Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Thư viện triều Nguyễn

Trong thời gian gần 150 năm giữ vai trò kinh đô của đất nước, Huế có khá nhiều thư viện và văn khố mang dạng thư viện quốc gia, vì kinh đô là nơi tập trung mọi loại thông tin trong cả nước mà triều đình cần nắm bắt để điều hành quốc sự và để ghi vào sử sách lưu lại cho hậu thế.

Quốc sử quán được xây vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821).


Với chính sách sưu tầm tích cực sách vở quý nộp cho triều đình và khen thưởng cho bất cứ ai nếu sưu tầm được sách quý đem nộp. Cùng với việc phát triển mạnh nền học thuật nước nhà, cũng như làm công tác lưu trữ và phát huy tác dụng của chúng một cách hữu hiệu mà triều đình Huế đã thiết lập được nhiều thư viện và văn khố dưới những dạng khác nhau. Đặc biệt dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức, các hoạt động văn hóa, giáo dục, nghệ thuật phát triển ngày càng mạnh mẽ và đa dạng hơn, cho nên số lượng sách vở tư liệu tích lũy tại đây càng phong phú: Thơ văn của các quan, tác phẩm của các tao nhân mặc khách, các văn kiện hành chính của triều đình, sách vở do các sứ bộ mua về, các sử sách do Quốc sử quán hay Nội các biên soạn,..Tất cả làm cho Huế trở thành trung tâm tư liệu dồi dào như chưa bao giờ có ở kinh đô khác trong lịch sử Việt Nam.
Căn cứ vào sử sách, hình ảnh cũ và di tích hiện còn chúng ta biết được rằng kinh đô Huế bây giờ có 6 thư viện, ghi theo thời điểm thành lập sau đây:
- Quốc Sử quán, năm 1821.
- Tàng Thơ lâu, năm 1825.
- Đông Các, năm 1826.
- Tụ Khuê Thư viện, năm 1852.
- Tân Thơ viện, năm 1909.
- Bảo Đại Thư viện, năm 1923.
Quốc Sử quán được thành lập chính thức vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821) ở địa phận phường Phú Văn trong kinh thành với chức năng là dùng để viết sử cho triều đình. Tại đây một khối lượng tư liệu lịch sử khá lớn sưu tầm được khắp trong nước do các triều đại trước để lại và rất nhiều văn kiện hành chính, nhất là các châu bản của triều đình đương thời. Các sử quán tại Quốc Sử quán tham khảo sử sách cũ được sưu tầm về đây và căn cứ vào các văn kiện hành chính ấy để viết thành những bộ sách lớn mà hiện nay chúng ta còn đọc được như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí,...
Tàng Thơ lâu: Tòa nhà chứa sách xây dựng năm 1825, ở giữa mặt hồ Học Hải bên trong kinh thành; dùng để tàng trữ tất cả văn thư sổ sách của sáu Bộ và Nha, Sở thuộc triều đình trung ương. Tầng dưới 11 gian, tầng trên 7 gian 2 chái. Tại đây, trước năm 1945, chỉ riêng số bộ Hộ thời Gia Long và Minh Mạng, cũng còn lưu trữ được 12.000 tập. Theo các học giả bấy giờ, các tư liệu lưu trữ ở đây có thể cung cấp những dữ kiện rất quý cho các nhà nghiên cứu lịch sử xã hội và kinh tế.

Tàng Thơ lâu được xây dựng năm Minh Mạng thứ 6 (1825).
Đông Các: Được xây dựng năm 1826, ở sau lưng Tả Vu trong Tử Cấm Thành. Minh Mạng đã cho lập thư viện này ra để dễ tàng trữ các văn thư của Nội Các là cơ quan văn phòng cao cấp nhất làm bên cạnh nhà vua. Ở tầng trên của tòa nhà này, nhà vua đã cho lưu trữ các loại văn kiện và sử sách sau:
+ Tất cả các hiệp ước mà triều đình Nguyễn đã ký với nước ngoài.
+ Các văn thư ngoại giao với các nước ngoài.
+ Các tập thơ văn do các vua Nguyễn làm ra.
+ Các bản địa đồ quốc gia, từng tỉnh và các nước khác trên thế giới và nhiều tập châu bản của các triều vua Nguyễn.
Tụ Khuê Thư viện: Theo Đại Nam thực lục, vua Tự Đức đã cho lập thêm Tụ Khuê Thư viện vào năm 1852, ở bên tả Đông Các trong Tử Cấm Thành. Nhưng theo học giả Trần Kinh Hòa thì Tụ Khuê Thư viện đã được thiết lập ở ngay tầng dưới của Đông Các. Sau khi khảo sát mặt bằng của di tích trên thực địa, chúng tôi cho rằng ý kiến của học giả này thích hợp hơn. Dù sao, kể từ khi được lập ra, Tụ Khuê Thư viện cũng là nơi lưu trữ các loại tư liệu quý như: Nhiều bộ sách xưa thuộc các loại Kinh, Sử, Tử, Tập và các sách cổ do Minh Mạng ra lệnh sưu tầm khắp trong cả nước.

Tụ Khuê thư viện được xây dựng năm Tự Đức thứ 5 (1852).
Tân Thơ viện: Nằm ở vị trí gần sau Di Luân Đường, dùng làm thư viện cho sinh viên trường Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, vào năm 1923, để đáp ứng một nhu cầu mới, người ta đã thay đổi chức năng của tòa nhà bằng cách dùng nó làm bảo tàng, gọi tên là Muse’­e Khải Định. Sách vở tại đây được di chuyển qua đặt ở dãy nhà nằm bên trái Di Luân Đường. Sau đó chẳng bao lâu, thư viện ấy được đặt tên là Bảo Đại Thư viện.
Bảo Đại Thư viện: Thư viện này hoạt động từ năm 1923 đến đầu năm 1947, khi Pháp tái chiến Huế và Mặt trận Việt Minh bị vỡ tại đây. Trong thời gian gần 1/4 thế kỷ ấy nhất là từ năm 1942 trở đi, vì nhiều lý do khác nhau, những sách vở và tư liệu ở các thư viện và kho lưu trữ nói trên đều lần lượt tập trung tại Bảo Đại Thư viện. Đây cũng là nơi các chuyên viên Hán học của Trường Viễn Đông Bác cổ đã từng vào thư viện này để sao chép nhiều tư liệu quý.

Tài liệu mộc bản triều Nguyễn- được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn (được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam tháng 7/2009).
Nhìn chung, khối lượng sách vở tài liệu mà triều đình nhà Nguyễn đã tích lũy được trong các thư viện và kho lưu trữ ấy thật khổng lồ. Di sản tinh thần này cũng vô cùng lớn lao. Mặc dù hiện nay, khối lượng sách vở không còn nguyên vẹn như ban đầu. Tuy nhiên, những gì mà triều đình Nguyễn để lại cho chúng ta lại có giá trị không nhỏ cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt là những độc giả luôn muốn tìm tòi khai thác thông tin.
Theo baotanglichsu.vn
Chép lại từ hue.vnn.vn

Không có nhận xét nào: