HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Khoảng năm 1994, nhà văn Võ Hồng được một nhà xuất bản lớn ở Hà Nội
in tập sách Truyện ngắn chọn lọc của ông. Ông sung sướng báo
tin cho những người quen biết, rồi viết thêm: “Sách dày 300 trang,
bìa rất mỹ thuật, nhưng in quá nhiều lỗi. Mắt tôi kém, sức khỏe kém,
mấy hôm rồi đọc dò lại một mình, vậy mà đã phát hiện hơn 130 lỗi.
Tôi có lập bản đính chính xin NXB in và dán vào sách. Chỉ vì tôi
nghe nói sách sẽ phân phối về các thư viện, tôi vui vì bà con Miền
Bắc đọc và biết sinh hoạt của bà con Miền Nam. Nay in sai kiểu này
thì nội dung trúc trắc khó hiểu, bạn đọc nổi xung bỏ sách xuống chớ
đâu còn nhẫn nại đọc tiếp”. Niềm vui của nhà văn chắc đã vơi đi một
nửa!
Hai mươi năm trước nhiều nhà văn chưa dùng máy vi tính, bản thảo
đánh máy hay viết tay nên việc in ấn không thuận lợi như bây giờ,
khi bản thảo chỉ cần gửi qua email. Vậy mà bây giờ sách in chưa phải
đã hết lỗi kỹ thuật, thậm chí còn nhiều hơn thời in typo.
Mới đây cô giáo Nguyễn Ngọc Hà than phiền: “Văn bản tôi chuẩn bị rất
kỹ, sửa đi sửa lại, vậy mà khi sách ra thấy trang nào cũng có lỗi,
tôi là tác giả mà còn không dám đọc lại sách của mình”. Cuốn sách
này là sản phẩm của một cơ quan làm sách chuyên nghiệp có nhiều năm
kinh nghiệm.
Một nhà nghiên cứu vốn là người cẩn trọng vừa có cuốn sách mới thuộc
loại được “Nhà nước đặt hàng” cho một nhà xuất bản ở trung ương,
tuyển chọn những bài tiểu luận văn học đặc sắc nhất được viết trong
khoảng 30 năm nay của ông. Cầm cuốn sách bìa thật trang nhã, dở vào
bên trong, tác giả bỗng giật mình vì sách không những nhiều lỗi in
sai tên người, sai chú thích mà việc dàn trang cũng lộn xộn, tùy
tiện.
Có lần
tôi kể với nhà văn Vương Trí Nhàn là nhà chật quá, tôi phải ngồi lựa
những bản truyện dịch in giấy đen thời bao cấp để thanh lý bớt, chỉ
giữ lại những cuốn sách tái bản gần đây in giấy trắng. Ông Nhàn, vốn
là người nghiên cứu văn hóa và làm xuất bản lâu năm, vội can ngay:
“Ấy chớ, ông nên biết rằng những bản sách giấy đen in chữ chì hồi đó
lại được chăm sóc rất cẩn thận, còn bây giờ nhiều cuốn in đẹp nhưng
cẩu thả không chịu nổi”.
Vậy người đọc biết làm sao! Tình trạng lỗi kỹ thuật tràn lan trên
các ấn bản khiến những người giữ mục “Dọn vườn” trên báo bây giờ
cũng không hơi sức đâu mà góp ý. “Quán Mắc cỡ” của báo Tuổi trẻ
cười mỗi kỳ cũng chỉ chọn được năm ba trường hợp nổi cộm đáng
mắc cỡ nhất mà thường là những lỗi “cố ý”, chứ những lỗi sơ ý thì
cũng cho qua. Không hiếm trường hợp sách in sai ngay từ trang bìa:
sai tên tác giả, sai thể loại… Bên trong thì đầy lỗi chính tả và ngữ
pháp, câu sai quy chiếu, viết hoa và phiên âm không nhất quán… Chỉ
cần một trong các nguyên nhân sau đây là có thể dẫn đến sự cố nghiêm
trọng, chẳng hạn như việc sách in hình cổng trường treo cờ Trung
Quốc: thiếu kiến thức, chủ quan, tắc trách vì lười biếng hay vì ham
tiền… Trách nhiệm này chia đều cho tác giả/ dịch giả, biên tập viên
và người sửa bản in. Của đáng tội, nhiều khi chính tác giả sửa bông
1, bông 2 rất kỹ, nhưng đến bản nhũ không đọc lại thì khi sách in ra
vẫn có lỗi như thường.
Lâu nay người ta hay so sánh những lỗi như vậy như những hạt sạn
trong bữa cơm làm ê răng. Đừng nghĩ là ăn vậy hoài riết rồi cũng
quen. Người làm ra món ăn tinh thần không nên xem thường: vào quán
nào vài lần mà gặp cơm sạn, cơm khê, cơm sống, ắt lần sau người ta
sẽ tránh đi chỗ khác chứ!
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Tác giả gởi cho viet-studies ngày
27-12-14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét