Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 94 – 5.12.2011

941 – Nguyễn Duy Quyết

VẼ BẢN ĐỒ NGHĨA TRANG CAMPUCHIA

Bộ đội về hưu sinh 1949 tại Thái Nguyên. Sống ở Thái Nguyên (2010).

Năm 1967 đi bộ đội vào chiến trường Tây Nguyên rồi chuyển qua mặt trận Bình Long, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang.

Năm 1978 còn được điều qua chiến trường Campuchia. Sau đó xuất ngũ về quê Thái Nguyên.

Nhưng vẫn canh cánh bên lòng nỗi ân hận chưa biết một số đồng đội đã hy sinh mất tích nay không biết mộ chí, hài cốt nằm nơi đâu. Vì thế năm 1997 cùng vài đồng đội trở về chiến trường xưa ở An Giang đi tìm mộ mộ liệt sĩ song không tìm đâu ra dấu tích nữa.

Không nản lòng, từ đó lao vào cuộc tìm kiếm thông tin từ đồng đội cũ, đơn vị cũ để lập nên danh sách liệt sĩ đã quy tập về nghĩa trang (mà người thân chưa biết) lẫn danh sách các liệt sĩ biệt tích. Rồi viết thư báo tin cho gia đình liệt sĩ, từ 400 lá thư đã giúp khoảng 150 gia đình tìm được mộ người thân để đưa về quê nhà.

Trong số này gian nan hơn cả là số liệt sĩ còn nằm lại trên chiến trường Campuchia bây giờ rất khó truy tìm vì thuộc lãnh thổ đất nước bạn lại trải qua thời gian dài cảnh cũ người xưa đều đã đổi khác rồi. Do đó mới có sáng kiến nhớ lại các chi tiết cộng với thông tin góp nhặt từ đồng đội cũ để vẽ nên bản đồ những nghĩa trang nhỏ mà mình hoặc đơn vị cũ từng lập tạm trên đất bạn để chôn cất liệt sĩ chờ ngày hòa bình sẽ lo liệu đem về quê hương.

Chính nhờ những tấm bản đồ vẽ theo trí nhớ đó mà mình cùng Tỉnh đội An Giang đã qua Campuchia tìm được nhiều mộ liệt sĩ “tha hương” quy tập về VN.

Vậy nhưng mộ – hay hài cốt – của anh ruột mình hy sinh năm 1972 đến nay vẫn bặt vô âm tín. Cho nên “Tôi vẫn đi tiếp, còn gia đình đồng đội nhờ tôi còn đi.”

942 - Nguyễn Đình Quốc

ANH HÙNG “TÀU KHÔNG SỐ” BỊ KHAI TRỪ ĐẢNG

Cựu sĩ quan hải quân sinh khoảng 1944 tại miền Bắc. Sống ở miền Bắc (2011).

Gia nhập hải quân năm 1964, được phân công tham gia chỉ huy những “chuyến tàu không số” bí mật vận chuyển vũ khí từ Hải Phòng vào miền Nam đánh Mỹ.

Năm 1966 lên lon thiếu úy làm thuyền phó một chuyến tàu như vậy bị địch phát hiện vây bắt đưa về giam giữ tra tấn moi tin tức.

Năm 1973 được trả tù binh. Nhưng trở về bị tình nghi trong thời gian bị bắt đã đầu hàng địch, khai báo tổ chức, thậm chí còn có tin đồn đã phát loa kêu gọi đồng đội ra đầu thú! Vì thế bị hạ tầng công tác, cắt chế độ đồng thời khai trừ Đảng luôn.

Nhưng vẫn kêu oan mình không hề là kẻ phản bội, không chấp nhận lãnh án oan nên đã liên tục làm đơn khiếu nại khắp nơi, lên các cấp buộc tổ chức phải tiến hành xác minh nghiêm túc.

Đến năm 1982 mới được tổ chức chính thức giải oan, khôi phục Đảng tịch cùng mọi chế độ xứng đáng.

943 - Nguyễn Đình Thường

MỞ ĐẦU GIÁM ĐỊNH ADN TÌM TÊN LIỆT SĨ

Cán bộ về hưu sống ở Hà Nội (2008).

Có em trai liệt sĩ hy sinh mất tích năm 1971 trên chiến trường Quảng Trị.

Sau hòa bình đã bỏ ra 38 năm đi tìm thông tin về mộ chí hoặc hài cốt em khắp các chiến trường miền Nam.

Ban đầu không đạt kết quả gì nhưng vẫn không nản lòng, tiếp tục hành trình truy tìm tông tích em. Đến năm 1992 qua các cựu chiến binh đồng đội cũ của em mới biết đôi chút tin tức em đã bỏ mình trên đất Lào nên nhờ Tỉnh đội Quảng Trị giúp đỡ qua tận nơi để tìm kiếm song thời gian đã lâu nên không còn dấu vết gì.

Trở về, lại đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị vào tới Nghệ An dò la hy vọng có thể hài cốt em đã được quy tập về đây. Trải qua 3 năm nữa vẫn vô vọng.

Quay qua nhờ nhà ngoại cảm “nhập hồn tìm hồn” thì được cho biết hài cốt em không còn nữa!

Dù vậy vẫn không nỡ bỏ cuộc mà lặn lội vào lại Quảng Trị – nơi đơn vị của em đóng quân ngày xưa – xin được xem các tài liệu “mật”. Từ đó cuối năm 1995 tìm được 10 bản sơ đồ mộ chí liệt sĩ qua đó phối hợp thông tin thu thập lâu nay tập trung nghiên cứu thấy có 3 mộ liệt sĩ vô danh đã quy tập về Nghĩa trang Đường 9 có dấu hiệu liên quan trong đó có thể có mộ em mình.

Nhưng nghi là nghi vậy thôi chứ bấy giờ không có cách gì xác định được đâu là mộ – hài cốt em. Nên đành đem các bản sơ đồ mộ đó đặt lên… bàn thờ cúng bái cùng di ảnh và di vật của em!

Đến năm 2007 biết VN bắt đầu cho ứng dụng thử nghiệm kỹ thuật xét nghiệm ADN đối với con người nên nảy sinh ý nhờ phương pháp này để “khảo sát” hài cốt trong 3 mộ kia xem có thi hài em mình không.

Thế là tìm cách quan hệ, vận động các cơ quan liên hệ nhờ giúp đỡ làm việc này. Một việc rất khó khăn vì vào thời đó kỹ thuật xét nghiệm ADN chưa phổ biến do tính chất phức tạp, công nghệ mới mất nhiều thời gian và chi phí cao nên mới chỉ sử dụng bước đầu trong phạm vi nghiên cứu ngành khoa học, công an, quân đội.

May mắn cuối cùng cũng được thông cảm hỗ trợ giúp khai quật 3 ngôi mộ lấy mẫu xét nghiệm (răng hoặc một mẩu xương) cho Viện Công nghệ sinh học xét nghiệm. Kết quả tìm được hài cốt em ở một trong 3 ngôi mộ trên.

Kể từ đó dần dần kỹ thuật test ADN mới được áp dụng rộng rãi hơn cho việc xác định trả lại tên cho liệt sĩ không còn vô danh nữa.

944 - Nguyễn Đình Vân

NHỮNG LÁ THƯ TÌNH GIẤU ĐẦU GIƯỜNG

Thương binh sinh 1957 tại Hải Dương – Mất 2010 ở Phú Thọ (54 tuổi).

Vào bộ đội năm 1974 kịp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhưng đến các trận đánh cuối cùng thì bị thông báo mất tích trên chiến trường.

Mãi một thời gian sau gia đình mới biết đương sự bị thương nặng đưa vào bệnh viện điều trị. Kết quả thương tật 80%, liệt nửa người, đi đại tiện tiểu tiện đều qua ống thông từ bụng.

Sau thời gian nằm viện được cho ngồi xe lăn về quê cho gia đình chăm sóc.

Ở quê gặp cô gái bạn của em gái mình mới đem lòng thầm yêu trộm nhớ song mặc cảm mình bệnh tật nên không dám nói thành lời, chỉ âm thầm viết nhiều lá thư tỏ tình giãi bày tâm sự không dám gửi đi mà giấu ở đầu giường.

Người em gái tình cờ bắt gặp mới lấy đem cho cô bạn “đối tượng” đọc. Ai ngờ cô bạn đọc xong xúc động cảm thương tới chỗ… chấp nhận tình yêu của người thương binh tàn phế nặng vì “Chiến tranh lấy đi của anh ấy đôi chân nhưng tình cảm của anh ấy thì không ai lấy đi được”.

Từ đó năm cô 1988 kiên quyết làm lễ cưới nhận anh làm chồng bất chấp mọi lời can ngăn dù biết chắc anh không còn khả năng làm chồng nữa bởi anh cần “tình thương mà những người như tôi phải bù đắp”.

Để tiện việc chăm lo cho chồng, đã đưa chồng về quê mình ở Phú Thọ. Trong hơn 20 năm tiếp đó người vợ trẻ đã làm lụng vất vả để nuôi chồng bệnh “thường trực vào viện” vừa lo kiếm sống độ nhật.

Nhờ đó bản thân người thương binh thừa chết thiếu sống ngày nào cũng được hưởng hạnh phúc đầm ấm 21 năm, một niềm hạnh phúc gia đình cứ xem như trọn vẹn đi với người vợ tần tảo đảm đang và người cháu mà mình nhận làm con nuôi.

945 - Nguyễn Đức Tẹo

BỆNH SA RUỘT BẨM SINH

Thường dân sinh 1954 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2007).

Bộ đội đánh Mỹ ở Tây Nguyên xuất ngũ về quê làm nông mới biết bị nhiễm CĐDC.

Vì thế sinh được 3 con đều lĩnh hậu quả di chứng bị câm điếc và đều mắc bệnh lạ là bệnh sa ruột bẩm sinh không chữa nổi mà cũng không có tiền để chạy chữa.

Cả nhà làm ruộng không đủ để nuôi con bệnh phải xoay xở qua làm thêm hàng mã song nghèo vẫn hoàn nghèo.

Khổ cực vừa chạy thuốc cho con vừa ăn uống kham khổ khiến mới hơn 50 tuổi mà người gầy quắt cân nặng chỉ 37kg!

946 – Nguyễn Gia Kiểng

TẬP HỢP DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN

Trí thức Việt kiều Pháp sinh 1942 tại Thái Bình. Sống ở Pháp (2011).

Gia đình theo Quốc Dân Đảng nên thời Pháp từng bị cả Pháp lẫn cộng sản đàn áp.

Di cư vào Nam 1954 sống cũng không yên lại bị chế độ Ngô Đình Diệm nghi ngờ theo dõi khiến gia đình phải bỏ lên Pleiku trốn tránh. Rồi tìm cách đưa con đi du học Pháp.

Tại Pháp trở thành lãnh tụ tổ chức sinh viên không theo cộng sản.

Tốt nghiệp làm kỹ sư tại Pháp và học thêm cao học kinh tế.

Năm 1973 quyết định về nước làm chuyên viên ngành ngân hàng và dạy ĐH Minh Đức ở Sài Gòn. Sau đó được mời làm phụ tá Bộ trưởng Kinh tế thời Nguyễn Văn Thiệu.

Sau 1975 là công chức cao cấp nên đương nhiên đi cải tạo song chỉ 3 năm cho về gặp thời Võ Văn Kiệt khá cở mở nên được nhận vào làm chuyên viên kinh tế chuẩn bị cho thời kỳ Đổi Mới.

Năm 1982 nhờ mối quan hệ trước ở Pháp nên được bạn bè bên đó vận động bảo lãnh đi Pháp.

Lần thứ hai quay lại Pháp làm kỹ sư rồi chuyển qua doanh nghiệp. Trong thời gian này đã góp phần thành lập xây dựng tổ chức chính trị Tập hợp Đa nguyên Dân chủ quy tụ nhiều quan chức, sĩ quan chế độ cũ từng ở lại hoặc đi cải tạo rồi trở về được cho ra nước ngoài, sau này còn thêm một số trí thức kể cả đảng viên trong nước tham gia.

Tổ chức này chủ trương tranh đấu “không bạo lực” chỉ nghiêng về lý luận chính trị theo tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc. Tập trung ý hướng khuyến khích VN chấp nhận chế độ dân chủ và đa nguyên với diễn đàn chính là nguyệt san “Thông luận” (có cả trên mạng) gây tiếng vang đáng kể nên còn được gọi là nhóm “Thông luận”.

Song song bản thân còn viết cuốn “Tổ quốc ăn năn”.

Năm 2005 về hưu. Bấy giờ mới rảnh rang phát triển tổ chức chính trị Tập hợp Đa nguyên Dân chủ kể trên, nhận chức thường trực tổ chức.

Tất nhiên không được chính quyền cộng sản VN bằng lòng mà ngay cả phe phái chống Cộng cực đoan hải ngoại cũng chống đối cho là “lý thuyết suông”, “thỏa hiệp”, “hoà hoãn”, “phản bội”. Vì thế năm 1990 khi đến Hà Lan diễn thuyết về quan điểm này đã bị đón… đánh bị thương!

947 – Nguyễn Hiền

NHẠC SĨ “PHỤC QUỐC”?

Nhạc sĩ sinh 1927 tại Hà Nội – Mất 2005 ở Mỹ (79 tuổi).

Năm 1954 di cư vào Nam.

Hoạt động âm nhạc, nổi tiếng với ca khúc “Anh cho em mùa xuân” phổ thơ Kim Tuấn, thêm các bài “Xuân vui ca”, “Hoa bướm ngày xưa”…

Song song đó còn hợp tác phụ trách nhạc cho nhiều cơ quan chống Cộng cộm cán của chính phủ VNCH như Bộ Thông Tin, Chiêu hồi, Xây dựng nông thôn, Phụ tá giám đốc đài truyền hình.

Vì thế sau 75, năm 1978 bị bắt tình nghi tội tham gia tổ chức “phục quốc”. Chắc là không phải bởi chỉ 2 năm sau thì được thả ra.

Năm 1988 được bảo lãnh đi Mỹ diện đoàn tụ gia đình.

Tại Mỹ tiếp tục hoạt động âm nhạc thuần túy, lập một ban nhạc chơi cho các quán ba, nhà hàng ở khu “Sài Gòn nhỏ”.

Mất bệnh ung thư phổi.

948 – Nguyễn Hồng Ngọc

VỢ CHỒNG TRẺ “DA CAM”

Thợ bạc sinh 1987 tại An Giang. Sống ở An Giang (2011).

Cha là bộ đội trên chiến trường miền Đông 10 năm nên bị nhiễm CĐDC. Vì thế khi mình sinh ra (con thứ ba cũng là con út) cơ thể nhỏ xíu “như con cá lóc”. Nuôi hoài không lớn, đúng hơn là lớn chậm thân hình chỉ bằng một nửa các bạn cùng tuổi khác (24 tuổi cao 1,27m).

Nhưng vẫn đòi đi học buộc cha phải đóng cho riêng mình bộ bàn ghế học trò thấp lè tè thì con mới ngồi học được. Vào lớp khi nào ngồi lâu thấy mỏi rần cả người thì thầy cô cho phép được… nằm học!

Dù vậy vẫn cố gắng học tốt nghiệp lớp 9. Hiểu mình khó lòng học tiếp được nên tự xin cha cho đi học nghề mong có thể kiếm kế sinh nhai tự lo thân mình. Học nghề thợ bạc xong ra nghề làm ở thị xã Long Xuyên cũng đủ sống.

Đã trưởng thành rồi nên bắt đầu biết… yêu! Tất nhiên phải nhắm đối tượng phù hợp, may sao gặp được người yêu mà dường như định mệnh đã sắp đặt sẵn là một cô gái cũng bị di chứng CĐDC nhưng nhẹ hơn từ huyện lên thị xã phụ dì bán tạp hóa. Đặc biệt tên tuổi cũng gần giống nhau mới lạ – Nguyễn Hồng Cẩm! Chỉ có điểm nhỏ khác nhau là nàng… cao hơn 0,08m.

Thế là vào giữa năm 2011 đám cưới được cử hành trang trọng, vui vẻ với đầy đủ nghi lễ như muôn vàn đám cưới khác được bà con hai họ chúc mừng rôm rả.

949 - Nguyễn Hồng Tâm

NGƯỜI DÁM KHÔI PHỤC PHAN THANH GIẢN

Cán bộ về hưu sinh 1946 tại Vĩnh Long. Sống ở Vĩnh Long (2009).

Xuất thân chăn bò ham học, lớn lên theo cộng sản đánh Mỹ. Từng là lính đặc công (bí danh “Tám Tâm”) đánh vào Sài Gòn.

Sau giải phóng miền Nam còn được điều qua chiến trường Campuchia. Cuối cùng chuyển ngành từ năm 1984 về làm cán bộ văn hóa thông tin ở thị xã Vĩnh Long.

Vốn ham học nên trước sau như một luôn một lòng sống theo nghĩa lý tôn sư trọng đạo không kể thuộc phe phái nào. Từ đó đã có những việc làm thể hiện lòng biết ơn với các bậc tiên sư từng có công lao khai hóa, giáo dục đặc biệt ở quê hương Vĩnh Long bất chấp quan điểm chính trị thời đó chưa chấp nhận (mà lẽ ra là một cán bộ VHTT mình nắm rõ hơn ai hết).

Cụ thể là về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản trước đây bị phê phán “phản quốc”, “bán nước cầu vinh” cho giặc Pháp. Vậy mà năm 1986 đã “vận dụng” biến một buổi họp kiểu “Mặt trận” ở thị xã thành… lễ giỗ cụ Phan!

Cùng với cách làm kiểu “đặc công” như vậy, trước đó một năm không xin phép ai mà vẫn bí mật tiến hành phục hồi lại nguyên trạng cái cổng cũ của Văn Thánh Miếu nơi xưa thờ cụ Phan Thanh Giản và các bậc tiên hiền Nam Bộ đến sau 1975 đã bị xóa sổ làm Nhà Truyền thống Thị xã. Công việc được thực hiện vào đúng giấc trưa nhân khi lãnh đạo về nhà nghỉ trưa, làm gấp chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ là xong. Khi cấp trên biết được thì đã… muộn rồi!

May mà được… cho qua, có lẽ một phần thời này đã bắt đầu không khí Đổi Mới, phần khác cũng có thể cấp trên không muốn làm lớn chuyện ồn ào mất uy tín. Hơn nữa dù sao người cầm đầu cũng là dân cách mạng gộc!

Quả là đến năm 1991 địa điểm trên được công nhận là Di tích Quốc gia với tên gọi chính thức là tên cũ Văn Thánh Miếu. Cũng như sau đó Phan Thanh Giản được khôi phục vị trí đúng đắn trong lịch sử là một vị quan yêu nước triều Nguyễn.

Không chỉ thế, tay đặc công cũ còn tự mình vận động bà con và cả tự mình đóng cừ đóng cột xây nên một ngôi miếu nhỏ đặt tên Ân Sư Từ (Miếu nhớ ơn thầy) ở trên một cù lao (nay thuộc vùng du lịch sinh thái Bình Hòa Phước) rộng khoảng 10m2 nhằm thờ cúng 20 vị thầy đầu tiên đến dạy học trên đất Vĩnh Long từ thời Pháp thuộc. Miếu xây trên nền cũ ngôi trường làng đầu tiên lập năm 1919 ở vùng đất hoang sơ hẻo lánh này, phía trước là dòng sông Tiền cuộn sóng.

Trong miếu có cả tranh ký họa chân dung các thầy vẽ trên gạch tàu đem nung. Trước cửa là 2 câu đối chữ quốc ngữ mang hồn Nam Bộ “Thầy cô cũ qua rồi, lời dặn dò vẫn còn văng vẳng/ Nền trường xưa còn đó, tuổi ngây thơ sống dậy ngậm ngùi.”

950 – Nguyễn Hưng Quốc

THẾ HỆ MỚI CŨNG VƯỢT BIÊN

Nhà lý luận phê bình Việt kiều Uc tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn sinh 1957 tại Quảng Nam. Sống ở Uùc (2011).

Sinh ra ở miền Nam, trưởng thành trong chế độ mới cộng sản với lý lịch tốt đã được đào tạo bài bản: Tốt nghiệp khoa văn ĐH Sư phạm TPHCM.

Nhưng sau vài năm đi dạy học đến năm 1985 lại vượt biên đến Pháp.

Tại đây, bắt đầu viết lý luận phê bình văn học VN trên các báo hải ngoại, từ đó in 3 tác phẩm đầu tiên ở Pháp và Mỹ: “Tìm hiểu nghệ thuật thơ VN” 1988, “Nghĩ về thơ” 1989, “Văn học VN dưới chế độ cộng sản” năm 1991. Cũng năm 1991 chuyển qua Uc định cư, tham gia ban biên tập tạp chí điện tử Tiền Vệ.

Ở Úc, học tiếp đại học lấy bằng tiến sĩ văn học. Được mời dạy đại học chuyên về văn học VN (sau kiêm chủ nhiệm ban).

Đồng thời tiếp tục viết lý luận phê bình văn học VN chú trọng mảng văn học VN cận đại - hiện đại và cả những vấn đề thời sự văn học, văn hóa VN. Qua đó được đánh giá là cây bút lý luận phê bình văn học VN theo xu hướng chống Cộng có giá trị, uy tín nổi bật nhất hiện nay với một loạt tác phẩm “Văn học VN từ điểm nhìn hậu hiện đại” 2000, “Thơ “Con cóc” và những vấn đề khác” 2006, “Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học” 2007, “Socialism Realism in Vietnamese Literature” (Hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học VN) 2008...

Nhưng chỉ chống Cộng trên bình diện văn học – văn hóa chứ hoàn toàn không tham gia, quan hệ gì đến các hoạt động chính trị chống đối chế độ Cộng sản VN.

Tuy vậy năm 2005 được trường đại học cử dẫn đầu một đoàn sinh viên về TPHCM tham quan thực tập dù đã được Tòa Đại sứ VN tại Uc cấp chiếu khán song xuống sân bay đã bị giữ lại không cho nhập cảnh rồi trục xuất về lại Uc!

Năm 2009 lần thứ hai được tổ chức quốc tế mời qua Hà Nội dự một cuộc hội thảo văn hóa cũng bị ách lại tại sân bay Nội Bài buộc bay về lại Úc!

Dù vậy vẫn hứa lần sau có dịp vẫn về, chấp nhận có thể bị “đuổi lui” lần nữa, lý do đơn giản vì “VN là đất nước quê hương tôi… Tôi không hoạt động chính trị gì, không dính líu tổ chức chính trị nào, chỉ là nhà trí thức, nhà phê bình văn học… Tôi có lên tiếng phê phán chuyện này chuyện kia thì cũng từ góc độ nhà trí thức với thiện chí làm thế nào để đất nước mình, văn học mình, văn hóa mình mỗi ngày một tốt hơn thôi…”

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky94

Không có nhận xét nào: