Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Trần Ngọc Bảo: SỢ VÀ ĐAU

Thiền sư Ajahn Brahm
 
 
SỢ VÀ ĐAU

Sợ và đau
Sợ là thành phần chính của cái đau. Nó làm cho cái đau trở thành bức bối. Buông bỏ được cái sợ thì chỉ còn cảm giác đau mà thôi.
Vào cuối thập niên 1970, khi đang sống trong một tu viện trong rừng ở một vùng xa xôi hẻo lánh miền đông bắc Thái Lan tôi bị đau răng. Ở đó chẳng có nha sĩ, chẳng có điện thoại, và cũng chẳng có điện. Chúng tôi chẳng hề có lấy một viên aspirin hay tylenol trong tủ thuốc. Đã làm thầy tu trong rừng thì phải chịu đựng thôi.
Vào khuya hôm đó, dường như bệnh tật thường trở nặng vào giờ ấy, cơn đau răng trở nên càng lúc càng khó chịu. Tôi tự đánh giá mình là một ông thầy tu khá vững vàng rồi, ấy thế mà cơn đau ấy đã thử thách trình độ tu hành của tôi. Một bên miệng của tôi cứng ngắc vì đau. Từ trước tới nay tôi chưa từng có một cơn đau nào ghê gớm như thế. Tôi cố thoát khỏi cái đau bằng cách chú tâm vào hơi thở. Tôi đã học cách tập trung vào hơi thở khi bị muỗi đốt; thỉnh thoảng tôi đếm có tới bốn mươi con đậu trên thân tôi cùng một lúc, và tôi đã vượt qua cảm giác bị đốt bằng cách chú tâm vào hơi thở. Nhưng cơn đau răng ấy quả là hết sức đặc biệt. Trong tâm tôi đã cảm nhận được hơi thở ra vào nhưng chỉ được hai ba giây, rồi cơn đau đột nhập vào mặc dầu tôi đã cố đóng cánh cửa tâm, và rồi nó bùng lên với một sức mạnh khủng khiếp.
Tôi đứng dậy, bước ra ngoài đi thiền hành. Nhưng rồi tôi cũng bỏ cuộc. Tôi không “đi” thiền được mà “chạy” thiền thì đúng hơn. Tôi không thể nào bước chậm rãi được. Cơn đau điều khiển tôi: nó đẩy tôi chạy. Nhưng chẳng có nơi nào để mà chạy đến cả. Tôi chỉ còn biết là mình đang đau. Đau như điên như dại.
Tôi chạy về lại thất, ngồi xuống và bắt đầu tụng kinh. Tôi thường nghe nói là việc tụng kinh có năng lực kỳ diệu. Kinh Phật có thể đem lại điều lành, xua đi ác thú và chữa lành bệnh tật – đại loại là thế. Nhưng tôi không tin. Tôi đã được đào tạo để trở thành nhà khoa học kia mà. Những khả năng mầu nhiệm đó đối với tôi chỉ là trò huyền hoặc dành cho những người dễ tin mà thôi. Nhưng tôi cũng bắt đầu tụng, hy vọng một cách mơ hồ là sẽ có hiệu quả. Nhưng cuối cùng tôi cũng tuyệt vọng và bỏ cuộc vì tôi thấy mình không phải đang tụng kinh mà đang hét kinh thì có. Lúc đó đã khuya rồi nên tôi sợ tôi sẽ đánh thức mấy thầy khác vì kiểu tụng kinh bất thường ấy. Với kiểu tụng như la như hét ấy thì tôi có thể sẽ làm cho cả làng ở cách xa hàng mấy ki-lô-mét thức dậy hết. Cơn đau nhức làm cho tôi không thể nào tụng một cách bình thường được.
Khi ấy tôi hoàn toàn cô độc, cách xa quê nhà hàng ngàn dặm, trong một khu rừng sâu, chẳng có chút tiện nghi, mà lại chịu một cơn đau khủng khiếp không có lối thoát. Tôi đã cố gắng bằng mọi cách mà tôi biết, ấy thế mà không chịu nổi. Tình trạng là như thế.
Giây phút tuyệt vọng như vậy khai mở cánh cửa vào tuệ giác, cánh cửa mà bình thường không hề thấy. Một cánh cửa như thế đã mở cho tôi và tôi bước vào. Thành thật mà nói là tôi chẳng còn lựa chọn nào khác.
Tôi nhớ có hai chữ ngắn ngủi mà thôi : “Buông bỏ” . Tôi đã được nghe những chữ ấy nhiều lần. Tôi cũng đã thảo luận với bạn bè về ý nghĩa của hai từ ấy và tôi cho rằng tôi đã hiểu được: đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Tôi đã sẵn sàng thử hết mọi cách, thế cho nên bây giờ tôi chỉ còn một cách là thử buông bỏ một trăm phần trăm. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thật sự buông bỏ.
Những gì xảy ra kế tiếp làm tôi chấn động mạnh. Cơn đau khủng khiếp ấy biến mất ngay lập tức. Thay vào đó là một niềm vui sướng vô bờ. Từng đợt sóng hạnh phúc dâng trào trong người tôi. Tâm trí tôi chìm vào một trạng thái bình yên sâu lắng, khỏe khoắn. Tôi thiền định một cách dễ dàng, không cần một chút gắng sức. Sau khi ngồi thiền cho đến sáng sớm, tôi nằm xuống nghỉ ngơi một lát. Tôi ngủ thật sâu, thật ngon lành. Khi thức dậy vừa kịp để làm những việc thường ngày của một tu sĩ, tôi nhận ra là mình bị đau răng. Nhưng không gì có thể sánh với tối hôm qua.

 
Buông bỏ sợ hãi

Trong câu chuyện ấy, tôi đã buông bỏ cái sợ đau. Tôi chào đón cơn đau và ôm ấp nó, cho phép nó ở cùng với tôi. Đấy là lý do vì sao nó bỏ đi.
Nhiều bạn bè của tôi trong khi đau cũng đã thử cách này nhưng không có hiệu quả. Họ đến bảo tôi rằng cơn đau răng của tôi chẳng thấm gì so với cơn đau của họ. Điều đó không đúng. Vì cơn đau mỗi người đều cảm thấy nhưng không làm sao đo đạc được. Tôi giải thích cho họ vì sao buông bỏ không có kết quả qua câu chuyện của ba người đệ tử của tôi.

Người đệ tử thứ nhất, khi đau, đã thử buông bỏ bằng cách như sau:
“Buông đi,” sư chú nói một cách nhẹ nhàng, và chờ đợi.
“Buông!” chú lặp lại và chẳng thấy điều gì xảy ra cả.
“Hãy buông đi!”
“Nào nào, hãy buông bỏ.”
“Tôi ra lệnh: Hãy buông bỏ!”
“BUÔNG BỎ!”
Chúng ta có thể thấy điều này là buồn cười, nhưng đó lại là điều mà ai cũng thường làm. Chúng ta buông bỏ không đúng cái cần buông. Chúng ta nên buông bỏ cái người ra lệnh buông ấy đi. Chúng ta nên buông bỏ cái con người “điều khiển” kỳ quặc trong chính chúng ta, mà ai cũng biết người đó là ai rồi. Buông bỏ có nghĩa là “không có người điều khiển”.

Người đệ tử thứ hai, khi đau, nhớ tới lời khuyên này và buông bỏ người điều khiển. Chú ngồi yên với cơn đau, và cho rằng nó sẽ ra đi. Sau mười phút cơn đau vẫn như cũ, thế là chú phàn nàn là buông bỏ chẳng có hiệu quả gì. Tôi giải thích cho người đệ tử ấy rằng buông bỏ không phải là buông bỏ cơn đau mà là làm hòa với cơn đau. Sư chú này đã cố điều đình với cơn đau và nói : “Tôi sẽ buông trong mười phút, còn anh, cơn đau, sẽ biến đi. Được chưa?”
Như vậy chưa phải là buông bỏ mà là cố buông bỏ cơn đau.

Người đệ tử thứ ba, khi bị đau đã nói với cơn đau như thế này: “Này đau, tôi mở cánh cửa lòng tôi ra đây, anh cứ vào mà làm gì cũng được. Xin mời.”
Người đệ tử thứ ba này sẵn lòng cho phép cơn đau tiếp tục đến chừng nào cũng được, suốt cả quãng đời còn lại cũng được, tệ hại hơn cũng được. Chú cho phép cơn đau hoàn toàn tự do. Chú buông bỏ mọi sự chống cự. Thật sự buông bỏ. Dù cơn đau có ở lại hay ra đi cũng chẳng có gì quan trọng. Chỉ lúc đó cơn đau mới biến mất.
 
Trần Ngọc Bảo
trích dịch từ cuốn “Who Ordered This Truckload of Dung?
http://art2all.net/chantran/chantran_tho/tranngocbao

Không có nhận xét nào: