Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009

Sâm Thương - Đi tìm thời gian đã mất


PHẦN I: THỜI THANH XUÂN


Một tháng sau hiệp ước Munich (1), Nhật bắt đầu cuộc Nam tiến bằng việc chiếm đóng Quảng Châu, cô lập Hồng Kông khỏi đại lục Trung Quốc. Ngày 10.2.1939, bước đầu Nhật tiến chiếm các cứ điểm chiến lược ở biển Đông đảo Hải Nam gần bờ biển Đông Dương thuộc Pháp và quần đảo Sinam, Trường Sa.

Mùa Xuân năm 1939, Đức quốc xã kéo quân đến biên giới Tiệp Khắc, và ngày 13.3 năm đó, xâm nhập vào thủ đô Prague của Tiệp Khắc. Một tháng sau, ngày 7.4, quân đội Ý đánh chiếm lãnh thổ Albanie trong vùng Balcan. Các quốc gia Tây Âu yếu thế, không có phương án đối phó, đành phải quay về một số nước nhược tiểu ở miền đông để thiết lập một “phòng tuyến cuối cùng để bảo vệ hòa bình”. Ngày 13.4.1939, hai chính phủ Anh, Pháp ký với chính phủ Ba Lan một hiệp ước liên minh quân sự. Nhưng ngày 28.4 1939, Đức xóa bỏ Hiệp ước bất xâm phạm với Ba Lan (2), và tuyên bố bãi bỏ luôn cả Hòa ước Anh–Đức (3).

Ngày 25.5.1939, Hitler và Mussolini cùng ký kết một Hiệp ước mang tên Pact of Steel (4) liên minh hai quốc gia Đức -Ý về mọi phương diện. Đức quốc xã bắt đầu uy hiếp Ba Lan và lên tiếng đòi lại hải cảng và eo đất Dantzig ở bên trong lãnh thổ quốc gia này. Chiến Tranh Thế Giới thứ hai đã khởi đầu với những đau thương tang tóc chưa từng có.

Trong khi đó, Việt Nam đang sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, một nước Pháp đang chà đạp các dân tộc thuộc địa và run rẩy trước sức mạnh của bọn Phát-xít Đức đang lớn dậy. Trịnh Công Sơn đã có mặt trên “cõi tạm” này trong một bối cảnh chính trị thế giới và quốc nội như thế đó.

Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại Daklak, cha là Trịnh Xuân Thanh, mẹ là Lê Thị Quỳnh. Thật ra, Daklak không phải quê quán của anh, cha mẹ anh trước đây đều sinh sống tại Thừa Thiên- Huế, gốc làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà. Thân sinh Trịnh Công Sơn là một người yêu nước, không chấp nhận chế độ hà khắc và bạo ngược của thực dân Pháp đối với đồng bào mình, nên đã có những họat động bí mật chống đối nhà cầm quyền Pháp, ủng hộ những lực lượng kháng chiến. Nói đúng, ông không đứng trong hàng ngũ những người Cộng Sản, mà chỉ là một người yêu nước như bao nhiêu người Việt Nam yêu nước khác thời đó. Do luôn bị mật thám của Pháp theo dõi và gây không ít khó khăn, năm 1937, ông đã lặng lẽ đưa vợ vào sinh sống ở Daklak. Ở đây, ông mở cửa hiệu may mặc Kam Tik trên đường Nguyễn Thái Học (nay là đường Điện Biên Phủ), cạnh rạp chiếu bóng Buôn Mê Thuột.

Trịnh Công Sơn không phải là đứa con đầu của cặp vợ chồng trẻ từ Huế vào đây định cư. Sơn có một người anh tên Trịnh Xuân Dương, sinh trước Sơn ba năm tại Huế, nhưng chưa được hai tháng tuổi thì mất. Trịnh Công Sơn nghiễm nhiên trở thành con trai trưởng trong gia đình họ Trịnh (5). Nhưng gia đình Sơn cũng không ở Daklak được lâu, bốn năm sau khi Sơn ra đời thì gia đình quay trở về Huế, ngụ tại Bến Ngự.

Mùa hè năm 1944, sau khi nước Pháp được giải phóng, De Gaulle và nước Pháp tự do phải đối mặt với vấn đề xây dựng một chính sách chung đối với đế chế thuộc địa Pháp trong thời hậu chiến. Chính sách cơ bản của Pháp là muốn hất cẳng quân phiệt Nhật, quay trở lại Đông Dương, tập trung vào việc tạo ra một cơ cấu chính trị, trong đó toàn thể đế chế đều được đại diện, nhưng thực chất quyền kiểm soát chủ yếu vẫn nằm trong tay các chính quyền bảo hộ.

Mùa Thu năm 1945, Trịnh Công Sơn lên sáu, tuổi cắp sách đến trường thì chứng kiến nạn đói năm Ất Dậu, Nhật đầu hàng Pháp và Cách Mạng tháng tám bùng nổ. Sơn theo học trường tiểu học Trần Quốc Toản (Thành Nội, Huế ), nhưng chỉ học ở đây một năm, rồi chuyển về học trường Nam Giao. Thời gian này gia đình Sơn ở Bến Ngự. Qua khỏi cầu Bến Ngự là đường Phan Chu Trinh, đi thẳng là đường Nguyễn Hoàng, nay đổi là đường Phan Bội Châu. Qua đường rầy xe lửa, đi thẳng lên dốc, hẻm đầu tiên bên trái có giếng nước là nhà Sơn. Nay là số 43B Phan Bội Châu, Huế.

Cũng cần nói thêm, cách nhà Sơn không xa, có hai địa điểm rất quan trọng đối với tuổi thơ của Sơn mà thỉnh thoảng Sơn vẫn nói tới trong chỗ thân tình. Địa điểm thứ nhất: quay trở lại cầu Bến Ngự, thay vì đi thẳng đường Nguyễn Hoàng, đến đường Phan Chu Trinh rẽ trái, khoảng 50 mét là đồn Hiến binh Pháp. Nơi đây là chỗ tạm giam những người bị tình nghi có tham gia hoạt động chống đối chính quyền bảo hộ. Hằng đêm, người dân sống quanh khu vực này vẫn thường nghe tiếng la hét, giẫy giụa của những tù nhân bị tra khảo, hỏi cung. Đặc biệt, phía trước bờ rào của đồn Hiến binh có một cây cóc, quanh năm trái xanh trĩu nặng. Không biết có phải vì những trái cốc xanh chọc thèm hay vì một lý do tiềm ẩn nào khác, mà đám trẻ, trong đó có Sơn, mỗi khi đi ngang qua thường tìm cách lấy đá ném vào, cho đến khi bọn Tây trong đồn xách súng ra, cả đám mới chịu bỏ chạy.

Địa điểm thứ hai trên đường Nguyễn Hoàng, qua khỏi đường rầy là một con đường nhỏ dọc theo đường xe lửa. Ngay ngã tư này, bên trái có một cây bàng cổ thụ, thân cây to lớn, tàng lá che cả một khoảng trời. Có những buổi sáng sớm, dân chúng nhốn nháo, tụ tập trước cây bàng đó để chứng kiến những xác người chết, Tây có ta có, bị chém treo ngành, đầu quoặt ngược, với hàng chữ bằng máu viết lớn trên ngực áo hay trên băng vải: “Đây là hình phạt dành cho những tên Việt gian bán nước” hoặc “Tên xâm lăng, cướp nước phải đền tội”. Những hàng chữ và hình ảnh này vẫn luôn gây sự xôn xao chú ý của dân chúng sống quanh vùng, kể cả đám học sinh nhỏ tuổi như Sơn hồi đó. Những lần như thế, trước khi đến trường, Sơn theo chân một vài đứa bạn lén lút theo dõi cảnh tượng đó, rồi tản đi một mình với những suy nghĩ có lẽ chưa được định hình…

Một thực tế khác, trực tiếp tác động đến suy nghĩ và hành động của Sơn, bắt anh phải nhìn thẳng vào sự thật lịch sử. Đó chính là cuộc đời và thân phận nghiệt ngã của thân sinh anh. Theo như lời Sơn kể thì từ 1945 đến 1949, năm năm liền, năm nào thân sinh anh cũng bị bắt giam trong lao Thừa Phủ, Huế mỗi khi tình hình có dấu hiệu biến động. “Thời gian này, tại Huế, mẹ tôi và tôi thay nhau đi thăm nuôi và năm 1949 tôi được vào nhà lao Thừa Phủ ở cùng ba tôi, một năm trước khi cả gia đình cùng kéo nhau vào Sàigòn” (6). Nhìn thấy hình ảnh cha tiều tụy với thân thể đầy những vết đòn roi hiểm ác khi bước ra khỏi cổng nhà tù, anh đã nghẹn ngào ôm chặt lấy cha, lòng đầy đau thương và phẩn hận. Những ấn tượng đó chẳng bao giờ phai nhạt trong ký ức anh. Nó sẽ theo đuổi, bám chặt lấy anh trong cuộc sống cũng như trong sáng tác của anh sau này.

Sơn và thế hệ của anh vẫn còn quá nhỏ để hiểu biết và trách nhiệm về tất cả những biến động lịch sử đang diễn ra trước mắt.

Năm 1949, nói là “cả gia đình kéo nhau vào Sàigòn “, nhưng thực tế, để thuận lợi cho việc khuếch trương buôn bán, thân sinh anh cho mở văn phòng giao dịch ở Sàigòn; ông đưa Sơn, Hà vào trước, những người còn lại năm sau mới vào. Ban đầu, Sơn cùng gia đình ở đường Calmette, Tân Định (nay là Đinh Công Tráng) một thời gian, rồi chuyển đến đường Dypre (một đường nhỏ cắt ngang đường Nguyễn Trãi) và cuối cùng dọn đến đường Parinol (nay là đường Đặng Trần Côn). Vào Sàigòn, Sơn học lớp nhất trường Hưng Đạo, Cống Quỳnh (1949-1950). Lên cấp hai, Sơn chuyển qua chương trình Pháp ở Jean Jacques Rousseau cho đến khi thi xong Brevet (1950-1954).

Khoảng tháng tám 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, cả gia đình Sơn quay về Huế, mở cửa hàng Thanh Tâm ở đường Hàng Bè (Huỳnh Thúc Kháng), sau đó chuyển về số 79 B đường Gia Long (nay là Phan Đăng Lưu ) giao dịch và phân phối phụ tùng xe đạp, xe gắn máy cho các đại lý ở Huế và các vùng phụ cận.

Trở lại Huế, Sơn học ở Lycée Francais một năm, năm sau chuyển qua trường Providence (Thiên Hựu), tốt nghiệp Tú tài 1 (Bac I ) niên khóa 1955-1956. Trường Providence là một trong ba trường tư thục lớn thuộc Giáo hội Thiên Chúa giáo. Thời đó, ở Huế những ai được theo học trường Providence, Pellerin (nam) hay Jeanne D’Arc (nữ ) đều là những gia đình khá giả. Trong thời gian này, Sơn đã bắt đầu tiếp cận với những tác phẩm của Alfred de Musset, Alphonse Daudet , Anatole France, Saint Exupery v.v …

Dù học trường Pháp, được giáo dục theo chương trình Pháp, Sơn và thế hệ anh đều cùng chứng kiến đất nước bị chia cắt, sông Bến Hải làm lằn mức phân ranh Bắc Nam. Một lần nữa, anh và thế hệ của anh chưa phải là những kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng đau thương đó. Bởi anh chưa đủ trí khôn để tìm hiểu lý do tại sao lớp cha anh mình cầm súng bắn vào nhau, coi nhau như thù địch.

Sau hiệp định Genève cuộc chém giết tạm ngưng không lâu, tổng tuyển cử giữa hai miền được ấn định vào năm 1956 bị hủy bỏ, máu lại tiếp tục đổ, xác đồng bào tiếp tục ngã xuống. Sơn và thế hệ của anh lớn lên trong khung cảnh tưởng như thanh bình của chế độ Ngô Đình Diệm. Tất cả đều được nuôi dưỡng, giáo dục tại miền Nam, do chính quyền miền Nam đảm nhận. Chữ giáo dục ở đây tôi dùng theo nghĩa rộng, bao hàm cả hệ thống thông tin, tuyên truyền.

Một sự thật không ai có thể phủ nhận được, đó là chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiếp nhận nửa phần đất bên này trong tay thực dân Pháp do sự dàn xếp của người Mỹ với một xã hội mà trong đó những giá trị cũ đã đỗ vỡ, hủy hoại. Bi đát là miền Nam không tìm thấy một hệ thống lý thuyết nào thay vào chỗ trống. Thật ra, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng đã ý thức được sự thiếu hụt đó và đã nổ lực bù đắp bằng cách xây dựng một học thuyết, nhưng thực chất học thuyết đó chỉ là một sự mô phỏng và vay mượn chủ nghĩa Nhân Vị (Personnalisme) của Emmanuel Mounier (7) .

Thực tế đã cho thấy chủ nghĩa Nhân Vị của chính quyền Diệm không đáp ứng được nhu cầu lịch sử dân tộc, không phù hợp với những biến chuyển chung của nhân loại, bao hàm như một tư tưởng chủ đạo làm nền tảng để quan niệm và tổ chức xã hội. Tuy nhiên, dù dụng tâm chủ yếu của chính quyền Ngô Đình Diệm là muốn rèn luyện cho thế hệ trẻ của mình một tinh thần chống Cộng, nhưng không thể phủ nhận nền giáo dục đó đã góp phần tạo được những ý hướng tốt đẹp như đề cao lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống xâm lăng và lãnh thổ Việt Nam là một dải đất hình chữ S chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, chứ không phải chỉ nửa nước với hình thù kỳ dị như đã được vẽ trên các bản đồ của các căn cứ quân sự Mỹ, hay trong sách giáo khoa bậc tiểu học do chính phủ Hoa Kỳ gửi tặng vào thời kỳ đó.

Dù chỉ đề cao bằng lời nói, những bài học đó cũng có một tác dụng thật vô cùng quan trọng và lâu bền trong tâm hồn những thế hệ trẻ ở miền Nam. Hình ảnh một Nguyễn Huệ, một Hoàng Hoa Thám, một Phan đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Trung Trực v.v… vẫn là hình ảnh chói sáng với gương anh hùng cứu nước.

Suốt thời kỳ đó, Sơn và những người cùng thế hệ với anh đã bị che đậy, bị cấm đoán để không biết gì về cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai mà trong đó những thế hệ cha anh họ tham dự. Họ không biết gì về miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngoài những điều mà chính quyền Ngô Đình Diệm muốn họ biết.

Sơn cũng như nhiều đứa trẻ cùng tuổi khác, đã sống và lớn lên bên sông Hương, núi Ngự. Hằng ngày, nhìn thấy vết tích trên những thành quách cổ kính, cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp, những chuyến đò ngang, những con đường chạy dài thẳng tắp với hai hàng cây long não lá xanh, những chùm phượng vỹ đỏ rực, những tà áo trắng, những chiếc nón lá nghiêng nghiêng ngày ngày cắp sách đến trường, những cơn mưa rả rích kéo dài… Bên tai Sơn vẫn nghe tiếng cầu kinh niệm Phật, tiếng chuông chùa buổi sáng buổi chiều, những câu hò nhịp nhàng từ giữa sông vọng lại càng làm Sơn đắm chìm trong thế giới mơ mộng, khát vọng của riêng mình. Thuở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát ” (8).

Ngày 17.6.1955, thân sinh Sơn đã cùng với ông Lộc Lợi và ông Lê Văn Tông (em trai mẹ Sơn ) mỗi người mỗi xe trên đường đi Quảng Trị- Huế với kế hoạch mở rộng mạng lưới làm ăn. Trong khi ông đang điều khiển chiếc vespa trên đường thì bị một chiếc xe hàng đụng phải và ông đã mất mấy tiếng đồng hồ sau khi được chở đến bệnh viện.

Trước nay, tất cả kinh tế gia đình do cha anh đảm đương. Ông chính là trụ cột của gia đình. Mọi chu cấp cho anh và các em ăn học, một cuộc sống đầy đủ, có thể nói phong lưu hơn phần lớn những người cùng trang lứa với anh, nhất là ở một thành phố nhỏ và trầm lặng như Huế đều do một tay ông sắp xếp. Ngay từ thời đó, gia đình Sơn là gia đình đầu tiên có được một chiếc máy hát đĩa, khi thứ máy móc mới này bắt đầu xuất hiện. Cha mất, đối với Sơn là một biến cố quan trọng. Chính Sơn đã thú nhận:” Thời thơ ấu tôi luôn luôn bị ám ảnh về cái chết. Trong giấc ngủ hằng đêm tôi thường thấy cái chết của ba tôi” ( 9).

Trong thời gian chịu tang cha, Sơn quy y ở chùa Phổ Quang, lấy pháp danh là Nguyên Thọ. Có thể trong nỗi đau mất mát quá lớn Sơn tìm đến Phật Tổ như một sự nương tựa của tâm hồn. Thực ra, đối với Phật giáo, Sơn vốn có duyên nợ. Theo như Sơn cho biết, ngay từ thuở bảy, tám tuổi, Sơn đã có thói quen một mình mang sách vở vào vườn chùa ngồi học, đọc sách, suy nghĩ hoặc tập ngồi chép kinh Phật bằng chữ Hán. Chính tư tưởng Phật giáo đã thấm dần trong máu huyết Sơn, giúp Sơn tiếp cận và thấu hiểu được cái tâm của mình, cái tâm của người, điều khó khăn nhất trong những điều khó khăn nhất của kiếp người.

Hết hè 1956, sau khi tốt nghiệp Tú tài 1 (Bac 1) Sơn một mình vào Sàigòn học ban triết (classe Philo) ở Jean Jacques Rousseau. Từ đây, Sơn có những chuyến đi dài. Sơn không còn ở tuổi mười lăm non trẻ để phải mơ ước làm người lớn. Sơn có thể thực hiện cái mộng “ lãng du trong người, cứ lên đường và đi. Đi để có một khoảng cách với quê nhà, với tình yêu, đi để có một cái gì để lại phía sau. Đi để có những lá thư gửi về, để có thêm những nỗi nhớ nhung, những lời than thở ” (10) .

Sơn có một đặc tính nổi bật, đó là thích “ăn ngon mặc đẹp”. Có lẽ phát xuất từ quan niệm giáo dục của mẹ Sơn, một phụ nữ mang đặc trưng Huế quý phái và đảm đang. Đối với bà, bữa cơm khi được dọn lên bàn, không chỉ ngon, nhiều món mà còn phải đẹp, màu sắc thức ăn phải hài hòa mỹ thuật. Ngay từ năm học lớp mười (troisième) áo quần của Sơn lúc nào cũng thẳng nếp, giày bóng loáng, tóc chải láng mượt. Đi chơi, đi học và ngay cả khi ở nhà, khi ngồi vào bàn ăn đều rất lịch sự, tươm tất. Thói quen đó Sơn vẫn giữ cho đến khi mất. Do đó, những khi ốm đau trên giường bệnh, Sơn không thích ai đến thăm viếng. Sơn không muốn hình ảnh của mình không đẹp trong mắt người khác, nhất là với phụ nữ. Bởi vì đối với Sơn:” Con người đẹp nhất đối với tôi là thiếu nữ, với những vẻ đẹp theo cách nhìn của tôi “ (11). Và “(…) Bởi nó ( nhan sắc-ST ) làm cho con người thấy cuộc đời là đẹp, là đáng tồn tại để ngắm nhìn. Là thật đáng sống bởi vì không thể có một lời hứa hẹn thiên đường nào đòi hỏi con người phải yêu thương hơn nơi đây. Quê hương là em. Các em làm sinh nở cuộc đời. Và từ đó cuộc đời mới biết hát ca” (12).

Ở tuổi mới lớn, Sơn cũng có những mối tình lãng đãng, sương khói, hoàn toàn không có gì cụ thể. Dường như cả thế hệ của Sơn ở Huế đều như vậy, “yêu một mái tóc , một dáng hình, mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui. Có khi đạp xe sau lưng em mà em không biết mình là ai, vẫn thấy vui như thường “ (13).

Về mặt cơ thể, Sơn có một đặc điểm không mấy người biết. Khác với chúng ta, Sơn có đến ba trái thận. Không biết sự khác biệt này có ảnh hưởng gì đến tính cách và năng lực của Sơn? Có lẽ điều này phải nhờ đến những nhà chuyên môn giải thích.

Có một điều trái ngược với suy nghĩ của nhiều người khi bắt gặp hình hài ốm yếu của Sơn sau này. Thời trai trẻ, Sơn có một thân hình rắn chắc, khoẻ mạnh, thích chơi thể thao. Sơn không chỉ luyện tập điền kinh, mà còn học cả Vô Vi Nam đến đai nâu.

Trong chuyến về thăm nhà giữa năm học, một lần Sơn dợt chơi với Hà, em trai kế của Sơn. Hà đã tung một đòn vai, Sơn ngã xuống sàn, cùi chỏ Hà vô tình đập vào ngực Sơn làm vỡ mạch máu phổi. Sơn phải nằm dưỡng bệnh hơn cả năm trời. Đây chính là nguyên nhân chuyển biến cuộc đời Sơn sang một hướng khác. Nói như Nguyễn Du:

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Những ngày tháng trên giường bệnh, Sơn ngấu nghiến đọc Apollinaire, Marcel Pagnol, Jacques Prevert, Rabindranath Tagore, Marcel Proust v.v… trước khi đọc Nietzsche, Nikos Kazantzakis, Albert Camus, Jean Paul Sartre, Heidegger, Merleau Ponti… Sơn đặc biệt yêu thích những tác phẩm của Albert Camus, truyện Kiều của Nguyễn Du và triết lý Phật giáo. Sơn đọc đi đọc lại nhiều lần. Sơn không chỉ tiếp cận với văn học, thi ca mà còn mày mò, tìm hiểu dân ca Việt Nam, âm nhạc của người da đen: blues, gospel v.v…

Sơn từng thổ lộ với một vài người bạn thân thiết của anh: “Khi rời khỏi giừơng bệnh, trong tôi đã có một một niềm đam mê khác –âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trổi dậy” (14).

Trong một bài viết, Trịnh Công Sơn đã khẳng định con đường anh đã đi trong quá khứ: “Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong… Đó là những năm 56-57, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ…”

“Dạo ấy ba tôi mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sàigòn này phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc “xướng ca vô loại”. Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.”

Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở nay tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống” (15).

Vào thời điểm này,Trịnh Công Sơn sắp bước qua tuổi mười chín. Hành trang của anh nặng trĩu trên đôi vai và trong trái tim cả một tuổi thơ đi qua trong chiến tranh. Trước mặt anh, không gian mở rộng dần, cuộc chiến tranh tàn khốc tiếp nối sẽ phủ chụp xuống thân phận của đồng bào anh và của chính anh. Các vấn đề của cuộc sống, của chiến tranh, của con người, của thời đại đan chen vào nhau, tác động giao thoa đã hình thành nơi Trịnh Công Sơn một nhân cách đặc biệt trước khi chính thức nhập cuộc. Anh sẽ sống như thế nào và làm gì để chứng minh sự hiện hữu của mình trước cuộc đời?


Nhân giỗ lần thứ 3 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

1.4.2004


(1) Hội nghị Munich nhóm họp ngày 29.8.1938 giữa Hitler (Đức) , Mussolini (Ý), Neville Chamberlain (Anh) và Edouard Daladier (Pháp ). Hitler cam kết Đức không còn tham vọng xâm chiếm các lãnh thổ khác ở châu Âu.

(2) Ngày 2.6.1934, Đức và Ba Lan ký Hiệp Ước bất xâm phạm.

(3) Ngày 3.9.1938 tại Munich, Hitler và Chamberlain (Thủ Tướng Anh) ký Hòa ước Anh- Đức xác định nguyện vọng của hai dân tộc là không bao giờ muốn tiến hành cuộc chiến tranh với nhau nữa.

(4) Liên minh Đức –Ý tháng 5.1939: Liên minh chặt chẽ về quân sự và kinh tế sản xuất thời chiến.

(5) Kế tiếp Sơn là hai người em trai: Trịnh Quang Hà (1941), Trịnh Xuân Tịnh (1944) và năm người em gái gồm Trịnh Vĩnh Thúy (1947), Trịnh Vĩnh Tâm( 1950), Trịnh Vĩnh Ngân (1952), Trịnh Hồng Diệu (1953 ) và Trịnh Vĩnh Trinh (1956), em gái út.

(6) Nhiều tác giả, Trịnh Công Sơn người hát rong qua nhiều thế hệ, NXB Trẻ 2003 tr.27.

(7) Emmanuel Mounier (1905-1950) nhà triết học và nhà văn Pháp. Sáng lập tạp chí Esprit, cơ quan ngôn luận của chủ nghĩa Nhân Vị (Personnalisme), người đã ảnh hưởng lên Ngô Đình Nhu.

(8,9) Trịnh Công Sơn, Nhạc và Đời, NXB Tổng Hợp Hậu Giang,1992

(10) Trịnh Công Sơn,Trịnh Công Sơn, Tỏ Tình với cuộc sống, Sóng Nhạc, Bộ mới số 1.1999

(11) Trần Hữu Lục, Không nói được trong âm nhạc thì nói trong hội họa, Tuổi Trẻ số 212 (23.10.1990) .

(12) Trịnh Công Sơn, Hồng nhan, Phụ Nữ TP Hồ Chí Minh.Xuân 1993

(13) Trịnh Công Sơn, Bạt, Lời của Hoa Hồng, tập thơ của Trần Hữu Lục, NXB Trẻ, 1998

14) Tư liệu chưa xuất bản.

(15) Trịnh Công Sơn, Sđd, NXB Tổng Hợp Hậu Giang, 1992



Những ngày cuối của Sơn ở cõi tạm
SÂM THƯƠNG



Đến với cuộc đời, Sơn tự giới thiệu:”Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…” Ngay trong lần triễn lãm cuối cùng của Sơn vào tháng 7. 2000 cùng với Đinh Cường và Bửu Chỉ tại Galery Tự Do, Sơn cũng đã xác định lại điều đó một lần nữa.

Trong cuộc chơi này, Sơn vẫn quen nói như vậy, Sơn tham gia 12 bức, nhưng có đến 10 bức Sơn mới vẽ trong vòng một tháng trứơc đó. Đêm nào Sơn cũng vẽ đến sáng mà tưởng chừng như không biết mệt. Ngoài những bức như Người Hát Rong (Troubadour), Cha Con Hát Xẫm (Minstrel- Father and Son), Kiều ca ky (Kieu- minstrel), thì Bóng Thơ (Poetic Shadow), Tự Họa (Self -Portrait), Vòng Phấn Trắng (Narrow Magrin), Cõi Riêng Tư (Reflexion) và Thế Giới Ảo (Reminiscence) trong đó Sơn tự họa chân dung mình bên cạnh cây đàn ở nhiều vị trí khác nhau để khẳng định với mọi người Sơn vẫn là người hát rong .

Người hát rong không cư ngụ một nơi nào cố định, luôn luôn di chuyển. Di chuyển từ miền đất này đến vùng đất khác, từ thị trấn này đến thị trấn khác, và ...từ cõi trần gian này sang thế giới bên kia. Mỗi nơi người hát rong dừng lại, theo Sơn dù lâu hay mau đều là nơi ở trọ “Tôi nay ở trọ trần gian,trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ( Ở Trọ ).Trần gian cũng chỉ là cõi tạm .

Ở một khía cạnh nào đó, Sơn chia sẻ cách nhìn của André Malraux:”La vie ne vaut rien ,mais rien ne vaut une vie “ (Cuộc đời không đáng gì, nhưng không gì đáng bằng cuộc đời). Dù trần gian có là nơi ở trọ thì Sơn cũng đã sống, sống hết mình và yêu thương hết mình dù có đôi lần bị phụ bạc, ruồng bỏ ... Sơn tin hay không có một thế giới sau cõi tạm này? Có thể … Chính Sơn cũng đã nhiều lần khẳng định: "Cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không .Phải đi đến tận cùng hai cõi sống chết để làm tan biến tất ca những giấc mộng đời không thực .”

Sơn có rất nhiều muộn phiền .Không hiểu vì sao Sơn đã ray rứt về sự ra đi, ở lại của cuộc đời, mà như Sơn nói là từ rất sớm. Cho nên “ Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi tuyệt vọng, và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối không nguôi đối với buổi chia lìa cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia sẻ những buồn vui với mọi người

Người hát rong vẫn cứ lên đường. Đi để mà đi chứ không để đến một nơi nào đã định.

Ít nhất, Sơn cũng đã một lần dậm chân bước qua thế giới bên kia. Cái thế giới siêu hình mà có thể Sơn chưa từng biết nhưng đã nhiều lần nói tới, suy tưởng về nó ...

Lần đó, ngày 12.7.1997 Sơn bị sốt, và đường huyết đột ngột tăng cao, có một bác sĩ quen với gia đình được mời đến. Có lẽ chưa có kinh nghiệm với bệnh trạng của Sơn, khi khám thấy đường huyết tăng cao, anh ta đã nhất quyết đề nghị chích insuline. Sơn đã phản ứng không chịu chích, nhưng anh ta vẫn cho là mình đúng, nên đã thuyết phục người nhà phải chích để chữa trị cho Sơn, và đã tiến hành chích trong lúc Sơn đang ngủ. Mấy tiếng đồng hồ sau mũi thuốc, Sơn hoàn toàn rơi vào trạng thái hôn mê. Gia đình và bạn bè đã tức tốc đưa Sơn vào bệnh viện Chợ Rẫy, khu Cấp Cứu Hồi Sức, lầu 2. Cái phòng mà những ai đã lỡ bước vào thì không mấy người quay trở lại với cõi đời. Nhìn Sơn thoi thóp trên giường, giữa những người bệnh nằm la liệt chung quanh, một không khí chết chóc, tuyệt vọng… tôi đã quỵ xuống gần như bất tỉnh. Nhưng với tất cả lòng tự tin và ý chí muốn sống, cộng thêm tình yêu thương của mọi người trên khắp trái đất dành cho Sơn, vốn như một sức mạnh tinh thần đã hỗ trợ Sơn chiến đấu, chống chọi với thần Chết. Có thể Sơn còn quá nhiều dự tính, còn quá nhiều điều chưa kịp bày tỏ với cuộc đời.

Không biết do tình cờ, hay để chuẩn bị tổ chức sinh nhật bé Dao, con gái của Chuyết và Thúy vào ngày 15.7. Các em Sơn đều có mặt ở Việt Nam đông đủ, không thiếu một ai. Đêm đó, ngoài các em, các cháu của Sơn, còn có Phạm Phú Ngọc Trai, Huỳnh Thiện, Phi Long, Hoàng Thiệu Khang, Bùi Huỳnh Anh, Lê Phước Bốn , bác sĩ Thành đều lóng ngóng đứng ngoài cửa phòng cấp cứu cho đến khuya, hồi hộp chờ đợi tin Sơn từng giây từng phút.

Khuya hôm đó trở về nhà, tôi đã suốt đêm không ngủ. Đến 5 giờ sáng, không chịu đựng được nữa, tôi chuẩn bị vào với Sơn. Trước khi đi, ngập ngừng mãi tôi mới nhấc điện thoại lên quay số điện thoại của Chuyết. Khi nghe tiếng cười của Chuyết (chồng Thúy, em gái Sơn) từ đầu dây bên kia, tôi đã hiểu ngay “những cơn gió lành đến từ các thảo nguyên xa xôi mang theo mùi hương cốm ,hương bạc hà của những loài hoa dại đánh thức Sơn dậy và làm hồi sinh những mùa Xuân đang ngủ quên trong các mạch máu của cơ thể Sơn".

Ngay sáng hôm đó, Sơn được chuyển ngay lên lầu 10, phòng 5 và gia đình Sơn cũng thuê thêm một phòng nữa, cách phòng Sơn một hai phòng để luôn túc trực chăm sóc Sơn. Ngày nào cũng hai lần tôi đến bệnh viện với Sơn, mang thư bạn bè khắp nơi, thư viết tay, điện thư cũng c[1 và đọc cho Sơn nghe. Trong những ngày trên giừơng bệnh, Sơn không thể viết trả lời tất cả các thư viết tay, nhưng các thư điện thì tôi ghi nhận ý kiến của Sơn trước khi thay Sơn trả lời.

Đúng một tháng kể từ ngày nhập viện, Sơn đã vững vàng bước ra khỏi cánh cửa của Bệnh viện Chợ Rẫy trứơc sự bỡ ngỡ và vui mừng vô hạn của các em Sơn và bạn bè Sơn như một phép lạ. Tôi nghĩ là phép lạ…hay đúng hơn một sức mạnh thiêng liêng nào đó đã bảo bọc, che chở Sơn.

Tôi còn nhớ buổi chiều chúng tôi đón Sơn ra khỏi bệnh viện, vừa lên xe Sơn đã yêu cầu chúng tôi đưa Sơn đi một vòng khắp thành phố. Tôi nhìn ánh mắt Sơn mở lớn sau cặp kính đang chăm chú với tất cả sự say mê, khi chúng tôi đi qua những con đường, những hàng cây xanh rợp lá, những dãy phố, những ngôi nhà cao tầng, những con hẻm, những gian hàng, quán xá… Tất cả đang cử động, đang sống , khác hoàn toàn với thế giới mà Sơn vừa rời bỏ, một thế giới đang chòi đạp, chiến đấu giữa cái sống và cái chết. Tôi bắt gặp trong đó trong ánh mắt Sơn lóe lên một niềm vui, một lòng ham muốn được sống, nhưng không phải trong đôi mắt bạn tôi không có chút suy tư, nỗi ám ảnh về cái chết.

Có thể là một nghịch lý, Sơn từng bày tôi: "Tôi chỉ biết thời điểm này trong tôi đang thôi thúc thu xếp hành trang cho một cuộc lên đừơng mới. Cũng vẫn là một cuộc chơi như bao cuộc chơi đã trải qua, vẫn đi đến nhưng không hò hẹn. Muốn hội ngộ một sự tình cờ tốt lành hơn nhưng không náo nức”.

Nơi đến sắp tới của Sơn sẽ là đâu? Ở trần gian này hay thế giới bên kia? Thời gian này, Sơn có thói quen dậy thật sớm, đi bộ tập thể dục dọc theo con đường Phạm Ngọc Thạch, đến công viên sau lưng Nhà Thờ Đức Bà. Sơn đi mấy vòng, rồi quay về nhà, có nhiều khi ngủ lại một lát. Ăn sáng xong, Sơn đến văn phòng Hội Am Nhạc, số 8, Trần Quốc Thảo, Quận 3 gặp gỡ bạn bè, người mến mộ hoăc trao đổi công việc.

Buổi sáng khoảng hơn 10 giờ, buổi chiều 5 giờ Sơn thường gọi điện thoại cho tôi và chúng tôi vẫn thường ngồi với nhau ở đâu đó, mà thường là ở nhà hàng Givral hoặc Saigon Center. Suốt hơn nửa năm nay Sơn không hề uống một gịot rượu, mà chỉ uống nước trà. Sơn mà đã uống nước trà thì bạn bè quanh Sơn không ai uống rượu, mặc dù Sơn vẫn khuyến khích anh em uống rượu hoặc tùy thích. Trước đây khi Sơn uống Cutty Sack, bạn bè đều uống Cutty Sack, Sơn đổi qua Chivas Regal thì bạn bè lại theo Sơn uống Chivas Regal. Nói chung Sơn uống thứ gì bạn bè uống thứ đó. Thứ rượu cuối cùng Sơn uống la Black Label. Sơn đã có lần tâm sự:"Trên lối đi dẫn vào cuộc sống tôi đã găp gỡ Tình Yêu và Rượu…Tuy nhiên đã có những ngày tháng dài tôi sống không tình yêu và tôi cũng không có ý định tìm lại nó. Đó là thời gian trắng ,một thứ âm bản của tâm hồn.Không có một nỗi vui buồn nào đang chờ đợi.Không vẫy chào, khôn g từ giã.Thế giới trôi đi và tôi ở lại. Hình như thế. Dù sao đó cũng chỉ là một thứ cảm nhận bâng quơ. Giờ đây tôi đang nói thêm một lời tạm biệt khác. Tạm biệt những ly rượu nồng nàn những sáng, trưa, chiều, tối … “

Sơn đã chịu vào khuôn phép, không biện minh bằng lý luận này hay hay lập luận khác để tiếp tục uống như trước đây. Có thể Sơn đã hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình hơn ai hết. Hơn nữa, Sơn cũng thấy được sự quan tâm chăm sóc của các em và những bạn bè thường xuyên gần gũi đã làm Sơn chùn lại trước những cơn khát rựơu.

Hằng ngày chúng tôi uống trà với nhau như thế cho đến gần 12 giờ mới về nhà để Sơn kịp chích thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Sau đó, ăn cơm chung với gia đình, chuyện trò đến khoảng 1,30 giờ Sơn nghỉ trưa. Buổi chiều ở nhà hoặc ngồi ở Givral hay đâu đó rồi về, hoặc ăn cơm tối ở quán Ba Miền, Tib hoặc Trịnh … Những năm gần đây buổi tối Sơn thường ngủ rất sớm, khoảng 9.30 giờ sau khi theo dõi tin tức, xem phim,đọc sách, hoặc viết một vài trang gì đó. Nhưng Sơn cũng có thói quen điện thoại cho một ai đó trong số những bạn bè gần gũi đến với Sơn, thường thì rất khuya mới chịu chia tay. Đặc biệt không có phụ nữ. Có thể nói mấy năm sau này thật sự Sơn không có tình yêu, không một phụ nữ nào có vị trí trong trái tim Sơn. Sơn đã từng có lần bày tỏ: "Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa".

Suốt mấy tháng trời, không ngày nào Sơn không ngồi ở Givral, hoặc Saigon Center, có ngày đến hai ba lần: sáng, trưa, tối với các em, và những người bạn thường xuyên gần gũi với Sơn .

Báo động đầu tiên về sức khỏe của Sơn ,nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là sáng 26.11.2000, cũng tại nhà hàng Givral. Sơn đang ngồi uống trà, tự nhiên Sơn có phản ứng hơi bất thường, mất trí nhớ đến nỗi không nhận ra Tịnh, em trai mình. Sau đó Sơn được đưa đi bệnh viện chỉnh hình đến buổi chiều thì chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy, Khu Chăm Sóc Đặc Biệt, lầu 10 phòng 7 để điều trị. Nhưng chỉ 9 ngày sau thì sức khỏe của Sơn hồi phục và được xuất viện. Sau khi lấy lại sức khỏe, Sơn tiếp tục cuộc sống bình thường vẫn quanh quẩn giữa các em và bạn bè. Sơn hẹn sẽ chơi bài vào những ngày đầu năm tại nhà Trai, Sơn cũng hứa sẽ đến đạp đất một số nhà của bạn bè thân quen vào dịp Giao Thừa sắp tới.

Nhưng đến trưa 22.1.2001 tức 28 Tết Am Lịch, từ nhà hàng Givral trở về như mọi ngày thì Sơn kêu đau chân. Rồi sau giấc ngủ trưa hôm đó, Sơn cho biết chân càng đau đớn hơn, nhất là những lúc trở mình hay di chuyển thì đau đớn không chịu nỗi. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Sơn nhăn nhó vì đau đớn. Những lần trước dù đã từng bứơc qua Khu Cấp Cứu Hồi Sức nhưng hình như Sơn không có cảm giác đau đớn hay ít ra không biểu hiện sự đau đớn trên nét mặt. Vả lại, Sơn rất ghét ai thương hại mình, nếu kiềm chế được thì nhất định Sơn không để lộ ra bên ngoài.

Có thể nói bắt đầu từ hôm đó, Sơn không tự mình đi đứng được, muốn di chuyển phải nhờ người giúp đỡ. Đôi chân Sơn, đôi chân của Người Hát Rong bây giờ không sử dụng đúng với chức năng của nó. Sơn đã không thể tiếp tục những chuyến đi của mình trên Cõi Tạm này. Đó thật sự cũng là một bi kịch, bi kịch của một Người Hát Rong.

Đôi mắt Sơn chứa dấu một chút gì gần như nỗi chua xót. Có chăng vì thế mà Sơn trượt dài theo căn bệnh của mình? Đến ngày 27.1.2001, tức mồng 4 Tết, Sơn không ăn, và xuống cân rất nhanh, buộc gia đình phải đưa vào bệnh viện để được theo dõi. Vẫn Khu Chăm Sóc Đặc Biệt, lầu 10, phòng 5. Sơn tỏ ra không chịu đầu hàng số phận, vẫn chiến đấu, vẫn chống chỏi. Vì cuộc đời còn đáng yêu quá, đáng sống quá, Sơn không nỡ từ bỏ cái thế giới này dù chỉ là nơi Ở Trọ .

Hằng ngày bên cạnh Sơn thường có các em và bạn bè… đã khích lệ Sơn rất nhiều… Buổi trưa, buổi tối dù bận đến mấy, tôi cũng cố gắng vào bệnh viện để kịp ăn cơm chung với Sơn, ít nhất là một lần trong ngày.

Và tôi cũng không thể không nhắc tới, trong những ngày ở bệnh viện Sơn vẫn nhận được rất nhiều hoa của những người yêu mến Sơn từ khắp nơi gửi đến .Có những bó hoa được hái đâu đó trong vườn nhà, hay ngoài đồng cỏ cột dây vụng về của các em nhỏ. Nhưng đó cũng là những bó hoa Sơn trân quý hơn hết.

Ngày 12.2.2001 tức 16 ngày sau Sơn lại được xuất viện, tuy nhiên chân Sơn không di chuyển được. Theo chẩn đoán, các bác sĩ chuyên khoa cho biết chất sụn giữa các khớp xương đã bị khô và phải giải phẫu mới sớm đi được, nhưng thể lực của Sơn hiện tại không cho phép một cuộc giải phẫu như vậy. Nhìn vẻ ngoài thì sức khỏe của Sơn khá tốt, thỉnh thoảng Sơn kể chuyện tiếu lâm hay đùa cợt một câu gì đó làm dịu nỗi lo lắng của những người chung quanh .

Ngày Tình Yêu ( Valentine’s Day) 14.2 năm nay đối với Sơn có phần khác hơn mọi năm. Sơn không có một phụ nữ nào tăng hoa và Sơn đón nhận nó đúng với ý nghĩa của ngày lễ. Nói một cách khác Sơn không có tình yêu, Sơn chỉ có nỗi cô đơn . Sơn đã cảm thấy "(…) trò chơi tình yêu không còn gì thích thú nữa thì tạm ngừng để chuẩn bị một trò chơi khác .Thí dụ một trò chơi riêng ,trò chơi của một người với chỉ có bóng hình của nó, dửng dưng với tất cả “.

Nhưng Sơn vui hẳn lên trong những ngày chuẩn bị đón mừng Sinh Nhật của Sơn :ngày 24.2 , Chuyết, chồng Thúy từ Canada về ,ngày hôm sau đến phiên Hà, em trai kế của Sơn cũng từ Mỹ về. Mỗi trưa, tối Sơn luôn muốn cùng ngồi ăn chung với các em và một vài người bạn. Lượng đường trong máu của Sơn thời gian này tương đối ổn định, Sơn lên có tới 4 kg, ai cũng nghĩ Sơn đang phục hồi dần. Và Sơn nói rất nhiều về những dự tính của mình. Sơn mơ ứơc xây dựng một công trình mà Sơn đặt tên là Nhà Nguyện Tình Yêu…

Sinh Nhật thứ 62 của Sơn ( 28.2.2001 ) dự định tổ chức một cách đơn giản chỉ gồm những người trong gia đình và một số ít bạn bè theo đề nghị của Sơn. Nhưng hôm đó vẫn có rất nhiều người không được mời vẫn đến, vì không biết tự bao giờ ngày Sinh Nhật của Sơn đã không còn là của riêng Sơn nữa và ngôi nhà ngập đầy những hoa và hoa.

Đôi chân Sơn vẫn đau, không di chuyển được, nhưng khuôn mặt và nụ cười của Sơn rạng rỡ và ấm áp giữa người thân, bạn bè… Thỉnh thoảng Sơn nhăn nhó vì đau ở chân do đổi thế ngồi. Mỗi lần như thế tôi rùng mình theo Sơn, theo cái chân của Người Hát Rong, mà tôi thú thật không biết làm gì… Đơn giản là vì tôi không phải là Thượng Đế, cũng không là bác sĩ . Tôi chỉ thấy cái chân của Sơn đau, và như nhiều người nói, chỉ cần tập trung chữa cái chân của Sơn là đủ. Trong gia đình cũng có dự định xây cho Sơn một cái hồ bơi ngay tại nhà để Sơn tập vận động theo gợi ý của một chuyên gia.

Sau cuộc vui, mọi người ra về, ai cũng nghĩ Sơn đang phục hồi, chỉ còn vấn đề thời gian. Tôi cũng ngây thơ như mọi người, tin rằng điều đó là thật.

Mấy ngày sau, một người bạn gái cũ của Sơn từ Mỹ về. Nội cái tình ấy cũng có thể là một niềm động viên cho Sơn trong những ngày này? Tôi thầm hỏi như thế. Cô chỉ có phép 11 ngày mà hết ba ngày di chuyển. Những ngày còn lại, ngày nào cũng như ngày nào cô vẫn ngồi bên Sơn, im lặng không nói. Bóng cô hắt lên tường giống như bóng của ngừơi Thiếu phụ Nam Xương trong truyện cổ tích. Không hiểu sao tôi có sự liên tưởng lạ lùng như vậy mà cho đến giây phút này tôi cũng không giải thích được.

Bên cạnh Sơn thỉnh thoảng cũng có một vài bóng hồng khác… Sơn yêu quý họ như yêu quý một nhan sắc, nhưng đó không phải là tình yêu. Người phụ nữ Sơn yêu không có thật.

Những ngày kế tiếp, lượng đường trong máu của Sơn có tăng giảm, nhưng không đột biến, chân vẫn đau, muốn di chuyển phải nhờ đến người khác. Đó chính là nỗi phiền muộn đối với Sơn, nhưng vẻ ngoài sức khỏe Sơn vẫn bình thường. Sơn vẫn đọc báo, theo dõi tin tức thời sự hằng ngày trên màn ảnh nhỏ. Sơn tự mình trả lời điện thoại cho bất cứ ai gọi đến: từ một học sinh ở tận Quảng Ninh, một bà bán tạp hóa ở chợ Cà Mau, đến một người bạn ở Mỹ hay một nhà báo ở Paris… Sơn vẫn sống trong tình yêu thương trân quý của các em Sơn, các bạn bè thân thiết và những người yêu mến Sơn ở khắp nơi trong và ngoài nước.

Tôi có cảm giác trong thời gian gần đây hình như trong ánh mắt Sơn đã bớt đi niềm tự tin vốn có và lờ mờ hiểu được rằng tất cả đều do nơi cái chân đau, cái chân không đi được của Sơn. Trước đây không như vậy, Sơn đã từng chạm mặt với Thần Chết, nhưng đau đớn như lần này thì không. Sơn gần như bất lực và phụ thuộc vào người khác, phụ thuộc ngay cả những việc nhỏ nhặt, tầm thường nhất trong cuộc sống hằng ngày đến nỗi Sơn đã phần nào vô tình lỏng buông ý chí muốn sống của mình, cái sức mạnh đã từng giúp Sơn bao lần vượt qua những giây phút hiểm nghèo trong cuộc sống. Sơn bảo: ”Tôi thường rơi vào cơn hôn mê trong giấc ngủ .Ở biên giới đó tôi hốt hoảng thấy mình lơ lững giữa sự sống và cái chết .Những giây phút như thể vồ chụp lấy tô imỗi đêm .Khi quanh tôi mọi người đã yên ngủ (… ) ".

Ngày 24.3 Hồng Nhung đến thăm và tạm biệt Sơn trước khi đi biểu diễn ở Australia. Trong bữa ăn chung hôm đó, Sơn vẫn vui vẻ nói cười. Tôi vẫn nhớ nụ cười của Sơn, nụ cười thật hồn nhiên, phảng phất một nét buồn vừa như một đứa trẻ thơ, vừa như một nhà hiền triết .

Ngày 26.3 Sơn có triệu chứng suy nhược, không ăn được nên gia đình lại đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy, Khu Điều Trị Theo Yêu Cầu, dãy nhà sau, tầng trệt, phòng số 4. Ở đây Sơn được điều trị về tiêu hóa, tiểu đường và khớp đùi phải. Chỉ một hôm sau sức khoẻ và mọi sinh hoạt của Sơn trở lại bình thường. Sơn vui vẻ hưởng ứng đề nghị đi nghỉ tại Vũng Tàu của Phạm Phú Ngọc Trai vào tuần tới sau khi xuất viện .

Trưa 29.3, Huỳnh Thiện có công việc về trước, chỉ có Tịnh và tôi ở lại ăn trưa với Sơn. Tôi đơm cho Sơn một dĩa cơm khá đầy và khuyến khích Sơn. Sơn vui vẻ cố gắng ăn, nhưng vẫn không hết nổi dĩa cơm. An xong như thường lệ chúng tôi vẫn ngồi bên nhau trò chuyện cho đến lúc Sơn nghỉ trưa.

Giữa lúc đó, Trần Mạnh Tuấn vào thăm Sơn, ngồi nói chuyện một lát thì Trần Mạnh Tuấn kêu riêng tôi ra ngoài và nhờ tôi chuyễn Hợp Đồng xuất bản album CD trong đó có 10 ca khúc của Sơn do Tuấn thổi saxo cho Sơn ký, nếu Sơn đồng ý. Tôi hỏi ý kiến Sơn và Sơn đã đặt bút ký sau khi đã xem kỹ. Sau này tôi hiểu đó là hai chữ ký cuối cùng của Sơn trước khi ra đi.

Những ngày trước đó, có nhiều tin đồn đoán, rằng Sơn đã mất , nhưng gia đình muốn giấu. Tôi không hiểu sao có tin đó, mà nếu như sự thật đau lòng đó xảy ra thì liệu gia đình có giấu được không và giấu để làm gì. Tôi đã nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi của bạn bè khắp nơi trên thế giới, những người biết mối quan hệ giữa tôi và Sơn, đã yêu cầu tôi xác nhận về nguồn tin nầy. Thật tâm, cho đến giờ phút đó tôi vẫn có lòng tin Sơn sẽ không có mệnh hệ gì, sẽ vững vàng bước ra khỏi đây như Sơn đã từng trải qua trước đây, sẽ đi nghỉ Vũng Tàu vào tuần tới, rồi còn lời hứa sẽ đi Âu châu theo lời mời của Phạm Văn Đĩnh, vợ chồng Trương Hồng Liêm, vợ chồng Thanh Hải … Tôi khẳng định điều đó với Đinh Cường trong cuộc gọi của anh vào sáng hôm đó, cũng như trong những thư điện mấy ngày trước đó.

Nhưng khoảng 11 giờ đêm hôm đó, bất ngờ Sơn rơi vào tình trạng tiền hôn mê. Sơn được chuyễn từ Khu Điều Trị Theo Yêu Cầu lên lầu 8 đặc trị về Gan. Khoảng gần 3 giờ sáng ngày 30.3 Sơn có tỉnh lại, nhận ra được Trai, Hà, vợ chồng Tịnh Hiếu… và một vài người chung quanh. Đến 5 giờ sáng khi mọi người đã về, còn Tịnh và Hiếu, Sơn tỉnh lại một lần nữa và cho biết là rất đau đớn. Một lát sau, Sơn tiếp tục hôn mê và hơi thở càng lúc càng nặng nhọc. Có thể đó là lời chào tiễn biệt vì ngoài điều đó ra Sơn đâu cần nói thêm điều gì nữa. Sơn đã nói quá nhiều trong các tác phẩm của mình.

Đến gần 8 giờ kết quả cuộc hội chẩn cho biết Sơn bị xơ gan, suy thận, tiểu đường, xuất huyết tiêu hóa, viêm phổi. Tôi không tin ở tai mình, sao mới chỉ mấy ngày mà bệnh ở đâu nhiều thế ?

Sau khi làm xong thủ tục Sơn được chuyễn từ lầu 8 xuống lầu 2 Khu Cấp Cứu Hồi Sức. Nhìn Sơn khuất sau cánh cửa lòng tôi thắt lại. Sơn nằm ở giường số 8, được chạy thận nhân tạo và thường xuyên có bác sĩ, điều dưỡng túc trực bên cạnh. Tuy nhiên sức khỏe của Sơn tiếp tục suy giãm rất nhanh .

Khoảng 7 giờ sáng ngày 1.4.2001, Sơn vẫn tiếp tục hôn mê, tri giác giãm dần .Từ 10 giờ 30. Sơn rơi vào tình trạng hôn mê rất sâu. 11giờ 15 tim Sơn ngừng đập lần thứ nhất, nhưng các bác sĩ đã hết sức cố gắng, giành giật từng phút, từng giây với Thần Chết, nhưng vẫn không đo được huyết áp của Sơn. Đúng 12 giờ 45 sau lần thứ năm, trái tim Sơn hoàn toàn ngưng đập. Khi Sơn thở hơi cuối cùng tôi vẫn ở đó, bên cạnh Sơn, người tôi tê dại, không có chút cảm xúc và cũng không biết có những ai . Tôi không chịu đựng nổi khi nhìn thấy Sơn ra đi, tôi lặng lẽ bước ra, đi quanh một vòng, cũng chẳng biết để làm gì. Tôi cứ đi, cho đến khi tôi trở lại trước phòng Sơn từ lúc nào không biết. Nhìn lên tôi nhìn thấy Trần Mạnh Tuấn, và một người nữa là Tuyết Mai, một người quen thân với gia đình Sơn . Khi đó tôi mới trực nhớ bổn phận của mình, tôi lấy điện thoại ra gọi cho bất cứ ai là bạn bè thân quen với Sơn mà tôi kịp nhớ. Sau đó, tôi không nhớ ai đã phân công tôi về nhà trước chuẩn bị để đưa Sơn, có thể là Tịnh hoặc Trai gì đó. Khoảng một hai tiếng đồng hồ sau, Sơn được đưa về tới nhà, xác Sơn được đặt ngay giữa phòng khách nhà trệt, chưa liệm ngay, đợi các em, các cháu đang trên đường về . Tôi nhớ hôm đó trời mưa tầm tã, kéo dài đến tối. Chung quanh Sơn, ngoài Trịnh Quang Hà, vợ chồng Trịnh Xuân Tịnh, em trai Sơn, Lê Thế Chuyết , em rễ Sơn còn có Phạm Phú Ngọc Trai, Huỳnh Thiện, Phi Long, Bùi Huỳnh Anh, Lê Phước Bốn, Lê Đăng Xu, Bảo Phúc, Trần Mạnh Tuấn, Tương Lai, Nguyễn Quang Sáng…những người lâu nay vẫn gần gũi Sơn, mỗi người một tay làm vệ sinh thân thể và thay áo quần cho Sơn.

Đến 7 giờ tối, thì các em các cháu Sơn mới từ Canada về đến. Chiếc khăn đắp mặt Sơn được giở ra. Những tiếng khóc, than thở vang lên, kéo dài, rồi nghi thức tẫm liệm Sơn được tiến hành. Bắt đầu từ phút giây đó, tôi chỉ thấy loang loáng, những người thân quen , bạn bè và luôn cả những khán giả ngưỡng mộ Sơn lục tục đến, càng lúc càng đông.

Không ai bảo ai, từ đó Phạm Phú Ngọc Trai, Huỳnh Thiện và tôi, ba chúng tôi tự nguyện trở thành những người phụ trách trật tự cho suốt thời gian tang lễ của Sơn. Hôm sau, Cao Lập tình nguyện đưa một nhân viên đến phụ giúp sổ ghi chép. Tôi thật sự không biết bao nhiêu người đến viếng Sơn. Tối đầu tiên, có lẽ do tin Sơn mất chưa được phổ biến, số lượng người đến viếng chưa nhiều, nên chúng tôi cho phát mỗi người hai thẻ nhang cho những người đến viếng Sơn, một để cúng Phật, một để viếng Sơn , có thắp hương vái lạy. Đến sáng hôm sau trở đi, thì chúng tôi chỉ cho phát một thẻ nhang để vái trước linh cửu Sơn; nhưng về sau số lượng càng lúc càng đông, dù đã săp đến 3 hàng dài gần mấy trăm mét trước hẽm nhà Sơn ra tới đường Phạm Ngọc Thạch, thì mỗi người chỉ đi qua cắm nhang trước linh cửu Sơn mà không vái lạy. Nhưng điều đặc biệt, dù phải chờ đợi rất lâu để đến lượt mình viếng Sơn, nhưng đám đông vẫn rất trật tự, hoàn toàn không có một xáo trộn ồn ào nào.

Như vậy là Sơn đã rời nơi Ở Trọ, “ (…) Không muốn bỏ đi, vậy mà cũng có lúc phải bỏ đi. Cái thân phận con người hữu hạn phải đành thôi “để lên đường tiếp tục cuộc hành trình của Người Hát Rong. Sơn sẽ đặt chân đến một nơi nào trong cái thế giới xa xăm mà tôi không biết được, nhưng nơi đó chắc chắn cũng là một nơi Ở Trọ khác của Sơn. Không biết bao lâu Sơn từ giả nơi mình vừa đến để tiếp tục đi nữa, đi mãi. Nhưng tôi tin bất cứ nơi đâu Sơn đến, muôn loài vạn vật ở đó sẽ hạnh phúc, hoan ca bởi Sơn vẫn tiếp tục hiến dâng trọn vẹn trái tim của mình để làm cho thế giới chung quanh trở nên tươi đẹp hơn và có ý nghĩa hơn .

Sâm Thương (9.4.2001)



theo http://vanchuongviet.org

Không có nhận xét nào: