Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Đừng biến văn học dịch thành "thảm họa"

Từ hiện tượng một số tác phẩm văn học dịch bị phê phán trong các năm qua, dường như có một nghịch lý đang tồn tại trong hoạt động dịch thuật văn học hiện nay là khi số người biết ngoại ngữ ngày càng tăng lên thì chất lượng một số bản dịch tác phẩm văn học có chiều hướng giảm sút?...
Từ sự ra đời khái niệm "thảm họa dịch thuật" và từ mật độ khá cao của giải "trái cóc xanh" được trao cho một số tác phẩm dịch, giờ đây "thảm họa dịch thuật" như trở thành khái niệm quen thuộc với độc giả Việt Nam. Cách đây mấy năm, có ý kiến cho rằng "thảm họa dịch thuật" xảy ra là vì lý do kinh tế nên nhà xuất bản đã chọn dịch giả có trình độ ngoại ngữ kém, "phông" văn hóa nghèo nàn. Tuy nhiên, sau khi một số đầu sách do dịch giả có tiếng tăm dịch bị thu hồi, có lẽ phải nhìn nhận lại ý kiến trên. Vì liệu có phải dịch giả kém ngoại ngữ, "phông" văn hóa thấp, hay một số thói quen tiêu cực nảy sinh từ khi xuất bản, phát hành gia nhập kinh tế thị trường đã đẩy tới tình trạng này?


Với dịch giả, họ không chỉ là người làm công việc chuyển ngữ đơn thuần, mà đồng thời còn là người lao động trí tuệ với tư cách môi giới văn hóa. Cho nên như Chạm mở, đó không phải là tiểu thuyết khó dịch, nhưng nếu mua bản quyền chỉ vì theo khảo sát của Thời báo New York đó là sách bán chạy nhiều tuần (dù tờ báo này cũng phải nhấn mạnh Chạm mở của Xin-vi-a Đây (Sylvia Day) là một "dâm thư" và đã so sánh nó với 50 sắc thái - cuốn sách 18+ từng đứng đầu danh sách trước đó) thì rất đáng tiếc. Trong cuốn sách làm vội đến mức không có cả mục lục này, nhan nhản các câu văn kiểu như: "Tôi nhìn anh trong bộ com-plê hiện đại, tinh tế và vô cùng đắt tiền mà trong đầu toàn nghĩ đến cảnh làm tình dữ dội và hoang dại nhất" (tr.14) và chúng tồn tại với cấp độ tăng dần! Cuộc đua lợi nhuận với những chiêu trò "sách dành cho người lớn, 17+" cũng có sự tham gia của cả các địa chỉ vốn xuất bản sách cho thiếu nhi; báo chí đã chỉ rõ những ấn phẩm như Shin cậu bé bút chì hay Những chuyện kỳ bí của Stine nằm trong "danh sách đen" của địa chỉ này; tuy nhiên, còn một số cuốn lẽ ra phải nằm trong danh sách đó, như Ô Long viện, Kiếm khách Baek Dong Soo (cuốn này thoải mái để cả tranh bìa khêu gợi!). Có lẽ mải chạy theo cung cách thị trường, nên địa chỉ xuất bản trên mang về một cuốn sách thiếu nhi quý báu mà không biết? Đó là Hành trình tới biển sông của nữ tác giả Ê-va Íp-bót-xơn (Eva Ibbotson) - một trong các nhà văn viết truyện thiếu nhi xuất sắc trên thế giới. Tuy là sách dành cho thiếu nhi, Hành trình tới biển sông lại tương đối khó đọc, ngay cả với người lớn, vì "chất địa phương" tương đối cao. Tiểu thuyết dựa trên cảm hứng của Ibbotson với các truyện thiếu nhi của Anh mà bà đã đọc từ hồi nhỏ, nổi bật là Tiểu bá tước Fautleroy (Nguyễn Phan Quế Mai dịch là Bá tước Fautleroy tí hon), David Copperfield. Có lẽ do hiểu biết về văn học Anh còn hạn chế, hoặc có thể do chuyển ngữ cho xong việc, dịch giả và biên tập viên gần như không bận tâm tới chú thích. Bởi vậy cuốn sách dày 367 trang chỉ có 11 chú thích, sáu trong số đó là từ nguyên tác, các trang liên quan tới sách thiếu nhi của Anh và các loài động vật, sinh vật có mặt trong sách đều không được ghi chú; và không có mục lục (!?).
Sự thiếu liên kết giữa dịch giả với biên tập viên, họa sĩ thiết kế cũng đưa tới một số ấn bản cần phải được xem xét kỹ hơn, như Kẻ trộm sách của Mắc-cớt Du-xác (Markus Zusak) chẳng hạn. Đây là bản dịch tương đối tốt, nhưng tranh minh họa bị trình bày có một số sai sót khác so với tiểu thuyết. Với cuốn sách khác, điều này có thể ít quan trọng, nhưng với Kẻ trộm sách của Markus Zusak thì nên lưu ý minh họa cũng là một bộ phận liên kết chặt chẽ trong tiểu thuyết của ông. Riêng ba tác phẩm kinh điển của Hy Lạp là Cộng hòa (Plato), Iliad và Odyssêy (Homer) lại có nhiều điều rất đáng ngại về ngôn ngữ dịch. Người dịch ba cuốn này là một trong các dịch giả mà đến nay, uy tín của ông trong giới dịch thuật vẫn rất lớn. Song liệu sau khi đọc bản dịch Cộng hòa, Iliad và Odyssêy, có người sẽ phải thất vọng? Vì dường như người dịch ít quan tâm đến sự phát triển của ngôn ngữ, nên nếu không nhìn vào tên bìa sách, tên nhân vật, người đọc dễ lầm tưởng đó là truyện kiếm hiệp Trung Hoa, hoặc bản dịch đã được thực hiện, xuất bản ở miền nam trước năm 1975. Xin dẫn một đoạn từ bản dịch Plato: 'Vậy tiên sinh nên chọn, đương sự nhấn mạnh, một là coi nhẹ bọn tiểu điệt, hai là chiều ý ở lại', 'Dù sao cũng còn cách khác', bản nhân giải thích. 'Ngô bối có thể thuyết phục quý hữu để ngô bối lên đường' 'Làm sao tiên sinh có thể thuyết phục người không chịu nghe tiên sinh?' Đương sự hỏi. 'Bất khả', Glaucon đáp 'Vậy tiểu điệt nghĩ tiên sinh nên hiểu bọn tiểu điệt không chịu nghe tiên sinh đâu' (Plato, tr.67). Bản dịch Iliad, Odyssêy cũng ở tình trạng tương tự, chẳng hạn một đoạn hội thoại giữa Thetis và Hephaistos: "Thần linh què quặt lừng danh đáp: "Chuyện đó đại tỉ đừng lo, đại tỉ chớ bận tâm. Thực lòng nếu có thể che giấu quý tử khỏi tử thần tàn ác, khi định mệnh khắt khe lại gần, ngu đệ sẵn sàng ra tay như sẽ thực hiện trang bị ngoạn mục cho quý tử bây giờ, tấm áo để mắt nhìn thế nhân sẽ ngây ngất, sững sờ!" (Iliad, tr. 597). Hoặc hội thoại giữa Athena và Telemachos trong Odyssêy: "Đa tạ", nữ thần mắt xanh lam lục đáp, "song xin đừng giữ lại, bỉ nhân phải đi ngay. Phẩm vật công tử có lòng trao tặng bỉ nhân sẽ nhận lần tới. Và thưa, kẻ vật quý báu công tử trìu tặng bỉ nhân sẽ giữ làm kỷ niệm và sẽ đáp đền xứng đáng mai sau" (Odyssêy, tr.106)! Các đại từ ngô bối, tiểu điệt, hiền huynh, tiểu đệ, hữu huynh, bản nhân, bỉ phu, bỉ nhân, đại tỉ, ngu đệ,... hầu như không còn được sử dụng trong văn phạm, trong giao tiếp ở Việt Nam, nên việc sử dụng chúng trong bản dịch khiến người đọc khó tiếp nhận. Mà hình như dịch giả cũng lúng túng trong khi dịch như vậy, vì thế có lúc dịch giả lại sử dụng đại từ thuần Việt như: anh ấy, nó, đứa...? Đáng tiếc là cả ba tác phẩm kinh điển của Hy Lạp này lại được đầu tư rất công phu, người dịch chăm chút từng chú thích nhỏ, như ý nghĩa tên của nhân vật, địa danh mà một số bản dịch ở Anh, Pháp chỉ đưa ra nét khái lược.
Như dịch giả Lê Bá Thự coi dịch giả là "người nội trợ thông thái", có thể nói sách văn học nước ngoài là "nguyên liệu", còn bản dịch là "món ăn tinh thần" dịch giả đưa tới công chúng. Do đó, nếu người dịch chấp nhận chuyển ngữ một cuốn sách tồi, một tác phẩm kém chất lượng, thậm chí sách khiêu dâm như 50 sắc thái thì liệu bản dịch có khác gì "món ăn chứa độc tố"? Còn trường hợp dịch cẩu thả thì một cuốn sách tốt, có giá trị cũng có thể trở thành "thảm họa"; nên cả khi dịch giả được đánh giá là ưu tú, cuốn sách được chuyển ngữ là kiệt tác của văn học thế giới thì người đọc vẫn chưa yên tâm về chất lượng bản dịch. Vì, còn lý do khác như có dịch giả thích đặt cái tôi, cá tính của mình lên trên đến mức hình như họ chấp nhận làm khó bản dịch chỉ để khẳng định phẩm chất, tài năng (?); rồi đơn vị xuất bản e sợ tình trạng "trái nắng trở trời" của người dịch làm chậm tiến độ bàn giao bản thảo, bất hợp tác với biên tập viên,... Nghĩa là còn nhiều lý do nữa có thể biến một sản phẩm văn học dịch thành một "thảm họa". Và ngay các cuốn sách dịch dù không bị phê phán cũng chưa hẳn là các ấn bản tốt, có chăng vì không mắc phải các sai sót như câu văn dịch: "ông bị ung thư cổ tử cung (...) đã di căn sang buồng trứng" hay những câu thơ haiku được dịch một cách kỳ khôi từ tiếng Anh sang tiếng Việt, thay vì cần dịch từ chính tiếng Nhật sang tiếng Việt!
Khi trình độ ngoại ngữ và dân trí ngày một nâng cao, thì trình độ và tầm hiểu biết của dịch giả cũng phải nâng lên, tuy nhiên thực tế như không diễn ra theo logic như vậy. Tuy "thảm họa dịch thuật" chưa xuất hiện nhưng các ấn bản có nội dung thấp kém, dịch lỗi, dịch ẩu vẫn còn tồn tại tràn lan. Sai sót ấy có thể khắc phục, bởi nó không hoàn toàn xuất phát từ trình độ của người dịch, mà có thể do liên kết xuất bản, kiểm định để mua bán bản thảo chưa hợp lý. Bên cạnh đó, đạo đức người dịch sách cũng là vấn đề cần lưu tâm. Một số sự việc xảy ra trong lĩnh vực văn học dịch khiến không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng một số dịch giả quá đề cao "cái tôi" của mình mà đặt nhẹ chữ "đức" trên mỗi trang văn bản? Nên có người phán xét, hạ thấp dịch giả khác khi phát hiện một lỗi nhỏ hay chỗ dịch chưa ổn thỏa mà họ bắt gặp. Còn khi chính họ tạo ra "thảm họa dịch thuật", bị phát hiện, thay vì chấp nhận lời góp ý chân thành, họ lại phản ứng bằng việc chế giễu, coi người khác là "vạch lá tìm sâu"! Rồi nữa, trước kia hầu như mỗi bản sách dịch thường có kèm theo lời ngỏ của dịch giả về công trình dịch thuật của mình, một vài suy nghĩ người dịch rút ra sau khi đọc tác phẩm. Thao tác đó hiện gần như biến mất trong sách văn học dịch. Rất ít dịch giả bỏ thời gian, công sức để đồng hành cùng người đọc như dịch giả Quang Chiến với các tác phẩm tiếng Đức do ông dịch sang tiếng Việt như Faust, Nỗi đau chàng Werther. Từ những gì đang diễn ra trong lĩnh vực sách văn học dịch ở Việt Nam lại nhớ tới một số dịch giả lớp trước như Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Cao Xuân Hạo, Đỗ Đức Hiểu, Tuấn Đô,... Đó là những người mà tài năng cùng "phông" văn hóa của họ khiến bạn đọc một thời mỗi khi lật giở một cuốn sách dịch thấy họ đứng tên dịch là mua ngay. Dù đây đó vẫn còn tranh cãi về chi tiết dịch chưa sát nghĩa trong bản dịch của một vài dịch giả lớp trước, thì có một điều không ai có thể phủ nhận là họ đã khơi gợi lòng say mê các kiệt tác văn học thế giới cho nhiều thế hệ. Và họ cũng như người truyền lửa, đưa những giá trị tinh thần cao đẹp trong văn học nước ngoài đến Việt Nam ở thời kỳ đất nước còn khó khăn. Thiết nghĩ, các dịch giả ở Việt Nam đương đại nên soi mình vào các tấm gương này, để mang đến cho công chúng những tác phẩm dịch có giá trị văn hóa.


VIỆT QUANG 
 http://www.nhandan.com.vn

Không có nhận xét nào: