Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như thỉnh thoảng vẫn
xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ
thương để nói về người và xứ Huế; mà nhức đầu, phức tạp, nhiêu khê, đa
dạng và phong phú hơn nhiều. Tùy vào từng địa phương của Huế, cách phát
âm có chỗ nặng nơi nhẹ; lúc thanh tao khi khó hiểu.
(Ảnh: DNSG)
Xin được đơn cử một câu rất Huế, một tâm sự kín đáo giữa hai o đang tuổi lấy chồng: "Tau
noái với mi ri nì, en còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, en chộ tau phơi ló
ngoài cươi, en kiêu tau vô, bồn tau lên chờn, cái ba... en đẩn. Mi quai
chướng khôn?" Sở dĩ tâm sự kín đáo vì đây là chuyện riêng của hai người, nói bằng thổ ngữ, nhưng ý nghĩa thì như vầy: "Tao
nói với mày như vầy, ảnh còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi
lúa ngoài sân, ảnh kêu tao vào, bồng tao lên giường, rồi ảnh... Mày coi
có kỳ không?".
Chữ đẩn, ngoài ý nghĩa một trong bốn cái nhất của đời người trên còn có nghĩa như ăn: "Đẩn cho bưa rồi đi nghể". Ăn cho no rồi đi ngắm gái.
Đẩn cũng có nghĩa là đánh đòn: "Đẩn cho hắn một chặp!" (Đục cho hắn một hồi!). Chữ đẩn còn được phong dao Huế ghi lại:
Xin được thêm một câu ngăn ngắn gần như rặt thổ ngữ của Huế mà, nếu
không có... thông dịch viên gốc Huế hoặc Huế rặt, e rằng khó mà... đả
thông cho được: "Thưa cụ mự, bọ tui vô rú rút mây về đươn trẹt, bọ
tui chộ con cọt, rứa mà nỏ biết ra răng, con cọt lủi, lủi năng lắm, bọ
tui mờng rứa thê! Chừ mạ tui cúng con gà, cụ mự qua chút chò bui."
(Thưa cậu mợ, bố con vào rừng rút mây về đan rá (hoặc nia), bố con thấy
con cọp, vậy mà chẳng biết sao; con cọp chạy trốn, chạy lẹ lắm; bố con
mừng quá . Giờ mẹ con đang cúng con gà, cậu mợ qua chút xíu cho vui).
Khó hiểu chưa?!
Thổ ngữ ở Huế thì nhiều lắm và cũng lạ lắm, và vì tiêu đề của bài này
là lan man về những thổ ngữ đó, nên xin được nhẩn nha tìm lại chút ít
những gì đã mất và ôn lại những gì đang còn xài. Vì trang báo có hạn,
không thể giải thích từng chữ một, nên trong bài này, xin được ghép thổ
ngữ thành từng câu, từng nhóm thổ ngữ, vừa đỡ nhàm chán lại ra câu ra
kéo, có đầu có đuôi hơn:
"Đồ cái mặt trỏm lơ mà đòi rượn đực!" (Thứ mặt mày hốc hác mà
đòi hóng trai) Độc chưa? O mô mà lỡ mang cái nhãn không cầu chứng tại
tòa này chắc phải ở giá hoặc phải chọn kiếp... tha hương may ra mới có
được tấm chồng. Chữ rượn gần đồng nghĩa với câu con ngựa Thượng Tứ,
câu này cũng độc không kém. Thượng Tứ là tên gọi của cửa Đông Nam, bên
trong cửa này có Viện Thượng Kỵ gồm hai vệ Khinh kỵ vệ và Phi kỵ vệ
chuyên nuôi dạy ngựa cho triều đình Huế. Vì thế gọi ngựa Thượng Tứ có
nghĩa bóng bảy xa xôi rằng con đó nó ngựa lắm, nó đĩ lắm, nhưng thâm
thúy hơn nhiều.
"Mệ cứ thộn ló vô lu, còn lưa, tui này lại!" (Bà cứ dồn lúa vô
khạp (cho đầy), còn dư ra, con mua lại). Chữ lưa cũng còn có nghĩa là
còn đó như trong hai câu trong bài ca dao Huế:
Cây đa bến cộ (cũ) còn lưa (còn đó)
Con đò đã khác năm xưa tê rồi
Con đò đã khác năm xưa tê rồi
Này lại (mua lại); tiếng này thường chỉ dùng nơi xóm giềng, thân
cận; tương đương với chữ nhường lại, chia lại, mua lại. Chứ không dùng ở
chợ búa hoặc nơi mua bán um sùm.
Đập chắc lỗ đầu, vại máu! (Đánh nhau bể đầu, toé máu!)
Thương bọ mạ để mô? Để côi trốt! Chắc chúng ta cũng thường hay
hỏi lũ con lúc chúng vừa tập nói, vừa biết tỏ tình thương đối với cha
mẹ, câu này có nghĩa: "Thương bố mẹ để đâu ? Để trên đầu!" Rồi đưa ngón
tay chỉ chỉ, miệng cười cười, nghe hoài không biết chán.
Tra trắn rứa mà còn ở lỗ! (Chững chạc, già đầu vậy mà còn cởi
truồng). Ở lỗ cũng xuất hiện trong câu phương ngôn "ăn lông ở lỗ" hoặc
"con gái Nam Phổ, ở lỗ trèo cau!"
Lên côi độn mà coi (Lên trên đồi mà xem). Chữ coi về sau này đã phổ biến đến nhiều địa phương khác.
Mự đừng có làm đày! (Mợ đừng có lắm lời, thày lay). Riêng chữ cụ
mự thường là dùng cho cậu mợ. Người Huế ít dùng chữ cụ để chỉ người già
vì đã có chữ ôn hay ông. Điển hình như cụ Phan Bội Châu với chuỗi ngày
"an trí" ở Huế, dân Huế đã có tên gọi ông già Bến Ngự, hoặc trong ca dao
Huế, khi nói đến cụ Phan:
Chiều chiều ông Ngự ra câu
Cái ve cái chén cái bầu sau lưng
Cái ve cái chén cái bầu sau lưng
Chộ chưa? Nỏ chộ! (Thấy chưa? Không thấy!) Nỏ là lối phủ nhận
gọn gàng pha chút giận hờn, chanh cốm như chả biết, chả ăn, chả thèm vào
! Hắn mô rồi ? Nỏ biết ! Chữ nỏ biết ở đây pha chút, chút xíu thôi sự
phủi tay về cái chuyện hắn đang ở đâu ! Tục ngữ Huế: Có vỏ mà nỏ có
ruột.
Khóc lảy đảy, không biết ốt dột! (Khóc ngon khóc lành, không biết xấu hổ!).
En dòm tui, tui dị òm! (Anh ấy nhìn tôi, tôi thẹn quá!) Chữ òm người Huế vẫn thường dùng để bổ túc cho cái phủ định của mình: Ngon không? Dở òm!
O nớ răng mà không biết hổ ngươi! (Cô đó sao mà không biết mắc cỡ!) Hổ ngươi cũng là tên của cây trinh nữ, cây mắc cỡ. Cũng như xấu hổ, thẹn, mắc cỡ thì ốt dột, dị và hổ ngươi có nghĩa khác nhau tuy chút ít nhưng tinh tế, nhẹ nhàng.
Chiều hắn cho gắt, hắn được lờn!: Chiều nó cho lắm vào, nó làm tới. Mời ôn mệ thời cơm: Mời ông bà dùng cơm.
Mệ tra rồi mệ chướng: Bà ấy già nên sinh tật. Chữ chướng, người Huế cũng thường dùng để chỉ mấy đấng nhóc tì khóc nhè, bướng bỉnh hoặc các vị có lối nói, cách hành xử ngang như cua.
Ăn bụ cua cho hết đái mế: Ăn vú cua cho hết đái dầm. Chữ bụ cũng dành cho người và các loài có vú khác. Bụ mạ là vú mẹ, bọp bụ là bóp.
Bữa ni răng tau buồn chi lạ, buồn dễ sợ luôn! (Sao hôm nay tao buồn quá, buồn quá trời luôn!). Dễ sợ, với người Huế không đơn thuần ở nghĩa thấy mà ghê! hoặc khủng khiếp quá!, mà còn có nghĩa, thí dụ: Con nớ đẹp dễ sợ!: Con bé đó đẹp quá trời!
Răng mà cú tráu rứa tê?: Sao mà cộc cằn quá vậy? Chữ cú tráu nếu
phát âm đúng với giọng Huế thì nghe nặng hơn chữ cộc cằn nhiều, có lẽ
phải gom thêm mấy chữ như thô lỗ, vũ phu thì mới lột tả được hết nghĩa.
Theo Phan Thịnh (Nguồn: e-cadao.com)
Chép lại từ hue,vnn.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét