Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

ĐYNH TRẦM CA - VỪA TRÔI VỪA HÁT


( Từ trái qua phải : Họa sĩ -bạn của ĐTC - Đynh Trầm Ca- Linh Phương và Vũ Trọng Quang )

Tôi ghé Hà Nguyên Thạch đấu láo chừng mươi phút, Đynh Hoàng Sa đến. Vừa đẩy cánh cửa cổng thấp, Quý (tên của ĐHS) lớn tiếng: “hai cậu biết gì chưa ?”. Câu hỏi được bỏ dở cho đến khi anh bước lên thềm nhà: “mẹ kiếp, có thằng lỏi nào ở Vĩnh Điện copy bút hiệu của moi”. Tôi ngạc nhiên, nhìn anh hóng chuyện. Đồng (tên của HNT) cười mỉm, vừa hỏi vừa ngó Quý. “Nó copy ra sao ?” - “… đã biết có Đynh Hoàng Sa rồi, lại chơi Đynh Trầm Ca nữa”. Tôi thật tình “ Đâu có sao bạn. Đynh Hoàng Sa khác hẳn Đynh Trầm Ca mà, có gì là cóp đâu ?”. Qúy bực mình: “ Đọc lên thì đâu có gì, viết ra mới thấy…” . Quý giải thích luôn: “ moi đã chọn chữ i dài, thay chữ i ngắn trong cái họ của moi cho lạ. Chừ nó cũng cốp y như vậy… thật dở hơi” . Đồng và tôi cùng “à” một tiếng dài. Câu chuyện còn loanh quanh thêm một chặp. Không nhớ đi đến đâu.
Tôi biết nhà thơ Đynh Trầm Ca từ đấy. Dĩ nhiên mới chỉ được biết cái tên gọi.

Đà Nẵng có tiếng là thành phố lớn thứ hai của miền Nam, sau Sài Gòn, nhưng thật sự khá nhỏ, nhất là trong lãnh vực sách báo, viết lách. Gần như không có anh chị nào léng phéng đến với báo chí thủ đô, mà tôi không biết. Bản tính tò mò, ham đọc, lẫn thú muốn làm quen người này kẻ nọ, giúp tôi mở rộng phạm vi bè bạn vào đến tận Hội An. Thị trấn Vĩnh Điện nằm phơi cái xơ xác ngay trên quốc lộ một. Nơi đây tôi cũng đã được tiếp chuyện nhiều lần với những người đang say mê viết như Hoàng Thị Bích Ni (Nguyễn Phú Long, Nguyễn Kim Phượng), Hồ Luân, Nguyễn Nho Sa Mạc. Tôi không khó, để ghé qua Vĩnh Điện, cũng không nhiều trở ngại, để biết thêm chút ít về người làm thơ chưa quen, mang một bút hiệu thấp thoáng những nét nhạc.
Đynh Trầm Ca thuộc dòng họ khá hiếm. Anh mang họ Mạc. Với cái họ này, tôi chỉ quen tên năm ông vua, trị vì nước ta, từ năm 1527 đến năm 1592. (Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp). Không hiểu Đynh Trầm Ca họ hàng xa gần thế nào với năm ông vua này ? Tên thật của anh là Phụ. Gọi cả họ lẫn tên, gọn nhẹ hai âm Mạc Phụ. Một cái tên không tệ, nếu dùng làm bút hiệu cũng rất lạ. Một cái tên, mãi sau này, không nhớ rõ trong cơ hội nào, tôi đã nói lái thành mụ phạt, và suy ngẫm vớ vẩn: Cái anh chàng này, được bà mụ (Mụ ở đây là nhân vật tạo ra con người theo tưởng tượng của cổ nhân) nặn ra rồi cho thọ phạt luôn thật là…sướng. Phải làm thơ, phải viết nhạc, phải trôi nổi, chẳng phải là thi hành án phạt hay sao ? Nhưng những hình thức kỷ luật thật dễ thương, và chắc không ít người mong muốn được thọ phạt như vậy.
Đynh Trầm Ca bắt đầu thi hành án lệnh của bà mụ từ lúc nào ? Tôi không rõ. Vì dù đã biết anh là Mạc Phụ, nhưng tôi vẫn chưa có dịp làm quen. Thậm chí cũng chưa có dịp, nhìn dung nhan anh một cách tỏ tường. Một đôi lần tôi đã thăm hỏi về anh qua Nguyễn Nho Sa Mạc, Hoàng Thị Bích Ni, nhưng nhân dạng Mạc Phụ cũng rất chập chờn. Thời bấy giờ hình như anh làm thơ không nhiều, hoặc lười biếng nhờ tạp chí, tuần san ở thủ đô phổ biến. Cho mãi đến năm tôi đã mặc quân phục, cái danh Đynh Trầm Ca mới đến với tôi đậm nét hơn, nhất là sau ca khúc Ru Con Tình Cũ, ăn nằm cùng nhiều giọng hát quen thuộc. Sự ngưỡng mộ một người đồng hương (Quảng Nam) làm văn nghệ của tôi gia tăng. Nhưng sự tìm hiểu về tác giả mình mến thích vẫn dậm chân tại chỗ. Do đó tôi đã không được biết, Đynh Trầm Ca từng cho phát hành tập thơ Mắt Đêm vào năm 1969 dưới hình thức in ronéo. Tin này ông Hứa Xuyên Huỳnh cho biết qua bài viết “Lục bình phương nam trôi về cố quận”, phổ biến trên một trang web. Cũng qua bài viết này, tôi biết thêm tập Mắt Đêm của Đynh Trầm Ca từng “được một nhà nghiên cứu giới thiệu là ‘một trong 5 tập thơ tiêu biểu của năm’ ”. Thiếu sót của một người, tự cho là ham đọc như tôi thật đáng trách. Và nản hơn nữa, tổn thất lớn của tôi còn phải kể: vẫn chưa rõ mặt bốn tập thơ cùng được vinh dự với thi phẩm Mắt Đêm.
Cuối năm 1984, tại Sài Gòn, tôi mới thật sự được bắt tay nhà thơ Đynh Trầm Ca một lần. Còn nhớ, đêm đó tôi được họa sĩ Hoàng Trọng Bân đưa đến dự một bữa nhậu chia tay của bạn anh. Trong buổi nhậu, nghèo chất lượng, giàu nhân tình này, tôi được gặp lại nhiều bạn cũ: Hà Nguyên Thạch, Thành Tôn, Đynh Hoàng Sa… Ông Hương Quy (bút hiệu cũ cửa ĐHS) hình như đã xóa hết đố kỵ vì một chữ “ i ” với anh Mạc Phụ. Họ đã là bạn của nhau. Đêm đó tôi còn được nghe các quí danh Nghiêu Đề, Trần Dzạ Lữ, Chu Vương Miện, Phan Nhự Thức… Tôi có ý ngóng các anh Cung Tích Biền, Huy Tưởng, Lê Vĩnh Thọ, Phan Kim Thịnh, Phạm Thế Mỹ… nhưng không thấy đâu.
Buổi nhậu không chỉ có bia hơi, mực khô, vài món chiên xào gì đó, còn có cả thơ và nhạc. Người đông, quán chật. Tôi luôn luôn đóng trọn vai diễn của mình: dựa lưng ghế lắng nghe. Và thật hạnh phúc, tôi được nghe Đynh Trầm Ca đàn, hát. Ngón tây ban cầm của anh không quá xuất sắc. Giọng hát anh không trầm ấm bao nhiêu. Nhưng lạ một điều rất thân mật, rất cuốn hút. Đynh Trầm Ca trình bày một ca khúc, do chính anh phổ thơ của Hoài Khanh. Đó bài Ngồi Lại Bên Cầu. Thơ hay, bài phổ nhạc cũng thoát được cái vóc dáng thơ, tiết tấu, âm điệu thật tuyệt vời. Tôi nhớ như in trong trí như vậy. Còn thầm suy nghĩ, nếu Đynh Trầm Ca chọn âm nhạc làm con đường chính, để đến với sinh hoạt văn học, nghệ thuật chắc anh sẽ mau nổi danh hơn là nặng lòng với thơ. Thế nhưng, gần đây đọc lại, tôi không thấy trong danh mục sáng tác của anh, có bài tôi đã nghe. Anh thay đổi tên ca khúc ? hay trí nhớ tôi tồi tệ ? Nghi vấn thứ hai quả thật không thể có. Tôi hơi chủ quan ?
Thân tình bè bạn mà tôi mong có với Đynh Trầm Ca, hình như không có duyên. Ngay sau cái đêm gặp gỡ chuyện trò vài câu đó, tôi và anh không còn dịp nào gặp nhau. Tôi lạng quạng ở một phương tít mù xa. Anh trôi về nhiều ngã trên mặt đất quê hương mình. Tình bạn chưa bắt đầu nhưng chẳng bao giờ kết thúc, bởi chúng tôi còn mãi sợi dây thân tình, giữa người viết và người đọc. Đã hai mươi lăm năm trôi qua, và mười, mười lăm năm nữa không chừng, biết đâu tôi được bắt tay tác giả Ru Con Tình Cũ lần thứ hai.
Đynh Trầm Ca được sinh ra năm 1941, (có nơi ghi 1943?) tại Điện Bàn Quảng Nam. Mẹ anh thuộc dòng dõi họ Đinh. Anh dùng họ mẹ làm chữ đầu trong bút hiệu, sau khi đổi chữ “ i ” thành chữ “ y ”. Anh bắt đầu viết từ năm nào có lẽ chính anh cũng không nhớ chính xác. Nhưng thập niên 60 có nhiều người trẻ tại Đà Nẵng, Quảng Nam được báo chí Sài Gòn từ nhật báo đến tạp chí, in thơ, truyện. Trong số này có Đynh Trầm Ca. Ca khúc Ru Con Tình Cũ có lẽ là bước ngoặc lớn trong sinh hoạt chữ nghĩa của anh.
Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình buồn
Xin một đời thôi tiếc thương nhau
Xin một đời ngủ yên dĩ vãng
Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình sầu
Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay
Cho lòng này dài những cơn đau
Ôi ba năm qua rồi
Đời chưa nguôi gió bão
Người xa xôi phương nào
Người có trách gì không?
Thôi anh ơi anh đừng hờn trách nữa
Đời em như rong rêu tội tình
Xin gục đầu ghi dấu ăn năn
Thôi đừng buồn em nữa nghe anh .

(lời ca Ru Con Tình Cũ)
Tôi đã nghe ca khúc này qua các giọng ca Lệ Thu, Hải Lý… nhưng tình thật, tôi không thích nhiều. Trái lại khi nghe được bài Sông Quê (phần 3) từ một cuốn video ở Việt Nam gởi qua, tôi vô cùng xúc động. Ca từ của một người viết nhạc, xuất phát từ một tâm hồn thơ, chắc chắn sẽ dồi dào chất thơ. Vì thế tôi xem lời ca của Sông Quê 3 như một bài thơ.
Xưa chốn đây, tan trường về mình đi chung lối
Qua bến sông anh đưa đò người khách thân thương
Từng ngày qua nắng tàn, rồi mùa sau ngỡ ngàng
Đôi chim non hẹn ước bên con sông ngập nước
Dưới trăng thề, sẽ đi về bên nhau mãi mãi….

Năm tháng trôi đôi tâm hồn, chìm trong say đắm
Anh ước mơ xây cây cầu, rồi đón em sang
Nào ngờ đâu phũ phàng, một ngày sông sóng tràn
Em trôi theo mệnh số, Anh trôi trong bão tố
Vỡ tan rồi, vỡ mộng đầu, từ ngày bỏ xa quê….
Đây đất khách quê người, như cánh lục bình, vừa trôi vừa nở
Em cô gái quê nghèo, giờ đã sang giàu mà lòng vẫn thương quê
Anh vẫn là anh nghệ sĩ giữa phong ba
Nhớ quê viết bài ca thiết tha
Ôi những nhánh sông đã chảy về muôn hướng
Lòng vẫn chung cội nguồn…
Trong nhớ thương anh tìm về, giòng xanh dĩ vãng
Bên bến xưa nay cây cầu đà bắc ngang đưa
Dập dìu trong nắng hồng từng đàn em đến trường,
Vang vang câu cười nói, đưa nhau qua cầu mới,
Nối đôi bờ, nối đôi làng, nhưng ta đã lỡ …..
Em hỏi anh, con sông nào đời không chia rẽ
Em biết không, con sông nào cũng rẽ chia nhau,
Nhịp cầu mơ đã thành mà mình xa cách dần,
Sông quê chia nhiều nhánh, ta lênh đênh nhiều hướng,
Chẳng bao giờ, chẳng khi nào tìm được bến nước xưa …

(ca từ Sông Quê, 3)
Thế nhưng, thực chất ca từ ở Sông Quê 3 không gần với thi ca bao nhiêu, ngoài ưu điểm giàu hình ảnh và hài hòa màu sắc: “Từng ngày qua nắng tàn… Ôi những nhánh sông đã chảy về muôn hướng … Lòng vẫn chung cội nguồn…con sông nào cũng rẽ chia nhau…” Hình ảnh đẹp nhất, nói lên được cái thân phận, lẫn tâm sự của tác giả gói trong câu: “Đây đất khách quê người, như cánh lục bình, vừa trôi vừa nở” Đynh Trầm Ca đã rất tài tình và nhạy cảm khi nắm bắt được hình ảnh này. Thân phận của anh cũng không khác cái nhỏ nhoi của khóm lục bình không đất bám. Cuộc đời vô định, nổi trôi tùy theo sự đẩy đưa của dòng nước, của số phận. Tuy vậy, niềm hy vọng và sự lạc quan đủ để nuôi dưỡng một kiếp sống thanh nhàn và thong dong. Cây có đủ an nhiên để vừa trôi vừa nở. Người có đủ tĩnh tâm để cất lên tiếng hát. Ca khúc còn thành công ở sự kết thúc không có hậu, nhưng sát với thực tế.
Nhịp cầu mơ đã thành mà mình xa cách dần,
Sông quê chia nhiều nhánh, ta lênh đênh nhiều hướng,
Chẳng bao giờ, chẳng khi nào tìm được bến nước xưa

Kết thúc của môt cuộc tình không trọn, đã kéo được nỗi ngậm ngùi cùng cái buồn man mác đến vô cùng, rất phù hợp với sự ra đi không ngừng của một dòng sông. Sông Quê 3 kể một chuyện tình lãng mạn và thơ mộng. Tuy thơ không quấn quít trong từng câu, nhưng phần nhạc đã làm cho ca khúc sống được lâu bền trong lòng người thưởng ngoạn.
Sống trong cuộc đời là sống trong những di chuyển, những chuyến đi. Có những phiêu lưu vì tâm nguyện. Có những bôn ba vì mệnh số. Những chuyến di dời do kế hoạch, do mục đích hoặc chỉ do những tình cờ, đều có chung tính cách chuyển động và những phụ thuộc như chia ly, nhớ nhung, hoài niệm. Trong mỗi chúng ta, tôi tin rằng, vì hoàn cảnh hay vì một lý do nào đó đều đã có những thay đổi vị trí lưu cư nhiều lần. Đynh Trầm Ca cũng như chúng ta. Anh chỉ có thể hơn người khác ở chỗ biết ghi lại những cảm xúc, những ghi nhận của mình, trong từng chuyến xê dịch cùng cuộc sống. Những ghi nhận, lưu niệm của anh càng trở nên xuất sắc nhờ anh biết dựa vào thi ca. Có thể nói thơ Đynh Trầm Ca có nhiều nét nổi bậc. Sự phiêu bạt của anh là một trong những nổi bậc đó.
Để mô tả cho những đổi thay không gian của mình, anh đã rất thơ mộng, tinh tế, không dùng động từ “đi”. Chọn động từ “trôi” để thay thế. Động từ “đi” có đầy đủ quyền chủ động. Dù di chuyển bằng chân hay tàu, xe, muốn dừng nơi nào mình đều chủ động thực hiện. “Trôi” trái lại, hoàn toàn bị động. Bản chất của di chuyển tùy thuộc vào hoàn cảnh, địa thế và nhất là những bất ngờ. Động từ “trôi” còn nói lên được cái bấp bênh, cái vô định, cả những cường độ cũng không tự quyết định được. Nhưng “trôi” cũng không quên nói lên vẻ thư thái, phiêu bồng, lãng du.
Đynh Trầm Ca đã “trôi” như thế nào ? đã qua những đâu ? Những gì anh đã thấy ? Những gì anh đã nghe ? Những nét nào cuộc sống đọng cùng thơ anh ?
Sau 29 tháng 3 năm 1975, từ giã những năm tháng cầm phấn viết trên bảng đen, Đynh Trầm Ca cầm cuốc để gởi mồ hôi mình cho luống đất đã từng chôn-nhau-cắt-rún. Người nông phu bất đắc dĩ không phải vì thiếu tình với đất, nhưng cũng đã bứt áo ra đi, để từ đó trôi vào tận Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Sài Gòn… loanh quanh khắp miệt vườn miền Nam.
Soi trời, soi đất, soi nước, soi cả lên những người thân yêu, để thấy mình, để thấy thân phận mình không hơn một loài cây, không có đất bám. Hình ảnh của khóm lục bình, loại cây xanh già có hoa tím nhạt, cũng đích thực là một Đynh Trầm Ca phiêu lãng, đi tìm đời mà cũng để quên đời. Rất mừng, nhà thơ không đơn độc. Bạn đồng hành của anh dù là nhỏ nhoi như những đàn én, những nụ hoa, những dòng mây, những dòng phù sa… tất cả đều chân tình. Tình cảm giữa người và cảnh vật giúp anh sống trọn vẹn với hình ảnh, kỷ niệm cũ, xa vời. Giúp anh tin tưởng ngay trong dáng trôi vô định của mình. Chim còn bay, hoa còn nở, một con người có trái tim biết yêu đời không thể quên tiếng hát, câu ca. “Phương Nam Khúc Ca Trôi Dạt Của Khóm Lục Bình” đã gói được một góc hồn của nhà thơ, khi anh đang “trôi” qua Cần Thơ, Long Xuyên vào tháng 2 năm 1989:

Đi
như là trôi
ta lần về phương nam
phía bầy én giang hồ gọi xuân về rối rít
phía những dòng sông đỏ phù sa chảy xiết
ta gặp thêm những cụm lục bình
trôi

Trôi
trôi
và trôi…
ta dần xa bến cũ
mấy mươi năm gió nhớ thổi mù trời
vẫn muốn chở về sông mẹ những nguồn vui
dù ta chỉ nở được
hoa tím nhạt

Đi
như là trôi
tựa đóa mây nở trên trời luân lạc
có mong gì người ngắm phút giây
trong lang thang mây cứ nở đời mây
rồi tan loãng giữa vô cùng
bát ngát

Trôi
trôi
trôi…
bềnh bồng theo tiếng hát
khúc tráng ca cuồn cuộn chín sông rồng
ta,
lục bình vừa trôi vừa trổ bông
cỡi đầu sóng chở mùa xuân phiêu dạt

Phương nam phương nam
trôi đó đây
rải rác
những mảnh đời ngơ ngác tha hương
hẹn cùng nhau
trôi nhé
mà trổ bông
dẫu sóng bủa đầu vàm
sóng xô cuối rạch

Phương nam phương nam
xin cám ơn những dòng-sông-không-bao-giờ-ngăn-cách
những Lục Vân Tiên trong khí phách con người
xin cám ơn câu vọng cổ rất mùi
thấm trong hạt phù sa
đượm những tấm-lòng-cây-trái
gió chướng
mùa lên
ta còn trôi mãi
buổi qua đây
hoa nở
tặng đất này!

Cố hương cố hương
hun hút mây bay
đôi mắt mỏi ngóng mù sông bến đợi
đỉnh núi nhớ nghiêng mòn phương gió nổi
biển mẹ ơi
sao chưa gọi con về?

ừ,
thì thôi
ta sẽ cứ trôi
hỡi những khóm lục bình nở hoa tím nhạt
hoa nở tím trên đường trôi dạt
tỏa chút hương ngan ngát gửi quê nhà

Là nỗi buồn cất được tiếng ca.

Miền Nam giàu sông nước, kinh lạch, nên cùng với đời, thơ Đynh Trầm Ca thật phong phú những tình khúc cận kề với những bến sông, những dòng chảy. Cũng từ nơi đây, anh lượm được những hình ảnh, những hơi thở, những tiếng hát của đời sống kém may mắn. Những hình ảnh thật xác xơ, tội nghiệp, nhớp nhúa, bẩn thỉu, nhưng qua ngôn từ thơ, bỗng nhiên được lột xác để trở thành những vật có linh hồn, sống động một cách chân thành. Cây đàn cũ mèm, chiếc thau vàng ố, cô bé nhỏ nhoi, nỗi đau mênh mông, người và người, người và nước mưa,và nước sông, và nước mắt… Cả thế giới hắt hiu ấy như có chút gì chợt sáng lên từ một tấm lòng biết nhìn ra, biết nghĩ đến, rất “bất Chợt Trên Bến Đò Ngang” ngay trong lòng Sài Gòn, giữa những năm tháng đã qua khá lâu (tháng 5-1988) sau ngày được gọi tên là giải phóng. Trong túi Đynh Trầm Ca trống không khi anh thò tay định tìm một chút gì chia sớt. Nhưng trong lòng Đynh Trầm Ca nở được những nụ tình:
Chiều qua bến đò ngang
tình cờ nghe bài hát cũ
người hành khuất mù và cô gái nhỏ
cây guitar lạc phím
cũ mèm
chiếc thau nhôm móp méo
vàng ố
những đồng tiền

Cô bé hát
nỗi đau mênh mông của người tình phụ
chiều bay mưa hiu hắt dòng sông
khách qua đò cuối năm lưa thưa
có người dừng lại
mở bóp
tôi cho tay vào túi
rỗng không

Mấy mươi năm rồi người con gái qua sông
tôi viết lời ca sao buồn quá vậy?
những lời ca cho lòng tôi thủa ấy
ai biết bây giờ
bố con người hành khuất dùng để hát ăn xin

chiều rây rây những bụi mưa êm
kỉ niệm cũ không hề sống lại
trong tôi chỉ lóe lên câu hỏi
biết bố con người hát rong kiếm đủ sống không?

Dù trôi theo dòng chảy cuộc đời, Đynh Trầm Ca vẫn thong dong là một khóm lục bình, không bé mọn như một cách bèo. Có lẽ nhờ vậy anh đã gặp được khá nhiều may mắn nếu không muốn nói là ân sủng. Trong một ngày chắc chắn đẹp trời, anh đã trôi dạt đến Kế Sách Sóc Trăng để được nhập vào một cánh hoa hương sắc, mang quí danh là Giang. Từ đó bên mình anh, những nụ thương yêu theo nhau thơm ngát cả hành trình tiếp theo. Có thể nói, trên bước đường trôi nổi của anh, không bị những phiền lụy vật chất vẩn đục. Trong nhiều nơi chốn, anh luôn luôn được đóng vai một ông chủ hiền lành, dễ tánh, giữa những khách hàng chân chất dễ thương. Nỗi ngậm ngùi của Đynh Trầm Ca chỉ bơi quanh quẩn trong dòng nhớ thương quê nhà, nhớ thương những bóng hình đã trở thành kỷ niệm. Chúng ta dễ dàng bắt gặp:
buổi ta vác cây đàn ngang trường cũ
ai như em đứng ngó cuối hành lang
ai như ta ngồi mơ sau cửa lớp
có lẽ nào mình còn đó sao, Th…?
buổi ta vác cây đàn xa trường cũ
em vẫn còn chạy nhảy dưới hàng soan
nên ta đi mà hồn thì quay lại
níu vai cầu hát gửi khúc chia tan
buổi ta vác cây đàn vào gió cát
hồn không theo nên thân xác liêu xiêu
ném nốt nhạc lên chín tầng mây dạt
nghe quê người mưa rớt hột cô liêu
ta gục xuống những đường gai đã nhọn
máu từ tim ứa nở cánh phượng đầu
ta muốn hái tặng em ngày tháng cũ
chợt ngậm ngùi: ngày vui đã qua mau!
ngày vui đã phai trên màu tóc cỏ
cỏ còn xanh – đời xanh chẳng quay về
chỉ câu hát giữ em hoài bé nhỏ
nên ta thề: xin làm một kiếp ve!
để hát mãi về em thời đi học
cho trăm năm em vẫn nữ sinh hoài
(nhỡ có tiếc cũng xin em đừng khóc
đời không vui cho ta nhận riêng ai)
buổi ta vác cây đàn về quê cũ
qua dốc cầu gặp hồn nhỏ chơ vơ
hồn đứng với ba mươi năm hoài niệm
bên trường xưa (em có gặp bao giờ?)
ta lại vác cây đàn đi tứ chiếng
hồn theo ta qua những chốn mịt mùng
mây viễn phố bao chiều thay áo nõn
ta nâng đàn thương nhớ phá lên cung

(cây đàn thương nhớ)
Những mối tình thoảng qua, chín phần mười nằm trong tưởng tượng một chiều. Nhưng sẽ là những vết sẹo nho nhỏ ngủ yên một góc khuất. Gặp một cơn gió xưa, gặp một một mùi hương cũ, bất ngờ vết sẹo nhói lên một chút. Và chỉ một chút thôi đủ cho ngôn ngữ dính lại thành thơ. Vết sẹo trong góc khuất của Đynh Trầm Ca, có lẽ khởi từ ngôi trường Nguyễn Duy Hiệu ở Điện Bàn, nơi có cây cầu đứng cạnh. Đynh Trầm Ca đã gói hồn mình trong những nốt nhạc, ném lại đó. Mãi đến ba mươi năm sau anh mới gặp lại hồn mình, để cùng hoài niệm cho một “cuộc tình sớm nở sớm đi qua(Nguyễn Nho Sa Mạc).
Chưa hết, những chiếc nón, những suối tóc, những tiếng chân…không vô cớ, mà do chính anh phải nhẫn nhục nhịn đau để trân trọng mời vào trái tim mình, cho dẫu mai sau mang hoài những vết sước:

Nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ
Nghiêng nghiêng suối tóc xõa bờ vai ngoan
Lòng tôi nghiêng một suối đàn
Xôn xao hoa lá, nồng nàn âm thanh
Em khua chi những bước chân
Trái tim tôi rụng và lăn trên đường
Gót son ơi, cứ bình thường
Tặng cho tôi một vết thương ban đầu
Tôi thề tôi ráng chịu đau
Mai em cảm động và khâu lại giùm
Nếu vô tình cứ tung tăng
Trái tim trầy trụa vẫn lăn theo hoài !

Dĩ nhiên vẫn chưa thể dừng lại. Và chẳng ai có thể cầm dao dọa các ngài thi sĩ, nhạc sĩ, bảo đừng viết những tình khúc. Cuộc tình cứ tiếp tục vẩn vơ trong sự “ngu ngơ không biết đời trưa hay chiều” ấy, luôn luôn giàu những hình ảnh đẹp như “giọt ngâu rớt trúng chỗ nằm” như “tiếng gàu” rơi ở ngoài giếng. Giản dị, đơn sơ nhưng đủ để “…tim tôi chợt nhói đau” đến suốt một đời:
mùa thu sao lá không vàng
sân rêu, khóm cúc đã tàn từ lâu
em đi xa tự năm nào
để cho cam quýt mậm đào bỗng chua
tôi về vườn cũ ngày mưa
ngu ngơ không biết đời trưa hay chiều
từ ngày lạc dấu thương yêu
tôi đi về phía quạnh hiu đất trời
mùa thu, sao lá không rơi
ngồi nghe vàng rụng vào thời xa xăm
giọt ngâu rớt trúng chỗ nằm
em làm sao biết đời căm lạnh rồi
có ai về đó cùng tôi
phải em ngoài giếng làm rơi tiếng gàu ?
sao tim tôi chợt nhói đau
vết bùn chân nhỏ in ngoài cầu ao
tiếng em cười tự thu nào
mà nghe rúc rích bên rào giậu thưa
em gọi tôi ở ngoài mưa
hay cơn gío lạnh nào vừa qua sông ?
sao em không chọn mùa đông
mà đi lấy chồng lại đúng mùa thu
để vườn cũ giữa thâm u
để tôi sống giữa sa mù chiêm bao !

(thu xưa)
Hậu quả của nhớ nhung làm giàu cho thi ca. Nhưng thường thường khiến cho những người, mang đến cho thi sĩ cuộc tình lớn bị tổn thương. Cho dù có giỏi hàm hồ, ngụy biện: “…thơ thì thường vu vơ / nhiều khi toàn tưởng tượng/ dù viêt về một ai / cũng bằng tim em cả…” (Luân Hoán) cũng không thể xóa đi những ngờ vực, những hờn lẫy. Biện pháp tốt nhất để các nàng thơ chính, giữ độc quyền cái bình thơ của mình, là đốt đi những tàn xưa dấu cũ. Nhà thơ Đynh Trầm Ca bị lâm vào cảnh này. Một cảnh mà anh cho rằng “Một Kiểu Chết”. Hy vọng anh chỉ chết qua từng giai đoạn ngắn.
bản nhạc này anh viết cho cô nào ?
vợ tôi hỏi kèm theo vài giọt lệ
và như thế, tôi gom nhạc, xé !
những khúc tình ca tha thiết hồn nhiên
bài thơ này anh bóng gió xỏ xiên
sau cành hoa ai là con rắn nấp ?
và như thế, tôi gom thơ, đốt
những bài thơ từng cứu tôi khỏi điên
gia đình tôi bắt đầu cuộc sống bình yên
riêng hồn tôi lần lần vào cõi chết

(một kiểu chết)
Tôi ngờ rằng trong câu đầu, Đynh Trầm Ca đã sửa chữ áp cuối. Hoặc chị Giang còn quá lịch sự nhẹ lời chăng ?. Chuyện tình đầu ấp tay gối, thỉnh thoảng phải có những chiêu như vậy để hâm nóng, chắc nhà thơ không buồn.

Cuộc trôi nổi của Đynh Trầm Ca khởi đầu, ít nhiều mang tính chất tha phương cầu thực, nhưng dần dần biến chất thành một chuyến giang hồ đầy thú vị. Nhà thơ không viết “hành ca phương Nam” như thi sĩ Nguyẽn Bính. Bởi chính cuộc đời của anh đã là bản hành ca này. Có thể chính Đynh Trầm Ca và người bạn nhỏ tuổi hơn anh trên một con giáp, ông Hứa Xuyên Huỳnh, cho rằng: mọi việc đến với Đynh Trầm Ca đều tình cờ, ngay việc trở thành “người nổi tiếng tình cờ”. Tôi không nghĩ vậy. Nếu không có một tâm hồn nhân hậu, một tài nghệ súc tích, chẳng có sự tình cờ ngẩu nhiên tìm đến với ông họ Mạc. Góp tay vào hai yếu tố căn bản trên, Đynh Trầm Ca còn có một lực lượng bè bạn đáng kể, luôn luôn nhận ra được giá trị hiếm quí của anh. Những Hàn Phong Lệ (Vũ Hữu Định), Tô Như Châu, Hạ Đình Thao, Nguyễn Tịnh Đông, Nguyễn Miên Thảo, Nguyễn Hữu Thụy, Nguyễn Tam Phù Sa, Uyên Hà, Phan Xuân Sinh, Lại Quảng Nam, Lý Đợi, Hà Nguyên Dũng, Nguyễn Nho Nhượn, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Nho Châu, Phạm Ngọc Lư, Phương Tấn, Hoàng Lộc, Linh Phương, Vũ Trọng Quang, Quốc Dũng, Tiến Luân, Thùy Linh, Hứa Xuyên Huỳnh, Mường Mán, Hà Nguyên Thạch, Đynh Hoàng Sa, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Cung Tích Biền, Phạm Phú Hải, Đoàn Huy Giao, Xuân Thao, Lâm Anh, Nguyễn Đốc, Kiều Uyên, Lê Anh Huy, Lê Văn Trung, Nguyễn Nho Sa Mạc, Hoàng Quy, Hồ Đắc Ngọc, Trần Ninh Hồ, Phạm Hữu Quang, Yên Uyên Sa, Phạm Thường Gia, Lộc Vũ, Đạng Ngọc Khoa…Và còn nhiều nữa đã và đang vỗ tay, chờ anh nắn những dòng chữ mới, gieo thêm những nốt nhạc lạ.
Sẽ thiếu sót khi lên danh sách bằng hữu của Đynh Trầm Ca, mà quên nhắc một người bạn chí thân của anh, cũng là huynh đệ của các bạn anh. Người bạn mềm mại, yểu điệu hơn cả thục nữ đó, mang tên cúng cơm là Rượu.
Trong giới sinh hoạt văn nghệ, có lẽ không nhiều người thuộc Tửu-đức-tụng của Tự Bá Luân (người đời Tấn Trung Hoa, thường được gọi Lưu Linh), nhưng gần như đa số dan díu với rượu. Rất mừng không ai thuộc dạng “sáng say chiều sỉn tối xà quần”. Họ uống để tạo nguồn cảm hứng. Họ uống để giải sầu. Xin hãy tạm chấp nhận những lý do chính đáng như vậy. Bởi ông lẫn bà văn nghệ sĩ nào khi say rượu cũng rất nho nhã, thanh tao. Chỉ nhìn riêng những người làm thơ, từ Trần Tế Xương, Tản Đà, Vũ Hoàng Chương… đến lớp hậu sinh đều đã say trong… văn tự rất đẹp. Những người làm thơ mang họ chung Quảng Nam nổi tiếng cục mịch, nhưng khi có rượu vào, lời cũng ra… như thơ. Một thi sĩ lớn của Quảng Nam, có lẽ nhờ phục nể rượu, nên đã vui vẻ:

hoan hô đại tướng hải âu
tầm sưu túy diệu hương màu sâm banh
khề khà wých ký đã đành
còn thêm vốc ká mỵ lành liên xô

(Bùi Giáng – thơ BG, Việt Thường, Montréal xb)
Ấy vậy, nên Tường Linh có rượu với Chén Rượu Năm 20, Uống Rượu Với Ông Lái Đò Bến CũTạ Ký có rượu với Khi Tỉnh Rượu…Vũ Hữu Định có rượu với Quê Rượu, Đêm Mưa Thiếu Rượu Nhớ Lý Hạ… Lê Hân có rượu với Rượu HoaLưu Nguyễn có rượu với Ông Ký Rượu…Nguyễn Đông Giang có rượu với Mùa Xuân Uống Rượu Một Mình… Thái Tú Hạp có rượu với Say Chút Rượu Trầm Luân… Hà Nguyên Dũng có rượu với Uống Rượu Cùng Thơ, Lời Say Với Rượu… Hoàng Lộc có rượu với Bỏ Làm Thơ Đi Uống Rượu, Về Hội An Uống Rượu Đợi Người… Phan Xuân Sinh có rượu với Uống Rượu Với Bạn Hiền, Ly Rượu Đầu Xuân… Mạc Phương Đình có rượu với Rượu Và Bạn… Lê Văn Trung có rượu với Uống Rượu Một Mình Nhớ Lý Bạch… Nguyễn Hữu Thụy có rượu với Ngẫu Hứng Về Rượu… Nguyễn Tam Phù Sa có rượu với Rượu Cuối Năm, Chị Ba Đãi Rượu…Đynh Hoàng Sa có rượu với Bốn Ly Rượu…Luân Hoán có rượu với Bạn Và Rượu… Trần Yên Hòa có rượu với Rượu Tỉnh Say…Và dĩ nhiên Đynh Trầm Ca có rượu với Rượu Cuối Năm Bên Bờ Kinh Phương Nam
Rượu cuối năm, rót cuối bờ kinh
Ngọn gió chướng thổi se lòng nước
Ta và bạn làm sao biết được
Bởi vì đâu so đũa nở trắng bông
Bởi vì đâu rượu đắng ở cuối lòng
Cứ nồng ấm những hồn lãng bạt?
Bèo bữa trước vì sông mà trôi giạt
Chợt chở hoa về rợp bến quê nhà
Thì sá gì cuộc nổi trôi ta!…

Rượu cuối năm gõ chén hát xuân ca
Nghe cuối bãi tiếng doi đất… lở!
Nghiêng mé nước gốc mai già vẫn nở
Bạn và ta còn thua cỏ cây nhiều
Mới mười năm theo chim vịt kêu chiều
Mà gió thổi muốn rách hồn kiêu bạc

Rượu cuối năm, cất không lên tiếng hát
Khúc xuân ca hiu hắt giọng trầm ca
Nâng chén hoài hương gục nhớ mộ cha
Gió thổi miết chắc chẳng còn thấy nấm
Nâng chén tình quê thương mẹ già lận đận
Sinh con ra, chất thêm lấy lượng sầu
Nhà trống – tàn niên – chẳng thấy con đâu
Gió hú mãi trên tháp Hời u uất
Gió chi thổi năm mươi năm không dứt
Xô ta trôi đến rạch cuối kinh cùng
Ơi lục bình vừa trôi vừa trổ bông
Ta và bạn có lẽ nào chìm rã ?…

Rượu cuối năm, lòng say mà chưa đã
Thêm một ly để cảm tạ đất này
Thêm một ly gởi tới những tầng mây
Để cuối kiếp ta trôi lên… thường trú!
Thêm ly nữa để thương bờ đất lở
Mai lở thêm thì nhà ta cũng trôi thôi!
Đời biển dâu hề dâu biển là đời
(Đừng chửi tục (…!) giao thừa sắp đến!)
Chín nhánh rồng thiêng có trăm nghìn bến
Đời thơ ta cứ tấp, cứ đi!…

Rượu cuối năm, gió lọt lòng ly
Vọng tiếng hú ma Hời thương quê cũ
Đêm viễn xứ vang vang pháo nổ
Giao thừa giao thừa hề ta lăn quay
Rượu hết rồi làm sao chết giữa cơn say!…


hoặc Qua Sông Uống Rượu[/B]:
Nhìn qua sông – nhà rách
Tươm tướp gió sau hè
Người nhìn gì sông rộng
Ta nghe nước … lòng se!

Qua sông – chiếc thuyền nhỏ
Sông đưa năm cô hồn
Tạt nhà ngươi uống rượu
Sáu cô hồn trôi sông

Trôi sông hề trôi sông
Lạc chợ hề lạc chợ
Giữa cõi đời man rợ
Sợ gì bước long đong

Qua sông hề qua sông
Gió xé thơ phiêu bồng
Ta xé lòng tri ngộ
Tặng nhau hạt máu hồng!

(28.8.1990)

Tôi không dám níu theo bước thơ của Đynh Trầm Ca, để tìm nỗi tình anh trong hương rượu. Tuy vậy, tôi xin phép thuật lại một chuyện có liên quan đến bài Rượu Cuối Năm Bên Bờ Kinh Phương Nam.
Cách đây mấy tháng, tôi tình cờ đọc được một số điện thư (email) của một nhóm bạn yêu thơ, làm thơ, gởi cho nhau. Một bài lục bát viết về rượu được gởi đến chung cho nhiều người, (bạn tôi có trong nhóm này). Người gởi bài thơ không quên kèm theo lời giới thiệu và vài dòng Mao Tôn Cương (bình luận gia văn học, người Trần Châu, tỉnh Giang Tô, đời nhà Thanh, Trung Hoa). Đại khái bài thơ có hồn, uyển chuyển vv… Một người khác, tuy đồng ý bài thơ hay, nhưng xếp bài đó vào loại “trữ tình” thay vì xếp vào chỗ đứng của rượu. Để minh chứng cho ý kiến của mình, người này gởi kèm bài thơ của Đynh Trầm Ca (RCNBBKPN) và cũng không quên lý giải. Cụ thể “làm thơ về rượu thì có lẽ không nên dùng lục bát. Trong rượu dường như có sẵn một thứ hào khí nào đó, mà trong thơ lục bát không có. Thơ lục bát, có lẽ, thích hợp cho sự say… tình. Còn thơ lục bát say rượu thì, dường như, giống cô gái… có râu!” (trích nguyên văn của nhà thơ T.K). Ông nhà thơ này còn tán rộng hơn, đại khái có “nhiều cái say”, “nhiều trạng thái say”, “nhiều cấp độ say” và “cái say của kẻ (thi) sĩ thường do thất chí”. Một vài người khác nhập cuộc, và bài Rượu Cuối Năm Bên Bờ Kinh Phương Nam được khen ngợi tưng bừng:
– Giàu hình ảnh với những câu thơ rất đẹp:
“…Ngọn gió chướng thổi se lòng nước / Bởi vì đâu so đũa nở trắng bông Nghe cuối bãi tiếng doi đất… lở! / Nghiêng mé nước gốc mai già vẫn nở / Bèo bữa trước vì sông mà trôi giạt , Chợt chở hoa về rợp bến quê nhà / Gió hú mãi trên tháp Hời u uất / Chín nhánh rồng thiêng có trăm nghìn bến…”
– Phản ánh rõ nỗi chua xót cùng cay đắng:
“… Bởi vì đâu rượu đắng ở cuối lòng, Cứ nồng ấm những hồn lãng bạt?/…Bạn và ta còn thua cỏ cây nhiều, Mới mười năm theo chim vịt kêu chiều, Mà gió thổi muốn rách hồn kiêu bạc…/ Nâng chén hoài hương gục nhớ mộ cha, Gió thổi miết chắc chẳng còn thấy nấm /
– Thể hiện được cái khí khái, cốt cách của một kẻ sĩ trong giai đoạn thất thế:
“…Thì sá gì cuộc nổi trôi ta!…/ Thêm một ly gởi tới những tầng mây, Để cuối kiếp ta trôi lên… thường trú!/ (Đừng chửi tục (…!) giao thừa sắp đến!)/ Đời thơ ta cứ tấp, cứ đi!…”
Dĩ nhiên được đọc ké cuộc bút đàm trên qua ngã internet, tôi vô cùng vui vẻ. Những lời bình đơn giản, nhưng tôi nghĩ rất thích hợp với bài thơ về rượu của Đynh Trầm Ca. Bài thơ hay, đọc sảng khoái, thiếu chút nữa tôi… phỏng tác. Nghe đâu bài thơ này cũng đã bị một người làm thơ khác mượn đỡ một số câu, số ý. Việc làm không đẹp này, bị nhà thơ Nguyễn Hữu Thụy phát hiện, và “bứt xúc” tin cùng ông nhà văn Nguyễn Đình Bổn. Thế là trong mục Văn Chương Và Tôi của nhà văn này, đã có một bài lên lớp khá nặng tay. Không hiểu Đynh Trầm Ca buồn hay vui.

… giang hồ nào có ai phong ấn
mà cũng từ quan , trở lại quê…”

(Vũ Hữu Định)

Chuyến trôi theo đời dù già năm tháng đến đâu, người thơ từng cuốc bẫm cày sâu cũng đã trở về trên nền cũ của tổ tiên mình. Trong khoảnh khắc tôi hình dung thấy anh quì gối trước mẫu thân, người đã đội trên đầu tròn một trăm năm cay đắng, vui buồn. Tôi biết chắc những câu thơ, những nốt nhạc trong lòng anh tượng hình, nhưng dễ gì viết lên giấy. Chúng bát ngát quá, chúng đậm đà, sờ được, nắm được, nên nhất thời anh đành dành ưu tiên giữ riêng cho mình một thời gian. Bãi phân gà trên bậc cửa, ổ tò vò dưới mái hiên…. những hình ảnh bé nhỏ, hèn mọn nhất đều nhất loạt cúi chào, nghênh đón một người thân thương đã trở về. Không hiểu bao lâu sau đó, Đynh Trầm Ca mới bớt xúc động ? Quốc lộ 1 trước mặt. Ao rau muống sau lưng. Ngã rẽ xuống Hội An. Bến xe về Đà Nẵng. Cổng trường bên dòng sông. Ai đã từng “sợ hồn bay nên níu chặt vai cầu” ? (Hà Nguyên Thạch). Và Th. có phải là Thoan, một thời Đynh Hoàng Sa cũng si tình ? Những hình ảnh tôi vừa kể, những vóc dáng tôi chưa gọi lại, nhiều lắm, không chỉ vừa đến chào hỏi nhà thơ, mà ngay khi anh còn ngồi trên phi cơ, trên con thuyền, trên xe đò, anh đã gặp chúng. Bởi thật ra trong bao năm qua, tất cả quê nhà, tất cả hương sắc Vĩnh Điện đều cùng trôi với người làm thơ.
Cùng qui cố hương với Đynh Trầm Ca còn có những vẫy tay tiễn đưa của bè bạn, Nhà thơ Nguyễn Hữu Thụy, trải lòng ra:

“Buộc phải lên tàu- hề ! qui cố hương
Riêng ta biết ước mơ Người vẫn chảy
Có những điều mắt thường không dễ thấy
Cảm thông nhau như một nỗi buồn

Ba mươi năm đổi đời di dân
Nơi nào đến cũng đường cùng đất dữ
Nay về lại quê xưa chốn cũ
Bạc áo giang hồ- xếp mộng văn chương

Câu thơ tiễn Người xuống ngựa buông cương
Kết thúc giữa ngày sinh ly tử biệt
Nói sao hết những điều không cần thiết
Nhớ đến nhau thầm lặng một nỗi buồn”

(Như một nỗi buồn – Nguyễn Hữu Thụy)

Thiếu tài làm thơ, chưa là bạn đích thực, từ phương xa, tôi cũng xin gởi lời mừng anh, Đynh Trầm Ca, tiếp tục làm một ông chủ quán. “Cà phê Thạch Trúc Viên được dựng trên nền đất cũ của Tổ tiên nhạc sĩ. Thoáng, rộng và xinh đáo để” (Đặng Ngọc Khoa). Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ có dịp thầm lặng đến thăm quán này. Tôi hứa với chính mình sẽ ngồi im lặng, để ngắm ông nhạc sĩ làm thơ, có vóc dáng thế nào, khuôn mặt có giàu phong trần mà qua ảnh chụp tôi không đọc hết. Một bạn đọc không thể sánh với một người bạn văn nghệ, nhưng biết đâu, tình cờ chính tay nhà thơ mang cho tôi một tách cà phê nóng, sóng sánh những thơ. Đynh Trầm Ca nổi tiếng có nhiều tình cờ, thêm một tình cờ bình thường nữa, chắc không sao ? Biết chừng đâu anh lại có lợi, bởi tôi định bụng sẽ nói nhỏ vào tai chị Giang, “ xin chị đừng là ngọn lửa đốt thơ tình của anh nữa, chị hãy là ngọn gió thổi tình anh bay xa hơn”
Đynh Trầm Ca thấy chưa, bà chị tôi đang bao dung mỉm cười.

http://my.opera.com/hoadongphuong/blog/2011/12/07/van-hoc-ha-khanh-quan-3

Không có nhận xét nào: