Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

“Tôi đi học” trong ký ức học trò xưa

Nhà văn Thanh Tịnh - Ảnh: internet

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Thanh Tịnh (12/12/1911-2011) và 70 năm ra đời “tôi đi học”

LTS: Chỉ một câu nhắc gợi: “Cảm nhận về “Tôi đi học” của Thanh Tịnh?” gửi đi qua email cho những người học trò xưa, có người nay đã ngoại thất tuần như nhà thơ Đông Dương (Toulouse - CH Pháp), Sông Hương lập tức đã nhận được nhiều nỗi niềm cảm xúc đồng vọng từ khắp nơi trên thế giới. Thế mới biết, hơn 70 năm từ khi ra đời, (1941-2011) “Tôi đi học” vẫn mãi lay động lòng người. Thanh Tịnh sống mãi cùng bao thế hệ học trò Việt Nam, bắt đầu với “Tôi đi học”...


Nhớ về Thanh Tịnh và “Tôi đi học”


THÁI KIM LAN


Trong tất cả những nhà văn Việt Nam, có người tôi quên nhiều nhớ ít hay ngược lại nhớ vô cùng hoặc quên bẵng mất, nhưng Thanh Tịnh và “Tôi đi học” với tôi không còn là một tên gọi một người - hầu như luôn hiện diện trong tâm thức, ở một góc nào đó thật chắc chắn của tâm hồn, cho dù dòng ý thức có biến chuyển muôn trùng. Thanh Tịnh vẫn có sức gợi nhớ đến nỗi chỉ cần có ai nhắc đến thì dù lòng có trĩu nặng muộn phiền đời là bể khổ, bỗng nhiên đổi sầu làm vui, một thứ vui nhẹ mà thanh, mà trong, làm chúm chím môi cười và nghe như thời gian hết tuổi, nghe như tâm từ bi còn rộng hơn cả lượng trời, mà thương tuổi đời đã đi qua. Một người bạn cùng niên phiêu bạt nhiều năm, mới đây gặp lại, chuyện đời xưa nhớ quên nổ ra như bắp rang, cái thời đi học ấy, từ thuở lúc thúc chim non đến trường cho đến khi khệnh khạng tú tài đại học… Ồ Thanh Tịnh, Thanh Tịnh hả? Ui chao… đang huyên thuyên bỗng anh chàng “quên quên” nhiều hơn “dớ dớ” ấy, đứng lên, đầu tóc đã bạc phơ, dáng người, đã oằn vì tuổi, cố chống lên đứng thẳng tắp trước mặt thầy cô, rồi tự mình làm lùn hơn cái lùn già một tí của đứa học trò lớp ba, rồi làu làu tuôn ra với giọng học trò thỉnh thoảng quẹt nước mũi non: “Tôi đi học, tôi đi học, a, buổi mai hôm ấy, ậm, buổi sáng mai hôm ấy, a… rồi ro ro: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Cả quãng đời thơ ấu vang lên, nhóm người đầu xanh vương bạc ngồi quanh như bị thôi miên, khóe miệng rung động, rồi ai chẳng nói với ai, mà nhẩm nơi môi những chữ đã nằm lòng. Và trong tôi cùng lúc hình ảnh một cô bé, trong bộ quần trắng áo cánh tay phồng đã được mẹ giặt chiều hôm trước, đang nắm tay chị cùng mẹ lúc thúc đến trường, buổi mai hôm ấy gió sớm phả vào mặt từng cơn, cây muối hai bên đường mờ đi trong hơi sương nhưng đôi mắt sáng ngời vì biết “hôm nay tôi đi học”.

Hoài niệm ùn như núi, quãng đời niên thiếu ấy đã được Thanh Tịnh đơn sơ ghi lại từng chữ. Đơn sơ như tuổi thơ. Có một tuổi thơ “đi học”, nguồn suối ấy chảy suốt cả đời người.

Chỉ cần “Tôi đi học”, thời khắc “vỡ lòng” ấy, nhà thơ Thanh Tịnh vẫn ở trong lòng của nhiều thế hệ.

Munchen, thu 2011
T.K.L


Thủ bút nhà văn Thanh Tịnh - Ảnh: sachxua.net

“Tôi đi học” lại trở về từ những kỷ niệm xa xưa


ĐÔNG HƯƠNG


Mới đó mà sắp sửa đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thanh Tịnh.

Hôm tháng chín rồi, có người bạn từ Mỹ qua Paris chơi, nhờ tôi đưa đi tìm quyển “Livre de mon ami “ của Anatole France.

Cô bạn nói muốn tìm lại khúc “la rentrée” trong truyện, hai đứa vào một quán café ngồi giở sách xem: La rentrée, “Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers diners à la lampe, et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues. Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et sa gibecière au dos, s’en va au collège en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le voit, car ce petit bonhomme est une ombre; c’est l’ombre du moi que j’étais il y a vingt- cinq ans. Vraiment, il m’intéresse, ce petit: quand il existait, je ne me souciais guère de lui ; mais, maintenant qu’il n’est plus, je l’aime bien...”.

Ngồi đọc với bạn đoạn văn, tui phải viết lại nó vì thời ấy, ai cũng có học qua đoạn văn này, nay đọc lại, tui nhớ đến “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh thầy đã cho học thuộc lòng song song cùng “La rentrée des classes” của Anatole France.

Tui nhớ lần đầu tiên đi học, tháng mười Huế lành lạnh, mạ tui gọi dậy sớm cho ăn điểm tâm, xong mặc cho tui chiếc áo đầm mới may, đưa cho tui cặp học mới còn thơm mùi da thú trong đó mạ tui đã sắp cho một tập vở có vài hình hoa mạ vẽ, một cây bút chì, một cây viết mực cán làm bằng khúc tre ngà, một lọ mực, tấm bảng đen và viên phấn, cục gôm...

Tui nhớ mình vừa mừng vừa lo vì không biết trường ở mô và cô giáo là ai? Rồi cổng trường hiện ra trước mắt, đó là trường Đồng Khánh mà ba tui dạy ở đây. Lúc nớ không biết tui phải làm chi, thấy đầy học trò, ba tui đưa tui tới lớp, không quen ai cả thấy lẻ loi. Nhưng vài phút sau, tới giờ vô học, cô giáo chỉ cho từng đứa chỗ ngồi, và tui cũng vừa làm quen với cô bạn ngồi cùng bàn tên Lai... Mấy năm sau, tui làm quen với đoạn văn dưới đây của Thanh Tịnh, thấy thích thú vô cùng: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh... Hôm nay tôi đi học”.

Ngỡ mình đã quên những kỷ niệm đầu đời, không dè hôm nay với Anatole France, “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh lại trở về từ những kỷ niệm xa xưa rất sống trong tui.

Đ.H



Một thời tươi trẻ trên sông Ô Lâu


VÕ QUANG YẾN


Người Huế nào mà không nghe nói đến “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, một nhà văn, nhà thơ có tiếng từ thuở tiền chiến. Nhưng tuy học ở Huế từ hồi bảy tuổi, tôi quá trẻ để có dịp gặp ông. Xấp xỉ tuổi ông anh cả của tôi, sau bằng Thành chung, ông đi dạy thì tôi đang còn ở tiểu học. Khi tôi lên trung học, vào lúc bắt đầu biết cảm phục những câu văn của ông trong các báo Phong Hóa, Ngày nay, Thanh Nghị,... cùng những tập truyện ngắn Quê Mẹ, Ngậm ngãi tìm trầm thì xảy ra cuộc đảo chính Nhật. Vào tuổi thanh niên năng động, yêu nước, ông dấn thân vào cách mạng và ra đi biền biệt trong những ngày kháng chiến. Vài năm sau đó tôi cũng ly hương cho đến sau này trên đất Pháp tôi mới có dịp đọc lại những trang sách hấp dẫn của ông, mê man với Hận chiến trường,

Các làng quanh Huế trong các truyện ngắn của ông mang những tên rất gợi: Viễn Trình, Đồng Yên, Hiền Lương, Vĩnh Trị,… Nhưng có một tên được ông đặc biệt luôn nhắc tới vì thắm đậm hương vị đồng quê là làng Mỹ Lý, một làng tuồng như chỉ có trong trí tưởng tượng của tác giả. Để đối chiếu với Mỹ Lý của Thanh Tịnh, tôi xin đưa ra làng ngoại của tôi, có thật chứ không phải đặt bày: làng Mỹ Cang, rất nhỏ đến nổi thường được gọi là thôn Mỹ hay Làng Hói. Nép mình trên bờ sông Ô Lâu, bốn mươi cây số phía bắc thành phố Huế, ở một khúc sông hằng năm bị lở lần nên sau mấy chục năm tha hương, khi tôi về thăm làng cũ thì con đường trước nhà cụ, mạ tôi không còn nữa. Cái nhà xinh xắn hai ông bà bỏ công suốt đời dành dụm xây cất cũng nhường chỗ cho một vạt sắn gầy guộc không hồn. Làng nhỏ, có đình nhưng không có chùa, không có trường học, chỉ có một ngôi chợ sớm được dời ra ở giao điểm các làng Phú Xuân, Phước Tích, Mỹ Xuyên, Mỹ Cang, cũng trên bờ sông Ô Lâu. Làng Hói là một làng quê có đặc điểm không có đồng ruộng phì nhiêu, nhưng lại có tiếng vì là làng của cụ Hồ Oai. Vị nầy là Quyền Chưởng vệ Long Võ quân có thành tích bảo vệ vua Tự Đức trong loạn Chày vôi của anh em Đoàn Hữu Trưng. Ông ngoại tôi là cháu đích tôn cụ Hồ Oai.

Cụ, mạ và chị tôi không có khả năng hướng dẫn tôi học hành, từ nhỏ tôi phải theo các anh tôi vào Huế học, nhưng mỗi kỳ nghỉ lễ Phục sinh, Giáng sinh hay nghỉ hè, chúng tôi lại về đây sáng học ôn, chiều thỏa thích vui chơi. Nhà có vườn trái đủ thứ, mặc sức hái ăn. Trước nhà có sông mát mặc sức bơi tắm. Cạnh đình làng có sân rộng, chiều chiều mặc sức chơi bóng với những thanh niên trong làng. Trên truông Phò Trạch gần làng, sim nhuộm tím đồi, nắng vàng êm dịu, chim chóc không thiếu, mặc sức chạy bắn với những chiếc ná cao su. Kỷ niệm êm đềm thích thú nhất là những đêm hè, trời nóng, chúng tôi đánh trần nằm ngủ trên sân trước nhà. Chuyện trò náo nức, lắm đêm không ngủ được. Thế rồi không biết từ đâu lại, một giọng hò mái nhì trữ tình vang vang dội trong không trung, đến gần rồi lại lan xa. Lúc đầu chúng tôi chỉ biết nằm nghe, dần dần cố ý trông chờ. Chúng tôi âm thầm chia sẻ nỗi buồn nồng nàn của cô lái đò cô đơn. Nhưng cô chỉ thỉnh thoảng chèo ngang trước nhà vài đêm một lần. Rồi một hôm, hết còn giọng hò mang lại lời thổn thức của cô lái đò. Chúng tôi trằn trọc thao thức chờ đợi, có khi tưởng như nghe tiếng sóng vỗ rì rào vào mạn thuyền, tiếng mái chèo xào xạc khua mặt nước, nhưng giọng hò thì tuyệt không. Thế rồi, hết hè, chúng tôi đành lòng trở vô Huế, tạm quên cô lái đò đã vô tình cống hiến chúng tôi những đêm hè rạo rực dưới vòm trời sao trăng sáng, trở lại với những vui buồn của thời “Tôi đi học”, những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường, những kỷ niệm đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa...

Hơn một nửa thế kỷ sau, định cư trên đất Pháp tuyết rét, mỗi lần đi dạo dọc con sông Seine đài các chảy ngang thành Paris phồn hoa, trong đầu óc tôi luôn văng vẳng câu văn “Tôi đi học” và điệu hò tha thiết những đêm hè trên sông Ô Lâu thôn dã của một thời xa xưa...

Xô thành cuối hè qua thu 2011
V.Q.Y

http://tapchisonghuong.com.vn

Không có nhận xét nào: