Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

HỒ ĐẮC DUY – ĐỊA DƯ CHÍ LÀNG CHUỒN

Bác sĩ Hồ Đắc Duy
Địa dư chí là những điều ghi chép về địa lý không chỉ xác định ranh giới, cương vực mà còn khẳng định những sự kiện lịch sử qua các tư liệu về địa lý, lịch sử, văn hóa… nói về vùng đất đó.

Quyển Nam Bắc Phiên Giới Địa Đồ là quyển Địa dư chí đầu tiên của nước ta viết từ thời vua Lý Anh Tông năm 1172 đến đia dư chí của Nguyễn Trãi rồi Đại Nam Nhất Thống Chí dưới thời vua Tự Đức, đó là những quyển Địa dư chí đề cập toàn bộ lãnh thổ nước ta qua các thời đại.
Riêng Địa dư chí địa phương chỉ có trên dưới 10 quyển còn lưu lại như Ô châu cận lục của Dương văn An năm 1555, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Nghệ An chí của Bùi dương Lịch…còn như Địa dư chí viết về quận, huyện, xã thì chỉ xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, còn Địa dư chí về làng thì rất hiếm hoi chỉ có một quyển được viết từ năm 1996, có chăng còn lại di chỉ là các bi chí ghi khắc trên đá.

Lấy ĐNNTC thời vua Tự Đức làm chuẩn thì khi biên soạn địa dư chí về làng cũng cần phải theo các đề mục thứ tự như sau: Phân dã, dựng đặt và diên cách, hình thế, khí hậu, phong tục, lỵ sở, trường học, hộ khẩu, núi sông, gò đống, đầm phá, kênh đào, phố chợ, bến đò cầu đường… đình chùa miếu mạo, nhân vật, thổ sản sản vật, lễ hội…

Làng An Truyền còn được gọi Làng Chuồn.
Để khảo cứu, tìm hiểu lai lịch, nguồn gốc địa dư của một vùng đất nhỏ được thu hẹp trong phạm vi của một cái làng có lẽ cần phải khởi đầu bằng cái tổng thể, cái lịch sử mà ngôi làng nằm trong đó, sau mới xác định tọa độ thực hiện tại và các tọa độ khác có khả năng phát triển do biến đổi của kinh tế hay dân cư trong quá khứ.
image001
Địa linh, phong thổ cũng cần phải cân nhắc vì “môi trường – con người” có ảnh hưởng tương tác phát triển sinh tồn chặt chẽ với nhau


Phủ Thừa Thiên
Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) thời vua Tự Đức phần Dựng đặc và Diên cách có viết: “Phủ Thừa Thiên, xưa là đất Việt Thường Thị, thời Đường Nghiêu, Việt Thường Thị dâng rùa lớn, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán thuộc quận Nhật Nam, Nhật Nam có 5 thành: Tây Quyển, Tỷ Anh, Chu Ngô, Lộ Dung và Tượng Lâm.
Tỷ Anh và Chu Ngô đều ở bờ cõi phía bắc Chiêm Thành.
Địa phận Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam bấy giờ hay châu Ô, châu Lý của Chiêm Thành trước đó là phần đất của Tây Quyển và Chu Ngô.
Đời Trần, vùng này được Chiêm Thành dâng cho Đại Việt, Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Năm 1307. Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, lý thành châu Thuận và châu Hoá. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó.
image002
Châu Hóa có 7 huyện là Lợi Bồng, Sĩ Vang, Sa Lệnh, Trà Kê, Tư Dung, Bồ Đài và Bồ Lãng, năm 1419 hợp 2 huyện Lợi Bồng và Tư Dung vào huyện Sĩ Vang, lại hợp 3 huyện Sa Lệnh, Bồ Đài, Bồ Lãng vào châu Hóa, còn 4 huyện châu Thuận thì đều hợp vào bản châu.
Đầu đời Lê đổi làm lộ Thuận Hóa, thuộc đạo Hải Tây, đặt tổng quản và tri phủ ở lộ; năm Quan Thuận thứ 10 (1469) đặt 3 ty (Đô ty, Thừa ty và Hiến ty) ở Thuận Hóa thừa tuyên, lãnh 2 phủ Triệu Phong và Tân Bình (phủ huyện chí trong Thiên Nam Dư Hạ, tập đời Lê Thánh Tông chép phủ Triệu Phong thuộc Thuận Hóa thừa tuyên có 6 huyện là Kim Trà, Đan Điền, Hải Lăng, Võ Xương, Tư Vang và Điện Bàn, và 2 châu là Sa Bồi và Thuận Bình).
image003
Thái Tổ Gia dụ hoàng đế (Nguyễn Hoàng) năm 1558 gây cơ nghiệp ở miền Nam có cả đất Thuận Hóa và Quảng Nam, bèn đặt dinh Ái Tử (tên xã, thuộc huyện Đăng Xương bây giờ), sau đổi huyện Kim Trà làm huyện Quảng Điền, huyện Tư Vang làm huyện Phú Vang, huyện Võ Xương làm huyện Đăng Xương.
Anh Tông Hiếu Nghĩa hoàng đế năm 1687 dời đến Phú
Xuân; ThếTông Hiếu Võ hoàng đế vẫn theo và bắt đầu gọi là Đô thành.
Duệ Tông Hiếu định hoàng đế 1775 họ Trịnh đem quân xâm chiếm, gọi là xứ Thuận Hóa.
Mùa đông năm 1786 Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ đánh đuổi họ Trịnh về bắc, chiếm cứ đất này.
Mùa hạ năm Tân Dậu 1801, Thế tổ Cao hoàng đế lấy lại Đô thành cũ, trích lấy 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang thuộc phủ Triệu Phong đặt làm dinh Quảng Đức, trích lấy 2 huyện Hải Lăng và Đăng Xương và 1 huyện Minh Linh thuộc phủ Quảng Bình đặt làm dinh Quảng Trị.
Về địa thế và sự hình thành vùng đất Thừa Thiên – Huế qua các thời đại:
Là một trong các tỉnh miền trung của Việt nam.
Xác định tọa độ của các cực đông tây nam bắc thì Thừa Thiên – Huế nằm trong khu vực từ 15 độ 59 phút 30 giây đến 16 độ 44 phút 44 phút 30 giây đô vĩ bắc và 107 độ 41 phút 52 giây đến 108 độ 12 phút 57 giây kinh đông trên Google Earth.
Từ thời cổ đại vào khoảng 1300 đến 550 triệu năm về trước, lãnh thổ Thừa Thiên Huế ngày nay còn là một dãy đại dương và ở đó xảy ra quá trình lắng đọng trầm tích lục nguyên xen lẫn dung nham núi lửa.
Trầm tích hệ tầng Phú Vang là thành tạo trẻ nhất, xuất lộ trên mặt đất, cấu tạo của nó cũng có nhiều nguồn gốc khác nhau mà chính là các bồi tích, trầm tích sông biển đầm lầy, trầm tích sông biển và trầm tích biển gió.
Về kiến tạo thì Thừa Thiên Huế nằm trong 2 đới kiến trúc uốn nếp thuộc nếp Việt Lào.
Địa hình đồng bằng duyên hải Thừa Thiên Huế được hình thành từ Pliocen đệ tứ, cấu tạo địa chất là trầm tích sông biển bột sét Holocen, trầm tích cát biển Pleistocen và trầm tích cuội cát bột sét. Đồng bằng duyên hải Thừa Thiên Huế thuộc đồng bằng đầm phá chưa được lấp đầy chưa hoàn thiện, độ cao của đồng bằng giảm dần từ 15m xuống 1m và nghiêng thoải về phía dẩm phá Tam Giang Cầu Hai.
Vùng An Truyền Phú Vang thuộc đồng bằng sông Hương, vùng này được bồi tụ sau một quá trình lâu dài do các sông suối bắt nguồn từ phía đông dãy Trường Sơn Bắc đưa các phù sa lấp đầy vịnh cổ trước đây.
Độ cao của mặt đất ở Phú Vang nơi cửa sông Hương đổ vào Thuận An còn trên dưới 1m.
image004
Cuối dãy đất ven đầm Chuồn và đầm Sam là bến đò Đồng Miệu chỉ còn cách mặt nước đầm phá 30cm, bên kia phá là cồn cát chắn bờ và biển ven bờ, những đụn cát chắn bờ ở vùng duyên hải này có nơi cao hơn 20m.
Cách đây 5000 đến 4500 năm khi mực nước biển dâng chậm lại đó là hiện tượng “biển thoái” làm quá trình di chuyển cát ngoài khơi vào bờ tạo nên các cồn đụn cát về sau này.
Khi dòng chảy sông suối đổ ra biển lớn hơn sóng và thủy triều ở một giới hạn nào đó thì sẽ hình thành những đê cát ngầm; những đê cát này là tiền thân của các cồn đụn cát chắn bờ ngoài khơi của đầm phá Tam Giang Cầu Hai cổ.
Cách đây khoảng 3000 năm nước biển bắt đầu rút khỏi đồng bằng, đầm phá và dần dần hạ thấp xuống chỉ còn 1m5 dưới mực nước biển hiện nay, cũng là lúc hình thành đầm phá Tam Giang Cầu Hai, Lăng Cô. Lúc mới thành hình các đấm phá này rộng lớn hơn nhiều so với hiện nay, nó bao gồm cả vùng đồng bằng thấp trũng kế cận ở 2 bên đầm phá. Vùng đầm lầy cửa sông Hương. Sông Ô Lâu…Quá trình lấp cạn thu hẹp dần đầm phá, đồng thời mở rộng diện tích đồng bằng; đó là thời điểm vùng Phú Vang, An Truyển trồi lên khỏi mực nước.
Trong 2500 năm trở lại đây mực nước biển lại tăng cao trở lại do ảnh hưởng băng tan ở cực địa cầu, đó là hiện tượng “biển tiến”, nước biển tràn vào đẩm phá, đồng bằng… Xói lở tạo ra các cửa biển.
Cách đây khoảng 1000 năm, các cồn đụn cát hẹp và nhỏ dần lại với bề ngang từ 500 đến 1000m, cao 3m đến 8m.
Năm 1404 một trận lũ lụt đã làm xói lở cồn đụn chắn bờ ở khu vực Hòa Duân làm mở một cửa biển mới, sau vài năm thì tự lấp lại. Đến tháng 1999, một trận lụt dữ dội khác cũng xé rách đụn cát chắn bờ tại Hòa Duân này một lần nữa.
Hiện tượng tương tự này cũng xảy ra ở cửa Thuận An còn gọi là cửa Sứt, cửa Vinh Hiền…

Huyện Phú Vang
Từ khi Chiêm Thành dâng đất này cho Đại Việt vào tháng giêng năm 1307 nó được mang tên là Thế Vang, thuộc vào châu Hóa; thời thuộc Minh, đổi huyện Thế Vang làm huyện Sĩ Vang. Năm 1419 đem 2 huyện Lợi Bồng và Tư Dung hợp vào huyện Sĩ Vang. Năm1469 trong Thiên Nam Dư Hạ tập đời Lê Thánh Tông đổi thành huyện Tư Vang, huyện Tư Vang thuộc phủ Triệu Phong.
Đến thời Nguyễn Hoàng cho đổi là Phú Vang. Năm Minh Mệnh thứ 3 cho huyện Phú Vang thuộc phủ Thừa Thiên, năm thứ 16, trích lấy đất 6 tổng huyện này đặt làm 2 huyện Hương Thủy và Phú Lộc. Thời vua Tự Đức huyện Phú Vang có 6 tổng, 90 xã thôn, phường Ất Giáp, Lỵ sở và trường học hồi trước ở xã Nam Phổ.
Trong ĐNNTC huyện Phú Vang cách phủ 8 dặm” (Dặm = 444,44m) khoảng trên 3km2 về phía Đông Nam; đông tây cách nhau 25 dặm; nam bắc cách nhau 27 dặm; phía đông đến biển 20 dặm, phía tây đến địa giới huyện Hương Thủy 5 dặm; phía nam đến địa giới 2 huyện Hương Thủy và Phú Lộc 32 dặm; phía bắc đến địa giới huyện Hương Trà 5 dặm.
Huyện sở cũng nhiểu lần đổi dời, diện tích cũng nhiểu lần cắt xén, sát nhập, qui chế hành chính tùy theo thời… nhưng hình dạng, thế đất, sông nước, đầm phá thì ngàn năm vẫn không thay đổi lắm, có chăng chỉ là những chấm phá cho thêm phần sắc sảo.
Hiện tại huyện Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên, phía Đông Bắc giáp huyện Quaảng Điền, phía Tây giáp Huyện Hương Thủy, Hương Trà và thành phố Huế, phía Đông Nam giáp huyện Phú Lộc.
Có 19 xã và thị trấn Thuận An, Phú Vang thuộc vùng trũng, có diện tích đầm phá lớn, bờ biển dài trên 35km, có một cửa biển, nhiều cồn cát, đất bãi cát… và nhiều đầm phá như đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Thanh Lam thông với Đầm Cầu Hai.
Phú Vang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 8 năm trước đến tháng giêng năm sau, lượng mưa hàng năm khá lớn, trung bình khoảng 3.000mm. Mưa phân bố không đều trong năm, tập trung chủ yếu vào các tháng 9,10,11 và 12 chiếm 75-80% lượng mưa cả năm. Mùa nắng gió Tây-Nam khô nóng oi bức, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8, lượng bốc hơi cao nhất là từ tháng 2 đến tháng 4. Thủy triều có hai chế độ, từ bán nhật triều đều đến bán nhật triều không đều, biên độ thủy triều dưới 0,5-2 m. Độ cao triều trong đầm phá thường nhỏ hơn ở vùng biển. Diện tích tự nhiên 28.031,80 ha, là huyện có diện tích khá khiêm tốn, phần lớn là đất nông nghiệp chiếm gần một nửa. Dân số 182.336, mật độ trung bình 647 người/km2. Về giao thông có quốc lộ 49 và 3 tỉnh lộ.
image005
Những dấu tích xưa của huyện Phú Vang được ghi lại trong ĐNNTC:
Sông Phổ Lợi, kênh Quy Lai, đầm An Truyền, đầm Vỏng, chợ Nam Phố, bến Tiên Nộn, cầu Đường Anh, Tích Ba, Dưỡng Mong, Vinh Vệ, An Lưu, Lại Thế, cống An Lưu, đập An Truyền, đập Dương Nổ, đập Quy Lai.
Nhân vật thì có các ông: Lê Quang Đại, Bùi Hữu Lễ, Võ Di Nguy. Nguyễn Đức Xuyên, Lê Phúc Điền, Phan Thiên Phúc, Lê Quang Định, Lê Văn Tín, Phạm văn Điển, Trần Văn Thành, Trần Ngọc Dao, Nguyễn Đạc.

Xã Phú An
Phú An là xã thấp trũng, nằm ven đầm phá.
Diện tích 1128 ha
Dân số 8256
Người dân đa số làm ruộng và nuôi trồng thủy sản, một số buôn bán nhỏ.
Hiện tại xã Phú An được xác định ranh giới địa lý như sau:
Phía Đông giáp với Thuận An
Phía Tây giáp với Phú Mỹ
Phía Nam giáp với Phú Xuân
Phía Bắc giáp với Phú Dương

Làng An Truyền
Trong sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An vào nửa đầu thế kỷ XVI năm 1555 thì làng An Truyền thuộc huyện Kim Trà.
Địa danh làng này có trước từ lâu, trước năm 1555 tức là trước khi Dương Văn An về nhà cư tang; trong thời gian cư tang, ông đã đọc được 2 tập sách của 2 nho sĩ đương thời ghi chép về phủ Tân Bình và Triệu Phong. Từ cảm hứng đó ông sưu tầm, khảo thêm tín sử, tham bác lời khẩu truyền… để viết thành sách Ô Châu Cận Lục.
Thời ấy phủ Triệu Phong gồm có 5 huyện là: Hải Lăng, Kim Trà, Võ Xương, Đan Điền, Tư Vinh.
Trên bản đồ không ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 18 tháng 4 năm 2002 có thể thấy rõ tọa độ hình thể các vùng phụ cận sông, ngòi, đầm phá, nò sáo…
image006
Ranh giới huyện Kim Trà lúc bấy giờ bao gồm là một vùng đất rộng lớn bao la chạy từ đông sang tây, từ Trường sơn đến biển Đông, Kim Trà có 72 làng, 4 thôn, 32 sách và 2 nguồn nhưng trong môn bản đồ (quyển 3) thì có thêm huyện Lệ Thủy, Khang Lộc, Điện Bàn, và huyện Kim Trà chỉ có 60 làng trong đó có làng cổ An Truyền, từ năm 1555 đến nay làng An Truyền là một trong số ít làng của tỉnh Thừa Thiên không bị thay tên.
Trong bài dịch của sách Ô Châu Cận Lục không thấy nhắc đến địa danh Chuồn.
image007
Dưới thời vua Minh Mạng (1820 – 1841) Xã An Truyền thuộc huyện Hương Trà, từ thời vua Thiệu Trị về sau thuộc vào huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên.
Hiện nay thuộc Xã Phú An, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên.

Địa thế làng An Truyền tọa lạc trên một doi đất dài khoảng 2952m bắt đầu từ trụ sở xã Phú An ở gần cầu Lu Bụ đến giáp mé nước đầm Chuồn, bề ngang rộng nhất của doi đất này là 976m, nếu so sánh với sự bồi lắng trong 2 thế kỷ qua với chiều dài của cồn Giả Viên thì nó có thể lấn ra đầm khoảng 1000m. Địa vực của An Truyền là một vùng đất ruộng thấp ven một dải đầm nước lợ.
Doi đất này là một ốc đảo.
Phía bắc là con hói của làng Triều Thủy và đầm Chuồn. Phía nam là con hói làng An Truyền, hói Lò Cò và làng Vinh Vệ.
image008
Phía đông là đầm Chuồn.
Phía tây là con hói của làng Triều Thủy.
Cánh đồng của làng An Truyền nằm về phía nam làng chạy theo hướng đông tây song song với khu dân cư với bề ngang 210m, dài 2500m.
Làng được bao quanh ¾ là mặt nước của đầm Chuồn phía bắc, đầm Sam phía nam.
Trung tâm của làng An Truyền ở tọa độ 16°30’19.76″ vĩ bắc và 107°37’52.72 kinh đông.
Đình làng An Truyền có một hồ sen phía trước dài trên 350m.
Hình thể của doi đất này là một thế đất cực kỳ hiếm có về mặt địa lý hình thể thiên nhiên và phong thủy, đó là một thế đất tốt hơn cả rồng chầu hổ phục.
Thế đất này hình của một con Mãn Xà Vương có 2 đuôi đang trong tư thế trườn mình từ Trường Sơn xuống Nam Hải.
Vào khoảng năm 2000 trước đây diện mạo vùng duyên hải Thừa Thiên, khu vực ven bờ Tam Giang – Cầu Hai bao gồm các vùng trũng của Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc … đang được hình thành do phù sa của các khe suối, sông nhỏ, sông Truồi, sông Hương, sông Bồ, Ô sông Lâu từ phía đông Trường Sơn đưa tải, lấp đầy, bồi lắng, chèn ép khiến cho thủy vực vùng Thừa Thiên có dáng dấp như bây giờ.
Đời Trần, vùng này là Châu Ô, Châu Lý được nước Chiêm Thành dùng làm vật sính lễ trong lễ cưới của vua Chiêm Thành là Chế Mân và công chúa nước Đại Việt là Huyền Trân.
Năm 1307. Mùa xuân, tháng giêng, vua Trần Anh Tông đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hoá và cử Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó.
Vùng An Truyền thời Hành khiển Đoàn Nhữ Hài trấn nhậm chỉ có thể là một vùng đầm lầy sú vẹt đầy thú dữ cọp beo, cá sấu rắn độc… và có rất ít cư dân người Việt. Về sau các di dân đầu tiên người Việt theo vết chân nam tiến từ phương bắc vào đến khai hoang, lập ấp, xây dựng làng mạc, chợ búa… dần dần hình thành khu dân cư.
Doi đất làng An Truyền theo khảo cứu địa chất của vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có thể được trồi lên khỏi vùng đầm lầy Cầu Hai bởi 2 nguyên nhân:
Do vận động địa chất, do phù sa của các khe suối, sông nhỏ, sông Truồi, sông Hương từ phía đông Trường Sơn đưa tải, lấp đầy, bồi lắng.
Do nhu cầu khai hoang lấn đất của dân chúng mở thêm diện tích trồng trọt.
Đât vùng An Truyền xuất hiện như một huyền thoại, một hiện tượng ngoi đầu lên của con mãng xà từ dưới mặt nước đầm An Truyền, đầm Sam.
Quan sát trên các hình ảnh từ vệ tinh có thể cảm nhận được điều ấy. Từ đầu Mãng Xà có thể hình dung được cái lưỡi dài đến cửa biển Hòa Duân (Beach erosion Hòa Duân năm1999) và chúng ta tưởng tượng ra được thân hình của mãng xà uốn khúc ẩn mình theo sông Hương cho đến ngã ba Tuần, 2 đuôi của nó là hai nhánh Tả và Hữu Trạch mà phần cuối cùng của đuôi nằm dấu kín trong đồi núi hùng vỹ đầy bí ẩn của vùng biên giới Lào Việt.
Theo truyền thuyết của nhiều nền văn minh trên thế giới thì: “Rắn là loài khôn ngoan, là biểu tượng của thần linh, của sự minh triết, là hiện thân của đức tính thận trọng và khéo léo. Lưỡi rắn cơ quan vị giác là một công cụ định vị đặc biệt, là một loại vũ khí nhạy bén. Rắn cắn đuôi là biểu hiện cho sự tuần hoàn vũ trụ”.
Nét phong thủy tự nhiên của làng An Truyền
Phía tây là lưng của làng được núi Kim Phụng và dãy Trường Sơn phía sau che chắn.
Phía đông mặt trước là đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, sau là biển đông.
Phía bắc bên trái là đồi núi của Quảng Trị
Phía nam bên phải là đồi núi của Hải Vân
Như vậy thì địa thế hình thể tự nhiên của làng An Truyền về phương diện phong thủy đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một vùng đất tốt: trước có minh đường thủy tụ, sau có tọa đoài hướng chẩn, có tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ.

Tổ chức làng An Truyền vừa theo huyết thống gia đình, dòng họ vừa theo làng nghề, vốn là một làng được khai sinh chỉ mới cách đây khoảng trên dưới 600 năm từ khi Chiêm Thành giao cho Đại Việt vào năm 1307.
Trong gia phả xưa nhất của các dòng họ ở An Truyền đều xác nhận rằng làng có 4 họ chính là họ Hồ, họ Đoàn, họ Nguyễn và họ Huỳnh. Trong đình làng có thờ các vị tiên tổ khai canh của 4 giòng họ này với đủ các sắc phong của các triều vua trước.
Dòng họ có vị trí và vai trò quan trọng trong làng, là chỗ dựa tinh thần vật chất cho gia đình; có ảnh hưởng trong mọi quyết định làm ăn sinh hoạt của dòng họ, truyền thống, giáo dục… của các thành viên trong họ tộc và cộng đồng chung quanh, mức độ liên kết huyết thống hết sức rõ ràng, chi tiết qua các tên gọi cụ thể như: Ông cao, ông cố – ông nội – cha – con – cháu – chắt …) có nhiều gia đinh nhất là trong họ Hồ Đắc của làng An Truyền hiện nay có 4 thế hệ cùng ở chung từ thế hệ ông nội đến cháu chắt.
Nghiên cứu trong tộc phổ của dòng họ này thấy có ghi lại một thống kê vào năm 1941: số người trong họ Hồ Đắc có 117 người và nếu tính bình quân mỗi gia đình có 4 đến 5 người: gồm có cha,mẹ và 2 con thì số hộ Hồ Đắc ở trong làng An Truyền xấp xỉ có 30 gia đình. Từ đó phỏng đoán số nhân khẩu của làng An Truyền vào thời điểm đó biến động từ 450 đến 600 người.
Sau năm 1945 một số cư dân từ nhiều nơi đến định cư tại làng An Truyền và nhiều họ tộc như họ Trần, họ Võ, họ Lê, họ Đặng, họ Phan…cùng sống chung với nhau làm cho làng An Truyền trở thành một cộng đồng rất đa dạng.

Đình làng An Truyền


Đình làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.Đình làng An Truyền nằm trên một thửa đất bằng phẳng, thoáng mát tại trung tâm làng, cửa Đình quay về hướng chính Đông, phía trước là ao sen trong xanh thơm ngát và đầm Chuồn lộng gió.
Đình An Truyền cấu trúc hình chữ Tam, chia làm ba phần tách biệt. Ngoài cùng là Tiền đường, tiếp theo là nhà Tiền tế hay Đại bái, trong cùng là Hậu cung hay Nội điện.
Nhà Tiền đường có 5 gian. Tiền đường cấu trúc kiểu cổ lầu hai tầng mái. Các bộ phận cấu trúc giàn trò như cột, kèo, xà, trến, xuyên, kèo mái, đòn tay đã đơn giản hóa chỉ còn lại kèo quyết, trến (xà ngang), xuyên (xà dọc), trục tiêu. Gian giữa treo bức đại tự “Mỹ tục khả gia” chạm đầu rồng, cánh phượng, sơn son thếp vàng.
Nhà Tiền tế gồm ba gian hai chái như lối nhà rường gồm cột, kèo quyết, kèo đấm, kèo bác vần, xuyên… Tiền tế có 18 cột, trong đó 16 cột bia làm ba gian chính, tả, hữu đại bái, hai cột chái nối kéo bác vần tạo ra thế “chỉa ba” để có hai gian chái nối tiếp. Kết cấu chặt chẽ này được gọi là khung cụi.
Nhà nội điện là nơi thờ tự chính của Đình An Truyền, được bố trí 7 bàn thờ sát tường hậu, thờ 7 vị thủy tổ của 7 dòng họ ở làng An Truyền. Trước mỗi bàn thờ có sập gỗ, hương án, câu đối chạm nổi; khán thờ sơn son thếp vàng, đồ thờ tự bằng đồng, sành sứ, gỗ.
Ngoài ra tại nhà Đại bái có hai án thờ Tiền án và Trung án chạm lộng mặt hổ phù, kỳ lân, chim phượng hoàng, hoa chanh…
Đình An Truyền là một trong 7.300 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Việt Nam. Đình làng là cội nguồn lịch sử, là nét đẹp văn hóa, là nơi tụ họp, là không gian của các lễ hội của các cư dân trong làng
Đình làng An Truyền tọa lạc ở tọa độ 16°30’27.61″ vĩ bắc và 107°38’3.15″ kinh đông, phía trước đình có một hồ bề dài khoảng 370m, bề ngang khoảng 20m trồng sen.
Không biết chính xác là ngôi đình được xây dựng năm nào, có thể vào thế kỷ thứ XVI sau khi các di dân vào vùng đất này khai hoang lập làng.
Trong 4 câu đối khắc ghi ngoài cổng đình An Truyền:
Thương hải tả triều đăng dang văn lan nguyệt tăng huy
Thanh sơn hữu củng triều nghiêu bút giá nhật di cao
Viễn nhi vọng chi nhất củng hoành sa lâm hải ngạn
Cận khá ba dã song đầm lưu thủy nhiễu đường môn

Dịch nghĩa :
Bên tả là biển xanh mênh mông, sóng nước tràn dâng cho trăng thêm vẻ sáng
Bên hữu là núi xanh vây bọc, nắng trải đầy trên gác thẳng một vầng dương
Nhìn ra xa, biển bao la, bãi cát chắn ngang là bờ bến
Trông lại gần nước trong hai đầm, uốn khúc vòng quanh trước cổng nhà
Và chữ AN TRUYỀN được định nghĩa như sau :
An thổ nhi đôn vật phụ dân khang trường phú hữu
Truyên lưu thục thế địa linh nhân kiệt vĩnh thường tồn
Dịch nghĩa :
Đất cát yên định là cái gốc cho vạn vật sinh sôi dồi dào khiến cho nhân dân no đủ giàu có
Cơ nghiệp lưu truyền qua các thế hệ, đất địa nơi đây vốn linh thiêng, muôn đời thường sinh ra anh hùng hào kiệt
Bài ký ghi trên tường bên cạnh gian thờ chính trong đình, dịch nghĩa như sau:
Vào một ngày tháng 8 năm Giáp thìn (1904) Gió bão thổi qua làm hư phần sau của nhà tiền đường và mặt trong, ngoài, thành quanh lăng miếu đều đã cũ hư…
Các vị chức sắc, đồng hương họp bàn: Vì nhân dân đang gặp lúc khó khăn, thật khó mà có kế sách cho lưỡng toàn. Nhưng cuối cùng mọi người đều đồng ý là phải làm.
Điều xảy ra thật xúc động khi các quan viên cùng các họ tộc trong làng đều dốc hết toàn lực thu được cả thảy là 15 ngàn quan tiền cùng với thợ khéo tay và con dân trong làng, ước chừng tất cả là 6000 công.
Ngày Tỵ, trăng rất sáng, sau 5 ngày đã thấy thay đổi sáng rõ như son. Những phần mới làm chẳng những sáng sủa rực rỡ mà những nét chính vẫn giữ theo lối cũ.
Sau xây sửa thành và các phần chính đã xong, mọi người đều tròn mắt, nét vui mừng hiện lên trên mặt. Cấp trên có đến thăm và có lời khen …
Công trình tu sửa do Giang Tây Đốc Nguyễn Đình Công phụ trách.
Bia kỷ niệm công đức đình An Truyền bên trái có ghi việc đóng góp của các họ tộc trong xã đồng phụng góp được 1505 quan tiền…
Ông Đoàn Thọ, ông Hồ Chỉ, Ông Trần văn Hân góp 100 quan tiền
Ông Hồ Chuẩn góp 200 quan tiền
Bia kỷ niệm công đức đình An Truyền bên phải có ghi việc đóng góp của Tuần phủ Hà Tỉnh Hồ Đắc Trung tặng 200 quan tiền
Tuần phủ Quảng Ngãi Hồ Đắc Dư tặng 100 quan tiền
Minh Phủ Đại Lộc Hồ Đắc Thiều tặng 30 quan tiền
Phòng Định Viễn Công Tôn Hoài tặng 100 quan tiền…
Hiện nay đình An Truyền còn lưu giữ được trên dưới 38 cái sắc phong các loại do các hoàng đế triều Nguyễn ban tặng.
Nhân vật
Làng Chuồn là một làng chài nhưng có truyền thống văn hóa; một số nho sĩ, quan lại xuất thân tại ngôi làng này cũng đã được nhắc nhở đến trong lịch sử như sự kiện của ông Đoàn Trưng Đoàn Trực nổi dậy chống lại vua Tự Đức thời nhà Nguyễn và sau đó có một sự tàn sát đẫm máu đối với những người mang họ Đoàn tại làng Chuồn, những người thoát khỏi cảnh thảm khốc này phải bỏ xứ ra đi, thay tên đổi họ…
Họ Hồ Đắc ở làng Chuồn cũng có vài nhân vật khoa bảng nổi tiếng như gia đình ông Hồ Đắc Trung, thượng thư bộ Học, người đã giữ vững khí tiết để đưa ra phán quyết xử trắng án vua Duy Tân
Làng Chuồn hiện nay cũng có nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, học giả, thầy giáo, tu sĩ…

Thủy vực đầm An Truyền
Ngoài vùng đất cát ven đầm An Truyền gọi là vùng đất cát nội địa với diện tích khiêm tốn, đa số là đất chua phèn, úng ngập về mùa mưa, khô hạn về mùa nắng, còn lại diện tích là mặt nước.
Mặt nước bao quanh An Truyền thường goi là đầm Chuồn hay đầm An Truyền, nó là một phần trong hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, đầm An Truyền nằm về phía đông nam huyện Phú Vang chu vi 11 dặm.
Phá Tam Giang – Cầu Hai là một vùng nước lợ rộng mênh mông, nơi hợp lưu của 3 con sông lớn thông ra biển bằng 2 cửa: cửa Thuận An rộng 300m ở phía bắc và cửa Tư Hiền rộng 113m phía nam.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí trang 153 chép:
“Phá Tam Giang trước có tên là Hạt Hải có nghĩa là biển chết nam bắc dài 30 dặm, đông tây rộng chừng 6 dặm. Từ hạ lưu nguồn Ô Lâu – Thọ Lay (hệ thống sông Lương Điền) chảy xuống phá, về phía tây nam có 3 cửa sông đổ vào là sông Tả ,sông Trung và sông Hữu nên vua Minh Mạng đổi tên gọi là Tam Giang, nước sông sâu rộng sóng gió bất trắc thuyền bè dễ gặp nạn”.
So với sóng ở ngoài biển ven bờ thì sóng trong phá Tam Giang Cầu Hai yếu hơn nhiều, độ cao của sóng phụ thuộc 2 yếu tố hướng và tốc độ gió, độ cao thường gặp là 0,3m đến 0,6m, trong giông tố là 0,7m và trong bão là 1m.
Đầm Cầu Hai thông với phá Tam Giang ở phía bắc, nơi hội tụ của các dòng nước đầm phá này là Thuận An.
Hề thống đầm Câu Hai gồm có đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Thuỷ Tú, đầm Hà Trung và phá Cầu Hai.
Các sông đổ vào đầm phá Tam Giang – Cầu Hai:
Phía bắc phá có các sông Ô Lâu, sông Nịu
Ở giữa có Sông Bồ và sông Hương gặp nhau ở ngã ba Sình đổ vào
Phía nam là sông Truồi, sông Nong
Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai gồm có :
- Phá Tam Giang
- Đầm An Truyền
- Ðầm Sam ở phía đông nam huyện Phú Lộc chu vi 39 dặm, nước đầm chảy về phía đông qua bến Hải Vân mà ra biển, nước đầm rất sâu, nơi sản sinh nhiều con sam nên gọi là đầm sam, phía bắc có chằm, nhiều bùn lầy, nơi sản xuất hạt trai, đời Minh Mạng sai người mò lấy, nhưng hạt trai nhỏ nên thôi, diện tích khoảng 1.620 ha, liên quan đến tám xã của huyện Phú Vang.
- Ðầm Thủy Tú – Hà Trung, gọi tắt là đầm Thủy Tú có diện tích khoảng 3.600 ha, 24 km, bao gồm bốn xã của Phú Vang và Phú Lộc.
Hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc cỡ lớn trên thế giới. Nó được phân bố trên chiều dài 68 km, rộng gần 22.000 ha; nơi rộng nhất là 14 km và nơi hẹp nhất là 0,6 km, có tổng diện tích mặt nước là 216 km², chiếm 43% diện tích lãnh thổ Thừa Thiên Huế, chiếm gần một nửa tổng diện tích đầm phá ven bờ Việt Nam (480,5 km²). Phá Tam Giang rộng 52km2, kéo dài 24km từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương; đầm Sam và đầm Thuỷ Tú rộng 60km2, kéo dài khoảng 33km từ cửa sông Hương đến cửa sông Truồi; đầm Cầu Hai tiếp nối như một lòng chảo lớn hình bán nguyệt rộng 104km2, kéo dài khoảng 13km từ cửa sông Truồi đến chân núi Vĩnh Phong. Vùng đất ngập nước đầm phá Tam Giang – nó được mệnh danh là một bảo tàng nước. Thành phần nguồn gen của Tam Giang – Cầu Hai khá phong phú, hiện có 714 loài. Trong đó, 171 loài thực vật phù du, 37 loài động vật phù du, 54 loài thực vật nhỏ bám đáy, 43 loài rong tảo, 15 loài cỏ nước, 31 loài thực vật cạn, 63 loài động vật đáy…

Loại cá chim muôn đầm An truyền
Là một làng ven vùng đầm phá rất trù phú trải dài nhiều cây số nên chim trời cá nước ở đây cực kỳ phong phú và có nhiều loài quý hiếm. Hàng năm, trên các đầm lầy cỏ và thảm cỏ biển rất đặc thù. Chim nước tập trung mật độ cao ở 3 khu vực: cửa sông Ô Lâu, cửa sông Ðại Giang và đầm Chuồn, đầm Sam. Mùa đông chim thường từ nơi phương xa bay về, có năm tới 2 vạn con. Có nhiều loài chim quí hiếm nhất như le le, diệc, cò, vạc, vịt nước, ngỗng trời, đòm đòm, đầm đầm, đà lã, ó, mặt cắt, cú mèo, bố chao, chèo bẻo, cà cưởng, diều hâu, bìm bịp, tời lơi, sột sột, héc, chuốc chuốc, đỏ mồng, đỏ mỏ, quạ…
Cá là nhóm có thành phần loài đông đúc nhất: 230 loài. Như cá hanh, nâu, thác lác, bống ngạnh, giải áo, liệt, móm, thệ, kình, nục, sơn, lươn, ếch … các loài thủy hải sản ở đây được coi là loài đặc hữu, có giá trị thương phẩm cao, thịt cá không nơi nào ngọt và thơm bằng.
Khi khảo sát mặt đáy của đầm An Truyền từ trên vệ tinh thì độ sâu của mặt nước trung bình từ 1m đến 2m5 nên rất thích hợp cho các loại cá nhỏ sinh sống, đặc biệt là cá kình, cá bống thệ, cá ong hương, cá dìa, cá hanh, tôm rằn … chúng thường tập trung vùng eo của đầm.
Dưới mặt nước đầm An Truyền ở tọa độ 16°31’7.03″ vĩ bắc và 107°38’6.14″ kinh đông cách đình làng An Truyền hướng đông bắc 1900m có một con sông ngầm dưới đáy đầm An Truyền chảy ra phía Thuận An, khi đến gần giữa phá, con sông ngầm này rẽ nhiều chi lưu hình cánh quạt, độ sâu ở đây 3 đến 4m.
Hệ thống nò sáo đan xen dày đặc suốt chiều dài chu vi hệ thống đầm phá Tam Giang Cầu Hai, thậm chí ngay ở giữa phá.

Thổ sản
Lúa có lúa Tẻ, lúa Thơm, lúa Mạn, lúa Chiêm nhưng sản lượng không đáng kể.
Nếp có nếp Than, nếp Tây có nguồn gốc ở Châu Âu nên gọi là Dương nhu.
Tại An Truyền ngày xưa nơi đây có một khoanh đất ước chừng 20 mẫu ruộng để cấy loại lúa này. Đó là loại nếp thơm. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí ghi như sau: Nếp Tây còn gọi là Dương nhu, thân lúa lớn, bông lúa dày, hạt thóc tròn và to, vỏ dày, gạo trắng; cơm rất thơm. Tháng 5 cấy tháng 8 chín, ưa ruộng sâu.

Làng Nghề
Cư dân nơi đây làm nghề nông, nghề cá sông đầm, và một số nghề phụ khác, nổi bật là nghề làm trướng – liễn, nghề nấu rượu và gói bánh Tét.

Nghề làm Tranh trướng – liễn giấy làng Chuồn
Tranh trướng là một loại trang trí phẩm để làm đẹp nhà cửa trong dịp Tết hay trong các dịp lễ quan trọng trong gia đình. Tranh dân gian xuất hiện rất sớm là bởi vì nó với hai loại chính là tranh tết và tranh thờ xuất hiện gần như cùng lúc với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và việc thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên.
Tranh có từ triều đại nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê… phân hoá của tranh dân gian xuất hiện ngày càng rõ nét. Nghề làm tranh đã lan truyền rộng rãi hầu khắp cả nước. Cùng với đó là sự phân hóa, những dòng tranh mới xuất hiện, được gọi tên theo địa danh nơi sản xuất. Ở Huế thì có 2 làng làm tranh nổi tiếng là làng Sình với loại tranh thờ Điểm; nổi bật ở tranh làng Sình là đường nét và bố cục mang tính thô sơ chất phác một cách hồn nhiên. Nhưng nét độc đáo nhất của nó lại là ở chỗ tô màu. Nghệ nhân làng Sình tùy hứng thả mình theo sự tưởng tượng tự nhiên để sáng tác.
Từ khi nghề làm trướng liễn giấy được phát triển tại làng Chuồn và nó được xem như một nghề chính có truyền thống như nghề làm bông giấy ở Làng Thanh Tiên, nghề làm nón làng Triều Sơn, nghề làm tranh ở làng Sình, nghề làm giấy ở Đốc Sơ… Mỗi nơi đều có phong cách riêng của mình. Nét riêng của mỗi dòng tranh được thể hiện ngay từ quy trình làm tranh cũng như trong mỗi đường nét của tranh. Đó là sự khác biệt giữa kỹ thuật khắc ván in, kỹ thuật vẽ, nguyên liệu làm tranh, cách pha chế tạo màu sắc riêng…

Liễn giấy làng Chuồn có 2 loại chính:
Liễn bông, một bộ phận gồm 4 bức in hoa theo kiểu tranh Mai, lan, cúc, trúc. Xuân hạ thu đông…
Liễn chữ mỗi bộ gồm 3 bức: một bức đại tự cách điệu chữ Phúc, Lộc hay Thọ treo ở giữa và 2 liễn giấy hai bên.
Liễn chữ to treo nằm ngang trước cửa, 2 liễn nhỏ treo dọc 2 bên. Màu sắc chính là đỏ, lục, vàng.. vật liệu tạo màu: Màu đỏ từ hoa hòe, màu vàng từ quả dành dành còn gọi là thuỷ hoàng chi. Quả còn được dùng làm thuốc nhuộm thực phẩm cho màu vàng, dân gian hay dùng để đồ xôi… Màu lục từ lá gai, loại lá dùng làm bánh ít đen…
Tranh thường được in hoặc vẽ trực tiếp lên giấy. Loại giấy phổ biến thường được các dòng tranh dùng hơn cả là giấy dó.
Trướng, liễn làng Chuồn làm bằng giấy được sản xuất theo phương pháp thủ công

Rượu làng Chuồn rượu ở đây có từ lâu đời, được xếp vào loại “đệ nhất danh tửu” của Huế, rượu thật sự có hương vị đặc trưng có thể xuất hiện khi người dân làng Chuồn bắc canh tác một giống lúa nếp mới có tên là nếp Tây, mà hương vị của rượu không giống với bất cứ loại rượu khác được. Làng có nhiều người nấu rượu và để có một mẻ rượu ngon chính là nghệ thuật cũng là bí quyết gia truyền của người nấu, ngoài các yếu tố như chọn nguyên liệu là gạo nếp, nước, men, thời gian ủ… Ngày xưa có nhiều lò nấu rượu có riêng vài mẫu đất ở ngoài Cồn dài chỉ để trồng một giống lúa nếp Tây, lúa Chiêm hay lúa Thơm mà Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi lại và bí quyết của loại rượu làng Chuồn để có được một hương vị đặc trưng chính là tỷ lệ pha trộn các loại nguyên liệu và mạch nước ngọt trong một vùng đất ven đầm phá.

Bánh Tét làng Chuồn Bánh tét là một loại bánh đươc làm trong dịp Tết, một loại bánh truyền thống của làng. Đặc biệt bánh tét làng Chuồn chính là chọn nếp để gói.
Tại Thừa Thiên có rất nhiều loại nếp còn được gọi là đồ, một loại cốc đã được hoàng đế Minh Mạng cho khắc trên Nhân Đỉnh.
Ở Thừa Thiên có mấy chục loại nếp như: nếp voi, nếp cau, nếp bò, nếp rằn, nếp bụt, nếp kỳ lân, nếp hương bầu, nếp tây, nếp cút, nếp đa đa, nếp cò, nếp than, nếp sáp, nếp nai…
Trước là chọn nếp: nếp ngon đều hạt, giã trắng, sàng kỹ tấm cám, không lẫn gạo hay bông cỏ, hạt cát. Việc chọn các loại nếp để pha trộn với nhau theo một tỷ lệ nào là yếu tố để tạo ra hương vị đặc trưng, thường tỷ lệ này là bí quyết gia truyền nhưng có ít nhất là ½ là nếp Tây.
Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước khoảng 6 giờ. Lá chuối sứ, lá dung tốt. Nhụy đậu xanh, thit heo nửa nạc nửa mỡ, lạt giang chẻ mỏng, nước cốt bông ngọt hoặc lá gai.

Chợ làng Chuồn
Ngày xưa, đường giao thông chưa phát triển ở đó là một khu trung tâm buôn bán, giao dịch của ngư dân vùng Thừa thiên, Quảng trị. Ngư dân sau khi đánh bắt tôm cá ngoài khơi thường họ vào đất liền qua 2 cửa Thuận An và Tư Hiền và An Truyền là một cảng cá để chuyển tôm cá lên kinh đô thuận tiện và gần nhất.
Chợ thuộc chợ quê, nằm mép bờ đầm Chuồn, trong một khoảnh chưa tới một công đất. Hồi xưa, chợ đông từ canh ba cho đến gần trưa chợ mới tan, đó là vào đầu thế kỷ trước khi mà cá Chuồn là loại cá rất phổ biến ở vùng biển Thừa Thiên nhất là vào khoảng tháng 3 tháng 4 âm lịch là mùa cá chuồn. Cá có hai vi dài gần chấm đuôi như cánh con chuồn chuồn. Khi động cá có thể bay lên. Thân tròn, nửa trên có màu xanh nước biển, nửa dưới bụng màu trắng, nhiều vảy nhỏ, nhiều xương dăm nhỏ, mùi tanh đặc trưng. Hiện nay loại cá này hầu như biến mất khỏi vùng biển Thừa Thiên và cũng là lúc chợ làng Chuồn bớt hẳn nhộn nhịp.
Nay chợ Chuồn không còn là một vựa cá phồn vinh của thời hưng thịnh thuở trước. Nó chỉ còn là một cái chợ làng quê bày bán một ít thổ sản, tôm cá địa phương và hàng tạp hóa, đông trễ tan sớm.
Đặc biệt, tại chợ có vài hàng bán bánh khoái cá kình. Để đổ loại bánh này người ta dùng bột gạo, cá kình, cá ong hương hay tôm rằn, nước mắm ruốc là nguyên liệu pha nước mắm để chấm. Cá kình là loại cá sinh sống ở nước lợ, ở độ sâu không quá 3m. Cá kình sinh sản vào các tháng 5– 6 hàng năm, thịt cá màu trắng ngà, thơm mùi đặc trưng, vị ngọt, bụng mỡ, mật đắng như cá kèo nam bộ; đặc biệt cá kình sống ở đầm Chuồn, đầm San, phá Tam Giang Cầu Hai là loại đặc hữu hiếm có. Cá kình loại nhỏ dùng để đổ bánh khoái, loại lớn từ 50 đến 150gr dùng để nấu canh hay nấu cháo.
Chuồn là một làng chài nên trong không khí của nó có mùi tôm cá, cái mùi của vùng đầm phá, ai đã quen với cái mùi kỳ diệu này thì ghiền chết.

Đi chơi làng Chuồn
Làng Chuồn nằm ở một vị trí không được thuận lợi trong một chuyến đi tour nhiều nơi vì địa thế của nó là cuối của một doi đất không rộng, hệ thống giao thông là đường làng.
Khách đến thăm An Truyền đa số là văn nghệ sĩ hay những khách được thuyết phục, được giới thiệu hay muốn khám phá tính đặc thù của một vùng đất ven đầm phá.
Đến An Truyền để sống chơi với đầm phá, chim muôn, cá nước, để thưởng thức một loại ẩm thực lạ lùng mà không biết có hợp với khẩu vị của du khách hay không?
Thăm viếng làng Chuồn chỉ cần 30 phút đến và đi nếu chỉ dùng mắt để quan sát, du khách sẽ thấy đó chỉ là một làng chài quê nghèo với cái chợ xác xơ, một đình làng yên ắng, cửa đóng kin… chỉ có mùi đầm phá, cá tôm phơi nắng bốc mùi đăc trưng của vạn chài.
Nhưng…ở lại lâu hơn thì lại khác.
Hãy thử nếm một chút rượu Chuồn, ăn một miếng bánh khoái cá kình, ăn một chén cơm thơm mùi dân dã với con cá ong hương hay cá bống thệ kho khô, một đọi canh cá dìa Tam Giang nấu với thơm Kim Long, một chút rau thơm trồng trên đất Bãi Dâu ghém với một dĩa thịt phay heo mọi nuôi trên A Lưới… Du khách sẽ muốn ở lại để thưởng thức thêm cảnh mặt trời lặn trên phá Tam Giang, trên đầm Chuồn với nò sáo đan xen trên mặt nước, một cảnh trí không nơi nào trên thế giới mà thiên nhiên và con người bắt tay nhau tạo nên cho An Truyền như thế.
Hãy nhìn trên hình chụp vệ tinh để thưởng thức trước khi đến An Truyền.
Sẽ vô cùng thú vị nếu được sống một lần trên nhà chồ, nhà chồ là một loại nhà gì? thế nào… thì ít ai biết.
Nhà chồ là một chòi dựng tạm trên phá, là chỗ dừng chân, là nơi tạm trú cho ngư dân của vùng đầm phá diện tích khoảng 4m2, cái to nhất là 12m2 tùy theo mục đích của ngư dân, người ta dựng nhà chồ ở nơi thuận tiện cho công việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản hay canh giữ vuông nuôi tôm cá… N chồ là loại nhà dựng trên nước, nhà chồ được làm một cách thô sơ bằng ván vây quanh, mái lợp tranh hay lá dừa, từ mặt nước có mấy bậc thang bằng cây bắc lên sàn nhà là một biểu tượng “văn hóa nhà” của vùng đầm phá.image011
Ở trên không nhìn xuống mặt đầm không biết cơ man nào là các ô vuông đủ kiểu, đủ màu sắc ngang dọc chằng chịt đan xen lẫn nhau, người ta chia ô cắm nò, đóng sáo kín mít không còn một chỗ trống.. Sống qua đêm trên nhà chồ để ngắm trăng, nhìn những tia sáng của mặt trời lúc bình minh trên mặt sóng nhấp nhô của đầm phá bình yên hay thả cần để câu được năm ba con cá kình, vài con cá ong hương hay chục con cá bống thệ, loại cá sống ờ đáy đầm thì quả thật là một ấn tượng khó quên.

Bài do tác giả gởi

Không có nhận xét nào: