Bài số 26
TÔI ĐỨNG BÊN KIA MỘT MÌNH TÔI VỚI KHÚC TƯƠNG TƯ
Tôi đứng bên kia một mình tôi
Như cây cao giữa đất và trời
Như gió đi qua rồi đi mất
Như tình hương còn thoảng lại thôi
Một ngày thêm lại một ngày nữa
Lòng tương tư có tới bên nàng
Hẹn năm nào rồi cũng lần lữa
Thu tàn đông tới xuân sắp sang
Ly biệt thì đã đành ly khách
Sông núi còn đây mây nước trôi
Hoa sớm đơm bông buồn lau lách
Nhìn hoa cùng giọt rượu đầy vơi
Tôi đứng một mình bao nhiêu năm
Khúc tương tư hát giữa đêm nằm
Đi là đi có là xa khuất
Về là về ước hẹn trăm năm
Tôi đứng một mình ngày qua ngày
Dõi bóng hình ai trong nước mây
Chờ như chờ đã nhiều năm trước
Tương tư dài ngắn khúc vơi đầy
Tôi đứng một mình như bóng cây
Như tượng người hoá đá nào hay
Hỏi tình là chi không ai biết
Chỉ có trên trời mây vẫn bay
Bài số 27
HAI BÀI TẶNG THI SĨ
NHÀ THƠ, TRONG VÂY HÃM CỦA NGÔN NGỮ
Tôi làm thơ
Mỗi ngày tôi loay hoay với một mớ ngôn từ lởn vởn trong đầu
Tôi chọn lựa tôi viết tôi gõ rồi tôi xóa
Và cuối cùng
Chỉ còn là trang trắng
Nếu nói có công việc nào vô nghĩa và vô ích trong thời buổi hiện nay
Đó là làm thơ
Và người làm thơ, hay xưng tụng đẹp đẽ hơn, các thi sĩ, là những kẻ tâm thần, hoặc dễ hiểu hơn là “người cõi trên”
Tôi làm thơ
Tôi vẫn làm công việc ấy bao nhiêu năm
Tôi cho đó là công việc một đời
Tôi không là người điên
Mặc dù mỗi ngày bị vây hãm bởi ngôn ngữ
Mặc dù ngôn ngữ là mối hiểm nguy chực chờ gieo rắc lên số phận
Tôi tin rằng tôi có sứ mệnh của riêng tôi
Trong những năm tháng được làm người
Bởi khi làm thơ, tôi thấy tự do
Tôi làm thơ tôi tự do
Khi tôi làm thơ tôi hiện hữu
Và tôi yêu tự do
2.
THI SĨ, KẺ ĐÁNH ĐU VỚI SỐ PHẬN
Khi tôi được ra đời, làm người
Tôi là một người nhỏ, như mọi đứa trẻ khác
Tôi có tuổi thơ cũng rất bình thường, êm đềm ở một làng quê
Cha mẹ tôi là những người cần lao nông thôn
Cũng rất tự nhiên với cuộc đời của những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội
Tôi cũng sinh hoạt như những cuộc sống khác, của một người lớn lên giữa thời thế này, chiến tranh đã trải dài đất nước
Nhưng tôi làm thơ
Tôi là người làm thơ
Khi chưa phải là thi sĩ
Tôi làm thơ
Và như là số kiếp
Cuộc đời tôi chìm nổi theo những ngọn sóng
Mọi người gọi tôi là thi sĩ
Nhưng tôi không được là gì cả
Tôi phải đi quân dịch
Tôi không được khai trong lý lịch nghề nghiệp là thi sĩ
Bởi “thi sĩ là cái danh xưng treo lơ lửng và được nhào trộn giữa các vị trí khác như bác sĩ kỹ sư nhà giáo chí sĩ, chiến sĩ, tu sĩ, cuồng sĩ, dược sĩ, họa sĩ, vô công rỗi nghề, bịp bợm, hoạn lợn, gia nô, tù nhân, mật thám, lãnh tụ, bệnh nhân tâm thần, điềm chỉ viên, và …” (Ai đó đã viết như thế)
Tôi không sống được bằng những chữ trong các bài thơ của tôi
Mà bằng tay chân thực sự
Bởi chúng sẽ tạo ra của cải và nhà cho tôi ở
Sự có mặt của tôi trên cuộc đời này không phải là những câu thơ, mà phải được chứng minh thật sự bằng những đồng xu mình tạo được
Không có số phận nào cho người làm thơ, hay nói văn vẻ hơn là những thi sĩ
Đó là một gánh xiếc
Và ta là kẻ đu dây
Một trò biểu diễn mua vui
Xong rồi hết
Thi sĩ, chính là kẻ đu dây với số phận
Có phải tôi ?
Bài số 28
GỞI NGƯỜI BẠN TÌNH BÊN KIA BỜ ĐẠI DƯƠNG
Tôi không phải xa em vì khoảng cách này
Vì em vẫn bên tôi ngày ngày trò chuyện
Em cười nói để lòng tôi đắm say
Em dỗi hờn để từng đêm tôi thao thức
Biết yêu là có khi đau khổ
Một ông nhà thơ xưa nào đã nói : cười nói để lòng tôi đắm say
Em dỗi hờn để từng đêm tôi thao thức
Biết yêu là có khi đau khổ
Một ông nhà thơ xưa nào đã nói :
“Yêu là chết trong lòng một ít”
Nhưng tôi vẫn tình nguyện là con thiêu thân để lao vào lửa
Vì tình yêu là hạnh phúc nồng nàn
Tôi đã yêu như chưa bao giờ
Trong ngày thơ mộng mới lên ngôi
Thời gian qua đó còn không nhớ
Vườn xuân vừa ngất lịm bên trời
Tôi có cùng em dạo bước những con đường
Của một miền thơ ấu rất dễ thương
Em thơ ngây với tà áo trắng
Tình tròn đầy trong con mắt vấn vương
Không thể cùng em về chung một lối
Vì xa nhau là lẽ của cuộc đời
Vì chúng ta không cùng một cõi
Ta mải miết sa trường em phương ấy gia nương
Bể dâu cũng chỉ là dâu bể
Ai sẽ lấp cho đầy tang thương
Ai sẽ cùng ai chuyển xoay số kiếp
Ai sẽ cùng ai trở lại ngày ấy, thiên đường
Nhưng tôi không phải xa em vì khoảng cách này
Không phải vì ta hai cảnh ngộ
Không phải vì ta sẽ không bao giờ được bên cạnh nhau
Không phải vì ta sẽ không được hôn nhau trên thềm ga năm ấy
Ta sẽ vượt qua tất cả, cùng nhau
Sẽ về lại, ngày xưa
Một tháng năm nào
Khi tình yêu ta vẫn còn, như sự sống
Như tình yêu ta vẫn còn, như cuộc đời
Như thời gian vẫn không bao giờ ngừng nghỉ
Bài số 29
KHÚC TÌNH CA ĐÀ LẠT
Tháng mười chúng tôi đi dưới những hàng cây ven hồ
Vì sao đêm ngời sáng trong mắt nàng
Dáng nghiêng người ngọc
Nàng vẫn là cô gái mười sáu tuổi của tôi
Với tình yêu đầu trong vắt như dòng sông quê nhà
Mỗi ngày đi học tôi gặp nàng
Qua ánh mắt
Nhưng tình yêu chúng tôi nồng nàn không gì so sánh được
Tình yêu đã trải dài qua hơn năm mươi năm
Một ngày phục sinh nơi đất khách
Chúng tôi đã vượt qua
Những sông những núi những đồi
Đà Lạt ngày trở về
Nối dài cuộc tình ta
Không bao giờ dứt
Tháng mười ở ngoài kia
Những hàng thông trên đồi reo khúc
Bài hát ngàn năm
Những giọt sương ban mai đem một chút hơi mùa đông
Cho tay trong bàn tay ấm áp
Những con đường dốc xanh
Như đường tình ngút mắt
Của nỗi lòng yêu vô tận
Tôi và em
Đã bước qua cửa thiên đường
Cõi không gian muôn sắc
Có ngày xưa ấy có hôm nay
Tình không bờ bến
Có em ngày đó có hôm nay
Tình say ngất non cao
Đà Lạt của ai hay Đà Lạt của tôi
Không biết Đà Lạt ngày xưa hay Đà Lạt hôm nay
Không biết thời gian còn có nghĩa gì không
Của một cuộc tình vô hạn
Đà Lạt, tình yêu tôi
Đả Lạt, cuộc đời tôi
Bài số 30
BUỔI CHIỀU Ở TU VIỆN
Hàng cây reo
Nắng héo
Chiều tà
Tôi về
Đứng dưới hàng cây
Lòng tôi reo
Ngày heo hút
Tình không cũng là không
Tình có cũng là không
Mây bay
Gió thổi
Buồn vui cũng là không
Người đến rồi đi
Nơi tu viện
Không cũng là không
Người cùng ở với chiều bay lên
Bay lên
Tu viện cùng bay lên
Không