Với nhà báo, xây dựng một mối quan hệ bền vững để nguồn tin
tự động nhớ đến mình một khi “có chuyện” là cả một quá trình khó khăn.
Trên con đường đó, đôi lúc họ phải “áp dụng” sự cả nể
để duy trì quan hệ, để tiếp tục nhận được thông tin. Vì thế chúng ta sẽ
thấy tin hoạt động bình thường của một tập đoàn nào đó xuất hiện thường
xuyên nhưng tin về một sự cố nào đó cũng ở tập đoàn này sẽ bị giấu nhẹm
vì phóng viên ngại phá vỡ mối quan hệ đã xây dựng bấy lâu nay.
Đó là chưa nói đến những yếu tố tương tự nhưng xuất
phát từ quan hệ khách hàng quảng cáo dài hạn, bảo trợ các chương trình,
tài trợ các chuyên mục.
Thế nhưng yếu tố lớn nhất làm phóng viên đánh mất sự tự
do là việc thiếu vắng kiến thức chuyên ngành mà họ bao quát. Lấy ví dụ
lĩnh vực kinh tế, nếu phóng viên thiếu kiến thức cơ bản, họ sẽ không dám
mở rộng đề tài, ngại ngùng khi phỏng vấn, e dè khi đưa tin và trước sau
gì cũng viết sai. Với phóng viên không có nền tảng kiến thức cơ bản, họ
sẽ phụ thuộc vào nguồn tin, nói sao là tin vậy, phụ thuộc vào một số
chuyên gia ruột, lập luận sao là viết theo liền.
Bởi vậy nên dù báo chí, nhất là các ấn bản điện tử,
đang nở rộ nhưng thông tin cần thiết cho người đọc để ứng xử trong cuộc
sống ngày càng thiếu vắng. Không thể mở tờ báo ra đọc để sau đó tin
tưởng mà ra tiệm mua cuốn sách, vào rạp xem bộ phim.
Không thể biết được ai đứng đằng sau dự án này, dự án
kia; vì sao mảnh đất vàng nằm ngay trung tâm thành phố vẫn rào chắn im
lìm trong nhiều năm. Không thể biết những lời đồn về “đại gia” này, “đại
gia” kia có bao nhiêu phần sự thật; những khoản nợ khổng lồ của doanh
nghiệp này sẽ được giải quyết như thế nào; chính sách nọ có thật sự giúp
ích cho nền tài chính...
Quy luật bù trừ lúc này sẽ phát huy tác dụng: không làm
được những đề tài khó thì cứ lao vào chuyện dễ, lại đáp ứng nhu cầu
giải trí, nhu cầu “tán chuyện” của rất nhiều người. Chuyện đó thì ai
cũng thấy.
Chuyện các đề tài “nhạy cảm” mà tùy từng lúc báo chí
phải tránh xa là có chứ không phải không. Giả thử một phóng viên đi công
tác xa chừng một năm nay quay về và đọc toàn bộ các báo trong một tháng
gần đây, hẳn sẽ ngạc nhiên vì sẽ thấy báo dùng tàu Trung Quốc chứ không
còn “tàu lạ”; công hàm Phạm Văn Đồng được đưa ra mổ xẻ cặn kẽ; vấn đề
làm sao để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế được bàn ở mọi khía
cạnh; mưu đồ lấn chiếm dần biển Đông của “ông bạn vàng” Trung Quốc bị
vạch trần...
Ở đây quy luật bù trừ cũng thể hiện rất rõ: có phóng
viên lười, tay nghề yếu, cả nể như đã nói ở trên thì cũng có những phóng
viên lão luyện, yêu nghề, từng dày công làm nghiên cứu về lĩnh vực đảm
trách. Nên cho dù có gián đoạn, khi cần, các nhà báo chân chính này cùng
các chuyên gia mà lúc nào cũng có sẵn, đã cho ra đời những bài báo thời
sự về biển Đông vừa nóng hổi, vừa chỉn chu như yêu cầu của bạn đọc.
Bởi vậy, cách tốt nhất là khuyến khích một môi trường
hành nghề báo chí có cạnh tranh lành mạnh để phóng viên cũng phải theo
quy luật đào thải và vươn lên như bất kỳ nghề nào khác. Người viết báo
có lòng tự trọng sẽ biết cách đưa tin về những vấn đề chính trị, kinh tế
xã hội của đất nước một cách bản lĩnh chứ không cần nhắc nhở.
Lúc đó những bài viết chỉ biết ăn theo thông cáo báo
chí sẽ bị loại trừ, những bài viết sai lệch vì thiếu kiến thức chuyên
môn sẽ bị vạch trần. Và chính trong môi trường đó, báo chí mới lấy lại
được niềm tin của người dân, lúc đó mới có thể sử dụng báo chí để làm
cầu nối đưa thông tin đến người dân như mong muốn.
NGUYỄN VẠN PHÚ
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/613936/vi-sao-nha-bao-mat-tu-do.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét