Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009

Nhớ quê: Lễ hội Làng Chuồn

Lễ hội làng Chuồn (An Truyền)


Trong các lễ hội cổ truyền được tổ chức hiện nay ở Thừa Thiên Huế, lễ hội Làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang là một lễ hội còn giữ được nhiều nét văn hóa cổ truyền rất đáng quan tâm tìm hiểu.


Làng Chuồn đã đi vào lịch sử dân tộc, được cả nước biết đến sau sự kiện chày vôi do Ðoàn Trưng, Ðoàn Trực, người Làng Chuồn, dẫn thợ xây Khiêm Lăng, dùng chày vôi làm vũ khí đang đêm vượt núi đồi đánh vào Ðại Nội định lật đổ vua Tự Ðức, đưa Ðinh Ðạo lên ngôi. Cũng ở làng này còn có Thượng thư Bộ Lễ Hồ Ðắc Trung đã bày cho dân làng nghi lễ cúng tế thần Khai canh trong kỳ Thu tế hàng năm được tổ chức trang trọng ở đình làng. Ðây là một đình làng cổ kính, khang trang vào loại đẹp nhất ở Huế, vừa được vinh dự đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa do Bộ VHTT trao tặng tháng 12/1994 vừa qua. Ðình được xây dựng vào thế kỷ XIV.

Theo văn tế làng An Truyền, ba họ tộc đầu tiên có công khai canh làng, được tôn làm Thành hoàng là họ Hồ, Nguyễn, Ðoàn. Ngài Hồ Quảng Lãnh, được dân làng trọng vọng gọi là Hồ Quý Công, sắc phong Nhật báo Trung Hưng Linh Phò Ðoan Quốc Công tôn thần. Một truyền thuyết khác liên hệ đến Thành hoàng làng: trong một buổi sấm sét, có hai vị thiên thần, giáp trụ sáng loáng, mang gươm giáo từ trời bay xuống, cùng nhau đấu chiến trên nò, sáo, dân làng thấy vậy hoảng sợ nhưng chưa dám ra. Một lúc sau, cả hai đều biến mất. Dân làng lập miếu thờ và tin rằng họ đã được hai vị thần bảo trợ.
Lễ Thu Tế của làng gồm 3 ngày: 15, 16 và 17/7 âm lịch. Ngày 17/7 là ngày chính tế. Ngày 15/7 làm lễ trần thiết và cúng rằm, sáng sớm 16/7 làm lễ rước cung nghinh các bài vị Thành Hoàng về Tổ Ðình, sau đó là lễ an vị kế hành túc yết. Ngày 17/7, đúng 2 giờ sáng làm lễ Chánh Tế; 5 giờ sáng làm lễ tiến cung nghinh, cúng bia bạc. Hàng năm các nghi lễ ấy vẫn được dân làng tiến hành một cách trang trọng và nghiêm túc.

Lễ hội Làng Chuồn có những đặc điểm nổi bật so với các lễ Tế ở các nơi khác. Lễ rước cung nghinh ba vị Thành Hoàng thờ ở Miễu giữa đồng (gọi là đồng Miễu) được cử hành rất đẹp mắt và trọng thể. Ðám rước có đủ cờ xí, lỗ bộ, kiệu lọng. Có tất cả 3 kiệu rước, sắp đặt cách xa đều nhau, có âm nhạc véo von nhịp nhàng. Ðặc sắc của đám rước là mỗi năm dân làng lại thay đổi linh vật, hoặc vật thờ cúng được đan bện, trang hoàng kỳ công, khi thì hai chim hạc, khi thì cá hóa rồng, lại có lúc là cả bộ tam sự gồm lư trầm và hai độc bình. Các nghệ nhân tài giỏi trong làng xem công việc trang hoàng cho đám rước là bổn phận thiêng liêng để họ góp công sức, tài năng nghệ thuật, cho nên các linh vật và lễ vật đã được kiến tạo rất công phu và tỉ mỉ.

Gần cuối đám rước, sau đồ lỗ bộ và kiệu là đoàn hát Thài. Thài là điệu hát chỉ dành riêng cho lễ cung nghinh. Ðám hát Thài gồm khoảng 20 người, mặc lễ phục dân tộc. Một vị bô lão xướng một câu thài 4 chữ, đam thài đọc theo, câu này tiếp câu khác, giọng ngân nga, trầm bổng, trang nghiêm. Hát thài trong đám rước cung nghinh ở làng Chuồn là một lễ tục hiếm có còn sót lại trong các đám rước Thành Hoàng ở Thừa Thiên Huế.

Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ: màu của lễ phục cổ truyền, cờ xí đủ cỡ, đủ loại, kiệu lọng thắm tươi, các loại áo lính vàng đỏ, phản chiếu trên mặt nước hai bên bờ đê khi trời vừa hừng sáng. Quãng đường đám rước di chuyển từ Ðồng Miễu đến Ðình làng xa hơn 1 cây số, đủ khoảng không gian thênh thang cho đám rước phô bày vẻ rộn ràng đầy màu sắc. Ðám rước đi thật chậm di chuyển từng bước qua các cổng chào của các thôn xóm trong làng. Trước mỗi cổng kết hoa là bàn hương án nghi ngút khói hương trầm.

Ðám rước đến trước Ðình, pháo nổ tưng bừng chào đón. Ðoàn Tư văn cúi rạp người làm lễ. Trong lễ Chánh tế, bộ phận nghi lễ thi hành đúng quy cách cổ truyền do Thượng thư Hồ Ðắc Trung truyền dạy. Nghi thức nghiêm trang của Khổng giáo đã thâm nhập từ cung đình đến dân gian. Qua ánh sáng lung linh và hương trầm ngào ngạt, bóng dáng rập ràng của những người hành lễ một cách sùng kính cho ta một ấn tượng sâu sắc về sự bảo tồn văn hóa mà ngày thường khó lòng ta được chứng kiến.

Nếu ta hiểu thêm một ít về tình hình kinh tế hiện nay của Làng Chuồn, ta sẽ yêu mến làng hơn. Quanh làng vẫn còn nhiều xóm nhà tranh vách đất. Ðầm An Truyền vẫn nổi tiếng nhiều tôm cá, thế mà mức thu hoạch hiện nay vẫn chưa cao. Nhưng lòng thành tâm đóng góp cho việc tổ chức lễ hội thật đáng biểu dương. An Truyền xứng đáng là một làng văn hóa tiêu biểu. Niềm hãnh diện của dân làng đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc để nâng cao tầm giá trị của một địa phương từng nổi danh trong thời quá khứ vẫn còn sức tác dụng cho đến tận hôm nay thật có lý do chính đáng vậy.

Theo TST Tourist

Không có nhận xét nào: